SỰ TÍCH BẢO NINH VƯƠNG : THẦN CHẰM LÂM ĐÀM
Chu Văn An có nhiều học trò giỏi, trong đó có một người học trò đặc biệt đi vào huyền sử của cả vùng nam sông Tô Lịch.
Theo sự tích lưu tại Miếu Gàn nơi thờ người học trò thủy thần của Chu Văn An :
– Thời thày Chu Văn An dạy học ở làng Huỳnh Cung, có một chàng trai trẻ, vẻ ngoài tuấn tú, không biết từ đâu đến xin học. Bạn đồng môn lại thấy người học trò này từ đầm Lâm Đàm (còn có tên là hồ Linh Đường, nay là hồ Linh Đàm) đi đến trường và đã thưa với thầy Chu, nhưng thầy không nói gì. Một hôm nhìn thấy trên chỏm đầu của người học trò có cánh bèo tấm, thầy Chu Văn An biết đó là con vua Thủy Tề.
– Gặp năm trời làm đại hạn kéo dài, đồng ruộng khô nẻ, lúa mùa nắng cháy, nhân dân lo lắng. Hôm ấy, sau buổi học, thầy Chu Văn An hỏi học sinh ai có cách gì giúp dân vượt qua thiên tai khắc nghiệt. Trước lời khẩn thiết của thầy, người học trò thủy thần thưa với thầy: “Con biết là trái lệnh thiên đình thì sẽ bị trừng phạt nhưng con xin làm để giúp dân chống hạn, cứu lúa”. Sau đó thủy thần lấy hai nghiên mực đen, một nghiên mực đỏ và bút lông, đem ra giữa sân, mài mực đầy nghiên, rồi ngửa mặt lên trời đọc chú, cầm bút mực, vẩy lên trời. Ngay lập tức, mực đỏ vung lên trời thành sấm chớp ầm ầm, mực đen vung lên trời thì mây đen kéo đến, mưa rơi tầm tã, nước đen như mực.
– Sáng sớm hôm sau, người ta thấy xác một con thuồng luồng bị sét đánh chết nổi trên mặt đầm. Chu Văn An được tin này, biết đó là người học trò Thủy thần của mình đã hy sinh để làm mưa giúp dân. Thầy vô cùng thương tiếc, đã cùng dân làng quanh vùng vớt xác thuồng luồng làm lễ an táng chu đáo.
Để tỏ lòng nhớ công ơn của Thủy thần, nhân dân bảy làng quanh vùng đã lập đền thờ Thủy thần làm Thành hoàng. Đó là
– Bằng Liệt (đình Bằng Liệt), nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai
– Tứ Kỳ (đình Tứ Kỳ), nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai;
– Pháp Vân (đình Pháp Vân), nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai;
– Linh Đường (đình Linh Đàm), nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai;
– Đại Từ (đình Đại Từ), nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai;
– Tựu Liệt (đình Tựu Liệt), nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì;
– Lê Xá (đình Lê Xá), nay thuộc huyện Thanh Trì;
– Hữu Hòa (đình Hữu Hoà), nay thuộc huyện Thanh Trì.
Thần được các triều đại sắc phong là Thượng Đẳng Thần Bảo Ninh Vương, trong Lĩnh Nam Trích Quái gọi là thần Chằm Linh Đàm.
VÙNG ĐẤT CỦA THẦN CHẰM LINH ĐÀM TRONG CA DAO, TỤC NGỮ
ĐẦM LINH ĐÀM
Đầm Linh Đàm từng có nhiều tên gọi trong quá khứ, theo tên của các làng cổ ở ven đầm như Linh Đường (tên cũ của làng Linh Đàm), đầm Vân (Pháp Vân), đầm Đại (Đại Từ). Đại Nam nhất thống trí có chép về đầm như sau: Đầm Linh Đường ở huyện Thanh Trì. Đầm này ôm quanh làng Linh Đường, chu vi 12 dặm, hình như mặt trăng mới mọc, trong suốt như gương, cũng có người gọi là Nguyệt Kính hồ. Hồ thường sản nhiều hoa sen, nên cũng có tên gọi là Liên Đàm. Hồ này có đánh thuế thủy lợi.
Đầm Đại Từ hoa sen thơm ngát
Giếng Đại Từ nước mát trong xanh
Dòng Tô uốn khúc lượn quanh
Đất nuôi trẻ nhỏ lừng danh trong ngoài.
HUỲNH CUNG – NƠI THÀY CHU VĂN AN DẠY HỌC
Huỳnh Cung là nơi Chu Văn An dạy học và vị Thuỷ Thần theo học. Huỳnh Cung nằm xuôi hơn ở phía nam của con sông Tô so với làng Quang Liệt quê hương của thày Chu Văn An và làng Bằng Liệt.
ĐẦM MỰC CỦA THUỶ THẦN
Nơi nghiên mực rơi xuống đã biến thành đầm nước có màu đen nên dân gian gọi là Đầm Mực. Đầm Mực nằm trên đất giữa hai làng Quỳnh Đô và Vĩnh Ninh.
Làng Quỳnh Đô tên Nôm là Giả Quỳnh hay Kẻ Đô. Làng Vĩnh Ninh xa xưa có tên là trang Vĩnh Hưng Đặng, nên còn có tên Nôm là Kẻ Đặng. Hai làng nay hợp nhất thành xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì.
Bến Quỳnh Đô xưa kia rộng rãi, bằng phẳng, kề cận sông rộng (thuyền có trọng tải một vài tấn đều đi được), có Cầu Giả (cầu Quỳnh Đô) xây bằng gạch bắc qua, vừa để nhân dân đi lại thuận tiện, vừa tạo ra nét đẹp duyên dáng, mềm mại cho dòng sông. Sông đã rộng, nước lại vừa trong và mát, hợp cùng với làng xóm, ruộng đồng thành một cảnh quan thơ mộng. Nhiều người coi bến Quỳnh Đô chính là Bến Thanh Trì- một trong “Thăng Long bát cảnh” (tám cảnh đẹp của Thăng Long) mà người Thanh (Trung Quốc) từng vịnh thơ ca ngợi cuối thế kỷ XVIII. Với vị trí đẹp và thuận tiện này nên suốt thời Lê (1428 – 1787), làng Quỳnh Đô là lỵ sở của huyện Thanh Trì.
Nước mắm Kẻ Đô, cá rô Đầm Sét
Một bộ phận lớn diện tích đồng ruộng làng Quỳnh Đô nằm trong khu vực Đầm Mực. Nhờ có nguồn tôm cá đồng trũng mà làng có nghề làm nước mắm.
Lò vật Quỳnh Đô, giỏ cua Cổ Điển
Người làng Quỳnh Đô có truyền thống thượng võ. Đây là đất vật nổi tiếng.
Làng Quỳnh Đô có ngôi đình thờ vọng Tô Hiến Thành, vị Thái úy Phụ chính thời Lý, dưới hai triều Anh Tông (1138 – 1175) và Cao Tông (1176 – 1179) và ngôi chùa Linh Thông dựng từ thời Lê nhưng được sửa chữa nhiều vào thời Nguyễn.
Làng Ngọc Hồi (gồm làng Ích Vịnh và Lạc Thị) nằm ở phía Nam của Quỳnh Đô xuôi theo sông Tô Lịch cũng thờ Tô Hiến Thành. Đây là ba làng của Kẻ Giả.
Vĩnh Ninh là một làng cổ. Theo thần phả trong đình thì vào thời Hùng Vương thứ sáu, dân làng đã theo Xà Công (Ông Rắn) và Bạch Công (Ông Đất) đánh giặc Ma Lôi và Xích Tỵ (giặc Mũi Đỏ). Cả hai vị được dân làng thờ làm thành hoàng.
Đình Vĩnh Ninh còn gọi là đền bà Tía vì đình còn thờ Nàng Tía, một nữ tướng của Hai Bà Trưng. Khi xưa, làng Vĩnh Ninh có một người phụ nữ, nằm mộng thấy được thần tiên tặng cho đóa hoa sen mà có thai. Ngày 25 tháng Giêng năm Ất Dậu (25), bà sinh ra nàng Tía. Bố mẹ nàng Tía mất sớm, nàng ở cùng với người cô. Nàng Tía là người vừa có dung mạo lại có tài võ nghệ. Năm nàng 15 tuổi, Hai Bà Trưng lên ngôi, trong một lần qua làng thì gặp nàng Tía bên giếng nước bèn hỏi chuyện. Cảm mến tài trí, vua Bà đưa nàng về giúp việc trong triều. Năm 43, Mã Viện kéo quân sang đánh Âu Lạc, nàng Tía được phong tướng, đánh nhiều trận; khi hay tin Hai Bà Trưng đã tuẫn tiết, nàng Tía vẫn cầm quân chống giặc ở cửa Thần Phù. Do quân địch quá mạnh, không chịu sa vào tay giặc, nàng Tía đã nhảy xuống cửa biển Thần Phù tự vẫn ngày 13 tháng 11 năm Quý Mão (43). Sau khi nàng hi sinh, dân làng lập đình thờ nàng cùng ông Rắn và ông Đất.
Kẻ Giả là tên gọi chung của các làng Giả Cầu hay Giả Quỳnh (Quỳnh Đô), Giả Vĩnh (Vĩnh Ninh), Giả Chọ (Lạc Thị, thuộc Hạ Hồi), Giả Viềng (Ích Vịnh), đều nằm bên hữu ngạn sông Tô Lịch, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Nhất trong là nước giếng Hồi
Nhất béo nhất bùi cá rô đầm Sét
Giếng Hồi là giếng của làng Lạc Thị, Đầm Sét là đầm của Thịnh Liệt, về khu vực đầm Yên Sở hiện nay.
Đầm Mực là nơi chôn xác quân Thanh trong trận Quang Trung đại phá quân Thanh. Rạng sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30 – 01 – 1789), quân Tây Sơn do Quang Trung chỉ huy công phá đồn Ngọc Hồi, quân Thanh đại bại, một bộ phận lớn quân địch tháo chạy tán loạn theo đường cái quan về Quỳnh Đô, Ích Vịnh; bị quân của Đô đốc Bảo ém ở làng Đại Áng hành quân lên chặn lại; một cánh khác chạy về hướng Văn Điển bị một cánh quân khác từ Yên Duyên hành quân theo bờ đê sông Hồng đón lõng, phải bật trở lại. Quân Thanh ở cả hai hướng này bị dồn vào Đầm Mực (phía Tây làng Quỳnh Đô) và bị tiêu diệt gần hết. Quân Tây Sơn thừa thắng, tiến vào Khương Thượng – Đống Đa, giải phóng Kinh thành Thăng Long vào chiều mồng 5 Tết.
MỘ CỦA THUỶ THẦN
Giữa xã Thanh Liệt và xã Tả Thanh Oai, gần cầu Bươu có một cái gò nổi lên giữa dòng nước, tương truyền đó là mộ của Thủy thần, tên chữ là Cù Long phụ. Từ bao đời nay, dòng nước cứ chảy suốt tháng, suốt năm mà gò đất vẫn không hề xói mòn. Nhân dân các làng công đức tiền xây mộ và miếu thờ tại đây.
Làng Tó có cây cầu Tó bắc qua đoạn sông Tô Lịch nối với sông Nhuệ, cũng trên đoạn sông đó, làng Thanh Liệt có cầu Thanh Liệt.
Tả Thanh Oai là xã giáp ranh, lúc thuộc huyện Thanh Oai, lúc thuộc huyện Thanh Trì, lúc thuộc huyện Thường Tín.
Cù Long/Đầm Mực/Văn Điển phía Nam đối xứng với Linh Đàm/Hoàng Liệt, Quang Liêt, Bằng Liệt phía Bắc
– Linh Đàm nước trong như gương, Đầm Mực nước đen như mực
– Linh Đàm là hồ nước sâu, Đầm Mực là đồng trũng
– Linh Đàm là nơi Thuỷ Thần đi từ Long Cung lên để học thày Chu Văn An, còn Đầm Mực/Văn Điển là nơi Thuỷ Thần mất
– Linh Đàm (Hoàng Mai/Đại Kim) là đất sinh, đất dưỡng như trong ca dao “Đất nuôi trẻ nhỏ lừng danh trong ngoài”, còn Đầm Mực (Văn Điển) là đất tử, đất mộ
– Linh Đàm có tính âm, gắn với mặt trăng nên còn được gọi là Nguyệt Hồ, trong khi Đầm Mực có tính dương
– Linh Đàm vẫn còn, trong khi Đầm Mực đã chuyển hoá thành ruộng đồng, nhà cửa không còn dấu vết nữa.
CÂY BÚT CỦA THUỶ THẦN
Khi Thuỷ Thần làm mưa, cây bút rơi xuống làng Tó, nay là xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, người đời cho rằng vì thế mà làng này trở thành một làng văn học, quê hương của những danh nhân như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm …
Làng Tả Thanh Oai trước đây có 2 đình là đình Tổ Thị và đình Hoa Xá (nay chỉ còn đình Hoa Xá), thờ vua Lê Hoàn và Bà Chúa Hến – cô gái làng Tó được Lê Hoàn lấy làm phi trong dịp dẫn đại quân theo đường sông ra Bắc để tiêu diệt quân xâm lược Tống, ghé thăm làng (năm 981). Hội làng tổ chức trong 3 ngày: 13, 14, 15 tháng Giêng, có rước cỗ thờ và rước Giầu vàng từ đình Hoa Xá đến Minh Ngự Lâu (nhà Bà Chúa Hến) để kỉ niệm cuộc gặp gỡ tình duyên giữa Bà và Vua Lê Đại Hành.
Làng còn giữ được 4 chùa và đặc biệt là 4 nhà thờ của các dòng họ khoa bảng Nguyễn Khai, Ngô Vi, Ngô Thì và Nguyễn Thế, nhà thờ các danh nhân Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm. Đây là các di tích phản ánh truyền thống hiếu học và khoa bảng của làng.
MIẾU GÀN
Miếu Gàn là nơi thờ chính của vị thượng đẳng thần Bảo Ninh Vương hay thần Chằm Lâm Đàm. Miếu nằm ở phía nam đầm Lâm Đàm, mà nay là hồ Linh Đàm. Miếu có tên chữ là Xá Can Từ, tục gọi Miếu Gàn. Hằng năm vào ngày 6 tháng 2 âm lịch, nhân dân bảy làng tổ chức lễ rước và hội tế tại Miếu Gàn. Lễ vật ngoài cỗ tam sinh còn có lễ cá chép đánh bắt từ đầm. Các cụ ở các làng quanh đầm Linh Đường kể rằng, xưa kia mỗi khi gặp hạn hán, nhân dân các làng lại tổ chức lễ cầu đảo tại Miếu Gàn, nếu trời không mưa, đoàn rước mới sang cầu Đức Thánh Chu tại đền Huỳnh Cung (cách đó độ 300 mét) và thường linh nghiệm.
LÀNG THỜ THƯỢNG ĐẲNG THÂN BẢO NINH VƯƠNG LÀM THÀNH HOÀNG LÀNG
– Đình Bằng Liệt, xã Bằng Liệt nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai
Vải ngon thì nhất làng Bằng
Khắp thành Hà Nội hỏi rằng đâu hơn?
Củ đậu Bằng thượng thiếu gì
Dưa hấu Bằng hạ đâu bì được chăng?
—o—
Bằng vải, Bằng dưa, Linh cua, Tứ bún
– Đình Tứ Kỳ, xã Tứ Kỳ nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai;
Chè vối Cầu Tiên,
Bún sen Tứ Kỳ
—o—
Bún ngon bún mát Tứ Kỳ
Pháp Vân cua ốc đồn thì chẳng ngoa
– Đình Pháp Vân, làng Pháp Vân, nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai;
Làng Mọc thờ đầu,
Lủ Cầu thờ chân,
Pháp Vân thờ mình
– Đình Linh Đàm, làng Linh Đàm nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai;
– Đình Đại Từ, làng Đại Từ, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai;
Đầm Đại Từ hoa sen thơm ngát
Giếng Đại Từ nước mát trong xanh
Dòng Tô uốn khúc lượn quanh
Đất nuôi trẻ nhỏ lừng danh trong ngoài.
– Đình Tựu Liệt, làng Tựu Liệt nay thuộc xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì;
Đồn rằng Văn Điển vui thay
Ngoài phố chợ họp năm ngày một phiên
Tàu qua phố dưới, phố trên
Đình thì ở giữa hai bên rặng bàng
Làng Mơ cất rượu khê nồng
Làng Vọng dệt gối, chăn tằm làng Mui
Kẻ Giả thì bán bùi nhùi
Làng Lê bán phấn cho người tốt da
Kẻ Vọng khéo ngọc, khéo ngà
Đưa đem đi bán cho nhà kẻ sang
Kẻ Lủ thì bán bỏng rang
Trên Ô Hàng Đậu lắm hàng nhiều thay
Ngâu, Tựu thì bán dao phay
Dù đem chặt nứa gãy cây lại liền
Trong kho lắm bạc nhiều tiền
Để cho giấy lại chạy liền với dây.
– Đình Hữu Lê thuộc thôn Hữu Lê, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trước đây Hữu Lê gọi là Lê Xá, thuộc tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai. “Làng Lê bán phấn cho người tốt da” trong bài ca dao trên có thể là làng Lê, Giáp Thất của Thịnh Liệt nằm bên sông Sét hoặc làng Lê Xá.
– Đình Hữu Hoà, xã Hữu Hoà, nay thuộc huyện Thanh Trì.
VĂN ĐIỂN
Xưa Văn Điển không chỉ là một thị trấn nhỏ được biết đến như là khu nghĩa trang lớn nhất của Hà Nội như hiện nay mà là địa danh tổng, gồm nhiều làng nghề có trước khi xảy ra sự kiện xuất hiện Đầm Mực đời Trần. Có thể nói Văn Điển cũng là nơi mất của Thuỷ Thần.
Nghĩ ra Văn Điển cũng sành
Giò, nem, ninh, mọc, đủ ngành nàng ơi
—o—
Đồn rằng Văn Điển vui thay
Ngoài phố chợ họp năm ngày một phiên
Tàu qua phố dưới, phố trên
Đình thì ở giữa hai bên rặng bàng
Làng Mơ cất rượu khê nồng
Làng Vọng dệt gối, chăn tằm làng Mui
Kẻ Giả thì bán bùi nhùi
Làng Lê bán phấn cho người tốt da
Kẻ Vọng khéo ngọc, khéo ngà
Đưa đem đi bán cho nhà kẻ sang
Kẻ Lủ thì bán bỏng rang
Trên Ô Hàng Đậu lắm hàng nhiều thay
Ngâu, Tựu thì bán dao phay
Dù đem chặt nứa gãy cây lại liền
Trong kho lắm bạc nhiều tiền
Để cho giấy lại chạy liền với dây.
Chữ “điển” nằm trong bộ Điên – Điền – Điến – Điển – Điện – Điễn, Văn Điển đối xứng với Văn An. Điển có thể hiểu là an trong điền thổ, an trong điển tích, an trong cố điển.