TẾT HẠ NGUYÊN – CHỐT HẠ OÁN ÂN & NỢ NẦN
Tết Hạ Nguyên là Tết chốt hạ nợ nần và ân oán với ông bà tổ tiên. Con người hiện đại nói chung khá vô ơn với cha bà tổ tiên, bởi vì nhận thức về ông bà tổ tiên quá mơ hồ, cho nên họ cũng chả hào hứng gì với Tết Hạ Nguyên. Kết quả là, Tết Hạ Nguyên bị mai một dần đi, so với tết Nguyên Đán, là Tết bắt đầu một chu kỳ mới. Vấn đề là cái mới không thể bắt đầu khi cái cũ không được kết thúc. Ngoài ra, Hạ Nguyên là một trong những cái Tết khó khăn nhất, bởi vì ân oán và nợ nần này phải tính ngược dần về đầu đời, từ lúc chúng ta còn trứng nước và thậm chí nợ từ các kiếp trước và phải trả cực kỳ chặt chẽ vào cuối chu kỳ, chứ không được phóng khoáng tự do như Tết Nguyên Đán, là đầu chu kỳ.
—o—
Bước 1 : “Oan có đầu, nợ có chủ”.
Trước hết mỗi người phải xác định rõ ràng : Đầu nợ của mình là những ai ? 5 chủ nợ đầu tiên của mỗi người được chỉ rõ trong bài “Gánh gánh gồng gồng”. Đó là
– Cha
– Mẹ
– Bà (Bà nội, bà ngoại)
– Anh
– Chị
Gánh gánh gồng gồng
Gánh sông gánh núi
Gánh củi gánh cành
Ta chạy cho nhanh
Về xây nhà bếp
Nấu nồi cơm nếp
Chia ra năm phần
Một phần cho mẹ
Một phần cho cha
Một phần cho bà
Một phần cho chị
Một phần cho anh
Gánh gánh gồng gồng
Nợ mẹ phải trả chính xác cho mẹ, nợ chị là phải trả chính xác cho chị, không thể làm những chuyện lèm nhèm kiểu : nợ mẹ trả cho bố, nợ bố trả sang con….
“Con nợ” nghĩa là đứa con từ lúc sinh ra đã nợ cha mẹ nó rồi. Nợ của đứa con từ lúc sinh gọi là nợ “Ba sinh”. Duyên nợ ba sinh lúc nào cũng đi theo cặp, một âm và một dương. Ca dao có nhiều bài nói về tính âm dương của duyên nợ ba sinh này.
Chẳng qua duyên nợ ba sinh
Mơ màng ngó xuống cõi trần làm chi
—o—
Cũng vì duyên nợ ba sinh
Sáng trăng câu hát huê tình mà theo
—o—
Dãy dọc tòa ngang
Giàu sang có số
Kim Long, Nam Phổ
Nước đổ về Sình
Đôi đứa mình chút nghĩa ba sinh
Có làm răng đi nữa, cũng không đành bỏ nhau
Đứa con không thể lèm nhèm kiểu, của bố mẹ thì cũng là của con, của bố mẹ trước sau mà chả để lại cho con.
Nhiều đứa con nghĩ rằng, chỉ cần nó lớn lên học hành và làm việc giỏi giang, đi xa và bay cao, không còn ở bên cạnh ăn bám và sống dựa vào bố mẹ nữa là nó đã có hiếu lắm rồi. Nhưng đứa con khi đi xa và bay cao thì toàn sống đời của nó, nó đã làm gì để trả nợ cha mẹ đâu.
—o—
Bước 2 : “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”
Con nợ phải trả đủ số nợ, cho đúng chủ nợ, để cân bằng và cắt dứt duyên nghiệp nợ nần giữa hai bên. Một khi đã cắt đứt nợ nần rồi, thì sau đó chủ nợ muốn dùng số tiền này như thế nào là việc riêng của chủ nợ, không còn liên quan đến con nợ nữa.
Nếu bố mẹ xí xoá nợ nần cho con, nếu bố mẹ cho con số tiền con nợ, thì coi như con cái hết nợ với cha mẹ có đúng không ? Không đúng. Con cái nhận thêm bao nhiêu tiền của cha mẹ là nợ thêm bấy nhiêu tiền. Con cái trả bao nhiêu tiền cho cha mẹ là con cái cắt được từng đó nợ với cha mẹ.
Nhận thêm tiền lại là nhận thêm nợ vì nợ nần tính theo luồng tiền thực. Nếu luồng tiền thực chạy từ A đến B, thì A là chủ nợ và B là chủ nợ, chẳng cần biết A và B nói gì với nhau.
—o—
Bước 3 : “Nợ máu phải trả bằng máu”
Nợ lớn nhất là nợ máu, mà nhất định phải trả bằng máu. Nợ máu ai phải trả cho người ấy và nợ máu nào phải trả đúng máu đó.
Khi người mẹ mang thai, đã dùng máu của chính mình để tạo thân thể và nuôi thân thể của đứa con, cho nên đứa con ngay khi được tạo hình từ giọt máu đầu tiên của mẹ là trứng thì đã nợ máu mẹ rồi.
Đứa con phải xác định rõ ràng có những loại máu nào trong người, thì cũng nghĩa là nó cũng nợ cha mẹ đúng từng ấy loại máu và cần trả cho mẹ đúng từng ấy loại máu.
Nuôi con bằng máu mình là bản năng của người mẹ, thì trả nợ cho cha mẹ cũng là một bản năng tự nhiên của các loài động vật trong đó có con người.
Sau đây là bảng tóm tắt đơn giản các loại máu cơ bản trong mỗi con người
– THỔ HUYẾT (THÂN TRUNG TÍNH – VẬT LÝ)
– – – Hồng cầu & dịch huyết tương
– – – Bạch cầu & dịch bạch huyết
– – – Tiểu cầu & dịch huyết thanh mà không phải là huyết tương, mà có tính đất còn huyết thanh có tính khí
– – – Máu nền & các loại dịch trong mạch và ngoài mạch
– TINH HUYẾT (THÂN GIỚI TÍNH) lấy ví dụ cho nữ
– – – Trứng trong nang: Trứng sinh con, trứng kinh nguyệt ở các giai đoạn khác nhau
– – – Trứng rụng
– – – Dịch huyết
– – – Máu kinh nguyệt
– KHÍ HUYẾT (THÂN VÍA)
– – – Khí huyết lửa : Thượng trí – Hạ trí
– – – Khí huyết đất : Thượng phách – Hạ phách
– – – Khí huyết khí : Thượng cảm – Hạ cảm
– – – Khí huyết nước : Trung Trí – Trung cảm – Trung phách
– THANH HUYẾT (ÂM CUNG)
– – – Thanh huyết lửa : thanh âm & chu kỳ máu lửa, ví dụ Thiên Can
– – – Thanh huyết nước : thanh âm & chu kỳ máu nước, ví dụ Tuần trăng. Lịch âm của người Việt là đi theo chu kỳ máu này, nên việc thắp hương trên ban thờ gia tiên vào ngày rằm, mùng 1 và giỗ Tết sẽ giúp máu vân hành đúng chu kỳ trăng hơn, bao gồm các chu kỳ trả nợ
– – – Thanh huyết khí : thanh âm & chu kỳ máu khí, ví dụ Khí tiết
– – – Thanh huyết đất : thanh âm & chu kỳ máu đất, ví dụ Địa chi, các loại mùa vụ và Tết mùa mới
—o—
Bước 4 : “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”
Tưởng tượng chúng ta vay ngân hàng 100 triệu để học đại học, thì ra trường là chúng ta cần phải tìm được công việc có thu nhập cao để trả nợ ngay. Không trả kịp khi nợ đến hạn thì ngân hàng sẽ xiết nợ hoặc cho chúng ta vào tù luôn. Nợ nần duyên nghiệp cha mẹ tạo ra các dạng nhà tù vô hình, giam con cái trong cái bóng của cha mẹ và cũng giam luôn cha mẹ vào cuộc đời của con cái.
Quan hệ cha mẹ con cái nên cân bằng, để giúp cả hai phát triển, không nên là một dạng nhà tù xuyên đời xuyên kiếp cho nên con cái và cha mẹ phải cân bằng nợ nần với nhau. Cha mẹ chỉ cho khi con cái còn nhỏ không sống được tự lập và con cái chỉ nhận khi còn chưa tự lập được. Quá cái ngưỡng này là duyên nghiệp trở thành nợ nghiệp, càng ngày càng khó cân bằng.
Nếu chúng ta không có nhu cầu, chúng ta không nên vay ngân hàng ở mọi hình thức bao gồm thẻ tín dụng, nếu chúng ta không thiếu thốn đến bước đường cùng của sinh tồn, chúng ta không nên nhận thêm tiền của cha mẹ, ở bất kỳ hình thức nào.
Máu có vị mặn, đời cha ăn quá nhiều máu của ông bà mà không cha nợ là đời cha ăn mặn. “Đời con ăn mặn” là đời con ăn máu cha mẹ, mà đã bị pha sẵn quá nhiều máu của ông bà, thậm chí cụ kỵ.
Thận là cơ quan chủ về dòng máu sinh sản, truyền từ cha mẹ sang con và cũng chủ về dòng máu sinh sản nhận từ ông bà sang cha mẹ. Ăn quá mặn thì quá tải dẫn đến hỏng thận, bộ phận lọc máu.
Trên cây dòng họ, khi máu chảy một chiều từ thế hệ trên xuống thế hệ dưới mà không được cân bằng, máu sẽ ngày càng mặn, cho đến lúc người nhận máu không còn khả năng sống bằng dòng máu cha mẹ ông bà cho nữa và người cho máu cũng không có khả năng nuôi dưỡng con cháu bằng dòng máu pha tạp này nữa.
Lúc đó cần phải thanh lọc máu bằng cách : Xuất hiện một nhân vật xuất sắc về cân bằng trên cây dòng họ tên là Tấm để cân bằng và chặn nhân vật ăn bám và ăn mặn Cám lại. Nếu nhân vật này không chặn được con đỉa Cám thì chi họ này sẽ bị tuyệt diệt.
Nhưng sự việc sẽ không bao giờ đơn giản một chiều như vậy, vì nếu cây dòng họ mà cứ mất dần các nhánh của mình vào các lễ mùa mới thì cuối cùng cả cái cây này sẽ chết hoặc có sống tiếp cũng không phải là cái cây đầy đủ nguyên vẹn như ban đầu. Lúc này Tết Hạ Nguyên và cả Tết Nguyên Đán sẽ không có ý nghĩa gì cả.
—o—
Bước 5 : “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”
Về mặt dòng máu, chúng ta nhận dòng máu nào từ cha mẹ, nghĩa là chúng ta có dòng máu ấy. Chuyện gì xảy ra nếu như chúng ta chẳng biết mình là ai ? Thì chúng ta cũng chẳng biết mình nợ nần ai, và chắc chắn chúng ta sẽ quịt nợ, mà cứ tưởng rằng mình rất chi là đàng hoàng tốt đẹp và hiếu nghĩa ngất trời, bởi vì người không biết mình là ai sẽ luôn luôn hoang tưởng về hiện thực.
Để giúp chúng ta trả lời được câu hỏi chúng ta là ai về mặt dòng máu, tổ tiên đã để lại cho chúng ta câu chuyện Tấm Cám. Khi nào trưởng thành, chúng ta sẽ cần phải hiểu cho thấu đáo từng chi tiết của câu chuyện đó, mà không hề dễ hiểu chút nào.
Truyện Tấm Cám là cổ tích Việt mô tả rõ nét nhất về quan hệ dòng máu giữa cha mẹ và con cái.
Tấm có được bản năng cân bằng “cho – nhận” và “làm – ăn” rất tốt vì Tấm mồ côi từ sớm nên rơi vào hoàn cảnh “có làm thì mới có ăn”, “sức làm đến đâu thì làm tới đó”, “sức ăn tới đâu thì cũng chỉ ăn tới đó”.
Khi nhặt xong thúng thóc trộn gạo của dì ghẻ, thì Tấm trả xong nghĩa vụ với mẹ nuôi và lúc đó có thể rời xa ngôi nhà của cha mẹ để đi vào hoàng cung sống với hoàng tử. Nếu xét về thực lực thì thời điểm lễ hội, Tấm chưa đủ sức trả nợ cho mẹ nuôi, cho nên ông Bụt phải gửi đàn chim sẻ đến giúp cho Tấm. Nghĩa là Tấm sẽ một lần nữa nhận thêm nợ của ông Bụt, chính là cha vía của Tấm để dứt nợ trước với mẹ nuôi. Sự kiện trả nợ này chính là sự bắt đầu của lễ dứt căn của Tấm, mà thông thường phải xảy ra vào lúc 12 tuổi âm, tuổi dạy thì
Khi quay về nhà để làm giỗ bố là lúc Tấm bắt đầu trả nợ ba sinh cho bố. Lúc này Tấm chết. Cái chết của Tấm là biểu tượng về thời khắc người con gái bắt đầu trả nợ để cân bằng nghiệp quả dòng máu với cha nuôi. Khi Tấm tái sinh là lúc Tấm trả xong nghiệp nợ này. Cũng y như lần trả nợ trước, Tấm cũng không đủ thực lực tự trả nợ cho cha, mà một lần nữa phải nhận nợ từ bà hàng nước. Bà hàng nước là hoá thân của mẹ vía, đối xứng với ông Bụt là cha vía của Tấm. Đây là lễ thiếu nữ của Tấm.
Cả lễ dứt căn và lễ thiếu nữ đều nằm trong bộ lễ trưởng thành của con cái với cha mẹ. Tại sao trong hai lễ này Tấm đều phải nhận nợ của dòng máu cao hơn để trả nợ cho dòng máu thấp hơn, bởi vì tại thời khắc trả nợ thì Tấm chưa đủ lực mà nợ gì cũng có thời hạn tối ưu để trả. Nợ máu phải trả vào cuối chu kỳ máu.
Những đứa trẻ ngày nay không thể nào tự lập bằng Tấm, cho nên chúng ta chỉ có thể tự so sánh mức độ ăn bám của mình với Cám.
Cám ngược lại với Tấm có bản tính ăn bám và lấy đồ người khác làm để cho mình ăn, thậm chí không ăn được vẫn giằng lấy cho thoả mãn. Cho nên nợ máu của Cám càng ngày càng chồng chất, cho đến ngưỡng mà Cám cần phải chết.
Sự kiện Cám chết cũng như sự kiện Tấm chết đều là biểu tượng về thời khắc trưởng thành mà một cá nhân bắt đầu quá trình trả nợ dòng máu cho cha mẹ. Tại các thời khắc này máu sẽ chảy ngược trên cây dòng họ thay vì chảy xuôi. Cây dòng họ mà toàn máu chảy xuôi không có máu chảy ngược chắc chắn sẽ chết. Cây thông thường cũng vậy, rễ hút chất dinh dưỡng nuôi lá thì lá cũng phải đẩy chất dinh dưỡng về rễ để nuôi rễ. Đây là luật cân bằng tự nhiên. Tấm Cám cũng như những chiếc lá đến lúc nào đó phải trưởng thành để quang hợp nhiều hơn mức độ sử dụng, để phần dư có thể chuyển ngược về cho cây mẹ.
Nếu như xương cá Bống chôn bốn chân giường có thể thành quần áo, hài, ngựa, yên cương cho Tấm đi trảy hội, thì lọ mắm của Tấm cũng là một dạng huyền thuật tương tự, mà giúp Cám trả nợ cho mẹ. Khi ăn hết lọ mắm là lúc mẹ Cám nhận xong phần trả nợ từ Cám. Mẹ Cám nhận xong nợ là mẹ Cám cứt đứt nợ nần mẹ con với Cám, nghĩa là mẹ Cám chết.
Cám là người sống bằng đầu, đụng tay chân tự làm tự ăn thì ít mà ngồi nghĩ mưu lấy đồ của người khác thì nhiều. Đầu lâu của Cám chủ yếu được tạo ra từ máu khí huyết của bố, nên là phải trả phần máu này lại cho bố. Cám cũng vì biết dùng mưu mà mới có máu mà trả nợ cho mẹ. Cái này gọi là “Của Thiên trả Địa”, vì người cha và cái đầu là đại diện cho Thiên, còn mẹ đại diện cho Địa.
Máu có bản chất là đất nước có vị mặn và mắm cũng là đất nước có vị mặn. Vì Cám là con đỉa ăn bám, ăn mặn quá mức cho nên máu trả lại cho mẹ Cám đương nhiên là mắm.
Cám có bản chất thú ăn thịt nên việc dừng quán tính này lại để cân bằng nghiệp nợ là việc không dễ dàng, cần có sự giúp đỡ của Tấm. Lần trả nợ cho mẹ nuôi này, Cám nhận thêm nợ từ Tấm mà trước đó nợ Cám với Tấm cũng đã chất chồng.
Theo đúng thứ tự nhận nợ và trả nợ nêu trong bài đồng dao Gánh gánh gồng gồng, danh sách chủ nợ của Cám phải trả lần lượt là
– Mẹ là mẹ Cám
– Cha là cha Cám
– Bà, nội và ngoại
– Chị là Tấm
– Anh là hoàng tử
Sau khi trả nợ cho mẹ, cho cha, rồi đến cho bà, thì Cám mới bắt đầu trả nợ cho Tấm. Truyện Tấm Cám không đi đến đoạn này, bởi vì nếu chúng ta đã hiểu được câu chuyện cho đến đoạn Cám trả nợ cho cha mẹ, thì đương nhiên là chúng ta sẽ tự hiểu được đoạn tiếp theo mà Tấm Cám sẽ cần trải qua là gì.
—o—
Bước 6 : Không có sự sống nào mãi mãi
“Từ đó, Hoàng tử và công chúa sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi”
Chúng ta thích những câu chuyện cổ tích mà ở cuối câu chuyện có câu “Từ đó, Hoàng tử và công chúa sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi”, vì chúng ta mơ ước mình chính là công chúa.
Tuy nhiên tất cả các câu chuyện cổ tích của Việt Nam đều kết thúc bằng cái chết cả, vì cái chết chính là sự kết thúc, trong khi hạnh phúc là một trạng thái ở thì tiếp diễn, nghĩa là nó chẳng kết thúc mà cũng chẳng bắt đầu.
Nếu chúng ta làm cái gì đó mà không kết thúc nó, thì làm cái đó để làm gì. Nếu chúng ta sống một cuộc đời ý nghĩa thì chắc chết cái chết của chúng ta cũng rất ý nghĩa, chả có gì mà phải băn khoăn hay cứu chữa cho khỏi chết khi đã cần phải chết. Nếu ý nghĩa của cuộc đời không thể hiện ở cái chết, thì nghĩa là cuộc đời của chúng ta chung quy lại là vô nghĩa.
Đức Phật nói về vô thường và cổ tích nào của người Việt cũng nói về vô thường thông qua cái chết.
Quan điểm của cổ tích Việt rằng cái chết là sự kết thúc hoàn hảo nhất thật quá ư rõ ràng
– Sự tích Táo quân kết thúc bằng việc cả ba ông bà đầu nhau cùng chết trong ngọn lửa
– Sự tích Trầu Cau kết thúc bằng việc cả ba anh chị cùng chết, người thành tảng đá, người thành cây cau, người thành cây trầu.
– Sự tích Sơn Tinh – Thuỷ Tinh kết thúc bằng việc Thủy Tinh thua, Sơn Tinh thắng và thế là hàng năm Thuỷ Tinh dâng nước lên đánh tiếp, khiến bao nhiêu trâu bò gà lợn và đôi khi cả người nữa bị chết.
– Sự tích Thánh Gióng, sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng lên đỉnh núi Sóc, hoá ở đó.
Riêng trong chuyện Tấm Cám, tất cả các nhân vật chính của gia đình Tấm Cám đều chết từ một đến nhiều lần, cộng thêm các lần doạ chết giữa các nhân vật,
– Mẹ Tấm
– Bố Tấm
– Cá Bống Bang (chính là chị em của Tấm)
– Mẹ Cám doạ Tấm : Mày hãy nhặt cho xong chỗ gạo này rồi đi, đừng có bỏ dở, về không có gì để thổi cơm, chết với bà
– Tấm doạ chim sẻ theo lời Bụt : Rặt rặt xuống nhặt cho tao, ăn mất hạt nào thì tao đánh chết.
– Tấm bị dì ghẻ giết
– Chim vàng anh bị Cám giết
– Cây xoan đào bị Cám giết
– Khung cửi bị Cám giết
– Cám bị Tấm giết
– Mẹ Cám chết
Rõ ràng câu chuyện Tấm Cám thể hiện một chiều sâu dân gian thăm thẳm về cái chết, so với tất cả các cổ tích Việt.
Nếu chúng ta vẫn không tin rằng cái chết là sự kết thúc hoàn hảo nhất thì chúng ta có thể đi đến bất kỳ đình làng nào trong hàng nghìn hàng vạn cái đình làng trên đất nước Việt. Chúng ta sẽ liên tục gặp các câu chuyện về sự hoá thánh hay cái chết của các vị thành hoàng làng. Chết chính là thời khắc quan trọng nhất của các vị thành hoàng làng, khi họ hoá thánh.
—o—
Bước 7 : Chết là tái sinh
Sau mỗi lần chết, Tấm tái sinh ở các dạng sống cơ bản hơn, nếu xét theo quan điểm về thang tiến hoá hiện đại
– Con người thân thú
– Con chim
– Cái cây
– Cái thân cây với các cấu trúc và vận hành cơ bản : Khung cửi
– Hồn quả thị
Quá trình này thực sự rất giống với các hình thái chuyển hoá đứt đoạn trong một tiến trình siêu thoát sau cái chết. Nếu nhìn suốt dọc quá trình đó, chúng ta thấy Tấm đang chuyển hoá từ trạng thái thú thành trạng thái cây, một sinh vật tự dưỡng.
Đó cũng con đường chuyển hoá của Cám. Khi Cám đạt được trạng thái tự dưỡng như một cái cây, lúc này Cám thực sự trường thành, Cám bước vào một mùa mới như một cái cây và Cám cũng như Tấm sẽ nhận ra rằng cha mình là Thần Nông.
Linh Lang Đại Vương vị Thượng Đẳng Thần thờ ở hơn 300 điểm trên khắp trên đất nước Việt Nam ở một số nơi có tích chỉ mắc bệnh đậu mùa khi tuổi còn nhỏ rồi chết, và từ đó được thờ phụng với bao nhiêu sắc phong về công lao, làm con cháu hiện đại ngơ ngẩn hết cả người không hiểu vị này có công trạng gì mà chỉ mắc mỗi cái bệnh đầu mùa mà đã hoá thánh.
Hãy thực sự trải qua một vài cái lễ Bến nước và một vài cái Tết mùa mới đầy gian khổ, chúng ta sẽ hiểu rằng “đậu xuống đúng mùa, đậu quả đúng mùa” là tất cả ý nghĩa của cái Tết này. Linh Lang Đại Vương chính là một vị thần bến nước. Với một vị thần bến nước điều quan trọng không phải là sống thật lâu làm thật nhiều thứ hoành tráng, mà đậu ở bến bờ nào, vì thần đậu được ở mùa nào thì những người nào nơi thờ phụng ngài cũng có cơ hội đậu được ở bến bờ đó.
Cái hài của cô Tấm rơi khỏi chân Tấm vào tay của hoàng tử là đã hoàn thành xuất sắc mục đích đi lễ hội của Tấm và cũng kết thúc luôn một đoạn cuộc đời bay bổng nhưng ngắn ngủi của nó sau khi ra khỏi cái lọ. Tự kết thúc cuộc đời như vậy thì cuộc đời nó và cuộc đời của Tấm mới có ý nghĩa. Cái hài của Tấm mà cứ sống mãi trong từng bước chạy cô đơn của Tấm từ nơi này sang nơi khác thì nó còn xứng đáng là cái hài nổi tiếng nhất trong lịch sử tất cả các chuyện cổ tích của thế gian hay không ?
Trong lễ mùa mới của Thần Nông vào tháng Mười âm lịch, chúng ta hãy sống như một cái cây, giống loài cân bằng cho nhận rất tốt giữa các bộ phận của nó và với đất trời.
Là một cái cây, chúng ta cần phải trả lời câu hỏi rằng cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa gì cho chính chúng ta và cho đất trời này ?
Là một cái cây, chúng ta cần phải trả lời câu hỏi rằng một cái cây của chúng ta đang ở trong mùa vụ gì và trong mùa vụ này, chúng ta phải đậu xuống đậu thành cái gì ?
Đừng chỉ làm một con thú lúc nào cũng muốn ăn thịt và nhận nợ máu từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi, hãy sống như một cái cây tự cân bằng cho nhận.
Đừng chỉ làm chiếc thuyền trôi theo quán tính từ lúc sinh ra đến lúc chết đi, hãy cho con thuyền của bạn cập bến bờ, từ bến mới này hãy bắt đầu sống như một cái cây.
Nếu Tết Hạ Nguyên năm nay bạn đã lỡ bến bờ này, mùa vụ này, thì hãy cố gắng hết sức cho Tết Hạ Nguyên năm sau, dù rằng một số thứ bạn sẽ phải đợi đến Tết Hạ Nguyên của một chu kỳ địa chi nữa, thậm chí là lâu hơn.