BÀ CÒNG ĐI CHỢ TRỜI MƯA

Loading

Bà Còng là một bài đồng dao nổi tiếng, càng nổi tiếng hơn khi nó được phổ nhạc thành bài hát thiếu nhi ưa thích
Bà Còng đi chợ trời mưa
Cái Tôm cái Tép đi đưa bà Còng
Đưa bà qua quãng đường đông
Đưa bà về tận ngõ trong nhà bà
Tiền bà trong túi rơi ra
Tép Tôm nhặt được trả bà mua rau
Bài đồng dao này không chỉ có giai điệu ngọt ngào, hình ảnh sinh động mà còn có tầng tầng lớp lớp nghĩa rất sâu sắc
—o—
Lớp nghĩa 1 :
Bà Còng đi chợ trời mưa : Bà Còng là tên gọi dân gian của bóng trăng lưỡi liềm. Nước trên Trái đất vận hành dâng lên và hạ xuống theo tuần trăng, tạo thành các chu kỳ lặp lại, ví dụ như thuỷ triều. Cho nên, bà Còng đi chợ trời mưa.
Cái Tôm cái Tép đi đưa bà Còng : Tôm Tép có hình cong cong như trăng lưỡi liềm và cuộc đời của chúng đi cùng với các chu kỳ bóng trăng. Tôm đẻ trứng vào đêm lúc trăng lên và thuỷ triều lên. Trứng chim, trứng gà vịt, trứng của một số loài bò sát nhận được hơi ấm từ đất và hơi ấm cơ thể cha mẹ ấp ủ mà nở ra con, riêng trứng tôm cá lớn lên bằng cách hấp thụ bóng trăng in trong nước. Những đám trứng tôm kết lại với nhau trong một trường dịch keo đặc biệt do tôm mẹ tiết ra để hấp thụ ánh trăng kim thuỷ nên chúng thậm chí còn phát sáng lân tinh dưới ánh trăng. Tôm con nở ra từ trứng tôm lớn lên theo các lần lột xác mà thường xảy ra vào ban đêm lúc trăng tròn và thủy triều lên. Tôm Tép đã sử dụng sức mạnh huyền thuật chuyển hoá và tích tụ vật chất của bóng trăng để lớn lên theo các tuần trăng. Vì tất cả các sự kiên trong cuộc đời tôm như được tôm mẹ sinh ra trong trứng, nở ra từ trứng, lớn lên trong vỏ và lột vỏ đều đi theo chu kỳ từ trăng khuyết sang trăng tròn, nên đương nhiên Tôm Tép phải đưa bà Còng đi quãng đường từ chợ về nhà. Nếu không có bà Còng và không đi cùng bà Còng trên quãng đường về nhà bà Còng ấy thì Tôm Tép làm sao mà có đủ năng lượng mà sống sót nổi trên đời.
Đưa bà qua quãng đường đông : Quãng đường bà Còng đi về nhà là một tuần trăng từ trăng khuyết thành trăng tròn. Quãng đường đó là giai đoạn chuyển âm thành hình và tích tụ vật chất, cho nên quãng đường bà Còng đi về nhà là quãng đường đông. Đông là nhiều, đông là tích tụ vật chất.
Đưa bà về tận ngõ trong nhà bà : Nhà bà Còng là ngày rằm trăng tròn. Nhà bà Còng ở tận ngõ trong. Trong ngày rằm, Bà Còng náu trong trăng tròn, chẳng ai nhìn thấy bà Còng nữa cả, cho nên ngày rằm được dân gian gọi là ngày trăng náu.
Có bài
Mồng một lưỡi trâu
Mồng hai lưỡi gà
Mồng ba lưỡi liềm
Mồng bốn câu liêm
Mồng năm liềm giật
Mồng sáu phạt cỏ
Mồng bảy tỏ trăng
Mười rằm trăng náu
và bài
Mồng một lưỡi trai
Mồng hai lá lúa
Mồng ba câu liêm
Mồng bốn lưỡi liềm
Mồng năm liềm giật
Mồng sáu thật trăng
Mười rằm trăng náu
Tiền bà trong túi rơi ra : Tiền bạc là một dạng vật chất trung gian dùng trong trao đổi vật chất. Bà Còng đi chợ là bà Còng đi mua vật chất mang về nhà bà, nói các khác là để tích tụ vật chất về nhà bà. Tiền bạc là ánh trăng bạc phản chiếu trên gương nước bạc, mà có năng lực xúc tác cho chuyển hoá và tích tụ vật chất. Bà Còng mang bóng trăng khuyết có tính bạc ra chợ đổi lấy vật chất để trở thành trăng tròn ngày rằm.
Tép Tôm nhặt được trả bà mua rau : Trong giai đoạn tích tụ vật chất dưới tác động của bóng trăng, tiền bạc nếu có rơi ra, cần phải được trả về cho bà Còng để tiếp tục được chuyển hoá thành vật chất cuối cùng. Ánh trăng bạc quý báu rơi xuống nước được tôm tép nhặt lấy, sử dụng tích tụ vật chất trong cơ thể chúng, như những cái cây dùng ánh sáng mặt trời trong quang hợp để nuôi sống chính mình.
—o—
Lớp nghĩa 2 :
Bà Còng đi chợ trời mưa : Bà Còng cũng là tên gọi dân gian của Bà mẹ xứ sở bóng trăng mà đỡ cho các bà mẹ mang thai. Nước trong cơ thể người phụ nữ, đặc biệt máu vận hành theo tuần trăng, tạo thành các chu kỳ lặp lại là tuần hoàn máu và kinh nguyệt. Bà Còng đi trong nước cho nên bà Còng đi chợ trời mưa.
Cái Tôm cái Tép đi đưa bà Còng : cái Tôm cái Tép là máu, đặc biệt là máu vận hành trong bào thai. Cái Tôm là máu thổ huyết chạy trong mạch và ngoài mạch, chạy trong bể máu nhau, chạy trong rốn, chạy trong cơ thể em bé và chạy trong ối. Cái Tép là máu khí huyết gồm máu chạy trong mạc bao gồm máu trong cơ, trong xương, trong các đường và tuyến của các hệ bao gồm hệ rốn, trong mạch máu và trong mạc ối và trong dich ối.
Đưa bà qua quãng đường đông : Đường đông nhất trong thời kỳ bào thai là đường máu rốn, đường máu nhau và đường máu ối, theo chiều đưa vật chất vào tích tụ trong em bé để xây dựng và nuôi dưỡng em bé và xây dựng cơ thể thai nhi.
Đưa bà về tận ngõ trong nhà bà : Nếu đi theo chiều máu chảy từ mẹ sang con thì ngõ trong nhà bà Còng là đường máu rốn chảy từ nhau thai vào đến từng tế bào trong từng ngóc ngách bộ phận của cơ thể em bé.
Tiền bà trong túi rơi ra : Tiền bạc là ánh trăng bạc phản chiếu trên gương nước bạc.
Tép Tôm nhặt được trả bà mua rau : Ánh trăng bạc được hấp thụ vào trong trong tế bào máu, là Tôm Tép. Rau bà Còng dùng tiền bạc để mua chính là bánh rau (bánh nhau) để nuôi thai nhi.
—o—
BÀ CÒNG & CHỊ NGUYỆT NGA
Theo cả hai lớp nghĩa trên, bà Còng chẳng phải là một bà già tội nghiệp lưng còng chống gậy đi chợ dưới trời mưa mà chính là bà Tiên bóng trăng. Bà Tiên bóng trăng có gốc là chị Hằng.
Chị Hằng đại diện cho sự ổn định vĩnh hằng mà vẫn đa dạng biến ảo, hằng hà sa số. Một trong những biến ảo của chị Hằng là chị Hằng Nga, liên quan đến vận hành ngân nga của thanh âm. Ngân nga có hai chiều. Ngân lên trời là Hằng Nga ở trên cung trăng mà được Hậu Nghệ cứu khi bắn được 9 Mặt trời. Ngân xuống đất là Nguyệt Nga, mà đỡ cho các chu kỳ phát triển của bào thai, gọi là Tam Cá Nguyệt.
Bà Còng đi chợ trời mưa là hoá thân của chị Nguyệt Nga. Thai kỳ chia ra các thời kỳ gọi Tam Cá Nguyệt, mà đi theo các tuần trăng. Thai nhi hấp thụ ánh trăng bạc chiếu xuống đất, đi vào thân thể vật chất và được hấp thụ bởi máu khí huyết (cái Tép) và máu thổ huyết (cái Tôm). Chính vì vậy chu kỳ trăng ảnh hưởng sâu sắc đến chu kỳ phát triển của em bé, đặc biệt là em bé gái.
Một địa danh có chữ Nguyệt nổi tiếng ở đất nước ta là Bãi Nguyệt Bàn, ở Lục Đầu Giang.
Lục Đầu Giang có đền Kiếp Bạc thờ Trần Hưng Đạo. Chếch về phía nam đền thờ Trần Hưng Đạo, dưới chân núi Nam Tào nơi có đền thờ Nam Thờ, có một cù lao ở giữa lòng sông Lục Đầu tên là cù lao Kiếm. Tương truyền đây là nơi Trần Hưng Đạo chống cây kiếm chém giặc của mình ở đó. Đức Thánh Trần đứng đầu đạo Trần, thờ Cha đối xứng với đạo Mẫu thờ Mẹ.
Từ phía nam của của Bãi Nguyệt Bàn, xuôi theo dòng sông Kinh Thày về phía Đông, chúng ta sẽ đi qua rất nhiều địa danh mang tên Bạc và Bạch của Hải Phòng. Đó là sông Đá Bạch, Bạch Đằng Giang, sông Tam Bạc và hồ Tam Bạc của Hải Phòng.
Nếu chúng ta hiểu rằng Nguyệt Nga cũng chính bà Tiên Bóng Trăng Bạc chúng ta sẽ hiểu được sâu sắc hơn sự liên hệ của những cái tên, những dòng sông và những mảnh đất này.
—o—
TÔM TÉP TRONG TRUYỆN TẤM CÁM
Bài đồng dao có lớp nghĩa thứ ba mà được sử dụng trong câu chuyện Tấm Cám. Lớp nghĩa này liên quan đến chuyển hoá và tích tụ vật chất trong trường bóng trăng ở các bé gái trong giai đoạn từ lúc sinh ra đến khi tưởng thành hết thời thiếu nữ. Đó chính là giai đoạn được mô tả trong chuyện Tấm Cám.
Truyện Tấm Cám kể rằng :
“Một hôm người dì ghẻ đưa cho hai chị em mỗi người một cái giỏ bảo ra đồng bắt con tôm cái tép. Mụ ta hứa hẹn: “Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yếm đỏ!”. Ra đồng, Tấm nhờ mò cua bắt ốc đã quen nên chỉ một buổi là được đầy giỏ vừa cá vừa tép. Còn Cám thì đủng đỉnh dạo hết ruộng nọ sang ruộng kia, mãi đến chiều vẫn không được gì. Thấy Tấm bắt được một giỏ đầy, Cám bảo chị:
– Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng!
Tin là thật, Tấm bèn xuống ao lội ra chỗ sâu tắm rửa. Cám thừa dịp trút hết tép của Tấm vào giỏ của mình rồi ba chân bốn cẳng về trước. Lúc Tấm bước lên chỉ còn giỏ không, bèn ngồi xuống bưng mặt khóc hu hu. Bấy giờ Bụt đang ngồi trên tòa sen, bỗng nghe tiếng khóc của Tấm liền hiện xuống hỏi:
– Vì sao con khóc?
Tấm kể sự tình cho Bụt nghe. Bụt bảo:
– Thôi con hãy nín đi! Con thử nhìn vào giỏ xem còn có gì nữa không?
Tấm nhìn vào giỏ rồi nói:
– Chỉ còn một con cá bống”
– Con đem con cá bống ấy về nhà thả xuống giếng mà nuôi. Mỗi bữa, đáng ăn ba bát thì con ăn hai, còn một đem thả xuống cho bống. Mỗi lần cho ăn, con nhớ gọi như thế này:
Bống bống, bang bang
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta,
Chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người.
Bụt còn nói thêm:
– Không gọi đúng như thế nó không lên, con nhớ lấy!
Nói xong là Bụt biến mất. Tấm theo lời Bụt thả bống xuống giếng. Rồi từ hôm ấy trở đi, cứ sau bữa ăn, Tấm đều để dành cơm giấu đưa ra cho bống. Mỗi lần nghe lời Tấm gọi, bống lại ngoi lên mặt nước đớp những hạt cơm của Tấm ném xuống. Người và cá ngày một quen nhau, và bống ngày một lớn lên trông thấy. Thấy Tấm sau mỗi bữa ăn thường mang cơm ra giếng, mụ dì ghẻ sinh nghi, bèn bảo Cám đi rình. Cám nấp ở bụi cây bên bờ giếng nghe Tấm gọi bống, bèn nhẩm cho thuộc rồi về kể lại cho mẹ nghe.
Tối hôm ấy mụ dì ghẻ bảo Tấm sáng mai dậy sớm chăn trâu, và dặn:
– Con ơi con! Làng đã bắt đầu cấm đồng rồi đấy. Mai con đi chăn trâu, phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu
Tấm vâng lời, sáng hôm sau đưa trâu đi ăn thật xa. Ở nhà mẹ con Cám mang bát cơm ra giếng, cũng gọi bống lên ăn y như Tấm gọi. Nghe lời gọi, bống ngoi lên mặt nước. Mẹ con Cám đã chực sẵn, bắt lấy bống đem về làm thịt. Đến chiều Tấm dắt trâu về, sau khi ăn uống xong Tấm lại mang bát cơm để dành ra giếng. Tấm gọi mãi nhưng chẳng thấy bống ngoi lên như mọi khi. Tấm gọi mãi, gọi mãi, cuối cùng chỉ thấy một cục máu nổi lên mặt nước.”
Biết rằng
– Cám là thân thể, đứng hình, giữ cơ thể tế bào, được nuôi bởi máu thổ huyết
– Tấm là hồn vía, đứng bóng, giữ ba hồn chín vía mà được nuôi bởi máu khí huyết
– Cái Tôm là tế bào máu thổ huyết
– Cái Tép là tế bào máu khí huyết
– Cá Bống là cá bông (thịt rang khô, giã rồi tơi như bông nhỏ được gọi là ruốc bông), đứng bóng hình của máu
Các chi tiết trong trích đoạn trên của truyện Tấm Cám trở nên rất rõ ràng và hợp lý
– Sự kiện Tấm và Cám được sai đi bắt cái tôm, cái tép này xảy ra vào lứa tuổi ăn tuổi lớn của Tấm và Cám.
– Tôm tép nhìn được bằng mắt được Cám lấy về ăn sạch, chỉ còn cá Bống cho Tấm.
– Sau này thịt cá Bống cũng được Cám ăn hết, chỉ giọt máu mang bóng hồn cá Bống hiện lên trên miệng giếng để gặp Tấm
Cá Bống chính là một trong các nhân vật kỳ ảo và quan trọng nhất trong câu truyện Tấm Cám, cái Bống cũng là một nhân vật huyền thoại trong một loại bài ca dao, mà có thể được hiểu sâu sắc hơn nếu chúng ta hiểu bài ca dao “Cái tôm cái tép đi đưa bà Còng”.
Chia sẻ:
Scroll to Top