XỨ ĐỐNG ĐA & GÒ ĐỐNG ĐA

Loading

CỬA NAM – CỬA GIÁM & TRẤN NAM THĂNG LONG

Khuê Văn Các thuộc quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám, quận Đống Đa cùng với Tháp Rùa, quận Hoàn Kiếm là hai biểu tượng của Thăng Long – Hà Nội. Hai biểu tượng đều liên quan đến cửa Nam, như câu nói “Vợ hiền hòa, nhà hướng Nam”

Nghìn thu gặp hội thái bình,
Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long.
Phố ngoài bao bọc thành trong,
Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.

Cửa Nam (chính nam) hiện nay nằm giữa cửa Nam (Đông Nam) và cửa Giám (Tây Nam).
– Cửa Giám, một trong năm cửa của Thành Thăng Long xưa nằm trọn vẹn trong địa bàn quận Đống Đa hiện nay. Vị trí của Cửa Giám so với điện Kính Thiên là Tây Nam
– Cửa Nam (Đông Nam) là khu vực Tháp Báo Thiên, nay là nhà Thờ Lớn, bên Hồ Gươm.

Đình Kim Liên, trấn nam trong Thăng Long Tứ Trấn nằm ở quận Đống Đa.
– Đình Kim Liên thờ Cao Sơn Đại Vương, nhưng thực chất thờ thần Kim Liên. Ngoài ra đền còn thờ Tả Ao, vị thày phong thuỷ, dạy nghề cắt tóc cho dân trong vùng.
– Đền Mẫu trên đảo công viên Thống Nhất, chính là thờ Mẫu Kim Liên.
– Giặc Pháp đã lấp vùng hô phía Nam xây đường Lê Duẩn, hồ Ba Mẫu, hồ Bẩy Mẫu, khiến cho quần thể đình Kim Liên hiện nay khác xa so với trước kia. Cống Trắng, cổng sông Lừ, đã bị lấp, liên quan đến tục rước lễ của Đình Kim Liên, nay đã thất truyền

===o===o===o===

TAM MIẾU ĐỐNG ĐA : VĂN MIẾU – VÕ MIẾU – Y MIẾU

It người biết rằng ở Đống Đa có đủ cả Văn Miếu, Võ Miếu và Y Miếu của Thăng Long, đối xứng với Ba Đình có Triều Đình (Hoàng Thành), Thiên Đình và Động Đình.

Ba Miếu xưa đều là những quần thể lớn, có lịch sử xây dựng và phát triển phức tạp

VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM là quần thể kiến trúc gồm hai di tích, là Văn Miếu và Quốc Tử Giám, được xây dựng chính vào 3 thời Lý, Trần, Lê
– Văn Miếu được Vua Lý Thánh Tông cho xây từ mùa thu năm 1070, để thờ Khổng Tử, Chu Công cùng tứ phối là Nhan Tử, Tăng Tử, Tư Tử, Mạnh Tử và các bậc hiền triết Nho giáo.
– Quốc Tử Giám được Vua Lý Nhân Tông cho xây kề sau Văn Miếu vào năm 1076 với mục đích thành lập trường học hoàng gia, dành riêng cho các “quốc tử”, tức con vua, chúa, và các bậc đại quyền quý trong triều.
– Từ năm 1253, vua Trần Thái Tông chiếu lệnh mở rộng Quốc Tử Giám, cho phép con cái thường dân có năng lực xuất sắc được theo học tại đây.
– Sau này, vào năm 1370, khi Quốc Tử Giám Tư nghiệp Chu Văn An qua đời, vua Trần Nghệ Tông cho thờ ông ở Văn Miếu, bên cạnh Khổng Tử.
– Năm 1484, Vua Lê Thánh Tông chính thức khởi dựng bia Tiến sĩ, nhằm vinh danh những sĩ tử đỗ đạt Tiến sĩ từ khoa thi năm 1442, thời nhà Lê. Các tiến sĩ của mỗi khoa thi được khắc tên trên một tấm bia và đặt trang trọng đặt trên lưng rùa. Nhà Lê đều đặn tổ chức thi ba năm một lần, và đến năm 1484 thì đã được 12 khoa thi.
– Học trò đầu tiên của Quốc Tử Giám là Thái tử Lý Càn Đức, con trai vua Lý Thánh Tông với Nguyên phi Ỷ Lan, lúc đó mới 5 tuổi, lên ngôi năm 1072 trở thành vua Lý Nhân Tông.
– Văn Miếu – Quốc Tử Giám gắn liền với nền nho học nước ta. Lê Văn Thịnh là tiến sỹ đầu tiên của Nho học Việt Nam. Ông được bổ làm quan, dần trải đến chức Thái sư triều Lý. Sau đó xảy ra vụ án mà Lê Văn Thịnh bị vu là hoá hổ để định giết vua Lý Nhân Tông, người đang cùng ông đi thuyền trên hồ Dâm Đàm (hồ Tây). Sau đó, Lê Văn Thịnh bị đi đầy. Lê Văn Thịnh là thái sư sau Lý Đạo Thành, đứng đầu phái Nho. Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không sau này là theo Đạo Giáo và Phật Giáo.
– Lịch sử khoa cử Nho học Việt Nam bắt đầu từ năm 1075 (khi Văn Miếu được xây dựng) và kết thúc vào năm 1919 (khoá thi Hội cuối cùng ở Huế) đã trải qua 183 khoa thi đại khoa, lấy đỗ 2.898 vị bao gồm cả Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ và Phó bảng.

VÕ MIẾU hay Trung Liệt Miếu
– Võ Miếu được xây vào năm 1685 tại nơi mà nay là phố Nguyễn Khuyến.
– Võ Miếu thờ các công thần nhà Lê, đầu tiên là Lê Lai. Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng Giêng, vua lại ngự giá cùng bá quan văn võ đến miếu Trung Liệt tham bái tưởng niệm.
– Trong sử cũ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi rõ: “Vị chính giữa thờ Võ Thành vương Thái công Vọng (chính là Khương Tử Nha), còn từ Tôn Võ Tử (chính là người viết Binh Pháp Tôn Tử), Quản Tử (chính là Quản Trọng) trở xuống 18 người phối thờ ở hai bên đông vũ và tây vũ. Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn được thờ theo vào Võ Miếu… Hàng năm, mùa xuân, mùa thu hai kỳ tế, đều dùng ngày mậu vào thượng tuần. Cấp cho mỗi miếu một ấp dân hộ, để cung phụng việc thờ tự”
– Từ thế kỷ 19, miếu được di dời tới gò Đống Đa, và thờ các vị quan nhà Nguyễn đã hy sinh trong chiến đấu, như Nguyễn Tri Phương cùng người con trai là Nguyễn Lâm, Hoàng Diệu, Trương Quốc Dụng, Đoàn Thọ, Nguyễn Cao.
– Đến năm 1946, bài vị của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) được đưa vào thờ ở Trung Liệt miếu.
– Hiện nay, chính điện ngôi miếu không còn, chỉ còn cổng miếu và cầu thang dẫn lên. Trên đỉnh gò Đống Đa còn nhiều hàng gạch vuông vốn là nền miếu.

Y MIẾU ở số 12 phố Y Miếu, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.
– Y Miếu được xây vào giữa thế kỷ 18, đời Lê Hiển Tông (1740-1786) nghĩa là sau Võ Miếu và Văn Miếu.
– Y Miếu để thờ các vị Tổ nghề Y. Y Miếu có khám thờ Tuệ Tĩnh thiền sư và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các gian bên thờ Thần Nông và những danh Nho.
– Ngày xưa Y Miếu rất rộng, lại còn có cả vườn thuốc của Viện Thái, đất Y Miếu cổ có nhiều công trình khác
– – – Chùa Quang Minh, số 8 phố Y Miếu, nằm ngay cạnh Y Miếu. Chùa có bức tượng đá tạc ngài Phan Cảnh Điệp, người đã có công thuần dưỡng voi dữ để dẹp giặc nên được phong quận công cuối đời Lê-Trịnh. Chùa được di dời từ phố Nguyễn Khuyến vào đây.
– – – Văn bia mở rộng Y Miếu lại nằm ở chùa Phổ Giác, ở phố Ngô Sỹ Liên. Chùa còn có tên là chùa Tàu, vì nơi đây thời Lê – Trịnh vẫn là tàu voi, nơi huấn luyện voi chiến của triều đình. Chùa này cũng thờ quận công Phan Cảnh Điệp, một người luyện voi giỏi thời vua Lê chúa Trịnh. Phan Cảnh Điệp nhận tước phong của vua ban do nhiều lần lập công, ông cũng đã từng cưỡi voi xông trận, nhưng không ra làm quan mà lại vào chùa thụ giới, niệm Phật. Tấm bia ở chùa dựng năm Canh Dần (1770), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 31 có đoạn nói rất rõ về vai trò của voi trong chiến trận và tài nghệ của quận công Cảnh Điệp trong việc luyện voi giỏi.
– – – Gốc của chùa Tàu lại nằm ở bờ Đông của Hồ Gươm, nơi bây giờ là vườn hoa Lý Thái Tổ và Sở Điện. Trước đây khu vực này là nghĩa địa voi và khu chăn voi lớn, trước khi bị Pháp phá huỷ. Tàu nghĩa là tàu voi.

Đường ra Kẻ Chợ xem voi
Voi thì chẳng thấy thấy ngôi nhà lầu
Thấy cô chúa tàu bán gương cùng lược
Mặc áo màu chàm bán thuốc nhân sâm
Cái áo tứ thân là năm gấu tách
Anh gửi thư về nửa trách nửa mong
Trách người làm mối không xong.

Như vậy, Văn Miếu, Võ Miếu, Y Miếu ban đầu được xây ngay gần nhau, ở bên ngoài cửa Nam của Thành Thăng Long. Văn miếu được xây đầu tiên, rồi Võ Miếu được xây ngay bên cạnh, cuối cùng là Y Miếu.

===o===o===o===

Các di tích liên quan đến Lê Thánh Tông

Chùa Huy Văn : Chùa Huy Văn toạ lạc trên đất làng Huy Văn, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên, kinh đô Thăng Long. Xưa kia còn gọi là chùa Hoa Văn vì nằm cạnh bến đò Hoa của sông Kim Ngưu và hồ Văn Chương. Nay chùa mở ở 2 ngõ Văn Chương và Huy Văn, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa Huy Văn là nơi đây vua Lê Thánh Tông được sinh ra và lớn lên. Khi ấy, Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đang mang thai và bị thất sủng, buộc phải đi đày nơi xa. Nhờ Nguyễn Xí và Nguyễn Trãi xin cho, bà đã được ra một ngôi chùa làng trú ngụ và sinh con ở đó. Người con trai này là Lê Tư Thành, sau trở thành Vua Lê Thánh Tông. Sau khi Lê Thái Tông mất trong vụ án Lệ Chi Viên mà khiến gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, Lê Nhân Tông lên ngôi. Sau đó, Lê Nhân Tông bị Lê Nghi Dân chiếm ngôi. Các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm, Nguyễn Đức Trung làm binh biến giết chết Lê Nghi Dân và đưa Lê Thánh Tông lên ngôi.

Đền Trung Tả nằm trong khuôn viên cụm di tích đình – đền Trung Tả có địa chỉ tại số 264, phố Khâm Thiên, phường Thổ Quan, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, thờ bà Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông.

Bia Tiến Sỹ của Quốc Tử Giám : Năm 1484, Vua Lê Thánh Tông chính thức khởi dựng bia Tiến sĩ, nhằm vinh danh những sĩ tử đỗ đạt Tiến sĩ từ khoa thi năm 1442

Quảng Văn đình : Quảng Văn đình được vua Lê Thánh Tông cho xây dựng vào tháng 10 năm Tân Hợi (1491) ở cửa Đại Hưng (cửa Nam thành Thăng Long) – vị trí mà thời Lý đã từng có Trữ Văn đình. Quảng Văn đình được xem là ngôi đình đầu tiên, tiền đề cho sự xuất hiện của đình làng Việt Nam sau đó.

Chùa Bà Nành (Tiên Phúc tự) ở số nhà 27 phố Văn Miếu, một cổng khác nằm tại số 154 phố Nguyễn Khuyến.
– Có hai truyền thuyết về việc xây ngôi chùa này.
– – – Truyền thuyết thứ nhất : Chùa trước kia được dựng lên để thờ một bà cụ bán hàng không rõ tên tuổi. Bà cụ thường bán nước chè, đậu nành cho các học trò Trường Quốc Tử Giám. Lại có tư liệu nói thêm là chùa dựng và đầu triều Lê, thế kỷ XV trên nền quán hàng nước của cụ già ấy và có lần vua Lê Thánh Tông (l460-1497) đến thăm Quốc Tử Giám đã ghé vào vãn cảnh chùa.
– – – Truyền thuyết thứ hai : Từ đầu thế kỷ XIII, vua nhà Lý đã cho dựng ngôi chùa này. Đến đời nhà Trần thì chùa đổi tên là Tiên Phúc vì theo lời đồn đại trong dân gian, thỉnh thoảng người ta vẫn thấy có nàng tiên xuất hiện thướt tha trước sân chùa. Khi vua Lê Thánh Tông đến chùa ngắm cảnh thì bỗng từ trên gác chuông thấy hiện ra một người con gái đẹp ngâm nga mấy vần thơ “Ở đây mến cảnh, mến thầy. Tuy vui đạo Phật, chưa khuây lòng người”. Nhà vua đã cùng nàng tiên xướng họa, sau đó, nàng tiên biến mất tại đình Quảng Văn.

Chùa Bà Ngô, Ngọc Hồ tự tức Chùa Ngọc Hồ số 128 phố Nguyễn Khuyến (gần chùa Bà Nành).
– Tên chùa : Theo sách “La thành cổ tích vịnh” thì nguyên tại đây xưa có một gò hình cái bầu đựng rượu (tửu hồ), năm Kiến Gia thứ 8 (1281), Lý Huệ Tông đã cho dựng trên gò ngôi chùa Ngọc Hồ (bầu bằng ngọc, đẹp và quý như ngọc). Người dân địa phương lại có cách giải thích khác là chùa vốn có một giếng nước rất trong không bao giờ cạn, là một thứ lễ vật tinh khiết bậc nhất dâng lên Tam Bảo. Giếng được bảo vệ như vật báu, được xây và có nắp đậy, hiện nay ở dưới mé tam quan của chùa, coi như bầu nước tinh khiết, quý giá như ngọc nên thành tên chùa. Cũng theo sách này, vào thời nhà Lê, có một người con gái đẹp lấy chồng là một nhà buôn người Hoa giàu có, bà đã bỏ tiền ra xây dựng lại ngôi chùa này to đẹp hơn chùa cũ, do đó mới có tên Bà Ngô (Ngô Khách chỉ người Tàu).
– Sự tích Lê Thánh Tông gặp Tiên :
– – – Có một lần Lê Thánh Tông thăm chùa, thấy trên gác chuông có bóng người đẹp ngâm 2 câu thơ:
Ở đây mến cảnh mến thầy
Tuy vui đạo Phật chưa khuây lòng người.
– – – Cũng có thuyết nói rằng nhà vua thấy một thiếu nữ xinh tươi cầm một cành mẫu đơn ngâm mấy câu như sau:
Bà Ngô phong cảnh xinh thay
Đố ai cắt mối sầu này cho xong
Bao giờ về tới ngự cung
Thì ta sẽ dải tấm lòng cho hay
– – – Vua bèn gặp hỏi chuyện và muốn cùng nàng xướng họa. Nàng nhường vua làm trước, lấy đề bằng 2 câu thơ nàng vừa ngâm. Vua làm bài thơ Đường luật như sau:
“Ngẫm sự trần duyên khéo cực cười,
Sắc không, tuy Bụt, ấy lòng người,
Chày kình một tiếng tan niềm tục,
Hồn bướm năm canh lẩn sự đời,
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân muôn trượng chửa khơi vơi.
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười”.
– – – Ni đáp lại ngay: “Hai câu thực và luận còn thiếu ý lại chưa thanh, nên sửa là:
Gió thông đưa kệ tan niềm tục
Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”.
– – – Vua rất phục, mời nàng lên kiệu về cung, nhưng đến cửa Đại Hưng thì biến mất. Vua cho là tiên giáng trần, dựng lầu Vọng Tiên ở đó để tưởng nhớ.
– – – Một đêm nhà vua làm mơ thấy Tiên hiện tới tự tình và nói ở nơi kinh thành lâu nay thường xảy ra tai dịch là bởi có con Thạch tinh ở dưới cái ao ngay trước quán, đã hóa ra một con gà bay đi tác quái khắp Kinh thành, phải kịp trừ ngay mới khỏi sinh tra hậu họa lớn. Khi tỉnh dậy, nhà vua cho đào ngay ở giữa ao trước quán sâu tới 3 thước, đất đỏ như máu, thấy một hòn đá, bèn đập vỡ tan, vứt ra ngoài sông rồi lấp phẳng ao đi. Từ đó kinh thành rất yên ổn.

Bích Câu Đạo Quán :
– Bích Câu Đạo Quán ở phố Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội, trên một gò cổ tên là Gò Rùa, của làng An Trạch
– Xưa kia là nơi các đạo sĩ thường tới đây luyện phép và thờ cúng tiên ông Trần Tú Uyên, một danh y tài giỏi, có công giúp vua Lê Thánh Tông dẹp giặc.
– Theo sử sách ghi lại, xưa kia trên gò cao đầu phố Bích Câu có một chàng thư sinh tên là Trần Tú Uyên dựng quán đọc sách, làm thơ. Một hôm chàng cùng bạn đi dự hội tình cờ gặp một cô gái má hồng đào, gương mặt trái xoan và mái tóc dài liếc mắt nhìn chàng như một tia chớp rồi bỏ đi. Tú Uyên ngơ ngẩn rảo chân bước theo bóng hồng. Bất ngờ, khi tới khu đình Quảng Văn (Cửa Nam) thì chàng không thấy bóng người đẹp đâu nữa.Xem hội về, trong lòng Tú Uyên không khỏi tương tư. Mấy hôm sau, chàng đi chợ Cầu Đông, thấy một bà lão bán bức tranh tố nữ với dáng vẻ yêu kiều như cô gái trong ngày hội chùa hôm trước nên đã mua về. Tú Uyên coi mỹ nữ trong tranh như là người thật, ngày ngày ngắm nhìn, trò chuyện. Đến ăn cơm, uống nước chàng cũng mời cô gái trong tranh ăn uống cùng. Kể từ đó, trong túp lều cũng xảy ra nhiều chuyện lạ kỳ, có những hôm đi ra ngoài trở về, Tú Uyên đã bất ngờ thấy có người dọn sẵn cơm canh. Không khỏi nghi hoặc, một hôm chàng giả vờ ra ngoài rồi đứng nép bên vách, bất ngờ khi thấy trong bức tranh bước ra một cô gái dịu hiền, thoăn thoắt làm mọi việc nội trợ. Cô gái bị phát hiện nên đành thú thực mình là tiên hạ phàm, tên Giáng Kiều. Từ đây, Giáng Kiều cùng Tú Uyên bốc thuốc cứu người, tu tiên học đạo, tạo phúc cho dân trong vùng. Hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc và sinh được một con trai. Một thời gian sau, cả nhà Tú Uyên đều tu hành đắc đạo nên đã bay về trời.
– Vì công lao cứu dân độ thế, Tú Uyên được vua Lê Thánh Tông truy phong danh hiệu “An Quốc chân nhân” cho phối thờ vào chùa Đắc Quốc, từ đây chùa cũng đổi tên thành chùa An Quốc. Trong thời Lê sơ, khi Đạo giáo thịnh hành, chùa An Quốc được xây dựng mở rộng thành cụm kiến trúc tâm linh bản sắc Đạo giáo, đổi tên thành Bích Câu đạo quán. Bích Câu Đạo Quán còn là nơi tao nhân mặc khách và các quan lại, nho sinh ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám tụ hội để dâng, vịnh thơ phú. Thế kỷ XVII, đạo giáo suy thoái, nhiều đạo quán được chuyển thành đền, chùa. Vì thế, trong khuôn viên Bích Câu Đạo Quán hiện có cả chùa và điện thờ Mẫu. Sau khi chuyển thành đình Bích Câu, người dân làng An Trạch vẫn thờ phụng Thành hoàng làng Trần Tú Uyên.

Chùa Bà Ngô cũng là bối cảnh cho câu chuyện Tú Uyên gặp Giáng Kiều trong truyện thơ Bích Câu kỳ ngộ. Chàng học trò nghèo Trần Tú Uyên một hôm đi xem hội làm chay ở chùa Ngọc Hồ

Ngọc Hồ có đám chay tăng,
Nức nô cảnh Phật, tưng bừng hội xuân.
Dập dìu tài tủ giai nhân,
Ngổn ngang mã tích xa trần thiếu ai.

Chiều đến, sắp về, Tú Uyên nhặt được một chiếc “lá hồng” có đề một câu thơ. Chàng định họa lại thì thấy một thiếu nữ tuyệt đẹp trước cửa tam quan, liền đi theo, nhưng đình Quảng Văn thì thiếu nữ bỗng biến mất khiến cho chàng tương tư sầu muộn.

Các sự tích trên đã được Trần Bá Lãm (1757-1815) – Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1787) đề thơ như sau:

Vịnh Ngọc Hồ tự

Địa bất bồng lai ẩn trích tiên,
Y hi hoàn bội bạng hoa biên.
Đại Hưng môn ngoại tiên tung diểu,
Nan mịch Đào nguyên nhận túc duyên

Dich:

Đất chẳng bồng lai náu trích tiên,
Bên hoa văng vẳng xuyến vòng rền.
Đại Hưng ngoài cửa tiên mờ dấu
Khó kiếm nguồn Đào nhận túc duyên.

Như vậy, các sự tích này có điểm chung là có nàng tiên Giáng Kiều, đã biến mất ở đình Quảng Văn, cửa Đại Hưng, cửa Nam của thành Thăng Long cổ.

===o===o===o===

Các di tích về Thiên thần & Nhiên thần

Đống Đa xưa là vùng Đại Hồ phía Nam Thăng Long, các gò của xứ Đống Đa xưa thực chất là gò đầm.

Thuỷ Tinh Công Chúa : Thuỷ Tinh Công Chúa vốn là vị Thiên thần, hiệu là Ngọc Thủy Tinh. Ngài giáng xuống hạ thế tại chùa Hương Tích vào ngày 21 tháng 2 năm Quý Hợi, sau đó đi chu du thiên hạ, thăm thú các vùng danh lam thắng cảnh. Một lần qua Thăng Long, Thần gặp vua Lê Thánh Tông rồi cùng xướng họa làm thơ. Sau khi về trời, vua Lê Thánh Tông đã ban sắc phong thần, cho phép 32 làng được thờ cúng, trong đó có
– Đình Thịnh Quang (đền Vực gần Đình Thịnh Quang).
– Đình Hoàng Cầu ở số 40, phố Nguyễn Phúc Lai, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa
– Đền Hào Nam, Số 29 Phố Vũ Thạnh, Ô Chợ Dừa, Đống Đa (Hào Nam là một trong các làng của Thập Tam Trại, mà thuộc quận Đống Đa)

Thần Quy Động : Thần Quy Động, được vua phong tước hiệu Phổ hoá Hoằng tĩnh Chiêu cảm Đại vương, dân gọi là thần Quy Động (gò Rùa). Theo truyền thuyết, thủa ban đầu những người khai phá đất Khương Thượng hoang bị ốm đau nhiều, một đêm trên gò Rùa thấy phát hào quang sáng rực, bèn lập miếu thờ, dân làng được yên ổn thịnh vượng từ đấy.
– Đình làng Khương Thượng ở số 165 phố Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Hội đình Khương Thượng được tiến hành hằng năm vào ngày 12 tháng 2 âm lịch, tổ chức vui chơi ca hát và tưởng niệm sự kiện xuất hiện hào quang trên gò Động Rùa xưa kia.

===o===o===o===

ĐỀN NHÀ BÀ

Đống Đa có hai đền Nhà Bà.

Đền Nhà Bà – Đền Hậu Thổ ở ngõ 151 Láng Hạ.
– Nơi đây xưa thuộc trại An Lãng, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, ở phía nam kinh đô. Cuối thế kỷ XIX trại An Lãng cắt về tổng An Hạ, huyện Hoàn Long, tỉnh Cầu Đơ (sau đổi là Hà Đông). Đình nằm bên sông Tô Lịch.
– Đền Hậu Thổ tương truyền có từ đời vua Lý Thánh Tông (khoảng 1069–1072).
– – – Theo sách “Việt điện u linh tập”, đức vua đi thuyền chinh nam gặp sóng lớn, được thần báo mộng giúp vượt qua Cửa Hoàn. Sáng ra vua sai tìm trên bờ thì được một khúc gỗ rất giống hình người trong mơ, liền đặt tên là “Hậu Thổ phu nhân”. Sau khi thắng trận và bắt được vua Champa là Chế Củ, vua đem tượng về kinh đô thờ cúng.
– – – Sách “Đại Việt Sử Lược” viết: năm Chính Long Bảo Ứng thứ 9 (1171) vua Lý Anh Tông sai sửa sang đền Hậu Thổ. Đến thời Trần Anh Tông, gặp lúc hạn hán vua bèn dựng đàn cầu đảo, thần báo mộng rằng: “Bản đền có Câu Mang Thần Quân có thể làm mưa được”. Nhà vua tỉnh dậy sai quan hữu ty đến làm lễ. Quả nhiên mưa lớn tràn ruộng, vua bèn ban sắc phong là “Ứng Thiên Hậu Thổ phu nhân”. Sau lại tôn phong là “Ứng thiên Hoá dục Nguyên trung Hậu Thổ Địa kỳ Nguyên quân”.
– Đình Văn Xá, Bình Lục, Hà Nam thờ nhị vị Thủy tề Long vương cùng song thân. Thần phả, sắc phong và truyền thuyết kể rằng
– – – Vào đời vua Lý Thái Tổ, ở Văn Xá, huyện Thanh Liêm có ông Cao Phúc kết hôn với bà Từ Thị Lang ở Văn Xá, huyện Nam Xang. Hai ông bà tuổi cao mà vẫn chưa có con. Một hôm, hai ông bà vớt được hai quả trứng trắng ngoài sông bèn đem về, 100 ngày sau nở ra 2 con rắn trắng, một con dưới bụng có chữ Câu Mang anh, một con có chữ Câu Mang em. Hai ông bà để nuôi và thương yêu như con đẻ.
– – – Một năm ở Thanh Liêm trời làm dịch bệnh, hai ông Cao Mang làm mưa to gió lớn tẩy trừ dịch bệnh cho dân rồi làm ra một cái giếng sâu và đi mất. Tương truyền, cái giếng này ở Văn Xá, Nam Xang có mạch thông sang Văn Xá, Thanh Liêm. Dân Văn Xá, Thanh Liêm lập miếu thờ.
– – – Cũng năm đó lũ to làm đê vỡ, hai ngài Bạch Xà từ giếng ra, đầu gối bên này, đuôi chạm bên kia nằm chắn khúc đê vỡ để ngăn dòng nước chảy, sau hai ngài lại ra sông đi mất. Quan sở tại tâu lên triều đình, nhà vua phong cho hai ngài là Nhị vị Thủy tề Long vương, thân phụ là Văn Phúc đại Vương, thân mẫu là Từ bà Văn Lang công chúa.
– – – Năm sau ở Nam Xang lại có dịch bệnh. Từ bà hóa thành con nghê tới làm phép chữa bệnh cho dân. Dân Nam Xang lập miếu thờ.
– – – Đến đời vua Lê Thái Tổ, sứ quân đi trừ đảng cướp ở Nam Xang. Khi qua Cầu Không, có nghỉ một đêm tại miếu làng Văn Xá. Đang đêm có một tiên nữ báo mộng là sẽ giúp sứ quân tiêu trừ đảng cướp. Sau khi dẹp yên đảng cướp, sứ quân tâu lên triều đình sửa sang thành đình làng, lại phong là Thượng đẳng phúc thần. Từ đó trở đi, dân thôn Văn Xá, Văn Lâm kết tình tương thân tương ái.

Đền Nhà Bà – Đền Hào Nam : Đền Hào Nam còn có tên là đền Nhà Bà, thờ Thuỷ Tinh công chúa, có nơi gọi là Bảo Hoa công chúa, là người Hào Nam, có công trong việc giúp Lý Thường Kiệt lãnh đạo quân dân Đại Việt chống Tống thắng lợi.

===o===o===o===

Các di tích liên quan đến Phùng Hưng

– Lăng Mộ Phùng Hưng, số 2 Giảng Võ

– Đình Hoàng Cầu thờ
– – – Bố Cái đại vương Phùng Hưng
– – – Phùng An và Bảo Hoa công chúa, con của Phùng Hưng.

===o===o===o===

XỨ ĐỐNG ĐA & GÒ ĐỐNG ĐA

Đống Đa xưa là một xứ, gọi là xứ Đống Đa, là nơi những gò đống có cây đa mọc. Đây là những gò cổ, không khác gì là núi.

Cái gò duy nhất còn sót lại hiện nay là ở nơi ông Đống (Sầm Nghi Đống), tướng nhà Thanh giữ đồn Đống Đa treo cổ tự tử trên cành cây đa khi bị quân Tây Sơn tiến công trong chiến dịch Ngọc Hồi – Đống Đa. Gò Đống Đa từ đó gắn với các đống xác quân Thanh chết trong chiến dịch này,

Tương truyền sau chiến thắng Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp cao thành gò gọi là “Kình nghê quán”, hay gò chôn xác “kình nghê” với kình nghê là 2 loài cá dữ ngoài biển, một cách gọi ám chỉ quân xâm lược Tàu. Theo truyền thuyết, 12 gò này nằm rải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng.

Năm 1851, do mở đường mở chợ, đào xẻ nhiều nơi thấy nhiều hài cốt, lại cho thu vào một hố cao lên nối liền với núi Xưa, thành gò thứ 13, tức là gò còn lại hiện nay. Trên gò có đền Trung Liệt (Võ Miếu) nên gọi là gò Trung Liệt.

Trong khu Thái Hà ấp, có gò đống Thiêng, trên gò trước đây có chùa của làng Thịnh Quang, gọi là chùa Thiêng.

Phía sau chùa Bộc, giáp chùa Đồng Quang còn gò Đầu Lâu nhưng đã bị phá từ lâu, nhân dân chỉ còn ghi nhớ vị trí và tên gò.

Theo tấm bản đồ Hà Nội vẽ năm Tự Đức 26 (1873) thì chỉ còn 6 gò trong khu vực ghi là Đống Đa xứ. Trong khoảng đời Nguyễn và Pháp thuộc, những chiến tích lịch sử đó không được bảo vệ nên đã bị phá hoại dần, nhiều gò bị san bằng.

Các gò khác đã bị phạt đi khi Hoàng Cao Khải lập Thái Hà Ấp vào những năm 1890.

Các gò không còn dấu tích nhưng có di tích quan trọng của Đống Đa
– Gò Rùa : Bích Câu Đạo Quán
– Gò Rùa : Đình Khương Thượng
– Gò Thiêng : Chùa làng Thịnh Quang
– Gò Ngọc Tửu : chùa Bà Ngô
– Gò Trung Liệt : Gò Đống Đa, đền thờ Quang Trung, lễ hội Đống Đa

===o===o===o===

Một số di tích liên quan tới chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa

– Gò Đống Đa

– Chùa Bộc:
– – – Trong trận Đống Đa, chùa bị thiêu trụi (1789), năm 1792 được trùng tu lại trên nền cũ, làm nơi quy y cho vong hồn quân Thanh và được đổi tên là chùa Thiên Phúc. Tuy nhiên, nhân dân vẫn quen gọi là Chùa Bộc để chỉ xác giặc bị phơi ra khắp nơi (Bộc có nghĩa “phơi bày”, ngôi chùa được xây dựng ngay nơi chiến địa mà quân thù chết phơi thây).
– – – Chùa có liên hệ mật thiết với chiến thắng Kỷ Dậu (1789) của quân Tây Sơn. Ngay phía trước chùa Bộc vẫn còn một cái hồ, được gọi là hồ Tắm Tượng, nơi đội hình voi của nghĩa quân Tây Sơn tắm sau khi hạ được đồn Khương Thượng. Sau lưng chùa có di tích Loa sơn, nơi tướng giặc Sầm Nghi Đống sau khi thất trận đã thắt cổ tự tử. Trong chùa còn có Thanh miếu – tức miếu thờ Sầm Nghi Đống cũng như quân lính nhà Thanh đã chết trong chiến trận.

Đống Đa ghi dấu nơi đây,
Bên kia Thanh miếu, bên này Bộc am

– Chùa Kim Sơn:
– – – Khu vực này trước kia là bãi tha ma, thi hài các chiến sĩ tử trận trong trận Đống Đa (1789) được đưa vào an táng tại nghĩa địa này. Đây cũng là nơi cầu siêu cho những linh hồn binh sĩ tử nạn trong chiến dịch Ngọc Hồi – Đống Đa, giải phóng Kinh thành Thăng Long vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).

– Chùa Nam Đồng:
– – – Chùa Nam Đồng (có tên là Càn An tự), nằm đối diện với di tích Gò Đống Đa. Đây là một ngôi chùa cổ, hiện còn lưu giữ hai tấm bia có các niên đại 1621 (có nhắc đến xứ Đống Đa) và 1697, một quả chuông đúc năm 1812. Như vậy, địa danh này có trước khi xảy ra cuộc chiến năm 1789. Sau khi kết thúc chiến tranh, ngôi chùa này là một trong những chốn tâm linh hương khói cho những binh lính tử trận trong chiến dịch Ngọc Hồi – Đống Đa.

THIÊN TRIỀU VĂN 

Thương thay, hỡi các chú ơi
Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:
Quý Tỵ giữa ngày mồng năm,
Giờ Dần chính nguyệt ầm ầm huyên hoa
Một chi đánh ở Đống Đa
Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần
Phép voi bại trận tiên phong
Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề
Đao binh tử trận đầy khe
Dọc đường gài gác nằm kề năn năn
Chú sang cứu viện nước Nam
Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay
Chú thì thắt cổ trên cây
Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà
Chú thì thác xuống Diêm La
Chú nào còn sống về nhà đại minh
Ai ai là chẳng đeo tình
Di Đà tiếp dẫn chúng sinh cô hồn
Chú nào có vợ có con
Có cha có mẹ hãy còn giỗ chung
Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông
Nam Kinh, Quảng Bắc có lòng sang đây
Trời làm một trận gió lay,
Sống làm tướng mãnh, thác rày thần linh
Phù hộ tín chủ bình an
Cửa nhà phú túc vững bền cao xây
Mạo chiên nón khách móng giầy,
Đuôi sam hảo tố chú rày cần lo
Chú thiêng nao đấy phụng thờ
Kính quan tôn sứ để nhờ hậu lai
Nhớ xưa chú vác lăng bài
Cung đao tay nỏ, đầu cài nón chiên
Tay vòng bạc, cổ đeo tiền
Cờ mao một ngọn xông tên chiến trường
Điền Châu Thái thú đảm đương
Liều mình tử trận chiến trường nên công
Trận vây ở trong Năm Đồng
Rạng ngày mồng sáu cờ dong lai hàng
Còn ông Tổng Đốc ban sang
Quyết liều một trận chiến trường ba quân
Muốn cho được chữ ái ân
Tuyền quyền vai gánh trung cần đế vương
Vua sai bộ sứ tiếp sang
Quan tài phong kín đón đường kéo ra
Con con cháu cháu hằng hà
Mừng lấy được xác Điền Châu đem về
Tướng tài can đảm cũng ghê
Làm đền phụng sự tức thì Đống Đa
Các chú thác xuống Diêm La
Bắc Nam đôi ngả trẻ già cùng thương
Cơm dày áo nặng nhà vương
Bõ công gối đất nằm sương bao đành
Thác ở chiến trận nên danh
Về thời vua giết chẳng lành được đâu
Chú thì thác ở đầu cầu
Chú thì tự vẫn đâm đầu xuống ao
Ai ai trông thấy thương sao
Lập đàn chẩn tế mà kêu cô hồn
Gọi là mảnh áo thoi vàng
Ít nhiều làm của ăn đường sính thiên
Khuông phù tín chủ bình an
Gái trai già trẻ thiên niên thọ trường.

===o===o===o===

Chia sẻ:
Scroll to Top