XOAY XỞ ĐỂ SIÊU THOÁT

Loading

– Buổi thiền ngày 27/2/2024
– Đề tài : Lễ
– Người dẫn : Thu Hương
– Người thiền : Thu Hương
Lễ là khả năng xoay xở trong mọi hoàn cảnh, với mọi đối tượng và qua mọi tương tác. Người cần lễ, thú vật cần lễ, cây cối cần lễ. Thần thánh, Phật Chúa đương nhiên cần lễ. Các ngôi sao, các hành tinh cần lễ. Vong ma cũng vô cùng cần lễ.
Trong buổi dẫn về chữ Lễ cho các bạn học sinh lớp Timeline nâng cao, tôi được xem câu chuyện về người âm trân trọng lễ như thế nào để có thể về được cây dòng họ, nói cách khác là siêu thoát.
Quan sát quá trình các con ma như những chiếc lá rụng xoay xở để về cội, như những con chim lạc đàn xoay xở để về tổ, như những con người trôi dạt xoay xở để về cố hương, như những đứa con mất gốc xoay xở để về dòng họ tổ tiên, tôi có một cảm giác mênh mang day dứt.
Ma có một trạng thái tồn tại đặc biệt giống như là một người hôn mê hoặc một kẻ nghiện, nghĩa là cứ làm đi làm lại mãi một việc như đánh đấm, khâu vá, chạy trốn …. Ma ở tình trạng này hoàn toàn đánh mất không gian và thời gian, đánh mất chính mình và đánh mất các quan hệ xã hội. Khi đó, ma chỉ còn là cái máy, tồn tại mà như không tồn tại. Tình trạng này là ví dụ tiêu biểu của vong.
Khi đánh thức được âm “Lễ”, một số con ma nhận ra và buông bỏ được trạng thái vong của mình. Một số vong dừng làm những việc vô nghĩa để tự hỏi mình là ai và mình đang ở đâu. Một số vong tìm kiếm xung quanh và cuối cùng nhận ra rằng mình đã chết, mình đang ở thế giới âm.
Chữ “Lễ” đánh thức các con ma về một đời sống xã hội. Những con ma thức tỉnh về trạng thái vong của mình, sẽ kết nối với những con ma đã thức tỉnh khác, để cùng nhau tạo thành một cộng đồng ma.
Những con ma trong cộng đồng ma nhận thức được rằng mình đã chết, mình có một cuộc đời sau khi chết và hình như mình phải làm điều gì đó cho bản thân mình ở đây và lúc này. Những con ma bắt đầu hỏi lẫn nhau rằng chúng ta phải làm gì.
Một số con ma nói với nhau rằng hình như nó có cụ, có ông bà ông vải, có tổ tiên, vì lúc sống ngày Tết vẫn làm lễ cúng những người ấy. Dù thật sự chẳng biết ông bà ông vải hay tổ tiên là ai, những con ma chia sẻ một nhận thức chung rằng dường như tất cả chúng ta đều có ông bà ông vải và tổ tiên.
Một số con ma nhận thức rằng có thể chúng cần siêu thoát dù chúng không biết siêu thoát thực sự là gì và siêu thoát như thế nào. Siêu thoát và về với tổ tiên là điều mà nhiều con ma đã từng được nghe lúc còn sống, và bây giờ trở thành đại nguyện chung cho các con ma.
Một con ma thức tỉnh khỏi trạng thái vong và có nguyện vọng thoát khỏi trạng thái ma, là con ma chuyển hoá được sang trạng thái vọng.
Một con ma ở trong đại nguyện siêu thoát khỏi tình trạng mất gốc và lạc trôi, một con ma ở trong đại nguyện được trở về nguyên gốc, nguyên thuỷ là vọng. Vọng khát vọng, là ước vọng được thực sự thoát khỏi tình trạng vong.
Nhưng không con ma nào trong cộng đồng ma biết cách siêu thoát hay về với tổ tiên. Giống như cộng đồng người sống, chả ai biết chết và làm ma thế nào, thì cộng đồng ma cũng không biết siêu thoát và về với tổ tiên là thế nào.
Các con ma kể cho nhau nghe chuyện về những con ma của thế hệ trước đã làm được việc đó và thời khắc làm được việc đó, những con ma này biến mất khỏi cộng đồng ma.
Một số con ma kể rằng chúng đã đợi người thân rất lâu trong rừng hay ở những nơi mà chúng đã nằm lại, rất xa quê hương. Khi gia đình đi tìm mộ, đi tìm xác và tìm thấy họ, họ đã rất vui. Họ đã chờ đợi một sự đổi thay nào đó giống như là sự siêu thoát mà chúng đã từng nghe nói và chờ đợi mỏi mòn trong cô đơn nhiều năm. Họ đã tham gia đẩy đủ buổi lễ cầu siêu, cầu hồn … mà người thân làm cho mình. Sau các buổi lễ ấy, những người thân đi mất, người thày cúng cũng đi mất, chỉ có những con ma ở lại. Họ không hề siêu thoát.
Nhiều con ma khác cũng kể những chuyện tương tự. Họ chết ở nhà, họ chết gần người thân. Họ đã trân trọng tham gia vào đám ma của chính mình, lễ hoả thiêu của chính mình, lễ cầu siêu của chính mình, lễ giỗ của chính mình, từ năm nay qua năm khác. Niềm hy vọng rằng cuộc đời họ sẽ được thay đổi, rằng họ sẽ đi ra khỏi thế giới âm này cũng theo các buổi lễ này mà mất dần. Hết buổi lễ này đến buổi lễ khác, lễ nào cũng tan, chỉ có ma là luôn ở lại.
Nhiều con ma lang thang, không có người thân hoặc lạc mất quê hương luôn nghĩ rằng đó là lý do mà họ chết kẹt trong thế giới âm. Nhưng khi gia nhập công đồng ma, nghe những câu chuyện của những con ma được tang lễ và thờ cúng rất cẩn thận mà vẫn chết kẹt như vậy, họ hiểu rằng người âm nào một khi đã rơi vào tình trạng vong, nghĩa là tình trạng mất gốc, không kết nối được với tổ tiên, thì đều phải tự xoay xở để siêu thoát.
Một số con ma đi theo và ở lại chỗ ở của người làm lễ cúng cho họ. Một số con ma đến chùa nơi người ta hay làm cầu siêu và hay nói về siêu thoát. Rất nhiều ma trong số đó cuối cùng lại trở về với cộng đồng ma, bởi vì họ vẫn không siêu thoát được.
Siêu thoát là điều bí ẩn, với cả người sống và người chết, bởi vì hầu như chẳng có con ma siêu thoát nào quay lại thế giới âm hướng dẫn cho các con ma chưa siêu thoát biết rằng họ phải làm như thế nào.
Điểm chung của những người âm là khi còn sống, không ai dạy cho họ rằng sau khi mất thì phải làm gì. Âm giới là thế giới của sự tự xoay xở để mà tự trưởng thành, tự kết nối để thành một xã hội đồng vọng đồng nguyện siêu thoát.
Nếu vong là tình trạng rời rạc, đứt kết nối với nguồn cội sự sống của mình, thì đồng vọng là tình trạng thống nhất và liên kết các ước vọng của vong được trở về với tổ tiên, mà được hỗ trợ rất mạnh vào các dịp Tết.
Có những người âm khi còn sống biết rõ mình phải sống như thế nào, và dường như họ đã sống những cuộc đời rất thành công, để rồi được thờ cúng rất trang trọng trong các ngôi đền và ngôi miếu của dòng họ. Nhưng có những người âm đứng ở các nơi thờ cúng mình, từ năm này sang năm khác, đơn giản bởi vì họ không biết phải đi đâu và làm gì. Cách mà họ sống ở dương gian có thể hoàn toàn không còn phù hợp ở âm giới. Dường như lúc còn sống, họ đã lãng quên một số điều căn bản nhất rằng họ là ai và họ sinh ra từ đâu.
Người dương trông chờ vào người được thờ cúng trong đền miếu như những người chỉ đường và canh cổng cây dòng họ, nguồn sự sống, nhưng nhiều người âm cứ đứng mãi ở cổng dành riêng cho họ mà không đi qua được. Những đền, miếu này không phải là nơi sinh ra họ, không phải là quê hương của họ, mà chỉ là cánh cổng dẫn họ đến với những nơi đó, nhưng vì mất gốc, họ đứng ở cổng mà chẳng vào được cổng. Tuy nhiên, vì đứng ở cổng, nên những người này vẫn giúp được người sống kết nối với cái cổng, ở tình trạng chờ ấy.
Những ngôi đền và miếu như vậy là những cánh cổng tiềm năng, những cánh cổng đóng, cho đến khi người canh cổng tự mình bước qua được cổng, nghĩa là khi con ma vượt qua được tình trạng vọng, tình trạng vong của mình, để về lại được với dòng họ, tổ tiên.
Những người được phong thần, thánh là những người cơ bản là đi qua được cổng rồi, khi họ hoá thánh, hoá thần.
Các con ma lạc trôi có một khát khao về với tổ tiên mà lúc sống họ không hề nhận thức được. Nhưng tổ tiên là gì và tổ tiên ở đâu. Âm “lễ” của buổi thiền vang lên nhắc nhở những con ma rằng các lễ cúng dành riêng cho người âm dường như sẽ giúp họ về với tổ tiên.
Ma trong cộng đồng đồng vọng đồng nguyện siêu thoát biết những lễ hội nào linh thiêng và những lễ hội nào không có giá trị, và họ rủ nhau đến các lễ hội linh thiêng rất đông. Các con ma có nguyện vọng được siêu thoát không quan tâm lắm đến rước lễ hay những trò vui chơi như người dương, họ chờ đợi đặc biệt là giây phút cúng tế và cúng lễ. Họ đứng trang nghiêm sau lưng chủ tế, hướng về một thế giới khác nơi có tổ tiên và thần linh. Buổi lễ này là một cánh cổng và họ hồi hộp không biết hôm nay cánh cổng ấy có mở ra cho họ hay không.
Người âm một khi đã thức tỉnh nghiêm túc với cúng lễ hơn người dương rất nhiều, bởi vì họ là nhân chứng của sự linh thiêng của các buổi lễ. Năm nào cũng có những con ma bước qua được cánh cổng giữa các thế giới, mở ra trong các lễ cúng này, để về với tổ tiên, bỏ lại bạn bè buồn rười rượi ở lại trong thế giới âm.
Một số con ma được trợ giúp bởi các thần linh ở một số ngôi đền thiêng. Đền miếu thì rất nhiều, nhưng chỉ có đền thiêng là có cổng và có thần linh mở cổng cho. Ma không thể cứ xông đến các ngôi đền, gõ cửa mà nhờ thần linh cho đi siêu thoát được, mà ma cũng phải đợi các buổi cúng tế của người dương để tham gia cùng.
Một số con ma bước được qua cánh cổng về với tổ tiên trong các buổi cúng lễ tại gia đình mình, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán. Điều kiện để làm được việc này là con ma thực sự kết nối được với gia đình và trong gia đình có người thực sự kết nối được với tổ tiên.
Có con ma đã đi qua cổng rồi, nhưng đến Tết lại quay về, gặp các bạn để giúp các bạn cũng về được với tổ tiên như mình, nhờ con cháu thực sự có tâm và làm được lễ hợp hưởng mời tổ tiên về ăn Tết. Ma có thể đến nhà nhau tham dự Tết, nhưng không thể siêu thoát được theo cách ấy vì khác dòng họ. Nhưng những buổi lễ Tết ấy cho các con ma nhớ lại những ký ức về Tết mà chúng đã có. Các con ma bắt đầu tìm kiếm và tìm kiếm, và nhiều con ma cuối cùng đã về được với gia đình hoặc gặp được với những người trong dòng họ, mà có khả năng kết nối về với tổ tiên.
Những người âm không có gia đình hay gia đình chẳng quan tâm đến thờ cúng tổ tiên không có cơ hội quý giá này, họ phải dồn hết về các lễ cúng có tính chất cộng đồng.
Ngày Vu Lan là ngày rất ý nghĩa với người âm. Các con ma đổ về các ngôi chùa và các bàn cúng lễ của các gia đình. Có chùa rất thiêng, giúp nhiều ma qua cổng ở trên đất chùa. Có chùa thì không. Tương tự có bàn cúng của các gia đình rất thiêng, cho rất nhiều ma qua cổng ở trên đất của gia đình. Có bàn cúng vô giá trị. Năm nào cũng chỉ có một số người âm đi được trong lễ Vu Lan.
Thêm một cánh cổng là thêm hy vọng cho người âm. Cho nên, những người âm đã thức tỉnh, đã có nguyện vọng về cội rất trân trọng những cánh cổng ấy.
Trong dòng ma đổ về chùa trong lễ Vu Lan, có rất nhiều ma lúc sống không hề quan tâm đến đạo Phật, nhưng khi chết và gia nhập cộng đồng ma đồng nguyện đồng vọng siêu thoát, họ đã thay đổi.
Tương tự, hầu hết người âm khi còn sống trên dương thế không hề ý thức được tầm quan trọng của các lễ tế và lễ hội cộng đồng, như là khi đã chết đi và nhân ra tình trạng mất gốc của mình. Có thể nói bất kỳ tôn giáo chân chính nào đều có các lễ cúng và mục đích sâm thẳm của các lễ này đều là giúp con người giữ được kết nối với nguồn cội tổ tiên.
Những người hành thiền siêu thoát ma và chữa lành cây dòng họ là những người giữ cổng đặc biệt bởi vì họ có kết nôi vô cùng sâu sắc và chắc chắn với hiện thực đa cảnh giới và tổ tiên của các dòng họ. Những người âm thường tập hợp cả dòng họ lại, rất trật tự theo các đời, để đợi đến các buổi thiền mở cổng siêu thoát, mà thông tin luôn được gửi trước về các dòng họ để có sự chuẩn bị phù hợp.
Có thể nói, người hành thiền là sứ giả của các cây dòng họ. Tuy không phải dòng họ nào cũng có người biết hành thiền, nhưng những người hành thiền có thể đi xuyên qua nhiều cổng và trợ giúp cho nhiều dòng họ. Cuộc đời họ, duyên nghiệp và năng lực họ có là một thiết kế cuộc đời có sẵn có mang tính xuyên đời, mà họ đã đầu thai trong rất nhiều dòng họ.
Những người lúc còn sống càng coi mình là trung tâm vũ trụ, là thần tượng, là thiên tài, thì lúc chết càng mất gốc. Để có nguồn cội, con người phải đặt câu hỏi rằng mình thuộc về cái gì, cái gì sinh ra và dưỡng nuôi sự sống của mình. Nếu một người tự coi mình là trung tâm, là nguồn cội cho người khác, thì đương nhiên sẽ có xu hướng phủ nhận nguồn cội đích thực của mình, bởi vì tư tưởng gốc của họ là hơn người, mà người kém hơn họ phải thuộc về họ.
Có thần tượng thì cũng có người sùng bái thần tượng. Những con ma lúc sống càng sùng bái và chạy theo một cá nhân cụ thể hay mục đích cụ thể thì càng thành ma mất gốc. Nguồn cội đích thực không tồn tại trong cá nhân ấy, một khi họ đã cho rằng tiền, danh vọng, hay minh sư, chân sư, thánh, chúa là nguồn cội của mình.
Việc cúng lễ liên miên lúc sống chẳng giúp ích gì cho con người lúc chết, nếu như người sống tham gia lễ hội như tham gia trò chơi hay người sống nộp mình cho thần thánh để xin xỏ cái gì đó cho mình.
Chẳng có nguồn cội nào trong cúng lễ hay các trạng thái sống kiểu này.
Những con ma cho tôi hiểu chữ lễ ở một chiều sâu khác và cho tôi suy nghĩ về những người còn đang sống.
Lễ có lẽ quan trọng với người đã chết hơn cả người còn sống, vì không có nó, thì vong ma không cách nào xoay xở để về với nguồn cội, không có chỗ nào bám víu để quay trở về với khởi nguyên.
Trên dương gian, con người có rất nhiều ảo tưởng, rằng mình là ông nọ, bà kia, rằng mình sống với nguyên tắc và chân lý, rằng mình có thánh thần phù hộ ….; nhưng thế giới âm sẽ cho từng con người tự bơi trong hiện thực mất gốc của mình.
Đôi khi chỉ đến lúc chết đi, ai đó mới hiểu rằng mình đã là vong hồn trong thân thể từ trên dương thế, cho nên trong âm giới mình mới là vong ma.
Chia sẻ:
Scroll to Top