VĨNH LONG & CÔN ĐẢO

Loading

Trong đời mình tôi chưa từng liên hệ Vĩnh Long và Côn Đảo, cho đến chuyến đi xuyên Việt cuối 2023 đầu 2024.
Khi đang ở thượng nguồn sông Đồng Nai tôi được nhắc bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh. Tôi biết mình phải đi Côn Lôn.
Côn Lôn là một cái tên rất rất rất nổi tiếng. Nó có một nghĩa là dãi núi hình rồng có vận hành hổ hoặc/và dãy núi hình hổ có vận hành rồng.
Côn Lôn là tên của một trong các dãy núi lớn nhất thế giới và ẩn chứa nhiều huyền thoại.
Dãy Côn Lôn dài khoảng 3000km chạy theo hướng Tây – Đông, tạo thành ranh giới phía bắc của cao nguyên Tây Tạng và rìa phía Nam của lòng chảo Tarim, sa mạc khét tiếng Takla Makan và sa mạc Gobi.
Dãy núi này được hình thành tại rìa phía bắc của mảng kiến tạo Cimmeria trong quá trình va chạm của nó, vào cuối kỷ Trias, với lục địa Siberia, kết quả là sự khép kín của đại dương Paleo-Tethys.
Đỉnh cao nhất của dãy Côn Lôn là Mộ Sĩ Sơn (7.167 m) trong vùng khu vực Vu Điền (Keriya). Arka Tagh là trung tâm của Côn Lôn Sơn.
Một loạt các con sông quan trọng chảy ra từ dãy núi này, bao gồm sông Karakash (Hắc Ngọc Hà) và sông Yurungkash (Bạch Ngọc Hà), chảy qua ốc đảo Hòa Điền vào Sa mạc Taklamakan.
Dãy núi Bayankala, nhánh phía Nam của dãy núi Côn Lôn, tạo thành đường phân nước giữa lưu vực của hai con sông dài nhất Trung Quốc là Dương Tử và Hoàng Hà.
Dãy núi Côn Lôn nổi tiếng trong thần thoại Trung Hoa và người ta tin rằng nó là thiên đường của những người theo Đạo giáo. Núi Côn Luân trong thần thoại một phần nào đó dựa trên đền Kailash và một phần trên dãy núi Côn Lôn. Các địa điểm khác nhau của núi Côn Luân đã được đề cập đến trong nhiều truyền thuyết, thần thoại và các ghi chép bán sử. Nhiều sự kiện quan trọng trong thần thoại và huyền sử đã diễn ra trên núi Côn Luân này.
Dãy Côn Lôn đươc coi là đường lên Thiên đường. Theo truyền thuyết, người đầu tiên đến thiên đường này là Chu Mục vương của nhà Chu. Ông ngẫu nhiên phát hiện ra cung điện bằng ngọc của Hoàng Đế, vị hoàng đế thần thoại và là người sáng tạo ra nền văn hóa Trung Hoa, và đã gặp Tây Vương Mẫu, mà đỉnh cao sự sùng bái tôn thờ bà đã diễn ra vào thời nhà Hán, nơi ở thần thoại của bà cũng nằm trong dãy núi này.
Côn Luân là nơi ở của các vị thần và tiên nữ khác nhau, cũng là nơi sinh sống của vô số loài thực vật và động vật huyền thoại.
Tu viện lạt ma Shangri-La hư cấu cũng nằm trong dãy núi này.
Núi Côn Lôn trong thần thoại được miêu tả giống trụ chống trời (hoặc đất), đôi khi lại có dạng nhiều tầng, nhưng đều có đặc điểm nổi bật là “bí ẩn, hùng vĩ, hay lộng lẫy” trong thần thoại. Bệ đỡ của núi Côn Luân được cho là cắm sâu vào lòng đất còn phần trên thì tiến thẳng đến bầu trời.
Tôi thích hai câu thơ cuối của bài thơ Đập đá ở Côn Lôn
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước
Gian nan chi kể việc con con
Hai câu thơ cuối khiến tôi nghĩ đến câu chuyện Nữ Oa đội đá vá trời. Những vị thần sáng tạo như Nữ Oa hay Po Nagar không phải là thần Trung Quốc hay thần Chămpa, vì họ mang tầm vóc Trái đất và vũ trụ. Chẳng ai biết cái cột trời đất của Nữ Oa nằm ở đâu trong dãy Côn Lôn, và có bao nhiêu cái cột trời đất như thế trên toàn thế giới.
Tức nhiên tôi không đi Côn Lôn ở cao nguyên Thanh Tạng hay trong thiền mà đi Côn Lôn nằm ngoài khơi bờ biển của đồng bằng sông Cửu Long. Đây là điểm chốt trong chuyến đi Nam Bộ của tôi mà đã đi qua
– Tỉnh : Đồng Nai, Bình Phước, Đắc Nông, Lâm Đồng, Nha Trang, Phan Rang, Tp Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bình Dương, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Hậu Giang (thiếu Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang là các tỉnh tôi đã đi trước đó nhưng không đi trong chuyến xuyên Việt này)
– Sông : Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ, sông Cửu Long
Côn Đảo là một điểm trấn biên, điểm khóa luồng sông biển trọng yếu. Vai trò và vị trí của Côn Đảo là duy nhất mà không có quần đảo hay đảo nào khác ở nước ta so sánh hay thay thế được.
Tôi được nhắc phải đi đường bộ nên tôi đến cảng Trần Đề ở Sóc Trăng rồi đón tàu ra Côn đảo. Đang mùa gió chướng, sóng đánh thuyền chao đảo. Đây là mùa ít khách du lịch ra đảo, nhưng lại là mùa tù Côn Đảo vượt ngục.
Tôi được trải nghiệm chuyến đi biển khủng khiếp nhất trong đời. Cảm giác là muốn chết mà không chết được. Vấn đề là cả con tàu mỗi tôi và người đi cùng chết đi sống lại như vậy. Dường như chúng tôi đang đi trên một chiếc thuyền địa ngục khác với tất cả mọi người trên tàu. Sóng quật và nghiệp quật. Các ký ức về việc bị quăng quật trong lũ lụt, trong sóng biển và bị hành hạ tra tấn như trong địa ngục bao nhiêu cuộc đời bao gồm ký ức về tù nhân Côn Đảo… đang bị kích hoạt.
Kinh nghiệm dẫn thiền cả chục năm khi tôi luôn nhắc nhở học sinh rằng những ký ức đau khổ cùng cực của họ chỉ là quá khứ lúc này không tác dụng với chính tôi. Tôi được nhắc là phải trải nghiệm đến tận cùng như thế này mới xả được. Tôi không hiểu xả cái gì chỉ còn cảm giác vô hồn kiệt quệ cả thân thể và tinh thần. Tôi cố gắng xem timeline về ký ức tù nhân Côn Đảo của mình mà không được, tôi chỉ xem được space trong thân thể của tôi và thấy các khóa không gian đang bị tháo tung.
Côn Đảo là một nhà giam nơi quan hệ không – thời gian và quan hệ thân thể – tinh thần bị trấn yểm, trong đó không gian sẽ kiểm soát thời gian và thân thể sẽ kiểm soát tinh thần. Tất cả những người đến Côn Đảo dù với tư tưởng du lịch cũng sẽ thành tù nhân theo cách này hay cách khác bởi vì họ không thể nào đủ tầm để vượt ra ngoài kiết giới vĩ đại này.
Tàu cập bến, tôi lê lết về khách sạn. Tôi nửa muốn vượt ngực thoát khỏi nhà tù kinh khiếp này, nửa muốn đầu hàng ở lại đây suốt đời để không phải bước lên tàu lần nữa. Nằm bẹp ở khách sạn mãi rồi tôi cũng cố lết dậy vì biết tôi chỉ ở đây có hai ngày một đêm mà còn nhiều việc phải làm.
Tỉnh táo hơn, đầu tiên tôi đi nhà Chúa Đảo. Vừa bước vào khuôn viên căn nhà, tôi đã thấy một khuôn mặt và một tiếng cười đầy thú tính vang lên, và tôi nhận ra ngay rằng Chúa đảo có năng lượng hổ dữ. Tinh thần hổ của Côn Đảo kích lên thú tính ăn thịt, kiểm soát, vùi dập, bạo hành và hạ nhục thân thể và tinh thần người khác của các chúa đảo, và sự thoả mãn thú tính khi làm được như thế.
Khiếp quá, tôi đi đến bảo tàng. Tôi thấy các tù nhân Côn Đảo khổ quá, bởi vì ít nhiều chính tôi đã trải nghiệm cảm giác cầm tù và chạy trốn, cảm giác bất lực và ngã quỵ khi đến với cái địa ngục trần gian này.
Côn Đảo luôn có năng lượng giam cầm trong bản chất của nó và Côn Đảo là một nhà tù từ xa xưa. Về mặt chính thức, thực dân Pháp thành lập nhà tù Côn Đảo năm 1862 và nhà tù này hoạt động sang thời Mỹ, thời Nguỵ cho đến ngày đất nước giải phóng (1/5/1975).
Tù nhân Côn Đảo gồm
– Tù nhân của Pháp từ các cuộc nổi dậy chống Pháp của Thủ Khoa Huân, Trương Công Định, Thiên Dương Hộ…, đặc biệt là từ cuộc nổi dậy ở kinh thành Huế
– Tù nhân của Pháp từ phong trào Cần Vương diễn ra trên khắp cả nước như Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Đính và Phạm Thận Duật
– Các thủ lĩnh, nghĩa binh và nhân sĩ thuộc các phong trào Đông Châu, Đồng Tâm Hiệu, Thiên Địa Hội, Vạn Xa, Phật Đường, Học Hưng, Bình Hưng, Bạch Xỉ, Huynh Đệ… trong đó có nhiều nhân sĩ phong kiến điển hình như Trịnh Đình Vì (Tri phủ Khoái Châu – Hưng Yên), Đồng Ngọ (Tri phủ Tiên Lãng – Hải Phòng), Lê Cơ (Tuần phủ Hưng Yên), Lê Văn Mười (Chánh quản Bắc Ninh)…
– Tù nhân từ các cuộc duy tân chống Pháp bùng nổ khắp nơi, đặc biệt sau phong trào chống sưu thuế sâu rộng ở Trung Kỳ và vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Thành như Huỳnh Thúc Kháng (hiệu Minh Viên, đậu giải nguyên năm 1900), Phan Châu Trinh (hiệu Tây Hồ, đỗ phó bảng năm 1901), Phan Thúc Duyện (hiệu Phong Thử đậu cử nhân năm 1900), Nguyễn Soạn (đậu cử nhân năm 1900), Lê Trọng Nhĩ (đậu cử nhân năm 1903), Ngô Đức Kế (đậu tiến sĩ năm 1901), Đặng Nguyễn Cẩn (đậu phó bảng năm 1895), Lê Văn Huân (đậu giải nguyên năm 1906), Đặng Văn Bá (đậu cử nhân năm 1900), Hoàng Văn Khải, Nguyễn Xứng (đỗ cử nhân năm 1906), Nguyễn Hữu Cầu (đậu cử nhân năm 1906), Nguyễn Quyền (đậu túc tài năm 1891), Trần kỳ Phong (đậu tú tài năm 1902)…
– Tù nhân của khởi nghĩa Yên Thế, khởi nghĩa Thái Nguyên …
– Tù nhân trí thức vốn là đảng viên Việt Nam quốc dân Đảng và Hội Cách mạng thanh niên như Đình Bửu (cộng tác viên nhiều tờ báo tại Sài Gòn), Phạn Tuấn Tài (giáo học, sáng lập ĐạiĐồng thư xã), Hoàng Phạm Trân (sáng lập Nam Đồng thư xã), Nghiên Toản (tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Đông Dương) … – Tù nhân trí thức cộng sản như Nguyễn Hới, Trần Xuân Độ, Tạ Uyên, Tôn Đức Thắng, Hà Huy Tập, Lê Đức Thọ, Tống Văn Trân, Tống Phúc Chiếu, Phạm Văn Đồng…
– Tù nhân Đảng cộng sản thành lập năm 1930, tù nhân Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 và cuộc nội dậy Đô Lương Nghệ An … như Nguyễn Văn Cừ, Trần Xuân Độ, Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Dức Chính, Nguyễn Văn Xuân, Ngô Gia Tự, Phạm Hùng, Nguyễn Công Khương, Trần Quang Tặng, Lê Quang Sung, Nguyễn Chí Diễu, Lê Duẩn, Nguyễn Kim Cương, Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh), Trần Văn Giàu, Lê Hồng Phong, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Điểu, Ung Văn Khiêm, Lê Thanh Nghị, Hà Huy Giáp, Trần Huy Liệu, Đào Duy Kỳ, Nguyễn Công Trung, Nguyễn Duy Trinh, Lê Văn Lương, Mai Chí Thọ…
Điểm tên tù nhân Côn Đảo giống như điểm tên đường phố khắp các tỉnh và thành phố trên đất nước Việt Nam. Nói thế là đủ biết dấu ấn mà tù nhân Côn Đảo để lại trong lịch sử Việt Nam từ thời Gia Long đến nay là cực kỳ vĩ đại.
Sau khi đến bảo tàng tôi quay lại nhà Chúa Đảo. Tôi cũng đến các nhà giam, nhưng cũng chỉ dừng lai ở sân mà không vào thăm các buồng giam vì tôi mệt quá, cả tinh thần và thể xác, không thể lết nổi nữa. Tôi cơ bản đuối sức không thở được. Mới lên tàu cổ tôi đã bi kích sưng đỏ, nhưng trên Côn Đảo, tôi thậm chí không thở được và cổ sưng to hơn (tôi bị sưng cổ suốt cả chuyến đi cho đến lúc về Hà Nội vẫn chưa đỡ).
Tôi đi sang đền bà Phi Yến mà theo tích là vợ của Gia Long thời còn bị quân Tây Sơn truy đuổi, sau khi Gia Long trốn thoát đi thì bà Phi Yến ở lại, còn con bà thì chết trên biển.
Sau đó tôi đi đến nghĩa trang Hàng Dương.
Thực ra, nhiều năm trước tôi đã từng làm một ca cá nhân thiền chữa lành siêu thoát cho chiến sỹ Côn Đảo. Trong ca chữa tôi thấy các chiến sỹ không đứng ở nghĩa trang nhiều mà đứng lớp lớp trong mặt nước viền quanh đảo chờ đợi được siêu thoát mà tôi không thể siêu thoát nổi cho các chiến sỹ. Ca chữa ấy chỉ giúp cho tôi kết nối được với các chiến sỹ và lần này khi lên đảo tôi thấy lại được cảnh tượng các linh hồn đứng xung quanh đảo ngay từ khi tôi còn ở trên tàu lênh đênh ra đảo.
Tôi đứng ở tượng đài trung tâm nghĩa trang khấn với tinh thần đất, nước, sông, biển, gió, núi …, các vị thần, tiên, thánh, Chúa, Phật …. giúp đỡ để siêu thoát, giải thoát và đưa về quê hương tất cả anh hùng, chiến sỹ, chí sỹ, nhân sỹ, dân thường, binh lính và các chúa đảo mà về thể xác, tinh thân, linh hồn đã và đang bị giam giữ ở Côn Đảo.
Sau khi khấn xong tôi thắp hương các mộ chiến sỹ, tôi thấy các các bó hương cứ liên tục cháy đùng đùng. Tôi hiểu là các linh hồn báo tin cho tôi biết là họ có nghe được lời khấn. Sau khi đi nghĩa trang Hàng Dương tôi đỡ mệt hẳn.
Tôi lên sơ đồ của Côn Đảo và hôm sau chúng tôi đi theo sơ đồ này. Đảo chính của Côn Đảo tên là Côn Lôn, là con hổ. Tim con hổ nằm ở núi Chúa. Cổ con hổ là nơi có sân bay Côn Đảo và mộ hoàng tử Cải con bà Phi Yến và Gia Long. Bụng con hổ là khu trại giam. Đền bà Phi Yến nằm ở rốn con hổ. Đuôi con hổ là khu vực cảng tàu. Phía đuôi con hổ này là Hòn Bà, hay Côn Lôn bé, một hòn đảo bé hơn nhiều trong hệ thống quần đảo này.
Trước khi rời Côn Đảo, tôi nhận ra gia đình ba người của Gia Long – Bà Phi Yến – Hoàng tử Cải giữ bộ chìa khoá gốc để mở năng lượng ở Côn Lôn. Ba vị này đều có gốc thượng đẳng thần và đều mang định mệnh và sứ mệnh lớn với người dân và đất nước Việt Nam. Ngay từ đầu họ đã biết được định mệnh của Côn Đảo là nơi giam giữ các mảnh hồn và xác của rất nhiều người, nên đã chia nhau ra giữ các chìa khoá gốc để đỡ cho trấn yểm này về sau
1. Gia Long giữ năng lượng rồng mộc khí, đối lập với năng lượng hổ kim thổ của Côn Lôn. Chìa khoá mà Gia Long giữ là tinh thần rồng, với năng lực chuyển hoá nghịch cảnh. Một khi thoát khỏi đảo hổ Côn Lôn, con người sẽ có sự chuyển hoá vượt bậc, sẽ hoá rồng và làm nên nghiệp lớn sau khi rời đảo.
– Người ta có câu “hổ mọc thêm cánh”. Nếu tù nhân côn đảo để bị khuất phục và đầu hàng về tinh thần, họ sẽ trao đôi cánh cho con hổ và các tên chúa đảo, cho bọn giặc, khiến chúng như “hổ mọc thêm cánh”.
– Ngược lại, những tù nhân mà chết hoặc thoát được khỏi Côn Đảo nhưng giữ được tinh thần là những con rồng tích hợp được năng lương hổ, để làm nên sự nghiệp vĩ đại đầu đội trời chân đạp đất như ý nghĩa của chữ Côn Lôn.
Cuộc đời Gia Long là minh chứng rõ nét cho sự vĩ đại của bậc anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, của con rồng có năng lượng hổ. Ông đã biến cuộc rượt đuổi của Quang Trung với mình và sự truy sát của Tây Sơn với các chúa Nguyễn, thành động lực để đi khắp núi non, rừng biển, ghj dấu ấn cá nhân và dòng máu của mình lại và định hình nên chữ S của đất nước Việt Nam. Chính Gia Long cũng là người đã sử dụng và đưa cái tên Việt Nam thành tên đất nước của chúng ta đến bây giờ thay cho tên Đại Viêt, và ông đã rất cương quyết nhẫn nại giữ lấy cái tên này khi phương Bắc không đồng ý.
Nhiều người ảo tưởng rằng nếu Quang Trung còn sống thì lịch sử dân tộc sẽ sang trang vĩ đại, bởi chúng ta sẽ là cường quốc đánh Đông dẹp Bắc như một con hổ. Ảo tưởng này đi ngược lại hiện thực toàn cầu về chủ nghĩa phong kiến và chủ nghĩa thực dân, cũng như hiện thực đất nước ta thời kỳ loạn lạc này. Cách đánh của Quang Trung là cách đánh thần tốc từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Tây để đập tan tành kẻ thù, cách đánh của Gia Long và Bác Hồ, cũng như các vị vua mở triều đại là đánh trường kỳ để định hình nên đất nước, như vua Lê Lợi đánh xong còn cấp thuyền và lương cho quân địch trở về.
Một số sử gia đã làm quá vai trò của nhà Tây Sơn như một triều đại kết thúc thời kỳ phong kiến và làm quá vai trò của Quang Trung như một vị hoàng đế có năng lực định hình tính quốc gia và tính dân tộc lên, đồng thời phủ nhận sứ mệnh vĩ đại của Gia Long và vai trò to lớn của nhà Nguyễn.
Quang Trung là một hổ tướng vĩ đai. Con hổ Quang Trung cùng con rồng Gia Long đã định hình nên nước Việt. Gia Long đã định được kinh đô ở Huế và triều đại nhà Nguyễn, còn Quang Trung đã không thể định hình nổi triều đại Tây Sơn và kinh đô của của mình như một vị quân chủ, ngay từ lúc ông còn sống và chiếm ưu thế quân sự đứng đầu trong các phe phái thời kỳ ấy. Bốn nhà Lê, Mạc, Trịnh và Nguyễn cùng nhau định hình nên lãnh thổ quốc gia, không phải nhà Tây Sơn. Phượng Hoàng trung đô là một dự án không thành của Quang Trung, thất bại do sự phản đối của người dân Vinh, với Tây Sơn và Quang Trung chứ không liên quan gì đến Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn.
Vai trò của nhà Nguyễn như triều đại phong kiến cuối cùng không phải là làm cho nước Việt thành con hổ, vì làm được như thế thì cũng sẽ mất nước do hổ là năng lương phương Bắc kỵ dơ cơ bản với năng lượng gốc con rồng Việt Nam. Vai trò của nhà Nguyễn là định hình tính quốc gia và tính dân tộc, để khi phong kiến sụp đổ, thì hình hài đất nước Việt vẫn còn và các dân tộc vẫn tiếp tục chung sống trên đất nước Việt. Vai trò này được nhà Nguyễn và tiêu biểu là Gia Long và sau này được Bác Hồ đã hoàn thành xuất sắc. Hiện tại là minh chứng rõ ràng chúng ta đã giữ được hình hài chữ S và cái tên Việt Nam sau khi giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.
Vai trò của Quang Trung với những nỗ lực đầu tiên nối dòng họ Hồ (mà liên quan đến Hồ Tây/Thăng Long) và dòng họ Nguyễn bằng cách đổi từ họ Hồ sang họ Nguyễn là không thể phủ nhận, những ông giết chóc dòng họ các chúa Nguyễn và quật mồ phá bia mộ các chúa Nguyễn, vì ông giống con hổ dữ ham tấn công hơn là con rồng uyển chuyển. Sau này Bác Hồ là người kết nối được chữ Nguyễn với chữ Hồ môt cách mềm mại, uyển chuyển và đầy biến hoá như rồng.
Nếu hiểu được tượng đài tinh thần mà Gia Long và Bác Hồ đã đặt và đã giữ trên Côn Đảo, chúng ta sẽ nhận được chìa khoá chuyển hoá năng lương giữa rồng và hổ, để mở luồng siêu thoát cho những người con trăm họ đang bị giam giữ tại mảnh đất này.
2. Bà Phi Yến giữ năng lượng âm giữa rồng và hổ. Bà giữ trạng thái bị giam giữ trên đảo đồng thời trạng thái tự nguyện định cư dân đảo. Bà cũng là vị thần đỡ cho các tù nhân trên đảo cầm cự được trong tình trạng giam cầm hoặc siêu thoát được theo đường thuỷ nếu mất trên đảo hay trên đường trốn.
3. Hoàng tử Cải là vị thần biển, giữ luồng khí thuỷ đi ra khỏi đảo. Tất cả những tù nhân muốn vượt ngục thành công đều phải bắt được luồng khí thuỷ của vị thần này mới ra được khỏi đảo. Những tù nhân chết trên đảo hay trên đường vượt ngục, nếu găp được vị thần này cũng sẽ được đỡ để thoát được khỏi sự kiểm soát của đảo
Sau khi hiểu hơn về Côn Đảo, chuyến về đất liền của tôi yên bình hơn rất nhiều so với chuyến đi ra đảo. Tôi thấy rất đông tinh thần đi theo thuyền về đất liền thành một dải đuôi kéo dài trên mặt biển. Tôi cũng chưa biết là họ sẽ đi tiếp thế nào để về quê hương bản quán của mình nhưng việc đó tính sau, trước hết cần khôi phục được các luồng hỗ trợ để đi ra khỏi đảo.
Lộ trình dự kiến của tôi khi ra khỏi đảo là dừng ở Cần Thơ sau đó qua Vĩnh Long rồi về lại Sài Gòn. Ở Cần Thơ, không có chuyện gì xảy ra cả, mà sự kỳ diệu xảy ra ở Vĩnh Long.
Tôi liên hệ với một học sinh để dẫn tôi đi ở Vĩnh Long. Côn Đảo làm cho tôi mệt mỏi đến mức mà thoát khỏi đảo tôi chỉ muốn nghỉ ngơi, không muốn chuẩn bị bất kỳ điều gì cho việc dừng chân ở Vĩnh Long cả. Vì lý do nào đó mà tôi đợi ở một chỗ, bạn học sinh lại đón tôi chỗ khác, và trong thời gian chờ đợi dài này tôi quyết định đọc thêm về Kinh lược sứ Nam Kỳ Phan Thanh Giản.
Năm 1867, cụ Phan Thanh Giản đang làm Tổng đốc Vĩnh Long. Trước sức mạnh của quân đội Pháp, nhận thức được binh lực của triều đình và thời đại, không muốn nhìn thấy đồng bào và binh lính phải đổ máu xương, cụ đã bỏ thành Vĩnh Long đầu hàng để tránh thương vong, từ đây Nam kỳ lục tỉnh trở thành thuộc địa của Pháp. Chịu mang tiếng “bán nước”, sau khi tuyệt thực 17 ngày liên tiếp vì dày vò với đất nước và vua, cụ Phan Thanh Giản đã uống thuốc độc tự tử. Con cháu đã phải đem trộm thi hài của cụ về Bến Tre.
Cụ Phan Thanh Giản làm quan thời loạn lạc nên phải mang nhiều tiếng oan bán nước với cả vua, cả quan và cả dân. Một trong những điều đáng tiếc của tôi ở Bến Tre là đã không qua được mộ cụ Phan Thanh Giản, nên tôi muốn thắp hương khấn cụ ở Văn Thanh Miếu Vĩnh Long, mà được cụ Phan Thanh Giản và cụ Nguyễn Thông xây dựng. Không hiểu sao ngay từ lúc ở Tiền Giang tôi đã có mong muốn và linh tính sẽ găp được cụ, vào thời điểm thích hợp.
Côn Đảo hiện nay thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, nhưng trước kia đã từng thuộc Gia Định và Vĩnh Long. Vĩnh Long thời trước rất lớn và Vĩnh Long từng là trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Sau khi gặp được bạn học sinh, tôi được dẫn thẳng đến Văn Thánh Miếu. Khi thắp hương ở Văn thánh tôi bất ngờ vì ngoài cụ Phan Thanh Giản, Văn thánh còn thờ rất nhiều vị khác, nhưng dường như có một hội đồng các tinh thần đón chúng tôi ở đó cùng rất đông các tinh thần mà sau này tôi mới biết của các dòng họ và các vùng đất. Chưa có văn thánh miếu nào tôi đã đi qua (ở Hà Nội, ở Hưng Yên, ở Sài Gòn, ở Biên Hoà) mà gây cho tôi xúc động lớn lao như ở đây.
Điều khiến tôi ngạc nhiên là có hai vị mặc đồ đen vô cùng trang trọng đón chúng tôi và giúp chúng tôi thắp hương. Vì thiếu hiểu biết thực tế về các đạo của vùng Nam Bộ, nên tôi đã không biết rằng họ thuộc đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, mà tưởng họ là các vị trông coi đền.
Tôi ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng họ sẽ dẫn tôi đi tiếp ra Miếu Công Thần. Họ nói rằng họ có duyên đón chúng tôi ở Văn Thánh Miếu, chúng tôi cần ra Miếu Công Thần. Họ nói rằng những người được thờ miếu và chúng tôi có cùng nguồn gốc ông bà tổ tiên, nên nếu đã đến được đây và đã gặp được họ mà không đi tiếp thì tổ tiên sẽ trách. Họ muốn tự đưa chúng tôi ra Miếu Công Thần dù hôm qua họ đã ở đó rồi. Họ nói rằng chưa ở đâu có thể có 85 đạo sắc phong như Miếu Công Thần.
Hai người đồ đen xuất phát từ An Giang và có chuyến hành hương đi đến các điểm thờ cúng trăm họ như chúng tôi. Cả nhóm tôi và nhóm họ dường như đều làm về Cửu huyền thất tổ, Cửu huyền trăm họ. Cả hai nhóm chúng tôi đều đã đi qua rất nhiều điểm của nhiều tỉnh trong nhiều ngày qua và cũng sẽ cần phải đến thêm rất nhiều điểm trong nhiều ngày tới. Cả hai nhóm không hẹn mà gặp ở Vĩnh Long. Cả hai nhóm dường như đều chốt chuyến đi cuối 2023 sang đầu 2024, trước tết Giáp Thìn.
Miếu Công Thần được xây dựng lại cùng giai đoạn với Văn Thánh Miếu, sau khi Miếu Hội Đồng bị giặc Pháp. Ngay từ khi bị phá, miếu đã nhận được 85 đạo sắc phong. Ở đây thờ cả nhiên thần và nhân thần đặc biệt các vị có công mở đất và giữ đất từ Bắc đến Trung và Nam. Rất nhiều vị được thờ ở đây cũng được thờ khắp các miền đất nước mà tôi đã từng viếng đền và mộ họ trước và trong chuyến đi xuyên Việt này.
Trên con đường ngắn từ Văn Thánh Miếu về Công Thần Miếu, tôi thấy rất xúc động vì rất đông tinh thần đi theo về đất liền từ Côn Đảo đến Vĩnh Long mới gặp được các tinh thần trong cây dòng họ ra đón. Thấy cụ Phan Thanh Giản và rất nhiều vị được thờ ở Văn Thánh Miếu và Công Thần Miếu ra đón để dần luồng cho các tinh thần tử Vĩnh Long về tiếp quê hương mình ở các tỉnh miền Trung và Nam Bộ, tôi rất xúc động. Tôi cũng được hỗ trợ bởi nhóm tinh thần bên Tứ Ân Hiếu Nghĩa, một tôn giáo mà chỉ khi đến Nhà lớn Long Sơn Vũng Tàu tôi mới có dịp tim hiểu sâu hơn. Các tinh thần từ Côn Đảo về vô cùng cảm động, các tinh thần đón ở Vĩnh Long cũng rất cảm động, và tôi cũng rất cảm động.
Một nhóm tinh thần không chuyển luồng ở Vĩnh Long sẽ đi tiếp theo tôi ra miền Trung và miền Bắc. Họ sẽ cùng tôi đi các nghĩa trang ở Trường Sơn, qua mộ của Hà Huy Tập, cũng là một tù nhân Côn Đảo rồi về chùa Hương Tích ở Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.
Sau khi giúp đỡ chúng tôi ở Công Thần Miếu, hai người theo đạo Từ Ân Hiếu Nghĩa tạm biệt để đi tiếp theo lộ trình của họ. Tôi băn khoăn về việc xin hay không xin liên lạc của họ, nhưng rồi tôi quyết đinh “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không ? Để gió cuốn đi”. Trăm họ là một nhà, trăm họ trung một gốc. Chỉ cần chúng ta hiểu trong lòng mình như vậy và sống đúng như vậy là đủ.
Khi về Hà Nội, tôi có đặt câu hỏi là vì sao Vĩnh Long lại là điểm đón các chí sỹ và chiến sỹ Côn Đảo. Câu hỏi này dẫn tôi đến chữ Vĩnh Long, mà có
– Long đối với Dần của Côn Lôn (Rồng và Hổ là 2 trong 4 con vât tứ linh mà luôn đối xứng với nhau)
– Vĩnh là vô tận về thời gian đối với tính giam hãn về không gian của nhà tù Côn Đảo.
Liên quan đến chữ Long này có
– Cửu Long : Sông Cổ Chiên chảy qua Vĩnh Long là một nhánh rồng mộc khí của Cửu Long, mà đối với tính thổ của Côn Đảo.
– Vĩnh Long là tỉnh nằm giữa hai nhánh sông chính của sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu, nên ở góc độ nào đó Vĩnh Long nằm ở trái tim của hệ thống Cửu Long, trong khi Côn Đảo chặn ngoài biển Đông nơi chín cửa sông Cửu Long đổ ra biển. Vĩnh Long có rất nhiều địa danh mang tên Long.
– – – Văn Thánh miếu Vĩnh Long tọa lạc bên bờ sông Long Hồ thuộc làng Long Hồ, Tỉnh Long An, huyện Vĩnh Bình (nay thuộc phường 4, thành phố Vĩnh Long).
– – – Công Thần Miếu Vĩnh Long nằm bên tả ngạn sông Cổ Chiên tọa lạc trên đường 14 tháng 9, thuộc phường 5, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, Việt Nam. Trước 1975, đất này thuộc ấp Thanh Mỹ, xã Long Đức, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long.
– Mảnh đất hình con rồng Việt Nam
– Gia Long
– Chữ Nguyễn mang hình con sóng mà cũng là con rồng
– Năm Giáp Thin 2024
Khi định viết về năng lượng và các sự kiện sẽ xảy ra năm Giáp Thìn 2024, mà mở ra với tôi sau chuyến đi xuyên Việt, tôi được nhắc cần viết về Vĩnh Long trước. Năng lượng rồng và tỉnh Vĩnh Long sẽ được khôi phục vai trò của mình trong các năm tới, tính từ năm Giáp Thìn 2024.
Cá nhân tôi mong muốn một ngày sẽ được thấy lại con đường mang tên Phan Thanh Giản trên đất Vĩnh Long và mong muốn được thấy tượng của Gia Long được dựng lên ở các nơi mà ông đã đặt dấu ấn trên đất nước Việt Nam mà đặc biệt là Nam Bộ.
Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả những người bạn và tổ tiên các dòng họ đã giúp đỡ tôi đến được Côn Đảo và giúp đỡ tôi ở Vĩnh Long.
Chia sẻ:
Scroll to Top