U Minh nước đỏ
Choại, dớn, cóc kèn
Ăn ở cho hiền
Dạo chơi với rắn
Bất kỳ sâu cạn
Rắn nước, rắn râu
Bay trên trời cao
Rắn rồng uốn khúc
Chạy ngang chạy dọc
Rắn ngựa phóng theo
Hút gió thật kêu
Là con rắn lục
Mái gầm lục đục
Bò chậm như rùa
Mở xuống bất ngờ
Hổ mây ẩn núp
Coi chừng nó quất
Là con rắn roi
Ra đồng dạo chơi
Là rắn bông súng
Đựng đầy một thúng
Là rắn cạp nia
Ăn rồi ngâm nghe
Hổ hành nấu cháo
Dữ mà nhỏ xíu
Đúng thiệt rắn giun
Chớ nên coi thường
Con rắn ri cóc
Rắn mà muốn học
Làm cậu ông Trời
Có khách hay mời
Là con hổ chuối
Con rắn ri cá
Thấy nước thì ham
Hình vóc hiên ngang
Rắn roi, mỏ rọ
Thật là đáng sợ
Chàm oạp, hổ mang
Xét cho đàng hoàng
Rắn thì có nọc
Đừng châm, đừng chọc
Bỏ mạng lìa đời
Trí khôn con người
Biến loài độc ác
Lấy nọc làm thuốc
Trị bệnh cứu dân
Đau khớp trật gân
Ê mình nhức mỏi
Lại còn một mối
Lấy thịt xé phay
Chiều nhậu lai rai
Bổ ơi là bổ!
U Minh là vùng rừng ngập mặn nằm ở cực nam của đất nước ta. U Minh có kiểu rừng rất đặc thù, được xếp hạng độc đáo và quý hiếm trên thế giới.
Sông Trẹm chia U Minh thành hai vùng thượng và hạ. U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau, U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang. Cả hai khu rừng này đều nằm phía nam của sông Cái.
Tiền thân của rừng U Minh Thượng là rừng úng phèn U Minh, vốn được người bản địa đặt tên từ lâu đời là “Hồ rừng”, hình thành tập trung ở phía Tây bán đảo Cà Mau, tiếp giáp với dải rừng ngập mặn ven biển vịnh Thái Lan, trên địa bàn hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Do nhiều nguyên nhân tác động diễn biến, rừng nguyên sinh tập trung ở U Minh Thượng nhiều hơn.
Tiền thân của Vườn quốc gia U Minh Hạ là bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi. Đây là khu vực có hệ động thực vật đặc trưng vùng đất ngập nước trên lớp than bùn do xác thực vật tích tụ lâu năm tạo thành. Thực vật đặc hữu ở đây là các loài: tràm, móp, trảng năn, sậy… Động vật đặc trưng là: rái cá lông mũi, tê tê, nai, khỉ đuôi dài, lợn rừng, rùa, rắn, trăn, các loại cá nước ngọt, chim, côn trùng… U Minh Hạ có hai khu chính : Khu rừng trên đất than bùn và Khu rừng ngập nước.
U Minh là cái tên rất đặc biệt ghép nên từ chữ U và chữ Minh. Hiểu một các giản dị thì “u” là âm u, u tối, u mê, u ám, u buồn, u sầu … và âm u tạo ra luồng hơi và hút rất rõ; trong khi đó “minh” là minh triết, minh sát, minh bạch, minh trang, quang minh, thông minh, tường minh … và minh lại liên quan đến ánh sáng và trạng thái định hình. Như vây, U Minh là một tên có tính lưỡng nghi âm dương rất rõ ràng.
Một môi trường với năng lượng lưỡng nghi như vậy rất hợp với rắn, đặc biệt là rắn nước và rắn cây.
Nhân năm Tỵ chúng ta hãy cùng đọc Vè Rắn U Minh, với các ghi chú chủ yếu lấy từ trang https://cadao.me
U Minh nước đỏ
Có câu “Không có nước đỏ, không phải là U Minh”. Vào mùa nước đỏ, những dòng kênh, con rạch trong nhuộm một màu đỏ bầm. Đó là do nước lá tràm rụng xuống phân hủy tạo ra. Lớp than bùn dưới chân rừng tràm hình thành trong điều kiện thực vật, phần lớn là cây tràm bị phân hủy do thiếu ôxy, lâu ngày trở thành than bùn, có chức năng giữ nước, lọc nước, tích lũy cácbon. Lá tràm rụng nhiều trên mặt đất rừng, nên khi gặp mưa xuống liền phân hủy, ngấm qua than bùn và chảy xuống kênh, rạch, khiến nước nhuộm một màu đỏ đậm. Hiện tượng nước đỏ này chỉ có ở U Minh. Nơi nào còn than bùn thì nơi đó còn nước đỏ và vùng nào có lớp than bùn dày, trữ lượng nhiều thì nước càng đỏ sậm. Vào mùa mưa nước nhạt màu hơn, còn mùa khô nước đỏ đậm, rất tốt cho đời sống của các loài thủy sản nước ngọt. Nước đỏ rừng tràm nhiều dưỡng chất, đặc biệt là giàu chất đạm, giúp cho các loài động, thực vật trên lâm phần sinh sôi phát triển, nhất là nguồn lợi cá đồng.
Choại, dớn, cóc kèn
Ăn ở cho hiền
Dạo chơi với rắn
Choại : Một loài dương xỉ mọc hoang trong rừng ẩm nhiệt đới ven các con sông, kênh rạch. Ở nước ta dây choại có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười, Cà Mau, Hậu Giang, Rạch Giá. Lá và đọt non dùng làm rau, thân dai và bền, chịu được lâu trong nước nên được dùng làm dây thừng và dụng cụ đánh cá, và còn được dùng làm thuốc.
Dớn : Một loài rau dại có hình dáng gần giống cây dương xỉ, chỉ có ở vùng núi rừng hay nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp có độ ẩm ướt cao. Đặc biệt, rau dớn chỉ thích hợp với môi trường hoang dã nên ít khi nuôi trồng được. Rau dớn được dùng làm thực phẩm và làm thuốc.
Cóc kèn : Tên một loài dây leo mọc phổ biến trong những khu rừng ngập mặn, hay xung quanh những sông ngòi, ao hồ nhiễm mặn ở nước ta. Dây cóc kèn có thể dài từ 8 đến 15 mét, đôi khi mọc thành bụi um tùm. Lá xanh mướt, bóng láng, một cành mang từ 3 đến 5 lá. Quả cây cóc kèn như quả đậu, khi chín màu nâu vàng, mang 1-2 hạt. Cây cóc kèn đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng ngập mặn cùng với các loại cây đặc trưng khác như đước, mắm, vẹt. Thân rễ cây cóc kèn là những vị thuốc Nam trị nhiễm trùng, sưng, bong gân. Lá cóc kèn có độc tính, nhân dân ta thường dùng lá có kèn phơi khô đặt trong các chum vại và mảng trữ thóc để trừ mọt.
Bất kỳ sâu cạn
Rắn nước, rắn râu
Rắn nước : Tên chung của một số giống rắn, sống dưới nước, thức ăn chủ yếu là ếch nhái, cá nhỏ… Rắn nước nói chung hiền lành, thường lẩn trốn khi gặp người, nhưng gặp trường hợp đặc biệt, nó cũng có thể cắn. Rắn nước cổ đỏ, rắn cổ bẹt, rắn cổ trĩ đỏ… cũng được biết đến với tên gọi nữ hoàng bóng đêm là loài rắn có nọc độc, dù rất ít cắn và ít cắn sâu đủ để tiêm nọc độc, nhưng một khi đã nhiễm độc thì rất khó cứu.
Rắn râu : Một loài rắn độc, nhưng lượng nọc và độc tố không đủ để gây nguy hiểm cho con người. Đặc điểm nổi bật của rắn râu là từ đầu mũi mọc ra hai xúc tu trông như hai sợi râu. Cặp “râu” này có tác dụng như một loại mồi nhử thu hút các loài cá đến gần.
Bay trên trời cao
Rắn rồng uốn khúc
Rắn rồng : Còn có tên là rắn hổ ngựa hoặc rắn sọc dưa. Rắn cỡ lớn, lưng có sọc, sống trên cạn, thường gặp ở đồng bằng và trung du, không độc, song rất dữ, dễ bị kích thích. Rắn rồng bắt mồi cả vào ban ngày và ban đêm và có tập tính săn đuổi mồi (chủ yếu là chuột, thằn lằn hoặc ếch nhái). Rắn tên là rồng có thể vì hình dáng và trạng thái lướt đuổi theo con mồi ở những vị trí cao của loài rắn này.
Chạy ngang chạy dọc
Rắn ngựa phóng theo
Rắn ngựa thì phi ngang dọc như ngựa.
Hút gió thật kêu
Là con rắn lục
Rắn lục : Loại rắn cỡ nhỏ sống trên cây nhưng cực độc. Thường gặp là rắn lục xanh có đầu hình tam giác, phủ tấm nhỏ. Có nhiều loại rắn lục như: rắn lục xanh, rắn lục đuôi đỏ, rắn lục sừng, rắn lục núi…
Mái gầm lục đục
Bò chậm như rùa
Rắn mái gầm : Loại rắn độc có kích thước khá lớn, dài trên một mét khi trưởng thành. Đầu to, trên đầu có dấu hiệu giống như một mũi tên màu vàng, mắt nhỏ màu đen. Thân rắn có khoanh đen và vàng xen kẽ, giữa lưng có gờ nổi dọc theo xương sống. Đây là một trong những loài rắn cực độc. Rắn mái gầm chậm chạp, ít khi chủ động tấn công con người, thức ăn của chúng là rắn khác, cá, ếch, trứng rắn. Loài rắn này có nhiều tên khác như mai gầm, cạp nong, hổ lửa…
Mở xuống bất ngờ
Hổ mây ẩn núp
Hổ mây : Còn gọi là hổ mang chúa, một loại rắn độc lớn, thân có thể dài 5-7m. Gọi là hổ mây vì thân có vẩy như trái mây. Rắn hổ mây sống trên mặt đất, nhưng trèo cây và bơi rất giỏi, kiếm ăn cả ban ngày lẫn ban đêm. Trước đây rắn có nhiều ở vùng Tây Nam Bộ, và có rất nhiều giai thoại như rắn hổ mây khổng lồ, hổ mây tát cá… Vì hổ mây trèo cây giỏi nên nó có thể bất ngờ lao xuống từ trên cây.
Coi chừng nó quất
Là con rắn roi
Rắn roi : Một loại rắn có thân hình nhỏ nhưng rất dài, đầu khá to so với cơ thể. Rắn roi không độc, khá hiền lành, ít khi tấn công người. Điểm đặc biệt là rắn roi có khả năng thay đổi màu sắc thành vàng, xám, lục… cho phù hợp với môi trường sống. Vì thân hình rất dài cho nên nó có thể quất vào người như roi.
Ra đồng dạo chơi
Là rắn bông súng
Rắn bông súng : Một loài rắn nước không có độc, sống phổ biến ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ nước ta. Thân rắn có màu xám hoặc màu xanh nâu, giữa sống lưng có sọc kẻ màu nâu, hai bên mình lại có những sọc nhạt xen kẽ lằn đen nhỏ. Bụng màu trắng hoặc vàng với một đường nằm ở chính giữa sậm màu hoặc một dãy chấm tròn. Rắn bông súng là một loài rắn hiền lành sống ở ao hồ hay đầm lầy nước ngọt, thức ăn chính của chúng là cá.
Đựng đầy một thúng
Là rắn cạp nia
Rắn cạp nia : Còn gọi rắn mai gầm bạc, rắn đen trắng, rắn hổ khoang, rắn vòng bạc. Đây là loài rắn lớn, chiều dài từ 1 mét trở lên, lưng có khoanh màu đen xanh hay nâu sẫm xen với khoanh màu trắng hay trắng vàng, khoanh trắng hẹp hơn khoanh đen, sống lưng tròn, không có gờ nổi như rắn cạp nong. Rắn cạp nia thường ở nơi cao ráo, gần nước như bờ thửa, ven đường, bờ mương… Rắn cạp nia chậm chạp, ăn đêm, chúng ăn chạch, lươn, chuột và cả rắn khác, thường chỉ cắn người khi bị tấn công. Nọc rắn cạp nia rất độc, độ độc gấp 4 lần nọc độc của rắn hổ mang.
Ăn rồi ngâm nghe
Hổ hành nấu cháo
Rắn hổ hành : Còn gọi là rắn mống, một loài rắn có lớp vảy phát ra ngũ sắc dưới ánh nắng. Lưng rắn có màu nâu hay nâu ánh đỏ hoặc ánh đen, phần bụng có màu xám trắng. Rắn hổ hành là động vật chuyên đào bới, phần lớn thời gian sống chui rúc, chỉ bò ra vào lúc chạng vạng để kiếm thức ăn là các loài ếch nhái, rắn và thú nhỏ. Chúng không có nọc độc và giết chết con mồi bằng cách quấn và co cơ giống như trăn.
Dữ mà nhỏ xíu
Đúng thiệt rắn giun
Rắn giun : Một loại rắn lành, bề ngoài giống giun đất trưởng thành nên thường bị nhầm lẫn là giun, nhưng thân không phân đốt và có xương sống, có vảy, đầu ngóc lên khi bò. Do tập tính sống trong đất nên mắt rắn giun thoái hóa, chỉ còn một chấm nhỏ hầu như không có tác dụng thị lực (vì vậy nhiều nơi còn gọi chúng là rắn mù). Chủ yếu sống ở các khu vực ẩm ướt, gần các tổ kiến, mối. Thức ăn chủ yếu là các ấu trùng, trứng… của kiến, mối.
Chớ nên coi thường
Con rắn ri cóc
Rắn rằn ri cóc Một loại rắn nước thuộc họ rắn rằn ri, phân bố ở các thủy vực thuộc hệ sinh thái nhiệt đới, da màu vàng như màu đất phèn, nhám, đầu ngắn và to, ăn các loại cá và động vật nhỏ.
Rắn mà muốn học
Làm cậu ông Trời
Có khách hay mời
Là con hổ chuối
Rắn hổ chuối : Còn gọi rắn ráo, rắn săn chuột, hoàng tiêu xà. Là loài rắn rất độc, sống ở nơi ẩm ướt như đầm lầy, ao hồ. Rắn có thân mình khoanh đen trắng, bơi lặn rất giỏi, thức ăn chủ yếu là cá. Khi bơi lặn trong nước, khoanh màu trắng rất mờ nên nhiều người nhìn nhầm thành con cá chuối, vì vậy có tên là hổ chuối.
Con rắn ri cá
Thấy nước thì ham
Rắn rằn ri cá : Là loài rắn nước phổ biến, ăn đêm, sống bán thời gian dưới nước, cư trú ven sông nước ngọt, ao hồ, kênh lạch và các đầm lầy. Rắn rằn ri cá có đầu to, rộng và thân to, chắc, với các vảy gồ lên. Trên đỉnh đầu có những hoa văn như hình mặt nạ màu trắng. Thân màu nâu đỏ nhạt với nhiều vạch ngang màu vàng nhạt viền đen, nhưng nhạt dần sang màu nâu xám ở các con rắn già. Phần bụng màu trắng có những chấm tròn đen nhỏ. Thức ăn chính cùa loài này là cá và ếch nhái.
Hình vóc hiên ngang
Rắn roi mỏ rọ
Rắn roi mỏ rọ có kích thước lớn hơn, đặc biệt là phần đầu so với rắn roi thông thường mà nhỏ và rất dài
Thật là đáng sợ
Chàm oạp, hổ mang
Rắn chàm oạp : Còn gọi là rắn chàm quạp, một loài rắn rất độc dài khoảng một mét, hoa văn trên thân hình tam giác sẫm màu trên nền nâu đỏ tía hoặc hung đỏ đậm nhạt. Loài rắn này thường sống ở những khu đất rùng thấp, khô ráo, kiếm ăn đêm, thường dùng chiếc đuôi đu đưa để hấp dẫn con mồi. Thức ăn của chúng là ếch, nhái, đôi khi là cả các loài gặm nhấm, chim và các loài rắn khác.
Hổ mang : Một loại rắn rất độc, thân mình có thể dài tới 2m, không có vảy má, thường bạnh cổ ra khi bị kích thích, khi đó ở phía trên cổ trông rõ một vòng tròn màu trắng (gọi là gọng kính). Lưng có màu nâu thẫm, vàng lục hay đen, hoặc đồng màu hoặc có những dải hoa văn như những vạch ngang đơn hoặc kép sáng màu hơn.
Xét cho đàng hoàng
Rắn thì có nọc
Đừng châm, đừng chọc
Bỏ mạng lìa đời
Cơ bản rắn nào cũng có độc, không nên châm chọc, càng chẳng nên mang rắn vào nhà nuôi, kể cả loại mà chúng ta cho là không có độc như các loài rắn nước.
Trí khôn con người
Biến loài độc ác
Lấy nọc làm thuốc
Trị bệnh cứu dân
Đau khớp trật gân
Ê mình nhức mỏi
Nọc độc rắn lại có thể dùng làm thuốc chữa đau xương khớp. Có thể nói nọc rắn là một loại tinh huyết của rắn, mà cũng được sản xuất ra từ xương như máu huyết và dịch khớp bình thường, chính vì thế nọc rắn chữa được bệnh xương khớp.
Lại còn một mối
Lấy thịt xé phay
Chiều nhậu lai rai
Bổ ơi là bổ!
Thịt rắn rất ngon và bổ dưỡng.
Rắn cũng như bất kỳ loài sinh vật nào đều là một phần của trật tự tư nhiên, như con người. Chúng ta không thể xếp rắn là loài độc hại hay loài có ích, vì con người không phải là tiêu chí để xếp sắp các giồng loài trong tự nhiên. Giống loài nào cũng có đặc thù riêng, mà chúng ta cũng cần hiểu.
Rắn loài thú sống hoang dã, có bản năng bảo vệ thân thể và không gian sống rất mạnh, rắn rất cần được sự tĩnh lặng và yên ổn trong không gian sống riêng tư của chúng. Nếu chúng ta muốn sống đúng với bản chất của con người mình, nếu chúng ta cần sự riêng tư và yên ổn trong nhà mình thì chúng ta sẽ hiểu và tôn trọng điều đó ở vạn vật.
Rắn dạy cho con người về chữ “Lễ” với nghĩa gốc của từ này là trật tự tự nhiên, mà không sáng trưng trước mắt chúng ta để ai ai cũng biết như là biển chỉ đường giao thông (minh) nhưng cũng không quá bí ẩn (u), chừng nào chúng ta hiểu được mình là một phần của thế giới tự nhiên, thì chúng ta sẽ hiểu được U Minh chính là trật tự tự nhiên.