Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc đời

Loading

Trong câu nói “thay đổi tư duy, thay đổi cuộc đời”, có các quan hệ sau

– Vế “thay đổi tư duy”
– – – Chủ thể tư duy : ví dụ ai tư duy, không biết
– – – Tư duy
– – – Đối tượng của tư duy & vận hành của tư duy : ví dụ về tư duy về cái gì và như thế nào, không biết, chỉ biết là thay đổi

– Vế “thay đổi cuộc đời”
– – – Chủ thể cuộc đời : ví dụ tôi hay cái cây, con chuột, con ma … không biết
– – – Cuộc đời : cuộc đời gì, không biết vì không biết chủ thể cuộc đời
– – – Vận hành của cuộc đời : ví dụ vận hành sức khoẻ, vận hành tâm trí, hay vận hành để đến mục đích nào đó … không biết, chỉ biết là thay đổi

“Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc đời” là câu nói không đúng, không sai, mà cơ bản vô nghĩa.

Chúng ta hãy cụ thể hoá hơn câu trên, để cho nó bớt vô nghĩa
– “Thay đổi tư duy về cái cây, thay đổi cuộc đời cái cây”
– “Thay đổi tư duy về cái cây, thay đổi cuộc đời tôi”

Bất kỳ ví dụ cụ thể nào đưa ra cũng sẽ cho thấy sự vô nghĩa quá rõ ràng của câu nói này.

Chúng ta hãy cố gắng thêm để làm cho câu này có ý nghĩa, ví dụ “Tôi thay đổi tư duy của tôi, tôi thay đổi cuộc đời của tôi” :
– Tôi, “chủ thể tư duy”, là A
– “tư duy của tôi” là a
– “Tôi thay đổi tư duy của tôi” : A thay đổi a
– Tôi, “chủ thể cuộc đời”, là B
– “cuộc đời của tôi” là b
– “Tôi thay đổi cuộc đời của tôi” : B thay đổi b

Lúc chúng ta thay đổi suy nghĩ từ mây trời sang gió bể, thì chúng ta vẫn cứ thở và ăn. Một lần nữa, câu nói này vẫn tiếp tục vô nghĩa.

Khi chúng ta thích câu
– “Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc đời”
nghĩa là chúng ta thích
– “Thay đổi a, thay đổi b”
thế thôi, còn
– ai thay đổi a, b ? : chẳng cần biết
– a, b là gì ? : chẳng cần biết
– thay đổi là gì, thay đổi như thế nào ? thay đổi để làm gì ? : chẳng cần biết

Ở tình trạng nhận thức và hành vi tệ hại đến mức này thì, thay đổi cái quái gì mà chả như nhau, cho nên hãy thay đổi những thứ hoành tráng nhất
– “Thay đổi suy nghĩ, thay đổi sức khoẻ”
– “Thay đổi tinh thần, thay đổi con người”
– “Thay đổi cá nhân, thay đổi vũ trụ”
– “Thay đổi ý thức, thay đổi vật chất”
– “Thay đổi không gian, thay đổi thời gian”
– “Thay đổi mặt trăng, thay đổi mặt trời”

“A thay đổi a, B thay đổi b”, là một câu nói vô nghĩa, khi chẳng có liên hệ nào giữa
– đối tượng a và đối tượng b,
– chủ thể A và chủ thể B,
Để cho câu nói này có nghĩa, thì chúng ta phải làm cho
– “chủ thể tư duy” sinh ra “chủ thể cuộc đời”
– “tư duy” sinh ra “cuộc đời”

Việc một người cho rằng “tư duy” sinh ra “cuộc đời”, cho thấy người này mất năng lực chủ thể chịu trách nhiệm về nhận thức và hành vi cá nhân của họ, do đó họ sẽ gặp các tình huống
– thày cô bảo tôi ngu dốt ===> tôi ngu dốt
– cha mẹ bảo tôi thất bại ===> tôi thất bại
– thày cô giỏi giang ===> tôi thành công
– cha mẹ yêu thương ===> tôi hạnh phúc

Cho nên họ sẽ cố gắng
– tạo ra các danh xưng như một cách định vị ảo cho một cái tôi quá yếu về tính chủ thể
– tự hô to lên những câu như “tôi vĩ đại”, “tôi thành công”, “tôi giỏi giang” …. để át lại những sự chê bai và phủ nhận từ bên ngoài
– tìm đến những người bán hàng, người tư vấn ra rả nói với họ những câu như “anh vĩ đại”, “bác thành công”, “chị xinh đẹp”, “cô xứng đáng”…
– trở thành người truyền cảm hứng, người tư vấn, người bán hàng, để tự nói với chính mình và những người khác những lời như vậy
– đổi tội cho người khác cho hành vi và nhận thức cá nhân

Có câu “đời là vô thường”

Bản chất của tư duy là luôn thay đổi, cho dù một người có gào thét câu nói này lên hay không. Nhưng các vấn đề tiền bạc, sức khoẻ, nhà cửa … của cuộc sống thì không thể được giải quyết chỉ bằng cách lải nhải “thay đổi”, “thay đổi”.

Bản chất cuộc sống là luôn thay đổi. Nếu một ngày họ gặp được một sản phẩm, một phương pháp, một kiến thức, một hội nhóm hay một “minh sư” mà thay đổi được cái gì đó cho họ, họ sẽ bám víu vào những thứ này để có một cái tôi và để họ có phương hướng thay đổi.

Nếu “Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc đời” là một câu rất có “ý nghĩa” thì cuộc đời chúng ta buộc phải “vô nghĩa”. Đi đến tận cùng của sự vô nghĩa này, một người sẽ tự chấm dứt cuộc đời mình. Để tự tử, một người ít nhất phải có năng lực chủ thể sự sống, nghĩa là tự quyết định sống chết của mình. Người biết sống và biết chết, biết đi đến tận cùng một trải nghiệm là thánh, là thần. Người bình thường như chúng ta không có năng lực như vậy : chúng ta sẽ luôn bám víu và sống mòn, dù. cảm giác cuộc đời và chính mình vô nghĩa.

Bản năng của chúng ta là sống. Khi chúng ta có cảm giác rằng đời mình vô nghĩa nhưng chúng ta vẫn còn bản năng sống, thế là, chúng ta sẽ vùng vẫy để thay đổi a, thay đổi b, dù không biết chúng ta là ai và a, b là cái gì. Đơn giản nhất là thay đổi những thứ không mục đích, không chủ thể, không đối tượng, dạng như kiến thức, công thức hay khẩu hiệu …. và thay đổi những thứ bên ngoài mình như thay thày, thay bạn …

Khi chúng ta cho rằng cuộc đời của chúng ta chỉ là các suy nghĩ, và có thể được thay đổi bởi suy nghĩ của ai đó, thì chúng ta không còn là chủ nhân cuộc đời mình. Đây là một trạng thái tư duy nhân quả rất ảo. Khi một người lựa chọn tư duy ảo, cuộc sống ảo, cái tôi ảo, họ sẽ phải đánh đổi tư duy thật, cuộc sống thật và cái tôi thật của chính mình.

Tóm lại, vấn đề rất lớn của những người đam mê “thay đổi tư duy, thay đổi cuộc đời” là họ tự gây mê bản thân rằng “tư duy” sinh ra “cuộc đời”, nhưng chính vì thế, họ phủ nhận sự tồn tại của “bản thân” và “cuộc đời” của họ, khi bắt nó phải sinh ra bởi “tư duy” của ai đó, bao gồm các kiến thức và công thức thành công.

Biết nói gì về những tuyên ngôn vĩ đại về câu chữ mà vô nghĩa về bản chất tinh thần này đây
– Vĩ đại thay tư duy và cuộc đời vô nghĩa của chúng ta
hay
– Vô nghĩa thay tư duy và cuộc đời vĩ đại của chúng ta ?

Chia sẻ:
Scroll to Top