Chín là trạng thái chuyển hoá liên tục của một đối tượng về cả tinh thần và thân thể trong không thời gian, để đi đến sự tự kết thúc, mà chính là cái chết của đối tượng đó.
Tháng 9 là tháng của sự chín chắn và cái chết. Chỉ có người chín chắn mới chết được và người chết được thì mới chín chắn.
Cây ra hoa, thụ phấn, đậu quả, quả xanh, rồi quả chín dần. Để có quả chín cần cả một tiến trình, dù tự nhiên, nhưng vẫn đầy rủi ro và trắc trở. Chỉ cần một bước trong chuỗi này không xảy ra sẽ chẳng có quả hoặc có quả rồi thì quả cũng có thể bị sâu ăn, bị gió làm rụng mà chẳng kịp chín.
Chín quả là thời khắc quyết định trong cuộc đời cái cây. Cái cây không ra được quả chín là cái cây sống cũng như chết. Cái cây ra được quả chín là cái cây có sự tiếp nối cuộc sống sang thế hệ sau, giống như con vật sinh con đẻ cái vậy.
Bất kỳ việc gì con người làm cũng phải qua hàng chuỗi vận hành và tương tác mới ra được một kết quả. Cái chết là lúc cuộc đời con người cho quả chín. Cho nên cái chết rất là thiêng liêng, rất là quan trọng.
Chính quả là thời khắc quyết định trong cuộc đời của người đi tu, vì tu nghĩa là sống với ý thức tường minh về sự kết thúc của cuộc đời của cá nhân mình, hay “tử”. Phật Thích Ca tu tập cả đời, trải quả bao nhiêu chuyển hoá mới đi đến bước đạt chính quả, rồi chết nhập Niết bàn.
Các vị Thánh đạt được quả vị của mình vào lúc chết, nghĩa là chuyển hoá được cả một tiến trình sống của toàn bộ con người trong cái chết. Cái chết chuyển hoá được toàn bộ cuộc đời được gọi là hoá, vì qua cái chết, con người ấy hoá thánh, hoá tiên.
Cha mẹ có thể sinh ra con. Con người có thể tự giết lẫn nhau. Nhưng không ai sống được và chết được thay cho ai cả.
Ai rồi cũng phải chết. Đón nhận cái chết, minh triết về cái chết, chủ động chết khi đến ngưỡng, còn chưa chắc chết nổi, trong khi bây giờ mọi người thường sợ hãi cái chết, trốn tránh cái chết. Vua cha Diêm Vương, Thần Chết thay vì là Vị Thần tượng trưng cho kết quả, ý nghĩa và sự chuyển hoá sang các thế hệ sau của cuộc đời lại trở thành nỗi sợ hãi, sự ám ảnh, và nhiều khi bi coi như là ác quỷ.
Khi một người có thái độ với cái chết như vậy, thì đương nhiên cuộc đời người ấy không thể có kết thúc tốt đẹp, và trong bất kỳ việc gì, người này không thực sự hướng tới và đạt được kết quả cùng ý nghĩa cuối cùng.
Có nhiều kiểu “không chết được”
– Chỉ biết bắt đầu, không biết kết thúc : Nhảy từ việc A sang việc B, luôn bắt đầu cái mới mà không kết thúc cái cũ. Bỏ cuộc vì chán, vì khó, vì lười, vì có cái mới thích hơn, chứ không kết thúc cái đã làm
– Luôn đi theo người khác, không tự bắt đầu, luôn đi trước người khác, không muốn ở lại dọn dẹp, kết thúc hay chịu trách nhiệm
– Dây dưa mọi thứ, từ cái này sang cái khác, không thực sự bắt đầu cái gì mới mà cũng không thực sự kết thúc cái gì cũ
– Không tự bắt đầu mà thường đi theo người khác, nên chỉ kết thúc được những thứ bình thường, thành khuôn mẫu, thành thói quen chứ không kết thúc được những thứ quan trong, mà mình luôn phải tự bắt đầu thì mình mới tự kết thúc được
– Bắt đầu cẩn thận, chỉnh chu, đầy tính toán, đầy cầu toàn, đầy kỳ vọng, đầy định kiến về cả quá trình chưa xảy ra, nên trong quá trình làm mà có cái gì khó khăn là dễ hoang mang, nản chí, và đến lúc kết thúc mà không như ý hay như kế hoạch là tung hê.
– Những người muốn đảm bảo về kết thúc ở bước khởi đầu thường không dễ bi cuốn vào những chuyện sốc nổi, nhưng lại dễ dàng bị lừa khi người khác chỉ ra cho họ các lợi ích đạt được bằng các tính toán. Chốt hạ kết quả trước khi bắt đầu, không có nghĩa biết kết thúc một việc cần làm và làm việc đó như nó cần xảy ra. Những việc quan trọng nhất trong cuộc đời sẽ không bao giờ có thể tính toán và chốt hạ kiểu này được, mà phải thực sự tự làm và tự kết thúc.
—o—
CHẾT & HẾT
– Chết là hết
“Chết là hết” câu này không sai, chỉ là
– hết cái gì ? cái gì không hết ?
– cái cần hết, có hết được không ?
– hết đời thì có chết được không ?
– cái không được hết, mà hết thì có chết được không ?
Cho nên, “hết không phải là chết”
Học sinh ngồi trong phòng thi đến hết giờ và làm bài thì hết mấy trang giấy, nhưng vấn đề là học sinh có qua được kỳ thi ấy không. Thời gian học có thể hết, các cấp học có thể hết, nhưng nhận thức cần có chưa chắc đã đạt được.
Con người cứ sống đến hết đời, nghĩa là đến lúc hết nhịp tim, hết hơi thở, nhưng có chết được không, hay thành ma vạ vật.
Hết rất là khách quan, như hết mưa, hết nắng, hết tiền, hết sức, hết thời gian. Hết thì cứ hết, mà chết thì chưa chắc, vì chết phụ thuộc vào trình độ cá nhân.
Nhiều thứ mình chủ quan cho là hết mà khách quan thì nó có hết đâu. Ví dụ một cô gái gào lên, tình cảm của tôi với anh đến đây là hết vì anh đã phản bội tôi, nhưng sau đó thì vẫn yêu, vẫn hận, và còn ràng buộc con cái, cha mẹ, nhà cửa, tiền bạc … Một đoạn tình cảm hết còn khó thế, thì cả cuộc đời với bao mối quan hệ chết làm sao nổi.
Nếu một số thứ, khi chết thì tự động hết như nhịp tim và hơi thở, thì một số thứ, để hết thì không thể chết được nữa. Người chưa hết đời, đã hết cả tiền bạc, sức khoẻ, minh mẫn, cảm xúc, và trút hơi thở cuối cùng trong tình trạng cùng kiệt và bế tắc đến vậy thì chắc chắn là thành ma, chứ chết làm sao nổi mà chết. Cho nên có việc tụng kinh hộ niệm để giúp người sắp chết không hết sạch cả minh mẫn, rồi đi qua tiến trình siêu quan trọng của cả cuộc đời mình với sự u mê, thì hỏng cả đời.
– Chó chết hết chuyện
– Chó chết hết cắn
Hai câu trên vẫn là triết lý dân gian về “chết” và “hết”. Con chó chết thì hết chuyện về con chó sống, và con chó chết thì hết việc con chó cắn. Những việc khác chẳng liên quan gì.
—o—
CHỜ CHẾT
– Nằm dài chờ chết
Người ta thường bảo “tôi/thằng đó/con đó còn làm được cái gì nữa đâu, giờ chỉ còn nằm dài chờ chết”.
Thực tế chỉ có thể chờ “hết đời”, chứ không thể nằm chờ “chết” được vì chết có dễ thế đâu, có tự động xảy ra được đâu, và khi một người không tự chết được thì cũng không ai chết thay cho anh ta được.
—o—
CHẾT KHÔNG MANG THEO ĐƯỢC
– Chết không mang theo được tiền bạc, tài sản cho nên lúc còn sống hãy buông bỏ.
Sau giờ làm việc chúng ta đội mũ, lên xe, đi ra khỏi cơ quan, để về nhà. Giờ làm việc đã hết, con người công việc của chúng ta chết, và nhà là thế giới sau cái chết của công việc. Chúng ta không thể nói, ở trong nhà không cần áo mưa, không dùng được xe, nên hãy buông bỏ hết mấy thứ đó đi được.
Chúng ta nắm cái cần nắm, vào lúc cần nắm, ở nơi cần nắm, chúng ta buông cái cần buông, vào lúc cần buông, ở nơi cần buông.
Chuyển hoá của cái chết cũng là nắm lấy cái này, buông đi cái kia một cách phù hợp mà thôi.
– Sống được miếng dồi chó
Chết được bó vàng tâm
– Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không?
Câu này có nhiều nghĩa
– Nghĩa 1 : lúc mình còn sống, lúc mình có điều kiện, mà tự làm được cái gì cho mình thì làm đi, đừng có đợi, vì có thê đến chết, mình cũng chả có cơ hội để làm nổi cái việc đó nữa
– Nghĩa 2 : người sống mà chỉ băn khoăn chuyện chết có còn dồi chó mà ăn không thì chắc chắn không chết được.
Sống thì con chẳng cho ăn
Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi
Sống thì chẳng cho ăn nào
Chết thì cúng giỗ mâm cao cỗ đầy
Câu này cũng có nhiều nghĩa
– Nghĩa 1 : lúc cha mẹ còn sống, thì con cái làm được cái gì cho cha mẹ thì làm đi, đừng có đợi, vì đến khi cha mẹ chết rồi, con cái cũng chả có cơ hội để làm gì cho cha mẹ nữa
– Nghĩa 2 : lúc cha mẹ sống, mà con cái không quan tâm đến cha mẹ, lúc chết sự quan tâm lúc này không còn ý nghĩa
Dù khi mẹ chết
Các con giết cho mẹ năm trâu bảy bò
Không bằng mẹ sống
Các con cho mẹ đi lấy chồng
—o—
CHO CHẾT
– Chiều chiều ra đứng bờ sông
Kẻ kéo cho chết, người không động mình
Làm cái gì “cho chết” là làm cái gì hết sức hết lực, cho ra kết quả cuối cùng mới thôi.
Câu này nói về việc trong cùng một hoàn cảnh, mỗi người một ứng xử. Cái chết cũng là một hoàn cảnh như thế, không ai đi qua cái chết giống ai.
—o—
GIÃY CHẾT
Con chim manh manh
Nó đậu cây chanh
Tôi vác miểng sành
Chọi chim chết giẫy
Tôi làm bảy mâm
Cho ông một mâm
Cho bà một dĩa
Bà ăn hết rồi
Hỏi con chim gì?
(Tôi nói)
Con chim manh manh…
“Chết giãy” hay “giãy chết” là chết trong tình trạng chống trả, để kéo dài mạng sống hay để tìm cách thoát chết.
—o—
CHẾT VÌ Ai, VÌ CÁI GÌ ?
Hỏi rằng đi chết cho ai
Cho nhà, cho nước, cho tình, cho em
Hay là đi chết vì tiền
Giữ thuê hầm mỏ, đồn điền cho Tây
Câu hỏi “chết vì ai, vì cái gì ?” cũng là câu hỏi “sống vì ai, vì cái gì ?”. Chúng ta sống và chết vì rất nhiều thế, sống và chết chỉ vì tiền là sự sống và cái chết không có nhiều ý nghĩa.
—o—
CHẾT VỢ
Ba nơi đi nói chẳng màng
Chờ nơi chết vợ sẵn sàng nhảy vô
Nơi chết chồng và nơi chết vợ là chỗ bà goá và ông goá.
—o—
BẮN CHO CHẾT
Giương cung thẳng chỉ
Em nhắm ngay con đĩ ngoại tình
Bắn cho nó chết hai đứa mình mới yên
Bắn cho chết, đánh cho chết là tiêu diệt đến cùng đối tượng gây chuyện hay thủ phạm.
—o—
ĐÁNH CHẾT
Con hổ con hô
To như cái bồ
Hắn ngồi trong bụi
Hắn vội nhảy ra
Hắn bắt ông già
Hắn vồ con nít
“Thùng thùng”
Ai ở đâu thì ra cho hết
Đánh chết con hổ
Con hổ con hô …
Đánh chết khác giết chết, vì nó liên quan đến chết cả thân thể và tinh thần.
—o—
Nắng lên cho héo lá lan
Cho đáng kiếp chàng, phụ rẫy tình xưa
Nắng lên cho héo ngọn dừa
Đánh chết chẳng chừa cái thói đổi thay
Nắng lên cho héo nhánh mai
Tui rủa tối ngày kẻ chẳng thủy chung
—o—
Cái cò mày mò cái trai
U ơi đi lấy vợ hai cho thầy
Có lấy thì lấy vợ gầy
Chớ lấy vợ béo nó đánh chết cả thầy lẫn u
—o—
Bảo quét sân đánh chết ba gà,
Bảo đi quét nhà đánh chết ba chó
Câu này nói về sự vụng về, chưa làm xong việc A đã hỏng sang việc B, hoặc gây ra các hậu quả tai hại gấp mấy lần cái việc cần làm.
—o—
ĐẬP CHẾT
Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng
Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi
Ông Nhăng bảo để mà nuôi
Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro
Ông Nhăng bảo để mà kho
Bà Nhăng đập chết đem cho láng giềng
Có kho thì kho với riềng
Đừng kho với ớt tốn tiền uổng công
—o—
CHẾT QUÁCH
Cái cò là cái cò vàng
Mẹ đi đắp đàng, con ở với ai.
Con ở với bà, bà không có vú.
Con ở với chú, chú là đàn ông.
Thôi con chết quách cho xong.
Có câu “trong quan, ngoài quách” với quách là lớp bảo vệ bên ngoài quan tài, nên thường làm bằng chất liệu bền. Quách chỉ có 5 mặt, chừa mặt đáy quan tài để người chết về được với đất. Mục đích của quách là để bảo vệ quan tài, giúp người đã khuất siêu thoát được. Lại có câu “thành quách nguy nga” với quách là cũng là lớp thành ngoài. Vậy “chết quách” là chết ngay lập tức, chết dứt khoát.
—o—
CHẾT CHUNG
– Anh có thương em thì cho em một đồng,
Để em mua gan công, mật cóc thuốc chồng em theo anh
– Nghe hò tao bắt nổi xung
Dớt cho một phảng chết chung cho rồi!
—o—
CHẾT ĐI
Hồng Hà nước đỏ như son
Chết đi thì chớ, sống còn lấy anh
Chết đi là đi tiếp tiến trình sau cái chết.
—o—
CHỊU CHẾT
Em thương anh công khai, không còn sợ lộ
Dầu cho dao phay kề cổ
Dầu cho cha mẹ đánh trăm roi
Chết thì chịu chết, lìa đôi không lìa!
—o—
CHẾT HOANG
Kìa ai tiếng khóc nỉ non
Ấy vợ lính mới trèo hòn đèo Ngang
Chém cha cái giặc chết hoang
Làm cho thiếp phải gánh lương theo chồng
Gánh từ xứ Bắc xứ Đông
Đã gánh theo chồng lại gánh theo con
—o—
CHẾT CÁ
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
Rửa chân cho chí rửa tay
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh
—o—
CHẾT SẠCH
Hì hà hì hụi
Phát bụi phát bờ
Cho lau phất cờ
Cho trâu ra trận
Ba thằng ba đấm
Chết sạch quân thù
Cho cô đi chợ
Cho tớ đi trâu
Cho lau phất cờ.
—o—
GIÀNH PHẦN SAU KHI CHẾT
Dại gì không lấy chồng già
Mai sau ổng chết để cửa nhà lại cho
—o—
Cậu lậu, cậu ở bình vôi
Bao giờ cậu chết cho tôi ăn phần