TÊN ĐI CẢ BỘ : MỒNG

Loading

TÊN ĐI CẢ BỘ : MỒNG

Tên đi cả bộ : Mồng : Mồng – Mống – Mổng – Mộng – Mông – Mỗng

MỒNG

MỒNG (THÁNG TRĂNG) :
– Mồng 1, 2, 3, … đến mồng 10 đầu tháng trăng.

Ba chục mà nhốt một lồng
Một chục có mồng, hai chục không

Là gì? Ngày trong tháng
—o—o—o—
MỒNG (CƠ THỂ HỌC, NGƯỜI) :
– Mồng đốc, đóc, mồng, hạt chay, hột le, châu đốc hay âm vật, nhô ra bên dưới cửa mình của nữ.
Chóc ngóc như đóc mồ côi
—o—
Lồn vàng, bẹn ngọc, đóc sơn son
Trai nam nhi đối được, thiếp theo non về dừ
– Lông mun, dái trắc, cặc xà cừ
Anh đây đối được, em cho dừ hay mai?
—o—
Ra đường con mắt ngó nghiêng
Về nhà chui chốn buồng riêng vê mồng
—o—
Gió nam non thổi lòn hang cóc
Phận em nghèo nên mồng đốc khô rang
—o—
Xu xoa chị bán mấy đồng
Chị ngồi chị để lộ cái mồng của chị ra
Con quạ hắn tưởng bánh đa
Hắn đớp một miếng, chị la huớ trời!
—o—
Chị em rủ nhau tắm đầm
Của em thì trắng chị thâm thế này?
Chị thâm cũng tại anh mầy
Khi xưa chị cũng hạt chay đỏ lòm
—o—

Lột quần dài thấy quần mỏng
Lột quần mỏng còn bộ lông
Lột bộ lông thấy cái hột
Lấy cái hột còn cái lỗ

Là trái gì?
—o—o—o—
MỒNG (ĐỘNG VẬT) :
– Mồng gà : hay mào gà nhô lên trên đầu
Con gà cục tác cục te
Hay đỗ đầu hè hay chạy rông rông
Má gà thì đỏ hồng hồng
Cái mỏ thì nhọn cái mồng thì tươi
Cái chân hay đạp, hay bươi
Cái cánh hay vỗ lên trời gió bay
—o—

Tai nghe gà lạ gáy hay
Gáy lên năm ba tiếng để gà đây gáy cùng
– Gà tui đang nhốt trong lồng
Muốn gáy lên năm ba tiếng
Sợ con gà bên nớ sang thốt cái mồng gà bên ni

—o—o—o—
MỒNG (THỰC VẬT)
– Mồng tơi : loại rau mà ngọn mềm nhô ra và quấn vào vật cứng để bám
Con nhà giàu dẫm gai mùng tơi
—o—
Làm giàn cho bí leo chơi
Chẳng may bí đẹt, mồng tơi leo nhờ
—o—
Gần nhà mà chẳng sang chơi
Để em hái ngọn mồng tơi bắc cầu
Mồng tơi chẳng bắc được đâu
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang
—o—

Gần nhà mà chẳng sang chơi
Để em hái ngọn mồng tơi bắc cầu
Bắc cầu anh chẳng đi cầu
Để tốn công thợ để sầu lòng em

—o—

Chàng về ngắt ngọn mồng tơi
Bắc cầu sông Cái thiếp thời nên chăng?

—o—

Gần nhà mà chẳng sang chơi
Để anh hái ngọn mồng tơi bắc cầu
– Bắc cầu em chẳng sang đâu
Chàng về mua chỉ bắc cầu em sang
Chỉ xanh chỉ tím chỉ vàng
Đủ ba thứ chỉ em sang được cầu

—o—

Chặt cây dừa,
Chừa cây mận,
Cây bần thận,
Cây bí đao,
Cây nào cao,
Cây nào thấp,
Cây nào rập,
Cây nào rà,
Cây nào rách,
Cây nào rời,
Mồng tơi chín đỏ,
Con thỏ nhảy qua,
Con gà ứ hự,
Bùm xùm bùm xọa,
Rút ra tay này.
—o—
Đi thì sợ gai mồng tơi
Ngủ thì sợ quỷ ẩn nơi đầu giường
Ăn thì sợ cá lắm xương
Nói thì hạt thị ngậm trương đầy mồm
Vật thì chân nhảy chồm chồm
Nó khoắng một cái đít trôn lăn vèo!
—o—
Chim khôn đậu ngọn thầu dầu
Nó kêu năm tiếng em sầu năm nơi
Chàng về ngắt ngọn mồng tơi
Bắc cầu sông cái thiếp thời nên chăng
Mồng tơi bắc chả nên cầu
Chàng về chẻ gỗ bắc cầu em sang
Chỉ xanh chỉ đỏ chỉ vàng
Một trăm thứ chỉ bắc ngang đầu cầu
Nào em đã có chồng đâu
Mà anh rào trước đón sau làm gì.
—o—o—o—
MỒNG (ĐỊA DANH)
– Núi Mồng Ga : Cũng gọi là núi Mồng Gà, tên chữ là Kê Quan, một ngọn núi nay thuộc địa phận xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.
Mưa từ bên núi Mồng Ga
Mưa sang Phúc Đậu, mưa qua vực Nầm
https://baonghean.vn/nui-mong-ga-noi-phat-tich-nhieu-chuyen-la-10230976.html#google_vignette

 

Yên Thành là một trong những huyện đồng bằng trù phú của tỉnh Nghệ An. Rải rác trên bề mặt đất đai, nơi đây cũng có một số núi non. Cao nhất trong đó là ngọn Vàng Tâm, cao khoảng 544 mét. Và thấp nhất là ngọn Tù Và chỉ với 249 mét. Tuy nhiên, trong sách “Nghệ An ký” của mình, về phần núi non ở huyện Yên Thành, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch chỉ nói đến ngọn Mồng Gà.

Trong “Nghệ An ký”, tác giả họ Bùi viết: “Núi Mồng Gà, tên chữ là “Kê Quan” ở xã Quy Lăng, huyện Đông Thành, là núi có tiếng ở trong huyện. Thời cổ gọi là núi Phi Liêm. Phía Tây mọc lên núi Động Đình, phía Nam mọc lên núi Yên Ngựa, núi này đứng giữa, cao lớn, um tùm, làm vị tổ của các núi”.

Về phía Tây Bắc, núi Mồng Gà là chỗ phát nguyên nguồn đầu tiên của con sông Giát đổ ra cửa Thơi (Quỳnh Lưu). Còn về phía Đông Nam, rộng lớn và thâm nghiêm hơn, núi Mồng Gà dồn nước về miền Chợ Sở (đất Diễn Châu) rồi tuôn xuống sông Bùng, đổ vào Lạch Vạn mà đi ra bể.

Về cảnh lạ của núi Mồng Gà thì trên đỉnh của nó có cái ao trời, bề ngang khoảng độ vài trượng. Bên cạnh ao có một cái động. Bùi Dương Lịch cũng viết trong “Nghệ An ký” rằng: “Tương truyền, Phạm Viên người làng An Bài, huyện Đông Thành (nay thuộc xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu) lên, gặp thầy rồi luyện tập và tu thành Tiên ở động ấy. Cho nên nơi đó được gọi là động Tiên Sư”.

Phạm Viên là con trai của Thám hoa Phạm Chất. Cụ Chất đỗ Tiến sĩ năm 1652, lúc 30 tuổi, làm quan đến Tả thị lang Bộ binh, có đi sứ sang Trung Quốc. Cụ mất khi đang tại chức, được truy thăng Thượng thư và phần mộ của cụ đặt tại vùng đất Huế. Về nhân vật Phạm Viên có nhiều tích truyện lạ. Sách “Thoái thực kỳ văn” (Những bài văn kỳ khôi mà khiêm nhường) chép: “Có khi chỉ trong một thời gian rất ngắn, Phạm Viên làm xong một trăm bài thơ”, nên gia đình ông nổi tiếng với câu: “Nhất cầm, nhất hạc, nhất bút, nhất nghiên, nhất đại công thần, nhất đại tiên”. Có nghĩa là trong ngôi nhà ấy có: Một cây đàn, một cánh hạc, một ngọn bút, một đĩa nghiên, một đời nổi lên bậc đại công thần và một đời xuất hiện một vị tiên”. Theo gia phả và sự tích dân gian, Phạm Viên sau khi thành “con người có nhiều phép lạ” như vậy rồi, thì ngài lần đường đi về phương Nam. Và sách “Lược truyện về sự tích nhân vật hóa tiên” có kể là Phạm Viên đã đưa phần mộ của thân phụ từ Huế về Yên Bài (Diễn Châu) rồi cát táng gọn ghẽ chỉ trong một đêm.

—o—o—o—o—o—

MỐNG

MỐNG (ĐỐI TƯỢNG) : người xuất hiện

– Không còn một mống,
– Chỉ còn mấy mống
– Được vài mống
—o—o—o—
MỐNG (SINH VẬT) : cái mầm, cái trổ ra,
– Mầm mống : mống sắn, mống khoai
—o—o—o—
MỐNG (MẮT)
– Mống mắt
Bao giờ mống Mắt mống Mê
Thuyền câu thuyền lái chèo về cho mau
—o—o—o—
MỐNG (DANH TỪ) : Mống không phải là ráng (đám mây có màu sắc hồng hoặc vàng… do ánh mặt trời buổi sáng sớm hoặc buổi chiều tà chiếu vào). Mống cũng không phải là cầu vồng.
– Mống cái
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh thu xếp họ hàng đón dâu
Ông sấm ông sét đi đầu
Thiên Lôi, La Sát đứng hầu hai bên
Cầu vồng, mống cái bày lên
Hai họ ăn uống, có tiên ngồi kề
Trăng vàng sao bạc bốn bề
Kỳ lân, sư tử đưa về tận nơi
Sắm xe sắm ngựa nàng chơi
Ngựa thời bằng gió, xe thời bằng mây
Nàng thời má đỏ hây hây
Ước gì anh được đón ngay nàng về
—o—
– Mống đông, mống tây
Mống mọc đàng đông, bồ không lại có
Mống mọc đàng tây bồ đầy lại lưng
—o—
Mống đàng đông, cầu vồng đằng tây
Chẳng mưa dây cũng bão giật
—o—
Mống bên đông, vồng bên tây
Chẳng mưa dây thì bão giật
—o—
– Mống cao
Mống cao gió táp, mống áp mưa rào
—o—
– Mống áp : mống thấp, sát mặt đất
Mống cao gió táp, mống áp mưa rào
—o—
– Mống cụt
Mống cụt không lụt thì bão
—o—
Mống dài trời lụt
Mống cụt trời mưa
—o—
Trên trời có cả cầu vồng,
Có cái mống cụt đằng đông sờ sờ.
—o—
Cưới em ba họ nhà Trời
Đi xuống hạ giới cùng người rước dâu
Ngọc Hoàng cũng phải xuống chầu
Thiên Lôi, Thủy Tế đứng hầu đôi bên
Cầu vòng, mống cụt kéo lên
Xe mây ngũ sắc đưa viền tận nơi.
Trên trời có cả cầu vồng,
Có cái mống cụt đằng đông sờ sờ.
—o—
– Mống dài
Mống dài trời lụt, mống cụt trời mưa
—o—
Mống dài trời lụt, mống trắng thì mưa
—o—
– Mống bạc
Mống bạc sạch đồng
—o—
Một cơn mống bạc, một đạc nước xanh
—o—
– Mống vàng
Mống vàng thì nắng, mống trắng thì mưa
—o—
– Mống trắng
Mống vàng thì nắng, mống trắng thì mưa
—o—
Mống dài trời lụt, mống trắng thì mưa
—o—o—o—
MỐNG (ĐỘNG TỪ)
– Mống : nảy sinh, trổ ra
—o—o—o—
MỐNG (TÍNH CHẤT)
– Mống : lộ ra khỏi chỗ kín đáo và được bảo vệ (mùng hoặc túi càn khôn)
Khôn sống, mống chết
—o—o—o—
MỐNG (ĐỊA DANH)
– Cầu Mống : Cây cầu nằm trên quốc lộ 1A bắc qua sông Thu Bồn, nối liền hai huyện Điện Bàn và Duy Xuyên của tỉnh Quảng Nam.
Bao giờ cầu Mống gãy đôi
Sông Thu hết nước em mới thôi thương chàng
—o—
Bê thui Cầu Mống, cá bống Hội An
—o—
Mống Cu Đê, chạy về dọn gác
Mống Cửa Đại, cá mại chết khô

Một địa danh nằm ở phía Bắc huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng hiện nay. Tại đây có núi và sông Cu Đê. Sách Đại Nam Nhất thống chí ghi: “Núi Cu Đê … lại có tên là núi Hoa Ổ (tục gọi là động Suối Đá), núi nhiều ve ve, người địa phương bắt nấu ăn rất ngon. Mùa thu mùa đông cầu vồng hiện ở phía Nam núi, người ta lấy đấy mà chiêm nghiệm mưa lụt.” Làng Cu Đê ngày xưa chính là làng Nam Ô bây giờ. 

Cửa Đại tên cũ là cửa Đại Chiêm, cửa sông nơi sông Thu Bồn đổ ra Biển Đông, thuộc Hội An, Quảng Nam. Cửa Đại (hay Cửa Đợi) cũng là tên của bãi biển khu vực này.Vùng Cửa Đại xưa kia là hải cảng chính của nước Champa và kinh thành Champa trên đất Quảng Nam, là nơi giao thương buôn bán sầm uất. Hiện nay Cửa Đại là một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam.

—o—
Bao giờ mống Mắt mống Mê
Thuyền câu thuyền lái chèo về cho mau
Hai hòn đảo nhỏ thuộc các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, tỉnh nghệ An.
—o—
Nhất Y, nhì Mống, tam Bông, tứ Đường, năm Nghè, sáu Lợi
Nhất Y, nhì Mống, tam Bông, tứ Đường, năm Nghè, sáu Lợi : Tên sáu cây cầu lâu đời ở Sài Gòn: cầu chữ Y, cấu Mống, cầu Bông, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Thị Nghè và cầu Bình Lợi.
—o—o—o—o—o—

MÔNG

MÔNG (TÍNH TỪ)
– Mệnh mông
Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, thấy mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, thấy bát ngát mênh mông
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ giữa ngọn nắng hồng ban mai
—o—
Mênh mông một giải giang hà
Anh hùng lỡ vận biết là về đâu
—o—
Làm một bức thư thương ai không biết
Lòng em thương tiếc dạ nhớ mênh mông
—o—
Mênh mông góc bể chân trời
Những người thiên hạ nào người tri âm
Buồn riêng thôi lại tủi thầm
Một duyên hai nợ ba bốn lầm lấy nhau
—o—
Ngày nào trời nắng chang chang
Mẹ con kiếm củi, đốt than no lòng
Trời làm một trận mênh mông
Mẹ con nhịn đói nằm không ba ngày.
—o—
Mênh mông trời nước một màu
Nhóc nhen kêu rộ bắt xàu ruột gan
Trời xanh kinh đỏ đất xanh
Đỉa bu, muỗi cắn làm anh nhớ nàng
Bao giờ cho lúa chín vàng,
Cắt rồi anh trở về làng thăm em.
—o—
Mênh mông sóng nước tăm tăm
Ai về Châu Đốc ghé thăm làng bè
—o—
Sông Sài Gòn chạy dài Chợ Củ
Nước mênh mông nước lũ phù sa
—o—

Vào tầng cũng lắm thằng Tây
Thằng kia mũ trắng, thằng đây mũ vàng
Đường goòng bắc dọc bắc ngang
Nào hầm lò, nào xe cộ linh tinh
Trông lên núi lửa cháy bừng bừng
Mìn nổ đùng đùng, đá chuyển vang vang
Đường tầng như thể bậc thang
Trèo đèo, xuống dốc, ngổn ngang tơi bời
Trông lên những núi cùng trời
Ngoảnh mặt kẻ trước người sau giật mình
Mênh mông ngao ngán một màu
Đường xa cách mấy lần tàu ai ơi.

—o—
Hai con sông nước mênh mông
Nhà em sông Hậu nhà anh sông Tiền
Cách nhau một dải đất liền
Hai con sông nước chảy riêng hai dòng
Ta cùng uống nước Cửu Long
Nước sông càng ngọt lúa đồng càng xanh
Dù em cách trở xa anh
Cách trăm quả núi cách nghìn con sông
Chúng ta một dạ một lòng
Mối thù đế quốc ta đồng chung lo
Cùng nhau xây dựng cơ đồ
Nước nhà hết giặc bấy giờ mới yên
—o—o–o—
– Minh mông
Ngó ra đồng tui thấy nước minh mông đại hải
Tui nhớ tới quê quán của tui, hai hàng nước mắt chảy lâm ly
—o—
Trời minh mông, đất cũng minh mông
Hò chơi cho vui ruộng vui đồng
Nào ai cướp vợ giựt chồng của ai
Địa bàn nhắm hướng còn sai
Vợ chồng còn không chắc, gái trai chắc gì.
—o—

– Mông lung

Thuyền ai trôi trước
Đợi bước tới cùng
Chiều về trời đất mông lung
Phải duyên thì xích lại cho đỡ não nùng tuyết sương.

—o—

– Mông quạnh

Đồng không mông quạnh

—o—

Đường đi nho nhỏ
Bờ cỏ xanh xanh
Không duyên không nợ không tình
Đồng không mông quạnh sao mình gặp ta?

—o—o—o—
MÔNG (DANH TỪ)
– Cái mông
Con gái mười bảy mười ba
Đêm nằm với mẹ khóc la đòi chồng
Mẹ đạp một cái nơi mông
“Không nằm mà ngủ, chồng chồng chi mi!”
—o—o—o—
MÔNG (ĐỘNG TỪ)
– Chổng mông
Cô kia cấy lúa Nanh chồn
Chổng mông cô để cái lồn cô lên
—o—
Lấy Tây chẳng được mấy ngày
Nó về nước nó bên đây không chồng
Rồi ra đừng có chổng mông
Kêu trời kiếm một chút chồng ai cho!
—o—

Vừa bằng lá tre, ngo ngoe dưới nước
Vừa bằng cái thước, đánh vượt qua sông
Đánh đông hàng gạo
Đánh đáo đầu cầu
Đánh đầu ngọn tre
Vo ve ngoài mả
Ðánh cả ngoài đồng
Chổng mông ngoài ruộng

Là những gì?
—o—
– Lộ mông

Hai cô ra tắm một dòng
Cởi áo tắm trần để lộ màu da
Một cô da trắng như ngà
Một cô lại có màu da đỏ hồng
Giữa cơn nắng hạ oi nồng
Quần rơi trễ xuống, lộ mông dậy thì
Cùng là hai bạn nữ nhi
Cớ sao lại thấy rậm rì râu ria?

Là hai cây gì?
—o—
– Hở mông
Cờ bạc nó đã khinh anh
Áo quần bán hết một manh chẳng còn
Gió đông nam chui vào đống rạ
Hở mông ra cho quạ nó lôi
Anh còn cờ bạc nữa thôi?
—o—o—o—
MÔNG (DÂN TỘC)
– Người Mông, dân tộc Mông, tiếng Mông, trang phục Mông, làng Mông …
—o—o—o—
MÔNG (ĐỊA DANH)

– Cù Mông :  Tên một phường thuộc thành phố Quảng Ngãi hiện nay. Trước đây địa danh này là xã Cù Mông, đời Gia Long thuộc tổng Trung, sau thuộc về tổng Nghĩa Điền huyện Chương Nghĩa, có 815 mẫu ruộng đất. Đời Minh Mạng, Cù Mông đổi là Chánh Mông. Đến năm 1896, đường xuyên Việt chạy ngang qua xã, nên xã Chánh Mông đổi tên là xã Chánh Lộ.

Cá ngon là cá Cù Mông
Gạo ngon là gạo ở đồng Phú Dương

—o—

Ba La, Vạn Tượng, Cù Mông
Chạy quanh chạy quéo cũng về đồng Ba La

—o—

Ơn vua Thái Đức chí tình
Cù Mông vắng vẻ nhưng mình vẫn vui

—o—

Mắm ốc Cù Mông
Bán thông khắp chỗ
Vợ con chịu khổ
Ráng bắt cho nhiều
Làm mắm đầy niêu
Tết đem chợ bán

—o—

– Đèo Cù Mông : Một con đèo rất hiểm trở nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Đường đèo rất dốc, có nhiều cua gấp, hai bên là núi cao. Trước đây khi chưa có tuyến đường Quy Nhơn-Sông Cầu thì đèo là con đường chính để qua lại giữa hai tỉnh.

Ở nhà thì sợ cái nghèo
Ra đi thì sợ cái đèo Cù Mông
Không đi thì nhắc thì trông
Có đi thì sợ Cù Mông, Xuân Đài

—o—

Không đi thì sợ cái nghèo
Có đi thì sợ cái đèo Cù Mông
Không đi thì nhắc thì trông
Có đi thì sợ Cù Mông, Xuân Đài—o—

Thương em thân phận bánh xèo
Tìm em, anh vượt cái đèo Cù Mông

—o—
– Đỉnh Cù Mông
Phú Yên có đỉnh Cù Mông
Có hòn Nhạn Tháp, có dòng sông Ba
Có cô con gái Tuy Hòa
Con trai Phường Lụa, ông già La Hai
—o—
– Hòn Cù Mông

Tiếng ai than khóc nỉ non
Phải vợ chú lính trèo hòn Cù Mông?
Xa xa em đứng em trông
Thấy đàn lính mộ, hỏi chồng em đâu?

—o—

– Mông Phụ : Một làng cổ nay thuộc địa phận Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Làng có từ lâu đời, nhà cửa san sát, chủ yếu xây bằng đá ong, đến nay vẫn còn bảo tồn được những cảnh quan từ xưa. Trong làng có đình Mông Phụ, một trong những ngôi đình tiêu biểu cho kiến trúc đình chùa của người Việt xưa, hiện được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Dưa hấu dưa gang là làng Mông Phụ

—o—

Mông Phụ dệt vải thâm trôn
Đồng Sàng buôn bán trắng lồn chai vai

Đường Lâm tên nôm là làng Mía, cũng gọi là làng Đồng Sàng, một ngôi làng nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Làng nằm bên hữu ngạn sông Hồng, còn có tên là đất hai vua vì là quê hương của hai vị vua là Ngô Quyền và Phùng Hưng – hiện làng vẫn còn đền thờ hai vị vua này. Ngày nay, làng vẫn giữ được hầu hết các đặc trưng cơ bản của một ngôi làng người Việt với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa, miếu, điếm canh, giếng nước, ruộng nước, gò đồi… Hệ thống đường xá của Đường Lâm rất đặc biệt vì có hình xương cá. Với cấu trúc này, nếu đi từ đình sẽ không bao giờ quay lưng vào cửa Thánh. Tại làng còn có chùa Mía, ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất nước ta (287 tượng).

—o—

– Mông Dương

Tìm vào đến mỏ Hòn Gai
Xin làm phu mỏ ở ngay dưới hầm
Cuộc đời vất vả âm thầm
Mông Dương, Cẩm Phả, Hà Lầm đều qua

—o—

Cánh phu lò Mông Dương Cẩm Phả
Kiếp khổ nghèo ai chả như ai
Còi tầm chiều, tối, ban mai
Búa rìu, đèn đất khoác vai vào lò
Tìm cái sống hơn lo cái chết
Sập hầm lò hết kiếp ngựa trâu
Chui vào lò giếng sâu sâu
Chui sang lò chợ trông nhau dặn dò
Đã đeo cái thẻ phu lò
Khéo chui thì thoát, khéo bò thì lên
Khói cửa lò người đen như cháy
Mình đầu trần nhễ nhại mồ hôi
Đời người đến thế thì thôi
Bát cơm mấy bát mồ hôi cho vừa
Mong đất nước bao giờ đổi mới
Dân Nam mình thoát khỏi cùm gông
Hai mươi nhăm triệu tiên rồng
Chen vai gánh vác non sông mới là.

—o—

Tài nguyên than mỏ nước Nam
Thằng Tây làm chủ, mình làm cu li
Chỉ vì đói rách phải đi
Đi làm phu mỏ, bỏ quê, bỏ nhà
Một nghìn chín trăm ba ba
Là năm Quý Dậu con gà ác thay
Kể dời phu mỏ Hòn Gai
Công ty than của chủ Tây sang làm
Chiêu phu mộ Khách, An Nam
Cuốc tầng khai mỏ tìm than ra vầy
Than ra ở các mỏ này
Hà Lầm, Hà Sú, mỏ rày Ngã Hai
Bán than cho các nước ngoài
Tàu bè ngoại quốc vãng lai mua dùng
Chủ nhì, chủ nhất, đốc công
Mỗi sở một sếp cai trong sở làm
Làm ra máy trục, máy sàng
Sở Tàu, Than Luyện, Sở Than chung là
Va-gông, than chở về ga
La-ga đặt ở Cốt Na cổng đồn
Để cho xe hỏa dắt dồn
Thật là tiện lợi gọn gàng vân vi
Ăng Lê, Nhật Bản, Hoa Kỳ
Hồng Kông, Thượng Hải đều thì sang mua
Cửa Ông là Cẩm Phả po
Cẩm Phả min, Cọc Sáu, cùng là Mông Dương

—o—

– Cầu Mông

Cầu Mông bước tới Cầu Châu,
Bước sang Cầu Sỹ gặp nhau Cầu Dừa.
Em ơi em có chồng chưa?
Sông còn có rạch lọ là người ru?

—o—o—o—o—o—

MỘNG

MỘNG (DANH TỪ)
– Mộng
Đêm dài lắm mộng

– Giấc mộng

Giấc mộng Nam Kha

—o—

– Mộng ước, mộng đẹp

– Chiêm mộng

Đêm đêm thức nhấp mơ màng,
Chộ hoàng lương chiêm mộng, thiếp sầu chàng ngẩn ngơ.

– Ác mộng

—o—o—o—
MỘNG (TÍNH TỪ)
– Mộng mị,
– Mộng mơ

Năm voi anh đúc năm chuông
Năm cô anh đóng năm giường bình phong
Còn một cô bé chửa chồng
Lại đây anh kén cho bằng lòng cô
Một là ông Cống, ông Đồ
Hai là ông Bát, ông Đô cũng vừa
Giả tên bà Nguyệt, ông Tơ
Sớm đi cầu Thước, tối mơ mộng hùng
Rồi ra, cửa lại treo cung
Để cho cô đẻ, cô bồng cô ru
Ru rằng: con bú, con nô
Con lẫy, con bò, con chững, con đi
Ngày sau con lớn kịp thì
Con học, con viết, con thi cùng người

—o—o—o—
MỘNG (DANH TỪ)
– Mộng gỗ
– Mộng lò
Tiếng đồn anh làm thợ khéo
Em đem qua một bức, mực mẹo anh cũng có dò
Cớ làm sao không đưa cái lưỡi chàng vô chấn mộng, để mộng lò khó coi?
– Anh đây làm thợ khéo
Em đem qua một bức, mực mẹo anh cũng có dò
Bữa qua anh sang bên nhà, thầy mẹ có nói, chấn chi thì chấn, để cái mộng lò mà treo nghi.
—o—o—o—
MỘNG (DANH TỪ)
– Mộng tinh
– Di mộng tinh
—o—o—o—
MỘNG (ĐỘNG TỪ)
– Tỉnh mộng,
– Vào mộng,
– Vỡ mộng
– Khớp mộng,
– Ghép mộng
– Chấn mộng
—o—o—o—o—o—

MỔNG

—o—o—o—o—o—

MỖNG

—o—o—o—o—o—

TÊN ĐI CẢ BỘ : MONG

Tên đi cả bộ : Mong – Móng – Mòng – Mọng – Mỏng – Mõng

MỌNG

MỌNG = MƯNG

– Qua mọng

– Mọng nước

– Chín mọng

Vườn xuân im ỉm còn gài
Em mọng khiến bẻ cho ai một cành
Đã yêu anh bẻ cả cho anh
Giấu cha giấu mẹ rằng cành hoa rơi

—o—

Một yêu mặt trắng má tròn
Hai yêu môi mọng thoa son điểm hồng
Ba yêu mắt sáng mày cong
Bốn yêu mái tóc nực nồng nước hoa
Năm yêu mảnh áo ngắn tà
Sáu yêu quần trắng là đà gót sen
Bảy yêu vóc liễu dịu mềm
Tám yêu giọng nói vừa hiền vừa vui
Chín yêu học thức hơn người
Mười yêu, yêu cả đức tài hình dong!

—o—

Một duyên, hai nợ, ba tình,
Chiêm bao lẩn quất bên mình năm canh.
Ðêm nằm lại nghĩ một mình,
Ngọn đèn khêu tỏ bóng huỳnh bay cao.
Trông ra nào thấy đâu nào,
Ðám mây vơ vẩn, ngôi sao mập mờ.
Mong người, lòng những ngẩn ngơ.

—o—o—o—

MONG

MONG (ĐỘNG TỪ)

– Mong

Tháng chín mưa giông thuyền mong ghé bến
Từ nơi bãi biển qua đến buổi chợ chiều
Nuôi con chồng vợ hẩm hiu
Nhà tranh một mái tiêu điều nắng mưa

—o—

Anh ở ngoài vàm, anh có lòng mong đợi
Em ở trong ngọn, em có dạ đợi trông
Dương gian, âm phủ cũng cộng đồng
Sống sao thác vậy, anh vẫn giữ một lòng với em

—o—

Sông sâu nước chảy đá mòn
Tình thâm mong trả, nghĩa còn đấy đây
Gặp nhau giữa chốn đò đầy
Một lòng đã hẹn, cầm tay mặn mà

– Mong chờ

Thẩn thơ đứng gốc cây mai
Bóng mình lại ngỡ bóng ai mình lầm
Một chờ, hai đợi, ba trông
Bốn thương, năm nhớ, bảy tám chín mong, mười tìm!

—o—

Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
Rủ nhau đi chợ nên duyên đèo bòng
Ngày tư, ngày chín em mong
Buồng cau, con lợn bận lòng anh lo.

—o—

Cha già con dại anh ơi
Anh đi cờ bạc suốt đời suốt năm.
Anh thiêu hàng chục hàng trăm
Em đi bán vải nhặt dăm ba đồng.
Cha già con dại chờ mong
Anh đi vui thú chơi rong một mình.
Uổng công cha mẹ sinh thành,
Uổng công gánh chữ chung tình của em.

—o—

Anh tiếc cho ai nuôi dạy mong chờ
Một hai ba bốn tuổi đến bây giờ em lớn khôn
Cái vành khăn em vấn đã tròn
Câu cười tiếng nói đã giòn em lại ngoan
Sợi tơ hồng đã buộc với nhân duyên
Sao em không chịu khó vác cái giang san cho chồng
Nỡ dang tay em dứt tơ hồng
Đứng đầu núi nọ mà trông bên non này
Ánh phong lưu son phấn đọa đày
Thay đen đổi trắng ai rày yêu thương
Dẫu may ra tán tía tàn vàng
Mười phương thiên hạ xem thường có vào đâu
Tấm thân em chẳng nghĩ mặc dầu
Bọn đàn bà còn để tiếng xấu về sau muôn đời
Chị em ơi, thế cũng kiếp người!

– Mong sao

Sáng ngày mới sớm tinh sương
Cơm trôi khỏi miệng vác choòng ra đi
Vợ nghèo ẵm trẻ hài nhi
Lên tầng để bụi, rồi đi đẩy goòng
Trẻ thơ nằm mớ bòng bong
Nô đùa muỗi cỏ, đói lòng ngậm que
Lên tầng khuỵu gối đun xe
Gò lưng mửa mật nắng hè quản chi
Chồng xuống lò giếng đen sì
Mong sao cho chóng chiều về một công!

—o—

Mong sao đã đến tháng Giêng
Kiếm một gánh cá vào Chiêng ngược đò
Không đi nay hẹn mai hò
Đi thì lỗ mãi tiền đò, anh ơi!

—o—

– Mong cho

Chỉ vì một chiếc thuyền mây
Để cho bể ái khi đầy khi vơi
Mong cho trúc mọc, xoan trồi
Mong cho thấy mặt mà ngồi thở than

– Ước mong

Chơi cho phỉ dạ ước mong
Rồi sau em vợ anh chồng mới hay
– Thôi thôi em chẳng ỡm ờ
Khôn ba năm dại một giờ mà thôi
Một mai nên lứa nên đôi
Trăm năm ân ái vui chơi mặc lòng

—o—o—o—o—o—

MÒNG

MÒNG (SINH VÂT)

– Chim mòng biền

– Con mòng mòng

Hỡi người mặc áo nhuộm nâu
Tay bưng cơi trầu đi dạm gái choa
Bưng vô rồi lại bưng ra
Trai bây cờ bạc, gái choa không màng
Gái choa là gái vẻ vang
Khoét một cổ yếm khuyênh khoang ba vòng
Trai bây như con mòng mòng
Ăn rồi tắm mát chơi rong cả ngày
Gái choa như ngọn trầu cay
Ăn vào một miếng thơm bay nhiều mùi

– Muỗi mòng

Đưa anh về tới Rạch Chanh
Muỗi mòng cắn nát cậy anh đưa về

—o—o—o—

MÒNG (TRẠNG THÁI)

– Quay mòng mòng

– Tăm mòng

Suối Tiên nước chảy lững lờ
Tiên đi đâu, để bàn cờ rêu phong
Nước mây vắng vẻ tăm mòng
Bền gan ta vẫn rày mong mai chờ

—o—o—o—

MÒNG

– Chốc mòng : Chốc mồng

Tình cờ mà gặp, chốc mòng mà không

—o—o—o—o—o—

MỎNG

MỎNG

– Giấy mỏng

Em như giấy mỏng một tờ
Đừng nghi mà tội, đừng ngờ mà oan

—o—

– Ván mỏng

Cầu kiều ván mỏng gió rung
Bạn về sửa lại cho ta đi chung một cầu

—o—

– Môi mỏng

Môi mỏng hay hớt, môi dày hay hờn

—o—

Mỏng môi thì nói đong đưa
Dày môi thì nói lọc lừa chị em

—o—

– Mây mỏng

Mây chòm, mây đống không lo
Lo đàn mây mỏng nó bò qua trăng

—o—

– Lat mỏng

Ðêm hè gió mát, trăng thanh
Em ngồi chẻ lạt cho anh chắp thừng
Lạt chẳng mỏng sao thừng được tốt
Duyên đôi ta đã trót cùng nhau
Trăm năm thề những bạc đầu
Chớ ham phú quý đi cầu trăng hoa

—o—o—o—

MỎNG (TÍNH TỬ)

– Mỏng manh

Quanh năm vất vả làm ăn,
Thuế ao thuế ruộng thuế thân thuế vườn,
Ngày làm dạ đã không yên,
Đêm nằm sốt ruột trống dồn thâu canh,
Thân người ngày một mỏng manh,
Quan trên quỷ dữ vẫn rình ở bên

—o—o—o—o—o—

MÓNG

MÓNG (DANH TỪ) : Bộ phận ở đầu ngón chân tay

– Móng guốc

Ngựa ô chân móng gót hài
Có hay cho lắm đường dài cũng kiêng
Nghiêng mình bước xuống cầu yên
Còn rùa bơi mặt nước, con chim chuyền cành mai
Bãi dài có nhảy lai rai
Cất lên một tiếng, bạn của ai nấy nhìn
Đêm nằm con nhện đem tin
Ai hò văng vẳng giống in tiếng chàng.

– Móng tay

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

—o—

Một thương em nhỏ móng tay
Hai thương em bậu khéo may yếm đào
Ba thương cám cảnh phù lao
Bốn thương em bậu miệng chào có duyên
Năm thương má lúm đồng tiền
Sáu thương em bậu như tiên chăng là
Bảy thương em có nguyệt hoa
Tám thương em có bậu làm qua phải lòng
Chín thương nước mắt ròng ròng
Mười thương em bậu phải lòng qua chăng
Mười một thương em hãy còn son
Mười hai thương vú dậy đã tròn như vung
Mười ba thương em đã có chồng
Bước qua mười bốn trong lòng thọ trai
Mười lăm sinh đặng con trai
Sang năm mười sáu đặng hai đời chồng
Mười bảy em còn ở không
Đến năm mười tám lấy chồng căn duyên
Mười chín lấy thợ đóng thuyền
Hai mươi lấy lính quan quyền thờ vua
Hai mốt lấy chàng câu cua
Hăm hai lên chùa mê mệt thầy tu
Hai ba lấy thợ đóng dù
Bước qua hăm bốn lấy phu đi đàng
Lỡ duyên em bậu ngỡ ngàng
Trở về em lấy dân làng cho xong.

– Móng rồng

Một cổ năm đầu mọc ra
Bên trong rỗng tuếch như hoa móng rồng
Nghỉ thì trong ruột trống không
Làm thì xương thịt mới lồng vào trong

Là cái gì?
—o—o—o—
MÓNG (DANH TỪ) : Móng là bong bóng nhỏ do cá đớp mồi trên mặt nước tạo nên.
Cá rô ăn móng dợn sóng dưới đìa
Cha mẹ phân chia, anh đừng lìa mới phải
Anh ở như vầy bạc ngãi với em
—o—

Cá rô ăn móng dợn sóng dưới đìa
Cha mẹ phân chia, anh đừng lìa mới phải
Sao anh bạc ngãi, đành đoạn bỏ em

—o—

Cá rô ăn móng dợn sóng bờ đìa
Ba không thương, má lại vặn khóa bẻ chìa
Chìa hư ống khóa liệt
Hai đứa mình cách biệt xa nhau

—o—

Cá rô ăn móng đường cày
Chuyện khôn chuyện dại ai bày cho em?

—o—

Cá rô ăn móng, dợn sóng đường cày
Chuyện khôn chuyện dại ai bày cho em?

—o—o–o—

MÓNG (ĐỊA DANH)

– Móng Cái

—o—o—o—o—o—

MÕNG

—o—o—o—o—o—o—o—o—

Chia sẻ:
Scroll to Top