SỰ TÍCH VỀ VÙNG NÚI PHẬT TÍCH

Loading

Núi Phât Tích, núi Lạn Kha hay Non Tiên là một đỉnh trong dãy núi Chè hay núi Nguyệt Hằng.
ÔNG LỘC CỘC & BÀ TỒ CÔ
Giống như những huyền thoại về ông Đùng bà Đà, ông Tứ Tượng bà Nữ Oa, ở vùng Bắc Ninh cũng có câu chuyện về cặp thần nam nữ khổng lồ thuở khởi nguyên, gọi là ông Lộc Cộc bà Tồ Cô. Hai ông bà cao lớn, đầu đội trời chân lún thủng cả đất, để lại những dấu chân khổng lồ khắp nơi khắp chốn. Họ là một cặp vợ chồng mẫu mực, hạnh phúc chan hòa tạo ra mưa gió tưới tắm cho cây cối. Cũng có khi cãi vã, hai ông bà chớp mắt sáng lóe, tiếng nói ầm ầm như trống dội, hắt hơi thành giông gió, thổi mạnh thành bão táp ập xuống nhân gian. Những lúc hòa thuận, ông bà lại cùng nhau tạo hình núi non, sông suối bằng những bàn tay, bàn chân khổng lồ. Rồi bà Tồ Cô có mang, đẻ ra một bọc trứng bên bờ sông Đuống. Từ bọc trứng nở ra 12 người con gái xinh đẹp. Các cô gái chia nhau chu du khắp bốn phương dạy dân chúng nghề nghiệp, nhiều cô được tôn làm các vua bà, tổ nghề của một vùng. Còn bà Tồ Cô, tương truyền đẻ xong bà trút hết quần áo nằm khỏa thân và hóa thành núi Nguyệt Hằng ở Tiên Du, Bắc Ninh ngày nay.
– Vua Bà Nhữ Nương – Tổ nghề Quan họ
Trong những người con gái của ông Lộc Cộc bà Tồ Cô có nàng Nhữ Nương, không xinh đẹp như các chị em mà lại nhỏ thó, đen đúa. Bù lại, nàng được trời phú cho một giọng hát ấm áp mê đắm lòng người. Đi đến vùng Viêm Xá, bà cùng những người nông dân múa hát vui vẻ khiến phe nhà giàu ghen tức, đòi tổ chức cuộc thi hát. Thế là bà hát đối đáp với một thiên kim tiểu thư, lời hát châm chọc ngoa ngoắt khiến nàng ta đực mặt. Đêm sau, bà cùng các bạn gái hát giao duyên với ba anh con trai bí ẩn bên bờ sông. Phe “liền chị” hát thi với phe “liền anh” chín đêm liền. Đến cuối đêm thứ chín những người đi theo đã mệt nhoài. Chỉ còn Nhữ Nương và một trong ba chàng trai. Cuối cùng, Nhữ Nương chủ động dừng hát, và chàng trai thổ lộ rằng chàng chính là con út vua Thủy tề, vì nghe tiếng hát của nàng si mê mà lên bờ xin được kết duyên. Nhữ Nương đồng ý kết đôi với con vua Thủy tề. Bà được dân chúng tôn làm Vua Bà, thủy tổ làng Quan họ.
(Có thần tích khác lại kể Nhữ Nương vốn là con gái Hùng Vương thứ 6, không ưng chàng rể nào nên xin vua cha cho đi chu du thiên hạ. Bà tới Viêm Xá dạy người dân hát đối đáp giao duyên và cũng được tôn làm Vua Bà).
– Bà Chóa – Tổ nghề Dâu tằm
Tương truyền, bà cũng là con của Lộc Cộc Tồ Cô, bà đi đến vùng sông Cầu thì dừng lại, có ý dạy dân chúng trồng dâu tằm làm ăn, nhưng bị người dân chế nhạo, xua đuổi. Một lần đi dọc triền sông, vô tình bà ướm phải vết chân lạ. Đột nhiên nước dềnh lên, cuốn bà tới thủy cung gặp con cả vua Thủy tề. Chàng ngỏ lời nhớ thương bà và xin được kết duyên. Bà đồng ý và sống cùng chàng nhiều tháng trời. Nhưng rồi nhớ nhân gian, bà xin chồng cho trở lại thăm quê. Vừa trở về mặt đất bà lại mang thai, đẻ ra hai quả trứng, trứng nở ra hai con rắn, khiến dân làng ngày một miệt thị ba mẹ con. Bà thương yêu hai rắn con mặc cho những lời đàm tiếu, hàng ngày cùng chúng trồng dâu phủ kín bãi hoang rồi nuôi tằm kéo tơ đặt lên khung cửi. Một lần bà vô tình dẫm phải đuôi một đứa rắn con khiến nó quẫy mạnh đứt rời cả đuôi. Rắn Cộc dâng đuôi mình lên mẹ, để mẹ làm con thoi xe sợi. Vậy là bà dệt nên những tấm lụa óng ả như ánh mặt trời, khiến dân làng ngỡ ngàng thán phục, đến tạ lỗi với bà. Hai đứa con Dài và Cộc cũng hóa thành hai chàng thanh niên tuấn tú, còn bà Chóa được tôn làm Bà Chúa Dâu Tằm, thờ ở đền Chóa, Yên Phong, Bắc Ninh ngày nay.
– Bà Chúa Vĩnh
Một người con gái khác là Bà Chúa Vĩnh. Các chị em rời đi xa, riêng bà quanh quẩn ở Phật Tích cho gần mẹ. Bà dạy dân chúng cách cày cấy, bón phân, lại có tài chữa bệnh bằng lá thuốc, nên rất được nhân dân trọng vọng. Có lần một con Hổ xông cả vào nhà bà, ra hiệu nhờ bà đến đỡ đẻ cho vợ nó. Bà Vĩnh đỡ đẻ cho Hổ, nên được Hổ biết ơn, dăm bữa nửa tháng lại mang lợn đến biếu bà, rồi bà lại chia cho cả làng cùng ăn. Lần khác, Hổ cho bà Vĩnh cưỡi lên mình lên núi Nguyệt Hằng. Khi trở về, bà chúa Vĩnh ngồi trên lưng Hổ, tay mang theo hai dải yếm đào thần diệu, thả bay đến đâu thì rừng rậm, đầm lầy u tối biến mất, thay bằng đồng ruộng tốt tươi cho dân tha hồ canh tác. Không ai biết hai dải yếm đào ấy từ đâu ra, có người nói bà chúa được tiên ban cho. Có người lại nói đó là món quà của bà Tồ Cô – người mẹ đã hóa thành núi Nguyệt Hằng tặng cho người con hiếu thảo.
—o—o—o—
PHẬT TỔ MAN NƯƠNG
KHÂU ĐÀ LA Ở LÀNG NÀNH
Xưa, sư Khâu Đà La người nước Thiên Trúc hành đạo Bà La Môn. Từng ở trên núi cao, không cần tu viện lớn mà chu du khắp bốn biển. Bấy giờ, vào thời Hán đã đến nước ta.
Sư Khâu Đà La đi qua đất làng Nành bên bờ sông Đuống và cư ngụ lại một thời gian. Làng Nành, tổng Nành, sau là xã Ninh Hiệp, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc.
Ban ngày Ngài đi hóa đạo, cầm cây cờ thắng phan, ban đêm về ngủ ở tảng đá ở cây đa đầu làng. Ở gò đất trong làng Ngài dựng một thảo am để thờ Phật, đây chính là tiền thân của ngôi chùa Nành, còn có tên là chùa Cả sau này.
Tương truyền, chỗ thảo am là đầu chim Phượng Hoàng còn tảng đá sư ngủ là lưng của con chim.
Sau này, ông Tu Định cư sĩ (cha của Man nương) đã đến đón Khâu Đà la về Luy Lâu ở kẻ Dâu.
TU ĐỊNH Ở LUY LÂU, KẺ DÂU
Bên cạnh thành Luy Lâu có ông bà Tu Định người làng Mãn Xá. (Làng Mãn Xá tên nôm là làng Mèn, tổng Khương Tự, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc; sau là thôn Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)
Khâu Đà La thường ngồi tĩnh tọa không ăn uống. Trong lòng Tu Định biết là Phật xuất thế nên rất kính cẩn mến mộ.
Tu Định có một người con gái xinh đẹp nết na, tên là Man Nương, đã cho theo thày học đạo.
KHÂU ĐÀ LA Ở PHẬT TÍCH
Nhà sư nói với Tu Định rằng: “Ông nhập Phật Pháp của ta là sớm có duyên, Man Nương có đạo ngày kia sẽ thành Đại pháp khí” và còn giúp Tu Định phép thuật lấy nước cứu hạn giúp dân, rồi nói lời từ biệt vào trong núi tu hành.
Núi Phật Tích, còn gọi là núi Lạn Kha hay Non Tiên, ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Núi Phật Tích là đoạn cuối của dãy Nguyệt Hằng có tên nôm là núi Chè. Núi Phật Tích là núi đất, nhưng ở đó mọc lên muôn ngàn mỏm đá.
MAN NƯƠNG & CÂY DUNG THỤ
Một hôm, Man Nương đến bỗng có rồng mây cuốn quanh mình rồi cảm động mà mang thai. Man Nương sợ hãi nói rõ sự việc với cha mẹ. Ông bà Tu Định kinh ngạc vào núi để nói rõ sự tình với Đà La. Nhà sư bảo rằng: “Man Nương có thai là do nhân thiên hợp khí”.
Man Nương có mang được 14 tháng, đến ngày 8 tháng 4 sinh được một bé gái, trong phòng hương thơm khác lạ lan tỏa đầy nhà. Man Nương liền bế con vào nơi núi non tìm thày, trời âm u không thấy rõ ràng, chỉ nghe thấy tiếng tụng niệm, bèn quay lại nói với cây dung thụ rằng: “Nếu có thiêng hãy ôm lấy hài nhi này”. Cây bèn mở thân, bèn đặt đứa bé vào đó, cây khép lại…
SĨ NHIẾP & CÁC CHÙA TỨ PHÁP
Sau đó, trời mưa to gió lớn giật đổ cây dung thụ trôi đến cửa bến thành Luy Lâu, trong cây như có tiếng nhạc, ánh sáng chiếu rọi, mùi hương thơm phức, mọi người đều thấy. Sĩ Vương trong thành thấy lạ, bèn lệnh cho quan quân xem xét, quả nhiên như vậy, đến đêm mộng thấy một vị Thần nói rằng: “Cây này là thần mây, mưa, sấm, chớp”.
Vương bèn ban bố với quần thần trong triều tạc tượng Phật để thờ và lệnh cho thợ cắt cây làm bốn đoạn tạc thành bốn tượng.
Khi tượng tạc xong đã lệnh cho nhân dân sáng lập các chùa: Thiền Định – Diên Ứng (Dâu), Thành Đạo (Đậu), Phi Tướng tự và chùa Phương Quan (Dàn) Trí Quả để thờ phụng.
Lúc khánh thành khi còn chưa đón vào chùa thì gặp đại hạn. Vương bèn cầu khấn, bỗng nhiên mưa to. Vì thế nhớ mộng trước bèn đặt tên là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện.
Đến khi rước vào chùa, ba tượng xe chở rất nhẹ, còn tượng Pháp Vân nặng không thể được. Vương cho thợ tạc tượng đến hỏi, thợ tâu trong cây có hòn đá đã vứt xuống sông, lại lệnh cho ngư dân đi mò tìm vì biết cây đó chứa con của Man Nương và tạc thành tượng Thạch Quang để thờ.
Vương lại lệnh cho nhân dân tạc tượng Tam tổ sáng lập chùa Phúc Nghiêm.
BÀ KEO
Truyền thuyết về bà Keo gắn với truyền thuyết Phật mẫu Man Nương và Tứ Pháp ở vùng Dâu Luy Lâu .
Tương truyền khi Sĩ Nhiếp cho tạc 4 pho Tượng Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện xong thì còn thừa một mẩu gỗ nhỏ nhất ở phần ngọn, người thợ tạc tượng họ Đào đã tạc thành một pho tượng Pháp Vân nhỏ hơn.
Các pho tượng trước được chia về các chùa vùng Luy Lâu và đặt tên nôm theo tên làng là: Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Tướng, Bà Dàn, còn pho tượng nhỏ nhất làng Keo rước về thờ và gọi là Bà Keo.
Tuy là hóa thân của chị cả Pháp Vân nhưng bà Keo là em út của Tứ Pháp.
Tương truyền xưa kia bà Keo cũng được rước về dự hội Dâu mùng 8/4 như các chị, tuy nhiên bà nghịch ngợm nhất, có lần đám rước bà chạy đánh rơi cả mão vào đống phân trâu, sua hàng Tổng Dâu họp không cho bà vào nữa. Từ đó, Bà bái vọng về khu vực Dâu lễ Phật Mẫu chứ không vào chùa Dâu hội họp công đồng với Tứ Pháp như xưa.
CHÙA NÀNH & THẠCH QUANG PHẬT
Chùa làng Nành ban đầu tên là Đại Thiền tự, đến thời Đinh Tiền Lê mới thờ thêm Pháp Vân và gọi là Pháp Vân tự, nguyên do như sau: khi đó, tượng Pháp Vân ở chùa Dâu trong thành Luy Lâu nổi tiếng linh thiêng nên được rước về Đại La để cầu phúc cho dân. Lúc rước trả về chùa Dâu thì Thạch Quang vương Phật ở chùa Dâu biến đâu mất. Ở chùa Nành mọi người nhìn thấy hào quang tỏa sáng trên cây mận vườn chùa, đến xem thì thấy Thạch Quang Vương Phật ở đó, liền đốn cây mận tạc thành tượng Pháp Vân để thờ cúng, từ đó rất là linh ứng.
—o—o—o—
BÀN CỜ TIÊN TRÊN NÚI LẠN KHA
Trên đỉnh núi Phật Tích hiện còn một khối đá vuông, mặt phẳng nhẵn. Người già bảo đấy là bàn cờ tiên. Tương truyền, một hôm chàng tiều phu Vương Chất lên núi này đốn củi. Đến đỉnh núi chàng thấy hai cô gái đang mê mải đánh cờ dưới gốc thông già, bèn ngả rìu đứng xem.
Hai cô gái vừa đánh cờ vừa ăn đào vứt hột sang bên. Vương Chất nhặt đào ngậm vào, say xưa theo dõi. Đến nỗi sau khi cuộc cờ tan, hai cô gái bảo chàng “Kìa, rìu mục mất rồi”. Vương Chất ngoảnh lại nhìn thấy chiếc rìu đã mục thật, vừa hay hai cô gái đã bay về trời. Vương Chất gánh củi về nhà thi đã qua bẩy đời rồi, chẳng còn ai quen nữa.
Khi khảo sát điền dã tại làng Phật Tích, đã được nghe các cụ cao tuổi kể rằng: Vương Chất chính là người ở dưới thôn Phù Lập Thượng, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du. Đó là một chàng tiều phu, thường đi lên trên núi Phật Tích kiếm củi. Một lần chàng đã gặp hai nàng tiên đánh cờ ở đó. Chứng tích hiện vẫn còn bàn cờ tiên trên núi ấy. Xưa kia, cũng ở trên núi Lạn kha này có cả một ngôi nhà đá, tương truyền đó là nhà của ông Vương Chất vẫn thường ở khi lên núi kiếm củi.
Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Núi Lạn Kha ở xã Phật Tích, cách huyện Tiên Du bốn dặm về phía nam, trên núi có muông thú đá, ao rồng và nhà đá, đỉnh núi có bàn cờ bằng đá…”. Như vậy, truyện Vương Chất gặp tiên đã được gắn với địa danh cụ thể đó là bàn cờ tiên, ngôi nhà đá trên ngọn núi Lạn Kha.
—o—o—o—
TỪ THỨC GẶP TIÊN
Vốn xưa miền chùa trồng nhiều hoa mẫu đơn. Hàng năm, mùa xuân về hoa nở người từ muôn nơi về đây ngắm hoa, vãn cảnh. Cô Giáng Tiên ở trên Ngọc Quán Thuyền Đô cũng giáng trần dự hội, chẳng may đánh gẫy một cành hoa, nên bị nhà chùa giữ lại.
Quan huyện Từ Thức thấy người con gái nhan sắc tuyệt trần bị nhà chùa giữ, bèn cởi áo khoác đang mặc chuộc cho. Chiếc áo bông trở thành vật tình, vật nghĩa mở đầu cho câu chuyện tình duyên thơ mộng “Từ Thức gặp Tiên”. Người đẹp đi rồi, Từ Thức ngày đêm tưởng nhớ, bỏ quan đi tìm sau chuyến ra chơi của bể Thần Phù đã thỏa mãn ước mong.
Gắn với truyện cổ tích Từ Thức gặp tiên, từ xa xưa, hàng năm, cứ vào ngày 4 tháng Giêng, dân làng Phật Tích lại tổ chức lễ hội tại chùa Phật Tích, tục gọi là Hội khán hoa mẫu đơn. Lễ hội khai mạc vào ngày mùng 3 Tết, nhưng năm nào cũng vậy du khách thập phương đến dâng hương, cầu phúc tấp nập từ ngày mùng 1.
Theo lời kể của nhân dân địa phương, xưa kia, chùa Phật Tích có một cây hoa mẫu đơn rất to, cả năm cây chỉ nở được một đóa rất to vào dịp tết. Trong lễ hội bên cạnh việc người đến thắp hương, khấn phật cầu nguyện cho những điều tốt đẹp, họ còn tưởng nhớ về cuộc gặp gỡ thần kỳ giữa chàng Từ Thức với nàng tiên Giáng Hương, qua đó muốn ngợi ca mối tình trong sáng giữa người và tiên.
—o—o—o—
SƯ TỔ THIỀN VÔ NGÔN THÔNG
Sư tổ Vô Thông Ngôn được chôn trên núi Phật Tích Vô Ngôn Thông 759 (?) – 826, là một vị Thiền sư Trung Quốc, đệ tử của Thiền sư nổi tiếng Bách Trượng Hoài Hải. Năm 820, sư qua Việt Nam, ở tại chùa Kiến Sơ, ngày nay thuộc Hà Nội, thành lập phái thiền Vô Ngôn Thông. Sư mất năm 826, chôn trên núi Tiên Du và phái thiền của sư kéo dài được 17 thế hệ.
Bảng liệt kê mười bảy thế hệ của thiền phái Vô Ngôn Thông (theo sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận)
– Thế hệ 1: Vô Ngôn Thông (mất năm 826).
– Thế hệ 2: Cảm Thành (mất năm 860).
– Thế hệ 3: Thiện Hội (mất năm 900).
– Thế hệ 4: Vân Phong (mất năm 959).
– Thế hệ 5: Khuôn Việt Chân Lưu (mất 1011) và một người khuyết lục.
– Thế hệ 6: Ða Bảo (mất năm?) và một người khuyết lục.
– Thế hệ 7: Ðịnh Hương (mất năm 1051), Thiền Lão (mất năm?) và một người khuyết lục.
– Thế hệ 8: Viên Chiếu (mất năm 1090), Cửu Chỉ (mất năm 1067), Bảo Tính (mất năm 1034), Minh Tâm (mất năm 1034), Quảng Trí (mất năm 1090), Lý Thái Tông (mất năm 1028), và một người khuyết lục.
– Thế hệ 9: Thông Biện (mất năm 1134), Mãn Giác (mất năm 1096), Ngộ Ấn (mất năm 1088) và ba người khuyết lục.
– Thế hệ 10: Ðạo Huệ (mất năm 1172), Biện Tài (mất năm?), Bảo Giám (mất năm 1173), Không Lộ (mất năm 1141), Bản Tịnh (mất năm 1177) và ba người khuyết lục.
– Thế hệ 11: Minh Trí (mất năm 1190), Tín Học (mất năm 1190), Tịnh Không (mất năm 1170), Đại Xã (mất năm 1180), Tịnh Lực (mất năm 1175), Trí Bảo (mất năm 1193), Trường Nguyên (mất năm 1165), Tịnh Giới (mất năm 1207), Giác Hải (mất năm?), Nguyên Học (mất năm 1174) và hai người khuyết lục.
– Thế hệ 12: Quảng Nghiêm (mất năm 1190) và tám người khuyết lục.
– Thế hệ 13: Thường Chiếu (mất năm 1203) và sáu người khuyết lục.
– Thế hệ 14: Thông Thiền (mất năm 1228), Thần Nghi (mất năm 1216) và ba người khuyết lục.
– Thế hệ 15: Tức Lự (mất năm?), Hiện Quang (mất năm 1221) và ba người khuyết lục, trong đó có thể có Ẩn Không, đệ tử của Thần Nghi.
– Thế hệ 16: Ứng Vương (mất năm?) và sáu người khuyết lục trong đó có thể có Đạo Viên, đệ tử của Hiện Quang.
– Thế hệ 17: Tiêu Diêu (mất năm?), Giới Minh (mất năm?), Giới Viên (mất năm?) Nhất Tông Quốc Sư (mất năm?).
—o—o—o—
TÁM VẠN THÁP ĐẤT NUNG CỦA VUA LÝ THẦN TÔNG
Sử cũ chép năm 1129 dưới triều vua Lý Thần Tông đã khánh thành 84.000 bảo tháp đất nung. Số lượng tháp khổng lồ đó được đem đặt ở nhiều nơi trong nước. Nhưng trong nhiều truyện kể bảo rằng, riêng ở Phật Tích đặt 8 vạn tháp. Vì vậy dãy núi ở Phật Tích được mang tên là núi Bát Vạn.
—o—o—o—
VƯỜN THÁP CỦA CÁC HOÀ TƯỢNG
Hiện nay, trong vườn chùa nằm chen vào núi đá, nhấp nhô 35 ngọn tháp lớn nhỏ, cái được dựng bằng đá, cái được xây bằng gạch. Mỗi cây tháp, giữ xá lị của các hòa thượng đắc đạo. Hầu hết các tháp đều được xây dựng bằng chất liệu truyền thống như gạch chỉ nung già (27/35), miết mạch vôi vữa, không trát phía ngoài. Các tháp đá (8/35) gồm những viên đá lớn xếp chồng lên nhau, hầu như không thấy mạch ghép.
Đa số các ngôi tháp đều có tên, nhưng lâu năm nét chữ dần mờ phai nên không thống kê hết được. Một số tháp có bia đá hoặc bài vị và ghi thời gian sinh, hóa và hoạt động Phật sự của các nhà sư…
—o—o—o—
THÁP MƯỜI TRƯỢNG CỦA VUA LÝ THÁNH TÔNG
Tương truyền, chùa Phật Tích xưa rộng rãi khang trang có tới 300 nhà (tam bách ốc). Chỉ riêng công việc don dẹp đã cần tới 70 người (tảo đái tháp thập phu). Đặc biệt, ngọn tháp của chùa cao vời vợi, nhòa lẫn trong mây, đến nỗi ở tận kinh thành Thăng Long vẫn còn nhìn rõ.
Theo Ðại Việt sử ký toàn thư, năm 1057 vua Lý Thánh Tông cho xây một ngọn tháp cao hơn 10 trượng ở chùa Phật Tích. Đó chính là tòa tháp để lại nền móng trong lòng đất ngày nay. Từ kích thước chân tháp, có thể ước tính tháp có chiều cao khoảng 40 mét, tương đương một tòa nhà 10 tầng.
Chia sẻ:
Scroll to Top