SỰ TÍCH MẪU ĐỆ TAM & LIỄU NGHỊ TRUYỀN THƯ

Loading

SỰ TÍCH MẪU ĐỆ TAM & THẢO MAI

Thảo Mai bị ghét vì là tiểu tam trong sự tích Mẫu Đệ Tam (Mẫu Thoải).
Mẫu Đệ Tam vốn là con gái Vua Bát Hải Long Vương Thủy Quốc Động Đình. Bà kết duyên cùng Kính Xuyên, là con Vua Đất.
Khi Kính Xuyên đi vắng, bà ở nhà khâu vá, chẳng may kim đâm vào tay chảy máu, lấy tấm vải lụa trắng để thấm máu.
Thảo Mai, tiểu thiếp của Kinh Xuyên, vốn đã sinh lòng đố kị từ lâu, nhân cơ hội đó giấu tấm lụa đi. Đến khi Kính Xuyên về, Thảo Mai lấy ra rồi vu oan cho bà ở nhà đã cắt máu thề nguyền để tư thông cùng kẻ khác.
Kính Xuyên không nghe lời thanh minh, ghen tuông mù quáng, một mực bắt đóng cũi bỏ bà lên rừng cho thú dữ ăn thịt. Ở nơi rừng núi, bà được muôn loài quý mến, dâng hoa quả nước uống cho bà.
Đến một ngày kia thì bà gặp được Liễu Nghị, vốn là thư sinh quê đất Thanh Miện nhờ tập ấm cha mẹ để lại nên đèn sách chuyên cần. Hôm đó trên đường đi thi thì chẳng may bị lạc vào nơi bà bị đày ải. Thấy bà vậy, Liễu Nghị đến hỏi han, sau khi biết rõ sự tình, Liễu Nghị nhận giúp đỡ bà. Bà đã viết thư nhờ Liễu Nghị mang về đến chốn Long Cung để vua cha thấu hết sự tình rồi sẽ định liệu sau.
Theo lời bà, Liễu Nghị ra đến sông Ngân Hán, là mái Long Giai ngoài Biển Đông, thấy có cây ngô đồng, Liễu Nghị rút cây kim thoa, gõ vào cây ba lần. Tức thì gió giật mưa sa, biển động ầm ầm, giữa dòng thấy hiện lên đôi bạch xà, Liễu Nghị bèn trình bày mọi việc, đôi bạch xà vâng lệnh đưa Liễu Nghị xuống Thủy Cung.
Tại đây, Liễu Nghị trao cho Vua cha Bát Hải bức thư và kể hết mọi chuyện. Vua cha tức giận, sai người đi bắt Kính Xuyên và Thảo Mai, còn truyền cho Trưởng Tử Xích Lân lên đón bà về.
Sau đó bà được rước về Thoải Phủ, kết duyên cùng Liễu Nghị, người được giao cho chức Quốc Tế Thủy Quan.
Trong văn thỉnh Mẫu Thoải cũng có một đoạn nhắc đến giai thoại về Thảo Mai
“Thỉnh mời Đệ Tam Thánh Tiên
Xích Lân Long Nữ ngự miền Thoải Cung
Kính Xuyên sớm kết loan phòng
Thảo Mai tiểu thiếp ra lòng gieo oan
Kính Xuyên chẳng xét ngay gian
Vàng mười nỡ để lầm than sao đành
Lòng trời thương kẻ ngay lành
Xui quan Liễu Nghị nho sinh tìm vào…”
===
Danh sách nhân vật của sự tích Mẫu đệ tam
– Long Vương ở hồ Động Đình, cha của Mẫu Đệ Tam và Thảo Mai
– Vua đất, bố Kinh Xuyên
– Mẫu đệ tam : vợ cả của Kinh Xuyên, con của Long Vương, chị của Thảo Mai
– Thảo Mai : vợ lẽ của Kinh Xuyên, con của Long Vương, em của Mẫu Đệ Tam
– Kinh Xuyên : chồng đầu của Mẫu Đệ Tam và Thảo Mai, con rể của Long Vương
– Liễu Nghị : chồng sau của Mẫu Đệ Tam, người đưa thư về hoàn cảnh của Mẫu Đệ Tam cho Long Vương
– Trương Tử Xích Lân, người được Long Vương cử đi cứu con gái về lại Long Cung
Đối xứng của các nhân vật
– Mẫu Đệ Tam và Thảo Mai là hai khía cạnh kim và mộc của Mẫu Thoải
– Liễu Nghị và Kinh Xuyên là hai khía cạnh kim mộc của một năng lượng nam gốc, đối xứng với Mẫu Thoải
– Long Vương và Trưởng Tử Xích Lân là rồng trụ và rộng vận hành ra vào Long Cung, Long Vương ở trang thái hợp nhất đối xứng với Vua đất
Cấu trúc của Long Cung gồm
– Ngân Hán,
– Long Giai,
– Biển Đông,
– Ngô Đồng,
– Kim Thoa : Liễu Nghị lấy Kim thoa gõ 3 lần vào cây Ngô Đồng, để mở cửa hay gõ lửa Động Đình HỒ
– Bạch Xà.
Cấu trúc của Kinh Xuyên
– Cũi
Vận hành của Mẫu Đệ Tam
– Sinh ra ở nhà cha Long Cung, Hồ Động Đình
– Lấy chồng ở nhà chồng Kinh Xuyên
– Bị Thảo Mai và Kinh Xuyên vu oan, bị cho vào cũi đưa vào trong rừng
– Được Liễu Nghị giúp, về lại Long Cung
– Lấy Liễu Nghi ở Quốc Tế Thuỷ Quan. Đây là chức rất lớn, tương đương với vị quan giữ cổng rốn của tuyến tinh, phụ trách vận hành dòng máu. Ý nghĩa của việc trao chức này là Liễu Nghị sẽ là người nhận dòng máu di truyền của Long Vương.
Vận hành của Liễu Nghị
– Liễu Nghị là thư sinh nên phải xuất phát ở trên trời (khu vực đầu của Vua trời)
– Liễu Nghị đi thi là Liễu Nghị đi xuống đất,
– Liễu Nghị bị lạc đường, nên vào rừng và gặp được Đệ Tam
– Liễu Nghị đến đến Long Cung, là đi tiếp xuống đất
– Liễu Nghị đi vào Long Cung, gặp Long Vương
– Liễu Nghị lấy mẫu Đệ Tam
Kinh Xuyên là hoả kim thổ, hợp với Thảo Mai là thuỷ khí mộc, chứ không hợp với Đệ Tam, là thuỷ kim thổ. Quan hệ của Đệ Tam gặp Kinh Xuyên là hoả thuỷ xung khắc. Đệ Tam gặp Kinh Xuyên để được mài dũa cho trưởng thành, chứ Thảo Mai mới thực sự hợp với Kinh Xuyên.
Liễu Nghị là hoả khí mộc, hợp với Đệ Tam là thuỷ kim thổ, chứ không hợp với Thảo Mai. Mối quan hệ Đệ Tam và Liễu Nghị là âm dương song hành.
Thảo Mai có vai trò ngược với bà Mai. Nhờ Thảo Mai mà Mẫu Thoải được ra khỏi quan hệ với Kinh Xuyên và nhờ đó mà bà gặp được Liễu Nghị. Bà mai thường ghép hai người xa lạ vào nhau, còn Thảo Mai thì tách hai người không phù hợp ra khỏi quan hệ gắn chặt họ lai. Suy cho cùng Thảo Mai và Bà Mai đều rất quan trọng. Nếu Đệ Tam chỉ yên vị ở vị trí của mình, chỉ xuôi theo cái đến với mình, không vùng lên tranh đấu, không giằng anh yêu về mình, không đòi ly hôn ly dị, không từ mặt bỏ đi, nên không có Thảo Mai thì Đệ Tam có khi chết tắc.
Mẫu Đệ Tam và Thảo Mai là căp đôi âm dương, cùng vận hành với nhau như là Tấm và Cám vây. Hạt thóc đích thực không thể chỉ có Tấm không có Cám, Mẫu Thoải đích thưc cần có Thảo Mai thì mới cân bằng. Các cặp đôi tượng tự
– Đệ Tam (kim) – Thảo Mai (mộc)
– Thị Kính (kim) – Thị Màu (mộc)
– Bạch Xà (kim) – Thanh Xà (mộc)
– Tấm (kim) – Cám (mộc)
Mẫu Thoải tượng trưng cho nguồn cội các dòng đầu thai của nước. Mẫu Thoải quản lý Thoải Phủ và ở Thuỷ Cung.
Để tạo ra dòng đầu thai của Hoả, cần phải tách ra hai năng lượng khác biệt nhau như Hoả Kim Thổ và Hoả Mộc Khí, vì Hoả luôn vận hành theo năng lượng gốc của mình. Nhưng để tạo ra một dòng đầu thai Thuỷ, thì cần tách hai mảnh hồn giống hệt nhau như hai giọt nước, nhưng đưa chúng vào các hoàn cảnh khác nhau, như Thảo Mai và Đệ Tam, thì nước sẽ luôn chảy xuôi theo, thoải theo hoàn cảnh của mình, và tạo nên hai tính cách và hành xử hoàn toàn khác nhau như Đệ Tam và Thảo Mai.
Gộp trải nghiệm của những giọt nước khác nhau như cách các giọt nước về biển, là cách về được gốc của Mẫu Thoải. Đệ Tam và Thảo Mai phải gộp vào nhau mới về được gốc của Mẫu Thoải.

LIỄU NGHỊ TRUYỀN THƯ

Tóm tắt câu truyện Liễu Nghị Truyền Thư
– Con gái Long Vương, lấy chồng, là Kinh Dương, bị nhà chồng hắt hủi phải đi chăn dê
– Liễu Nghị đi thi trượt về gặp cô gái chăn dê, hỏi sự tình và đồng ý mang thư cho cha cô
– Liễu Nghị đến găp Long Vương
– Tiền Đường, em gái của Long Vương đi giết Kinh Dương
– Tiền Đường về Long Cung, bảo Liễu nghị lấy cháu gái mình, Liễu Nghị từ chối
– Liễu Nghị rời khỏi Long Cung, về cuộc sống bình thường của mình, lấy 2 bà vợ đều chết, không con cái
– Liễu Nghị lấy người thứ ba là Lư Thị thì hạnh phúc, sau Lư Thị nhận mình chính là con gái Long Vương
– Hai vợ chồng thành tiên
===
Có 4 phiên bản về câu truyện Liễu Nghị và con gái Long Vương
– Bản Kim mô tả dòng máu tính nữ : Sự tích Mẫu Đệ Tam và Thảo Mai
– Bản Mộc mô tả dòng máu tính nam : Liễu Nghị Truyền Thư (Tác giả Lý Triều Uy đời Đường Trung Quốc Người Lũng Tây)
– Bản Thổ Khí ở chùa Thanh Miện, Hải Dương
– Bản Hồng Bàng Thị về sự tích Âu Cơ – Lạc Long Quân, là bản phức tạp nhất mô tả cả 2 dòng máu qua nhiều đời để sinh ra dòng máu Bách Việt
Phiên bản Kinh Dương Vương lấy con gái Long Vương sinh ra Lạc Long Quân, có vân hành khác hẳn với cả phiên bản về Mẫu thoải và phiên bản Liễu Nghị Truyền Thư. Kinh Dương là hoàng tử, không phải Kinh Dương Vương (Kinh Xuyên và Long Vương mới là Vương). Con gái Long Vương cũng không phải là Tiên Cát, chơi trên hồ Động Đình.
Cho dù các nhân Liễu Nghị, Long Vương, con gái Long Vương đi xuyên suốt các câu truyện huyền sử này, thì mỗi phiên bản đều mô tả một luồng vận hành của kinh lạc và dòng máu, mà hoàn toàn có thật của Động Đình Hồ. Phiên bản nào chúng ta cũng cần tôn trọng nó và hiểu nó.
===
Danh sách nhân vật
– Liễu Nghị
– Cô gái chăn dê, con gái Long Vương, sau đầu thai làm Lư Thị, để lấy Liễu nghị
– Kinh Dương, con trai thứ vua Long Xuyên, chồng cô gái chăn dê
– Long Vương bố vợ ở tuyến tinh, luân xa 2 đối xứng với Long Xuyên bố chồng ở đan điền, luân xa 3.
– Tiền Đường, em trai Long Vương
– Vũ Công, dê, thần sấm sét
– Thái Dương/Nhân học sinh
– chị họ Trương, chị họ Hàn, 2 vợ đầu của Liễu Nghị (chính là đầu thai của Thảo Mai)
– Lư Hạo bố của Lư Thị
Địa danh
– Bên sông Tương
– Kinh Dương, nơi lúc đi và về Liễu Nghị đều qua đây, vì có nhà bạn và là nơi con gái Long Vương bị đoạ đầy
– Động Đình Hồ (phương Đông)
Các loại Kinh
– Hoả Kinh (Long Vương bàn với Thái Nhân học sỹ)
– Kinh Thuỷ
– Kinh Dương
– Kinh Xuyên
– Kinh Lăng
Đặc điểm của Động Đình Hồ
– Cây quất cổ thụ
– Điện Linh Hư
– Gác Huyền Châu
– ĐIện Tiền Cảnh
– Lầu Ngưng Quang
– Điện Thanh Quang
Vận hành
– Rồng lấy nước làm thần
– Người lấy lửa làm thánh
===
Liễu Nghị là một thư sinh. Năm Phụng Nghi (niên hiệu của Đường Cao Tông), đi thi không đỗ. Trên đường ghé về bến sông Tương, ghé ngang nhà trọ ở Kinh Dương để thăm hỏi người bạn đồng hương. Đường đi quạnh vắng, cát bụi gió bay, Nghị mấy lần phải nương lùm cây mà nghỉ. Đi được chừng mười dặm, thấy một thiếu nữ chăn dê bên đường, y xiêm tồi tàn, nhưng nhan sắc đẹp đẽ tuyệt trần. Vẻ nàng rầu rĩ, mắt biếc đăm đăm như đang trông ngóng đợi chờ ai. Nghị động lòng trắc ẩn, nghiêng đầu chào hỏi:
– Vẻ nàng đài các trâm anh, duyên đâu khổ đến nỗi này.
Cô gái mỉm cười, nói lời đa tạ. Bỗng lại ôm mặt khóc nức, nghẹn ngào thưa:
– Quân tử có lòng hỏi đến, tiện thiếp kính cẩn thưa trình. Phận hèn gặp cảnh chẳng may, phải chịu nhiều điều nhục nhã, bầm gan tím ruột, căm hận thấu xương. Nguyên thiếp là con gái út của Long quân ở Động Đình Hồ. Nghe lời cha mẹ, kết duyên cùng con thứ của vua Long Xuyên. Chồng thiếp lêu lổng chơi bời, đắm say bọn tì nữ, nhẹ nghĩa vợ chồng, bạc tình ghét thiếp. Thiếp có đem chuyện thưa cùng mẹ chồng. Bố mẹ chồng thiếp nuông con, giận thiếp, đày đọa đến nỗi này.
Nàng nói đến đây, tủi thân trào nước mắt. Nghị im lặng nghe.
Nàng nói tiếp:
– Trời đất mênh mang, quê thiếp Động Đình, chẳng biết phương nào! Xa xôi cách trở, quặn đau gan ruột từng cơn, không biết cách nào nhắn tin về nhà! Nếu có tiện đường ngang qua, dám phiền quân tử trao hộ phong thư, chẳng hay có được hay chăng?
Nghị cảm động, khẳng khái đáp:
– Tôi là kẻ đọc sách thánh hiền, có chút nghĩa khí. Nghe cảnh ngộ nàng, máu nóng bốc lên, giận mình không có đôi cánh mà bay ngay đến chỗ nàng muốn gởi thư. Chỉ hiềm Động Đình Hồ, nước sâu thăm thẳm, loài người là giống trên cạn, làm sao mang thư xuống được? Nàng có cách gì, xin chỉ dẫn.
Thiếu nữ vừa khóc vừa cảm tạ:
– Quân tử có lòng giúp đỡ, tiện thiếp cảm tạ vô cùng. Đường xuống Động Đình, cũng như trên cạn mà thôi. Phía Nam hồ có cây quất lớn. Quân tử chỉ cần gõ vào thân cây ba tiếng, sẽ có người hướng dẫn xuống hồ một cách dễ dàng.
Nói rồi, lấy trong tay áo ra một phong thư, lạy mà trao cho Nghị, mắt đăm đăm nhìn về phương Đông, lệ thảm sa mãi không thôi,
Nghị xót xa cất thư vào túi áo, ái ngại hỏi nàng:
– Chẳng hay nàng chăn dê làm chi? Không lẽ thân nhân cũng ăn thịt dê sao?
Nàng đáp:
– Chẳng phài dê đâu! Đây là những Vũ Công đấy!
– Vũ Công là gì?
– Thưa, là thần sấm sét.
Nghị nhìn ngắm đàn dê, con nào cũng gườm gườm dữ tợn, mắt lộ hào quang, duy vóc dáng lông lá, không khác gì dê thường.
Chàng bảo nàng:
– Mai sau nàng trở về được Động Đình, xin đừng quên mà xa lánh kẻ làm sứ giả đưa thư này.
Nàng nói bâng khuâng, như nói một mình:
– Mãi mãi không quên, không lánh, lại là thân thích của nhau.
Nghị từ biệt, đi về hướng Đông. Đi được mấy chục bước, ngoái nhìn lại, không thấy thiếu phụ và đàn dê đâu nữa.
Nghị dừng lại Kinh Dương, ngủ với bạn một đêm. Hôm sau lên đường, hơn một tháng về đến nhà. Sau đó, tìm đường đến Động Đình Hồ. Phía Nam hồ, quả có một cây quất cổ thụ. Gõ vào thân cây ba tiếng, thấy một người đàn ông lực lưỡng, rẽ sông lên, vái Nghị mà hỏi:
– Dám mong được biết quý khách có điều gì sai khiến?
Nghị đáp:
– Bỉ nhân muốn được yết kiến đại vương.
Người ấy rẽ nước dẫn đường, lại nói:
– Xin quý khách nhắm mắt, một lát sẽ đến nơi muốn đến.
Nghị làm theo, một lát đã đến kinh thành tráng lệ với những lâu đài đẹp đẽ lạ lùng, nguy nga đài các, cổng cửa nhiều đếm không xiết, kỳ hoa dị thảo, hương sắc thanh tao. Người đàn ông dẫn Nghị vào một lâu đài, mời ngồi:
– Xin quý khách đợi ở đây.
Nghị hỏi:
– Chẳng hay, đây là đâu?
– Dạ, đây là điện Linh Hư.
Nghị ngồi, đưa mắt nhìn quanh. Trong điện, ngọc ngà châu báu, không thiếu thứ nào. Cột điện bằng bạch ngọc trong vắt, nền bằng bích ngọc, biêng biếc xanh, rèm mành bằng trân châu quý, cửa chạm lưu ly, tường gắn xà cừ, hổ phách. Đợi một hồi lâu, Nghị sốt ruột hỏi:
– Bao giờ bỉ nhân mới được yết kiến Động Đình quân?
Người đàn ông dẫn đường đáp:
– Nhà vua đang cùng Thái Nhân đạo sĩ bàn luận Hỏa Kinh ở gác Huyền Châu, chừng một lát sẽ xong.
Nghị hỏi:
– Dám mong được biết Hỏa Kinh là gì?
Người ấy đáp:
– Vua chúng tôi là Rồng. Rồng lấy nước làm thần. Với một giọt nước, Rồng có thể làm ngập sông hồ, đồi núi. Đạo sĩ là người. Người lấy lửa làm thánh. Một ngọn đèn nhỏ có thể đốt cháy cung A Phòng (cung điện vĩ đại của Tần thủy hoàng, sau bị Sở Bá vương Hạng Võ đốt ra tro). Nước, lửa linh ứng diệu huyền, không giống nhau. Thái Dương đạo sĩ tinh tường đạo người, vua chúng tôi thỉnh ngài đến để nghe đạo.
Cửa điện bỗng mở, mây ngũ sắc rực rỡ bay vào, theo mây một người áo tía đai xanh, uy nghi đúng bực đế vương. Người đàn ông bảo Nghị:
– Đức vua đã đến.
Nghị thi lễ. Long quân hỏi:
– Quý khách ở cõi nhân gian phải không?
– Dạ phải.
Long quân hỏi:
– Ngài không quản ngàn dặm xa xôi, xuống thủy phủ thâm u, hẳn có điều gì dạy bảo quả nhân.
Nghị đáp:
– Kẻ hàn sĩ này vốn cùng quê với đại vương, lớn lên ở đất Sở, du học ở đất Tần. Kém tài thi trượt, dạo chơi trên bờ Kinh Thủy, tình cờ thấy con gái út của đại vương chăn dê ngoài đồng, dãi dầu mưa gió, cảnh rất thê lương. Chẳng đành lòng mà đứng nhìn, tôi bèn hỏi nguyên do. Công chúa cho hay nàng bị chồng bạc tình ruồng rẫy, cha mẹ chồng khắc nghiệt đày đọa, nên mới ra nông nỗi ấy. Công chúa khóc mà nhờ tôi mang thư đến đại vương.
Nói rồi, lấy thư ra, lạy mà dâng lên. Long quân giữ lễ, vái mà nhận thư. Đọc xong, gạt nước mắt nói:
– Cha già có lỗi, xét người không kỹ, có tai như điếc, có mắt như mù, khiến cho con trẻ lâm vào cảnh khuê phòng bi đát ở phương xa. May nhờ ngài đây, tuy là người xa lạ, có lòng hiệp nghĩa, giữa đường thấy sự bất bình chẳng tha, ra tay giúp đỡ. Ơn sâu nghĩa nặng, quả nhân xin ghi khắc trong lòng.
Long quân rầu rầu, sa lệ thở than, trăm quan không ai cầm được nước mắt. Long quân sai thái giám đem thư của công chúa út vào trong cung. Lát sau, trong cung ai nấy điều khóc, tiếng vang ai oán. Long quân lại truyền một thái giám:
– Mau vào cung bảo mọi người đừng khóc thành tiếng, kẻo Tiền Đường biết chuyện, thì thêm rắc rối.
Nghị hỏi:
– Muôn tâu, Tiền Đường là ai?
Long quân đáp:
– Em ruột quả nhân, trước kia làm thần sông Tiền Đường, nay đã nghỉ việc rồi.
Nghị lại hỏi:
– Dám mong được biết, tại sao phải dấu ông ta chuyện này?
Long Quân đáp:
– Em trai quả nhân, tính nóng như lửa, sức mạnh phi thường. Xưa, đời vua Nghiêu bị lụt chín năm, cũng vì em trẫm nổi giận gây nên. Gần đây, giận nhau với một thiên tướng, đã san bằng năm quả núi. Thượng đế thương trẫm có công nên giảm tội cho em trẫm mà giao cho trẫm quản thúc ở đây. Do đó, người ở Tiền Đường, hàng ngày đều đến chầu.
Long quân chưa nói dứt lời, đột nhiên có tiếng thét long trời lở đất. Lâu đài cung điện rung chuyển, chao qua đảo lại như võng đưa. Rồi gió cuốn mây tuôn ngập trời. Nghị nhìn thấy một con Rồng khổng lồ, dài đến ngàn trượng, uốn mình trong mây. Mắt rồng sáng như chớp, lưỡi đỏ như máu tươi, vây vẩy rực như lửa hồng, cổ có vòng vàng cẩn ngọc. Quanh thân rồng, sấm sét vang rền, bão tuyết bủa xuống giá băng. Rồng quẫy mình bay thẳng lên chín từng mây. Nghị kinh hồn, ngã nhào xuống đất. Long quân tay nâng, miệng nói:
– Xin đại nhân chớ sợ.
Nghị hồn bất phụ thể, bất tỉnh hồi lâu, tỉnh dậy nói qua hơi thở:
– Nghị xin cáo biệt, trở lại nhân gian. Nếu còn ở đây, khi rồng kia về, chắc hẳn thân hèn này chết mất.
Long quân nói:
– Đại nhân chớ ngại. Em trai tôi lúc đi thì hung tợn, lúc về lại ôn nhu. Xin ngài lượng tình lưu lại để quả nhân được tỏ lòng ái mộ.
Rồi sai bày yến tiệc linh đình khoảng đãi quý khách. Rượu được vài tuần, nhã nhạc nổi lên, tinh kỳ rực rỡ, một người áo xiêm tơ lụa, trang sức trân châu, vóc dáng thanh tân kiều diễm, bước đến trước Nghị, cung kính nghiêng chào. Chàng nhận ra người đẹp chính là thiếu nữ chăn dê, trang nghiêm đứng lên đáp lễ. Mặt ngọc nửa buồn nửa vui, khóe thu ba dường như còn ngấn lệ, khép nép đứng bên ghế Long quân. Long quân nói với Nghị:
– May nhờ đại nhân cứu giúp, con gái quả nhân bị đày đọa ở Kinh Dương, nay đã trở về.
Cô gái cúi chào thêm lần nữa rồi lui vào trong cung. Long quân theo con cùng vào. Nghị nghe trong cung vọng ra tiếng oán than thương xót. Chừng có lẽ người thân đang cảm xúc về nỗi đoạn trường đã qua của công chúa út. Lát sau, Long quân trở ra, cùng Nghị nói cười ăn uống.
Tiệc chưa tàn, một người đàn ông, tuổi độ trung niên, phong cách thần tiên, mình mặc áo tía, tay cầm hột ngọc bích, bước ra cung kính đứng sau lưng Long quân. Long quân bảo Nghị:
– Đây là Tiền Đường, em trai quả nhân.
Tiền Đường chấp tay cúi chào. Nghị đứng dậy thi lễ, rồi cùng ngồi mà nâng chén.
Tiền Đường hướng Nghị mà nói:
– Cháu tôi bị nhục ở Kinh Lăng. Phúc nhà chưa hết, gặp được đại nhân có lòng hiệp nghĩa, đoái thương cứu giúp, nay đã bình yên đoàn tụ với gia đình. Vui cảnh đầm ấm, cảm tạ đại nhân, lời nói không đủ diễn hết cõi lòng, Tiền Đường, xin được cúi mời đại nhân một chén rượu nhạt.
Nghị khiêm tốn đáp lời đón rượu, thong dong uống cạn một hơi. Tiền Đường ngắm nhìn, nói với Long quân:
– Phong thái nhà nho, cao đẹp đáng kính.
Long quân hỏi em:
– Sáng nay chú đi, công việc ra sao?
Tiền Đường đáp:
– Em rời điện Linh Hư vào giờ Thìn, giờ Tỵ đến Kinh Dương. Giờ Ngọ giao tranh ở đấy. Xong xuôi, em lên thiên cung, tấu trình tự sự cùng Thượng Đế. Thượng Đế thấu nỗi oan, khiển trách qua loa rồi tha cho hết tội.
Lại hướng về Nghị mà nói:
– Tính tôi nóng nảy, sáng nay hấp tấp lên đường, không kịp nói chào, lại làm kinh động cung điện, khiến đại nhân phật lòng. Tiền Đường tôi rất lấy làm hổ thẹn.
Nghị thẳng thắn đáp:
– Ngài gặp việc gấp, xin chớ quan tâm tiểu tiết.
Long quân hỏi em:
– Trận này, em giết hại bao nhiêu?
Tiền Đường đáp:
– Dạ, sáu mươi vạn.
– Có làm hại mùa màng không?
– Dạ có! Khoảng tám trăm dặm.
– Kẻ bạc tình đâu?
– Em đã ăn tươi rồi.
Long quân trầm buồn:
– Kẻ bạc tình vong nghĩa, không tha thứ là đúng. Nhưng em hấp tấp nóng nảy, cũng là không phải. Từ nay trở đi, phải hành xử thận trọng hơn.
Tiền Đường cung kính vâng lời. Tiệc rượu tàn.
Đêm ấy, Nghị ngủ ở điện Ngưng Quang. Hôm sau, Long quân mời tất cả thân bằng quyến thuộc, mở đại yến ở cung Ngưng Bích mà đãi Nghị. Rượu quý thì trân, thức thức đều thơm và tinh khiết. Lại có giàn nhạc lớn với những nhạc cụ lạ lùng. Vào tiệc, kèn nổi, tù và rúc, chiêng và trống uy nghi, tinh kỳ phất phới. Có một vạn võ sĩ vung thương kích, múa gươm đao. Tất cả đều lạ đối với Nghị. Một võ sĩ từ trong tiến ra, nói lớn:
– Đây là điệu nhạc Tiền Đường phá trận.
Cờ tung gió rít, lạnh đến rợn người. Quan khách ngồi xem, tưởng chừng dựng tóc sởn da.
Điệu nhạc Tiền Đường phá trận vừa dứt, lại có tiếng trúc tơ vàng đá, lụa là chúa ngọc thướt tha, hơn ngàn mỹ nhân uyển chuyển bước ra. Một nàng tuyệt đẹp giới thiệu cùng quý khách:
– Đây là điệu nhạc Chủ Quý về cung.
Tiếng nhạc du dương, như kể lể, như oán than cho bước đọa đày của công chúa út. Khách ngồi nghe, người cúi mặt, kẻ gục đầu, không ai là không sa lệ.
Hai điệu múa dứt, Long quân truyền đem rượu ngon thưởng cho võ sĩ, lụa là thưởng cho mỹ nhân. Quan khách ngồi sát lại nhau mà ăn uống, chuyện trò rất là thân mật. Rượu ngắm hừng hừng, Long quân gõ bàn, ca lên một khúc, bày tỏ chí khí đế vương, lòng nhân ái, nghĩa quân thần, tình cốt nhục. Tiền Đường cũng ca một bài, hàm ý anh hùng, coi nhẹ sống chết. Lại khen tình vợ chồng hòa hợp thủy chung, chê trách kẻ bạc tình vong nghĩa. Liễu Nghị gõ chén, sảng khoát ca lên một khúc, bày tỏ phong thái kẻ sĩ nho gia, đang độ trẻ trung, giữa vòng trời đất mênh mông, thênh thang thả bước.
Ba người ca dứt, mọi người tán thưởng, hô lớn “muôn năm”. Động Đình quân tự tay bưng ra một hộp bằng bạch ngọc, trong đựng sừng tê rẽ nước mà tặng Nghị. Tiền Đường bưng một cái mâm bằng hồng ngọc, giữa mâm đặt viên ngọc soi đêm mà tặng Nghị. Nghị cảm ơn, nhận hai vật quý. Sau đó, những người trong cung, đem lụa là châu báu chất quanh chàng, một thoáng thành nhiều đống ngổn ngang rực rỡ. Nghị vui vẻ nói cười, thi lễ đón nhận tặng phẩm liên tiếp. Tan tiệc, Nghị chào chung mọi người, về nghỉ ở điện Ngưng Quang.
Hôm sau, Long quân thiết yến đãi Nghị ở lầu Thanh Quang. Tiền Đường rượu đã ngà ngà, hầm hầm bảo Nghị:
– Hẳn ngài cũng đã từng nghe “đá cứng có thể đập tan chứ không thể uốn cong, nghĩa sĩ có thể giết chết chứ không thể làm nhục.” Tôi có tâm sự, muốn ngỏ cùng ngài. Ngài thuận thì chúng ta thành đôi bạn tri âm, ngài không thuận thì tấm thân nghĩa sĩ của ngài sẽ nát như bùn như đất. Ngài nghĩ như thế nào?
Nghị thản nhiên:
– Xin được nghe lời tâm sự ấy.
Tiền Đường nói:
– Con gái yêu của Động Đình quân là vợ Kinh Dương, nhan sắc như tiên nga, tư chất thông minh, nết na hiền thục. Cả họ nhà tôi ai cũng quý yêu. Kinh Dương là đứa vô lại, làm nhục cháu gái tôi, tôi đã giết nó mà ăn thịt. Họ nhà tôi mong tìm bậc nghĩa sĩ cho cháu gái gửi thân, hai họ đời đời kết tình thông gia. Sao cho kẻ mang ơn biết chỗ trả ơn, kẻ thương người có nơi thương xót. Đấy cũng là đạo thủy chung của người quân tử. Ngài nghĩ có đúng không?
Nghị cười nhẹ, nghiêm chỉnh nói:
– Tôi không ngờ Tiền Đường Quân hèn hạ đến như thế! Nghe nói trước đây, để trút căm giận, ngài đã dâng nước, làm lụt chín châu, san bằng năm núi. Lại đã tận mắt thấy ngài quẫy mình phá ngục, đi cứu cháu ruột. Nghị này tưởng lầm ngài là bậc sáng suốt cương cường, đáng gọi là trượng phu, vì phạm hình luật, không né tránh cái chết, vì việc nghĩa, không tiếc mạng sống. Ngờ đâu, nhân khi rượu nhạc chung vui, chủ khách hòa thuận, ngài lại đổi mặt thay lòng, đe doạ ân nhân. Tôi thật không dè ngài lại hạng xoàng như vậy. Nếu như tôi gặp ngài ở nơi sóng gió ba đào hay gặp ngài ở chốn rừng sâu núi thẳm, ngài dương vây móng, hút nước phun mưa, làm cho Nghị phải chết thì Nghị cũng coi như bị chết vì loài vật, chẳng có gì đáng nói. Đằng này, ngài đang mũ áo cân đai, bàn chuyện lễ nghĩa luân thường, lời lẽ thông suốt, cử chỉ trang nghiêm, kẻ tuấn kiệt ít ai bì kịp chớ đừng nói chi đến loài vật, dù là loài linh vật ở chốn sông hồ cũng chỉ là loài vật thôi. Bỗng dưng, rượu vào lời ra, trở thành ngu xuẩn, mê muội tối tăm, khùng điên đe dọa người khác, hèn hạ quá đỗi. Nghị này, tuy sức trói gà không chặt, nhưng đem ý chí bất khuất để chiến thắng ngài. Ngài hãy tự liệu.
Tiền Đường nghe Nghị mắng, hối hận mà đáp:
– Vừa rồi, ta vì quá chén, nói năng thô lỗ, cử chỉ ngông cuồng, xúc phạm đến bậc cao minh, thật là hổ thẹn. Xin ngài rộng lòng tha thứ.
Hai người hòa nhã với nhau, yến tiệc đàn ca càng thêm vui vẻ. Từ đấy, Nghị và Tiền Đường thành đôi bạn tri âm.
Hôm sau, Nghị từ biệt ra về. Hoàng hậu xứ Động Đình mở tiệc tiễn chân ở điện Tiền Cảnh. Toàn thể gia tộc Long quân đều đến dự.
Trong tiệc, hoàng hậu sa nước mắt mà bảo Nghị:
– Tiện nữ mang ơn quân tử, hận rằng chưa được báo đền, đã phải chia ly.
Rồi dắt công chúa út đến vái Nghị để tỏ lòng biết ơn. Nhân đấy, lại hỏi:
– Hôm nay chia tay, biết rằng sau này còn được gặp lại hay không?
Nghị rầu rầu không đáp, lòng dạ bâng khuâng, rối như tơ vò. Ngày hôm qua, vì tự trọng mà bác đi lời đề nghị hôn nhân của Tiền Đường quân. Bây giờ hối tiếc khôn nguôi.
Tiệc hầu tàn, ai nấy đều có sắc buồn. Mọi người trong tiệc đem vàng bạc, trân châu cực phẩm mà tặng Nghị. Rồi Nghị theo đường cũ lên cạn. Có mười dõng phu gánh quà tặng đến tận nhà mới cáo biệt. Sau, Nghị chỉ bán một phần trăm số quà tặng ấy ở chợ Quảng Lăng, đã trở thành người giầu nhất vùng Hoài Hữu. Cuộc sống giầu sang, hôn nhân trắc trở. Lần đầu cưới vợ họ Trương, chưa có con, nàng tạ thế. Lần thứ nhì, lấy vợ họ Hàn. Được vài tháng, nàng qua đời. Nghị rời nhà đến Kim Lăng, cám cảnh cửa nhà trống vắng, trẻ tuổi hóa vợ, chàng cũng có ý tìm vợ mới cho bớt lạnh lùng gối chăn. Có một bà mai, nổi tiếng mát tay, chưa từng mai mối đám nào không thành, đến bảo với Nghị:
– Họ Lư ở đất Phạm Dương có cô con gái, công dung ngôn hạnh ít ai sánh cùng. Đang độ trẻ trung, góa chồng không con. Quả mai ba bảy cũng vừa, còn treo giá ngọc, mong gặp quân tử, sửa túi nâng khăn. Gia thế nàng cũng vào bậc khá. Cha là quan nhân Lư Hạo, có phẩm tước ở đất Thanh Lưu. Khi đứng tuổi, ưa học đạo thần tiên, từ quan, một mình ngao du ở chỗ suối mây, không trở lại. Bà mẹ họ Trịnh, đoan chính trang nghiêm, dạy con nền nếp. Chẳng hay ý ông thế nào?
Nghị tự nghĩ mình đã hai lần vợ chết, nên không kén cá chọn canh, chỉ mong có người hiền thục hòa hợp sắc cầm là mãn nguyện. Bèn nhờ bà mai, chọn ngày đưa lễ, phối ngẫu nên duyên. Hai họ trai gái, đều là bậc phú quý quan sang, nghi thức cưới xin, lễ vật quý giá, long trọng linh đình. Các bậc tài tử ở đất Kim Lăng đều ngưỡng mộ đám cưới ấy.
Vợ chồng ăn ở với nhau rất ư hòa thuận. Nàng thì đằm thắm nết na, chàng thì nho phong khí phách, thật là châu trần nào có châu trần nào hơn? Một tối, nhà nho đăm đăm ngắm vợ, lạ lùng càng ngắm càng giống công chúa út của Động Đình quân. Khuôn trăng nét liễu lại có phần phúc hậu diễm kiều hơn. Thấy chồng nhìn mình chăm chú, Lư thị có ý thẹn, mỉm cười cúi đầu. Nghị hiểu ý, bèn đem chuyện cô gái chăn dê ra kể cho vợ nghe. Nghe xong câu chuyện, nàng hỏi bâng khuâng:
– Trong cõi người ta cũng có chuyện lạ như vậy sao, chàng?
Nghị mỉm cười gật đầu. Hơn một năm sau, nàng hạ sinh được một bé trai, kháu khỉnh, sáng láng, giống y như Nghị. Khi bé trai đầy tháng, hai vợ chồng mở tiệc mời thân bằng quyến thuộc. Tiệc tàn, Lư thị bảo chồng:
– Chàng không nhận ra em ngày xưa ư?
Nghị trầm ngâm đáp:
– Xưa đưa thư cho Động Đình quân, nay vẫn nhớ như chuyện mới hôm qua.
Nàng nhỏ nhẹ:
– Em là con gái út của vua Động Đình, bị Kinh Dương đày đọa, nhờ chàng đưa thư. Mang ơn sâu nặng, em đã tự nguyện với lòng phải báo đền. Rồi chú Tiền Đường em vụng về mai mối không thành, hai ta ly biệt mỗi người một phương, tuyệt không âm tín. Song thân muốn gả em cho con trai ông Trạc Cẩm. Phận em là gái, lời nguyện với lòng không thể đổi mà ý cha mẹ không thể trái. Nông nỗi éo le, em định tìm đến gặp chàng, thẳng thắn giải bày để tùy ý quân tử định liệu cho. Cảnh chàng khi ấy, lấy vợ đã hai lần. Trước là chị họ Trương, sau chị họ Hàn. Hai chị nối nhau qua đời. Chàng dọn đến ở nhà này. Nhân duyên trời định, song thân mừng cho em có cơ hội báo đáp ơn chàng. Ngày nay được vì chàng nâng khăn sửa túi, lại có con trai, em thật là mãn nguyện, dẫu có phải chết, em cũng không còn ân hận gì nữa.
Nghị ôn tồn thẳng thắn đáp:
– Có lẽ mỗi người ở đời đều được tạo hóa an bài số phận. Buổi đầu gặp nàng ở chốn Kinh Dương, đọa đày tiều tụy, lòng ta thực chỉ bất bình. Ta mong muốn giúp nàng thoát cảnh điêu linh, ngoài ra không có ý gì khác cả. Còn như câu nói “xin đừng quên nhau” chỉ là tình cờ, không có hậu ý. Kịp khi Tiền Đường quân đe dọa ép uổng, làm ta bốc giận, dùng lý mà bác ý ông ta. Nàng thử nghĩ xem, đã vì nghĩa khí giúp người, lý nào lại có hành vi giết chồng lấy vợ? Đó là điều kẻ sĩ đọc sách không thể làm. Sĩ khí cũng không cho phép ta khuất phục trước đe dọa của quyền uy, dù cho có thể bị gánh chịu tai họa. Nhưng nàng biết không, trong tiệc chia ly, ta thật cảm nàng quá đỗi. Lòng ta hối tiếc vô cùng, tiếc rằng sao ta lại bốc giận mà bác đi đề nghị kết duyên với nàng của Tiền Đường quân. Ôi! Chuyện cũ đã qua. Bây giờ hai ta đã được toại nguyện, nên vợ nên chồng, chung sống bên nhau, âu yếm mãi mãi, không phải bâng khuâng gì nữa.
Nghe lời chân thành tha thiết, nàng xúc động thổn thức hồi lâu, rồi bảo chồng:
– Em tuy khác loài, nhưng không vô tình. Em có cách đền ơn tri ngộ, nghĩa phu thê. Loài rồng thọ đến vạn năm. Chàng sẽ cùng em hưởng thọ tuổi rồng. Từ nay, trên cạn dưới nước, hai ta thoải mái thong dong.
Nghị âu yếm hỏi:
– Ta có ngờ đâu một trang quốc sắc như nàng, lại là một bậc thần tiên.
Hôm sau, hai vợ chồng bồng con về thăm thủy phủ Động Đình. Long quân cùng hoàng hậu đón con rể, con gái và cháu ngoại bằng những tiệc vui linh đình, chưa từng có ở nhân gian. Ít lâu sau, Nghị đem vợ con về sống ở Nam Hải gần bốn mươi năm. Cuộc sống phú quý, dẫu đế vương cũng chẳng hơn được. Những người thân thích trong tông tộc Nghị đều được giúp đỡ, sống đời phong phú như bậc vương hầu. Người dân khắp vùng Nam Hải, ai ai cũng lấy làm lạ lùng kính nể.
Đến năm Khai Nguyên nhà Đường, thiên đình quan tâm đến việc thần tiên sinh hoạt ngoài vòng cương tỏa, lùng bắt gắt gao. Vợ chồng Nghị sống không được thong dong, thoải mái, bèn đem nhau về Động Đình, sống hơn mười năm, không để lại dấu vết nào ở cõi nhân gian. Niên hiệu Khai Nguyên năm cuối (tức cuối thời Đường Huyền Tông), Liễu Hỗ là em họ Nghị, làm quan Kinh Kỳ Lệnh bị biếm. Trên đường đến phương Đông Nam lãnh chức vị mới, qua Động Đình Hồ. Đang giữa ban ngày, thấy ở xa xa một ngọn núi xanh nổi bồng bềnh trên sông nước. Những người trong thuyền lấy làm sợ, nói:
– Chỗ này chưa từng có núi, e là thủy quái.
Phút chốc, núi đến gần bên thuyền của Hỗ. Một chiếc thuyền hoa từ núi chèo ra, trên thuyền có người lên tiếng gọi:
– Mời Liễu công sang thưa chuyện.
Hỗ nghe gọi, tâm thần sảng khoái, ra lệnh chèo thuyền đến sát chân núi, thoăn thoắt bước lên. Trèo núi một chập, khoẻ khoắn tỉnh táo, nhìn thấy lâu đài cung điện, nguy nga như hoàng cung ở chốn nhân gian. Hỗ thản nhiên bước vào như vào nơi quen thuộc của người thân thích.
Trong cung trang trí thanh lịch, uy nghi. Có đàn có sáo, thức thức đều bằng châu ngọc hiếm có trên đời. Nghị từ trong bước ra, vẫn trẻ trung như thời trai tráng, thân mật cầm tay Hỗ, đăm đăm nhìn mái tóc người em đồng tông, ân cần bảo:
– Thắm thoát từ độ chia tay, tóc em giờ đã bạc phơ.
Hỗ cười, hồn nhiên đáp:
– Trời sinh mỗi người có một số mệnh. Anh là thần tiên, em là một nắm xương khô.
Nghị đưa cho em, năm mươi hoàn thuốc, dặn dò:
– Uống mỗi viên này, thêm một tuổi thọ. Em cầm về, chia uống đến cuối năm, rồi trở lại đây gặp anh. Chẳng nên vướng lụy mãi trong cõi bụi trần.
Lại bày tiệc thiết đãi Hỗ. Tiệc tàn, anh em chia tay. Từ đấy không ai còn thấy được Nghị nữa.
Hỗ trở về cõi người ta, đem chuyện kể với người đời. Gần bốn mười năm sau, Hỗ bỏ đi đâu mất, không ai biết tông tích.
* * *
Lý Triều Uy, khi viết lại xong chuyện trên, có ghi chú:
Chuyện này đã chứng nghiệm cho tôi rằng có linh vật đứng đầu ngũ trùng (1). Loài người là khỏa trùng, giữ tín (2) với lân trùng. Vua Động Đình hào phóng, lời nói ôn nhu ngay thẳng. Vua Tiền Đường lỗi lạc khác thường. Hỗ ngợi khen nhưng không ghi chép lại. Tôi thấy câu chuyện có ý nghĩa nên ghi lại.
CHÚ THÍCH:
– Huyện Phạm Dương: đất thuộc nước Triệu cũ.
– Sông Tiền Đường: chảy ngang Chiết Giang, đất Bách Việt.
(1) Ngũ trùng: xưa, người Trung Hoa gọi ngũ trùng là năm loài:
1- Vũ trùng, loài có lông vũ, như loài chim.
2- Mao trùng: loài có lông mao, như lông thú.
3- Giáp trùng: loài có mai, như mai rùa.
4- Khỏa trùng: tức loài người.
5- Lân trùng: loài có vảy.

LIỄU NGHỊ & MẪU ĐỆ TAM – PHIÊN BẢN ÔNG SỘP & BÀ DỰA

Sự tích “ông Sộp” (tức Liễu Nghị ẩn sĩ) và “bà Dựa” (tức Thuỷ Tinh công chúa) tại chùa Sộp xã Tân Trào và chùa Nhữ Xá xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương có hai phiên bản, đều rất chi tiết và hay
– Phiên bản tập trung vào bà Dựa – Nghi lễ Cầu mưa
– Phiên bản tập trung vào ông Sộp – Nghi lễ Trị thuỷ (ngập úng)
Chúng tôi xin đi từng phiên bản
===
Phiên bản tập trung vào bà Dựa – Nghi lễ Cầu mưa
Đức bà là con gái vua Thủy Tề. Bà kết duyên với ông Kinh Xuyên là con quan Thừa tướng dưới Thủy cung. Ông Kinh Xuyên lấy người vợ lẽ là nàng Thảo Mai, ba người chung sống với nhau đã lâu mà chưa sinh được con.
Một hôm đức bà cùng nàng Thảo Mai đi du ngoạn, thấy người mệt mỏi bèn rủ nhau vào quán nước ven đường thì bỗng nhiên có một anh học trò từ đâu tới cũng rẽ vào quán nghỉ chân. Sau khi ăn hàng xong, người học trò có ý “trêu hoa, ghẹo nguyệt” không trả tiền rồi bỏ ra về. Người chủ quán bèn gọi anh học trò lại, anh này chỉ tay vào hai người nói “Đã có hai người quen của tôi trả hộ rồi”. Hai bà nghe thấy có ý bực mình “Từ xưa đến nay mình không quen người học trò này sao lại có chuyện vậy?”. Song vốn là người có lòng nhân đạo, thương anh học trò nghèo, Đức bà đã trả tiền cho chủ quán rồi hai người trở về.
Mấy ngày sau, Thảo Mai đem chuyện này bí mật nói với với ông Kinh Xuyên, chồng của Đức bà rằng : Hôm trước ngài có quen một người học trò tại quán nước ven đường và mạo ra một lá thư tình của người học trò, trong thư nói lời tình tứ rồi đem lá thư này giấu dưới gối của Đức bà.
Tình cờ, ông Kinh Xuyên xem thư, thấy toàn lời lẽ như hôm vợ lẽ kể với mình. Từ đó, ông Kinh Xuyên nghi ngờ vợ ăn ở “hai lòng”. Đức bà âm thầm chịu đựng, không biết kêu oan với ai.
Một hôm, ông Kinh Xuyên đem chuyện nói với phụ thân. Nghe xong, quan Thừa tướng nổi giận cho bắt ba vào cũi sắt rồi đầy lên Thượng giới. Tục truyền, Đức bà bị đày tại một khu rừng hoang, nay là đền thờ ngài. Lạ thay, từ hôm Đức bà bị đầy thì ngày nào cũng có chim, thú mang hoa, quả đến cho Đức bà ăn uống… Nhờ vậy, Đức bà vẫn khỏe mạnh bình thường.
Thời gian ở rừng gần 10 năm, Đức bà chỉ còn cái áo, còn quần thì bị rách gần hết. Ngày đêm, ngài chỉ cầu xin Trời, Phật cứu giúp; mong vua cha biết và cứu ngài thoát khỏi cảnh đầy đọa này.
Một hôm, ông Liễu Nghị người làng Ngọc Lập ở gần đấy, vì cảnh nhà nghèo nên đi thi lần nào cũng chỉ đỗ Tú tài, hận mình văn hay chữ tốt mà vẫn thua kém bạn bè, ông thu xếp hành lý rồi bỏ nhà đi chu du rừng núi. Trong lúc đang mải ngắm cỏ cây, bỗng nhiên ông Liễu Nghị nghe thấy có tiếng người kêu cứu. Ông phát hiện có một người con gái bị nhốt trong cũi sắt đặt dưới gốc cây.
Thấy Liễu Nghị, Đức bà vô cùng mừng rỡ và nói rằng: “Trượng phu, người hãy làm ơn giúp tiện thiếp việc này thì không bao giờ tiện thiếp dám quên ơn”. Đức bà kể rõ duyên phận hẩm hưu, lấy chồng con quan Thừa tướng có vợ lẽ đem lòng ghen ghét, vu oan nên bị bắt đầy lên Thượng giới 10 năm.
Đức bà mở túi lấy một viên Linh đan và viết lá thư rồi dặn ông Liễu Nghị rằng: “Trượng phu, người hãy nuốt viên Linh đan này và nhanh chóng cầm lá thư đi nhanh chóng trong 3 ngày đến cửa biển Đông cách khu rừng này hơn trăm dặm. Đến đây, xin người vỗ tay 3 cái thì mặt nước sẽ rẽ ra, tức thì có người đón xuống thủy cung, nơi ấy là dinh thự của Vua Thủy Tề, đó là thân phụ của tiện thiếp đấy. Người nhớ có một cây ngô đồng phía bên trái cổng thành, hãy gõ vào cây 3 tiếng, tức khắc có quan Thị vệ sẽ mở cổng thành đón vào và người dâng bức thư này cho vua cha. Đến khi vua cha nhận được lá thư này thì chỉ trong chốc lát tiện thiếp sẽ về cung đình và đưa tiễn trượng phu về Thượng giới. Xin trượng phu đừng lo ngại, người hãy đi ngay để công việc sớm thành công”.
Đức ông đi trong một ngày đã tới biển Đông, theo lời Đức bà dặn, người đứng trước cửa biển vỗ tay 3 cái, tự nhiên mặt nước rẽ sóng ra và có quân lính đến đón, một lúc đã thấy cung điện nhà vua hiện ra trước mắt. Đức ông bèn gõ vào gốc cây ngô đồng 3 cái, quả nhiên, một lát đã có các quan Thị vệ đón ngài vào trong cung điện để dâng bức thư cho vua cha.
Xem xong lá thư, vua cha vô cùng mừng rỡ, cho hoàng hậu mời các quan văn võ đến kể lại câu chuyện công chúa bị mắc oan gần 10 năm trời. Rồi vua truyền cho các quan Thị vệ đón Đức ông về tư dinh.
Đức ông ăn uống xong và nghỉ ngơi được một lát đã thấy Đức bà về, hiện ra ngay bên cạnh. Đức bà dặn Đức ông: “Nếu vua cha có ban thưởng cho của cải, đồ đạc gì thì xin trượng phu hãy khước từ, để cho tiện thiếp được dự quyết công việc này. Tiện thiếp sẽ xin phép vua cha đưa tiễn trượng phu về Thượng giới. Hai ta sẽ kết duyên châu trần ngàn đời. Khi về Thượng giới, tiện thiếp chỉ xin vua cha một bầu nước phép để cứu dân trong lúc hạn hán hay thủy nạn xảy ra”. Hai người vừa dứt lời thì vua cha đã có chiếu triệu hồi về cung hỏi chuyện.
Vua cha cho quân lính mở kho vàng bạc, châu báu ban thưởng cho hai người nhưng Đức bà không nhận, chỉ nhất tâm xin chiếc bầu nước phép và một ít lộ phí đường về. Vua cha và mẫu hậu hết sức ngạc nhiên và gạn hỏi Đức bà vì sao không lấy vàng bạc, châu báu mà chỉ xin bầu nước phép?
Đức bà liền tâu: Muôn tâu phụ vương, ngài hãy rộng lòng tha thứ, chúng con xin bầu nước phép về Thượng giới mới cứu giúp được muôn dân tránh được cảnh mất mùa, đói khát, bệnh tật… do hạn hán hoặc thủy nạn gây ra.
Đức vua và mẫu hậu nghe lời tâu cho là phải, bèn cho quân lính mở kho lấy bầu nước phép thưởng cho hai người và giao cho quan Thị vệ tổ chức hôn lễ cho Công chúa (Đức bà) và ông Liễu Nghị (Đức ông), hai người kết duyên cầm sắt.
Ngày hôm sau, hai ông bà vái tạ vua cha và mẫu hậu cùng các quan văn võ trong triều rồi trở về Thượng giới. Thấm thoắt đã gần 10 năm ở Thượng giới mà hai người chưa sinh được con.
Một hôm bà bàn với ông rằng: “Xét ra tiện thiếp với lang quân thực nghĩa trọng hơn tình; công ơn của lang quân, tiện thiếp không bao giờ quên được. Một người là âm tính (thuộc âm khí), một người là dương tính (thuộc dương khí). Dương khí thuộc trần tục mà tiện thiếp là người dưới Thủy cung, đường tử tức không có lợi, chi bằng ta tính trước đường tu hành cho sớm, tránh được vòng trần tục về sau, còn nghĩa phu thê phải giữ đạo cương thường”.
Ngày hôm sau, hai người sửa sang hành lý rồi từ biệt xóm làng, chia nhau mỗi người đến một chùa để tu hành. Đức bà tìm đến chùa làng Nhữ Xá, Đức ông tìm đến chùa làng Ngọc Lập. Hai ngôi chùa cách nhau khoảng 3 cây số. Tuy hai ông bà ở hai nơi nhưng vẫn thường liên lạc với nhau về công việc tu hành. Thấm thoắt đã trải qua sáu, bảy năm, công việc tu hành đã đắc đạo.
Một hôm, Đức ông và Đức bà cho mời các bô lão của hai làng đến để bàn việc đi du ngoạn ở thành Thăng Long (Hà Nội), cho mời làng Nhữ Xá 6 người, làng Ngọc Lập 6 người. Ngày hôm sau, Đức ông và Đức bà cùng các vị bô lão lên đường đi thăm danh lam thắng cảnh và 36 phố phường của Thăng Long, cuộc du ngoạn kéo dài hơn một tuần lễ. Lúc trở về, Đức ông và Đức bà mời các bô lão ra thăm cảnh sông Nhị Hà (sông Hồng) và cấp đủ lộ phí đi đường. Xong, tự nhiên hai ông bà xuống sông biến mất dạng.
Trở về, các bô lão kể lại câu chuyện thần kỳ trên cho mọi người. Nhân dân hai làng Nhữ Xá và Ngọc Lập nghe tin Đức ông và Đức bà “Hiển Thánh” đều vui mừng, phấn khởi. Từ đó, thiện nam, tín nữ tỉnh Hải Dương lũ lượt về làm lễ tại chùa, cầu sự linh ứng của Đức ông, Đức bà tại chùa Nhữ Xá. Sau này, xét thấy có sự linh ứng mầu nhiệm, nhân dân mới lập thêm hai ngôi đền ở phía sau hai chùa để thờ cúng các ngài trang trọng và lâu dài.
Bấy giờ, nhân dân trong vùng Hải Dương, hễ ai có việc oan ức do kẻ bất lương làm hại, bị hà hiếp do những kẻ cường hào hoặc bị mất trộm tiền của… thường sắm lễ đến cầu khấn tại đền Đức bà, ngài thường hiển linh trừng phạt những kẻ bất lương ngay trước mắt cho nhân dân biết. Đối với những kẻ biết “cải tà, quy chánh”, người cho phép được hưởng khoan hồng.
Thời gian sau, Đức bà hiển linh về khu rừng nơi xưa ngài bị đầy. Tục truyền, Đức bà sai bảo ông lão tiều phu (kiếm củi) rằng: “Ngươi đem hai khúc gỗ trầm hương này đi về hướng Tây, trên đường đi nếu thấy người mệt mỏi thì xin vào ngôi chùa gần đấy mà nghỉ trọ và đem cúng một khúc gỗ. Còn một khúc nữa hãy tiếp tục đi mà lại thấy người mỏi mệt thì tìm một ngôi chùa để nghỉ trọ, rồi cúng nốt khúc gỗ ấy cho dân làng làm tượng thờ. Hễ cúng xong là bệnh sẽ khỏi”.
Nhớ lời Đức bà dặn, lão tiều phu mang hai khúc gỗ trầm hương về phía Tây, đi từ sáng sớm đến chiều tà thì bụng đói, người mệt và miệng khát nước… Nhìn về phía trước, chợt thấy có một ngôi chùa, lão bèn xin nghỉ trọ. Xong khi vào chùa, bụng bỗng đau đớn, lão xin cúng khúc gỗ để tạc tượng. Sau khi cúng xong, bệnh liền khỏi. Sáng hôm sau, lão dậy sớm và xin phép nhà sư lên đường. Còn một khúc gỗ nữa, lão vác lên vai rồi tìm ngôi chùa khác để cúng nốt. Tục truyền, sau khi rời khỏi chùa, lão tiều phu biến mất dạng.
Cho là điều linh dị, nhân dân hai làng Nhữ Xá và Ngọc Lập đem khúc gỗ đi tạc tượng để thờ lâu dài. Làng Nhữ Xá tạc tượng Đức bà theo sắc phong Đệ tam Thánh Mẫu thủy tiên xích lân Long nữ Bạch ngọc Thủy tinh công chúa. Làng Ngọc Lập tạc tượng Đức ông Liễu Nghị theo Lịch triều sắc phong Phò mã Trung nghi Thượng đẳng thần.
Từ khi tạc xong 2 pho tượng; Đức ông và Đức bà ngày càng linh ứng. Mỗi dịp đến ngày “hóa” của ngài (15 tháng 3 âm lịch), thiện nam tín nữ từ khắp nơi kéo về làm lễ, cầu gì được nấy.
Tục truyền, khu vực Ninh Giang, Thanh Miện và Bình Giang xưa là vùng trũng thấp, mỗi khi có ngập lụt hoặc hạn hán kéo dài, nhân dân làm lễ cầu đảo Đức ông và Đức bà thường được linh ứng, chỉ trong khoảng 5 tiếng đồng hồ là có mưa to, gió lớn. Nếu mở cửa 3 ngày vẫn chưa có nước thì làm lễ “Mật đảo”, tức là phải hạ tượng. Đến ngày thứ 6 phải rước kiệu Đức ông và Đức bà đến một cái đống gần đền; đống này nằm giữa cánh đồng rộng gần 10 mẫu ta. Nhân dân 6 xã rước kiệu đến hội đồng cầu đảo, chỉ trong 3 tiếng là trời có mưa to, gió lớn, đủ nước cho việc cầy cấy.
Trải qua các triều đại phong kiến, Đức ông và Đức bà đều được ban sắc phong. Thời Hậu Lê phong là “Đệ tam Thánh Mẫu, thủy phủ Động Đình lân nữ Thủy tinh công chúa”. Tiếp đến thời Nguyễn phong là “Hoàng long tinh hạnh Thủy trang linh thiện Thục diệu Phu nhân Thượng đẳng thần”. Rất tiếc là trải qua năm tháng và chiến tranh, các đạo sắc phong đều bị thất lạc.
Hàng năm, từ mùng 10 đến 20 tháng 3 âm lịch, nhân dân hai làng Nhữ Xá (Hồng Quang) và làng Ngọc Lập (Tân Trào) huyện Thanh Miện cùng nhau tổ chức lễ hội. Tục truyền vào ngày cuối hội thường có mưa to, gió lớn nên gọi là “Mưa rửa đền”; trong đó, ngày 12 là ngày “Trọng hội”, nhân dân thường tổ chức rước kiệu Đức bà sang giao hảo với Đức ông. Thông qua đó, gia tăng thêm mối đoàn kết làng xã, người đi dự lễ hội rất đông. Ca dao xưa ghi nhận về sự tích “Ông Sộp” và “Bà Dựa” như sau:
Nỗi oan thấu đến Cửu trùng
Giá người tiết hạnh ngàn vàng nào cân.
Thực là thục nữ, giai nhân,
Tiếng thơm ghi mãi lòng trần nào quên.
Anh linh hiển hiện thấy liền,
Dự trong Tam thánh, Phật,
Tiên nước nhà.
Lửa hương phụng sự gần xa,
Nơi xưa mưa thuận, gió hòa bấy lâu,
Đội ơn thánh hóa phép mầu.
===
Nhìn qua về tên nhân vật thì câu truyện này có vẻ giống sự tích Mẫu Thoải và Liễu Nghị Truyền thư, nhưng luồng vận hành thì khác hẳn.
Các nhân vật
– Bà Dựa, con vua Thuỷ Tề, vợ của Kinh Xuyên
– Kinh Xuyên, con quan Thừa tướng của Thuỷ cung, như vậy Kinh Xuyên và Bà Dựa đang không đối xứng nhau về vai vế, như trong các phiên bản khác
– Thảo Mai, vợ lẽ của Kinh Xuyên
– Bố Kinh Xuyên, vai trò của bố Kinh Xuyên trong câu truyện này rất lớn. Xét về vai vế, ông là người đối xứng với Bà Dựa hơn và chính ông mới là người ra lệnh đóng cũi và cho Bà Dựa vào rừng, chứ không phải Kinh Xuyên
– Vua thuỷ tề và vợ
Lưu ý
– Con gái Long Vương hay Mẫu Đệ Tam là người giữ các trạng thái nước. Cái cũi giam bà tương ứng với khoá huyệt nước bằng kim hoả. Khi bà bị giam trong cũi thì huyệt đạo của toàn vùng rơi vào trạng thái thi. Kết quả là con người sẽ ở trạng thái “không thức tỉnh”, nói cách khác là bị khoá siêu thức.
– Liễu Nghị trong tất cả các bản truyện đều là thư sinh thi trượt. Thư sinh thi trượt không phải là học dốt như chúng ta nghĩ mà là thức tỉnh trực tiếp không thông qua thi cử và sách vở, ví dụ như qua người giác ngộ, người đạt trạng thiền hay các đạo sỹ đắc đạo thành tiên. Những người nhận thức bằng sách vở và thi cử này sẽ bị ảnh hưởng bởi trạng thái “thi” mà liên quan đến việc huyệt nước bị khoá. Cho nên trong tất cả các câu chuyện, Liễu Nghị là người duy nhất có thể tìm thấy Mẫu Đệ Tam, vì ông luôn ở trang thái tỉnh thức.
Các sự kiện tóm tắt
Giai đoạn 1. Ở thuỷ cung
– Bà Dựa là con của vua Thuỷ Tề
Giai đoạn 2. Ở nhà chồng
– Bà lấy Kinh Xuyên, con của tể tướng dưới Thuỷ Cung
– Bà và Thảo Mai bị trêu ghẹo bời 1 người đàn ông, Thảo Mai dựa vào chuyện này dựng truyện bà có tư tình riêng
– Kinh Xuyên tìm được thư tình giả của Thảo Mai làm để vu oan cho bà
– Kinh Xuyên báo cho bố
– Bố Kinh Xuyên cho đóng cũi đức bà đưa vào rừng
Giai đoạn 3. Ở rừng
– Bà được muông thú nuôi 10 năm
Giai đoạn 4. Ở rừng
– Bà gặp Liễu Nghị & nhờ Liễu Nghị đi xuống Long Cung
Giai đoạn 5. Ở Thuỷ cung
– Bà này về Thuỷ Cung gặp Cha và Mẹ
– Bà lấy Liễu Nghị
– Bà xin cha mẹ bầu nước phép
Giai đoạn 6. Ở dương gian
– Bà và Liễu Nghị về dương gian, sống như vợ chồng, 10 năm không có con
Giai đoạn 7. Đi tu, đắc đạo
– Đức bà tìm đến tu ở chùa làng Nhữ Xá,
– Đức ông tìm đến chùa làng Ngọc Lập.
– Thấm thoắt đã trải qua sáu, bảy năm, công việc tu hành đã đắc đạo.
Giai đoạn 8. Đi du ngoạn Thành Thăng Long với, mời làng Nhữ Xá 6 người, làng Ngọc Lập 6 người
Giai đoạn 9. Ông bà xuống sông Nhi Hà (sông Hồng)
Giai đoạn 10. Ông bà hiển linh với người cầu cúng, dân 2 làng lập thêm hai ngôi đền ở phía sau hai chùa để thờ cúng các ngài
Giai đoạn 11. Bà giáng về khu rừng xưa, bà đưa hai khúc gỗ trầm hương cho người đốn củi, và người này mang đến 2 ngôi chùa
Giai đoạn 12. Người dân dùng gỗ này để tạc tượng ông bà
– Làng Nhữ Xá tạc tượng Đức bà theo sắc phong Đệ tam Thánh Mẫu thủy tiên xích lân Long nữ Bạch ngọc
– Thủy tinh công chúa. Làng Ngọc Lập tạc tượng Đức ông Liễu Nghị theo Lịch triều sắc phong Phò mã Trung nghi Thượng đẳng thần.
Giai đoạn 13
– Nhân dân cúng lễ ông bà để cầu mưa
=== === ===
Phiên bản tập trung vào ông Sộp – Nghi lễ trị thuỷ (ngập úng)
“Ngài là sao Liễu giáng sinh. Đức thánh phụ là Liễu Phong, đức thánh mẫu là Hán Thị Miên. Ngày học ông Hàn Tỉnh tiên sinh. Ngài có phép phù thủy, lúc bấy giờ ngài chưa đỗ, ngài đi chu du sơn thủy, gặp một người thiếu nữ kêu khóc ở trong rừng, vừa khóc vừa lậy nói rằng:
Thiếp là con gái vua Động Đình, bị giáng làm người dương thế, lấy Hồ Nghi người Kinh Diên, có vợ bé là Thị Chi. Thị Chi dụng tình làm thư giả nói với chồng là Hồ Nghi rằng thiếp có ngoại tình cho nên người chồng đem đày ở trong rừng này, bắt nuôi dê bao giờ dê đực đẻ mới được về. Thiếp xin viết 1 bức thư nhờ lang quân đem xuống Động Đình, cứ đi đến bên sông Hoàng Giang thấy có cây quất, lang quân đánh vào cây quất 3 tiếng tự nhiên ứng hiện.
Ngài đến bến sông Hoàng Giang cầm thư đánh vào cây quất, quả nhiên thấy đền đài lầu các, đền gọi là đền Hư Linh Đài, chỗ ăn, chỗ ở lạ khác dương trần, thấy vua Động Đình ngồi chỉnh tọa, tay cầm ngọc khuyên. Bấy giờ ngài dâng thư vào. Vua Động Đình xem thư sai Xích Lân Đại tướng đến chỗ sơn lâm đón con gái về, rồi mở tiệc yến. Vua Động Đình cho kết làm vợ chồng nhưng ngài không nghe, từ chối xin để sau này sẽ hay. Vua Động Đình tặng kim ngân châu ngọc cũng không lấy. Bấy giờ vua Động Đình sai Xích Lân Đại tướng tiễn ngài về dương trần. Lúc bấy giờ con gái vua Động Đình tiễn ngài ra ngoài Bích Vân cung, có cần lấy tay ngài đọc bài thơ lưu luyến.
Thiếp nay thoát khỏi kiếp chăn dê
Nhờ ơn sâu nặng báo Thủy Tề
Đức lớn biết bao giờ đền đáp
Nguyện đem tấm thân theo chàng về.
Ngài lại đọc một bài thơ rằng:
Bích Vân lời ấy xin nàng nhớ
Mãi với non cao cùng biển xanh
Một dải âm dương chia tách ngả
Chín trời mây nước mộng ba canh.
Thơ rồi Đức bà về long cung, Đức ông về dương thế.
Rồi đến đời vua Cao Tôn nhà Đường, ngài thi đỗ, làm quan Khu cơ mật viện. Đến niên hiệu Hàm Thông thứ 6, vua Đường Cao Tôn sai ông Cao Biền sang Nam Việt làm đô hộ đánh giặc Nam Chiếu. Ông Cao Biền thấy đức Liễu Nghị, ngài có anh tài kiêm tinh phù thủy pháp môn, tâu vua Đường cho Ngài làm Phó đô hộ Tướng sĩ. Vua Đường y cho. Ông Cao Biền cùng đức Liễu Nghị tiến binh sang Nam Việt bình được giặc Nam Chiếu lập đô ở Đại La thành. Bấy giờ đức Liễu Nghị ra chơi bên sông Nhị Hà, thấy một người thiếu nữ nhan sắc rất đẹp, hình dung giống con gái vua Động Đình, tự xưng là Lư Thị lại nói rằng:
Thiếp là con gái vua Động Đình, trước bị nhục bởi Hồ Nghi nhờ có lang quân cứu cho. Nay thiếp tâu nhờ với vương phụ để tìm lang quân, sang đến nước Nam Việt này, xin hầu làm khuê phòng.
Đức Liễu Nghị mừng đón về thành. Thời bấy giờ Hải Dương, đạo Hồng Châu bị thủy nạn mất mùa. Ông Cao Biền bảo đức Liễu Nghị đi cứu. Đức Liễu Nghị ngài cùng Đức Thánh bà đến Hải Dương, Hồng Châu lập đàn trị thủy. Đức Liễu Nghị lập đàn ở xã Ngọc Lạp. Đức Thánh bà là Thủy tinh Công chúa, con gái vua Động Đình, lập đàn ở xã Nhữ Xá, viết thư xuống thủy cung, tự nhiên nước cạn.
Bấy giờ phụ lão xã Nhữ Xá, xã Ngọc Lạp đêm nằm mộng thấy đức thành hoàng của hai làng ấy báo rằng: có 2 vị chủ quan về, dân phải bái hạ. Bấy giờ dân đều tỉnh mộng làm lễ xin làm thần tử đức Liễu Nghị và đức Thủy Tiên.
Sau Đức Thánh bà bảo đức Thánh ông rằng thiếp cùng lang quân thủy hỏa tương khắc tử tức khó thành, xin biệt cư. Đức Thánh bà ra tu ở chùa Nhữ Xá, đức Thánh ông tu ở chùa Ngọc Lạp. Cứ lệ 3 năm đức bà mang cho đức ông bộ mũ áo, hội ở chùa Nhữ Xá rồi có một ngày ông bà cùng ra chơi sông Nhị Hà, tự nhiên trời đất tối tăm, 2 ông bà cùng về Động Đình, thủy quốc vân hương. Chùa Ngọc Lạp phụng sự vị hiệu là Thủy phủ Đại đức long cung Liễu Nghị tôn thần. Chùa Nhữ Xá phụng sự vị Động Đình quân nữ Thủy tinh Công chúa”.
Bản này giải thích rất rõ về Liễu Nghị
Thời kỳ 1
1.1.
– Liễu Nghị là sao Liễu giáng sinh.
– Đức thánh phụ là Liễu Phong, đức thánh mẫu là Hán Thị Miên.
– Ngày học ông Hàn Tỉnh tiên sinh.
– Ngài có phép phù thủy
đồng thời cùng lúc đó
– Bà Dựa là con vua Động Đình
– Bà Dựa bị giáng làm người dương thế,
– Bà lấy Hồ Nghi người Kinh Diên
– Thị Chi, vợ bé của Hồ Nghi dựng chuyện đổ oan cho bà
– Bà bị nhà chồng bắt đi chăn dê. với yêu cầu cho dê đực sinh con.
– – – Mẫu Đệ Tam đi chăn dê là trạng thái nước bị khoá bởi Hoả Mộc Thổ
– – Mẫu Đệ Tam bị đóng cũi trạng thái nước bị khoá bởi Hoả Kim Thổ
1.2.
– Ngài Liễu Nghị tìm được Mẫu Đệ Tam.
– Ngài đưa tin cho Long Vương, Đệ Tam được cứu
– Mẫu Đệ Tam muốn kết duyên với ngài
– Ngài về dương thế
– Mẫu Đệ Tam về Long Cung
Thời kỳ 2.
2.1.
– Liễu Nghị đi cùng Cao Biền sang Việt Nam
– Ông Cao Biền cùng đức Liễu Nghị bình được giặc Nam Chiếu lập đô ở Đại La thành.
– Liễu Nghị ra chơi bên sông Nhị Hà, gặp Lư Thị là hoá thân của Mẫu Đệ Tam (của thời kỳ 1)
2.2
– Đạo Hồng Châu, Hải Dương bị thủy nạn. Ông Cao Biền bảo đức Liễu Nghị đi cứu.
– Đức Liễu Nghị ngài cùng Đức Thánh bà đến Hải Dương, Hồng Châu lập đàn trị thủy.
– Đức Liễu Nghị lập đàn ở xã Ngọc Lạp.
– Đức Thánh bà là Thủy tinh Công chúa, con gái vua Động Đình, lập đàn ở xã Nhữ Xá
– Nước rút, trị thuỷ thành công
– Dân hai nơi đó thờ Đức ông và Đức bà
Thời kỳ 3
3.1.
– Đức Thành ông và đức Thánh bà tách ra
– Đức Thánh bà ra tu ở chùa Nhữ Xá,
– Đức Thánh ông tu ở chùa Ngọc Lạp.
– Cứ lệ 3 năm đức bà mang cho đức ông bộ mũ áo, hội ở chùa Nhữ Xá
3.2.
– Một ngày ông bà cùng ra chơi sông Nhị Hà, tự nhiên trời đất tối tăm, 2 ông bà cùng về Động Đình, thủy quốc vân hương.
===
Chia sẻ:
Scroll to Top