SÔNG TÔ LỊCH TRONG CA DAO

Loading

TÔ LỊCH – SÔNG TÔ
Sông Tô nước chảy quanh co
Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya
Buồm tình vừa lúc phân chia
Tiếng ai như đã bên kia hẹn hò
—o—
Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh
Dừng chèo muốn tỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước thương mình bấy nhiêu
—o—
Sông Tô nước chảy trong ngần
Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa
Thon thon hai mũi chèo hoa
Lướt đi lướt lại như là bướm gieo.
—o—
Ở đâu thơm húng, thơm hành
Có về làng Láng cho anh theo cùng.
Theo ai vai gánh vai gồng
Rau xanh níu gót bóng hồng sông Tô
—o—
Sông Tô nước chảy quanh co
Phạm Công hiển hóa, âm phò quốc vương
—o—
Nhị Hà quanh bắc sang đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này
—o—
Đầm Đại Từ hoa sen thơm ngát
Giếng Đại Từ nước mát trong xanh
Dòng Tô uốn khúc lượn quanh
Đất nuôi trẻ nhỏ lừng danh trong ngoài.
—o—
Hỡi cô đội nón quai thao
Đi qua Thanh Liệt thì vào làng anh
Làng anh Tô Lịch trong xanh
Có nhiều vải, nhãn ngon lành em ăn.
—o—
Bao giờ đổ núi Tản Viên
Cạn sông Tô Lịch thiếp mới quên nghĩa chàng
—o—
Ngày ngày ăn bát cơm rang
Ăn con tép mại dạ càng long đong
Chim sầu cất cánh bay rông
Em nhớ nhân ngãi dốc lòng ra đi
Chàng đừng trách em ăn ở bất nghì
Cha cầm mẹ giữ chẳng đi được nào
Chàng đi vực thẳm non cao
Em mong tìm vào đến núi Tản Viên
Bao giờ lở núi Tản Viên
Cạn sông Tô Lịch thiếp mới quên lời chàng
—o—o—o—o—o—
VÒNG CUNG PHÍA ĐÔNG :
– BẾN NHỊ HÀ & Ô QUAN CHƯỞNG
– HỒ GƯƠM : ĐỀN NGỌC SƠN, CẦU THÊ HÚC
– KẺ CHỢ : 36 PHỐ PHƯỜNG, CHỢ ĐÔNG
– TRẤN ĐÔNG
CỬA SÔNG TÔ LỊCH – BẾN NHỊ HÀ
Sông Tô nước chảy quanh co
Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya
Buồm tình vừa lúc phân chia
Tiếng ai như đã bên kia hẹn hò
—o—o—
Ô QUAN CHƯỞNG
Long Thành bao quản nắng mưa,
Cửa ô Quan Chưởng bây giờ là đây
—o—o—
HỒ GƯƠM : ĐỀN NGỌC SƠN, CẦU THÊ HÚC
Hồ Gươm in bóng Tháp Rùa
Ánh đèn soi tỏ mái chùa Ngọc Sơn
—o—
Khen ai khéo họa dư đồ
Trước sông Nhị Thủy, sau hồ Hoàn Gươm
—o—
Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài Nghiên Bút Tháp chưa mòn,
Hỏi ai xây dựng nên non nước này?
—o—
Khen ai khéo họa dư đồ
Giữa nơi thành thị có hồ xanh trong
Ngựa xe muôn nẻo phố đông
Một tòa cổ miếu, đôi dòng thanh lưu
Trăng soi nước, nước in cầu
Bức tranh thiên cổ đượm màu yêu thương
Có hoa ánh bóng tà dương
Nghìn xưa hưng bá đồ vương chốn này
—o—o—
CHỢ CẦU ĐÔNG
Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn!
—o—
Sáng ngày đi chợ cầu Đông
Xem một quẻ bói lộn chồng được chăng
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lộn thì lộn được nhưng năng phải đòn
Mồ cha đứa có sợ đòn
Miễn là lấy được chồng giòn thì thôi.
—o—
Tốt đẹp là chị hàng hoa
Tuy rằng thơm ngát cửa nhà sạch không
Ngà ngày đi hái hoa hồng
Chiều chiều về ngõ Cầu Đông ăn quà
Bao giờ chợ lớn hết hoa
Đồng Xuân hết chuối thì hoa hết tiền.
—o—
Bán mít chợ Đông
Bán hồng chợ Tây
Bán mây chợ Huyện
Bán quyến chợ Đào
—o—o—

CHỢ ĐỒNG XUÂN

Kẻ cắp chợ Đồng Xuân

—o—

Trai kén vợ giữa chợ Đồng Xuân
Gái kén chồng giữa phường Quần Ngựa

—o—

Ơn chàng đã có lòng vì
Ngỏ lời phương tiện muốn bề tóc tơ
Nhân khi em ở lại nhà
Làm nghề canh cửi sớm khuya chuyên cần
Vốn riêng được một vài trăm
Đem đi buôn bán Đồng Xuân chợ này
Buôn hàng vải lụa bấy nay
Nhờ trời vốn lãi độ ngày ba trăm.

—o—

Con cò mà đậu cành tre
Thằng Tây bắn súng cò què một chân
Hôm sau ra chợ Ðồng Xuân
Chú khách mới hỏi: sao chân cò què?
Cò rằng: cò đứng bụi tre
Thằng Tây bắn súng, cò què một chân!

—o—

Tốt đẹp là chị hàng hoa
Tuy rằng thơm ngát cửa nhà sạch không
Ngà ngày đi hái hoa hồng
Chiều chiều về ngõ Cầu Đông ăn quà
Bao giờ chợ lớn hết hoa
Đồng Xuân hết chuối thì hoa hết tiền.

—o—

Tông Đản là của vua quan,
Nhà Thờ là của trung gian nịnh thần.
Đồng Xuân là của thương nhân,
Vỉa hè là của nhân dân anh hùng.

—o—

Vui nhất là chợ Đồng Xuân
Mùa nào thức ấy xa gần bán mua
Cổng chợ có anh hàng dừa
Hàng cau, hàng quýt, hàng mơ, hàng đào
Xăm xăm anh mới bước vào
Thấy anh hàng thuốc hút vào say sưa
Nứt nẻ thì anh hàng na
Chua chát hàng sấu, ngọt nga hàng đường
Thơm ngát thì chị hàng hương
Tanh ngắt hàng cá, phô trương hàng vàng
Xộc xệch thì anh hàng giang
Cả rổ lẫn thúng, cả sàng lẫn nia
Sọ sẹ thì anh hàng thìa
Cả bát lẫn đĩa nhiều bề ung dung
Đỏ đon thì anh hàng hồng
Thanh yên, phật thủ, bưởi bòng kể chi
Trống quân vận chẳng ra gì
Mỗi người một vẻ ai thì kém ai
Trông lên thấy dãy hàng chai
Có một chú khách trọc đầu trắng răng
Ai ơi khéo nói đãi đằng
Hàng ốc, hàng ếch, hàng xăng, hàng quà
Trông lên thấy dãy hàng cà
Bánh đúc, bánh đậu, bánh đa, xôi vò
Trông lên thấy dãy thịt bò
Chú bồi, chú khách đợi chờ bán mua
Trông lên thấy dãy hàng cua
Em xách một giỏ, anh mua mấy hào
Trông lên dãy phố Hàng Đào
Miệng chào hớn hở anh vào cùng em

—o—o—

KẺ CHỢ
Khéo tay nghề, đất lề Kẻ Chợ
—o—
Giàu thú quê không bằng ngồi lê kẻ chợ
—o—
Đói vào kẻ chợ, đừng có vào rợ mà chết
(Đói thì ra kẻ chợ, đừng lên rợ mà chết)
—o—
Nghĩ em đáng lạng vàng mười
Đem ra kẻ chợ đáng người trăm phân
—o—
Con cá he vảy tròn, đuôi đỏ
Vợ chồng bất hòa nói nhỏ nhau nghe
Phải đâu kẻ chợ, bến xe
Thiên hạ nghe được người chê kẻ cười
—o—
Mình ơi mình có thương ta
Ta ra kẻ chợ họa ba cái hình
Phòng khi ta nhớ tới mình
Thì ta lại giở cái hình ra xem
—o—
Em nay như tấm lụa đào
Đem ra Kẻ Chợ thước nào dám đo
– Thước anh thước ngọc, thước ngà
Vóc còn dám đọ nữa là lụa em!
—o—
Ngày ngày ra đứng cửa chùa
Trông lên Kẻ Chợ mà mua lấy sầu
Chợ Cót có bốn cái cầu
Để cho làng xóm mua rau, bán hàng
—o—
Cô kia con cái nhà ai,
Mà cô ăn nói dông dài hử cô.
Cô điên cô dại cô rồ,
Cô ra Kẻ Chợ cô vồ lấy giai.
—o—
Đường ra Kẻ Chợ xem voi
Voi thì chẳng thấy thấy ngôi nhà lầu
Thấy cô chúa tàu bán gương cùng lược
Mặc áo màu chàm bán thuốc nhân sâm
Cái áo tứ thân là năm gấu tách
Anh gửi thư về nửa trách nửa mong
Trách người làm mối không xong.
—o—
Cái bống mặc xống ngang chân
Lấy chồng kẻ chợ cho gần, xem voi
Trèo lên trái núi mà coi
Thấy ông quản tượng cưỡi voi đánh cồng
Túi vóc mà thêu chỉ hồng
Têm trầu cánh phượng cho chồng đi thi
Một mai chồng đỗ, vinh quy
Võng anh đi trước, em thì võng sau
Tàn quạt, hương án theo hầu
Vinh quy bái tổ, giết trâu ăn mừng
—o—
Hôm qua anh đến chơi nhà,
Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường.
Thấy em nằm đất anh thương,
Anh ra Kẻ Chợ đóng giường tám thang.
Bốn góc thời anh bịt vàng,
Bốn chân bịt bạc, tám thang chạm rồng.
Bây giờ phải bỏ giường không,
Em đi lấy chồng phí cả công anh.
—o—
Em về Kẻ Chợ em coi
Kìa dinh quan lớn, kìa chòi bắn cung
Con ngựa hồng bao tiền, bao hậu
Các quan trào áo bậu lưng đai
Súng anh vác vai, hỏa mai anh tọng nạp
Anh bắn mai này đùng đùng dạ dạ
Anh bắn mai này trả nợ nhà vương
Thương anh gối đất nằm sương
—o—
Hôm qua anh đến chơi nhà,
Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường
Thấy em nằm đất anh thương,
Anh ra Kẻ Chợ đóng giường kim phong
Giường anh kim phong
Bốn bên bịt bạc
Anh hỏi thật lòng
Có lấy anh không
Để anh mua nón thượng quai thâm
Về cho mà đội
Anh mà nói dối
Đã có quỷ thần
Một trăm việc mần
Anh chăm lo cả
Ngoài đồng ngoài xá
Cỏ rả mặc anh
Em có siêng có lanh
Cuốc cho anh dăm ba đồi cỏ
Mệt em cứ bỏ
Em cứ đi nằm
Đôi ta duyên nặng ngàn năm
Ân tình hai chữ sắt cầm đẹp đôi
—o—o—
36 PHỐ PHƯỜNG
Chợ Hàng Dầu một tháng sáu phiên
Gặp cô hàng xén kết duyên vừa rồi
Cái gánh hàng đây những quế cùng hồi
Có mẹt bồ kết, có nồi phèn chua
Bó hương thơm xếp để bên bồ
Trần bì, cam thảo, sài hồ, hoàng liên
Hàng em đáng giá bao nhiêu tiền?
Để ta xếp vốn ta liền buôn chung
Buôn chung, ta lại bán chung
Được bao nhiêu lãi, ta cùng chia nhau.
—o—
Hà Nội băm sáu phố phường
Hàng Gạo, hàng Ðường, hàng Muối trắng tinh
Từ ngày ta phải lòng mình
Bác mẹ đi rình đã mấy mươi phen
Làm quen chẳng được nên quen
Làm bạn mất bạn ai đền công cho
—o—
Nghìn thu gặp hội thái bình,
Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long.
Phố ngoài bao bọc thành trong,
Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.
Ba mươi sáu mặt phố phường,
Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.
Người đài các, kẻ thanh tao,
Qua hàng thợ Tiện lại vào Hàng Gai.
Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài,
Hàng Khay trở gót ra chơi Tràng Tiền
Nhác trông chẳng khác động tiên,
Trên đồn cờ kéo, dưới thuyền buồm giăng.
Phong quang lịch sự đâu bằng,
Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe.
Hàng Vôi sang phố Hàng Bè,
Qua tòa Thương Chính trở về Đồng Xuân.
Trải qua Hàng Giấy dần dần,
Cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa.
Cầu Đông vang tiếng chợ Chùa,
Trăng soi giá nến, gió lùa khói hương.
Mặt ngoài có phố Hàng Đường,
Hàng Mây, Hàng Mã, Hàng Buồm, Hàng Chum.
Tiếng Ngô, tiếng Nhắng um um,
Lên lầu xem điếm tổ tôm đánh bài.
Khoan khoan chân trở gót hài,
Qua Hàng Thuốc Bắc sang chơi Hàng Đồng.
Biết bao của báu lạ lùng,
Kìa đồ bát bửu, nọ lồng ấp hương
Hàng Bừa, Hàng Cuốc ngổn ngang.
Trở về Hàng Cót dạo sang Hàng Gà
Bát Ngô, Hàng Sắt xem qua,
Hàng Vải, Hàng Thiếc lại ra Hàng Hòm.
Ở đâu nghe tiếng om om,
Trống chầu rạp hát thòm thòm vui thay.
Hàng Da, Hàng Nón ai bày,
Bên kia Hàng Điếu, bên này Hàng Bông.
Ngã tư Cấm Chỉ đứng trông,
Qua Hàng Thợ Nhuộm thẳng rong Hàng Tàn
Đoái xem phong cảnh bàng hoàng,
Bút hoa dở viết chép bàn mấy câu.
Trải qua một cuộc bể dâu
Nào người đế bá, công hầu là ai?
—o—
Rủ nhau chơi khắp Long Thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay.
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy,
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn.
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang,
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng.
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông,
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè.
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.
Quanh đi đến phố Hàng Da,
Trải xem hàng phố thật là cũng xinh.
Phồn hoa thứ nhất Long Thành,
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.
—o—o—o—o—o—
VÒNG CUNG PHÍA BẮC :
– HỒ TÂY
– NGÃ BA TÔ LỊCH – THIÊN PHÙ
– THẬP TAM TRẠI
– KẺ BƯỞI : CHỢ BƯỞI
– TRẤN BẮC
HỒ TÂY
Kim thằng Quỷ, chỉ Tây Hồ
Ai yêu thì lấy chẳng vồ lấy ai
—o—
Gươm vàng rớt xuống hồ Tây
Công cha cũng trọng, nghĩa thầy cũng sâu.
—o—
Ổi Quảng Bá, cá hồ Tây
Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người
—o—
Chẳng vui cũng thể hội Thầy
Chẳng trong cũng thể hồ Tây xứ Đoài
—o—
Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm
Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây
—o—
Nhớ ngày hăm ba tháng ba
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Kinh quán, cựu quán đề huề
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây
—o—
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
—o—
Đấy vàng đây cũng đồng đen
Đấy hoa sói trắng, đây sen Tây Hồ
Đấy em như tượng mới tô
Đây anh như người ngọc họa đồ trong tranh
—o—
Năm trai năm gái là mười
Năm dâu năm rể là đôi mươi tròn
Hai bên phụ mẫu song toàn
Rồi ra kéo được trâu vàng Hồ Tây
—o—
Nước Tây Hồ vừa trong vừa mát
Đường chợ Bưởi lắm cát dễ đi
Cô kia bóng bẩy làm chi
Để cho anh ấy đi đi về về.
—o—
Trai anh hùng mắc nạn,
Giả như quốc trạng bị vây,
Ới mấy chị em mình ơi,
Lập cơ mưu đồ trận,
Ra biển hồ Tây cứu chàng
—o—
Gương kia nỡ để bụi nhòa
Sông có Nhị Hà núi có Tản Viên
Thề kia sao để lỡ duyên
Trăng còn soi mãi vùng sen Tây Hồ
—o—
Núi sơn lâm nuôi nhân đào tản,
Biển Tây Hồ trợ kẻ lâm nguy.
Thương nhau dắt lấy nhau đi,
Ơn thầy nghĩa mẹ lo chi trả đền!
—o—
Ngồi trên bờ dốc buông câu
Trách ai xui giục con cá sầu không ăn
Cá không ăn câu anh vác cần về
Để ống lại đây
Đêm khuya thanh vắng hồ Tây
Anh thả mồi bận nữa, con cá này cũng ăn.
—o—
Mùa xuân dạo bước Tây Hồ
Thiên duyên sao khéo tình cờ gặp em
Gánh hoa hoa lại tươi thêm
Hương xuân đậu xuống vai mềm thêm xuân
Nói xa chẳng ngại nói gần
Ước gì tôi được làm thân với nàng
—o—-
Trên trời có một ông sao
Chỗ quang không mọc mọc vào đám mây
Nước hồ Tây biết bao giờ cạn
Nhị vườn đào biết vạn nào hoa
Đưa nhau một quãng đường xa
Hỏi thăm anh tú có nhà Cửa Nam.
—o—
Biển Tây Hồ thường ngày thường cạn,
Núi Lâm Sơn thường tháng thường cao;
Thuyền quyên ướm hỏi anh hào,
Sự tình thâm nhiễm, chàng tính làm sao cho thiếp nhờ?
– Khi anh ra đi thì biển hồ lai láng,
Chừ anh viếng lại, mần răng biển lại thành gò?
Sự tình thâm nhiễm, để anh so tháng ngày.
—o—
Vừa nghe tàu điện rung chuông
Leng keng đánh thức màn sương Tây Hồ
Đường vui rộn bánh xe bò,
Lao xao Yên Phụ tiếng hò gọi nhau
Hỏi mình: – Chuyên chở về đâu
Ngụy trang xanh ngắt một màu thế kia?
Rằng: – Rau Quảng Bá đây mà,
Rau vào xí nghiệp, rau ra chiến trường
Rau tình, rau nghĩa quê hương
Lại đây, đẩy một đoạn đường hộ rau
—o—o—o—
CÁC LÀNG VEN HỒ TÂY
YÊN THÁI
Yên Thái có giếng trong xanh
Có đôi cá sấu ngồi canh đầu làng
Ai qua nhắn nhủ cô nàng
Yêu nhau xin chớ phũ phàng đổi thay.
Yên Thái : Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.
—o—
Ao làng Yên Thái xanh trong
Em về bên ấy theo chồng hôm qua
Em ơi trầu héo, cau già
Hình anh lẻ bóng, nếp nhà rêu phong
Người xưa giờ đã sang sông
Trăng xưa đã khuyết, vườn không bóng người
—o—
Giếng Yên Thái vừa trong vừa mát
Đường Yên Thái gạch lát dễ đi
Em về bên ấy làm chi
Nước giếng thì đục, đường đi thì lầy
—o—
Nhất vui là chợ Ma Phường
Lắm hàng mọi chốn tìm đường đến mua
Hàng cau, hàng quít, hàng dừa
Hàng mơ, hàng mận, hàng dưa, hàng hồng
Ai lên Yên Thái mà trông
Trẻ già trai gái vợ chồng dắt nhau.
—o—
Tiếng chày giã dó trong sương
Tiếng ai seo giấy để vương vấn lòng
Cho người chắp bút chép kinh
Đẹp vần thơ lại đẹp mình đẹp ta
—o—
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
—o—o—
LÀNG NGHÈ (TRUNG NHA)
Làng Nghè lập được trống quân
Ngoài Bưởi seo giấy cho dân học hành
Trung Nha : Tên nôm là làng Nghè, nay là thôn Trung Nha, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia, trai làng giỏi nghề canh cửi, lại biết làm nghề làm giấy sắc phong, loại giấy bền, dai, dùng viết sắc chỉ, sớ tấu, biểu lệnh… “Nghè” là tiếng đập của hai chày tay do hai người giã vào xếp giấy cho mỏng tang.
—o—o—
BƯỞI
Cách nhau một giậu cúc tần
Em là hàng xóm rất gần nhà tôi
Lĩnh Bưởi đem bán chợ Nhồi
Tan buổi chợ ấy, tôi ngồi bên em
Miếng trầu cánh phượng đã têm
Trao em để đỏ xinh thêm môi người
Thế rồi cách trở xa xôi
Bên kia bờ giậu ai ngồi đợi tôi?
—o—
Chợ Bưởi ngày chín, ngày tư
Riêng một tháng tám lại dư phiên rằm
Ai ơi nhớ lấy kẻo nhầm
Đi mua hoa quả chơi rằm trung thu.
—o—
Quần thâm, lĩnh Bưởi cạp điều
Hột vàng quấn cổ ra chiều giàu sang
—o—
Nước Tây Hồ vừa trong vừa mát
Đường chợ Bưởi lắm cát dễ đi
Cô kia bóng bẩy làm chi
Để cho anh ấy đi đi về về.
—o—
Phiên chợ Bưởi gặp cô mình
Yếm điều khăn nhiễu vừa xinh vừa giòn.
Ước gì cô hãy còn son
Để mẹ mua sắm cau tròn, trầu thơm.
—o—o—
TRÚC BẠCH – NGŨ XÁ
Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng
May áo chàng cùng sóng áo em
Chữ tình cùng với chữ duyên
Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền
Làng Trúc là Trúc Bạch
—o—
Lĩnh hoa Yên Thái
Đồ gốm Bát Tràng
Thợ vàng Định Công
Thợ đồng Ngũ Xã
—o—o—
YÊN PHỤ – YÊN QUANG
Vừa nghe tàu điện rung chuông
Leng keng đánh thức màn sương Tây Hồ
Đường vui rộn bánh xe bò,
Lao xao Yên Phụ tiếng hò gọi nhau
Hỏi mình: – Chuyên chở về đâu
Ngụy trang xanh ngắt một màu thế kia?
Rằng: – Rau Quảng Bá đây mà,
Rau vào xí nghiệp, rau ra chiến trường
Rau tình, rau nghĩa quê hương
Lại đây, đẩy một đoạn đường hộ rau
—o—
Hỡi cô đội nón ba tầm
Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yên Hoa anh đợi hoa nàng mới mua
—o—
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua
—o—
Trên đê Cố Ngự, nhớ chữ đồng tâm
Hỡi cô đội nón ba tầm
Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yêu hoa, anh đợi hoa nàng mới mua
—o—o—
QUẢNG BÁ
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về Quảng Bá với anh thì về
Quảng Bá nằm ở ven đê
Bốn mùa xanh tốt với nghề trồng rau
Anh đi trước em đi sau
Để bác mẹ biết trầu cau sang nhà.
—o—
Ổi Quảng Bá, cá hồ Tây
Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người
—o—o—
NHẬT TÂN
Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế
—o—o—
NGỌC HÀ
Đất Ngọc Hà tốt tươi phong cảnh
Gái Ngọc Hà vừa đảm vừa xinh
Ơi người gánh nước giếng đình
Còn chăng hay đã trao tình cho ai?
—o—
Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát
Vườn Ngọc Hà thơm ngát gần xa
Hỡi người xách nước tưới hoa
Có cho ai được vào ra chốn này?
—o—
Ước gì anh biến thành hoa
Nhờ em cô gái Ngọc Hà chăm nom
—o—
Ngày rằm đi chợ mua hoa
Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua
—o—
Con gái ở trại Hàng Hoa
Ăn cơm nửa bữa ngủ nhà nửa đêm
—o—
Cô Tây ở trại Hàng Hoa
Hột vàng quấn cổ, xe nhà nghênh ngang
Bố cô dọn quán bán hàng
Nhặt từng đồng kẽm còn sang nỗi gì
Cô còn bắc bực kiêu kì
Thông ngôn, kí lục, cu li trăm thằng
—o—
Bất kỳ sớm tối chiều trưa
Mưa khắp Hà Nội mưa ra Hải Phòng
Hạt mưa vừa mát vừa trong
Mưa xuống sông Hồng, mưa khắp mọi nơi
Hạt mưa chính ở trên trời
Mưa xuống Hà Nội là nơi cõi trần
Giêng hai lác đác mưa xuân
Hây hẩy mưa bụi, dần dần mưa sa
Hạt mưa vào giếng Ngọc Hà
Hạt thì vào nhị bông hoa mới trồi
Tháng năm, tháng sáu mưa mòi
Bước sang tháng bẩy sụt sùi mưa Ngâu
Thương thay cho vợ chồng Ngâu
Mỗi năm chỉ gặp mặt nhau một lần
Tháng tám mưa khắp xa gần
Bước sang tháng chín đúng tuần mưa rươi
Tháng mười mưa ít đi rồi
Nắng hanh trời biếc cho tươi má hồng
Một, chạp là tiết mùa đông
Mưa phùn đêm vắng trong lòng lạnh thay
Bài mưa anh đã họa đầy
Mối tình dào dạt đêm chầy như mưa
—o—o—
THUỴ CHƯƠNG – THUỴ KHÊ
Làng Võng bán lợn bán gà
Thụy Chương nấu rượu là đà cả đêm
Võng Thị : còn gọi là làng Võng, xưa ở huyện Quảng Đức, thuộc kinh thành Thăng Long, nay thuộc địa phận phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Thụy Khuê Làng cổ bên bờ hồ Tây, nay thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng xưa có tên là Thụy Chương, năm 1847 vì húy kị với thụy hiệu vua Thiệu Trị (Chương hoàng đế) nên phải đổi thành Thụy Khuê. Làng có nghề truyền thống làm rượu ướp hương sen nổi tiếng một thời.
—o—
Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài
Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh
Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành
Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường
“La ga” thì ở Thụy Chương
Dây đồng cột sắt tìm đường kéo lên
Bồi bếp cho chí bồi bàn
Chạy tiền kí cược đi làm sơ vơ
Xưa nay có thế bao giờ
Có cái tàu điện đứng chờ ngã ba
Đàn ông cho chí đàn bà
Hễ tàu vừa đến lấy đà nhảy lên
Ba xu ghế gỗ rẻ tiền
Toa sau thì để xếp riêng gánh gồng
Năm xu ngồi ghế đệm bông
Hỏi mình có sướng hay không hở mình?
—o—o—
THẬP TAM TRẠI
Nhớ ngày hăm ba tháng ba
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Kinh quán, cựu quán đề huề
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây
—o—o—o—
CHÙA & ĐỀN QUANH HỒ TÂY
Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa
Kìa giấy Yên Thái như kia
Giếng sâu chín trượng nước thì trong xanh
Đầu chợ Bưởi có điếm cầm canh
Người đi kẻ lại như tranh họa đồ
Cổng chợ có miếu thờ vua
Đường cái chính xứ lên chùa Thiên Niên
Chùa Thiên Niên có cây vọng cách
Chùa Bà Sách có cây đa lông
Cổng làng Đông có cây khế ngọt
Con gái Kẻ Cót thì đi buôn xề
Con trai làng Nghè dệt cửi kéo hoa
An Phú nấu kẹo mạch nha
Làng Vòng làm cốm để mà tiến vua.
Họ Lại làm giấy sắc vua
Làng Láng mở hội kéo cờ hùng ghê.
Chùa Tảo Sách Cũng gọi là chùa Tào Sách hay chùa Bà Sách, tên chữ là Linh Sơn Tự, một ngôi chùa nổi tiếng ở về phía tây Hồ Tây, từ chợ Bưởi đi lên, nay thuộc địa phận phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Hán Nôm thì chùa có 42 câu đối (39 câu đối chữ Hán, 3 câu đối chữ Nôm), 23 bức đại tự, 2 quả chuông trong đó 1 quả đúc năm Minh Mệnh tam niên (1822), 24 văn bia, trong đó có đến 12 bia được lập vào năm Tân Tị niên hiệu Bảo Đại (1941). Từ lâu chùa đã được công nhận là di tích văn hóa.
Chùa Thiên Niên Tên chữ là Thiên Niên Cổ Tự, còn được gọi là chùa Trích Sài, một ngôi chùa nằm ngay sát bờ hồ Tây, thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi, giáp ranh với phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa thờ Phật và thờ bà chúa dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô – thứ phi của vua Lê Thánh Tông đã từng truyền nghề dệt lĩnh cho nhân dân trong vùng.
—o—
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
—o—
Nhác trông lên chốn kinh đô
Kìa đền Quán Thánh, nọ hồ Hoàn Gươm
—o—o—o—
VÒNG CUNG PHÍA TÂY :
– LÁNG
– KẺ CÓT
– TRẤN TÂY
Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm
Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây
—o—
Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì
Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn
—o—
Ở đâu thơm húng, thơm hành
Có về làng Láng cho anh theo cùng.
Theo ai vai gánh vai gồng
Rau xanh níu gót bóng hồng sông Tô
—o—
Sông Tô nước chảy quanh co
Phạm Công hiển hóa, âm phò quốc vương
—o—
Đi đâu mà chẳng biết ta
Ta ở Kẻ Láng vốn nhà trồng rau
Rau thơm rau húng rau mùi
Thìa là cải cúc đủ mùi hành hoa
Mồng tơi mướp đắng ớt cà
Bí đao đậu ván vốn nhà trồng nên
Anh giúp em đôi quang tám dẻ cho bền
Mượn người lịch sự gánh lên kinh kì
Gánh lên chợ Mới một khi
Mong cho đến chợ anh thì nghỉ chân!
—o—
Đi đâu mà chẳng biết ta
Ta ở xóm Láng vốn nhà trồng rau
Rau thơm rau húng rau mùi
Thìa là cải cúc đủ mùi hành hoa
Mồng tơi mướp đắng ớt cà
Bí đao đậu ván vốn nhà trồng nên
Giúp em đôi quang tám dẻ cho bền
Mượn người lịch sự gánh lên chợ trời
Gánh đi lòng những bồi hồi
Mong cho đến chợ còn ngồi nghỉ ngơi!
—o—
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Cót với anh thì về
Làng anh có đủ mọi nghề
Cửa nhà anh những bộn bề neo đơn
Nếp nhà nhỏ vợ chồng son
Mộng vẫn là mộng anh còn đợi em.
—o—
Ngày ngày ra đứng cửa chùa
Trông lên Kẻ Chợ mà mua lấy sầu
Chợ Cót có bốn cái cầu
Để cho làng xóm mua rau, bán hàng
—o—
Gắng công kén hộ cốm Vòng
Kén hồng Bạch Hạc cho lòng ai vui
Trách ai lòng dạ đổi thay
Hồng nay để thối, cốm này để thiu.
—o—
Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa
Kìa giấy Yên Thái như kia
Giếng sâu chín trượng nước thì trong xanh
Đầu chợ Bưởi có điếm cầm canh
Người đi kẻ lại như tranh họa đồ
Cổng chợ có miếu thờ vua
Đường cái chính xứ lên chùa Thiên Niên
Chùa Thiên Niên có cây vọng cách
Chùa Bà Sách có cây đa lông
Cổng làng Đông có cây khế ngọt
Con gái Kẻ Cót thì đi buôn xề
Con trai làng Nghè dệt cửi kéo hoa
An Phú nấu kẹo mạch nha
Làng Vòng làm cốm để mà tiến vua.
Họ Lại làm giấy sắc vua
Làng Láng mở hội kéo cờ hùng ghê.
—o—o—o—
VÒNG CUNG PHÍA NAM :
– SÔNG KIM NGƯU, SÉT, SÔNG LỪ & ĐẦM PHÍA NAM
– CỬA Ô : Ô ĐỒNG LẦM, CỬA NAM
– KẺ MƠ : CHỢ MƠ
– TRẤN NAM
Sống thì canh cửa Tràng Tiền,
Chết thì bộ hạ Trung Hiền kẻ Mơ
—o—
Thứ nhất làm lính Tràng Tiền
Thứ nhì được cúng quan hiền Kẻ Mơ
—o—
Em là con gái Kẻ Mơ,
Em đi bán rượu tình cờ gặp anh
—o—
Hành giòn đậu ngậy ngon lành
Tương Mai nức tiếng kinh thành xôi ngô
—o—
Lúa làng Ngâu, trâu Yên Mỹ
—o—
Ai về Khương Hạ, Đình Gừng
Dưa chua, cà muối, xin đừng quên nhau
Dù ai buôn đâu bán đâu
Cũng không bỏ được cống Ngâu chợ Chùa
—o—
Kể chơi một huyện Thanh Trì
Mọc thì gạo xáo, Láng thì trồng rau
Đình Gừng bán cá đội đầu
Định Công đan gối, Lủ Cầu bánh trong
—o—
Thanh Trì có bánh cuốn ngon
Có gò Ngũ Nhạc có con sông Hồng
Thanh Trì cảnh đẹp người đông
Có cây sáo trúc bên đồng lúa xanh
—o—
Sở Mui chẳng khác Sở Lờ
Quanh năm cua ốc, be bờ, đắp mương
Sống ngâm thịt chết ngâm xương
Trời ơi có biết trăm đường cực không!
—o—
Làng Mui thì bán củi đồng
Nam Dư mía mật giàu lòng ăn chơi
Thanh Trì buôn bán mọi nơi
Đồng Nhân, Thúy Ái là nơi chăn tằm
Làng Mơ thì bán rượu tăm
Sở Lờ cua ốc quanh năm đủ đời.
—o—
Đồn rằng Văn Điển vui thay
Ngoài phố chợ họp năm ngày một phiên
Tàu qua phố dưới, phố trên
Đình thì ở giữa hai bên rặng bàng
Làng Mơ cất rượu khê nồng
Làng Vọng dệt gối, chăn tằm làng Mui
Kẻ Giả thì bán bùi nhùi
Làng Lê bán phấn cho người tốt da
Kẻ Vọng khéo ngọc, khéo ngà
Đưa đem đi bán cho nhà kẻ sang
Kẻ Lủ thì bán bỏng rang
Trên Ô Hàng Đậu lắm hàng nhiều thay
Ngâu, Tựu thì bán dao phay
Dù đem chặt nứa gãy cây lại liền
Trong kho lắm bạc nhiều tiền
Để cho giấy lại chạy liền với dây.
—o—
Đồng Lầm có vải nâu non,
Có hồ cá rộng, có con sông dài
—o—
Rủ nhau đánh cá Đồng Lầm
Cá kia chẳng được, âm thầm lòng em
Rủ nhau đánh cá đồng Chèm
Cá kia chẳng được, lòng em âm thầm
—o—
Làng Mọc thờ đầu,
Lủ Cầu thờ chân,
Pháp Vân thờ mình.
Cha của thánh Láng, Từ Vinh
—o—
Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm
Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây
—o—
Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần
Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.
—o—
Nhất trong là nước giếng Hồi
Nhất béo nhất bùi cá rô đầm Sét
—o—
Huyện Thanh Trì kia làng Thịnh Liệt
Đồn cá rô Đầm Sét là ngon
Bấy lâu cạn nước trơ bùn
Biết rằng hương vị có còn như xưa
—o—
Ai về Giáp Nhị năm xưa
Chê ao thối đặc, chê mưa ngập làng
Chê nhà mái dột, vách tàn
Chê lúa mọc mậm đầu làng, cuối thôn
Giờ về Giáp Nhị một hôm
Khen rau muống tốt nhiều hơn lá rừng
Khen ao lắm cá vẫy vùng
Khen nhà ngói đỏ như vung Hàng Nồi
—o—
Làng Quang dưa, vải khắp đồng
Ngô khoai khắp ruộng, nhãn lồng xóm Văn
—o—
Ớt cay là ớt Định Công
Nhãn ngon là loại nhãn lồng làng Quang
Thanh Liệt Tên nôm là làng Quang, một làng cổ thuộc Thăng Long, chạy dọc theo bờ sông Tô Lịch, nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Đây là quê hương của võ tướng Phạm Tu – khai quốc công thần nhà Tiền Lý, và nhà giáo Chu Văn An.
—o—
Hỡi cô đội nón quai thao
Đi qua Thanh Liệt thì vào làng anh
Làng anh Tô Lịch trong xanh
Có nhiều vải, nhãn ngon lành em ăn.
—o—
Đầm Đại Từ hoa sen thơm ngát
Giếng Đại Từ nước mát trong xanh
Dòng Tô uốn khúc lượn quanh
Đất nuôi trẻ nhỏ lừng danh trong ngoài.
—o—o—o—o—o—
Chia sẻ:
Scroll to Top