PHONG THUỶ NHÀ Ở HAY TƯ GIA

Loading

Bộ thanh âm
TU – TÚ – TÙ – TỤ – TỦ – TŨ
TƯ – TỨ – TỪ – TỰ – TỬ – TỨ
Nhà ở chính là tư gia, chữ “tư gia” là nhà ở riêng tư của gia đình.
Phong thuỷ nhà ở đầu tiên cần bộ chữ “Tư” mà gồm
  • TƯ : Tư là riêng tư, đời tư, tư bản, tư trang, tư hữu, tư nhân, tư cách, tư tưởng, tư chất. Nhà ở không có sự riêng tư, không bảo vệ được sự riêng tư về thân thể, về vật chất (tư trang, tài sản), về không gian, về vận hành vật chất, điện, nước, âm thanh, ánh sáng, nhà ở không thuộc sở hữu tư nhân, nhà ở không phù hợp với tư cách, tư tưởng, tư chất của mình, thì không thể yên ổn mà ở được
  • TỪ : hiền từ, tâm từ, từ bi, từ tốn, từ từ… Từ là nhịp điệu của nhà ở. Có từ thì người trong nhà mới ăn ngon, ngủ yên, sức khoẻ và tâm trạng nhẹ nhàng, thoải mái được. Nhà ở không thể náo động như trọng công xưởng, hay ở ngoài đường, ngoài chợ.
  • TỨ : Tứ trụ (đất nước khí lửa) là bốn yếu tố cực kỳ quan trọng phải xem xét kỹ cho nhà ở. Tứ phương (đông tây nam bắc) cũng là yếu tố quan trọng trong kiến trúc và vận hành nhà ở cùng sân vườn. Người ta nói “làm nhà xem hướng”, mà muốn có hướng phải có điểm tụ hay điểm tâm, và từ điểm tụ, điểm tâm đó xác định tứ phương. Ngoài ra còn có tứ quý (tùng cúc trúc mai) và tứ linh (thanh long, bạch hổ, huyền vũ, chu tước) đều là các bộ phong thuỷ về nhà ở và môi trường sống.
  • TỬ : Tử là ngọn lửa dòng máu, mà liên quan đến hương hoả, quê hương, dòng họ. Nhà không có ban thờ gia tiên là nhà không có tâm, không có nóc. Tử cũng có nghĩa là ngọn lửa tinh thần cá nhân mà thường dùng để đặt tên như Mạnh Tử, Trang Tử, Không Tử … Ngọn lửa này cần được nuôi dưỡng trong gia đình, nhờ việc “tu tại gia”.
  • TỰ : Tự là tự chủ, tự lập, tự giác, tự do, tự thân, tự túc, tự biên, tự diễn … đặc biệt về vân hành ngôi nhà như điện, nước, giao thông đi lại, luồng gió và xả thải
  • TỮ : Tữ là ngôi nhà tự vân hành theo chu kỳ. Đó là một ngôi nhà bền vững, một ngôi nhà nuôi dưỡng sự sống. Trong nông nghiệp, chúng ta có trường phái đi theo mô hình hệ sinh thái tự vân hành này là permaculture.
Phong thuỷ nhà ở cần bộ chữ “Tu”, chung gốc với bộ chữ “Tư” mà gồm TU – TÙ – TÚ – TỦ – TỤ – TŨ
  •  Tu : tu thân, tu tâm, tu tập. Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ và thứ ba tu chùa. Tu tại gia là tu ở tư gia, tu trong nhà của mình.
  • Tù : ngôi nhà ở không phải là cái nhà tù, với các khoang chứa người và chứa đồ. Ngôi nhà phải mở và có sự liên thông các phòng. Cẩn thận không biến nhà ở thành nhà tù, với quá nhiều phòng hình hộp ở bên cạnh nhau, đặc biệt là phòng không có cửa sổ. Chung cư chính là một dạng nhà tù, vì được xây dạng hình hộp chồng hình hộp, và người sống trong đó bi cách ly khỏi luồng vận hành và thế giới tự nhiên, đồng thời không có sự tự chủ nào về vận hành điện, nước, khí và xả thải …
  • Tú là ánh sáng, ánh sáng sao, ánh sáng tinh thần. Nhà cần có đất mà nhà cũng cần có trời. Nhà cần có ánh sáng tự nhiên như ánh nắng, ánh trăng, ánh sao và cả ánh đèn điện hợp lý. Nhà cần được chiếu sáng tự nhiên càng nhiều càng tốt bởi ánh sáng cả ban sáng, ban chiều và ban đêm, từ tất cả các góc chiếu, mà đặc biệt là chính ngọ, nghĩa là nắng đúng đỉnh đầu. Quần áo và đồ dùng của nhà mà được tiếp xúc với nắng là điều vô cùng tốt, mà muốn thế phải phơi ngoài trời, chứ không phơi trong mái, càng không nên sấy đồ, trừ đồ mùa đông.
  • Tủ : nhà cần có khoang đựng đồ hợp lý nhưng không nên có những cái tủ đồ sộ vừa cao vừa dầy, đặc biệt cao hơn đầu người, dù là tủ quần áo chăn màn hay tủ lạnh. Tủ quá lớn án ngữ các không gian, làm ngôi nhà bị mất cân bằng và luồng vận hành bị cản trở nghiêm trọng. Nếu tủ lạnh quá lớn thì nhà thì gia đình sẽ có xu hướng ăn đồ không tươi, tủ sẽ trấn hết phòng bếp và làm lạnh bếp, mà bếp thì cần nhất là lửa, mà lửa bếp là lửa cho cả ngôi nhà. Tủ quần áo lớn, dầy đập vào mặt cũng là điều không nên, trừ khi là tủ tưởng.
  • Tụ : nhà cần tụ khí, nhà bị tán khí thì sức khoẻ, tinh thần, tình người trong gia đình đều bị nguy hại. Ba không gian nơi tụ hoả khí chính của nhà là ở ban thờ, bếp lửa (lửa thực, lửa mộc là tốt nhất, nếu không cũng nên là lửa bếp gas, và số lượng bếp luôn phải là lẻ hoặc 1 hoặc 3, không dùng số chẵn), bàn ăn. Trục khí chính ở trung tâm ngôi nhà là giếng trời, đặc biệt nếu giếng trời cho phép nắng giờ chính ngọ chiếu xuyên nhà. Các nhà phố cổ đều có khoảng sân cho phép nắng trưa và trăng chiếu vào nhà. Khoảng sân đó chính là cái hồn của ngôi nhà phố cổ.
  • Tũ là vận hành vòng lập lặp, vòng tròn và theo chu kỳ, gồm các luồng hình, luồng sắc (ánh sáng), luồng thanh âm và luông mùi hương giữa các cấu phần của ngôi nhà và giữa ngôi nhà và môi trường. Ví dụ các luồng hình đi giữa các khoang đệm phải đảm bảo đi được vòng tròn, không được tạo ra khoang cụt hay khoang chết. Các luồng khí ở giếng trời phải đi được xuyên suốt từ trời xuống đất và ngược lại. Không được để luồng khí đi một chiều xuyên thằng qua nhà, không quay trở lại, kiểu như thông một mạch đường vào cửa trước rồi đến cửa sau và ra đường.
Xin quay lại câu nói
“Trước hết là tu tại gia
Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”
Không gian của nhà ở khác không gian của cái chợ và không gian của cái chùa.
  • – Không gian chùa là không gian tâp trung vào bên trong nhất, nhưng về tinh thần lại dành cho người xuất gia
  • – Không gian chợ là không gian mở cho các luồng bên trong và bên ngoài đi qua, nhưng cái chợ có tính chất chùa, bời vì ai vào chợ cũng được, nhưng không ai sở hữu hay sống trong chợ cả
  • – Không gian nhà ở cân bằng giữa chợ và chùa. Đó là lý do “thứ nhất là tu tại gia”
Con người sống trong nhà, con người tu tại gia cần một không gian bên trong nhà đích thực, kết nối nhưng vẫn phải tách bạch với không gian bên ngoài ngôi nhà. Không phải cứ xây tường bốn phía của ngôi nhà là có không gian bên trong nhà, mà cần có không gian đệm. Ngôi nhà phải có khoảng lùi, phải có sự phân tách, phải có sự chuyển tiếp giữa không gian công cộng và không gian riêng tư, không gian bên ngoài và không gian bên trong nhà. Sự chuyển đổi này được đảm bảo bằng các không gian đệm.
  • Không gian đệm quan trọng nhất là khoang đệm ở mặt tiền. Khoang đệm mặt tiền giúp cho không gian ở có một khoảng lùi so với mặt đường, nơi mà rất nhiều người lạ đi qua đi lại. Khoang đệm mặt tiền tạo ra một sự phân tách, một sự riêng tư, một sự khiêm từ của ngôi nhà, của gia đình, so với không gian công cộng và những người thuộc công quyền.
  • Không gian đệm sau nhà rất quan trong, vì nếu không có không gian đệm thật sự, thì nghĩa là không có luồng vận hành phía sau, và như vậy thì nhà nở hậu cũng như không. Hậu vận là cái rất quan trọng, như tiền vận, dù cho ngôi nhà hay cho cuộc đời.
  • Hai bên nhà thường giao với hàng xóm cũng nên có không gian đệm, mà nối thông khoang đệm trước và khoang đệm sau. Quan hệ hàng xóm làng giềng nên quân bình, đúng mực, nhà nào có sự riêng tư của nhà đó. Hàng xóm ra đụng vào chạm, mâu thuẫn nhau thì rất mệt mỏi, mà hàng xóm quá thân thiết, thì sẽ đến lúc chõ mũi vào đời nhau, làm phiền hoặc xâm lấn nhà cửa và cuộc sống của nhau. Hàng xóm sát vách không phải là điều hay, mà nên có khoảng đệm giữa hai nhà, bằng cách lùi tường nhà hai bên lại không xây đến hết giới hạn đất, nếu như mặt tiền không quá hẹp. Tuy nhiên, nếu giữa hai ngôi nhà tầng mà có không gian đệm quá nhỏ, không đón được nắng gió, không có người đi lại không, sẽ rất ẩm mốc và thành nơi chứa rác.
Để khoang đệm thực sự vân hành được mà không chỉ là các cấu trúc chết vừa làm tốn không gian, vừa làm hại phong thuỷ ngôi nhà, khoang đệm cần đón được nắng, thông được gió và tốt nhất là có người đi qua đi lại được. Nếu khoang đệm quá bé, và bị cụt một đầu hoặc cụt cả hai đầu, thì nó sẽ thành khoang chết, rất dễ bị ẩm mốc hoặc thành nơi tồn đọng rác thải.
Những nhà ở góc, nói cách khác là có 2, 3 mặt tiền, nếu làm cửa hàng thì rất ổn, còn nếu làm nhà ở mà không làm khoang đệm cẩn thận, thì lâu dài thế nào cũng bị hao tổn tài lực. Nhiều nhà làm nhà đã ở góc lại còn cố làm hết đất dù không thiếu đất. Khi cần mở cửa, đỗ xe, phơi phóng, để đồ, nấu nướng, hát karaoke … họ có xu hướng phải chiếm dụng không gian chung và ảnh hưởng đến không gian hàng xóm. Nhưng người bị ảnh hưởng nhiều nhất luôn là người sống trong nhà.
Những người xây những ngôi nhà không có không gian đệm, để bảo vệ không gian cá nhân, sớm muộn cũng không thể có không gian gia đình yên ổn. Người sống trong các ngôi nhà không có không gian đệm sẽ bị các luồng vận hành ngoài đường lao vào nhà và người trong nhà cũng có xu hướng lao ra ngoài nhà. Những ngôi nhà như vậy là những ngôi nhà trần truồng, những ngôi nhà bị lột da. Sự trần truồng, sự thiếu ngăn cách này nhất định sẽ làm tổn thương gia chủ một cách sâu sắc. Những người xây nhà và sống trong những ngôi nhà trần truồng kiểu vậy, chắc chắn cũng có vấn đề về tầm nhìn và giới hạn không gian cá nhân.
Hình dung nếu ngôi nhà là một trái tim, một lá gan, một lá phổi, thì khoang đệm chính là màng bọc ngôi nhà ấy. Tim có màng tim, gan có màng gan, và phổi có màng phổi. Không có bộ phận trong người chúng ta mà lại không có màng của chính nó. Hình dung ngôi nhà chúng ta là một cơ thể sống. Giới hạn của cơ thể sống không phải là da. Bên ngoài da, cơ thể sống còn có hào quang, khoang màng, âm cung, là các trường năng lương vi tế không nhìn được nhưng có tính cốt tử, bao xung quanh cơ thể vật chất hữu hình. Không có cơ thể sống độc lập nào, mà gắn chặt da của nó với da của cơ thể sống khác. Ngôi nhà của chúng ta cũng vậy.
Chia sẻ:
Scroll to Top