ÔNG GIĂNG, ÔNG NGUYỆT LÃO & DÂY TƠ HỒNG

Loading

Có rất nhiều từ chỉ trăng, mỗi từ mang một ý nghĩa khác, thể hiện một khía cạnh, một cấu trúc, một vân hành đặc biệt của trăng trong không thời gian
– Trăng : ông trăng, mặt trăng, gương trăng hay đơn giản là trăng. Có trăng tròn, trăng khuyết, trăng tán, trăng rằm, trăng mùng một, trăng sáng, trăng tỏ, trăng mờ, trăng liềm, trăng đen, trăng đỏ, trăng vàng
– Trang hoặc tràng đều là mặt trăng hoặc gương trăng
– Huyền : hạ huyền, thượng huyền là trăng khuyết trước và sau rằm
– Hằng (chị)
– Hằng Nga (chị)
– Nguyệt : bà Nguyệt, ông Nguyệt lão, hoặc đơn giản là Nguyệt.
– Nguyệt Nga
– Nguyệt Hằng
– Giăng (ông)
– Giăng Giẳng : ông Giẳng ông Giăng
Ông Giăng và Ông Giăng ông Giăng là cách dùng trăng cổ xưa mà chúng ta biết ít nhất, nó liên quan đến trường mặt năng lượng, trường không thời gian của mặt trăng, mà liên rất nhiều đến xúc cảm và duyên nợ. Các sơi tơ duyên nợ của ông Tơ bà Nguyệt hay ông Nguyệt Lão và Bà Tơ dệt trên trường giăng này.
Chúng ta cùng đọc lại các bài ca, dao tục ngữ về giăng
VÈ KỂ GIĂNG
Mồng một cho tới mồng năm
Giăng còn thơ ấu, tối tăm biết gì
Mồng sáu, mồng bảy trở đi
Đến ngày mồng tám giăng thì lên cao
Mồng chín giăng ánh vườn đào
Mồng mười giăng mọc đã cao hơn đầu
Mười một sáng cả vườn dâu
Mười hai giăng ở địa cầu trung thiên
Mười ba giăng gió giữ duyên
Đến ngày mười bốn giăng lên giữa trời
Gặp giăng em hỏi em chơi
Liệu giăng sáng cả trần đời được chăng?
Đến rằm giăng đã lên cao
Tới ngày mười sáu giăng treo tỏ tường
Mười bảy giăng sẩy chiếu giường
Mười tám dọn dẹp cương thường anh đi
Mười chín em định em ngồi
Hai mươi giấc tết, em thì ra trông
Kể từ hăm mốt nửa đêm
Giăng già thì cũng có phen bạc đầu
Cuối tháng giăng xuống biển sâu
Ba mươi mồng một ai cầu được giăng
Vè kể giăng là bài vè mô tả mặt trăng thay đổi trong một tháng trăng chi tiết nhất so với bất kỳ bài ca dao, tục ngữ khác về trăng
BA GIĂNG (BA TRĂNG/BA THÁNG)
Tháng giêng lúa mới chia vè
Tháng tư lúa đã đỏ hoe đầy đồng
Chị em đi sắp gánh gồng
Đòn càn tay hái ta cùng ra đi
Khó nghèo cấy mướn gặt thuê
Lấy công đổi của chớ hề lụy ai
Tháng hai cho chí tháng mười
Năm mười hai tháng em ngồi em suy
Vụ chiêm em cấy lúa đi
Vụ mùa lúa ré, sớm thì ba giăng
Thú quê rau cá đã từng
Gạo thơm cơm trắng chi bằng tám xoan
Việc nhà em liệu lo toan
Khuyên chàng học tập cho ngoan kẻo mà
Tháng sáu em cấy anh bừa
Tháng mười em gặt anh đưa cơm chiều
SÁNG GIĂNG
Sáng giăng rõ lắm mình ơi
Công việc bỏ đó ra chơi ngoài này
GIĂNG SAO
Người về một đoạn xa xa
Ta còn đứng giữa ngã ba chưa về
Nhìn trăng lại nhớ câu thề
Nhìn gương mà tưởng ngồi kề bên ai
Người về có nhớ khóm mai
Người về thoang thoảng hoa nhài còn đây
Gặp nhau không sợi không dây
Mà sao như buộc lòng này người đi!
Người về ta nhớ câu mời
Nhớ giọng người hát, nhớ lời người trao
Người về để vắng giăng sao
Để lòng đằng đẵng khi nào mới nguôi
Người về đường ấy xa xôi
Hãy như dao nọ nước tôi cho già
Đinh ninh nên cột nên xà
Nền kèo nên mái nên ta nên mình
Mai này đỏ nghĩa thắm tình
Cành giao với lại cây quỳnh nào hơn
GIĂNG TỎ
Hữu tình nên mới xuống đây
Hữu duyên nên mới chung dây chung sào
Nên chăng tay bắt miệng chào
Cho giăng thêm tỏ soi vào trong khoang
GIĂNG SOI
Con cò trắng bệch như vôi
Đừng nông nổi nữa, đừng lời nguyệt hoa
Ví dù muốn đẹp đôi ta
Đừng như cánh bướm quanh hoa đầu mùa
Đừng vê thuốc, đừng bỏ bùa
Đừng như chú tiểu ở chùa Thiều Quang
Đừng thắm nhạt, đừng đa đoan
Nên duyên thì phượng với loan một lời
Giăng kia vằng vặc giữa giời
Giăng ai soi tỏ lòng người nầy cho
ÔNG GIẲNG ÔNG GIĂNG
Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi với tôi
Có bầu có bạn
Có ván cơm xôi
Có nồi cơm nếp
Có nẹp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Có chiếu bám đu
Thằng cu xí xóa
Bắt trai bỏ giỏ
Cái đỏ ẵm em
Đi xem đánh cá
Có rá vo gạo
Có gáo múc nước
Có lược chải đầu
Có trâu cày ruộng
Có muống thả ao
Có sao trên trời
ÔNG GIẲNG ÔNG GIĂNG
Ông giẳng ông giăng
Ông giằng búi tóc,
Ông khóc ông cười,
Mười ông một cỗ,
Đánh nhau lỗ đầu,
Đi cầu nhà huyện,
Đi kiện nhà quan,
Đi bàn nhà phủ,
Một lũ ông già,
Mười ba ông điếc,
Con hiệc hai chân,
Đưa giăng về giời.
GIĂNG GIĂNG
Giăng giăng nguyệt giọi sân đình,
Gió phong phanh thổi, sao linh tinh tàn
DÂY GIĂNG CỦA ÔNG TƠ BÀ NGUYỆT
Anh về sao được mà về
Dây giăng tứ phía tính bề gặp anh
– Dây giăng mặc kệ đây giăng
Ông Tơ bà Nguyệt đón ngăn cũng về
LƯỚI TRỜI BỦA GIĂNG
– Chữ rằng “Thiên võng khôi khôi
Sơ nhi bất lậu” lưới trời bủa giăng
Xa xôi chưa kịp nói năng
Từ qua đến bậu như trăng xế chiều
Thân em như tấm lụa điều
Phất phơ trước chợ nhiều điều đáng thương
Dốc lòng trồng cửu lý hương
Ba năm hai lá, người thương giã đầu
Có lưới đất “Thiên la địa võng”, thì cũng có lưới trời “Không thoát lưới trời” hoặc “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”. Lưới trời này liên quan đến ông Giăng.
GIĂNG SƯỜN NÚI BẮT ĐƯỢC NAI : GIĂNG VÕNG
Đem giăng sườn núi bắt được nai
Con khóc mẹ ru cậy đến mày
Cửa Võ ba tầng xong bước nhảy
Tòn teng chồng vợ cả và hai
Là cái gì? Cái võng
BỦA LƯỚI GIĂNG CÂU
Xa nhau cách mấy con trăng
Đêm nằm lơ lửng, uống ăn không thường
Không biết ai tôi nhắn với người thương
Nhắn anh dầu phụng Quán Rường mới ra
Nhắn bạn hàng Phong Thử, Hà Nha
Nhắn người Vĩnh Điện, La Qua xưa rày
Nhắn người quen biết xưa nay
Nhắn ông đi cuốc đi cày cũng không
Chợ chiều tôi nhắn chị hàng bông
Nhắn cô gánh nước, nhắn ông đưa đò
Nhắn người chuyển miệng giùm cho
Nhắn người cắt cỏ, giữ bò giữ trâu
Nhắn ông đi úp sông sâu
Nhắn ông bủa lưới giăng câu dọc gành
Nhắn người đốn củi rừng xanh
Nhắn cô bán cá, nhắn anh bán trầu
Nhắn người ở dưới Câu Lâu
Nhắn cô bán vải ở cầu Bình Long …
KẺ GIĂNG
Lắm ló Xuân Viên,
Lắm tiền Hội Thống,
Lắm nống Do Nha,
Lắm cà Lộc Châu,
Lắm dâu Cẩm Mỹ,
Lắm bị Kẻ Giăng,
Lắm măng Kẻ Cừa,
Lắm bừa Trung Sơn,
Lắm cơn Yên Xứ.
Cái bị, cái lưới đều là dùng để bắt, cho nên “Lắm bị kẻ Giăng”
GIĂNG NÀI
Phụ mẫu đánh tôi, căng nọc giăng nài
Sao anh đứng đó cười hoài không can?
TÂY GIĂNG DÂY THÉP
Từ ngày thất thủ kinh đô
Tây qua giăng dây thép, họa địa đồ nước Nam
Lên dinh tớ ở Toà Khâm
Chén cơm âm phủ áo dầm mồ hôi
BUỒM GIĂNG HAI CÁNH
Thuyền xuôi ra cửa Khánh Hòa
Buồm giăng hai cánh dạ em đà héo hon.
DƯỚI THUYỀN BUỒM GIĂNG
Nghìn thu gặp hội thái bình,
Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long.
Phố ngoài bao bọc thành trong,
Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.
Ba mươi sáu mặt phố phường,
Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.
Người đài các, kẻ thanh tao,
Qua hàng thợ Tiện lại vào Hàng Gai.
Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài,
Hàng Khay trở gót ra chơi Tràng Tiền
Nhác trông chẳng khác động tiên,
Trên đồn cờ kéo, dưới thuyền buồm giăng.
Phong quang lịch sự đâu bằng,
Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe.
NÓI CHUYỆN GIĂNG CA
Cái cò cái vạc cái nông
Cùng ăn một đồng nói chuyện giăng ca
Muối kia đổ ruột con gà
Mẹ mình chẳng xót bằng ta xót mình.
MÂY GIĂNG
Trời vần vũ mây giăng bốn phía
Nước biển Đông sóng bủa tứ bề
Làm sao trọn nghĩa phu thê
Đó chồng đây vợ đi về có đôi
Lưới trời, lưới duyên nghiệp liên quan đến gió mây.
CHỚP GIĂNG
Tối trời đom đóm chớp giăng
Xa em một bữa mấy cái khăn ướt đầm
Mưa sa sấm chớp ầm ầm,
Tuy chưa gặp cuộc ăn nằm cũng thương
GIĂNG MÙNG
Đêm khuya năm vợ ngồi hầu,
Vợ cả pha nước, têm trầu chàng xơi.
Vợ hai trải chiếu chàng ngồi,
Vợ ba coi sóc nhà ngoài, nhà trong.
Vợ tư sửa soạn giăng mùng,
Vợ năm dưới bếp trong lòng xót xa.
Chè thưng, cháo đậu bưng ra,
Chàng xơi một bát kẻo mà hết gân.
—o—
Sáu cô đi chợ một xuồng
Tôi chèo theo chính giữa sợ mích lòng sáu cô
Phải chi tôi có lúa bồ
Tôi xin cưới hết sáu cô một lần
Cô hai mua tảo bán tần
Cô ba sắc thuốc dưỡng thân mẹ già
Cô tư nấu nước pha trà
Cô năm coi cửa coi nhà ngoài trong
Cô sáu trải chiếu, giăng mùng
Cô bảy san sẻ tình chung với mình
Phải chi cả sáu cô thuận tình
Trai năm thê bảy thiếp, vợ mình đông vui
GIĂNG TƠ NGÃI TẰM
Ai về Đồng Hới cho tui gởi đôi lời
Cho không đừng có, cho có đừng không
Có mua nồi phải nhớ đến vung
Giăng tơ phải nhớ ngãi tằm ngày xưa
GIĂNG TƠ DUYÊN NỢ
Trống cơm khéo vỗ nên vông,
Một bầy con nhít lội sông đi tìm,
Thương ai con mắt lim dim,
Một bầy con nhện đi tìm giăng tơ.
Thương ai duyên nợ tang bồng.
Bầy nhện giăng tơ này là tơ duyên nợ của ông Nguyệt Lão, ông Giăng.
GIĂNG TAY XE SỢI CHỈ HƯỜNG
Đường Nhà Bàng nó trơn như mỡ
Đường ngoài chợ lạnh tợ thâm sương
Giăng tay xe sợi chỉ hường
Kết duyên chồng vợ kiếm đường ra vô
LƯỚI GIĂNG CHỈ ĐIỀU
Chỉ điều ai khéo xe săn
Đố em thoát khỏi lưới giăng giữa trời
Chỉ của ông Nguyệt Lão được gọi là chỉ điều, chỉ hồng, chỉ hường hay dây tơ hồng.
GIĂNG MẮC HOA HỒNG
Con gái đương thời
Phải nơi thì đặt
Cái áo em mặc
Giăng mắc hoa hồng
Trong yếm đại hồng
Chuỗi xe con toán
Cái quai dâu chạm
Em đội lên đầu
Cái nhôi gắp dâu
Quấn vào đỏ chói
Cái miệng em nói
Có hai đồng tiền
Như cánh hoa sen
Giữa ngày mới nở
Mẹ em đi chợ
Có gánh có gồng
Anh đứng anh trông
Má hồng đỏ thắm
Anh đứng anh ngắm
Đẹp đẽ làm sao
Con cái nhà nao
Chân đi đẹp đẽ
Anh có vợ rồi
Không lẽ anh sêu.
LƯỚI TRỜI BỦA GIĂNG CHỈ ĐIỀU BỐN MỐI
Chỉ điều bốn mối xe lơi
Đố em thoát khỏi lưới trời bủa giăng
Chia sẻ:
Scroll to Top