QUẢNG TRỊ – QUẢNG BÌNH – HÀ TĨNH
===
Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh nằm ở điểm uốn khúc, chuyển năng lượng của chữ S Việt.
Đây là chiến trường ác liệt của nhiều cuộc chiến trong suốt lịch sử dân tộc.
Trong kháng chiến chống Mỹ, khu vực này là nơi hứng chịu nhiều đạn bom nhất. Quảng Tri, Quảng Bình và Hà Tĩnh đều có rất nhiều nghĩa trang, đền thờ và di tích chiến tranh mà tiêu biểu là
– Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn (Gio Linh, Quảng Trị)
– Nghĩa trang Đường 9 (Quảng Trị)
– Thành cổ Quảng Trị (Quảng Trị)
– Cầu Hiền Lương (Quảng Trị)
– Nghĩa trang Ba Dốc (Đồng Hới, Quảng Bình)
– Nghĩa trang liệt sỹ huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình)
– Đền tưởng niệm liệt sỹ Trường Sơn Bến phà Long Đại (Quảng Bình)
– Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)
Khi còn làm ở một cơ quan liên quan đến quân đội, mỗi lần đi Quảng Trị và Hà Tĩnh, tôi đều đi các nghĩa trang liệt sỹ. Lúc đó tôi không biết rằng số phận sẽ cho tôi làm rất nhiều các ca siêu thoát và đưa vong linh chiến sỹ về quê hương trong gần 10 năm dạy thiền chữa lành. Tôi nhớ rõ lần đầu bước vào nghĩa trang Trường Sơn tôi đã thấy các chiến sỹ đứng xếp hàng. Do thấy được tinh thần của bác Hồ, tôi vừa khấn bác, vừa đi doc các ngôi mộ mà không cầm được nước mắt. Trong chuyến đi xuyên Viêt lần này, dù dải Trường Sơn và đường mòn Hồ Chí Minh không nằm trong lộ trình chính của chuyến đi, tôi vẫn ghé qua nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn, thành cổ Quảng Trị và cầu Hiền Lương.
Ở Hà Tĩnh, tôi dự định đi ngã ba Đồng Lộc. Tôi vẫn nhớ lần đầu đến ngã ba Đồng Lộc, lúc đó tôi có gặp chị đội trưởng, chị bảo tôi gọi tên và gặp từng người trong đội. Chưa từng có kinh nghiệm về việc này, nên tôi rơi vào tình trạng rối loạn. Mất một lúc lâu, tôi mới gọi được tên và gặp được đủ cả nhóm. Sau đó hoàn toàn không biết phải làm gì, nên tôi lại chào từ biệt. Tôi không rõ tôi lại có một liên hệ cá nhân như thế nào đó với các chị, nhưng từ đó trong tôi có sự áy náy rất lớn với các chiến sỹ Trường Sơn nói chung và các cô gái xung phong Đồng Lộc nói riêng. Mãi đến cuối năm 2022, trong một khoá dạy thiền chữa lành, một bạn học sinh bất ngờ được quay lại chiến trường Đồng Lộc. Qua mấy tháng vừa thiền vừa chữa mà hai thày trò vẫn chưa thực sự giải quyết được ca này, nên lần đi xuyên Việt này tôi có dự định quay lại Đồng Lộc, tuy nhiên do trời mưa nên tôi đành đổi kế hoạch.
Tuy nhiên, trước khi trời chuyển mưa tôi đã cố gắng đi mộ Hà Huy Tập (ở Hà Tĩnh, còn có mộ của Trần Phú). Điều khiến tôi rất bất ngờ là khi chắp tay trước mộ, tôi lại gặp rất đông vong linh chiến sỹ, hy sinh ở Ngã Ba Giồng, Hóc Môn (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), là trường bắn nơi giặc Pháp đã xử rất nhiều chiến sỹ yêu nước của khởi nghĩa Nam Kỳ như Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai …. Điều này khiến tôi phải tìm đọc lại về giai đoạn lịch sử và địa danh này. Lúc còn đi làm tôi không vào Đảng, vì tôi chỉ muốn làm chuyên môn thuần tuý, nên khi ở mộ nhận được câu “Đều là anh hùng giải phòng dân tộc thôi”, chả hiểu sao mà tôi phát khóc. Điều quan trọng nhất với những người hy sinh vì đất nước là linh hồn họ có thể về được quê cha đất tổ và cây dòng họ đã sinh ra mình. Những điều khác như đảng phái, đức tin … đều không quan trọng.
Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh cũng là mảnh đất có rất nhiều chí sỹ và chiến sỹ yêu nước chống Pháp từ thời nhà Nguyễn.
Chuyến đi này của tôi cũng như công việc của tôi liên quan đến Cửu huyền thất tổ, Cửu huyền trăm họ, mà các chiến sỹ đều là những người con thân yêu của các dòng họ. Điều khó khăn là khi siêu thoát và đưa vong linh các chiến sỹ về quê hương mà phải đi qua ba tỉnh này là các vong hồn thường xuyên bị kẹt ở đây, cùng với rất nhiều các liệt sỹ hy sinh chính tại ba tỉnh này.
Do năng lượng có sự chuyển đổi ở đây, nên ba tỉnh này luôn là trung tâm của các trấn yểm để chia cắt và đánh gãy đôi chữ S Việt Nam. Lần nào nước Việt bị chia cắt thì điểm chia cũng nằm trong khu vực của ba tỉnh này.
Quảng Trị và Quảng Bình cũng là Quảng mà lại không thuộc xứ Quảng. Xứ Quảng hay Quảng Nam là vùng đất cơ bản kéo dài từ phía nam đèo Hải Vân đến phía bắc đèo Cả, nay là TP. Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Quảng Trị và Quảng Bình không là Quảng Nam mà cũng chẳng phải là Quảng Bắc, mà là Quảng Giao. Không quảng giao thì con rồng Việt Nam không thể mở rộng xuống phía Nam và yên ổn ở biên giới phía Tây với Lào.
Ở Quảng Trị, tôi quyết định chọn địa điểm ngủ lại bên cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, dù nơi chẳng có khách sạn hay nhà nghỉ cũng như quán ăn nào. Đây là vùng biên giới chia cắt Việt Nam thành hai miền dọc theo vĩ tuyến 17 : Miền Bắc do nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quản lý, miền Nam do phía Quốc gia Việt Nam và sau đó là nước Việt Nam Cộng hoà rồi nước Cộng hòa Miền Nam Việt Nam quản lý, trong suốt gần 22 năm, từ năm 1954 đến năm 1976.
Ngày nhỏ, nghe bài hát Câu hò bên bến Hiền Lương của nhạc sỹ Hoàng Hiệp, tôi cứ nhớ mãi cái tên Hiền Lương. Trải nghiệm cá nhân tôi, vĩ tuyến 17 có một năng lượng rất kim hoả, ngược hẳn với tên cây cầu. Cầu Hiền Lương đã bị đánh sập, rồi xây lại không biết bao lần và bây giờ khi hai miền Bắc Nam đã thống nhất chúng ta lai có hẳn hai cầu Hiền Lương. Cầu Hiền Lương là một ví dụ sinh động cho ta thấy lịch sử và năng lượng của mảnh đất Quảng Trị.
Sự chia cắt đất nước ở Quảng Trị giống như một vết chém sâu hoắm vào thân thể con rồng Việt Nam mà bao đời của ông ta đã cố gắng hàn gắn. Nước Việt là một khối thống nhất, không thể bị chia Bắc Nam như Triều Tiên.
Tôi nhớ một năm tôi sang Pháp gặp một số Việt Kiều Pháp, biết tôi là người Hà Nội gốc lại còn sinh ngày 30/4 một bác giáo sư vặn vẹo tôi rằng “Sao miền Bắc tráo trở phá hiệp định Paris tấn công Miền Nam”. Úi giời tôi mà siêu nhân lãnh đạo được công cuộc thống nhất đất nước như thế … thì tôi cũng cố làm, có điều tôi sinh ra khi chiến tranh đã xong xuôi rồi, nhưng tôi biết ơn những người đã tạo nên hình hài và bảo vệ hình hài đất nước, tôi chẳng quan tâm họ theo chế độ nào.
Đất nước thì vĩ đại mà con người thì nhỏ bé, đất nước thì trường tồn mà chế độ thì tạm thời. Đất nước sinh ra con người và đón hồn con người khi chết trở về trong vòng luân hồi sự sống. Các thế lực nước ngoài đương nhiên có nhiều lợi ích khi nước Việt bị chia cắt, còn người Việt thì không. Ai sống đã là người tha hương mà còn phủ nhận đất nước thì chết đi sẽ thành ma tha hương, khổ lắm.
Quảng Bình là nơi phân phân chia lãnh thổ giữa chế độ “vua Lê chúa Trịnh” ở phía Bắc sông Gianh (Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn cai trị ở miền Nam (Đàng Trong), mở đầu khi Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc Nguyên năm 1627 và kết thúc vào năm 1777 khi chúa Nguyễn sụp đổ.
Dân gian lưu truyền rằng vào thế kỷ XVI, sau khi danh tướng Nguyễn Kim lập công giúp nhà Lê đánh nhà Mạc, lấy được đất Thanh Hóa, Nghệ An, thì ông bị hàng tướng nhà Mạc đầu độc chết, binh quyền giao cả lại cho con rể là Trịnh Kiểm. Nguyễn Kim có hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng cùng làm tướng dưới quyền Trịnh Kiểm, đều lập được nhiều công trạng với nhà Lê. Trịnh Kiểm sợ quyền hành rơi vào tay họ Nguyễn, bèn kiếm chuyện giết Nguyễn Uông. Còn Nguyễn Hoàng, ông có ý sợ Trịnh Kiểm hại nốt, liền bí mật cho người tìm về tỉnh Đông tìm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để hỏi kế sách dung thân. Người đó hỏi mãi, chẳng thấy Trạng nói gì… Chỉ thấy ông đi đi lại lại ngắm hòn non bộ và lẩm nhẩm: “Hoành Sơn nhất đái. Vạn đại dung thân”. Người ấy đem chuyện về thưa lại với Nguyễn Hoàng. Là một nhà quân sự, Nguyễn Hoàng hiểu ngay Trạng Trình nhắn bảo ông rằng: “Một dãy Hoành Sơn hiểm trở kia có thể yên thân được muôn đời”. Nguyễn Hoảng liền xin vua Lê cho vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Trịnh Kiểm thấy em vợ mình xin vào trấn thủ chốn thường xuyên có giặc giã, không có ý nghi ngờ gì. Và từ đấy, nhờ địa linh của dải Hoành Sơn, xứ Thuận Hóa mà Nguyễn Hoàng dựng nên nghiệp chúa.
Hoành Sơn không hoành tráng như đèo Cả hay đèo Hải Vân, người xưa đã có thể leo bộ qua đèo, nhưng về mặt năng lượng, Hoành Sơn là một sự chuyển hoá hoàn toàn. Đến Hoành Sơn, tất cả những gì đã từng là xuyên suốt từ Bắc xuống Nam hoặc từ Nam ra Bắc cho dù là địa lý, thời tiết, sắc tộc, văn hoá, thể chế chính trị … đến đây sẽ bị đứt đoạn hoặc phải chuyển hoá, như con rồng Việt Nam đến đây phải uốn khúc. Ở Hoành Sơn có đèo Ngang, ngọn đèo không dài như đèo Cả không ngút ngàn trong biển mây như Hải Vân, chỉ … ngang như cua.
Ở đỉnh đèo Ngang có Hoành Sơn Quan. Hà Tĩnh và Quảng Bình đều coi là di tích của mình, nên biển giới thiệu về Hoành Sơn Quan có hai mặt, mỗi mặt là biển di tích của một tỉnh viết. Ở đèo Ngang có đền Liễu Hạnh với sự tích Liễu Hạnh trừng trị các vị công tử đến mức vua sai thầy pháp đi bắt Liễu Hạnh, rồi xảy ra đánh nhau to. Sự tích Liễu Hạnh nói rằng Liêu Hạnh giả làm cô gái thường dân mở quán nước bên đường để thử lòng người đi qua đèo. Giờ nào ai biết quán nước nằm đâu. Chỉ biết là Hà Tĩnh xây một cái đền Liễu Hạnh bảo đó là đền chính bởi vì tích Liễu Hạnh được ghi trong cuốn địa chí Kỳ Anh (huyện nằm ở phía Bắc Hoành Sơn thuộc Hà Tĩnh), còn Quảng Bình cũng có một cái đền Liễu Hạnh. Hai cái đền này khác xa nhau. Đền ở Quảng Bình ăn theo mạch núi Hoành Sơn nằm trên núi, trong khi đền ở Hà Tĩnh lại nằm ở khu vực trũng dưới chân đèo, mà tôi đoán trước kia là đầm nước. Tôi hỏi mẫu Liễu Hạnh rằng cuối cùng đền nào là đền gốc, Mẫu Liễu Hanh bảo đã gọi là đèo Ngang thì chẳng có cái gì là chính, ngang nhau hết, ngang như cua hết. Thế là tôi đi cả hai đền để có sự so sánh.
Kỳ Anh là vùng đất cổ xưa nằm ở chân đèo Ngang nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh nhưng nhiều di tích, mộ và nhà ở của dân cư đã được di dời và giải toả về khu tái đinh cư để lấy đất làm khu công nghiệp Vũng Áng trong đó có khu Formosa, mà nằm ngay chân đèo Ngang.
Đền Eo Bạch, một ngôi đền thiêng vào bậc nhất nhì Hà Tĩnh giờ đây là dấu tích duy nhất về một vùng đất Kỳ Anh xa xưa đông đúc. Ngôi đền nằm trơ trọi giữa nhà máy và cảng biển, không có người dân ở xung quanh. Ở trước cửa đền Eo Bạch có tấm biển rất lớn, cỡ chữ cũng rất lớn, đề sự tích đền đồng thời khẳng định rằng mộ của bà Bích Châu nằm ở đền Bà Hải. Tôi băn khoăn rằng nếu ngôi mộ không nằm ở đây thì cần gì phải đề biển rằng nó nằm ở chỗ khác, như thể phủ nhận tính chính thống của đền Eo Bạch. Bạn đã từng bao giờ đến một ngôi đền mà đề biển là lăng mộ gắn với đền giờ nằm ở đền khác chưa. Vì quá kỳ quoặc nên tôi dừng lại suy nghĩ. Đoán được suy nghĩ của tôi, có người đến chỉ cho tôi ngôi mộ bà ở sau hậu cung, nơi vẫn được đặt rất nhiều hoa.
Bên kia biển Vũng Áng là một ngôi đền khác – đền Bích Châu – đền Bà Hải cũng thờ thánh mẫu Nguyễn Thị Bích Châu. Tôi đi sang đền Bà Hải, mà cơ bản nằm trong khu dân cư, bên ngoài khu công nghiệp Vũng Áng và choáng ngợp vì quy mô xây dựng và số lượng thày đồng và con nhang đệ tử ở đây. Tôi lại hỏi mộ thánh Mẫu ờ đâu và được khẳng định thi hài bà nằm trong hậu cung mà hâu cung đóng cửa không được vào. Tôi hỏi về đền Eo Bạch thì sao, thì nhà đền bên Bà Hải nói rằng bà chỉ nhỏ vài giọt máu bên Eo Bạch còn thi hài nằm bên này. Dù tôi chẳng biết nên tin bên nào, thì cái mà tôi thấy rõ chính là tình trạng giằng co, bên này phủ nhân bên kia.
Ở Kỳ Anh, tôi đi thăm ba ngôi đền nữa, trong đó có một ngôi đền có mộ đã bị giải toả về khu tái định cư. Chỉ khi đến Eo Bạch nhìn cảnh khu công nghiệp không còn nhà dân nào tôi mới hiểu ra phần nào cảm giác người dân mất đất, vong linh lạc mộ mà tôi nhân được khi đứng ở khu tái đinh cư. Bên đường quốc lộ 1, đoạn đi qua khu công nghiệp ở Kỳ Anh còn có đền của Formosa. Lúc đi qua đường thấy cái đền này thì cảm giác của tôi là quá choáng. Chắc cả nước Việt chỉ có duy nhất câu chuyện như vậy mà thôi, mà câu chuyện này lai xảy ra ở chân núi thiêng Hoành Sơn, đất nhà Nguyễn chọn để mở biên giới nước Việt về phương Nam.
Dãy núi Hồng Lĩnh cùng với sông Lam là địa danh mang tính biểu tượng của Xứ Nghệ (hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay). Người dân xứ Nghệ từ xa xưa có câu: “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”, để nói về sự linh thiêng của 4 ngôi đền trong tâm linh người dân xứ Nghệ. Bốn ngôi đền này không chỉ linh thiêng mà là một bộ. Hiện nay đền Cờn, đền Quả, đền Bạch Mã nằm ở tỉnh Nghệ An, riêng đền Chiêu Trưng nằm ở Hà Tĩnh.
Tình trạng giằng co trong thờ cúng không chỉ xảy ra ở chân Hoành Sơn mà còn rõ nét hơn ở khu vực dọc sông Lam, nơi có các đền thờ ông Hoàng Mười.
Theo tích, ông Hoàng Mười hoá trên sông Lam, mà sông Lam nằm giữa Nghệ An và Hà Tĩnh. Đền ông Hoàng Mười bên Nghệ An chỉ có một và đền có cả lăng mộ, còn các đền thờ ông Hoàng Mười bên Hà Tĩnh thì nhiều, không có mộ và gây cảm giác rất giằng co. Đền thờ mẹ ông Hoàng Mười thì ở Hà Tĩnh, nhưng rất tiếc tôi không đến được do thời tiết xấu phải đổi chương trình.
Đền chợ Củi bên bờ sông Lam phía Hà Tĩnh khi chúng tôi đi qua đường, thấy công an chặn cả hai lối vào, và có biển đề rằng cấm vào đền để chuyển giao quản lý đền.
Đền Cả ở Hà Tĩnh cũng thờ ông Hoàng Mười, đồng thời thờ thần Tam Lang thần sông nước và Lê Thị Ngọc Dung, con gái nuôi của Vua Lê Lợi dường như cũng là thần sông nước. Đền cũ đã bị rơi xuống sông, và được phục dựng sau này. Ban thờ bà Lê Thi Ngọc Dung bị để sang góc. Hỏi ban của Tam Lang (Thần Rắn) ở đâu thì được bảo về ngã ba Đồng Lộc. Các chỗ chính được bổ sung đầy đủ các ban bệ tứ phủ, mà bản chất không được thờ tại đền mà chỉ là thuộc về đạo mẫu tứ phủ thôi. Nhà đền khẳng đinh ở đây thờ tứ phủ. Trước đền có cái biển khẳng định đền này thờ chính quan Hoàng Mười. Ông Hoàng Mười nổi tiếng tài hoa, nổi tiếng quảng giao, nổi tiếng toàn tài, ông có nổi tiếng đè bẹp, phủ nhận những người đồng hành cùng ông, để ông sáng rực rỡ, đứng lên làm chính đâu.
Đây là tình trạng các đền gốc khi được cải tạo sẽ tôn một vị thần lên làm chính và đẩy các vị khác từng được thờ ở đền gốc xuống làm phụ thậm chí biến mất luôn, sau đó bổ sung hàng loạt ban bệ của tứ phủ, không nằm trong cấu trúc đền gốc. Bây giờ ở nhiều nơi người ta ào ào đến đền phủ vì danh vì lợi và người ta ào ào xây đền phủ cũng vì danh vì lợi nên cái hồn thanh cảnh và cái lý tinh tế của đền gốc không ai còn hiểu mà chẳng mấy người muốn giữ.
Hà Tĩnh là mảnh đất điểm tựa cho công cuộc mở rộng bờ cõi của vua chúa từ Bắc xuống Nam. Một sử gia ngồi ở thành Thăng Long sẽ ghi nhận như sau: 1069 quân Lý chiếm Quảng Bình, Quảng Trị, 1471 Lê Thánh tông chiếm Đồ Bàn; chúa Nguyễn lần lượt lấy Phú Yên (1611), Khánh Hòa (1653), Bình Thuận (1693), Sài Gòn (1689), Châu Đốc (1759). Sử phương Bắc không phản ánh chính xác hình hài đất nước Việt, không phản ánh chính xác hiện thực về các dân tộc giữ dòng máu gốc, giữ hồn của đất phương Nam. Nếu chúng ta là người Nam chúng ta sẽ thấy một sự việc khác. Dân gốc của phía Nam thực chất là người Chăm.
Hà Tĩnh nằm giữa hai dãy núi thiêng là Hoành Sơn phía Nam và Hồng Lĩnh phía Bắc. Hoành Sơn là ranh giới Đàng trong và Đàng ngoài, nơi năng lương có sự chuyển đổi. Hồng Lĩnh là nơi linh khí hội tụ. Khoảng cách từ Hoành Sơn đến Hồng Lĩnh, chính là chiều dài của Hà Tĩnh, ngỡ rất ngắn so với dải đất chữ S của Viêt Nam, mà đôi khi quá dài. Từ sự phân chia của Hoành Sơn đến sự thống nhất và bao dung của Hồng Lĩnh chỉ có thể có được nếu Hà Tĩnh có đươc chữ tĩnh. Cảm giác bất an ở chân đèo Ngang và sự không gắn kết với Nghệ An, Hà Tĩnh cho tôi cảm giác về một vùng đất cần tĩnh mà không tĩnh.
Như vậy Quảng Trị là một sự chia cắt Bắc Nam về cấu trúc mang tính kim hoả, Quảng Bình là một sự chuyển hoá Bắc Nam về vận hành mang tính mộc thuỷ, còn Hà Tĩnh là môt thách thức và lựa chọn giữa thống nhất, bao dung, chia sẻ và hợp tác hay cô lập, chia rẽ, chiến tranh và giằng giật.
Rời khỏi Hà Tĩnh, chuyến đi xuyên Việt của tôi cũng không còn trôi chảy, thời tiết xấu đi rất nhanh và lòng tôi cảm giác cũng không được phơi phới như lúc ban đầu, mà mang theo rất nhiều trăn trở về khúc quanh khó khăn của mảnh đất chữ S Việt Nam.
=== === ===
Quảng Trị :
– Bàu Tró : di chỉ khảo cổ thời đồ đá mới
– Khu phế tích Chăm ở Triêu Phong
– – Quãng Trị
4 tháp huyên Triệu Phong đều là phế tích nhưng chứng tỏ đây từng là một trung tâm lớn của nền văn minh Chăm
– – – Tháp Chăm Bích La : Địa điểm Cồn Giàng, Thôn Bích La Trung, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị
– – – Tháp Chăm Trà Liên : Địa điểm Cồn Giàng, Thôn Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị
– – – Tháp Chăm Ngô Xá : Địa điểm Cồn Giàng Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị
– – – Khu đền tháp chăm Dương Lệ, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị
– – – Giếng cổ Gio An (quần thể hơn 10 giếng ở Đông Hà)
– – – Giếng Ba Vòi (cách cầu Hiền Lương 3km)
– Di tích nhà Nguyễn
– – – Khu dinh chúa Nguyễn Hoàng ở Trà Bát, Trà Liên,
– – – – – – Đền thờ Nguyễn Ư Dĩ
– – – – – – Phế tích dinh Trà Bát của chúa Nguyễn Hoàng (dinh chúa đổi 3 vị trí đều ở huyện Triệu Phong) : khu rùa đá, tượng đá cổ
– – – – – – Miếu Trảo Trảo phu nhân : phu nhân có công trong trận chiến giữa chúa Nguyễn Tiên và tướng Lập Bạo
– – – – – – Miếu bà Còng thôn Trung Bính : Theo tích thì lúc chúa Nguyễn Hoàng tới cửa biển Nhật Lệ tàu bị mắc kẹt nên được bà Phạm Thị Tôm (Còng) giúp, dọc biển miền trung đều có thờ
– Di tích thời Tây Sơn – Nguyễn Ánh
– – – – – – Mộ Nguyễn Hữu Thần https://vi.wikipedia.org/…/Nguy%E1%BB%85n_H%E1%BB%AFu…
– – – Thành cổ Quảng Trị xây bởi Gia Long
– Di tích kháng chiến chống Pháp
– – – – – – Lăng mộ cụ Võ Văn Đường hay còn có tên là Võ Văn Lương (武文良), sinh năm Quý Tị, người xã Đâu Kênh, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị. Lúc 33 tuổi ông đỗ Đệ Tam giáp đồng Võ tiến sĩ trong khoa thi Võ tiến sĩ đầu tiên của nhà Nguyễn năm Tự Đức thứ 18 (1865). Sau khi thi đậu ông thăng tiến dần thành Phó tướng và hy sinh trong chiến tranh kháng Pháp
– Di tích thời kỳ chống Mỹ
– – – Nghĩa trang Trường Sơn,
– – – Nghĩa trang Đường chín
– – – Cầu Hiền lương
– – – Thành cổ Quảng Trị