Tự học và dạy học từ việc tự học là duyên nghiệp đã gắn bó với mình từ ngày còn bé. Mẫu giáo mình dạy các bạn học vẽ cây đào thế nào mà tán nó tròn, cấp 1 mình dạy các bạn làm bài tập toán về nhà thế nào cho nhanh để còn đi chơi, cấp 2 mình dạy các bạn thích văn đối phó với môn toán, cấp 3 mình cũng dạy một số bạn để chuẩn bị thi đại học các môn tự nhiên cho hiệu quả, và sau đại học mình đã dạy cao học nước ngoài về tài chính ở trường Quốc gia. Ở công ty, mình dạy cách tổ chức công việc và đào tạo chuyên ngành tài chính cho nhân viên. Rời bỏ công ty, mình dạy thiền và nhận thức cơ bản, rồi dạy cho người đi dạy. Sợ nhất là có thời gian mình còn dạy tiếng Anh cho em gái của bạn, và làm gia sư tình nguyện ở làng trẻ SOS.
Mình vẫn luôn hướng đến việc có được nhận thức cần thiết nhất, theo cách tự nhiên và đơn giản nhất, và để còn làm việc khác quan trọng hơn, vui hơn, sáng tạo hơn, và qua đó học được nhiều hơn.
Thực ra ngoài nghề dạy đủ thứ, mình cũng đã làm đủ thứ. 10 năm gắn bó với ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, mình cũng đi qua rất nhiều vị trí mà người làm lâu năm hơn có thể cũng chưa từng đi qua. Có thể vì điều mình cần nhất trong nghề kinh doanh là trải nghiệm phong phú nhất trong thời gian ngắn nhất.
Nghề kiếm được tiền để trang trải nhu cầu ăn chơi đầu tiên của mình là làm phục vụ ở một khu nghỉ dưỡng ở Bãi Cháy, Hạ Long để được nghỉ lại đó dài ngày, vào một đợt hè cuối cấp 2. Thời gian ở Pháp, mình làm ở một ngân hàng, viện nghiên cứu xã hội quốc gia và trông trẻ, ba lình vực chẳng liên can gì đến nhau. Quãng thời gian duy nhất mình không đi làm, chỉ ăn chơi sung sướng là thời gian học cao học ở Thái Lan. Mình học được nhiều qua việc đi chơi liên miên với các bạn đến từ nhiều nước khác nhau và tiếp xúc với văn hóa thân thiện của người Thái. Năm nay, việc làm nhà và làm vườn là một trường học lớn, giúp mình trưởng thành. Lớp học mà mình là vẫn còn là học sinh lưu ban nhiều năm là lớp học làm mẹ, với con trai.
Ở đâu chúng ta cũng đang học từ công việc và những con người mà chúng ta gặp và dạy những người có duyên theo cách mà chúng ta sống và với đam mê mà chúng ta theo đuổi.
Nhìn lại, nghề mình làm nhiều nhất vẫn là nghề giáo. Mình có rất nhiều bằng cấp về tài chính, vì thày muốn mình thành giáo viên, còn mình nhận học bổng để được đi chơi từ nước này, qua nước khác dài ngày. Làm giáo viên nói chung phải có bằng tiến sỹ, đến lúc được thày người Pháp, người đã cho mình 2 học bổng thạc sỹ trước đó, cho tiếp học bổng để làm tiến sỹ, cũng tại Pháp, mình thấy gặm cái bằng thạc sỹ tài chính đã chán, gặm bằng tiến sỹ tài chính chắc nghẹn cổ, hàng ngày phải dạy tài chính nữa thì chán lắm lắm, nên xin bỏ học bổng này. Mình quyết rất nhanh, nên chẳng ai biết để mà can. Thế mà, sau này mình vẫn dạy khá nhiều khóa về tài chính.
Thực ra lúc ra trường, mình cũng nghĩ sẽ hợp với nghề giáo hơn nghề kinh doanh, nhưng khi đỗ biên chế của một trường, mình bắt đầu tự hỏi liệu mình có hạnh phúc với việc dạy đi dạy lại một thứ, mà mình chả tin cũng chả quan tâm không. Chính mình trong bốn năm đại học, chỉ viết nhăng cuội vào một cuốn vở, rồi học tủ, học vẹt để đối phó với từng môn thi, chỉ để sau kỳ thi nhanh nhanh chóng chóng cho mớ kiến thức bay hết ra khỏi đầu. Thế là mình quyết định đầu quân cho các công ty. Dù chẳng thích kinh doanh, mình nghĩ là lương công ty cao hơn và môi trường công ty học được nhiều hơn, là một học đường xa rời thực tế. Học kinh doanh để kinh doanh, vậy sao không kinh doanh luôn cho rồi.
Cuối cùng mình vẫn theo nghề giáo theo nghĩa thực của nghề này, dù mình đã từ bỏ lựa chọn làm “thợ dạy”, có bằng cấp chính quy, có danh chức và ăn lương ngạch bậc. Trong công việc tài chính, việc mà mình thực sự làm chẳng phải là quản lý tiền, mà đào tạo con người. Và cuối cùng, mình cũng bỏ công sở mà tự theo đuổi nghiệp dạy học.
Mình tin vào giáo dục, sự giáo dục con người đích thực, sự giáo dục tâm hồn. Khám phá minh triết và chiều sâu trong mối quan hệ con người là hai thứ mình yêu trong nghề giáo.
Nhiều người cứ trăn trở về việc chuyển nghề hay ở lại với nghề, rồi căng thẳng. Chừng nào mà bản ngã của chúng ta còn phải lý luận để bỏ nghề này theo nghề khác, thì thế nào cũng đến ngày chúng ta cũng sẽ phải biện luận để vượt qua khủng hoảng tâm lý của nghề nghiệp đó.
Chúng ta có thấy rằng, linh hồn đã chọn năng lượng của chúng ta khi đầu thai, rồi năng lượng ấy lại quyết định cách chúng ta sống và cách chúng ta làm việc. Và thế là, chúng ta bị đẩy vào một nghề, chứ không chọn nghề. Nghề là thứ có sẵn trong máu của chúng ta. Một việc mà là xuất phát từ bản chất con người của chúng ta sẽ nảy nở tự nhiên, khi đến ngưỡng. Làm trái tự nhiên, làm trái với tâm hồn là việc rất khó.
Nếu bản chất là ai, thì chúng ta sẽ sống như thế, và dù làm gì, chúng ta cũng bộc lộ bản chất của chúng ta và học điều chúng ta cần học. Nghề là cái trái tim chúng ta quyết định và là cách mà chúng ta làm việc, chứ không phải chức danh công việc hay tên gọi xã hội của công việc. Dù chúng ta có đổi bao nhiêu nghề nghiệp xã hội và qua bao chức danh, cách thức làm việc vẫn được quyết định bởi mức độ tâm thức và bản chất con người của chúng ta. Cách thức làm việc mới chính là điều cần hoàn thiện.
Nếu bạn làm 10 năm một nghề mà bạn không chạm được vào cái cốt tủy của nghề, và bạn không có được cả cảm giác thành công lẫn các trải nghiệm thác ghềnh với nghề, thì bạn có thể nên thay đổi. Cảm giác bươn trải và cảm giác thành công là điều mà một người biết trong tim mình, không phải lý luận rằng thế này là thành công, mà thế kia là không. Nghịch lý là người càng thành công thì càng dễ buông bỏ nghề này mà theo nghề khác, vì họ đạt được sự nhận biết rằng điều thực sự đằng sau sự thành công của môt nghề nghiệp là tính cách con người, là năng lượng và động lực cốt lõi của sự phát triển bản thân.
Chúng ta chỉ có thể dạy cho người khác một thứ mà chúng ta yêu đương, nhảy múa, tìm tòi và bạn phát triển cùng với nó. Và khi có tình yêu, sự đam mê, sự khám phám, sự sáng tạo, sự trưởng thành với một nghề, dù chúng ta không dạy, vẫn sẽ có người học hỏi được rất nhiều từ chúng ta.