Một tuần hương là thời gian để một nén hương cháy hết. Thông thường khi thắp hương luôn thắp ba nén hương cùng lúc, và thời gian để ba nén hương đó cháy xong vẫn là một tuần hương.
Hương cháy nhanh hay chậm phụ thuộc vào
– Loại hương mua nhỏ hay to, ngắn hay dài
– Lễ cúng cần bao lâu, thì hương cũng phải cháy chính xác khoảng thời gian từng ấy.
Đó là lý do, cùng một loại hương, nhưng thắp trong các lễ khác nhau thì có lễ hương cháy hơn một giờ, có lễ hương cháy chỉ khoảng 20 phút. Để đơn giản hãy mua loại hương dài trung bình.
Trong tuần hương, xảy ra các hiện tượng liên quan đến chữ tuần
– Tuần hành các tinh thần qua cổng ví dụ cổng đất hoặc công giao thừa
– Tuần tiễu bảo vệ ví dụ bảo vệ biên đất và bảo vệ cổng
– Tuần tra giám sát ví dụ giám sát đối tượng tham gia buổi lễ và trật tự buổi lễ
Ví dụ Tết càng đông gia tiên về thì hương Giao thừa cháy càng lâu, vì Gia tiên phải đi qua cổng Giao thừa theo thứ tự, lúc đi qua Gia tiên còn phải kiểm tra khóa dòng máu và xứ sở, nhận trật tự cây dòng họ với gia chủ, đổi mã khoá, gửi tiền lì xì cho gia chủ … Nếu gia chủ lúc đó không đứng thẳng hoặc ngồi yên ổn trước mâm cúng mà lại nhấp nhổm hoặc chạy lung tung hoặc buôn dưa lê hoặc xem điện thoại hoặc làm việc riêng thì đoàn tuần hành sẽ bị rối loạn thậm chí ngừng luôn.
Nói chung chủ lễ nào thực sự mời được gia tiên và thần linh về thì gia chủ sẽ tự tập trung được lúc thắp hương, còn chẳng có gia tiên và thần linh nào về, thì mọi thứ diễn ra vèo vèo, chả đọng lại điều gì.
Người làm lễ có tâm thì xảy ra bao nhiêu chuyện khó lường, tưởng là trục trặc nhưng bản chất là mọi thứ đang vận hành thì mỗi tương tác và va vấp đều mang ý nghĩa sâu sắc. Người làm lễ vô tâm thì lễ diễn ra hanh thông, vô hồn theo công thức và văn khấn mẫu, nhưng mà là hanh thông vô nghĩa.
Có một lần tôi làm một con gà trống cúng ở nhà bố mẹ mà thắp hương 90 phút vẫn còn phần hương chưa cháy vẫn dài bằng ngón tay, như vậy nó phải cháy thêm ít nhất khoảng 30 phút nữa mới xong. Mọi người giục giã mang gà xuống ăn, người bảo quá giờ ăn quá lâu rồi, người bảo chỉ cần cháy nửa chỗ hương là hạ lễ được rồi. Nói đi nói lại mệt mỏi quá, tôi quyết định về nhà mình, để ở nhà bố mẹ mọi người muốn hạ lễ và ăn con gà thế nào là tuỳ. Mọi người ăn con gà rồi chê ỏng eo là gà già. Rõ ràng là con gà chưa đủ độ chín để hạ lễ đã muốn ăn, thì thịt chắc chắn sẽ dai. Ăn miếng gà cúng dai là phải biết rằng mình đã làm việc chưa chín.
Trong buổi lễ, tôi đã nhắn với gia tiên là giao thừa tôi xin vắng mặt ở nhà bố mẹ để có mặt ở nhà tôi, tôi xin cúng con gà đó trước. Các cấp độ thần linh và gia tiên tham gia buổi lễ sẽ tương ứng với cấp độ chủ lễ, cho nên, giao thừa tôi vắng mặt thì những việc nào, những gia tiên nào về được trong lễ này sẽ về luôn, chỉ để lại các công việc cơ bản nhất và bắt buộc cho lễ giao thừa. Thế là buổi lễ báo cáo vắng mặt giao thừa theo ý định đơn giản ban đầu của tôi biến thành buổi lễ giao thừa sớm. Trong điều kiện không thuận lợi, nên hương cháy lê thê, vì gia tiên về quá vất vả và buổi lễ chưa xong thì đã bị dừng mất rồi.
Người không để ý thắp nén hương rồi đi thẳng nên chẳng biết lâu hay nhanh, có người còn quay lại để kiểm tra hương hết chưa để hạ lễ, có người để hương muốn cháy bao lâu thì cháy, ai muốn hạ lễ lúc nào thì hạ.
Nếu chúng ta tự mua hương, tự thắp hương, tự đợi hương tàn và tự hạ lễ, chúng ta sẽ nhận ra thời gian chênh lệch kỳ lạ giữa các lần thắp hương cho các lễ cúng khác biệt. Tự làm sẽ tự hiểu.
Người bình thường như chúng ta không thể nhìn được trong buổi lễ cái gì diễn ra và người có năng lực nhìn cảnh giới khác không phải cái gì cũng nên tọc mạch nhìn vào, mà trách nhiệm của người làm lễ là hãy đợi cho nhang cháy hết mới hạ lễ. Đó là tín hiệu vật lý mà người bình thường không ai không quan sát được và chỉ cần có chút tâm tôn trọng cái tín hiệu này để buổi lễ diễn ra từ đầu đến cuối.
Có người lại bảo rằng vào chùa thắp nhang có bao giờ đứng đợi cho nhang cháy hết đâu ? Bởi vì mình không phải là chủ lễ và không dâng mâm cúng khi thắp nhang ở chùa, nên đương nhiên mình đâu có cần hạ lễ. Còn nếu mình đến chùa làm lễ cầu siêu cho gia tiên hay đến đình làng làm lễ gì đó, thì mình có thắp hương rồi bỏ đi luôn đợi hương cháy xong mang lễ về nhà mình không ?
Một năm và một đời người không có quá nhiều cái lễ mà mình làm chủ lễ mà phải tự đợi hương cháy hết đâu. Lễ cúng giao thừa là một ví dụ tiêu biểu. Không có ai đốt hương trên mâm cúng giao thừa, rồi đi ngủ sáng mai dạy hạ lễ cả. Còn các ngày Tết thắp hương trên ban thờ thì không cần phải đợi như vậy.
Thắp hương thế nào là một thứ cơ bản của lễ mà chúng ta đều biết “tiên học lễ, hậu học văn”. Đừng mời thày bày lễ, đừng đọc văn khấn mẫu mà chỉ cần tự mình thắp hương và tự mình đứng yên đợi hương cháy hết vì văn chính là khói hương và tấm lòng là mực. Biết sao thì chân thành làm y như vậy là giữ được chân hương.
Đời người cứ sống thong thả, đặc biệt mấy mâm cúng Tết, hương còn thì đứng lễ mà hương hết thì hạ lễ. Hương cháy lâu hơn bình thường, đừng sốt ruột mà nên lấy làm mừng, vì tuần hương ngắn dài là theo tấm lòng của người làm lễ và theo số lượng cùng cấp độ các tỉnh thần tham gia.