MỘNG OÁN ÂN HỒ ĐIỆP
—o—o—o—
Một đêm mình mơ thấy Ân Vương và Thôi Vỹ, hai nhân vật trong truyện Giếng Việt của Lĩnh Nam Chích Quái, mà liên quan đến Diêm Vương và Long Vương, các vị thần duyên tình ân oán.
Diêm Vương cho mình nhìn lại những giấc mộng thầm kín trong lòng mình bao năm qua mà mình đã quên hết hoặc không biết là có chúng. Những giấc mộng trong đời mình lướt qua như phim hài dài tập.
Hoá ra ai cũng có giấc mộng thầm kín về duyên số trời định và trả ân báo oán, đôi khi rất hoang tưởng hoặc ngây ngô buồn cười.
Một anh hay ăn chay và mua cá phóng sinh, một chị hay niệm Phật đọc kinh, một cô hay làm từ thiện, một bác hay tham gia bảo vệ môi trường, ai cũng cho rằng mình đã tạo ra nhiều ân đức. Câu hỏi là ai nhận và phải trả lại ân đức to lớn của các anh chị cô bác này ?
Loài cá có nhận ân cứu mạng từ những người ăn chay không ? Không, những người này đâu có cứu mạng chúng, ăn chay là ăn chay, cứu mạng là cứu mạng. Con cá có nhận ân cứu mạng từ người phóng sinh không ? Không, vì người phóng sinh làm gì có cái ân đó để cho.
Càng nhiều cá được thả trong các phong trào phóng sinh thì cá bị bắt và bị chết càng nhiều. Cá không oán người đánh cá, vì đó là nghề nghiệp kiếm sống của họ, như trong tự nhiên con này ăn con kia để tạo thành chuỗi thức ăn. Người phóng sinh mua cá mà không cần ăn cá, đã phá hoại sự cân bằng bên trong chuỗi thức ăn tự nhiên, và sẽ phải trả cái oán sinh ra từ sự phá huỷ luật tự nhiên này.
Đừng ra chợ mua cá phóng sinh, rồi mơ tưởng nó sẽ trả ân bằng ba điều ước như chuyện xảy ra trong cổ tích “Ông lão đánh cá và con cá vàng” hoặc nó sẽ đưa chúng ta xuống gặp vua cha Thuỷ Tề để nhận sách ước như chuyện xảy ra với đức thánh Tản Viên.
Tưởng tượng rằng
– chúng ta lái thuyền ra biển khơi mênh mông ngắm cảnh 1 vạn lần,
– rồi trong 1 vạn lần đó, có 1 nghìn lần chúng ta vô tình gặp cá,
– trong 1 nghìn con cá ấy, có 1 trăm con cá vô tình mắc nạn cần cứu giúp,
– và trong 1 trăm con cá ấy, chúng ta vô tình cứu được 10 con cá,
– lại trong 10 con cá ấy, 1 con vô tình là con vua Thuỷ tề,
– và 1 con cá thần ấy lại vô tình chỉ còn 1% năng lực thần thông khi gặp chúng ta để cần người bình thường siêu lởm như chúng ta cứu, rồi khi cần báo đáp ân cứu mạng của chúng ta thì nó lại vô tình khôi phục được 100% năng lực cá thần.
Mọi thứ phải xảy ra hoàn toàn vô tình thì duyên nghiệp oán ân mới vận hành một cách tự nhiên và cân bằng, còn ai cố tình tạo ân và để lại được trả ân gấp nhiều lần, còn ai cố tình kết oán và muốn báo oán gấp nhiều lần, thì họ đã vi phạm luật tự nhiên, và chắc chắn sẽ chỉ tự gây hoạ cho chính mình.
Người nghèo có nhận ân cứu đói từ người làm từ thiện không ? Không, vì người làm từ thiện chả từ cũng chả thiện. Người nghèo lấy gì ra mà trả ân đức của người làm từ thiện, người làm từ thiện biết rõ như thế, nên một số người phải tính trăm phương ngàn kế để được lại trả ân đức ấy gấp trăm, gấp vạn lần thông qua những cách khác nhau. Những người cố tình tạo ra một con đường gia ân và báo ân giả tạo thông qua từ thiện đều đang tích oán hơn là tạo ân.
Môi trường có nhận ân đức từ bác tham gia bảo vệ môi trường không ? Chắc là có nhưng không biết môi trường cụ thể là cái gì và môi trường trả ân đức cho bác thế nào. Ngoài ra, sợ rằng cái oán của phá hoại môi trường, mà diễn ra từng ngày từng giờ vẫn vượt quá xa với cái ân của bảo vệ môi trường, mà thỉnh thoảng mới có.
Ai nhận ân đức của cô hay ăn chay niệm Phật đọc kinh ? Chắc chỉ có cô mới biết.
Trên mạng có rất nhiều phim mộng duyên tình oán ân đại loại như sau : Trong 100 triệu người Việt đi đường, có xác suất 1 người bị đau tim khi đang đi một mình. Trong 100 triệu người Việt, có xác suất 1 người là tỷ phủ. Thế mà hôm nay đi ngoài đường, tôi lại vô tình gặp một ông tỷ phú đi một mình ngoài đường và bị đau tim. Tôi vội vàng cứu ông ấy. Trong 100 tỷ phú, có xác suất 1 phần 1 triệu có con trai đẹp trai, độc thân, ế vợ. Thế mà, cái ông tỷ phú tôi cứu lại là có con trai như thế. Ông ấy vội vàng nhận tôi làm con dâu để trả ân. Trong 100 công tử tỷ phú, có xác suất 1 phần 1 triệu công tử vâng lời mẹ. Thế mà cái anh công tử bị cha bắt phải lấy tôi lại là người như thế.
Đây là mộng hồ điệp, nghĩa là trùng trùng điệp điệp những chuyện gia ân và báo ân, kết oán và báo oán, tình yêu ăn khớp nhau một cách hy hữu như bị dán hồ từ trước.
Không phải cứ muốn mộng thế nào cũng được, vì mộng là một sự khớp đúng và cân bằng âm dương.
Hôm qua, Diêm Vương cho mình làm bài tập mộng trong giấc mơ.
Một hàng xóm hay lấn chiếm đất nhà mình, khi bị mình nhắc nhở lại còn cãi lý và sẵn sàng gây sự. Mình có hai lựa chọn
– 1. Mình có thể lựa chọn quan hệ hai bên là ân. Mình gia ân bằng cách tự nguyện cho hàng xóm sử dụng đất đai của mình. Để đây là hành động gia ân khi mình tự nguyện và có thiện chí với việc này. Hàng xóm nên có ý thức nhận và trả cái ân này và chỉ nên sử dụng đất đai đến mức độ mà mình còn tự nguyện và còn thiện chí. Tuy nhiên hàng xóm cho rằng hàng xóm có quyền với đất, và bên đó mới có ân với mình, còn mình là loại gây sự và vô ân.
– 2. Mình có thể lựa chọn quan hệ hai bên là oán. Xác định rõ ràng rằng mình có oán với hàng xóm, và mình có thể báo oán, nhưng báo oán thế nào cho hợp lý và dễ dàng, thì mình rõ ràng không làm nổi và cũng không muốn làm.
Ân oán đều không giải quyết được, thế là mình mộng thấy hàng xóm ra đường chen lấn, cãi lý và gây sự với du côn, rồi bị du côn đánh cho một trận, thật là hả lòng hả dạ.
Trong giấc mơ, Diêm Vương nhắc nhở mình rằng
– Ân có chủ, oán có đầu, ân oán giữa mình và hàng xóm không liên quan đến du côn.
– Hàng xóm đánh nhau với du côn thì cứ đánh, mà hàng xóm lấn chiếm nhà mình thì cứ lấn chiếm.
Kết luận : Mộng không giải quyết được ân oán, lại còn lôi thêm người không liên quan.
Mình lại nghĩ hãy mộng thật lớn lao, thật triệt để, rằng hàng xóm đi đường tự đâm vào cái cây, bị thương nặng, rồi để có tiền chạy chữa, phải bán nhà đi ở chỗ khác. Chuyện lấn chiếm được giải quyết hoàn toàn, thật là hả lòng hả dạ.
Trong giấc mơ, Diêm Vương lại nhắc nhở mình rằng
– Ân và báo ân, oán và báo oán phải cân bằng. Oán nhỏ mà đòi báo oán quá nặng, thì oán chồng chất oán.
– Cái cây không có thù oán với mình, sao mình lại muốn mượn tay cái cây để báo oán cá nhân của mình với hàng xóm, điều này nghĩa là mình đang tự kết oán thêm với cái cây và mình có thể sẽ là người gặp tai nạn đó chứ không phải là hàng xóm, người không có oán thù nào với cái cây
Kết luận : Oan oan tương báo, quá nhiều sân hận.
Truyện Giếng Việt : “… Vỹ tới nhà Nhâm Ngao chữa bệnh, bướu liền tiêu tan. Ngao cả mừng, nuôi Vỹ làm con nuôi, mở trường cho Vỹ học. Vỹ là người thông minh, thích gảy đàn. Con gái Ngao là Phương Dung thấy Vỹ thì phải lòng, bèn cùng tư thông. Con trai Ngao là Nhâm Phu biết chuyện, muốn giết Vỹ, đem Vỹ tế thần Xương Cuồng, bèn dỗ rằng: “Cuối năm phải lễ thần Xương Cuồng mà chưa có người làm đồ lễ cúng. Hôm nay không nên đi ra ngoài, nên ẩn vào phòng để tránh”. Vỹ vô tình nghe theo, Nhâm Phu bèn khóa cửa buồng. Phương Dung biết ý, ngầm lấy dao đưa cho Vỹ, Vỹ đào ngạch mà ra. … “Ngày mồng 3 tháng giêng, người phương Bắc là Nhâm Ngao đã bị thần Xương Cuồng đánh chết”.
Ân oán giữa các nhân vật của đoạn chuyện này như sau
– Vỹ có ân với Nhâm Ngao
– Nhâm Ngao trả ân
– Vỹ và con gái Nhâm Ngao có tình cảm
– Con trai Nhâm Ngao có oán với Vỹ, có thể vì cho rằng Vỹ đã lấy quá nhiều từ gia đình mình, nên muốn mượn tay thần Xương Cuồng để đoạt mạng Vỹ, nhằm báo oán
– Con gái Nhâm Ngao vì tình cảm cứu Vỹ
– Nhâm Ngao bị Xương Cuồng đánh chết
Vì con trai Nhâm Ngao muốn mượn tay thần Xương Cuồng để lấy oán báo ân với ân nhân của bố mình nên Nhâm Ngao phải đền mạng để cân bằng ân với Vỹ và oán với Xương Cường.
Mộng rằng mượn tay người thứ ba nào đó để hàng xóm phải gặp nạn lớn không mang lại ích lợi gì cho cá nhân mình, mà sẽ làm mình kích lên oán thù trực tiếp giữa mình với người thứ ba mà mình muốn mượn tay, và nếu mình cứ khăng khăng giữ lấy những mộng ước sân hận và muốn lôi người thứ ba vào kiểu này, thì oán sẽ sinh thêm oán và mình sẽ nhận lấy được báo oán tương ứng, .
Để giúp mình hoá giải bớt sân hận, Diêm Vương bèn cho mình biết một thông tin là gia tiên của hàng xóm có ân với mảnh đất này và ân ấy chuyển sang cho hàng xóm mình. Nếu hàng xóm dùng cái ân đó cũng đủ để sống yên ổn lâu dài ở đây, nhưng hàng xóm có xu hướng hành xử vượt quá biên, biên đất và cả biên ân đức mà người ấy được hưởng, nên sớm muộn sẽ có biến.
Với bất kỳ ai dù là hàng xóm hay mình, để sống được trên một mảnh đất cần rất nhiều ân đức. Khi ân đức đã hết thì không được trên đất nữa. Khi ân đức này suy giảm, thì càng sống lâu càng suy kiệt. Khi ân oán trộn lẫn, sống trên đất mà không yên. Cho nên ai muốn sống lâu dài trên đất đều phải vun đắp ân đức và chuyển hoá được oán thù với đất và người sống trên đất.
Truyện Giếng Việt : “Đi gấp lên trên núi, Vỹ lỡ chân rơi xuống hang sâu, chung quanh đều là vách đá, không có bậc lên. Ở trên có một hòn đá, thạch nhũ rủ xuống bàn đá, có một con rắn trắng mình dài trăm trượng, mào vàng, miệng đỏ, râu đỏ, vảy trắng, dưới cổ có cái bướu, trên trán có dòng chữ vàng đề “Ngọc Kinh Tử Xà”. Rắn ra ăn thạch nhũ, để lại bàn đá trống không, thấy Vỹ ở trong hang thì định nuốt. Vỹ kinh sợ, sụp lạy mà nói: “Tôi đi tránh nạn, rơi xuống dưới hang này, không có gì ăn, đói dạ nên phải ăn vụng, thực là đắc tội. Nay thấy dưới cổ ngài có cái bướu thịt, tôi có lá ngải để trị bệnh này, xin khoan tha cho tôi để tôi thi thố tài mọn”. Rắn ngẩng đầu xin cứu. Bỗng thấy ánh lửa sáng, một mảnh than rơi xuống hang. Vỹ lấy lửa mà cứu, bướu lập tức tiêu tan. Rắn quẫy mình tới trước mặt Vỹ như có ý bảo Vỹ cưỡi lên lưng. Vỹ cưỡi lên, rắn bèn tức thì đưa Vỹ ra khỏi hang. Đúng canh một thì lên tới cửa hang, nhìn không thấy ai qua lại, rắn bèn vẫy đuôi bảo Vỹ xuống, sau đó rắn lại trở vào trong hang.”
Ân oán giữa các nhân vật của đoạn chuyện này như sau
– Vỹ muốn vào hang, ở trong hang, hay ra khỏi hang đều không thể kết oán với chủ nhân của cái hang là con rắn, nhưng Vỹ đã tự rơi vào hàng không thoát ra được nghĩa là đột nhập trái phép lại còn ăn trộm đồ ăn của rắn, nên bị rắn oán.
– Vỹ giải thích là Vỹ chỉ vì bản năng sinh tồn mà đắc tội chứ không hề muốn làm những việc này nên xin được chữa bệnh cho rắn, nghĩa là xin được chuyển oán thành ơn
– Rắn đồng ý, buông luôn oán thù trước đi, mà chuyển sang thái độ của người muốn được nhận ơn từ Vỹ.
– Hai bên vì đồng lòng, nên trời ban cho lửa sáng để Vỹ chữa được bệnh cho rắn, Vỹ đã trả được ơn bữa ăn của rắn bằng cách cứu bướu cho rắn
– Rắn lại trả ơn Vỹ bằng cách đưa Vỹ lên khỏi hang
Như vậy, rắn và Vỹ đều đã chuyển được oán thành ân, có ân với nhau và trả ân được cho nhau.
Mình so với con rắn này thật đáng xấu hổ. Minh có cơ hội cho hàng xóm một cái ân nhỏ, những mình biến nó thành cái oán lớn.
Tỉnh dạy khỏi giấc mơ, mình hiểu rằng người hàng xóm trong mơ có thể là bất kỳ ai mà mình sẽ gặp trong đời này, mà thay vì để dòng chảy của ân được vận hành giữa mình và họ một cách tự nhiên, thì mình lại tự chuốc lấy oán thù sân hận. Mình cần học chuyển hoá oán thù, học gia ân như Thôi Vỹ, để luật tự nhiên tự nó cân bằng. Mình cần học buông bỏ oán thù và trả ân như Ân Vương, để sống có nhân, có nghĩa. Người như Ân Vương mới thực là thần, người như Thôi Vỹ mới thực là tiên.
Đọc lại truyện Giếng Việt một lần nữa, mà cảm thấy thấm thía vô cùng về bài học oán ân mà ông cha đã dạy.