MANG THẦN : THẦN CÂU MANG & THẦN CÂU LONG

Loading

MANG HIỆN
Bao giờ Mang hiện đến ngày
Cày bừa cho chín, mạ này đem gieo
Bài ca dao trên nói về việc cầy bừa và gieo mạ.
“Mang hiện” cũng có thể là lúc Sao Mạ xuất hiện trên bầu trời vào thời vụ gieo mạ lúa mùa chính vụ. Sao Mạ hay sao Vua, sao Rua, sao Tua Rua là tên tiếng Việt của cụm sao phân tán M45 trong chòm Kim Ngưu (Taurus). Trong bầu trời đêm thì mắt thường có thể nhìn thấy chín ngôi sao sáng nhất của cụm sao này, vì thế trong dân gian mới có câu “Sao Tua (Vua) chín cái nằm kề”.
— Tua rua đi rắc mạ mùa
Tiểu thử đi bừa, cày ruộng rất sâu
—o—
Tua rua đi rắc mạ mùa
Tiểu thử đi bừa cấy ruộng nông sâu
Hàn lộ lúa trổ bằng đầu
Lập đông ta quyết về mau gặt mùa.
—o—
Tua rua một tháng mười ngày
Cấy tróc vùng cày cũng được lúa xơi
—o—
Bao giờ nắng rữa bàng trôi
Tua rua quắt lại thì thôi cấy mùa
—o—
Tua rua thì mặc tua rua;
Mạ già, ruộng ngấu không thua bạn điền
—o—o—o—o—o—
THẦN CÂU MANG
Sao Mang và gieo mạ liên quan Mang thần, vị thần của mùa xuân và sự đâm chồi nảy lộc, thường được mô tả dưới hình dáng chú bé chăn trâu, đứng cạnh con trâu, cả hai đều đắp bằng đất.
Theo sách “Lĩnh Nam chích quái” thì Mang Thần, hay Thần Câu Mang coi về mưa xuân, từ đó làm lễ vào mùa xuân, đem trâu đến nạp đền thờ.
Thực chất đây là một bộ thần gồm có cả nam thần và nữ thần,
– Chúa Xuân, vị nữ thần của mưa xuân (mang tính Thuỷ)
– Nam thần cai quản mùa xuân và sự đâm chồi nảy lộc của cây cối (mang tính Mộc)
– Nam thần, có biểu tượng là chú bé chăn trâu, hay Mang Thần đứng cạnh một con trâu, cả hai đều được đắp bằng đất (mang tính Thổ)
Thần Câu Mang cũng có nhiều xưng danh khác nhau như
– Câu Mang Đại Vương
– Câu Mang Thần Quân
– Câu Mang Thần Nữ, tức Chúa Xuân
—o—o—o—o—o—
LỄ TIẾN XUÂN NGƯU
Lễ Tiến Xuân Ngưu : Tục thờ Mang thần rõ nét nhất trong đến Lễ Tiến Xuân Ngưu được tổ chức vào ngày Lập Xuân ở Thăng Long vào thời Lý, Trần, Lê, Trịnh và ở Huế vào thời Nguyễn
– Năm 1048, vua Lý Thái Tông “cho lập Xã Đàn ngoài cửa Trường Quảng để làm nơi bốn mùa cúng lễ, cầu được mùa”.
– Vua Lý Anh Tông (1138-1175) đã ban lệnh thờ cúng thần Câu Mang (Mang thần) là vị thần coi sóc về mùa xuân, mùa màng và chuyên lo việc làm mưa; đồng thời lễ cúng Thần phải có một con trâu làm bằng đất (Xuân ngưu).
– Thời Hậu Lê có thêm nghi thức “Đả Xuân ngưu” trong lễ Tiến Xuân Ngưu và ngoài trâu đất còn có thêm tượng thần Câu Mang trong hình dáng một chú bé mục đồng, làm bằng đất.
– – – Theo quy định, lễ này được thực hiện vào ngày Lập xuân do Bộ Lại vâng lệnh Vua tiến hành ở triều đình; còn tại các địa phương thì do quan cai trị ở đó thực hiện. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Nhà sử học Phan Huy Chú cho rằng, tục này có từ thời Lê Trung hưng, còn từ trước đó thì không có tài liệu nào ghi chép lại. “Hằng năm, đến tháng 11, Tư Thiên Giám tâu ngày tháng nào là tiết Lập xuân và kê cả kiểu mẫu làm Xuân ngưu, giao cho Bộ Công sai Thường Ban Cục làm. Trước tiết Lập xuân 1 ngày, buổi chiều, Thường Ban Cục đem con trâu nặn bằng đất đến đàn tế ở phường Đông Hà. Quan Phủ doãn và hai quan làm lễ xong thì sai phường dân rước đến đàn ở phường Hà Khẩu. Đến hôm sau rước đi sớm thì Phủ doãn và các quan huyện đều lấy cành dâu đánh con trâu đất, đem vào sân điện (sân rồng của Vua) làm Lễ tiến Xuân ngưu. Các vị công, hầu, bá và các quan văn võ dâng chỉ Chúa, đều đủ phẩm phục vào triều làm lễ. Lễ xong, quan Tư lễ giám bưng cái án để Xuân ngưu ở trước ngực, đưa sang tiến ở phủ Chúa”, theo ông Phan Huy Chú. Nhà sử học cũng giảng giải thêm ý nghĩa của lễ này: “Xét thiên Nguyệt Lệnh nói: Tháng quý đông làm con trâu bằng đất để tống khí lạnh, vì tháng ấy là tháng Sửu, sửu là trâu, đất thì ngăn nước, cho nên làm con trâu bằng đất để át khí lạnh. Các đời cứ dùng theo nghĩa ấy, cho nên mới có Lễ tiến Xuân ngưu, mà ban cho các quan là để cùng nhau tống khí lạnh đi”.
– – – Sách Lê triều hội điển thì viết cụ thể việc làm Xuân ngưu và đồ tế thần Câu Mang như sau: “Về lệ Xuân ngưu tiết Lập xuân hằng năm. Vào triều Nguyễn (1802-1945), trong cuốn Minh Mạng chính yếu có ghi tục lễ Đàn tế trâu, quay theo hướng chính Đông, ứng với mùa xuân. Nửa đêm, một số viên quan được lệnh làm lễ, Trâu được đặt ở sân Đan Trì trước điện Kính Thiên để vua và quần thần làm lễ. Kết thúc các nghi thức, tượng trâu được mổ ra làm nhiều phần, Nhà vua phân phát cho các quan dự tế và các đền miếu trong kinh thành. Số tượng trâu loại nhỏ mang sang phủ Chúa Trịnh để Chúa phân phát cho những quan chức, quân lính mang ý nghĩa cầu may, mong sao cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống dân chúng no ấm”.
– Vào thời nhà Nguyễn, hằng năm, triều đình và nhân dân có tục rước thần Câu Mang tượng trưng bằng đứa trẻ chăn trâu đứng cạnh con trâu. Năm nào được mùa thì đứa trẻ đi bằng cả hai chiếc giày, năm nào mất mùa thì chỉ đi một chiếc giày. Các triều vua Nguyễn đều tổ chức tế và rước con trâu và Mang thần bằng đất. Tuy nhiên, từ triều vua Khải Định trở về sau con trâu và đứa trẻ chỉ vẽ vào vải để tế và rước.
—o—o—o—o—o—
ĐỀN THỜ & SỰ TÍCH THẦN CÂU MANG
Thần Câu Mang được thờ nhiều ở các làng xã nông nghiệp trong vùng đồng đồng bằng châu thổ sông Hồng, đặc biệt ở xứ Đông và xứ Nam (Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình)
– Đền Văn Xá, xã Nhị (Nhuỵ) Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đền Văn Xá nằm bên sông Tô Lịch, thờ Câu Mang Thần Nữ, tức Chúa Xuân, sau đổi thành Hoàng Đông Công Chúa. Vào thời vua Lý Anh Tông gặp lúc trời đại hạn, đã làm lễ cầu mưa để cứu dân. Câu Mang Thần Nữ là vị thần làm mưa.
– Ở Đình Ứng Thiên – đền Hậu Thổ ở Hà Nội thờ thần Câu Mang Thần Quân.
– – – Đình Ứng Thiên là đình thôn Láng Hạ cũ, ở ngõ 151 Láng Hạ, thuộc quận Đống Đa, TP Hà Nội. Đình nằm bên sông Tô Lịch có nguồn gốc từ ngôi đền Hậu Thổ, còn gọi đền Nhà Bà. Nơi đây xưa thuộc trại An Lãng, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, ở phía nam kinh đô. Cuối thế kỷ XIX trại An Lãng cắt về tổng An Hạ, huyện Hoàn Long, tỉnh Cầu Đơ (sau đổi là Hà Đông).
– – – Đền Hậu Thổ tương truyền có từ đời vua Lý Thánh Tông (khoảng 1069–1072). Theo sách “Việt điện u linh tập”, đức vua đi thuyền chinh nam gặp sóng lớn, được thần báo mộng giúp vượt qua Cửa Hoàn. Sáng ra vua sai tìm trên bờ thì được một khúc gỗ rất giống hình người trong mơ, liền đặt tên là “Hậu Thổ phu nhân”. Sau khi thắng trận và bắt được vua Champa là Chế Củ, vua đem tượng về kinh đô thờ cúng.
– – – Sách “Đại Việt Sử Lược” viết: năm Chính Long Bảo Ứng thứ 9 (1171) vua Lý Anh Tông sai sửa sang đền Hậu Thổ. Đến thời Trần Anh Tông, gặp lúc hạn hán vua bèn dựng đàn cầu đảo, thần báo mộng rằng: “Bản đền có Câu Mang Thần Quân có thể làm mưa được”. Nhà vua tỉnh dậy sai quan hữu ty đến làm lễ. Quả nhiên mưa lớn tràn ruộng, vua bèn ban sắc phong là “Ứng Thiên Hậu Thổ phu nhân”. Sau lại tôn phong là “Ứng thiên Hoá dục Nguyên trung Hậu Thổ Địa kỳ Nguyên quân”.
– Đình Văn Xá, Bình Lục, Hà Nam thờ nhị vị Thủy tề Long vương cùng song thân. Thần phả, sắc phong và truyền thuyết kể rằng
– – – Vào đời vua Lý Thái Tổ, ở Văn Xá, huyện Thanh Liêm có ông Cao Phúc kết hôn với bà Từ Thị Lang ở Văn Xá, huyện Nam Xang. Hai ông bà tuổi cao mà vẫn chưa có con. Một hôm, hai ông bà vớt được hai quả trứng trắng ngoài sông bèn đem về, 100 ngày sau nở ra 2 con rắn trắng, một con dưới bụng có chữ Câu Mang anh, một con có chữ Câu Mang em. Hai ông bà để nuôi và thương yêu như con đẻ.
– – – Một năm ở Thanh Liêm trời làm dịch bệnh, hai ông Cao Mang làm mưa to gió lớn tẩy trừ dịch bệnh cho dân rồi làm ra một cái giếng sâu và đi mất. Tương truyền, cái giếng này ở Văn Xá, Nam Xang có mạch thông sang Văn Xá, Thanh Liêm. Dân Văn Xá, Thanh Liêm lập miếu thờ.
– – – Cũng năm đó lũ to làm đê vỡ, hai ngài Bạch Xà từ giếng ra, đầu gối bên này, đuôi chạm bên kia nằm chắn khúc đê vỡ để ngăn dòng nước chảy, sau hai ngài lại ra sông đi mất. Quan sở tại tâu lên triều đình, nhà vua phong cho hai ngài là Nhị vị Thủy tề Long vương, thân phụ là Văn Phúc đại Vương, thân mẫu là Từ bà Văn Lang công chúa.
– – – Năm sau ở Nam Xang lại có dịch bệnh. Từ bà hóa thành con nghê tới làm phép chữa bệnh cho dân. Dân Nam Xang lập miếu thờ. Đến đời vua Lê Thái Tổ, sứ quân đi trừ đảng cướp ở Nam Xang. Khi qua Cầu Không, có nghỉ một đêm tại miếu làng Văn Xá. Đang đêm có một tiên nữ báo mộng là sẽ giúp sứ quân tiêu trừ đảng cướp. Sau khi dẹp yên đảng cướp, sứ quân tâu lên triều đình sửa sang thành đình làng, lại phong là Thượng đẳng phúc thần. Từ đó trở đi, dân thôn Văn Xá, Văn Lâm kết tình tương thân tương ái.
—o—o—o—o—o—
THẦN CÂU MANG & VÒNG XOAY ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH
Sư tích thần Câu Mang ở các nơi đều liên quan đến chuyển hoá năng lượng trong vòng âm dương ngũ hành tương sinh tương khắc.
– Sự tích Thần Cầu Mang làm mưa khi nắng hạn và Chúa Xuân liên quan đến Thuỷ khắc Hoả và Kim sinh Thuỷ
– Sự tích Thần Câu Mang làm đê chắn lũ, liên quan đến Thổ khắc Thuỷ và Hoả sinh Thổ
– Sự tích Thần Câu Mang chữa bệnh cho dân bằng cách phép màu như phép màu làm mưa to gió lớn liên quan đến năng lượng rồng làm mưa, Hoả Thuỷ hay Câu Long
– Sự tích Thần Câu Mang qua con nghê làm phép chữa bệnh cho dân mang tính Mộc Thổ
Như vậy về cấu trúc và vận hành của thần Câu Mang là cực kỳ phức tạp vì liên quan đến vòng âm dương ngũ hành tương sinh tương khắc. Ví dụ
– Trong ngũ hành tương sinh thì Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc, nhưng Kim lại trực tiếp khắc Mộc
– Trong ngũ hành tương khắc thì Mộc khắc Thổ, và Thổ lại khắc Thuỷ, nhưng Mộc sinh Hoả, rồi Hoả sinh Thổ, sau đó Thổ lại sinh Kim và Kim Lại sinh Thuỷ
—o—o—o—o—o—
THẦN CÂU LONG & VÒNG XOAY THỜI GIAN
Nếu như Thần Câu Mang liên quan đến chuyển hoá năng lương âm dương ngũ hành trong không gian và trong các sự sống đặc biệt cây cối, thì Thần Câu Long mang năng lượng Kim Mộc kết hợp Chim Phương (nữ) và Rồng (nam), liên quan đến chuyển hoá năng lương âm dương ngũ hành trong vòng xoáy thời gian và xứ sở, liên quan đến
– Sư tích “Bóng câu qua cửa”
– Sự tích “Bích Câu kỳ ngộ”
– Sự tích thần sông Tô Lịch.
Ở Đền Bạch Mã, trấn Đông Thăng Long, thần Tô Lịch là rồng (Long) là nam nhưng thần Bạch Mã lại là nữ (Câu), kết hợp lại ra Câu Long. Phía Đông thành Thăng Long cũng là nơi ngầy xưa nghi lễ Tiễn Xuân Ngưu diễn ra, sau đó lễ mới được rước về điên Kính Thiên. Các rước lễ của các đình đền xưa của khu phố cổ cũng thường diễn ra như thế.
—o—o—o—o—o—
MANG THẦN
Mang Thần là vị thần rất lớn chủ về chuyển hoá âm dương ngũ hành trong không thời gian, mà mỗi sự tích, mỗi điểm thờ, mỗi lễ hội chỉ thể hiên một khía cạnh, một dạng năng lượng của ngài mà thôi.
Mang Thần nam còn được đến với xưng danh Mang Trọng, Mộc Chính, Mộc Đế.
Thần Câu Mang và Thần Câu Long là hai khía cạnh khác nhau của Mang Thần. Mỗi khía cạnh này lại liên tục chuyển hoá.
– Thần Câu Mang được coi là vị thần mùa Xuân liên quan đến việc cây cối đâm chồi nảy lộc và Mùa Xuân. Lễ Tiến Xuân Ngưu liên quan đến Lễ Tịch điền
– Thần Câu Long liên quan đến chuyển hoá bốn mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông và mùa màng
Cả hai vị thần này đều liên quan đến Thần Nông (hay còn gọi là Tắc Thần). Thần Nông cũng là người có đầu giống đầu bò, sừng nhọn, trán đồng, đầu sắt, đuôi bọ cạp, chân rết. Ghép các con vật này ra con nghê. Ngoài ra biểu tương của Thần Nông là đi cầy. Có thể thấy là một số sự tích Câu Mang phản ánh các tính chất của Thần Nông rất rõ.
Mang Thần là vị thần về chuyển hoá âm dương, sinh tử nên liên quan đến
– Nam Tào – Bắc Đầu : Nam Tào còn gọi là Thần Sinh. Bắc Đẩu là vị Thần nhiệm vụ ghi chép số tử.
– Nam Đẩu tinh quân – Bắc Đẩu tinh quân là các vị thần trông coi các ngôi sao trong hai chòm Nam Đẩu (gồm 6 ngôi sao) và Bắc Đẩu (gồm 7 ngôi sao). Ngoài ra còn có Nam Tào hay Nam Thập Tự là chòm sao với 4 ngôi sao.
Nam Tào – Bắc Đẩu không hề đứng hai bên của Ngọc Hoàng, như nhiều nơi bảo thế, chỉ là chúng ta đang ở trong văn minh Công Nguyên, văn minh của Ngọc Hoàng, nên vị thần nào cũng được cho là phải đứng vây quanh Ngọc Hoàng, trong khi nhiều vị còn to hơn cả Ngọc Hoàng hoặc chẳng liên quan gì đến Ngọc Hoàng cả. Ngọc Hoàng cùng Long Vương, kết hợp thành ông Công, thì mới đối xứng được với ông Táo, là Diêm Vương kết hơp với Tản Viên. Mang Thần và Thần Nông đều liên quan đến sự kết hợp của Tản Viên và Diêm Vương, nghĩa là rất lớn chứ không phải là quan của Ngọc Hoàng.
Ở Lục Đầu Giang, đền Nam Tào và đền Bắc Đẩu nằm ở phía Bắc và phía Nam đền Kiếp Bạc.
—o—o—o—o—o—
MANG THẦN – MỤC ĐỒNG
Biểu tượng Mang Thần là câu bé đứng cạnh con trâu vào tiết Lập Xuân liên quan đến bộ tranh mục đồng của dòng tranh Đông Hồ gồm các bức
– Chăn trâu thổi sáo : Hàng chữ của tranh nguyên bản là “Diệp cái hà thanh thanh” (một chiếc lá sen xanh che trời xanh), cũng có bản khác đề dòng chữ “Thiên thanh lộng địch suy” (trời xanh trong tiếng sáo).
– Chăn trâu thả diều : Hàng chữ của tranh là “Nhất rương phúc lộc điền” (cánh diều no phúc lộc)
– Chăn trâu đọc sách : Tranh có ba chữ Hán “Như quải giác” nghĩa là sừng trâu treo sách đi học. Trên cuốn vở cua chú bé có câu câu đối “Hoành ngưu bối. Tín khẩu suy”, dịch nghĩa “Sách để ngang lưng trâu. Miệng huýt sáo học bài”.
Bức Chăn trâu thổi sáo và Chăn trâu thả diều là một đôi, với hai hàng chữ trên hai bức tạo thành một cặp câu đối. Bức Chăn trâu đọc sách được treo riêng.
Biểu tượng Mang Thần liên quan đến biểu tương Chú Cuội ngồi gốc cây đa của Tết Trung Thu và bài vè nổi tiếng
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên
Ông thì cầm bút cầm nghiên
Ông thì cầm tiền đi chuộc lá đa
Thằng Cuội chết tối hôm
Đánh trống đánh phách đưa ma ra đồng
Chú Cuội Tết Trung thu, chú Cuội trên Mặt trăng, chú Cuội trong ca dao và cậu bé Chăn trâu trong tranh Đông Hồ cũng vẫn là Mang Thần.
Tại sao Mang Thần lại có nhiều biểu tượng đa dạng đến như vậy ? Bởi vì đây là vị thần chuyển hoá, mỗi một bước của chuyển hoá sẽ lại đưa đến những hình tương khác nhau. Tại sao Mang Thần lại được mô tả trong hình hài đứa trẻ chăn trâu ? Bởi vì còn trẻ là còn chuyển hoá, và trâu là biểu tượng của đất, đất là trạng thái siêu đa dạng. Đa dang và chuyển hoá liên quan đến nhau. 
—o—o—o—o—o—
MANG THẦN TRONG VĂN HOÁ THẾ GIỚI
Mang Thần là vị thần lớn có mặt trong tất cả các nền văn hoá và văn minh. Vì là thần của sự chuyển hoá, nên mỗi văn minh lại đi vào một khía cạnh khác nhau của sự chuyển hoá.
– Christ, Chúa Cha, còn Jesus là Chúa Con : Có sự liên quan giữa biểu tương chúa Jesus, Người Chăn Chiên, với biểu tượng Mục đồng & Thần Nông.
– Thần Hỗn Mang & Hư Vô (Chaos) được nhắc đến và tôn thờ như một đấng toàn năng trong thần thoại Hy Lạp. Chaos sinh ra Gaea (Gaia), Nyx, Erebus, Tartarus, Eros. Gaia là Nữ thần đất, mẹ của Cronus, bà nội của các Titan, cụ của các vị thần trên đỉnh Olympia trong đó có Zeus
– Thần Orisis, con trai của thần đất Geb (tương đương với Táo Quân) và nữ thần bầu trời Nut, chồng của nữ thần Isis, anh trai của Set. (Lưu ý : Nữ thần Bầu trời có thể tương đương với Mẫu Cửu Trùng Thiên hoặc Thiên Y A Na; và có sự tương đồng giữa thần Orisis và Chúa Jesus)
=============
Tài liệu tham khảo
https://www.youtube.com/watch?v=rtXOPZV3W8c Tái hiện Lễ Tiến Xuân Ngưu tại Hoàng Thành Thăng Long 2021
https://giacngo.vn/tai-hien-nghi-le-tien-xuan-nguu-o-di… Tái hiện nghi lễ “Tiến xuân ngưu” ở di tích Hoàng thành Thăng Long
https://bvhttdl.gov.vn/le-tien-xuan-mot-nghi-le-the-hien… : Lễ Tiến Xuân, một nghi lễ thể hiện tinh thần trọng nông của triều Nguyễn
https://baovanhoa.vn/…/le-tien-xuan-nguu-cua-nguoi-viet… : Lễ tiến Xuân ngưu của người Việt xưa
https://360.hncity.org/spip.php?article103 : Đình Ứng Thiên, Đền Hậu Thổ
Chia sẻ:
Scroll to Top