THỜI GIAN CỦA LỄ THẤT TỊCH
Lễ Thất Tịch xảy ra vào ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch, trong giai đoạn này có một chuỗi lễ ngày quan trọng là
– Ngày 19/6 âm lịch là ngày vía Đức Quán Âm Thành Đạo
– Ngày 7/7 âm lịch là ngày Thất Tịch, tiết Lập Thu
– Ngày 15/7 âm lịch là ngày lễ Vu Lan
MƯA NGÂU THÁNG BẢY
Khí tiết của giai đoạn Thất Tịch là Lập Thu, tiết khí mở đầu của mùa thu. Tết Ngâu gắn với hiện tượng mưa ngâu vào tháng 7 âm lịch. Mỗi năm, khi đến ngày 7/7 âm lịch, Ngưu Lang Chức Nữ, hay vợ chồng Ngâu được gặp nhau, nước mắt tủi hờn, nhớ nhung cứ thế tuôn trào. Nước mắt ấy rơi xuống hạ giới gây nên những cơn mưa liên tiếp. Người ta gọi đó là mưa Ngâu.
—o—
Theo kinh nghiệm dân gian, mưa ngâu thường xuất hiện theo các đợt ngắn
– từ ngày 3/7 kéo dài đến ngày 7/7,
– từ ngày 13/7 đến ngày 17/7
– từ ngày 23/7 đến ngày 27/7 âm lịch.
Dân gian xưa có câu vào mùng 3 ra mùng 7 chỉ kiểu thời tiết mưa ngâu tháng 7 như trên.
Vào mùng 3 ra mùng 7
—o—
Trời mưa sụt sùi
Mưa Ngâu thường nhẹ nhàng, chứ không nặng hạt như trút như như mưa tháng sáu cuối mùa hè, mùa an cư kiết hạ. Có câu “trời mưa sụt sùi” để chỉ mưa Ngâu.
—o—
Mưa tháng bảy gãy cành trám
Nắng tháng tám rám cành bưởi
—o—
Lác đác mưa ngâu,
Sình sịch mưa ngâu,
Lá ngâu rụng xuống,
Bông lau phất cờ,
Nước trong xanh lạnh ngắt như tờ,
Một đàn cá lớn nhấp nhô đầu ghềnh
Bài này là một bài ca dao thuộc nhóm ngược. Thông thường mưa Ngâu lác đác, thì không sình sịch. Thông thường lá ngâu rụng xuống thì bông lau không phất cờ. Thông thường nước trong xanh lạnh ngắt như tờ thì không thể có đàn cá lớn nhấp nhô đầu ghềnh. Mưa Ngâu là mưa tháng bảy, rơi vào đợt Thất Tịch, Trong tháng bảy, thật sự có sự hoà hợp của các trạng thái âm dương đối lập.
Mưa thu bắt đầu từ tháng bảy kéo sang tám và tháng chín được gọi là mưa trường, nghĩa là mưa kéo dài nhiều ngày.
—o—
TÊN CỦA LỄ THẤT TỊCH
Lễ Thất Tịch có ở dân tộc Kinh, Hoa, Tày, Mường,…
Năm 1860 trở về trước, Lễ Thất tịch (七夕礼) còn gọi là tết Tiểu Xảo (小巧節), hoặc lễ Thù Du (茱萸礼), trong dân gian còn gọi là Ngày ông Ngâu bà Ngâu.
Theo sách Giá Viên thi tập (蔗園詩集) của Phạm Phú Thứ (范富庶) Nguyễn Trào, tết này xuất hiện trong dân gian và cung đình. Thù du phân thành 3 loại chính là
– Ngô thù du (吳茱萸) là cây thù lù có quả tầm bóp, lồng đèn lúc non lục, chín màu cam, hoa vàng vết nâu trên cánh
– Tự thù du (食茱萸) là cây sẻn gai, có quả dài tròn đỏ, hoa trắng
– San thù du (山茱萸) là cây sơn thù du, có quả thù nhục đỏ nhỏ như nhót
Bài trí bàn tế nhỏ vọng nguyệt, trên có bình cắm hoa thù du, bồn nhỏ có quả thù du và bính nếp, bột, bát nhỏ có nước. Các thiếu nữ luồn chỉ vào 7 cái kim rồi thả nhẹ trên nước để không chìm. Kết thúc bái tạ trước bàn tế có lư trầm hương.
Trong dân gian, tiết Tiểu Xảo là tiết nữ công gia chánh của nữ giới. Buổi đêm bài trí quả bánh trước trăng ước vọng đủ tài nội trợ, tình duyên đẹp. Trong cung, vua sẽ thiết yến Thù Du ban quả bánh cho các quan viên. Trong hậu cung cũng như vậy. Nghiên cứu làm bính tham khảo sách “nhật dụng thường đàm” (日用常談) của Phạm ĐÌnh Hổ (范廷琥) và “nữ công thắng lãm” (女工勝覧) của Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông 海上懶翁). Trong đó có các loại bính như Ngọc tô bính (玉酥餅), giác thử (角黍), tống bính (粽缾), quyển bính (捲餅), miến phiến (麵片),..
Thời Lê có tục bắt cung nữ bị tội ra ngoài Bắc môn thành dệt lụa, chính là lụa Trúc Bạch, vốn là ảnh hưởng bởi truyền thuyết. Các tuyệt kĩ phải thể hiện gồm luồn chỉ qua 7 cái kim, cái kim luồn lỗ vào sợi chỉ nổi trên mặt nước, hay thậm chí là thả cái kim trên chậu nước để không bị chìm. Chứng minh là nữ nhân đoan trang, hiền thục.
SAO NGƯU LANG & CHỨC NỮ
Ngày lễ Thất Tịch (ngày 7 tháng 7 âm lịch) gắn liền với truyền thuyết về hai ngôi sao Ngưu Lang và Chức Nữ. Theo truyền thuyết Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau trên cầu Ô Thước – cây cầu do những chú chim ô thước nối nhau bắc qua sông Thiên Hà.
Sao Chức Nữ chính là ba ngôi sao ở bờ phía Bắc của dải Ngân Hà, người phương Tây gọi là chòm sao Thiên Cầm. Bởi vì nó thay đổi vị trí bảy lần từ sáng đến tối, mô hình chuyển động của nó giống như trục dệt vải, do đó có tên Chức Nữ – Cô Gái Dệt Vải.
Sao Ngưu Lang một ngôi sao ở bờ bên kia Ngân Hà đối diện với Sao Chức Nữ, người phương Tây gọi nó là chòm sao Thiên Ưng.
TỤC KIÊNG KẾT HÔN THÁNG BẢY
Người ta kiêng kết hôn Tháng 7 vì sợ rằng sẽ chuốc lấy số phận hôn nhân hẩm hiu của ông Ngâu bà Ngâu, mới lấy nhau được 3 ngày đã bị ngăn cách).
CẦU ÔNG NGÂU BÀ NGÂU
Cầu ông bà Ngâu sự đoan trang đối với nữ, cường tráng đối với nam.
Trong lòng mọi người, Chức Nữ là một nàng tiên xinh đẹp, thông minh và tài trí. Vì vậy, vào đêm ngày 7 tháng 7, các thiếu nữ và thiếu phụ sẽ ra ngoài để thờ cúng và cầu xin Chức Nữ ban cho họ sự thông minh và hai bàn tay khéo léo giống như Chức Nữ, để có được một cuộc đời hạnh phúc.
TÍCH NGƯU LANG CHỨC NỮ
Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bê việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông.
Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên gia ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau vào Thất Tịch – ngày 7 tháng 7 âm lịch. Truyền thuyết 1 ngày trên trời bằng 1 năm dưới đất, nên thực tế ở trên trời ngày nào Ngưu Lang và Chức Nữ cũng gặp nhau. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.
Thời bấy giờ, sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được mời lên trời để xây cầu. Vì mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, họ cứ cãi nhau nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Vì thế cứ tới tháng 7 là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng 7 thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông. Tuy nhiên sau một thời gian vì cảm thương cho sự chia lìa của cặp vợ chồng, Ngọc Hoàng đã trả lại hình hài cho những người thợ mộc và ra lệnh họ phải làm một cây cầu thật vững chắc để Ngưu Lang và Chức Nữ có thể gặp nhau. Từ đó, Ngưu Lang và Chức Nữ được sống bên nhau.
Nhân vật
– Ngưu Lang
– Chức Nữ
– Ngọc Hoàng
– Ngân Hà, sông Ngân
– Đàn quạ nối cầu Ô Thước
======
Chức Nữ là con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, đã đem lòng yêu chàng trai chăn trâu (Ngưu Lang) ở dưới trần gian, hai bên bèn kết duyên chồng vợ sống với nhau rất hạnh phúc. Sau đó, Ngọc Hoàng biết chuyện, sai Vương Mẫu nương nương (còn gọi là Tây Vương Mẫu) xuống trần gian bắt Chức Nữ về chịu tội. Ngưu Lang vô cùng đau khổ, nhờ con trâu giúp sức, đuổi theo lên trời, gần đuổi kịp thì bị Tây Vương Mẫu dùng cây trâm trên đầu vạch một đường thành sông Ngân Hà ngăn cách. Ngưu Lang, Chức Nữ bị Ngân hà cách trở, chỉ biết đứng nhìn nhau qua sông mà khóc. Sau này Tây Vương Mẫu thương tình, cho phép họ mỗi năm vào ngày mùng 7 tháng 7 được đàn quạ dùng đầu của mình bắc cầu cho đôi tình nhân được gặp nhau. Câu nói dân gian quen thuộc của người dân Việt xưa là “Quạ trọc đầu bắc cầu Ô Thước” giúp Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau chính là do tích này.
Nhân vật
– Ngưu Lang
– Chức Nữ
– Ngọc Hoàng
– Tây Vương Mẫu
– Ngân Hà, sông Ngân
– Đàn quạ dùng đầu nối cầu Ô Thước
======
Tích sau cơ bản vẫn vậy nhưng nói nhiều hơn về giai đoạn chăn bò của Ngưu Lang
Ngày xưa, ở làng Ngưu Gia nằm ở phía tây Nam Dương có một chàng trai thông minh, trung hậu, tên là Ngưu Lang, vì cha mẹ qua đời sớm, Ngưu Lang đành phải sống cùng với anh trai và chị dâu. Chị dâu họ Mã, là người rất độc ác, thường hành hạ Ngưu Lang, bắt Ngưu Lang làm việc cật lực. Một năm vào mùa thu, chị dâu bắt Ngưu Lang phải đi chăn bò, chị dâu chỉ cho Ngưu Lang mang theo 9 con bò, nhưng lại yêu cầu Ngưu Lang lúc về phải có 10 con mới được về nhà, Ngưu Lang không còn cách khác, buộc phải cùng với đàn bò, rời khỏi làng.
Ngưu Lang một mình chăn bò trên núi. Ở núi có cây cỏ tươi tốt um tùm, Ngưu Lang ngồi dưới gốc cây, rất buồn rầu lo lắng, không biết đến lúc nào mới có được 10 con bò, để có thể được về nhà. Bỗng nhiên, một cụ già râu tóc bạc phơ hiện ra trước mặt Ngưu Lang, hỏi Ngưu Lang vì sao đau lòng. Sau khi biết câu chuyện của Ngưu Lang, cụ già vừa cười vừa nói với Ngưu Lang rằng: “Cháu đừng buồn nữa nhé, ở núi Phục Ngưu có một con bò già ốm nặng, cháu hãy cố chăm sóc và nuôi nấng nó. Khi con bò khỏi bệnh, cháu có thể dẫn nó về nhà.”
Ngưu Lang trèo đèo vượt núi, đi rất xa, cuối cùng đã tìm thấy con bò già ốm nặng. Ngưu Lang thấy bệnh tình của con bò già rất nặng, bèn vội vàng đi cắt cỏ cho bò ăn, suốt 3 ngày liền, con bò già được ăn no, từ từ ngẩng đầu lên nói với Ngưu Lang rằng: Ta vốn là bò tiên xám, vì vi phạm vào luật cấm trên thiên đình, bị đày xuống trần gian. Vì bị ngã gãy chân, không động đậy được, muốn dậy được phải dùng giọt sương trên hoa rửa vết thương 1 tháng mới khỏi được. Ngưu Lang nghe vậy, không ngại vất vả, chăm sóc cẩn thận bò già một tháng, buổi sáng đi hái hoa, thu tập giọt sương, rửa vết thương cho bò già, buổi tối thì ngả vào bò già ngủ. Sau khi bò già khỏi bệnh, Ngưu Lang rất vui mừng, dẫn 10 con bò về nhà.
Sau khi về tới nhà, chị dâu vẫn đối xử thậm tệ với Ngưu Lang, nhiều lần muốn làm hại Ngưu Lang, may mà lần nào cũng được bò già tìm cách cứu giúp, cuối cùng chị dâu tức quá hoá giận, đuổi Ngưu Lang ra khỏi nhà, Ngưu Lang chỉ yêu cầu mang theo bò già ra đi.
Một hôm, Chức Nữ và các nàng tiên trên trời xuống trần gian chơi, đi tắm ở sông. Dưới sự giúp đỡ của bò già, Ngưu Lang đã làm quen với Chức Nữ, sau đó hai người đã có tình cảm với nhau. Rồi Chức Nữ lén xuống trần gian, trở thành vợ của Ngưu Lang. Chức Nữ còn mang tằm từ thiên đình xuống cho dân làng, và dạy dân làng biện pháp nuôi tằm, rút tơ, dệt vải lụa mịn màng và bóng đẹp.
Sau khi lấy nhau, Ngưu Lang ngày ngày làm ruộng, Chức Nữ dệt vải, tình cảm rất sâu đậm, hai người sinh được một trai một gái, cuộc sống gia đình rất hạnh phúc. Nhưng cuộc sống hạnh phúc không thể kéo dài, chuyện này bị Ngọc Hoàng Đại Đế biết được, Vương Mẫu Nương Nương đích thân xuống trần gian, ép Chức Nữ về thiên đình, hai vợ chồng đằm thắm với nhau bị cách xa.
Ngưu Lang không lên thiên đình được, bò già cho Ngưu Lang biết, sau khi nó chết, Ngưu Lang hãy dùng da của nó làm giầy, đi giầy da này thì có thể lên thiên đình. Ngưu Lang nghe theo lời bò, đi giầy làm bằng da bò, mang theo hai đứa con, cưỡi mây lướt gió lên thiên đình đi tìm Chức Nữ. Khi Ngưu Lang sắp đuổi kịp Chức Nữ, Vương Mẫu Nương Nương lấy trâm vàng cài trên tóc vạch một đường, bèn xuất hiện dòng sông Thiên Hà có sóng cuồn cuộn, Ngưu Lang và Chức Nữ bị ngăn cách ở hai bờ sông, hai người chỉ có thể nhìn nhau, rơi nước mắt. Tình yêu chung thủy của họ đã làm chim khách cảm động, hàng nghìn hàng vạn chim khách bay đến và bắc cầu Thước Kiều, để Ngưu Lang và Chức Nữ gặp mặt tại Thước Kiều. Vương Mẫu Nương Nương đành chịu, cho phép hai người gặp mặt tại Thước Kiều vào mồng 7 tháng 7 hàng năm.
Sau đó, cứ đến mồng 7 tháng 7 âm lịch, ngày Chức Nữ và Ngưu Lang gặp mặt tại Thước Kiều, các cô gái lại rủ nhau nhìn trời ngắm sao, tìm sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ ở hai bờ dải Ngân Hà, mong được chứng kiến buổi gặp mặt một năm một lần của họ, cầu mong ông trời cho mình tài năng sáng dạ và khéo tay như Chức Nữ, cũng cầu mong mình có được mối lương duyên tốt đẹp. Do vậy, Tết Thất Tịch đã hình thành
Nhân vật
– Ngưu Lang
– Chức Nữ
– Ngọc Hoàng
– Vương Mẫu Nương Nương
– Ngân Hà, sông Ngân
– Đàn chim khách dùng đầu nối cầu Thước Kiều
– Đàn bò 9 con
– Một con bò già trước là bò tiên xám, chết đi thành giầy cho Ngưu Lang
===. ===
Chàng chăn bò trẻ tuổi tên Ngưu Lang nhìn thấy bảy cô tiên xinh đẹp đang tắm trong hồ và đang đùa giỡn vui vẻ với nhau. Được cổ vũ bởi người bạn đồng hành tinh quái là một con bò đực, chàng đã lấy trộm váy áo của họ và chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra. Các nàng tiên đã cử cô em út và xinh đẹp nhất có tên gọi là Chức Nữ ra để lấy lại váy áo. Nàng đành phải làm theo, nhưng do Ngưu Lang đã nhìn thấy thân thể trần tục của Chức Nữ nên nàng đành chấp thuận lời cầu hôn của chàng (đúng như câu “Nam nữ thụ thụ bất thân” của lễ giáo phong kiến).
Nàng đã chứng tỏ mình là một người vợ tuyệt vời, còn Ngưu Lang là một người chồng tốt và họ đã sống bên nhau hạnh phúc. Nhưng Thiên Hậu – trong một số dị bản là mẹ Chức Nữ – nhận ra rằng một kẻ tầm thường (tức Ngưu Lang) lại dám cưới một nàng tiên đẹp và bà đã điên tiết (trong các dị bản khác, Thiên Hậu bắt Chức Nữ quay lại làm công việc dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời vì nàng đã không làm công việc đó kể từ khi lấy chồng). Rút cái kẹp tóc của nàng ra, Thiên Hậu đã vạch ra một con sông rộng trên bầu trời để chia cắt đôi tình lang mãi mãi (vì thế tạo ra sông Ngân và trên thực tế người ta nhìn thấy các sao Ngưu Lang và Chức Nữ nằm ở hai bên của dải Ngân Hà).
Chức Nữ phải vĩnh viễn ngồi trên một bờ sông, buồn bã dệt vải, còn Ngưu Lang chỉ nhìn thấy vợ mình từ xa và phải chịu trách nhiệm nuôi hai con (tức hai ngôi sao bên cạnh nó là Aquila -β và -γ).
Nhưng có một ngày, tất cả các con quạ cảm thấy thương hại họ và chúng bay lên trời để làm cầu (鵲橋, “Ô kiều”) phía trên sao Deneb trong chòm sao Cygnus để đôi vợ chồng có thể gặp nhau trong một đêm, là đêm thứ bảy của tháng Bảy âm lịch. Tuy nhiên vì thương tiếc cho đôi vợ chồng Ngọc Hoàng đã đặc xá cho Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi tháng được gặp nhau một lần và đồng thời cũng trong thời gian đó Ngưu Lang đã tìm được quả “Hoa Tiên” (là quả mà Hằng Nga đã từng ăn) vì vậy Ngọc Hoàng cùng với Vương Mẫu đã cho Ngưu Lang và chức Nữ cùng ở bên nhau nuôi con mãi mãi không bao giờ chia lìa.
Nhân vật
– Ngưu Lang
– Chức Nữ
– Ngọc Hoàng
– Thiên Hậu
– Ngân Hà, sông Ngân
– Đàn qua làm nối cầu Ô Kiều
– Bò đưc bạn đồng hành của Ngưu Lang
– Quả hoa tiên mà Hằng Nga đã từng ăn
CẦU Ô THƯỚC & CHIM Ô, CHIM THƯỚC
Có dị bản cho rằng tên gọi của Ô kiều trong sự tích Thất Tích là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra.
Vùng Bình Định, miền Trung Việt Nam có từ “quạ làm xâu“ nói về những con quạ vắng đi đâu một thời gian rồi trở về với cái đầu trọc lóc trong rất khôi hài.
Chim thước có thể là
– Chim thước, hỉ thước, hỷ thước, càn thước, chim khách, ác là, chát là, ác xắc, bồ các (pháp danh Pica pica) là một loài trong họ Quạ (Corvidae).
– Chim thước li (Oriolus mellianus) là một loài trong họ Vàng anh Oriolidae.
– Chim ô tác thuộc họ sếu : Thế giới có hơn 20 loài chim ô tác gồm ô tác đen, ô tác đuôi trắng, ô tác Đại Ấn, ô tác bụng đen, ô tác mào nâu sẫm, ô tác mào đỏ… Trong số đó, ô tác Bengal (còn gọi là ô tác Nam Á) là loài chim ô tác duy nhất có mặt tại Việt Nam. Đồng thời cũng là loài có số phận lâm nguy nhất trong các loài ô tác trên thế giới. Ô tác thích sống thành bầy đàn nhưng chúng rất thận trọng. Do vậy rất khó tiếp cận được khu vực sinh sống mà chúng ưa thích. Chim này không thể nuôi nhốt. Ở Việt Nam chim này được xếp vào bộ chim “tăng lực” là công, sâm cầm và ô tác.
Chim ô được gọi là chim dương, vì kim ô chính là mặt trời.