Ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch là ngày hoá của Hai Bà Trưng.
Lễ hội đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, vào ngày hoá của Hai Bà Trưng lễ rước bánh trôi dâng Hai Bà Trưng và dân làng không ăn bánh trôi trước ngày này.
Hiện nay trước cửa đền Hát Môn có một kiến trúc nhỏ gọi là Quán Tiên. Quán Tiên là một kiến trúc nhỏ, xây bằng gạch, cửa mở về hướng đền kiểu vòm cuốn, có mái đao cong, nền cao hơn mặt đường 45cm, tạo ba bậc lên nền quán. Theo cuốn thần tích của làng chép lại, thì nơi đây vốn là quán hàng bán bánh trôi nước. Khi nghĩa quân của Hai Bà Trưng hội tại đàn Thề, bà hàng bánh trôi đã dâng cả gánh bánh để Hai Bà ăn trước khi ra trận dẹp giặc. Ngoài ra, còn có tích kể rằng trước khi nhảy xuống cửa sông Hát Tự Vẫn, Trưng Trắc đã được một bà bánh trôi mời ăn bánh. Ngôi quán nhỏ này được dân làng dựng lên để tưởng nhớ công ơn bà hàng bánh trôi và hai sự kiện dâng bánh này.
Việc chuẩn bị lễ vật cúng tế không thực hiện tại khuôn viên đền mà được thực hiện tại một gia đình trong làng gọi là nhà chứa lễ. Gia đình chứa lễ phải là gia đình song toàn, còn đủ ông cả bà, con cái có đủ trai đủ gái, gia phong nền nếp, không có điều tiếng gì…
Gạo để giã lấy bột làm bánh phải chọn loại nếp cái hoa vàng, chọn bỏ hạt đen, hạt vỡ; bột để làm bánh dâng cúng phải giã bằng tay với quy trình vô cùng cẩn thận từ trùng bánh, khám bánh, tắm bánh trước khi dâng cúng lên Hai Bà.
Quy trình làm bánh trôi dâng cúng Hai Bà do ban tu lễ thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tế. Bánh trôi cúng thực chất là bánh chay vì không có nhân, được kín lên 17 bát, mỗi bát thường chứa 12 – 13 viên, giữa bát phải dành khoảng trống để rưới nước mật vào trong lòng bát.
Nước mật cũng được chế biến rất công phu: dùng hoa hồi, quế, thảo quả… rang vàng, tán nhỏ, trộn với mật rồi đem đun chín.
Nước mật phải đảm bảo có màu trong như hổ phách, đậm, sánh, ngọt, thơm.
Sau khi hoàn tất các công đoạn làm bánh, dân làng tập trung tại nhà chứa lễ để cùng rước bánh về đền dâng lên Hai Bà theo nghi thức truyền thống. Bánh dâng cúng phải xếp vào quả rước có nắp đậy (nó giống như tráp đựng trầu cau to và có nhiều ngăn xếp chồng lên nhau) và làm lễ rước quả về đền.
Đội hình rước bánh đều được chọn cử ở các thôn khoảng 40 – 50 người (tuỳ số lượng mâm bánh) và là những phụ nữ đảm đang, mặc trang phục áo dài truyền thống. Khi các đoàn rước bánh về Đền, mỗi đoàn sẽ chọn ra một đĩa ngon nhất, đẹp nhất vào làm lễ, thành kính dâng lên Hai Bà, số còn lại để mời du khách tập phương thụ lộc.