KẺ SÉT & SÔNG SÉT

Loading

SÔNG SÉT
Sông Sét là một trong các con sông nằm trong vòng cung Tô Lịch của Thăng Long là
– Sông Sét
– Sông Kim Ngưu
– Sông Lừ
– Sông Thiên Phù
Sông Sét là một phân lưu của sông Kim Ngưu. Nó tách khỏi Kim Ngưu ở Phương Liệt, rồi chảy về phía Nam đổ vào hồ Yên Sở.
Tại chỗ sông Sét tách ra, Kim Ngưu đổi hướng chảy lên phía Bắc tới khu vực hồ Bảy Mẫu và đầm Kim Liên, còn sông Sét chảy về phía Nam. Tuy nhiên, do bồi, lấp, sông Kim Ngưu tại Phương Liệt bị đứt quãng khiến cho đoạn Kim Ngưu ngược lên phía Bắc bị tách riêng ra. Sông Sét ngày nay bao gồm cả đoạn sông Kim Ngưu đó.
Khi đi qua Giáp Bát, nó nhận nước từ một phân lưu của sông Lừ từ Phương Liên chảy sang.
Hiện nay sông Sét chảy trong địa phận các quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
KẺ SÉT
Gắn với con sông Sét là Kẻ Sét hay làng Sét.
Kẻ Sét có tên chữ là Cổ Liệt. Hồ Hán Thương có dự định xây cung điện để rời Tây đô về Cổ Liệt, nhưng nước ta lúc đó rơi vào tay giặc Minh.
Đến thế kỉ thứ 15, vùng đất này đổi tên là Thịnh Liệt và tên này giữ đến bây giờ.
Kẻ Sét xa xưa có 9 làng từ làng Nhất đến làng Chín mà tên chữ là từ Giáp Nhất đến Giáp Cửu.
– Giáp Cửu tách ra thành Phương Liệt, hay kẻ Vọng
– Làng Ba, làng Năm nhập vào Làng Tư.
Như vậy, Kẻ Sét nay là phường Thịnh Liệt và một phần phường Phương Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Chúng ta có thể tìm thấy dấu vết của các Giáp xưa của Kẻ Sét qua các đình làng
– Đình Giáp Nhất nằm ở số nhà 784 và 786 đường Trương Định, Phường Thịnh Liệt, Quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đình thờ Hắc Y Đại Vương, ngài là quan đại thần thời Hậu Lê. Cuối thế kỷ 18, Hắc Y Đại Vương cùng 5 vị quan hộ tống đi kinh lý qua vùng đầm Sen Cổ Liệt gặp một trận lũ lớn ngập cả vùng Thanh Đàn. Ngài và 5 vị quan hộ tống không may bị đuối nước, được dân làng vớt xác và lập đình thờ.
– Đình Giáp Nhị nằm ở 141 phố Giáp Nhị, Phường Thịnh Liệt, Quận Hoàng Mai, Hà Nội thờ Thái Thượng Lão Quân, Lão Tử.
– Đình Giáp Tam không có vì Giáp Tam nhập vào Giáp Nhị
– Đình Giáp Tứ ở phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội
– Đình Giáp Ngũ không có vì Giáp Tam nhập vào Giáp Nhị
– Đình Giáp Lục ở phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. Đây là đình riêng của Giáp Lục, còn chùa Giáp Lục là chùa chung của tổng Sét. Làng Giáp Lục giữ tên của cả tổng là làng Sét. Chợ Sét cũng nằm ở Giáp Lục.
– Đình Giáp Thất, hay đình làng Bẩy, đường Giáp Bát, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Giáp Thất còn có tên là Lê Thôn.
– Đình Giáp Bát, hay đình làng Tám, đường Giáp Bát, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đình trước đây là đình chung của cả 9 Giáp, thờ thần Tam Lang.
– Giáp Cửu tách ra và đổi tên thành Phương Liệt, có tên nôm là Kẻ Vọng. Địa danh này hiện này có đình Phương Liệt và phố Vọng.
Làng Sét, chạy dọc theo sông Sét, có đầm Sét, nổi tiếng với cá rô đầm Sét.
Nhất trong là nước giếng Hồi
Nhất béo nhì bùi là cá rô câu
—o—
Nhất trong là nước giếng Hồi
Nhất béo nhất bùi cá rô đầm Sét
—o—
Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm
Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây
—o—
Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần
Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.
—o—
Huyện Thanh Trì kia làng Thịnh Liệt
Đồn cá rô Đầm Sét là ngon
Bấy lâu cạn nước trơ bùn
Biết rằng hương vị có còn như xưa
—o—
Ai về Giáp Nhị năm xưa
Chê ao thối đặc, chê mưa ngập làng
Chê nhà mái dột, vách tàn
Chê lúa mọc mậm đầu làng, cuối thôn
Giờ về Giáp Nhị một hôm
Khen rau muống tốt nhiều hơn lá rừng
Khen ao lắm cá vẫy vùng
Khen nhà ngói đỏ như vung Hàng Nồi
—o—
Đồn rằng Văn Điển vui thay
Ngoài phố chợ họp năm ngày một phiên
Tàu qua phố dưới, phố trên
Đình thì ở giữa hai bên rặng bàng
Làng Mơ cất rượu khê nồng
Làng Vọng dệt gối, chăn tằm làng Mui
Kẻ Giả thì bán bùi nhùi
Làng Lê bán phấn cho người tốt da
Kẻ Vọng khéo ngọc, khéo ngà
Đưa đem đi bán cho nhà kẻ sang
Kẻ Lủ thì bán bỏng rang
Trên Ô Hàng Đậu lắm hàng nhiều thay
Ngâu, Tựu thì bán dao phay
Dù đem chặt nứa gãy cây lại liền
Trong kho lắm bạc nhiều tiền
Để cho giấy lại chạy liền với dây.
Trong bài ca dao trên có cả “Làng Vọng dệt gối” và “Kẻ Vọng khéo ngọc, khéo ngà”. Làng Lê có thể là thôn Lê Giáp Thất.
Chia sẻ:
Scroll to Top