===
Thăng Long xưa, khu vực 36 phố phường được gọi là Kẻ chợ. Hà Nội bây giờ vẫn là một cái chợ rất lớn. Có những cái chợ cóc, chợ ngoài trời mà không thể dẹp nổi, lại có những cái chợ được xây hoành tráng mà lại vắng teo. Bởi vì để có chợ phải có một cái gọi là “thị trường”, mà tại đó có các luồng vận hành đan xen vô cùng linh hoạt, giống như muốn có dòng điện thì phải có từ trường.
Hãy nói về một cái chợ trời. Hình dung một người đi đường, rất vô tình gặp một luồng năng lượng hướng vào chợ, dù không nhìn thấy luồng vô hình này nhưng một khi bắt được nó, người này sẽ rất tự nhiên rẽ xe vào chợ, rồi cũng rất thoải mái dừng xe mua hàng và cũng dễ dàng y như vậy lái xe rời khỏi chợ theo một luồng đi ra. Người này vận hành như là cá bơi theo luồng nước từ sông chính vào hồ, để kiếm ăn, để đẻ trứng hay chỉ để rong chơi. Nếu không có thứ gọi là thị trường với luồng ra và luồng vào ấy thì người bán hàng chẳng thể bán cho ai, vì chẳng ai dừng lại để mua hàng của họ.
Người ta nói đất lành chim đậu. Nhưng đàn chim đang bay trên trời, không phải tự dưng sà xuống mặt đất mà phải có luồng khí đưa chúng xuống và lại có luồng khí khác đưa chúng cất cánh lên khi chúng muốn bay đi tiếp. Những nơi tụ khí không phải là nơi khí bị hút vào đấy như hố đen hay bi giam vào đấy như con tỳ hưu có ăn không có ỉa. Những nơi tụ khí chính là nơi có tụ hội của sự sống, mà đặc trưng của các nơi này là có luồng sinh khí ra rồi lại có luồng sinh khí vào và có các luồng sinh khí đi vòng vèo và giao nhau.
Có người không thích chợ vì nó lộn xộn, bẩn thỉu và ầm ỹ. Nhưng dù bạn chẳng cần biết gì về phong thuỷ, đất chợ chắc chắn là đất lành. Kể cả chợ trời bán toàn đồ ăn cắp đi nữa, sâu xa nó vẫn là đất lành nuôi sống con người chứ không phải là đất dữ gây chết chóc sát thương, vì kẻ trộm hay người bán hàng ăn trộm đều là người vì sự sống của mình mà phải làm như thế.
Những khu nghĩa trang với các mộ sạch phẳng tăm tắp với những cái tên mỹ miều về sự an lành, thực ra nếu có lành là chỉ lành cho linh hồn mà thôi, mà không lành cho người sống, cho đàn ông đi làm, cho phụ nữ đi chợ, cho trẻ con đi học, cho gia đình quây quần bên nhau. Những khu bệnh viện tiệt trùng dù đông nhưng cũng không lành, vì có quá nhiều sát thương và sự sống trong đó không được vận hành tự nhiên.
Ở đâu có chợ ở đó có sự sống, ở đó có quần cư, ở đó có đất lành và chim đậu. Thành hoàng của Thăng Long Kẻ Chợ là thần Long Đỗ. Long đỗ có nhiều nghĩa rất phức tạp nhưng tôi xin giải thích nghĩa liên quan đến “đất lành chim đậu”. Chữ đỗ và chữ đậu có nghĩa khá giống nhau, nhưng để dễ phân biệt, chúng ta hãy hình dung là cây đậu cho ra quả đậu và hạt của quả đậu gọi là đỗ. Chim đậu (xuống theo luồng khí) và máy bay đỗ (ở một đường bay để chuẩn bị bay lên). Long Đỗ có thể hiểu là nơi rồng đỗ, Thăng Long là nơi rồng từ chỗ đỗ bay lên.
Long đỗ cũng có thể hiểu là nơi kết tinh và hội tụ các luồng gồm các đường bay của rồng (tổ là Lạc Long Quân) và các luồng khí của chim (tổ là Âu Cơ), gọi chung là kinh (liên quan đến tên Kinh Dương Vương và dân tộc Kinh). Chữ kinh đô ở góc độ nào đó cũng chính là chữ Long đỗ, nhưng kinh đô thiên về cấu trúc còn Long đỗ thiên về vận hành.
Một trong những khu chợ trời vô cùng đặc trưng của Hà Nôi là khu chợ Thanh Hà nằm trên con phố nối từ chợ Đồng Xuân sang Cửa Đông trong khu phố cổ. Từ nhà tôi qua nhà bố mẹ có thể đi nhiều đường, nhưng lúc nào tôi cũng chọn (đúng hơn là tôi chẳng chọn mà cứ đi theo quán tính) đường qua chợ Đồng Xuân. Có một ngày đi với con trai, tôi nhận ra con tôi luôn chọn tuyến đường không đi qua chợ.
Một lần khi ở giữa khu phố chợ ấy, tôi bỗng tự hỏi phải chăng tính tôi thích khung cảnh tấp nập của chợ trời nên dù chả mua bán gì, dù đường xá đông đúc vẫn cứ luôn đi vào con đường này. Tôi bỗng được nhớ lại thời gian trước đó khi tôi luôn chọn những con đường quang đãng như con tôi đang chọn để đi. Tôi hiểu là vì tôi thay đổi nên những con đường mà tôi chọn để đi cũng thay đổi theo.
Sau đó ở giữa chợ, tôi đã quay về ký ức về việc đến thăm một ngôi đền ở Malaysia, ngôi đền cổ nằm trên một hang đá ở lưng chừng núi này được coi là rất thiêng, Sau khi trèo qua bao nhiêu bậc đá, mệt đứt hơi, cảnh tượng bày ra trước mắt tôi không phải là những bức tượng thanh cao tĩnh lặng mà là một đống hàng quán bán mua chẳng còn lối mà đi. Tôi rất thất vọng vì cảnh tương khá lộn xộn và bẩn thỉu trên đường đi giờ lại còn có phần tăng lên chứ không giảm xuống như kỳ vọng của tôi trong suốt quá trình trèo các bậc đá lên đền.
Thanh Hà đã từng là khu đất thuộc một ngôi đền linh thiêng và hoành tráng bậc nhất của Thăng Long xưa, thờ vị thần giữ cửa sông Tô Lịch thông với sông Hồng, mà giờ chỉ còn lại dấu vết ở đền Hương Nghĩa. Ngôi đền và dòng sông đã mất nhưng cảnh chợ cũ vẫn còn, vì khí của đất lành xưa vẫn đang vận hành, kéo theo luồng người và hàng hoá vào ra tấp nập tại đây.
Giờ phút ở giữa chợ Thanh Hà nhớ lại cái chợ trước ngôi đền thờ ở Malaysia, và hàng loạt cảnh chợ họp trước đền chùa mà tôi đã đi qua như chùa Hương, đền Thác Bà, đền bà chúa Kho, phủ Tây Hồ …. tôi chợt hiểu ra là đền thiêng trước hết được dựng trên đất lành, là đất có luồng ra và luồng vào tấp nập.
Nếu dạng của các luồng ra luồng vào như vậy là thị trường thì sẽ thu hút việc họp chợ, hoặc các dạng tụ hợp khác như các đàn chim, đàn cá (như ở Suối cá thần Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá) hay đàn dơi (như ở Chùa Dơi, Sóc Trăng). Nếu dạng của các luồng ra luồng vào như vậy là một cái trường khác, thì sẽ không tạo ra thị trường mà có thể tạo nên các cánh rừng, các giao lộ có phân luồng hay các mê cung….
Những trường của các cửa ngõ ra vào không phải lúc nào cũng tạo ra các chợ, các nhóm người, các đàn chim thú …hay các mê cung, giao lộ …; mà có thể tạo ra môt tầm nhìn và vận hành cuộc đời, cái chúng ta gọi là nhân sinh quan và tính cách.
Xung quanh khu chợ Thanh Hà này là các đền mang toàn tên cổ có chữ Hương như Hương Nghĩa, Hương Bài, Hương Tượng và đây là trung tâm của đất Thăng Long Kẻ Chợ xưa, mà gọi là Hương Long Đỗ. Hội đền Hương Nghĩa ngày xưa sẽ rước kiệu từ Hương Nghĩa qua Hương Bài, rồi Hương Tượng và cuối cùng về đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ. Có thị trường mới có hương thơm sự sống, mới có chim đậu và rồng đỗ, mới có con người sinh sống đông vui.
Luồng vận hành kết hợp với dạng sống sẽ tạo ra mùi hương. Lúc này vùng đất trở thành quê hương, và có sự gắn kết sâu sắc của các dạng sống với cùng đất mà chúng ta gọi là tình quê hương. Nhưng mùi quê hương và tình quê hương là thứ mà chỉ có ai yêu cuộc sống với bản chất cốt lõi của nó mới ngửi được và đi theo được nó. Nếu bạn là người như vậy, chợ sẽ luôn là nơi thơm lành.
Từ bé tôi luôn thích cái tên Hương của mình, nhưng tôi lại không thích lắm cái chữ Thị. Ngày tôi yêu chữ Thị trong tên tôi là ngày tôi bắt đầu chọn những con đường đi qua chợ, yêu khung cảnh chợ, và nhân sinh quan của tôi theo thế cũng đổi thay. Sự thay đổi này diễn ra rất tự nhiên với sự tích luỹ các trải nghiệm của cuộc đời mà hôm nay giữa chợ Thanh Hà tôi bỗng nhiên nhìn lại và hiểu ra được.
Khi mở lớp Thanh âm Việt, tôi phát hiên ra là các bạn học sinh nữ trong lớp toàn vứt chữ Thị ra khỏi tên mình, cá biệt nhiều bạn còn chẳng dùng họ và tên bố mẹ đẻ đặt cho, mà nó chứa đựng những giá trị của dòng máu dòng họ và dân tộc. Mất tên là đánh mất chính mình, mất họ là đánh mất họ hàng, nguồn cội, dân tộc, mất “thị” là đánh mất mùi quê hương, mà đưa bước chân ta đi trên nhưng con đường chợ, đường phố, đường đồi núi, đường sông biển … rồi đưa bước chân ta trở về ngôi nhà, trở về gia đình, trở về bầy đàn, trở về dòng tộc và trở về quê hương.
Con chim, con cá dù có đi đâu thì đến mùa theo luồng, theo “kinh”, theo “hương” mà về quê hương nơi chúng đã sinh ra để kết đôi và để trứng. Ai lao ra ngoài cũng lại phải quay về đâu đó mà người ấy gọi là nhà, gọi là quê, nhưng nếu mất thị, mất hương rồi, thì ở trong nhà lại thì muốn lao ra ngoài, ở quê hương mà như người dưng nước lã, nhưng bước chân ra ngoài lại toàn gặp những con đường vô định và mảnh đất vô hồn. Thực ra, đất có hồn, đường có luồng và nhà cùng quê có hương, nhưng mà người mất “thị” không cảm được. Sống vậy chơi vơi, nông cạn và đau khổ biết bao.