Ở MỖI XỨ SỞ CÓ BAO NHIÊU CÂY CẦU ?
Mỗi xứ sở có một số cây cầu và bộ cầu đặc trưng, gắn với các dòng sông của xứ sở ấy
– Ở Thiên Hà có cầu Ô Thước bắc qua sông Ngân
– Ở Diêm Phủ có cầu Nại Hà, bắc qua dòng Vong Xuyên
XỨ NGHỆ CÓ BAO NHIÊU CÂY CẦU ?
Nghe anh bôn tẩu bấy lâu
Nghệ An có mấy chiếc cầu hỡi anh?
– Nghệ An có ba mươi sáu chiếc cầu
Phồn hoa đi lại bốn cầu mà thôi
Cầu danh, cầu lợi, cầu tài
Cầu cho đây đó làm hai giao hòa
36 không phải là con số bình thường, mà gắn với bộ 3 của ông bà Đầu nhau và 12 bến nước của bà Thị
NAM KỲ LỤC TỈNH CÓ BAO NHIÊU CÂY CẦU ?
Thấy anh hay chữ, em hỏi thử đôi lời
Nội Nam Kì lục tỉnh có mấy cây cầu, anh biết không?
– Thấy em hỏi tức, anh đáp phứt cho thông
Nội Nam Kì lục tỉnh, có bảy cây cầu:
Cầu Phú, cầu Quới, cầu Ninh, cầu Lợi, cầu Tiền
Cầu cho cha mẹ song tuyền
Cầu cho anh với bạn kết nguyền trăm năm
Lục Tỉnh có 7 cây cầu thì 3 cây khá giống với xứ Nghệ
– Lục Tỉnh : Cầu Phú, cầu Lợi và cầu Tiền
– Xứ Nghệ : Cầu danh, cầu lợi, cầu tài
CẦU ĐÔI BÌNH ĐỊNH
Cầu Đôi của Bình Định đã đi vào nhiều bài ca dao.
Hầu hết các bài ca dao này đều nhắc đến cặp Cầu Đôi, Tháp Đôi. Tháp Đôi là một khu tháp của Chăm Pa, gồm hai tháp là tháp phía bắc và tháp phía nam cạnh nhau, hiện nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Cầu Đôi ở Bình Định mà ca dao nhắc đến là cầu Tân Hội, ở chỗ hết nước của đầm Biển Cạn thuộc huyện Tuy Phước. Hiện nay có cầu Đôi bắc qua sông Hà Thanh đổ ra đầm Thị Nại.
Tháp kia còn đứng đủ đôi
Cầu còn đủ cặp huống cho tôi với nường
Cầu Đôi liền với Tháp Đôi
Quanh năm suốt tháng như tôi với nàng
Cầu Đôi mà tháp cũng Đôi
Dễ chi nhân nghĩa mà rời được sao?
Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi
Vật vô tri còn biết đèo bồng đôi lứa, huống chi tôi với nàng
Bờ tràm ngay thẳng, sao anh dậm cẳng kêu trời?
Chiếc Cầu Đôi còn có nhịp, sao anh chẳng có lời mối mai?
Anh nguyền cùng em Chợ Giã cho chí cầu Đôi
Nguyền lên Cây Cốc, vạn Gò Bồi giao long
Anh nguyền cùng em thành Cựu cho chí thành Tân
Cầu Chàm, Đập Đá, giao lân kết nguyền
Trung Dinh, Trung Thuận cho chí Trung Liên
Trung Định, Trung Lý cũng nguyền giao ca
CẦU ĐÔI RẠCH CHIẾC
Ngoài ra, còn có Cầu Đôi đi cùng với Rạch Chiếc.
Ai về Rạch Chiếc, Cầu Đôi
Thương ai lẻ bạn mồ côi một mình
Rạch Chiếc là một tuyến sông chảy qua thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, nối sông Sài Gòn với sông Tắc thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Rạch Chiếc còn xuất hiện ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, liên quan đến sông Hậu, hệ thống sông Cửu Long.
Rạch Chiếc là rạch đơn chiếc, gắn với cảnh “chăn đơn gối chiếc” nhưng cầu của rạch Đơn Chiếc lại là Cầu Đôi. Chắc phải như vậy người đơn chiếc mới có cơ hội tình yêu.
Người về chăn gối có đôi
Để tôi gối chiếc lẻ loi một mình
Chăn đơn, gối chiếc lạnh lùng
Nửa mình thì đắp, nửa phòng tình nhân
Đôi duyên ta như loan với phượng
Nỡ lòng nào để phượng lìa cây
Muốn cho có đó, có đây
Ai làm nên nỗi nước này, chàng ôi!
Thà rằng chẳng biết thì thôi
Biết chi gối chiếc lẻ loi thêm phiền
Chăn đơn gối chiếc nửa hòng
Cạn sông lở núi ta đừng quên nhau
Từ ngày ăn phải miếng trầu
Miệng ăn xôi đỏ dạ sầu đăm chiêu
Biết rằng thuốc dấu hay bùa yêu
Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa
Làm cho quên mẹ quên cha
Làm cho quên cửa quên nhà
Làm cho quên cả đường ra lối vào
Làm cho quên cá dưới ao
Quên sông tắm mát, quên sao trên trời
Đất Bụt mà ném chim trời
Ông Tơ bà Nguyệt xe dây nhợ nửa vời ra đâu
Cho nên cá chẳng bén câu
Lược chẳng bén dầu, chỉ chẳng bén kim
Thương nhau nên phải đi tìm
Nhớ nhau một lúc như chim lạc đàn.
CẦU ĐÔI SÔNG HỒNG
Cầu Đôi bắc qua các dòng sông có tính nước đôi, nghĩa là sông có hai dòng chảy chính bên trong nó.
Sông Hồng là sông nước đôi tiêu biểu của nước Việt, với tên gọi Nhị Hà. Mỗi cây cầu bắc qua sông Hồng, thực chất đều là Cầu Đôi.
Trong khu vực đồng bằng sông Hồng có vài địa danh Cầu Đôi.
– Cầu Đôi bắc qua sông Hoàng Giang, gần khu vực Cổ Loa, huyện Đông Anh
– Cầu Đôi bắc qua sông Nhuệ, gần đền Sa Đôi và đền Hàm Rồng, huyện Từ Liêm
CẦU ĐÔI SÔNG CÁI
Sông bên lở bên bồi là một dạng sông nước đôi. Sông Hồng còn gọi là sông Cái, và có bên lở bên bồi.
Các dòng sông Cái đều là các dòng sông có tính nước đôi, bởi vì lưỡng nghi là bản chất của tính nữ. Trên đất nước ta, ngoài sông Hồng còn có nhiều con sông Cái mà nằm ở các tình miền Nam Trung Bộ, mà thương nguồn đều liên quan đến phía Nam dãy Trường Sơn.
– Sông Cái Quảng Nam, tên gọi đoạn trung lưu của sông Vu Gia, trong cùng hệ thống với sông Thu Bồn ở tỉnh Quảng Nam, bắt nguồn từ vùng biên giới Việt – Lào, nối với sông Thu Bồn ở huyện Đại Lộc.
– Sông Cái Quy Nhơn ở tỉnh Bình Định, đổ ra vịnh Quy Nhơn, đoạn trung lưu là sông Hà Giao, đoạn thượng lưu là sông Đắk Cron Bung.
– Sông Cái Phú Yên, tên của phần hạ nguồn của Sông Kỳ Lộ tỉnh Phú Yên.
– Sông Cái Ninh Hòa hay sông Dinh Khánh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
– Sông Cái Nha Trang ở tỉnh Khánh Hòa, qua thành phố Nha Trang, rồi đổ ra vịnh Nha Trang.
– Sông Cái Phan Rang hay Sông Dinh (Ninh Thuận) ở tỉnh Ninh Thuận, qua thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, rồi đổ ra vịnh Phan Rang.
– Sông Cái Phan Thiết hay sông Quao, bắt nguồn từ tỉnh Lâm Đồng, chảy trong huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, rồi đổ ra vịnh Phan Thiết.
—o—