CÁ VƯỢT VŨ MÔN HOÁ RỒNG & TẾT HẠ NGUYÊN

Loading

SỰ TÍCH CÁ CHÉP HOÁ RỒNG
Vào một năm, trời hạn hán, vì số Rồng quá ít, không đủ làm mưa điều hoà cho khắp mọi nơi, Trời mới đặt ra một kì thi kén các vật lên làm Rồng gọi là “Thi Rồng”. Khi chiếu Trời ban xuống, vua Thuỷ Tề loan báo cho tất cả các cư dân dưới nước tham gia vào cuộc thi. Cuộc thi có ba kì. Mỗi kì vượt qua một đợt sóng. Con vật nào đủ sức, đủ tài, vượt được cả ba đợt thì mới được hóa Rồng. Trong một tháng trời, đại diện của bao nhiêu loài thuỷ tộc đến thi đều bị loại cả vì không con nào vượt được cả ba đợt sóng. Sau có cá Rô nhảy qua được một đợt nhưng cũng bị rơi ngay. Rồi đến Tôm nhảy qua được hai đợt, ruột, gan, vây, vẩy, râu, đuôi, đã gần hoá Rồng, nhưng đến lượt thứ ba đuối sức ngã bổ xuống, nên từ đó lưng bị còng. Đến lượt con cá Chép vào thi thì gió thổi ào ào, mây kéo ầm trời. Cá Chép ta vượt luôn một hồi qua ba đợt sóng, và lọt vào cửa Vũ môn. Cá Chép đã vượt qua kỳ thi, lúc này vẩy, đuôi, râu, sừng mọc đủ, vóc dáng thật oai linh, thật đúng là thần Rồng. Cá chép hoá Rồng phun nước làm mưa, giúp sự sống đã hồi sinh.
Từ đó có câu ca dao
Mồng bảy cá đi ăn thề
Mồng tám cá về cá vượt vũ môn
Bài ca dao này đặt ra nhiều câu hỏi
1. Cá vượt vũ môn vào mùng Tám tháng mấy ?
– Cổ tích chỉ nói một năm mưa hạn, nhà trời tổ chức cuộc thi tuyển chon các giống loài có khả năng hoá rồng, và cá chép đã thắng cuộc thi đó. Cổ tích không nói sự kiện này xảy ra vào tháng nào và ngày nào
– Trong ca dao cũng như trong đời thường, khi chỉ nói ngày mà không nói tháng thì đó là các ngày Tết như “Mồng một thì ở nhà cha. Mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy”
– Một số khác cho rằng đó ngày mùng Tám tháng Bảy âm lịch, bời vì nhân dân kinh nghiệm những ngày ấy vào tháng bảy trời hay mưa, mà thời xưa người ta cho là cá chép đi thi để hóa rồng làm mưa. Tuy nhiên tháng Bảy âm lịch là tháng mưa ngâu, liên quan đến lễ Thất Tịch, và mưa ngâu là nước mắt của nàng Ngâu, không liên quan gì đến sự kiện cá chép hoá rồng cả
– Một số người nói rằng đó là tháng Tư âm lịch.
Mùng Tám tháng Tư chắc chắc là một ngày đặc biệt vì nó được nhắc đến trong nhiều bài ca dao và các bài ca dao này đều liên quan đến mưa.
Muốn ăn lúa tháng mười,
Trông trăng mùng tám tháng tư.
Bài này không nói về mưa, mà chỉ nói về trăng nhưng nếu tháng mười, nghĩa là trăng mùng tám tháng tư phải bảo hiệu mưa thuận gió hoà
—o—
Mồng tám tháng tư không mưa
Bỏ cả cày bừa mà lấp lúa đi
Mồng tám tháng tư có mưa
Mẹ con sắm sửa cày bừa làm ăn
Mùng tám tháng tư có mưa, nghĩa là cá chép đã hoá được thành rồng, cho nên năm đó sẽ mưa thuận gió hoà, còn mồng tám tháng tư không mưa thì ngược lại.
—o—
Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu
Mồng chín đâu đâu trở về hội Gióng
Dù ai buôn bán đâu đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu
Lễ hội chùa Dâu tổ chức ngày mùng 8 tháng 4, là ngày Phật Mẫu Man Nương hạ sinh con gái.
Phật Mẫu Man Nương tên là A Man, người làng Mãn Xá vùng Luy Lâu tên tục của làng là kẻ Mèn. Cha mẹ bà là vợ chồng ông Tu Định, một cư sĩ Phật giáo thuần thành và là đệ tử của Khâu Đà La thiền sư. Truyền thuyết kể rằng thuở xưa bà là một người con gái rất sùng đạo, năm 10 tuổi đến theo học đạo ở chùa Linh Quang, nay là huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tại chùa có thiền sư Khâu Đà La, là một vị cao tăng đầu tiên sang Việt Nam truyền đạo. Một hôm, thiền sư đi vắng và dặn Man Nương trông coi chùa cẩn thận. Tối đến Man Nương ngủ ở thềm, Khâu Đà La về và bước qua người, sau đó bà thụ thai. Cha mẹ Man Nương trách cứ thì Khâu Đà La dặn rằng đó là con Phật, không phải lo phiền. Hai mươi tháng sau, Man Nương sinh hạ một người con gái vào ngày 8 tháng Tư, bà đem con đến chùa trả lại Thiền sư. Ông dùng cây tầm xích gõ vào cây Dung Thụ (dâu) ở cạnh chùa; cây dâu tách ra, thiền sư để đứa trẻ vào trong, cây lại khép vào. Khâu Đà La trao cho Man Nương cây gậy và dặn khi nào hạn hán thì đem gậy cắm xuống đất để cứu nhân dân.
Khi vùng Dâu bị hạn hán ba năm liền, nhớ đến lời dặn của ông, Man Nương đã đem cây gậy thần cắm xuống đất. Ngay lập tức nước phun lên, cây cối, ruộng đồng lại tươi tốt và chúng sinh thoát nạn hạn hán.
Tiếp đó có trận mưa to, cây dâu bị gió bão quật đổ xuống sông Thiên Đức (sông Dâu) rồi trôi về Luy Lâu. Khi đó, Thái Thú Sĩ Nhiếp cho quân lính vớt lên để làm nóc điện Kính Thiên, nhưng không ai lay chuyển nổi. Man Nương đi qua liền xuống sông, buộc dải yếm vào và bảo “Có phải con mẹ thì đi lên theo mẹ” lập tức kéo cây lên dễ dàng. Sĩ Nhiếp thấy thế kính sợ, tuyển mười người họ Đào tạc tượng Tứ Pháp là Pháp Vân – Pháp Vũ – Pháp Lôi – Pháp Điện tượng trưng cho Mây, Mưa, Sấm, Chớp để thờ. Bốn bức tượng phật đó được đặt ở bốn ngôi chùa khác nhau ở trên cùng một khu vực là Chùa Dâu, Chùa Đậu, Chùa Dàn, Chùa Tướng. Khi thợ tạc tượng gặp trong thân cây một khối đá bèn vứt xuống sông. Đến đêm thấy lòng sông rực sáng, Sĩ Nhiếp cho người vớt nhưng không tài nào vớt được. Man Nương liền đi thuyền ra giữa sông thì khì khối đá tự nhiên nhảy vào lòng. Khối đá ấy được gọi là Thạch Quang Phật (Phật đá tỏa sáng).
Sự kiện Phật Mẫu Nam Nương sinh con, nếu xét theo thời kỳ Sỹ Nhiếp (137 – 226) làm thái thú Giao Châu (187 – 226), xảy ra trùng vào ngày Phật Đản (Đức Phật Thích Ca đản sinh), nhưng sau khoảng hơn 600 năm.
—o—
Mùng Tám tháng Tư ở Thác Vũ Môn, nằm trên dãy núi Giăng Màn, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, thường có mây mù dày đặc, không ai dám đến gần, vì đó là ngày chép vượt thác Vũ Môn hoá rồng. Cho nên phường chài thường bảo nhau, mấy ngày trước đó không bủa chài lưới. Người dân địa phương truyền tai nhau, nếu vào ngày cá chép vượt thác mà trời mưa, nước thác về nhiều, cá vượt thác hóa rồng, đồng nghĩa với năm đó mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; còn ngược lại, sẽ là một năm đại hạn khốn khó, người dân cần có phương án phòng bị. Kinh nghiệm của người dân nơi đây giống hệt như kinh nghiệm ông bà ta truyền lại trong ca dao tục ngữ về ngày mùng Tám tháng Tư.
2. Vũ Môn ở đâu ?
Theo truyền thuyết ở Trung Quốc hằng năm vào ngày mồng 1 tháng 11 và ngày 21 tháng 12 âm lịch, mưa to gió lớn. Khi ấy, các loài tôm cá tụ tập nhau về cửa sông Trường Giang thuộc đất Tứ Xuyên để thi tài. Vùng này hiểm trở, nước đổ vào chân núi có ba vực sâu do vua Hán Vũ đào để trị thủy nên còn gọi là Ba Tầng Cửa Vũ hay Vũ Môn Long Vân. Cá chép bên Trung Quốc có vượt Vũ Môn hoá rồng thì cũng không liên quan gì đến ngày mùng Tám được nhắc đến trong bài ca dao. Ở nước ta, có ba địa danh được coi là thác Vũ Môn 
–  Thác Bờ – Long Môn, tạo ra do núi Long Môn (cũng gọi là núi Thác Bờ) chắn ngang cửa (Môn) của Sông Đà (hay sông Hắc Thuỷ)
– – – Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn chép “Dòng chính có một nhánh chảy xuống thành sông Hắc Thủy vào nước ta… đến sông Kim Tử thì nhập lại thành sông Đà. Sông này nước rất trong… Đường thủy khó đi với 83 ghềnh thác có tiếng hiểm trở mà Vạn Bờ là khó khăn hiểm trở nhất. Ở bên phải là Thượng Động và Hạ Động của Mai Châu, phía bên trái là các động Tân An, Hào Tráng, Hiền Lương và Dĩ Lý của Mộc Châu”. Sách cũng ghi “Thác Bờ ở địa phận động Dĩ Lý và Hào Trang thuộc Mộc Châu. Một ngọn núi đứng sững giữa dòng sông Đà. Đá lớn lởm chởm. Mỗi năm đến ngày 8 tháng 4 từng đàn cá ngược dòng bơi lên những chỉ có vài con cá chép là lên được”.
– – – Sách Giao Châu ký viết rằng “Có Long Môn nước sâu đến trăm tầm, cá lớn vượt lên đến đấy sẽ hóa thành rồng”.
– – – Sách Sơn Đường dị khảo viết: Sông Long Môn ở huyện Mông, phủ Gia Hưng, nước An Nam. Nước sông chảy đến đấy thì hai bên bờ đá lớn chắn ngang, nguy hiểm. Ở giữa mở ra ba đường, nước tung tóe, bay xa đến mấy trượng, ầm ầm như sấm dội trống vang, xa hơn trăm dặm mà vẫn còn nghe được. Đến đây thuyền phải kéo lên bờ mới đi được. Bên cạnh có hang lắm cá Anh Vũ.
– – – Sách Đại Nam nhất thống chí đã chép như sau: “Ở địa phận Đà Bắc, gần châu lị, đằng trước trông ra sông Đà, có núi Long Môn, tên nữa là núi Thác Bờ, đá núi chắn ngang nửa dòng sông, thế nước xoáy mạnh ầm ầm, trông rất dữ dội. Đầu đời Lý, quân đi đánh Ma Sa đóng ở mỏm Long thuỷ, hồi đầu đời Lê đi đánh Đèo Cát Hãn, đường qua đê Long thuỷ, tức là chỗ này. Ngay giữa ghềnh đá có một chỗ rộng chừng 5,6 trượng, người ta gọi là “ao vua”, tức là bến sông Vạn Bờ xưa thuộc xã Hào Tráng, châu Đà Bắc”…lại có tên núi nữa là núi Ngải.
– – – Sách Đại Thanh nhất thống chí chép: “núi ở huyện Gia Hưng; trông ra sông Cái…tương truyền trên núi có cây ngải tiên, mùa xuân nở hoa, sau khi mưa, hoa rụng xuống nước, con cá nào nuốt phải hoa ấy thì vượt được Long Môn mà hoá thành rồng. Nay núi Long môn châu Đà Bắc, trước mặt trông ra sông Đà, gần đê Long thuỷ, có lẽ là đấy”.
Thác Vũ Môn, suối Vũ Môn, núi Vũ Môn, trong dãy Giăng Màn, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh
– – – Đại Nam nhất thống chí có chép : “Ở núi Vũ Môn trong dãy Giăng Màn, thuộc huyện Hương Sơn, trên núi có thác ba bậc, mỗi bậc đến vài ba trượng, đứng ngoài mấy trăm dặm trông như một làn khói đứng sững trong núi xanh. Tương truyền hàng năm, cứ đến ngày 8 tháng 4 cá chép vượt được suối này thì hóa rồng, phường chài thường bảo nhau mấy ngày trước không bủa chài lưới, đúng ngày ấy thì chỗ này mây mù dày đặc, không ai dám đến gần”. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú; Hoàng việt dư địa chí đời Minh Mạng; Đồng Khánh địa dư; cũng nói về suối Vũ Môn và hiện tượng cá chép hoá rồng ở đây vào ngày mùng 8 tháng 4
– – – Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch có viết: “Núi khai trương cao ngất trời, trông như màn giăng. Một giải trắng nổi bật lên giữa màu lam xanh biếc, dài đến mấy trăm trượng, gọi là Suối Vũ Môn. Tục truyền đây là nơi cá Gáy hóa Rồng”.
– – – Tài liệu “Vũ Môn – Cá Gáy hóa Rồng và một số địa danh lịch sử vùng Hương Khê – Hà Tĩnh” của ông Trần Văn Quý (nhà nghiên cứu Hán nôm- quê xã Hương Bình): Tên gốc của Suối Vũ Môn (tên cúng cơm) là Dòng Nước Thần (hoặc Suối Nước Thần).
Hầm Hô – Thác Cá Bay ở Phú Phong, thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định

– – – Hầm Hô thực chất là một khúc sông có chiều dài khoảng 3 km, được tạo nên từ nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát khi cả hai dòng sông này cùng đổ vào dòng Phú Phong. Cái tên “Hầm Hô” có đến 3 cách lý giải khác nhau: Cách thứ nhất, theo tương truyền xưa kia khi nắng hạn kéo dài, dân làng tới Hầm Hô vào ban đêm để cúng trời đất, sơn thần, thủy thần dâng lễ cầu mưa. Khi lễ cầu mưa bi thiết đã thấu trời đất, thánh thần, thì giữa đêm khuya thanh vắng nghe rõ những âm thanh ào ào như nước cuốn, vù vù như gió bay, lẫn trong ấy có tiếng hô hoán của đông người như tiếng thần linh đang hú gió, gọi mây, vì vậy mà có tên là “Hầm Hô”. Cách thứ hai, là do Hầm Hô có rất nhiều hòn đá mọc lởm chởm tại miệng hầm nước, khi nhìn sẽ liên tưởng đến hàm răng hô của thiên nhiên nên có tên Hầm Hô. Cách thứ ba, là tại Hầm Hô có một thác nước cao chừng 6 – 7 m, nước đổ từ trên cao xuống phát ra tiếng vọng giống như tiếng người hô hoán từ trong hầm; đây là cách lý giải dễ nhận thấy nhất, có cơ sở khoa học và thực tiễn khi du khách đến Hầm Hô.

– – – Ngoài cái tên Hầm Hô, nơi này còn có tên Thác Cá Bay; bởi trước đây sông, suối Hầm Hô còn có nhiều loài cá như cá đá, cá mương, cá niên, cá trắng, cá chép, cá ngựa, cá trôi… Mùa mưa, từng đàn cá từ sông Côn ngược dòng lên nguồn Ðá Hàng để sinh sản, chen chúc nhảy lên vượt thác để về. nguồn, vì vậy nơi này còn có tên Thác Cá Nhảy hay Thác Cá Bay. Gọi là “cá bay” vì thác cao đến ba bốn thước, nếu không bay thì nhảy thế nào qua.

– – – Các ông già bà cả bảo rằng mỗi năm Long Vương mở hai kỳ thi lớn. Cá sông Côn phải vào Hầm Hô để thi. Những con nào vượt qua khỏi thác thì được hóa rồng, con nào rớt thì phải đọa. Cho nên Thác Hầm Hô còn có tên nữa là thác Vũ Môn.

Hầm Hô có cá hoá rồng
Bâng khuâng nhớ đấng anh hùng họ Mai
Vá trời lấp biển còn ai?
Ngổn ngang đá chất lớp ngoài lớp trong.
Hầm Hô có nước trong xanh
Dưới sông cá lội, trên cành chim reo
Hầm Hô có đá khổng lồ
Có hang Bảy Cử, có vò rượu tăm.
Anh hùng họ Mai là Mai Xuân Thưởng sĩ phu và lãnh tụ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 ở Bình Định. Ông sinh năm 1860 tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Năm 1885 ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, trở về quê Phú Lạc chiêu mộ nghĩa sĩ, lập căn cứ chiến đấu, đến năm 1887 thì cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị giặc bắt và xử trảm tại Gò Chàm (phía đông thành Bình Định cũ). Thi hài ông sau đó được đưa về táng tại Cây Muồng (nơi cha ông đã yên nghỉ), thuộc thôn Phú Lạc. Do từng đậu cử nhân và là con thứ bảy trong gia đình, ông còn có tục danh là ông Bảy Cử.
4. Cá nào ? Cá ăn thề chuyện gì ? Cá có chắc chắn vượt được Vũ Môn để hoá rồng không ? 
– Cá nào có thể vượt vũ môn hoá rồng ?
– – Cổ tích nói rằng chỉ có cá chép hoá rồng, các loại cá hoặc không tham gia cuộc thi hoặc tham gia nhưng thất bại không hoá được thành rồng
– – Truyền thuyết ở các vùng khác nhau nói rằng các loại cá có thể hoá rồng
– – – Long Môn – Thác Bờ, Hoà Bình : Cá chép, cá chép lớn và cá anh vũ một loài cá quý thân giống cá chép, môi giống lợn, nhưng nhỏ hơn cá chép bình thường
– – – Vũ Môn, Hương Khê, Hà Tĩnh : Cá gáy là cách gọi cá chép của người miền Trung
– – – Hầm Hô : Không nói rõ cá nào hoá rồng
– – Ca dao có nhiều bài về đủ loại cá muốn hoá rồng như cá mương, cá gáy, cá rô… nhưng cơ bản việc cá hóa rồng là cực kỳ khó
– Cá ăn thề chuyện gì ? Đơn giản nhất có thể suy luận rằng cá đi ăn thề về chuyện vượt Vũ Môn vào ngày hôm trước ngày vượt Vũ Môn, nghĩa là vào ngày mùng Bảy.
– Cá có chắc chắn vượt được Vũ Môn không ? Nếu cứ đến ngày mùng Tám tháng Tư, bất kỳ con cá nào cũng vượt được Vũ Môn hoá rồng thì cá đâu cần đi ăn thề, ngày mùng 8 tháng 4 nào mà chả mưa, và sự kiện cá chép hoá rồng đâu khó khăn và thiêng liêng nữa. Có thể hiểu là không phải tất cả mọi năm đều có cá vượt được vũ môn và không phải tất cả cá đi ăn thề đều vượt được Vũ Môn
– Nếu cá không vượt được Vũ Môn thì chuyện gì xảy ra ? Ca dao cũng nói rất rõ rằng cá mà không hoá rồng được thì một là xong máu, hai là bể đầu
Một hóa long, hai xong máu
—o—
Chép lớn còn muốn lên rồng
Nhảy lên chẳng được hóa long, bể đầu.

—o—o—o—o—o—

CA DAO TỤC NGỮ VỀ HIỆN TƯỢNG HOÁ RỒNG
Chúng ta cùng xem ca dao tục ngữ nói gì về hiện tượng hoá rồng của cá chép và cả các giống loài khác nữa
CÁ CHÉP HOÁ RỒNG
Chép lớn còn muốn lên rồng
Nhảy lên chẳng được hóa long, bể đầu.
—o—
CÁ GÁY HOÁ RỒNG
– Tấm thân em như con cá gáy dưới sông
Nhảy lên tam cấp, hóa con rồng cho anh coi!
– Anh đây vốn học trò Tôn Ngộ Không
Tay cầm cái vợt, giá vũ đằng vân
Em có hóa thành một trăm con cá gáy, đã thoát thân con nào!
—o—
Biết răng chừ cá gáy hóa rồng
Đền ơn thầy mẹ ẵm bồng ngày xưa.
—o—o—o—
CÁ LÝ NGƯ HOÁ RỒNG
Con cá lí ngư cũng như thân thiếp
Chờ cho mãn kiếp mới được thành rồng
Thân người ta sao đủ vợ đủ chồng
Để tôi xa lánh bụi hồng thế gian
—o—o—o—
CÁ MƯƠNG HOÁ RỒNG
Nực cười thầy bói soi gương
Thầy tu chải chấy, cá mương hóa rồng
—o—o—o—
CÁ RÔ HOÁ RỒNG
Con cá rô nằm nghỉ dưới hồ,
Trương vi trương vẩy biết khi mô hóa rồng
—o—
Em là con gái đến thì
Như con cá rô thia ăn vực, có khi hóa rồng.
—o—o—o—
CÁ MẠI HOÁ LONG
Cây khô mấy thuở mọc chồi
Cá mại dưới nước mấy đời hoá long
—o—
Sá chi thân phận con quy
Ngày thì bùn lấm, đêm thì gió sương
– Cây khô mấy thuở mọc chồi
Cá mại dưới nước mấy đời hóa long
—o—o—o—
CÁ BIỂN HOÁ RỒNG
Trên rừng có cây hoa kiểng,
Dưới biển có cá hóa long.
Con cá lòng tong ẩn bóng ăn rong,
Anh đi Lục Tỉnh giáp vòng,
Tới đây trời khiến đem lòng thương em.
—o—o—o—
CÁ HOÁ RỒNG Ở HẦM HÔ
Hầm Hô có cá hoá rồng
Bâng khuâng nhớ đấng anh hùng họ Mai
Vá trời lấp biển còn ai?
Ngổn ngang đá chất lớp ngoài lớp trong.
Hầm Hô có nước trong xanh
Dưới sông cá lội, trên cành chim reo
Hầm Hô có đá khổng lồ
Có hang Bảy Cử, có vò rượu tăm.
—o—o—o—
RÁN HOÁ RỒNG
Có phúc thì rắn hóa rồng
Vô phúc phượng lại đổi lông hóa cò
—o—
Rắn liu điu có phước cũng hóa rồng
Phượng hoàng chớp cánh, rụng lông như cò
—o—o—o—o—o—
NGỰA Ô HOÁ RỒNG
Ngựa ô trổ mã thành rồng
Anh đây trổ mã thành chồng của em.
—o—o—o—o—o—
CON DƠI HOÁ RỒNG
Em là con gái làng Keo
Em ra thách cưới, thách cheo với chàng
Xin chàng chín chiếc tàu sang
Mỗi tàu hai chiếc xà lan đi kèm
Tàu thì gạo trắng, gân bò
Tàu thì rượu nếp với vò rượu tăm
Lá đa hái giữa đêm rằm
Răng nanh thằng Cuội, râu cằm Thiên Lôi
Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi
Lại thêm chín chục con dơi hoá rồng/góa chồng.
—o—
Em là con gái nhà giàu
Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao
Cưới em trăm tấm gấm đào
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời
Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi
Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng
Sắm xe tứ mã đem sang
Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu
Ba trăm nón Nghệ đội đầu
Một người một cái quạt Tàu thật xinh
Anh về sắm nhiễu Nghi Ðình
May chăn cho rộng ta mình đắp chung
Cưới em chín chĩnh mật ong
Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò
Cưới em tám vạn trâu bò
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm
Lá đa mặt nguyệt hôm rằm
Răng nanh thằng Cuội, râu hàm Thiên Lôi
Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi
Xin chàng chín chục con dơi hoá rồng/góa chồng
Thách thế mới thỏa trong lòng
Chàng mà lo được thiếp cùng theo chân

—o—o—o—o—o—

SO SÁNH VỚI HIỆN TƯỢNG CÁ VƯỢT VŨ MÔN HOÁ RỒNG

Bồng bổng bồng bông
Trai ơn vua chầu chực sân rồng
Gái ơn chồng ngồi võng ru con
Ơn vua xem nặng bằng non
Ơn chồng đội đức tổ tông dõi truyền
Làm trai lấy được vợ hiền
Như cầm đồng tiền vớ được của ngon
Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng

Hiện tượng cá vượt vũ môn hoá rồng trong ca dao được so sánh với việc gái lấy được chồng khôn, nghĩa là rất khó khăn và đòi hỏi nỗ lực rất lớn từ phía người con gái để đi ngược lại luồng vận hành phổ biến

—o—

Vàng mười thử lửa thử than
Người khôn thử tiếng, người ngoan thử lời
Ngó lên trống giục neo dời
Nhớ câu ước thệ, nhớ lời giao ngôn
Một ngày có đặng vợ khôn
Cũng tày cá ở vũ môn hóa rồng

Bài này so sánh việc cá ở vũ môn hoá rồng với việc trai lấy được vợ khôn, lúc này trai là con cá

—o—

Một ngày ở với người khôn
Cũng như con cá vượt vũ môn hóa rồng.

Bài này so sánh việc cá vượt vũ môn hoá rồng với ở với người khôn, không phân biệt là trai ở với vợ, gái ở vợ với chồng, hay trai gái khôn ở được với nhau.

—o—

Ngày nào nên nghĩa vợ chồng
Đôi đứa ta như thể cá hóa rồng lên mây.

Bài này so sánh việc đôi ta thành được vợ chồng với việc cá hoá rồng lên mây, với ý nghĩa cá hoá rồng lên mây là sự chuyển đổi hoàn toàn cuộc đời của mỗi người theo hướng thăng hoa.

—o—

Bậu chê anh quân tử lỡ thì
Anh tỉ như con cá ở cạn chờ khi hóa rồng
Ngày nào nên ngãi vợ chồng
Đôi lứa ta như thể cá hóa rồng lên mây

Bài này người đàn ông so sánh mình với con cá mắc cạn, nghĩa là đang găp khó khăn nhưng nó quyết chí đợi sự chuyển hoá hoàn toàn (cá cạn chờ khi hoá rồng)

—o—

– Mù u nhỏ rễ ăn lan
Sợ mình nói gạt qua đàng đấy thôi
– Phụng hoàng chấp cánh bay xuôi
Liệu bề thương đặng, mình ơi, tôi chờ.
– Nước lên khỏi bực tràn bờ,
Thương mình thương vậy, biết chờ đặng không?
– Đặng không tôi cũng gắng công
Đợi cho con cá hóa rồng sẽ hay
Gặp mình may quá là may
Trông cho trời tối bắt tay đặng về

Bài này là đối đáp của chàng trai và cô gái, chàng trai ví ý chí đến với cô gái như ý chí của con cá quyết hoá rồng, nên cô gái hãy đợi sẽ biết.

—o—

Cá kia có chí hóa rồng
Con người có chí mới không hỏng tài.

Người có chí sử dung tài năng của mình được so sánh với cá có chí hoá rồng

—o—o—o—o—o—

ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÁ HOÁ RỒNG

– Không gian : Không phải bất kỳ dòng sông nào, dòng thác nào cá cũng hoá được rồng. Cá chỉ hoá rồng ở cửa sông có tính rồng (Long Môn) của những con sông có tính rồng (Long Thuỷ) :
– – – Sông Đà Hoà Bình còn được gọi là Long Thuỷ hay Hắc Long (rồng đen) và Thác Bờ nằm ở chân núi Long Môn
– – – Suối Vũ Môn ở Hương Khê, Hà Tĩnh còn gọi là suối Thần, chảy ở dãy núi Giăng Màn : Sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết: :Sông La có hai nguồn: Một nguồn từ động Thâm Nguyên (tức Ngàn Sâu) ở núi Khai Trương (tức núi Giăng Màn) châu Quy Hợp tỉnh Hà Tĩnh (đạo Hà Tĩnh xứ Nghệ xưa), chảy về Đông đến xã Chu Lễ, hợp với sông Tiêm, đến xã Bào Khê gặp sông Trúc, qua sông Cửu Khúc đến xã Vũ Quang thì hội với sông Ác (tức sông Ngàn Trươi), đến xã Đỗ Xá thì gặp sông Ngàn Phố. Nguồn kia là sông La Hà bắt đầu từ ngọn Cốt Đột núi Giăng Màn, chảy về phía Đông gọi là sông Ngàn Phố đến Đỗ Xá hợp với sông La. Sông La chảy đến xã Bùi Xá thì chia ra một nhánh chảy vào sông Minh, chảy tiếp về Đông đến xã Tường Xá thì đổ vào sông Lam”. Vậy có thể nói dãy núi Giăng Màn là đầu cả hai nguồn của sông La, rồi sông La lại đổ về sông Lam, mà sông Lam còn có tên gọi là Thanh Long. Thác Vũ Môn nằm ở trên núi Giăng Màn có thể coi là nơi đầu nguồn của sông La và sông Lam. Ngoài ra, trong tên Vũ Môn đã có rồng rồi, vì người ta thường nói nơi cá chép hoá rồng là Vũ Long Môn.
– – – Sông Côn ở tỉnh Bình Định : Côn cũng là Công, ông Công (trong bộ Đầu nhau) có năng lượng của cả Long Vương và Ngọc Hoàng, nên bên trong chữ Côn có chữ Long

– Thời gian : Không phải thời khắc nào cá cũng hoá được rồng.
– – – Sự tích “Cá chép hoá rồng” không nói rõ cá hoá rồng vào thời điểm nào theo lịch, nhưng sự kiện cá chép hoá rồng xảy ra vào cuối mùa hạn chuyển sang mùa mưa vì Ngọc Hoàng đã tổ chức kỳ thi vào mùa hạn và khi cá chép hoá rồng thì có mưa
– – – Ca dao chỉ nói cá hoá rồng vào mùng 8 không nói là mùng 8 tháng nào
– – – Huyền tích ở thác Vũ Môn, Hương Khê, Hà Tĩnh đã nói rõ ràng rằng cá gáy (cá chép) hoá rồng vào ngày mùng Tám tháng Tư.
– – – Ở Hầm Hô, cá hoá rồng vào mùa sinh sản khi chúng phải vượt thác đi ngược lên nguồn. Mùa cá sinh sản ở đây là mùa mưa. Mùa mưa ở Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định là cuối Thu đến đầu Xuân,
– – – Ở Thác Bờ, cá hoá rồng vào mùa xuân, khi có hoa ngải tiên nở trên núi Ngải, vì cá phải ngậm được hoa ngải tiên đi qua cửa Vũ Môn mới hoá được thành rồng

– Đối tượng : Không phải cá nào cũng hoá được rồng. Các loài cá được nhắc đến với khả năng hoá rồng đều có gốc là cá chép. Cá gáy hoá rồng ở thác Vũ Môn, Hương Khê là tên khác của cá chép. Cá lý ngư cũng là tên khác của cá chép. Cá anh vũ hoá rồng ở Thác Bờ là loài cá được mô tả là thân cá chép, miệng lợn. Ở riêng ở Hầm Hô, không rõ cá nào hoá rồng được. Rõ ràng chỉ có loại có nào có năng lực hoá rồng sẵn trong mình hay có dòng máu rồng, trong thử thách của ngoại cảnh và với ý chí cá nhân mới có thể hoá rồng.

—o—o—o—o—o—

VƯỢT VŨ MÔN LÀ THẾ NÀO ?

Có mấy cách hiểu về Vũ Môn
– Vũ Môn là một ngọn thác, nơi có nước chảy xiết, hằng năm cá chép tập trung đến đây, con nào vượt qua được Vũ Môn thì hóa rồng, cho nên nơi đây còn gọi là Long Môn hay Vũ Long Môn. Như vậy cứ nơi nào có cá chép hoá rồng thì nơi đó có thể được gọi là Vũ Môn hay Vũ Long Môn hay Long Môn.
– Vũ Môn là nơi vua Vũ phá đá trị thủy. Vua Vũ (2298 TCN – 2198 TCN), còn gọi là Đại Vũ, Hạ Vũ, hay Văn Mệnh, một vị vua cổ đại huyền thoại. Vua nổi tiếng với về việc trị thuỷ và xác lập chế độ cha truyền con nối ở Trung Quốc bằng cách thành lập nhà Hạ. Đạo Giáo tôn ông là Thuỷ Quan Đại Đế, thần đản là ngày Tết Hạ Nguyên. Truyền thuyết kể rằng, thời cổ đại hồng thủy mênh mông, nước ngập tới lưng trời, Vua Đại Vũ đi xem xét các nơi rồi đến đoạn hiểm trở nhất của sông Hắc Thủy, đục đá phá mỏm núi chắn ngang sông, khơi thông nước lũ. Thiên Vũ Cống của Kinh Thư có câu: “Dẫn nước sông Hắc Thủy đến núi Tam Nguy rồi ra biển Nam Hải”. Ngoài Hắc Thuỷ, vua Vũ còn phá đá trị thuỷ ở nhiều nơi và Hắc Thuỷ không hẳn là một địa danh xác định.
– Vũ Môn vừa là nơi vua Vũ phá đá trị dòng Hắc Thuỷ ra biển Nam Hải vừa là nơi cá chép vượt thác hoá rồng
Ca dao, tục ngữ so sánh sự kiện vượt Vũ Môn với một quá trình chuyển hoá lâu dài mà sự kiện hoá rồng chỉ kết thúc của quá trình đó mà thôi
– Sự sống chung với người khôn : liên quan đến sự kết hợp với chuyển hoá tư duy
– Sự kết hôn : liên quan đến sự kết hợp và chuyển hoá dòng máu
– Ý chí vượt khó khăn : liên quan đến sự kết hợp và chuyển hoá hoàn cảnh
– Ý chí biểu đạt : liên quan đến sự kết hợp và chuyển hoá âm ẩn sang dương hiện, dạng thanh, dạng hình, dạng vật chất
Như vậy “cá chép hoá rồng” là một sự kiện chuyển hoá vừa liên tục vừa đứt đoạn về cấu hình thể, tinh thần, dòng máu và giống loài. Bất kỳ khi nào và ở đâu một đối tượng làm được như vậy, thì một đối tượng đã hoá rồng.
Vào thời điểm cuối đời, khi một người chuyển hoá hoàn toàn được bản thân mình nói cách khác tu thành chính quả, hoá thần, hoá thánh, hoá tiên, hoá Phật … thì họ cũng hoá rồng. Hiện tượng chuyển hoá cuối đời rất phổ biến trong tích về các vị thánh thần và các vị thành hoàng làng ở khắp nơi trên đất nước ta. Sự kiện thánh Gióng cuối đời bay lên trời từ đỉnh núi Sóc cũng chính là như vậy. Cuộc đời của Thánh Gióng là sự chuyển hoá liên tục từ cậu bé không biết nói năng chỉ ngồi một chỗ trong ba năm từ lúc sinh ra cho đến lúc hoá thánh chính là một ví dụ về hoá rồng.

—o—o—o—o—o—

HẠ VŨ TRỊ THUỶ – CÁ CHÉP HOÁ RỒNG

 

Truyền thuyết kể rằng, thời cổ đại hồng thủy mênh mông, nước ngập tới lưng trời, Vua Hạ Vũ đi xem xét các nơi rồi đến đoạn hiểm trở nhất của sông Hắc Thủy, đục đá phá mỏm núi chắn ngang sông, khơi thông nước lũ. Thiên Vũ Cống của Kinh Thư có câu: “Dẫn nước sông Hắc Thủy đến núi Tam Nguy rồi ra biển Nam Hải”.
Hắc Thuỷ bản chất là gì ?
– Hắc Thuỷ có thể hiểu là sông đen. Sông Đà còn được gọi là Hắc Thuỷ, và được dịch nguyên nghĩa ra tiếng Pháp là fleuve noir, đối xứng với sông Hồng là fleuve rouge và sông Lô là fleuve jaune
– Hắc Thuỷ là sông là lực đà, có dòng chảy mạnh mẽ, mà lực đà chính là lửa. Sông Đà, đà là lực đà cũng chính là một Hắc Thuỷ.
– Hắc Thuỷ là dòng sông chảy ra, sông xả, sông mang theo trong đó nhiều thứ bên trong chảy về cuối nguồn (Nam Hải), khác với Đào Nguyên là suối nước tinh khiết đầu nguồn, cho nên Hắc Thuỷ là một loại Cống Thần (Nông Cống cũng là nước đen nhưng có tính Mộc)
– Hắc Thuỷ là Rồng đen với Rồng đen là con rồng ngũ hành âm mùi (kim mộc hoả thuỷ khí), đối xứng với ngũ hành hình vị (kim mộc thuỷ hoả thổ) với Vũ là khí vận hành luân chuyển.

Sự kiện “Hạ Vũ trị thuỷ” được gắn với sự kiện “Cá chép hoá rồng” bởi vì hai sự kiện có cùng bản chất nhưng đi ngược chiều nhau với các cặp đối xứng sau

– Hạ Vũ là rồng đen ẩn mình – Cá chép hoá rồng là rồng ẩn hiện hình

– Tam Nguy tương đương với ba tầng Vũ Môn, là các thử thách mà cá chép phải vượt qua

– “Cá chép hoá rồng” là “Hắc Thuỷ ra biển Nam hải”

– “Dẫn nước sông Hắc Thủy đến núi Tam Nguy rồi ra biển Nam Hải” và “Cá chép vượt Vũ Môn hoá rồng” là hai sự việc có cùng bản chất là dùng luồng Hoả Khí dẫn Thuỷ Mộc phá Thổ bằng tính Kim.

Bước ngoặt ở cả hai sự kiện “Hạ Vũ trị thuỷ” và “Cá chép hoá rồng” đều xảy ra ở cửa Vũ Môn ?

Vũ Môn chính là cổng không thời gian mà sự kiện chuyển hoá âm dương, hay cá chép hoá rồng này xảy ra.
– Rồng mang tính dương hoả, chủ động, đi đầu, tổng hợp thống nhất đa dạng
– Cá chép mang tính âm thuỷ, bị động, đi theo, đơn lẻ, cá thể, chia rẽ
Sự kiện chuyển hoá âm dương tại cổng Vũ Môn gọi là Vũ Hoá, mà theo từ điển là
– Trùng non hóa thành sâu bọ.
– Đắc đạo thành tiên.
Theo truyền thiếp cá chép hoá rồng và ca dao tục ngữ, vũ hoá là
– Cá chép hoá rồng
– Chuyển hoá qua hôn nhân (kết hợp & chuyển hoá lý trí, ý chí, cảm xúc và dòng máu)
Một dòng máu rồng nguyên thuỷ Nguyên Long, mang tính trời Thiên Long hạ xuống Hạ Long ẩn vào dòng máu cá chép Long Ẩn hay Tàng Long qua quá trình vận hành, đến Vũ Môn, hoá long trở Thăng Long bay lên mây Vân Long rồi phun mưa, lại trở về với Nguyên Long.
– Thiên Long
– Hạ Long
– Tàng Long
– Vũ Long Môn
– Hoá Long
– Thăng Long
– Vân Long
– Nguyên Long
—o—o—o—o—o—

HẠ VŨ – RỒNG ĐEN

 

Người ta cho rằng vua Vũ là hoá thân của Rồng đen.

Rồng đen là con rồng đi qua thiên biến vạn hoá, con rồng chuyển hoá, con rồng vũ hoá, con rồng vận hành, con rồng âm thanh, con rồng khí huyết.

Rồng đen là con rồng ngũ hành âm mùi (kim mộc hoả thuỷ khí), với Vũ là khí vận hành luân chuyển, đối xứng với ngũ hành hình vị (kim mộc thuỷ hoả thổ).

Vì Hạ Vũ dẫn Hắc Thuỷ về Nam Hải, nên ca dao tục ngữ Việt chắc chắn phải nói về ông qua biểu tượng rồng đen

Rồng trắng lấy nước gạo mùa
Rồng đen lấy nước cho vua đi cày

Rồng trắng lấy nước gạo mùa : nước gạo mùa là nước mộc thổ.

Rồng đen lấy nước cho vua đi cày :

Rồng đen là Hạ Vũ.

Vua đi cày chính là Thần Nông Viêm Đế.

—o—

Rồng đen lấy nước thì nắng
Rồng trắng lấy nước thì mưa

Rồng đen lấy nước thì nắng : nước được chuyển hoá thành thanh âm, để vận hành sự toả sáng

Rồng trắng lấy nước thì mưa : ví dụ là Cá chép hoá rồng lên mây Vân Long, phun mưa.

Rồng mây và rồng phun mưa được ca dao tục ngữ nói rất nhiều so với rồng đen và rộng tạo nắng.

—o—

Áo đen năm nút con rồng
Ở xa con phụng lại gần cho quy

Áo đen năm nút con rồng là rồng đen ngũ hành. Rồng đen không phải là rồng bay phượng múa, mà là quy long hay rồng gần rùa. Đây chính là câu chuyện Hạ Vũ được đỡ bởi rồng đen và rùa đen, Hạ Vũ kết hợp với Trấn Vũ.

—o—o—o—o—o—

HẠ VŨ – NAM HẢI ĐẠI THẦN VƯƠNG

Vũ Môn chính là cửa Vũ. Lễ mở cửa biển cũng liên quan đến Thuỷ Quan Đại Đế, vì ông là thần giữ cửa Vũ.
Cửa Bạch Đằng là cửa biển do ông trấn giữ phần vận hành khí chuyển hoá. Nam Hải Đại Thần Vương thờ ở đảo Hòn Dấu, thuộc phường Vạn Hương, Quận Đồ Sơn thành phố Hải Phòng.

Theo truyền thuyết, trong trận thủy chiến với giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288, khi trời sẩm tối những ngư dân đang đánh cá gần đảo Hòn Dấu phát hiện một thi thể lập lờ trên sóng nước. Khi đốt đuốc tới gần, thấy thi thể người mặc áo giáp trụ, qua trang phục và tất cả những gì thu thập được mọi người nhận ra đây chính là vị võ tướng nhà Trần hi sinh trôi dạt về đây. Với sự tri ân thành kính, họ đã cùng nhau khâm liệm trong đêm để hôm sau an táng. Khi trời vừa sáng, những người có mặt đã vô cùng ngạc nhiên thấy thi thể vị võ tướng bị mối đùn lên lấp kín. Biết tướng quân được thiên táng họ đã cùng nhau quỳ xuống khẩn cầu xin được sửa sang phần mộ cho đẹp đẽ.

Theo Đại Nam Nhất thống chí và tương truyền, vào thời Hậu Lê, vua Lê ngự giá kinh lý vùng Đồ Sơn và nghỉ đêm trên Đảo Dấu, đêm đó nhà vua đã mơ thấy ông già râu tóc bạc phơ, vai đeo chiếc giỏ, tự xưng là thần Đảo. Sáng hôm sau lên thuyền nhà vua kể lại câu chuyện cho quân lính cùng nghe rồi nói “Nếu là thần Đảo, hãy cho ta một báo ứng”. Vừa dứt lời, có một con cá quẫy mạnh nhảy lên thuyền. Thấy linh nghiệm, vua bèn sắc phong cho tước hiệu Lão Đảo Đại Thần Vương rồi truyền cho trăm họ lập đền thờ phụng.

Lần khác, vua Tự Đức đi thuyền rồng kinh lý ra Bắc gặp sóng to, gió lớn, trời lại mưa tầm tã. Khi đến đảo Hòn Dấu, nghe các quan địa phương bẩm tấu về sự linh thiêng của Lão Đảo Thần Vương, nhà vua liền thành tâm cầu nguyện. Vừa dứt lời, bỗng nhiên trời quang mây tạnh, sóng yên biển lặng, nhà vua liền sắc phong cho ngài là Nam Hải Thần Vương.

Lễ hội đền tổ chức từ ngày mùng 1/2 âm lịch hàng năm, chính hội từ ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng 2 âm lịch. Trong lễ hội có tục rước đèn, thả thuyền giấy vào đầu giờ Tý (23 giờ đêm ngày 8/2 đến 0 giờ ngày 9/2 âm lịch), mỗi lần như thế mặt biển quanh đảo Hòn Dấu bỗng lại cồn lên dữ dội như chứng giám cho lòng thành kính của muôn dân. Bởi vậy, các tàu bè đi bắc về nam đều qua cửa đền Nam Hải Thần Vương mong được chở che trước sóng to gió lớn và gặp nhiều may mắn.
Vì ngài là rồng đen, nên ngài hiển linh với giờ Tý.
—o—o—o—o—o—

HẠ VŨ & TẾT HẠ NGUYÊN

Hỗ trợ cho vua Hạ Vũ trong việc tri thuỷ là một con rồng màu đen và một con rùa màu đen. Rùa và Rắn, hay Quy Xà và màu đen là biểu tượng của đức Huyền Thiên. Đức Huyền Thiên có nhiều hiện thân trong đó có hiện thân nổi tiếng là Huyền Thiên Trấn Vũ và Huyền Thiên Hắc Đế, mà rõ ràng đều liên quan đến Hắc Thuỷ và Vũ Môn.
Trong Đạo Giáo, Huyền Vũ gắn với phương Bắc, thần đản là tết Cửu Trùng (9/9 âm lịch). Tết Trùng Cửu liên quan đến Cửu huyền thất tổ và Cửu huyền trăm họ, và các vị thần
– Cửu Thiên Huyền Nữ, được biết đến như Bà chúa Xứ, Mẫu Địa hoặc Mẫu Sơn Trang
– Cửu Thiên Huyền Thiên, được biết đến như Bà Tổ Cô của các dòng họ hoặc Cô Chín
– Huyền Thiên, được biết đến như Ông Mãnh của các dòng họ
Trong Đạo Giáo được biết đến như là Thuỷ Quan Đại Đế, thần đản là Tết Hạ Nguyên.
Tết Hạ Nguyên (Lễ mừng lúa mới hay còn gọi là Tết cơm mới) là lễ hội quan trọng nhất trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của các dân tộc Việt Nam. Lễ mừng lúa mới đối với người dân tộc thiểu số cũng quan trọng giống như dịp Tết của người Kinh vậy. Lễ cúng được tổ chức hàng năm, với mục đích mừng mùa màng thuận lợi và để cúng tạ các vị thần đã giúp dân làng được mùa. Tùy theo từng dân tộc, các tổ chức sẽ có những đặc điểm riêng khác nhưng điểm chung thường thấy là các lễ hiến tế, ăn cơm mới… Thường được tiến hành sau khi kết thúc vụ mùa, thường vào ngày 15 tháng 10 Âm lịch.
Tại sao các lễ Tết liên quan đến Thuỷ Quan Đại Đế lại thường được tổ chức cùng với Tết mùa mới/Tết Hạ Nguyên mà liên quan đến Thần Nông ? Bởi vì Thuỷ Quan Đại Đế (hiện thân của Diêm La và Long Vương) liên quan đến Thần Nông – ông Táo (hiện thân của Tản Viên và Diêm Vương). Táo Quân là một trong ba vị Đầu nhau, giữ cổng Sinh của mọi giống loài gồm cổng sinh của ông bà Đầu nhau trên các cây dòng họ của chúng ta. Tết Hạ Nguyên về bản chất là Tết của ông Táo, cho nên Mùa mới không chỉ có ý nghĩa là mùa lúa mới, mùa vụ mới, mà còn là các mùa sinh mới, khởi đầu một chi họ.
—o—o—o—o—o—

THUỶ QUAN ĐẠI ĐẾ & LỄ CÚNG BẾN NƯỚC

Trong Đạo Giáo, Hạ Vũ được biết đến như là Thuỷ Quan Đại Đế.
Thuỷ Quan Thần Đế liên quan đến các lễ cúng bến nước, thường tổ chức vào cùng dịp với Tết Mùa Mới.
– Lễ cúng Bến nước hay Tết Giọt nước, Tết bến nước là 1 trong những nghi lễ quan trọng của dân tộc Êđê, Tây Nguyên.
– Lễ cúng bến nước là một lê hội của người M’Nông. Theo phong tục người dẫn sẽ cõng nước từ đầu nguồn về nhà để làm nghi lễ tạ ơn cúng tổ tiên và mời thần linh về chứng giám lễ tạ ơn thần nước. Dân làng cầu mong thần nước phù hộ sức khỏe cho gia đình, cho buôn làng, cầu mong thần núi, thần sông cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tốt tươi, mang lại nhiều hạt gạo cho dân làng. Đoàn rước lễ gồm chủ lễ cũng là chủ bến nước, già làng, thầy cúng, cùng các anh em trai của người chủ nhà, hai thiếu nữ là con cháu của những người chủ nhà. Thầy cúng làm lễ gọi thần núi, thần nước đến nhà chứng kiến lễ tạ ơn, chủ bến nước là người đứng ra khai phá, phát hiện nguồn nước. Nếu người này mất đi thì con cháu hoặc người kế vị sẽ đảm nhận chức danh này. Dân làng thường cúng vật hiến sinh là trâu, bò, heo, cỏ, gạo, nếp, rượu cần. Các thiếu nữ cùng hòa nhịp với âm vang cồng chiêng. Lễ cúng được tổ chức hàng năm, với mục đích cúng tạ thần nước đã đem lại những may mắn trong năm cũ và cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi cho năm sau.
Ca dao có câu
Mười hai bến nước mười ba ông thày
—o—
Bến trong thì nhờ,
Bến dơ thì chịu
—o—
Lênh đênh một chiếc thuyền tình
Mười hai bến nước biết mình nơi đâu.
—o—
Phận em giả tỷ như chiếc thuyền tình
Mười hai bến nước linh đinh
Biết đâu trong đục nương mình gửi thân
—o—
Thân em vừa đẹp vừa giòn
Thân đi làm mọn, cúi lòn khổ thay
Thân gái bến nước mười hai
Gặp nơi trong đục may ai nấy nhờ
Nước sông chảy xuôi từ nguồn ra biển đi qua nhiều bến nước, không bên nước nào giống bên nước nào, và cửa biển là biến nước cuối cùng trong chu kỳ sông chảy ra biển. Dòng máu chảy từ nguồn, là ông bà Đầu nhau đổ xuống theo các đời của cây dòng họ cũng đi qua các bên nước như vây, Có thể hiểu mỗi đời đầu thai trên cây dòng họ là một bến nước,
Thuỷ Quan Thần Đế đặc biệt liên quan đến lễ hội đua thuyền, đua ghe chải
– Lễ hội đua thuyền tại Campuchia (Bon Om Touk) còn gọi là Lễ hội nước, lễ hội đua ghe, Um-tuk) tại Campuchia bắt nguồn từ rất lâu trong lịch sử. Lễ hội được tổ chức vào đúng lúc nước sông Mê Kông bắt đầu chu kỳ cạn của nó. Có rất nhiều nơi tổ chức lễ hội đua ghe nhưng tập trung đông nhất là lễ hội tổ chức tại thủ đô Phnom Penh trên sông Tonle Sap (có nghĩa là sông ngọt) ngay phía trước mặt Cung điện Hoàng Gia Campuchia. Đây cũng chính là thời điểm duy nhất trong năm Tonle Sap có hiện tượng đổi dòng chảy của nó. Lễ này được tổ chức vào dịp trăng tròn vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, và thường kéo dài 3 ngày, còn gọi là lễ dâng bông lên chùa hay lễ dâng y cà sa hay là lễ Kathina. Ngày thứ hai của lễ hội là ngày Og Ambok (Ok om bok, nghĩa là đút cốm dẹp), thường là vào ngày 15 tháng 10 âm lịch, và liên quan đến việc thờ cúng Mặt trăng.
Những lễ hội đua thuyền thông thường liên quan đến vân hành dòng máu nam, nhưng khi đến các bến quan trong, nam hay nữ đều phải đưa thuyền tới bên, để chuẩn bi cho một chu kỳ đầu thai, một chu kỳ luân hồi mới.

—o—o—o—o—o—

Tài liệu

https://baoxaydung.com.vn/ca-vuot-vu-mon-hoa-rong-113759.html

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/doi-tuan-thang-tam-ca-an-the-839005.ldo

https://nhandan.vn/vuot-thac-vu-mon-post632650.html

https://baohatinh.vn/danh-thuc-nang-cong-chua-vu-mon-giua-dai-ngan-ha-tinh-post194488.html

https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A1_V%C5%A9

 

Cá vượt Vũ môn hóa Rồng

Chia sẻ:
Scroll to Top