Ca dao, tục ngữ về Rươi

Loading

Rươi là một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Rươi thường sống ở vùng nước lợ, nơi có cửa sông, cửa biển. Một số loài nhỏ khác thuộc họ rươi thậm chí còn có thể sống trong môi trường biển. Rươi di chuyển bằng tơ chi bên, tuy nhiên rươi cũng khá ít di chuyển từ nơi này sang nơi khác, mà thường bị tác động bởi thuỷ triều và môi trường vùng cửa sông ven biển sóng mạnh.

Ở Miền Bắc, rươi là đặc sản của ba tỉnh xứ Đông Thăng Long cũ là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Đất Thiên Trường, Nam Định thời nhà Trần xưa cũng nổi tiếng về rươi và quýt. Rươi được coi là đặc sản của Tứ Kỳ, một huyện nằm ở phía đông nam tỉnh Hải Dương. Tứ Kỳ có nghĩa là “bốn đường rẽ” như ngã tư đường, bốn kỳ cũng là bốn pha, bốn giai đoạn của vận động lực như động cơ hai kỳ, ba kỳ, Ngã ba sông Luộc đổ vào sông Thái Bình nằm trên ranh giới huyện Tứ Kỳ. Hầu như xung quanh huyện được bao bọc bởi các con sông nhỏ của hệ thống sông Thái Bình. Chính giữa địa bàn huyện là con sông Tứ Kỳ, là nhánh của Luộc, chảy giữa Huyện Tứ Kỳ và Huyện Ninh Giang, qua Tiên Lãng, Hải Phòng ra biển.
Ở Miền Nam, rơi xuất hiện cùng thời điểm với miền Bắc, vào mùa gió chướng, chúng quyện vào nhau, trôi từng giề đông đặc trên mặt nước, dọc theo những con sông, rạch miền biển. Bà con cư dân vùng Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre dùng vợt bọc bằng vải mùng để hứng, vớt rươi. Ở vùng này có đặc sản mắm rươi.

MÙA RƯƠI : THÁNG 9, 10, 11, 12

Mùa rươi là khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, đến cuối tháng 12, rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm chả rươi và làm mắm rươi.

NGÀY 20-9 & 20-10 : là ngày có rươi và có cá trên cán đồng

Hai mươi tháng chín mưa rấp trộ rươi
Hai mươi tháng mười mưa rấp trộ cá

—o—

NGÀY 20-9 & 5-10 : là hai người nước lên, rươi xuất hiện

Tháng chín đôi mươi
Tháng mười mùng năm

—o—

Rươi và ruốc hay con tôm nhỏ là sản vật của đồng lúa ngập nước tháng 9 và tháng 10

Tháng chín ăn rươi
Tháng mười ăn ruốc

—o—

Tháng chín mưa rươi

Tháng mười mưa cữ

Rươi xuất hiện cùng với mùa mưa tháng 9

—o—

Tháng chín động rươi
Tháng mười động ra
Tháng ba động rạm

Rươi, ra và rạm đều là các sản vật của đồng ruộng khi có đủ nước

—o—

Bao giờ cho đến tháng mười
Bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy

Tháng 10 là mùa gặt, ăn cơm gáo mới với rươi, rươi sống ở gốc rạ vừa gặt

—o—

Dù ai buôn bán trăm nghề
Ba mươi tháng chạp nhớ về vớt rươi

—O—

Khi nào trâu đực sinh con
Gà trống đẻ trứng, trăng tròn ba mươi
Khi nào tháng chạp ăn rươi
Tháng giêng gặt lúa, em thời lấy anh
Ba mươi tháng chạp là ngày cuối năm, hết mùa rươi

RƯƠI & MÂY, MƯA, BÃO MÙA ĐÔNG

Khi rươi dưới đất ngoi lên thì trời cũng có mưa bão, nên rươi xuất hiện là dự báo có mưa bão.

Con gì bé tí tì ti
Mình đi dưới đất, bóng đi trên trời
Một năm mất bận đi chơi
Đi thì lở đất long trời mới yên?

Là con gì?
—o—
Ăn rươi chịu bão cho cam
Không ăn chịu bão, thế gian cũng nhiều
—0—
Kẻ ăn rươi, người chịu bão
Rươi xuất hiện mùa nước lên, ngày mưa bão, nên còn có câu
– Mây rươi,
– Mùa nước rươi,
– Mưa rươi

MÓN ĂN RƯƠI

Tháng chín, quít đỏ trôn
Tháng 9 là mùa của cả quít và rươi, hai thứ ăn với nhau.
—0—
Thả vỏ quýt ăn mắm rươi
Vỏ quýt là gia vị ăn với rươi, vì vỏ quýt khử được mùi tanh của rươi, chỉ cần cắt một vài vỏ quýt bỏ cùng lúc chế biến rươi sẽ giúp món rươi của bạn không những mất đi vị tanh mà còn có mùi thơm đặc trưng.
—0—
Xin đừng coi cứt như rươi
Tép riu ví với tôm tươi sao đành
Rươi là món ăn ngon, bổ và quý. Rươi có thể chế biến chả rươi, làm nem rươi, rươi xào lá lốt và làm mắm rươi …
—0—
Trời sinh voi, sinh cỏ,
Trời sinh rươi sinh vỏ quýt
—o—

VÍ VON VỀ RƯƠI

Trộm cắp như rươi
—o—
Nhung nhúc như rươi tháng 9
—o—

Một số người giải thích câu “trộm cắp như rươi” và câu “nhung nhúc như rươi tháng 9” nghĩa là “trộm cắp nhiều như rươi”. Thực ra rươi là một loại đặc sản, chỉ xuất hiện theo mùa ở một số vùng hạn chế, không phải một con vật xuất hiện tràn lan, nhưng một khi đã xuất hiện ở đâu thì chúng sẽ tạo thành cả đám dầy đặc, bởi vì mùa rươi nổi là mùa giao phối của chúng. Tóm lại, rươi nhung nhúc không có nghĩa là rươi phổ biến, rươi đại trà, rươi xuất hiện với số lượng lớn ở khắp nơi.

—o—
Trộm cắp nổi lên như rươi
—o—
Nứt lỗ rươi
—o—

“Trộm cắp nổi lên như rươi” nghĩa là cái cách trộm nổi lên giống cách rươi nổi lên. Đến mùa, hàng đám rươi nổi lên mặt nước, không rõ chúng xuất hiện từ chỗ nào dưới lòng sông để nổi lên bề mặt. Nghĩa là về mặt thời gian, rươi dường như xuất hiện đều đặn theo mùa, nhưng rươi từ đâu đến, từ tầng đất nào dưới lòng sông thì không ai biết. Trộm cắp cũng như vậy, chúng xuất hiện thình lình, nhân cơ hội trộm đồ, rồi biến mất.

Câu “trộm cắp nổi lên như rươi” tương tự như câu “nứt lỗ rươi” đều nói về cách rươi hay xuất hiện bất ngờ hay cái gì đó xuất hiện bất ngờ như rươi. Câu này tương tự như câu “nứt lỗ đất chui ra” hay “rạch trời rơi xuống”.

Chia sẻ:
Scroll to Top