CA DAO TỤC NGỮ VỀ KHOAI

Loading

Nhân tháng Chạp củ mật, tháng Chạp tiết trồng khoai, chúng ta hãy cùng ngâm nga một số bài ca dao tục ngữ về khoai, mà thực sự rất rất rất khoai
—o—o—o—
KHOAI : BIỂU TƯỢNG CỦA HIỆN THỰC KHÁCH QUAN
RẤT KHOAI
Khi nói một đối tượng, vấn đề, một người rất khoai, nghĩa là đối tượng đó khó nắm bắt, khó tìm hiểu, khó xử lý, khó đưa vào khuôn phép, khó dẫn dắt, vì củ khoai không có trục, có phương như củ lạc, không có lõi, có thớ như củ sắn …
Khi nói một đối tượng rất chuối, nghĩa là đối tượng đó cũng khó y như củ khoai, chỉ là theo cách khác, do chuối quá mềm, ép mạnh thì gãy, nẫu và nát bét.
Khi nói một đối tượng rất là củ chuối thì không giống củ khoai, vì củ chuối rất khó đào, củ khoai lại rất dễ đào, dễ bới, dễ lôi ra khỏi mặt đất. Ngoài ra củ khoai là thực phẩm phổ biến, còn củ chuối thì ít người biết hình dáng, công dụng, cách khai thác, bảo quản, mà chỉ biết là củ chuối thì rất là củ chuối thôi.
Củ khoai khác với củ chuối, củ khoai là hiện thực mà hiện sờ sờ ra đó, chân phương, giản dị như nó là chính nó, tưởng là đơn giản, dễ nắm bắt nhưng cuối cùng thực ra vẫn không đơn giản.
—o—
CANH KHOAI ĐẦY NỒI
Ý ai thì mặc ý ai
Đôi ta vẫn cứ canh khoai đầy nồi
Khoai đại diện cho hiện thực khách quan. Dù ai có ý kiến chủ quan gì, chúng ta chỉ hành động dựa trên hiện thực khách quan và chúng ta chỉ đưa hiện thực khách quan vào trong “cái nồi” của chúng ta mà thôi.
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân
Dù ai có ý kiến chủ quan gì, chúng ta vẫn là chính chúng ta.
—o—
KIỆN CỦ KHOAI
Cái kiến mày kiện củ khoai
Mày chê tao khó, lấy ai cho giàu
Nhà tao chín đụn, mười trâu
Lại thêm ao cá bắc cầu rửa chân
Kiện củ khoai là
– Kiện mà không được ai lắng nghe, không được ai giải quyết
hoặc
– Kiện quá đà, kiên vô lý, kiện không có cơ sở nên không thể được giải quyết
Khoai là hiện thực khách quan, hiện thực cơ bản, hiện thực có sẵn. Kiện củ khoai thực chất là kiện hiện thực khách quan, là không chấp nhận hiện thực khách quan đặc biệt hiện thực vật lý, vật chất và thân thể VD kiện việc trái đất quay quanh mặt trời, vì củ khoai đại diện cho hiện thực như nó là như thế mà thôi.
Rất nhiều sự việc hiện tượng chúng ta không chấp nhận bởi vì chúng ta nghĩ có ai đó phải chịu trách nhiệm cho các sự vật hiện tượng này, và họ phải thay đồi. Một khi chúng ta không hiểu được tính khách quan của hiện tượng và sự việc mà chúng ta chống đối lại, nghĩa là chúng ta kiện củ khoai.
Việc không chấp nhận cha mẹ mình, cho rằng cho mẹ mình phải như thế này, như thế kia mơi xứng đáng là cha mẹ cũng là một dạng kiện củ khoai, bởi vì người con dựa trên các đánh giá chủ quan của bản thân mình để phủ nhận hiện thức khách quan căn bản hơn là việc mình được cha mẹ sinh ra.
—o—
Ai mà nói dối với ai
Thì trời giáng hạ cây khoai giữa đồng
Ai mà nói dối với chồng
Thì trời giáng hạ cây hồng bờ ao
Ai mà nói dối với ai/Thì trời giáng hạ cây khoai giữa đồng : Cây khoai đại diện cho hiện thực cơ bản thể hiện ra rõ ràng và cụ thể. Khi một người nói dối mà ngay lập tức xuất hiện sự vật hiện tượng vạch rõ cái sự dối trá ấy, thì người ta gọi là “trời giáng hạ cây khoai giữa đồng”
Ai mà nói dối với chồng/Thì trời giáng hạ cây hồng bờ ao : Cây hoa hồng phương Tây đại diện cho tình yêu với đủ cung bậc cảm xúc. Ở phương Đông cây cho quả hồng (gió) đại diện cho quan hệ tình cảm đa chiều, chồng chập. Trong quan hệ nam nữ, cây hồng là biểu tượng của tính lăng nhăng, phong lưu, mây nước, trăng gió. Ai mà nói dối với chồng ví dụ em thề thốt rằng chỉ yêu mình anh, mà lúc đấy xuất hiện bằng chứng về việc em có đến vài anh nữa thì nghĩa là “trời giáng hạ cây hồng bờ ao”.
—o—
RA NGÔ RA KHOAI
Ra ngô ra khoai
Làm cái gì cho ra kết quả cụ thể, rõ ràng, khách quan, bền vững, không bày vẽ, hữu danh, vô thực
—o—o—o—
KHOAI : BIỂU TƯỢNG CỦA HẠT NHÂN TRUNG TÂM (neutron+)
Nu na nu nống
Cái bống nằm trong
Con ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Phật ngồi phật khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà tú hụ
Nhà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Tè he cống rụt
Bài đồng dao này có 10 câu tạo thành 5 cặp nói về vận hành bát quái
– Nu na nu nống – Tè he cống rụt : Câu mở đầu – Câu kết thúc
– Cái bống nằm trong – Con ong nằm ngoài : Khí kim (điện)
– Củ khoai chấm mật – Phật ngồi phật khóc : Đất mộc (dầu)
– Con cóc nhảy ra – Con gà tú hụ : Thuỷ đất : Lửa trong nước (điện)
– Nhà mụ thổi xôi – Nhà tôi nấu chè : Nước trong lửa (dầu)
Dịch bài đồng dao này theo ngôn ngữ lượng tử, ta sẽ có
Nu na nu nống
Phonon- bên trong (Cái bống nằm trong)
Photon+ bên ngoài (Con ong nằm ngoài)
Neutron- nhập hạt nhân (Củ khoai chấm mật)
Neutron+ xuất hạt nhân (Phật ngồi phật khóc)
Votron- xuất lượng tử (Con cóc nhảy ra)
Votron+ nhận lượng tử (Con gà tú hụ)
Electron- trương nở (Nhà mụ thổi xôi)
Proton+ thu kết (Nhà tôi nấu chè)
Tè he cống rụt
Khoai đại diện cho năng lượng hạt nhân trung tâm.
—o—
VÈ KHOAI
Chi chi vít vít
Ổ rết ở trong
Tổ ong ở ngoài
Củ khoai ở giữa
Chất lửa hai bên
Đánh trống thổi kèn
Chạy lên tập họp
Cói đói hay no?
– No
Thả cói đi ăn
Nghe hú thì về mạ
Kẻo quạ tha xương
Con mô khôn về mạ
Con mô dại quạ cắp
Bài về này liên quan đến hai chu kỳ nạp xả của môt bộ cấu trúc âm dương bát quái. Giống như bài trên, khoai đại diện cho hạt nhân trung tâm.
—o—o—o—
KHOAI LANG : BIỂU TƯỢNG NHU CẦU THÂN THỂ CƠ BẢN
KHOAI LANG QUÁ LỨA
Khoai lang quá lứa, khoai lang sùng
Con gái quá lứa chui vô mùng con trai
Khoai lang quá lứa, khoai lang sùng : Sùng là một loại sâu ăn củ ăn. Khoai lang sùng là khoai bị sâu ăn, khoai bị hà.
Con gái quá lứa chui vô mùng con trai : Khoai là biểu tượng của thân xác. Bản năng sinh dục và sinh sản, là hiện thực khách quan của thân xác, như con sùng là hiện thực khách quan với củ khoai. Quá một ngưỡng nào đó, cái hiện thức khách quan của củ khoai là con sùng và hiện thực khách quan là bản năng của thân xác tự nó sẽ bộc lộ. Con gái quá lứa được ví với khoai quá lứa, mà đến một lúc nào đó sẽ tự bộc lộ bản năng thân thể.
—o—
MUA CỦ KHOAI
Già quét lộ
Lượm đồng tiền
Vắt lỗ tai
Mua củ khoai
Nhai nhóp nhép
Mua con tép
Để nấu canh
Mua bó tranh
Để nhóm lửa
Mua cái cửa
Để sửa nhà
Mua con gà
Để đá chơi
Mua con dơi
Để bỏ ống
Mua cái trống
Đánh tùng tùng
Mua cái kèn
Thổi tò te
Mua cái ve
Để đựng thuốc
Mua đôi guốc
Để mang đi
Bài này nói về những đồ một người già mua khi nhặt được tiền trên đường, đứng đầu là khoai để ăn, là nhu cầu sinh tồn cơ bản nhất và đi dần lên các nhu cầu không cơ bản hơn. Khoai luôn gắn với thực phẩm thiết yếu và hiện thực cơ bản.
—o—
Mèo hoang lại gặp chó hoang
Anh đi ăn trộm gặp nàng nhổ khoai
Mộc mạc, chân chất, và dễ thích nghi, những chàng trai và cô gái cũng dễ trở nên bừa bãi, chung chạ, tuỳ tiện.
—o—o—o—
KHOAI : LƯƠNG THỰC DỄ TRỒNG DỄ ĂN
Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen
Lúa cần phát triển trên lưới xứ sở của chính nó, nên ruộng quen thì lưới xứ sở đã được xác lập, thuận lợi hơn cho lúa. Khoai thì có năng lực bò lan sang vùng đất mới, tự mở lưới và tự đan lưới xứ sở, như cỏ dại, nên khoai mọc tốt ở ruộng lạ, mở đường cho lúa mọc sau.
—o—
Được mùa chớ phụ ngô khoai
Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng
Ngô khoai là lương thực bổ sung và thay thế cho lúa gạo thì thất bát và nhớ nhàng, vì ngô khoai không ngon bằng lúc gạo nhưng dễ trồng hơn.
—o—
Đói thì ăn ráy ăn khoai
Chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng
—o—
Sâu cấy lúa cạn gieo bông
Chẳng ươm được đỗ thì trồng ngô khoai.
—o—
Cơm ăn một bát sao no
Ruộng cày một lượt sao cho đành lòng
Sâu cấy lúa, cạn gieo bông
Chẳng ương được đỗ thì trồng ngô khoai
—o—
Ngày mùa tưới đậu trồng khoai
Ngày ba tháng tám mới ngồi mà ăn.
—o—
GẶM VỎ KHOAI
Gà về bới nát cỏ sân,
Mèo buồn lại chạy kiếm ăn ngõ ngoài
Chó nằm hè gặm vỏ khoai,
Lợn ngồi ủi đất ngậm hơi gầy gò
Tả cảnh gà, mèo, chó, lợn, bốn con địa chi gắn với con người đều thiếu ăn.
—o—
Tối ăn khoai đi ngủ,
Sáng ăn củ đi làm,
Trưa về ăn khoai lang uống nước
—o—
NƯỚNG CỦ KHOAI
Anh trèo lên cây táo
Anh sang qua cây gạo
Mồ hôi chưa ráo
Áo cụt chưa khô
Tai nghe em rớt xuống ao hồ
Tay anh bưng bát thuốc cam lồ cứu em
Hai tay cầm bốn củ khoai lang
Thiếp nói với chàng đến mai hãy nướng
Cực chẳng đã mới ra thân làm mướn
Một ngày ba bốn mươi đông, không sướng chút chi
—o—o—o—
ĐẤT TRỒNG KHOAI
Ngũ Kiên lắm đất trồng khoai
Có lắm gái đẹp cho giai phải lòng
Ngũ Kiên : Một xã thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
—o—
Làng Quang dưa, vải khắp đồng
Ngô khoai khắp ruộng, nhãn lồng xóm Văn
Làng Quang, làng Thanh Liệt bên bờ sông Tô Lịch quê hương của nhà giáo Chu Văn An và Phạm Tu tướng giữ thành Long Biên đời Lý Nam Đế, hy sinh ở cửa sông Tô Lịch
—o—
Đù cha cái đất xứ Đoài
Cơm ăn thì ít, ngô khoai thì nhiều
Xứ Đoài là một tứ xứ của Thăng Long. Xứ này nhiều núi non và khô hơn các xứ khác, nên sẽ thuận cho trồng ngô khoai hơn là trồng lúa, mà cần các vùng trũng ngập nước.
—o—
Ngó lên Đất Đỏ nhiều bắp, nhiều khoai
Ngó xuống Đồng Dài nhiều mía, nhiều tranh
Ngó vô Đồng Cọ nhiều lúa bạch canh, áo già
Mỹ Phong, Mỹ Thuận, Mỹ Hòa
Phú Điền, Phú Cốc thiệt là nhiều cau.
Đất đỏ là vùng đất lửa, đất khô, hợp với trồng bắp, trồng khoai.
—o—
Bạc Liêu giàu lúa ngô khoai
Giàu cô gái đẹp, giàu trai anh hùng
Bạc Liêu nắng bụi mưa sình
Muối mặn nhãn ngọt đậm tình quê hương
—o—
Bình Lục đồng trắng nước trong
Ngô khoai thì ít, rêu rong thì nhiều
Hòa Mạc ruộng đất phì nhiêu
Nhiều mía nhiều đỗ lại nhiều ngô khoai
Bình Lục đất ngập nước nhiều, nên ít đất khô trồng ngô khoai
—o—
Ai về Võ Xá thì về
Khoai côi môn dưới ló kề một bên
—o—
Nem chả Hòa Vang
Bánh tổ Hội An
Khoai lang Trà Kiệu
Thơm rượu Tam Kỳ.
—o—o—o—
MÙA TRỒNG KHOAI
KHOAI HAI LÁ
Khoai hai lá, cá đi ăn
Thời điểm đầu năm, khoai bắt đầu ra hai lá thì cá bắt đầu đi kiếm ăn, bởi vì khoai được trồng vào tháng Chạp.
Anh ơi! phải lính thì đi
Cửa nhà mọi việc em thì chẳng sai
Tháng chạp là tiết trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà
Tháng ba cày vỡ đất ra
Tháng tư gieo mạ, thuận hòa mọi nơi
Tháng mười gặt hái vừa rồi
Trời đổ mưa xuống, nước trôi đầy đồng
Anh ơi, hãy giữ việc công
Để em cày cấy, mặc lòng em lo
—o—
Khó thay công việc nhà quê
Quanh năm khó nhọc dám hề khoan thai
Tháng chạp thì mắc trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu tháng hai trồng cà
Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Tháng tư bắc mạ thuận hòa mọi nơi
Tháng năm gặt hái vừa rồi
Bước sang tháng sáu lúa trôi đầy đồng
Nhà nhà vợ vợ chồng chồng
Đi làm ngoài đồng sá kể sớm trưa
Tháng sáu tháng bảy khi vừa
Vun trồng giống lúa bỏ chừa cỏ tranh
Tháng tám lúa giỗ đã đành
Tháng mười cắt hái cho nhanh kịp người
Khó khăn làm mấy tháng trời
Lại còn mưa nắng thất thời khổ trông
Cắt rồi nộp thuế nhà công
Từ rày mới được yên lòng ấm no.
—o—
MÙA TRẢ KHOAI
Cu cu mà đậu nóc chùa
Cho anh cưới chịu đến mùa trả khoai
—o—
BÁN KHOAI LANG
Nắng đổ chang chang
Thấy mặt con bán khoai lang
Tui bàng hoàng muốn làm cữ rét
Trời mưa sấm sét
Thấy mặt con bán bánh tét
Tui muốn hét rụng rời
Bài này nói về chu kỳ mùa mưa và mùa nắng, mà rõ ràng hơn trong miền Nam, nơi có bánh Tét.
—o—o—o—
KHOAI : BIỂU TƯỢNG CỦA LÀNG QUÊ, CUỘC SỐNG & CÁC QUAN HỆ XÓM GIỀNG MỘC MẠC
MÓT KHOAI
Làm trai phải biết đủ nghề
Hòng khi có lỡ thì về mót khoai
Mót được củ chạc, củ chài
Củ giắt lưng khố, củ nhai vào mồm
Con trai mộc thổ rất khéo tay, biết làm nhiều nghề, dễ học hỏi và dễ thích nghi. Mót khoai là cách sống của con trai mộc thổ, khoai là bất kỳ cái gì mà học học hỏi được, thu hoạch được trong cuộc đời như kỹ năng, nghề nghiệp, quan hệ và trải nghiệm sống.
—o—
ĐỒNG VỢ ĐỒNG CHỒNG
Bắp với khoai tuy rằng khác giống
Nhưng cùng sống trên cục đất giồng
Anh với em đồng vợ đồng chồng,
Tát biển Đông cũng cạn, đập núi Hồng cũng tan.
Anh và em như bắp và khoai, quan hệ mộc mạc, không toan tính, nhưng chân chất và hoà đồng, thì mọi hoàn cảnh đều sẽ vượt qua. Đồng vợ, đồng chồng, đồng hành trong cuộc sống là một biểu hiện của tính mộc trong quan hệ con người.
—o—
LUỘC NỒI KHOAI LANG
Lựa là chợ búa kinh kỳ
Sáng thì rau ngổ xào lươn
Trưa thì mắm ruốc cà um ngoài vườn
Cơm chiều kho cá lòng tong
Chấm đọt nhãn lồng bổ óc bổ gan
Sáng trăng luộc nồi khoai lang
Rủ đám trai làng mở cuộc kéo co
Lựa là chợ búa kinh kỳ : Chợ búa kinh kỳ thì sang chảnh và đắt đỏ, nhưng chưa chắc đã ngon
Ở đồng ở ruộng ăn gì cũng ngon : Ở đồng ở ruộng mùa nào thức nấy, ăn uống mộc mạc nhưng vừa phong phú vừa ngon
Sáng trăng luộc nồi khoai lang : Trăng sáng là kim thuỷ khí, khoai lang là mộc thổ hoả
Rủ đám trai làng mở cuộc kéo co : Kéo co là trạng thái mộc thổ, không giống kinh kỳ, là phải xác định một thứ là chính
—o—
NHỚ CỦ KHOAI
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng nước mắt nỉ non
Nàng ơi trở lại cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng
Chân đi đá lại dùng dằng
Nửa nhớ Cao Bằng nửa nhớ vợ con
Đi thời nhớ vợ cùng con
Khi về nhớ củ khoai môn trên rừng
Đi thời nhớ vợ cùng con/Khi về nhớ củ khoai môn trên rừng : Rừng đối xứng với nhà, củ khoai môn ở rừng đối xứng với vợ con ở nhà. Củ khoai môn đại diện cho quê hương, xứ sở mà chân chất nhưng dưỡng nuôi, che chở người đàn ông xa nhà.
—o—
Anh em trai như khoai mài chấm mật
—o—
Khoai lang tốt củ, xấu dây
Bề ngoài anh xấu, nhưng lòng đầy tình thương
—o—
Một bên quần rộng áo dài
Một bên cày cấy lấy khoai đổ bồ
Hai bên em chuộng bên mô?
Hai bên em chuộng bên bồ khoai lang
—o—
– Thiếu chi hoa lý hoa lài,
Mà anh đi chọn hoa khoai trái mùa
– Hoa khoai chịu nắng chịu mưa,
Hoa lài hoa lý chưa trưa đã sầu
—o—
ĐÓI THÌ ĂN NGÔ, ĂN KHOAI
Đói thì ăn ngô, ăn khoai
Đừng ở với dượng, điếc tai láng giềng
Sống tự lực trên mảnh đất quê hương, với người thân và xóm giềng, tuy đói nghèo nhưng an toàn, lành mạnh; còn hơn sống với người khác màu, khác quê và không chắc chắn về hành vi, tuy lúc đầu có thể ấm no, nhưng rộng và dài mang nhiều rủi ro phức tạp.
—o—
Củ lang nấu lộn củ mì
Cháu lấy chồng dì kêu dượng bằng anh
—o—o—o—
TÍNH MỘC THỔ CỦA KHOAI ĐỐI VỚI TÍNH KIM
Bà lão đi bán rau khoai,
Đồng một chẳng bán, đồng hai gật gù
Đồng một chẳng bán, đồng hai gật gù :
– Trường hợp 1 : Đồng một nhỏ hơn đồng hai, đồng một chẳng bán, đồng hai mới đồng ý bán. Hiểu kiểu này thì thoả mãn logíc toán học, nhưng cả bài ca dạo lại quá bình thường, chẳng còn ý nghĩa
– Trường hợp 2 : Đồng một mớ không bán, đồng hai mớ lại đồng ý bán, chứng tỏ bà già bị lú lẫn. HIểu kiểu này thì bài ca dao mới có ý nghĩa châm biếm, hài hước.
Rau khoai lang bò lan đại diện cho sự ghép nối, lang chạ, chập cheng, không rõ ràng như bài ca dao trên
—o—
Củ lang nấu với củ mì
Chờ cho mì chín, còn gì là lang
Bài này cũng nói về tính chung chạ
—o—
BIẾU CỦ KHOAI
Ông sảo ông sao
Ông vào cửa sổ
Ông ở với tôi
Ông ngồi lên chiếu
Tôi biếu củ khoai
Ông nhai chóp chép
Cái tôm cái tép
Ông ghép với rau
Ăn mau chóng nậy
Ông ngồi dậy
Ông về trời
Củ khoai được biếu ông sao vì củ khoai là tính mộc thổ, còn ông sao là tính kim khí.
—o—
ĂN KHOAI KÊU NGỨA
Con chim chích chòe
Mày ngồi đầu hè
Mày nhá gạo rang
Bảo mày vào làng
Mày kêu gai góc
Bảo mày gánh thóc
Mày kêu đau vai
Bảo mày ăn khoai
Mày kêu khoai ngứa
Bảo mày ăn dứa
Mày kêu dứa say
Bảo mày ăn chay
Mày kêu đến trưa
Bảo mày đi bừa
Mày đánh què trâu
Bảo mày đi câu
Mày đánh bẹp giỏ
Bảo mày cắt cỏ
Mày đánh gãy liềm
Bảo mày gặt chiêm
Mày đánh gãy hái
Bảo mày đi đái
Mày kêu ông Ộp!
Bảo mày ăn khoai/Mày kêu khoai ngứa : Khoai cơ bản rất lành, vì có tính mộc thổ, nhưng đồ gây ngứa thường phải có tính kim hoả khí để châm chích
—o—
Khoai lang củ sượng, củ trân
Ưng anh đánh bạc, cỡi kỳ lân về trời
—o—
Khoai lang củ sượng, củ trân
Siêng ăn nhác mần mà lựa củ to
—o—
KHOAI LANG KHÔ SẮT LÁT
May không chút nữa em lầm
Khoai lang khô xắt lát em tưởng nhân sâm bên Tàu
Những thứ bình thường khi được chế biến trình bày cầu kỳ cũng dễ gây nhầm lẫn.
—o—
BUÔN KHOAI
Trận này tôi quyết buôn khoai
Củ cong tôi bán, củ dài tôi ăn
Khoai là đồ ăn dân dã dành cho người thực chất, không hợp với các hình thức tính toán và quyết định bằng đầu, làm ăn nửa vời
—o—
ĐỂ DÀNH CỦ KHOAI
Biết có sống đặng đến mai mà để củ khoai đến mốt
Củ khoai đại diện cho vật chất, lương thực để đáp ứng nhu cầu sống cơ bản, không phù hợp để cân nhắc tính toán, cân đong đo đếm và tích trữ.
—o—
Một đấu gạo, năm bảy đấu khoai ngô,
Thiếp chúc chàng về cho đến kinh đô,
Lúc giừ đây phân chia đôi ngả, Hán với Hồ ta biệt nhau.
Khoai ngô là đồ ăn trộn khi đói kém, gạo là đồ ăn chính. “Một đấu gạo, năm bảy đấu khoai ngô” là biến chính thành phụ, biến phụ thành chính, nhập nhèm.
Thiếp chúc chàng về cho đến kinh đô : Chàng về kinh đô của chàng, còn nàng ở lại với quên hương của nàng. Lý do thì là do chàng đảo điên chính phụ như nói ở câu trên.
Lúc giừ đây phân chia đôi ngả, Hán với Hồ ta biệt nhau : Hán nước trong lửa, nước dưỡng lửa, Hồ là lửa trong nước, lửa dưỡng nước. “Hán với Hồ ta biệt nhau” là âm dương hai ngả, tách bạch theo tính kim.
—o—
Tôi chầu bà chúa khoai lang
Bà chúa trên ngàn má đỏ hây hây
Tôi chầu bà chúa bánh giầy
Bà chúa lâu ngày mốc thếch đại vương
Tôi chầu bà chúa khoai lang : Chúa là năng lượng huyền vi, bí ẩn, mang tính kim, nhưng khoai lang lại là thứ củ cơ bản, vô cùng mộc mạc, chân chất.
Bà chúa trên ngàn má đỏ hây hây : Má đỏ hây hây là một hình ảnh sống động, cụ thể, đời thường lại ghép với “bà chúa trên ngàn” rất xa xôi, huyền bí
Tôi chầu bà chúa bánh giầy : Bánh dầy là thứ bánh vô cùng mộc mạc, nếu như bánh chưng phải gói, luộc và bóc rất cầu kỳ, bên trong cùng là nhân thịt, rồi đến đỗ xanh, rồi đến gạo, thì bánh dầy chỉ có một miếng bánh làm từ bột gạo xay nhuyễn và hấp chín, ăn không như vậy cũng được mà kẹp giò ăn cũng được
Bà chúa lâu ngày mốc thếch đại vương : Chúa sinh ra muôn loài, giá trị trường tồn, nhưng chúa ở đây lại “mốc thếch”
Bài này nói về những người làm những việc huyền bí như hầu đồng, hầu thánh, nhưng mà toàn là hữu danh vô thực.
—o—
ĐÁNH CỦ KHOAI LANG
Bắt chân chữ ngũ
Đánh củ khoai lang
Hỡi cô nhà hàng
Cho tôi bát nước
Bắt chân chữ ngũ : Bắt chéo chân, là thế ngồi kiểu cách để thể hiện thế bề trên, nhưng bản chất là ngồi không vững mà đi ngay thì không được.
Đánh củ khoai lang : Tưởng bắt chân chữ ngũ để ra oai với ai, hoá ra chỉ để ra oai với củ khoai lang. Thích đánh củ khoai lang thì cứ đánh cho sướng tay thôi, chứ chẳng có tác dụng gì. Đánh củ khoai lang chẳng khác gì kiện củ khoai lang. Củ khoai lang vẫn cứ hiện ra sờ sờ là củ khoai lang, hiện thật vẫn cứ là hiện thật, dù anh có không chấp nhận, dù anh có giãy dụa chống đối hiện thực.
Hỡi cô nhà hàng : “Hỡi” và “cô nhà hàng” là cách gọi rất là sang chảnh so với cách gọi bình thường như cô gì ơi, cô bán hàng ơi …
Cho tôi bát nước : Tưởng gọi “hỡi cô nhà hàng” để làm gì, hoá ra chỉ để gọi bát nước
Tóm lại, tư thế, lời nói thì rất là sang trọng, kiểu cách, phức tạp nhưng hành động hay kết quả thực tế lại rất vu vơ không đâu.
Bài này nói về người hữu danh vô thực, cố tỏ vẻ ta đây nhưng bản chất khách quan là chẳng có gì.
—o—
Thương anh không lấy được anh
Em về tự vẫn trên cành khoai môn
Thương anh không lấy được anh, em về tự vẫn : Đến đây em vẫn rất là kim, rất cương quyết, rất rõ ràng, rất cực đoan, chỉ trên cành khoai môn thì tự vẫn làm sao được.
Nói chung khoai tính mộc sẽ huỷ diệt với bất kỳ giải pháp tính kim nào.
—o—
Đu đủ tía, giềng giềng cũng tía,
Khoai lang giâm, ngọn mía cũng giâm.
Củi kia chen lộn với trầm,
Em giữ sao cho khỏi, kẻo lầm, bớ em
Khoai lang tính mộc, mía tính kim, khoai lang mọc lan trên mặt đất, cây mía đứng thẳng. Trên đời nhiều thứ khác nhau mà có khi bị lầm lẫn với nhau.
—o—o—o—
Chia sẻ:
Scroll to Top