BỆNH MẤT NGỦ, KHÓ NGỦ
Chúng ta hãy hỏi từng người trong gia đình, đồng nghiệp và bạn bè
– Có mất ngủ không ?
– Mất ngủ như thế nào ?
– Làm gì khi mất ngủ ?
Đừng thử hỏi mà hãy thật lòng hỏi từng người, từ trẻ đến già vì giấc ngủ là vấn đề quan trọng của mỗi cá nhân và gia đình.
Thông thường sẽ có ba câu trả lời
– Khó ngủ, 1, 2, 3h sáng vẫn chưa ngủ được
– Thức dạy giữa đêm, 2, 3, 4h sáng rồi không ngủ lại được
– Ngủ chập chờn từng giấc ngắn từ 30-45-60 phút, rồi lại thức, nhiều khi đi vệ sinh hay làm gì đó, rồi ngủ lại được, nhưng có khi thức luôn đến sáng
Như vậy có ba dạng mất ngủ
– Khó vào giấc ngủ
– Dễ ra khỏi giấc ngủ
– Giấc ngủ chập chờn đứt quãng
Khi mất ngủ có ba cách phản ứng
– Không chấp nhận, chữa bệnh, ví dụ uống thuốc ngủ. Có người uống thuốc ngủ mỗi ngày nửa viên từ đợt Covid đến nay là mấy năm, liều lượng như vậy cộng lại hơn mấy lần một liều thuốc để tự vẫn, toàn cơ thể lúc mày bị đầu độc nặng và nguy hiểm vô cùng cho cả sức khoẻ thể chất và tâm trí
– Chấp nhận bệnh và phủ nhận bản thân : mình già rồi, mình yếu rồi, ai chả mất ngủ, thôi đành chịu
– Nửa này nửa nọ
Câu hỏi của tôi là “Chúng ta không biết bản chất của giấc ngủ như thế nào, chúng ta không biết ngủ thế nào là bình thường, vậy làm sao chúng ta có thể bảo ba hiện tượng trên là bất thường ?”.
Ngày xửa ngày xưa người ta bảo Mặt trời quay quanh Trái đất, sau đó người ta lại bảo Trái đất quay quanh Mặt trời, ngày mai biết đâu người ta bảo hai thằng đó quay quanh lẫn nhau thì sao ? Mặt trời và Trái đất to đùng và hữu hình như vậy, chúng ta còn loạn thì giấc ngủ, một thứ hoàn toàn vô hình, chúng ta càng dễ loạn. Chúng ta không nên chủ quan vội vàng nói rằng thế này là bình thường và thế kia là bất bình thường cho những điều chúng ta không hề hiểu.
Rất nhiều người định nghĩa giấc ngủ là sự nghỉ ngơi sau khi kết thúc công việc, học hành, bữa ăn và các hoạt động vui chơi, giải trí. Cho nên bố mẹ hay nói với nhau và với con rằng
– Con ăn đi rồi con đi ngủ sớm
– Con làm cho xong bài tập đi rồi còn đi ngủ
– Con ăn xong, chơi một lúc rồi đi ngủ nhé
– Anh còn đang dở việc, chưa đi ngủ được, em và con cứ ngủ trước
Chúng ta định nghĩa ngủ là lúc chẳng có việc để làm, bài để học, đồ để ăn uống và trò để chơi, hoặc vẫn còn nhiều việc để làm, nhiều bài để học, nhiều trò để chơi, nhưng đến giờ rồi phải ngủ thôi. Cho nên khi bị mất ngủ, cái mà nhiều người chúng ta khó chịu là
– không có gì việc để làm, không thể dạy làm việc vì đang đêm
– nhiều cái để học, không thể dạy học vì đang đêm
– không có cái gì để chơi, cũng vì đang đêm
Thề là điện thoại trở thành bạn thân của những người mất ngủ.
BỆNH KHÔNG CHẤP NHẬN GIẤC NGỦ CỦA RIÊNG CHÚNG TA NHƯ NÓ CHÍNH LÀ ?
Trong thiền Vipassana, có câu được nói là của thày Thích Ca “Chấp nhận sự thật như nó chính là”. Trạng thái ngủ rất giống như trạng thái thiền và cách chúng ta ngủ là một sự thật mà chúng ta cần chấp nhận như nó chính là, hơn là muốn thay đổi giấc ngủ theo cách là chúng ta tưởng là đúng mà chẳng có căn cứ gì.
Hãy thử thích nghi với trạng thái ngủ của chúng ta như là chấp nhận hiện thực của chính bản thân chúng ta.
Với người khó vào giấc ngủ, hãy cứ làm nốt những việc đang làm trong ngày rồi mới đi ngủ, bởi vì khi đi ngủ mà vẫn lo công việc, chúng ta không thực sự ngủ được mà tâm trí cứ chong chong nhiều giờ sau khi nhắm mắt nằm xuống, thậm chí tâm trí chong chong cả đêm.
– Chỉ làm những việc “ngày hôm nay chớ để ngày mai”, nghĩa là việc phát sinh hôm nay và kết thúc được trong hôm nay như rửa bát hay khoá cửa …. Đây là việc của chu kỳ ngày, chứ không phải là việc lặp lại lặp lại từ ngày này đến ngày khác, lê thê không bao giờ kết thúc.
– Chỉ làm việc của mình, mình là chủ thể công việc, mình biết đối tượng của công việc và mục đích của công việc, mình chủ động bắt đầu và mình chủ động kết thúc. Thiền là một ví dụ của loại công việc hoàn toàn mang tính cá nhân như vậy. Rất ít người có những công việc mà họ hoàn toàn làm chủ kiểu này.
Không được mang công việc từ cơ quan về, để kết thúc nó ở nhà, rồi đi ngủ. Việc của cơ quan để lại ở cơ quan ngay khi chúng ta bước chân ra khỏi cơ quan. Thỉnh thoảng bắt buộc như vậy thì đành chịu, nhưng có thói quen mang việc cơ quan về là để cơ quan xâm lược ngôi nhà, để công việc giết chết gia đình.
Việc của cơ quan với cuộc sống của cá nhân chúng ta là việc không mục đích, không đối tượng, không chủ thể và không có khả năng kết thúc. Nghe vô lý nhưng thực sự mục đích làm việc của chúng ta chỉ là kiếm tiền, đối tượng của công việc của chúng ta chỉ là tiền, và chúng ta không có khả năng làm chủ công việc cơ quan, đối tượng công việc của cơ quan và chúng ta cũng không có khả năng kết thúc công việc của cơ quan. Nếu chúng ta nghĩ là chúng ta sẽ gửi báo cáo công việc rồi đi ngủ, thì đây không phải là sự kết thúc mà chỉ là một bước tiếp theo của công việc mà sẽ còn tiếp diễn chứ không kết thúc.
Những người mang việc cơ quan về nhà đang giết chết giấc ngủ bản thân, không gian và nhịp điệu gia đình.
Đọc tin tức kể cả những tín tức chúng ta coi là rất ý nghĩa hoặc đọc tin tức giải trí không phải là công việc vì chúng ta không phải là chủ thể của tin tức, không có mục đích cụ thể cho tin tức và không có bắt đầu cùng kết thúc việc đọc tin. Chính vì thế, khi lướt tin tức trước khi ngủ, thì dù nằm xuống nhắm mắt, tâm trí của chúng ta sẽ tiếp tục nhịp điệu lướt tin này và không thể dừng được. Tâm trí sẽ bới đủ loại rác tâm trí trời ơi đất hỡi ra để lướt cả đêm, từ đêm này sang đêm khác như vậy.
Giấc ngủ không đến theo giờ chết mà đến theo vận hành con người vật lý và tinh thần của chúng ta. Việc này khác xa với việc chúng ta thức khuya để tự mình làm một việc có kết thúc rõ ràng, thì dù có hôm phải thức đến 1h đêm ví dụ để rửa một núi bát hay 2h đêm để chốt một vấn đề, chúng ta vẫn sẽ ngủ rất ngon sau đó. Dứt khoát làm việc, dứt khoát đi ngủ tốt hơn là đi ngủ đúng giờ rồi lo lắng vì việc chưa làm xong, hoặc đi ngủ sớm rồi lướt tin tức.
Đợt học đại học, tôi cũng nghỉ một năm và quay lại trường đúng lúc thi nên cũng lại phải thức học 1 tuần cho 1 năm học, và tôi cũng chẳng ngủ bù sau đó gì cả, mà cần thức thì thức và khi cần ngủ lại ngủ, theo nhịp ngủ bình thường.
Đợt học cao học, tôi chơi dài rồi đến sát lịch bảo vệ tôi mới làm luận văn. Kết quả tôi phải thức trắng 7 ngày đêm liên tiếp, để viết trọn vẹn luận văn rồi nộp luôn. Sau đó tôi nghĩ là tôi sẽ phải ngủ bù nhưng thực chất, ngày thứ 8 là ngày hội sinh viên năm cuối và tôi lại thức đến 2-3h sáng chơi bời rồi mới về nhà ngủ. Về đến phòng sau khi chơi, tôi không hề buồn ngủ. Lên giường vẫn chẳng ngủ được ngay mà vẫn kích động vì thoát nạn học hành và vui quá xá một lúc mới ngủ. Đến ngày thứ 9, tôi quay trở lại nhịp ngủ bình thường mà không ngủ bù.
Trải nghiệm này cho tôi thấy giấc ngủ là chu kỳ ngày và ngày hôm nào thì xong việc ngày hôm đấy, chứ không bù sang cho nhau. Giấc ngủ như bữa ăn, bữa hôm nào xong bữa hôm đó, mất bữa nào là mất hoàn toàn, bữa sau không bù được bữa trước, mà bữa sau là bữa sau. Giấc ngủ như hơi thở, hơi thở nào xong hơi thở đấy, chứ không thể vào rừng gặp không khí thanh mát chúng ta tranh thủ thở đầy phổi, rồi đến chỗ không khí ô nhiễm chúng ta không thở nữa. Ngủ được hôm nào là xong hôm đó, mất ngủ hôm nào mà vĩnh viễn mất giấc hôm đó. Chúng ta không ngủ hai lần cho cùng một đêm, cũng không thể ngủ bù.
Khi đi làm, dù tôi cho rằng việc cơ quan chỉ là việc cơ quan nhưng có lúc quá tải vẫn phải mang về, rồi khi xong việc mới đi ngủ, nhưng rồi tôi vẫn ngủ được và dừng được hoàn toàn việc mang việc về nhà sau một thời gian. Có hai điều may mắn kéo tôi thoát ra được guồng quay chết chóc mang việc cơ quan về nhà. Một là tôi bắt đầu tự thiền và công việc của cơ quan do tôi làm chủ từ đầu đến cuối vì chuyên môn đó không ai hiểu gì. Nhiều người vào guồng mang công việc về nhà hoặc coi cơ quan là nhà, rồi chết chìm luôn không thể thoát ra nổi nữa.
Đợt mua nhà, tôi cũng mất ngủ mấy đêm vì số tiền lớn quá, lần đầu trong đời phải vay nợ, không ngủ nổi, rồi tôi cũng lại chấp nhận hiện thực này rằng mình phải đi làm kéo cầy trả nợ và quay lại nhịp ngủ bình thường.
Sau này, khi dạy thiền, tôi luôn phải dạy đến 11h30-12h đêm cho những người đi làm. Day xong nếu hết việc tôi ngủ luôn nhưng đôi khi tôi còn việc chưa xong, tôi làm nốt rồi mới đi ngủ hoặc dứt khoát để việc đó sang hôm sau, hôm nay đến đây chấm dứt và tôi đi ngủ.
Năm ngoái, tôi nhiều đêm cày phim bộ xuyên đêm, dù chính tôi thấy phim ngớ ngẩn và đã cố tình sử dụng một cái điện thoại vô cùng dởm, nhưng cuối cùng tôi đều cố gắng thoát ra được những hành động tai hại này, bởi vì tôi có quá nhiều việc cần làm, nên nhịp công việc, nhịp gia đình và nhịp dạy học lại kéo tôi thoát ra, không chết chìm trong lướt web.
Điều quan trọng nhất của làm việc khuya là chúng ta biết rõ chúng ta phải là chủ thể đời mình, để kết thúc việc cần kết thúc và đi vào giấc ngủ.
Nếu chúng ta có công việc rõ ràng cần làm xong trong ngày và chúng ta không có sự lựa chọn tốt hơn, thì cứ dứt khoát làm cho xong việc rồi dứt khoát đi ngủ. Công việc bận rộn làm trước khi ngủ không hề làm cho chúng ta khó ngủ, nếu công việc ấy đáp ứng các điều kiên
– việc của riêng chúng ta
– việc chúng ta phải có nhịp điệu làm việc rõ ràng do chúng ta hoàn toàn làm chủ
– việc của chúng ta phải được kết thúc rõ ràng và dứt khoát
Thiền là trạng thái cực kỳ gần với giấc ngủ mà chúng ta có thể dùng cho việc bị thức dậy quá sớm trong ngày. Giờ sáng sớm gần như là giờ thiền duy nhất của tôi, trong trường hợp tôi thức dạy sớm và rõ ràng có việc cần thiền, Nếu không thiền tôi nằm chơi nghe chim hót và suy nghĩ. Cho nên tôi chẳng phân biệt mình dạy 2h, 3h hay 4h. Rất nhiều khi tôi dạy giữa đêm, định vào thiền tử tế nhưng chỉ vào thiền lại ngủ mất. Nhưng nói chung tôi ngủ khá tốt, chẳng mấy khi tỉnh giấc giữa đêm, tất cả chỉ nhờ ngày nào cũng thiền liên miên qua nhiều năm.
Khi nói chuyện với người mất ngủ, tôi thấy các trải nghiệm về giấc ngủ của tôi chẳng khác gì họ thậm chí còn cực đoan hơn họ, chỉ có điều tôi luôn tự có cái gì đó để làm trong tình trạng thức giấc khi nằm trên giường. Đó là thiền mà thôi.
Khi chữa bệnh mất ngủ cho người khác, tôi nhận ra sự khác biệt thứ hai của tôi là tôi không định nghĩa giấc ngủ và giờ ngủ, nên ngủ được thì ngủ mà thức dạy thì thôi. Có thể tôi sống hơi bừa bãi, tuỳ tiện, nhờ việc có nhà mình và có việc riêng, nên chủ động được cuộc đời mình, bao gồm việc ngủ.
Vô tình một cách nào đó tôi đã làm cái việc “chấp nhận giấc ngủ như chính nó là và chấp nhận chính tôi như tôi là thế”, tôi chữa lành chính tôi bằng cách giảng hoà với giấc ngủ mà chính là nhịp điệu cuộc đời của riêng tôi. Tất cả cũng có lẽ nhờ thiền.