BÀ MỤ CỌP, BÀ MỤ TRỜI HAY BÀ MỤ ĐỠ ĐẺ CHO HỔ

Loading

BÀ CHÚA VĨNH NÚI NGUYỆT HẰNG ĐỠ ĐẺ CHO HỔ
Giống như những huyền thoại về ông Đùng bà Đà, ông Tứ Tượng bà Nữ Oa, ở vùng Bắc Ninh cũng có câu chuyện về cặp thần nam nữ khổng lồ thuở khởi nguyên, gọi là ông Lộc Cộc bà Tồ Cô. Hai ông bà cao lớn, đầu đội trời chân lún thủng cả đất, để lại những dấu chân khổng lồ khắp nơi khắp chốn. Họ là một cặp vợ chồng mẫu mực, hạnh phúc chan hòa tạo ra mưa gió tưới tắm cho cây cối. Cũng có khi cãi vã, hai ông bà chớp mắt sáng lóe, tiếng nói ầm ầm như trống dội, hắt hơi thành giông gió, thổi mạnh thành bão táp ập xuống nhân gian. Những lúc hòa thuận, ông bà lại cùng nhau tạo hình núi non, sông suối bằng những bàn tay, bàn chân khổng lồ. Rồi bà Tồ Cô có mang, đẻ ra một bọc trứng bên bờ sông Đuống. Từ bọc trứng nở ra 12 người con gái xinh đẹp. Các cô gái chia nhau chu du khắp bốn phương dạy dân chúng nghề nghiệp, nhiều cô được tôn làm các vua bà, tổ nghề của một vùng. Còn bà Tồ Cô, tương truyền đẻ xong bà trút hết quần áo nằm khỏa thân và hóa thành núi Nguyệt Hằng ở Tiên Du, Bắc Ninh ngày nay.
– Vua Bà Nhữ Nương – Tổ nghề Quan họ
Trong những người con gái của ông Lộc Cộc bà Tồ Cô có nàng Nhữ Nương, không xinh đẹp như các chị em mà lại nhỏ thó, đen đúa. Bù lại, nàng được trời phú cho một giọng hát ấm áp mê đắm lòng người. Đi đến vùng Viêm Xá, bà cùng những người nông dân múa hát vui vẻ khiến phe nhà giàu ghen tức, đòi tổ chức cuộc thi hát. Thế là bà hát đối đáp với một thiên kim tiểu thư, lời hát châm chọc ngoa ngoắt khiến nàng ta đực mặt. Đêm sau, bà cùng các bạn gái hát giao duyên với ba anh con trai bí ẩn bên bờ sông. Phe “liền chị” hát thi với phe “liền anh” chín đêm liền. Đến cuối đêm thứ chín những người đi theo đã mệt nhoài. Chỉ còn Nhữ Nương và một trong ba chàng trai. Cuối cùng, Nhữ Nương chủ động dừng hát, và chàng trai thổ lộ rằng chàng chính là con út vua Thủy tề, vì nghe tiếng hát của nàng si mê mà lên bờ xin được kết duyên. Nhữ Nương đồng ý kết đôi với con vua Thủy tề. Bà được dân chúng tôn làm Vua Bà, thủy tổ làng Quan họ.
(Có thần tích khác lại kể Nhữ Nương vốn là con gái Hùng Vương thứ 6, không ưng chàng rể nào nên xin vua cha cho đi chu du thiên hạ. Bà tới Viêm Xá dạy người dân hát đối đáp giao duyên và cũng được tôn làm Vua Bà).
– Bà Chóa – Tổ nghề Dâu tằm
Tương truyền, bà cũng là con của Lộc Cộc Tồ Cô, bà đi đến vùng sông Cầu thì dừng lại, có ý dạy dân chúng trồng dâu tằm làm ăn, nhưng bị người dân chế nhạo, xua đuổi. Một lần đi dọc triền sông, vô tình bà ướm phải vết chân lạ. Đột nhiên nước dềnh lên, cuốn bà tới thủy cung gặp con cả vua Thủy tề. Chàng ngỏ lời nhớ thương bà và xin được kết duyên. Bà đồng ý và sống cùng chàng nhiều tháng trời. Nhưng rồi nhớ nhân gian, bà xin chồng cho trở lại thăm quê. Vừa trở về mặt đất bà lại mang thai, đẻ ra hai quả trứng, trứng nở ra hai con rắn, khiến dân làng ngày một miệt thị ba mẹ con. Bà thương yêu hai rắn con mặc cho những lời đàm tiếu, hàng ngày cùng chúng trồng dâu phủ kín bãi hoang rồi nuôi tằm kéo tơ đặt lên khung cửi. Một lần bà vô tình dẫm phải đuôi một đứa rắn con khiến nó quẫy mạnh đứt rời cả đuôi. Rắn Cộc dâng đuôi mình lên mẹ, để mẹ làm con thoi xe sợi. Vậy là bà dệt nên những tấm lụa óng ả như ánh mặt trời, khiến dân làng ngỡ ngàng thán phục, đến tạ lỗi với bà. Hai đứa con Dài và Cộc cũng hóa thành hai chàng thanh niên tuấn tú, còn bà Chóa được tôn làm Bà Chúa Dâu Tằm, thờ ở đền Chóa, Yên Phong, Bắc Ninh ngày nay.
– Bà Chúa Vĩnh
Một người con gái khác là Bà Chúa Vĩnh. Các chị em rời đi xa, riêng bà quanh quẩn ở Phật Tích cho gần mẹ. Bà dạy dân chúng cách cày cấy, bón phân, lại có tài chữa bệnh bằng lá thuốc, nên rất được nhân dân trọng vọng. Có lần một con Hổ xông cả vào nhà bà, ra hiệu nhờ bà đến đỡ đẻ cho vợ nó. Bà Vĩnh đỡ đẻ cho Hổ, nên được Hổ biết ơn, dăm bữa nửa tháng lại mang lợn đến biếu bà, rồi bà lại chia cho cả làng cùng ăn. Lần khác, Hổ cho bà Vĩnh cưỡi lên mình lên núi Nguyệt Hằng. Khi trở về, bà chúa Vĩnh ngồi trên lưng Hổ, tay mang theo hai dải yếm đào thần diệu, thả bay đến đâu thì rừng rậm, đầm lầy u tối biến mất, thay bằng đồng ruộng tốt tươi cho dân tha hồ canh tác. Không ai biết hai dải yếm đào ấy từ đâu ra, có người nói bà chúa được tiên ban cho. Có người lại nói đó là món quà của bà Tồ Cô – người mẹ đã hóa thành núi Nguyệt Hằng tặng cho người con hiếu thảo.
SỰ TÍCH LÝ NHŨ THÁI LÃO, DƯỢC TIÊN SƠN LÂM ĐẠI TINH THẦN
Thần Y, Tổ Mẫu Dược được thờ ở làng Nành (xã Ninh Hiệp)
– Điếm Kiều (xóm 6, xã Ninh Hiệp) thờ Bạch Hổ và Lý Nhũ Thái Lão Dược Tiên Sơn Lâm Đại Tinh Thần, là bà Mụ đỡ sinh Bạch Hổ
– Đình & miếu Ninh Giang (xóm 8, xã Ninh Hiệp)
Thời nhà Lý, xứ Thanh Hoá, có bà Thái Lão họ Lý, vốn giàu lòng nhân ái, giỏi dùng thuốc nam chuyên đi cứu giúp mọi người. Một hôm vào rừng hái thuốc gặp một bà lão mặt mày đẹp đẽ khác thường, bảo với bà rằng “Cô nương biết thuốc nam, ta cho phương thuốc nam này để cứu giúp dân chúng, rất được phúc dầy”, nói xong biến mất, mới biết là thần tiên đến giúp mình. Nói xong biến mất mới biết là thần tiên đến giúp mình. Nhớ lời thần tiên dạy, bà đi chu du bốn phương, tìm đến những người ốm yếu bệnh tật, cho uống thuốc ai ai cũng khỏi, moi người chịu ơn bà.
Hôm đó đến Hương Phù Ninh, Phủ Thiên Đức, xứ Kinh Bắc, thấy dân cư đông đúc, phong tục đôn hậu, bèn dựng nhà ở lại trong làng, những ai ốm đau bà đến cho thuốc, chữa chạy khỏi cả, không lấy tiền của ai, dân làng đều quý mến nhớ ơn bà.
Hôm trước bà kể chuyện với dân làng vào rừng Quế Lâm, bỗng gặp con hổ cõng to chạy vào rừng sâu, ta vô cùng sợ hãi. Đến một hang, hổ đặt ta xuống mà không làm hại, ta đoán là hổ có ý định gì bèn định thần lại, thấy bên trong có một con hổ cái đang quằn quại rên rỉ, ta đến xem ra là hổ cái khó đẻ, bèn lấy lá hoà nước cho uống, uống xong thì đẻ ngay mẹ tròn con vuông, hổ đực đi lại vòng quanh ta, mừng rỡ, rồi lại cõng ta về chỗ cũ, cúi đầu cảm tạ rồi đi. Dân làng nghe chuyện lấy làm kỳ dị.
Mấy ngày hôm sau mãnh hổ tha một con lợn đến đặt ở trước thềm gầm thét rồi đi, sáng hôm sau dân làng trông thầy mới biết hổ về để tạ ơn bà đỡ đẻ năm xưa.
Thái lão còn dạy dân dệt vải lụa để sử dụng, xuân qua thu tới, năm qua tháng lại, ngày 18 tháng giêng năm đó bỗng nhiên bà không có bệnh tật gì mà qua đời, dân làng rất là thương xót cùng nhau an táng lòng trọng, lập miếu thờ trên nền nhà cũ, tôn bà làm tổ của nghề thuốc và nghề dệt.
Vua Lý nghe tin phong quý hiệu cho bà Lý Nhũ Thái Lão Dược Tiên Sơn Lâm Đại Tinh Thần
BÀ MỤ ĐỠ ĐẺ CHO HỔ Ở NINH THỌ, NINH HOÀ, KHÁNH HOÀ
Người dân xã Ninh Thọ, TX.Ninh Hòa (Khánh Hòa) vẫn truyền miệng câu chuyện về một phụ nữ đỡ đẻ cho cọp. Tương truyền, người dân quen gọi bà là bà Ba, được xem là người đỡ đẻ “mát tay” trong vùng. Một đêm nọ, bà Ba bỗng mất tích. Gia đình hốt hoảng, sợ bà bị cọp bắt nên cùng dân làng tỏa đi tìm. Nhiều ngày không thấy dấu vết gì, người nhà hết hy vọng, đành về lập bàn thờ, hương khói cho bà. Thế rồi, một đêm nọ, gia đình bà Ba nghe tiếng động ngoài cửa, ra xem thì hoảng hồn vì thấy bà xuất hiện trước cửa nhà. Mọi người ngỡ rằng bà hiện hồn về nên vái lạy lia lịa. Đến khi bà lên tiếng “tui đây chứ ma nào”, mọi người mới mừng rỡ và lập tức dỡ bỏ bàn thờ.
Gia đình bà Ba mở tiệc mừng, dân làng cũng đến chia vui và được nghe bà kể một câu chuyện quá đỗi ly kỳ. Đúng là bà bị một con cọp đực bắt, tha lên núi, đưa vào hang. Trong hang, bà thấy một cọp cái với cái bụng to, đang rên vì những cơn đau. Bà biết là cọp cái sắp sinh nhưng vì lý do gì đó nên gặp khó, vì thế cọp đực đã xuống núi nhờ bà giúp đỡ. Sau khi đỡ đẻ cho cọp “mẹ tròn con vuông”, bà Ba ở lại hang thêm ít ngày để chăm sóc mẹ con cọp. Mỗi ngày cọp đực lại đi kiếm trái cây rừng đem về làm thức ăn cho bà. Khi cọp mẹ đã lại sức, cọp con cứng cáp, cọp đực mới “cõng” bà Ba về lại nhà.
Dân gian còn truyền rằng, sau khi bà Ba mất, thỉnh thoảng người nhà lên thăm mộ bà thì thấy nhiều dấu chân cọp quanh mộ. Người ta tin rằng gia đình cọp đã về viếng người phụ nữ đã từng giúp đỡ chúng.
BÀ MỤ CỌP XÃ BÌNH HÀNG TÂY, ĐỒNG THÁP MƯỜI
Ở Nam Bộ, những người làm nghề đỡ đẻ được gọi là mụ. Xã Bình Hàng Tây vùng Đồng Tháp Mười có bà mụ giỏi nghề, lại nhân từ, một tay bà sanh giúp không biết bao nhiêu người nơi vùng đất còn hoang vu này.
Một hôm đã lên giường, nghe tiếng đập cửa rầm rầm, bà mụ lên tiếng hỏi. Không thấy trả lời, chỉ nghe rên rỉ. Cho là có người chuyển dạ, đau tới không nói được nữa, bà mụ vội mở cửa ra.
Ngoài sân không ai hết, chỉ có một con cọp, lớn gần bằng con trâu mộng, nằm phủ phục, nhìn bà bằng đôi mắt phản chiếu ánh đèn dầu, sáng quắc. Bà mụ sợ quá, xỉu liền. Khi tỉnh lại, bà thấy mình nằm bên một con cọp cái có chửa, đang vật vã đòi sanh. Cạnh đó, cọp đực vừa tới rước bà đi, nằm hiền lành như một con chó nhà. Chung quanh rừng rậm lọc ánh trăng mờ tỏ.
Máu nghề nghiệp làm bà mụ hết sợ, bắt tay ngay vào việc giúp con cọp mẹ sinh ra một bầy cọp, năm con, nhỏ như mèo. Sau khi nhà cọp đã mẹ tròn con vuông rồi, hết việc chôn nhau cắt rún, lại thấy bên mình toàn cọp là cọp, bà mụ khiếp sợ, xỉu lần nữa!
Lần này tỉnh lại, bà mụ thấy mình đang nằm bên cửa nhà, bà con lối xóm xúm lại, người cạo gió, người đổ thuốc, người đốt sưởi… Thấy toàn người quen thân bà mụ mới lần lần kể lại chuyện xảy ra. Lúc đầu không ai tin, nhưng khi nhìn thấy mờ mờ trên cườm tay bà những vết răng, vết vuốt, thì ai nấy tròn mắt, vừa mừng, vừa sợ thay cho bà.
Đúng lúc ấy, một con vật lớn như rơi từ trên trời xuống. Mọi người hốt hoảng ù té chạy, tưởng lại có cọp rừng chuyển dạ đẻ.
Nhưng con vật kia nằm bất động. Thấy vậy, mọi người hoàn hồn, trở lại coi, thì ra đó là một con heo rừng đã bị vật chết, trên mặt còn chi chít những dấu cọp vồ. Chắc là con heo lễ, vợ chồng cọp tạ ơn bà mụ ân nhân. Mọi người xả thịt heo ăn mừng. Bà mụ có tên mụ Cọp từ đấy.
BÀ MỤ ĐỠ ĐẺ CHO BÀ CỌP BẠCH, SÔNG CẦU, PHÚ YÊN
– Miếu ông Cọp (ở khu phố Bình Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên)
Miếu ông Cọp nằm ở lưng chừng dốc Vườn Xoài (thuộc khu phố Bình Thạnh). Đỉnh mái miếu là hai con rồng chầu trời, bên trong miếu được tu sửa lại từ năm 1990 có bàn thờ chính ở giữa và bàn thờ phụ hai bên. Từ miếu, nhìn về phía tây là núi Mỹ Dự, phía đông là cửa biển mênh mông. Bên tay phải miếu, sát hốc núi còn có một bàn thờ bằng đá xưa. Trên tảng đá thờ hai ông Cọp Bạch.
Theo anh Trần Văn Tủy (48 tuổi, ngụ khu phố Bình Thạnh, người trông coi miếu), một ông Cọp được thờ từ xa xưa, nằm sát núi, qua thời gian đã đậm màu rêu phong. Ông Cọp còn lại nằm ở phía ngoài, mới được tạc từ công sức và tiền của thiện nguyện của người dân. Trông rất đơn giản nhưng chứa đựng nhiều yếu tố truyền thuyết dân gian và đậm chất nhân văn.
Cụ Nguyễn Thu (88 tuổi, lão làng ở khu phố Bình Thạnh) kể, thời ấy xa xưa, núi Mỹ Dự nổi tiếng với nhiều đàn cọp hung dữ, ban đêm thường xuống làng để ăn thịt người. Tương truyền, ông Cọp Bạch được xem là dữ dằn nhất. Ông Cọp Bạch đã có trên 10 cọp con nhưng nhận thấy chưa người con nào có thể thay mình cai trị vùng đất lắm cọp beo này nên quyết định sinh nở thêm một người con nữa.
Ngày bà Cọp Bạch chuyển dạ nhưng không sinh được, ông Cọp Bạch đang trên đường mưu sinh thì hay tin bà Cọp đau bụng đẻ kêu cứu. Thương bà Cọp nhưng ông Cọp không biết phải xoay chuyển thế nào. Trên đường về hang, ông Cọp nảy sinh ý định bắt bà mụ về đỡ đẻ cho bà Cọp.
Chứng kiến cảnh ông Cọp Bạch hùng hổ vào làng bắt người, dân làng vô cùng bức xúc nhưng chỉ biết nín lặng mà khấn vái để mong sao bà mụ được an toàn. Trước móng vuốt của ông Cọp, bà mụ tỏ ra hoảng sợ. Nhưng khi nhìn thấy bà Cọp quặn đau, bà mụ không thể làm ngơ nên ra tay đỡ đẻ.
Ngay khi cọp con ra đời khỏe mạnh, bà Cọp Bạch qua cơn nguy kịch, bà mụ lập tức được ông Cọp Bạch đưa về tận nhà. Người dân trong làng hiếu kỳ kéo nhau đến xem thân thể bà mụ có vết cào xé nào không. Thật may mắn, tất cả không như nhiều người lo nghĩ. Đêm hôm sau, ông Cọp Bạch mang đến trước sân nhà bà mụ một con heo rừng to để tạ ơn.
Để tránh những lời gièm pha “bà mụ đỡ đẻ cho bà Cọp Bạch” và thay đổi công việc mưu sinh, không lâu sau, bà mụ chuyển về sống ở làng biển Phú Hạnh (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Một thời sau, bà mụ mất vì bệnh già. Sau đó, người dân lập mộ để tưởng nhớ công ơn bà mụ, bởi khi còn sống, bà đỡ đẻ cho người dân nhưng không lấy bất cứ một khoản thù lao nào.
Vào tháng chạp hàng năm, người dân lại thấy những dấu chân của ông Cọp Bạch từ hang núi tìm đến mộ bà mụ. Cứ đúng vào đêm trước ngày tảo mộ bà là xuất hiện những vết cào cấu vào cỏ. Người dân khẳng định, ông Cọp Bạch đã về tảo mộ bà mụ.
Một thời gian dài sau, người dân thấy ông Cọp Bạch xuống nằm dưới chân núi Mỹ Dự với dáng vẻ trầm buồn, ít lâu sau thì chết. Tưởng nhớ ông Cọp Bạch hiền lành, biết quý trọng ân nhân cứu giúp bà Cọp sinh con, người dân rủ nhau lên núi đào đá, xếp thành miếu ông Cọp để tôn thờ.
BÀ MỤ CỌP NÚI CẤM AN GIANG
Từ chân núi Cấm chúng tôi men theo con đường mòn lên điện Rau Tần để hỏi câu chuyện người đỡ đẻ cho cọp thì được ông Trương Văn Cư (64 tuổi, ngụ ấp Rau Tần, cháu cố bà mụ cọp) kể, “bà mụ cọp” có tên thật là Phạm Thị Kiển. Trước đây, bà ở huyện Giồng Riềng, Kiên Giang rồi sau đó bỏ nhà lên núi Cấm tu.
Ông được cha mình kể lại rằng, một đêm nọ, trong lúc đi vệ sinh thì bà cố bị “ông” cọp đực cõng vào một hang động để giúp đỡ vợ “ông” cọp do biết bà cố là người đỡ đẻ “mát tay” trong vùng. Việc được cọp nhờ bà cũng biết trước. Khi vô hang thì bà cố thấy một con cọp cái bụng to, đang rên vì những cơn đau. Bà biết cọp cái sắp sinh nhưng vì lý do gì đó nên gặp khó. Sợ cọp tấn công nên bà nói với “bà cọp”: “Thấy bà đang nằm chuyển bụng thì để tôi vô thăm bụng rồi sửa bụng cho”.
Nhờ sự trợ giúp của bà cố thì “bà” cọp đã hạ sinh 2 “ông” cọp đực gồm một đen và một trắng. Sau khi đỡ đẻ cho cọp mẹ tròn con vuông thì cọp đực cõng bà về lại nhà.
Để đền ơn cho bà, “ông” cọp đã nhiều lần tha heo còn sống đến cho bà nhưng lần nào cũng bị bà thả đi hết. Thấy vậy, sau 3 ngày thì “ông” cọp đã đem lại con heo rừng nặng khoảng 100 ký vừa mới bị móc họng và buộc lòng bà phải nhận.
Theo ông Cư, ngoài lần đền ơn đó nhiều lần khác cọp đực còn mang thức ăn đến cho bà ông. Bà cố ông là người theo đạo Tứ ân nên khi bà chết thì dùng 7 thanh tre bó xác rồi chôn. Thời kỳ bà mất cũng là lúc chiến tranh bom đạn ít ai đến mộ nên cỏ quanh mộ được đàn cọp làm sạch.
Mộ “bà mụ cọp” được đặt tại tổ 3, ấp Rau Tần – cách thánh thất Cao Đài Tự khoảng vài trăm mét. Trước đây mộ bằng đất sau này thì được xây lại bằng xi-măng. Trước mộ có ghi họ tên, ngày tháng mất, ngày thanh minh và có 4 con cọp bằng đá.
BÀ MỤ CỌP Ở BẾN GỖ, BIÊN HOÀ
Bà Mụ Trời, còn gọi là Bà Mụ, Bà Mụ Cọp, hoặc Bà Mụ Vườn là một vị nữ thần được tôn thờ tại miếu Bà Mụ (Bến Gỗ, xã An Hòa, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai​), nhậm việc sinh nở và con cái.
Hiện tại, trong ngôi miếu còn lưu giữ một bài vị bằng gỗ, chạm trỗ tinh vi ghi hàng chữ Hán Nôm: “Mụ Trời Huỳnh Thị Kiêu tôn thần” và bên hai cây cột của nhà thờ chánh điện có ghi bốn câu đối chữ Nôm: “Đỡ đẻ cho người là chuyện nhỏ, hộ sanh giùm hùm mới phi thường.”
Theo một số cụ cao tuổi xã An Hòa kể lại một giai thoại dân gian, xưa kia làng Bến Gỗ có người phụ nữ tên Huỳnh Thị Kiêu làm nghề “mụ vườn” rất mát tay. Bà giúp cho nhiều người “mẹ tròn con vuông” để tích đức làm phước chứ không bao giờ nhận tiền công. Cho nên toàn thể dân làng cảm mến đức độ của bà. Vào một đêm sáng trăng, bà Kiêu nghe vách nhà có tiếng quào, bà nhìn ra thì thấy một con cọp rất lớn, miệng gầm gừ nhưng tỏ vẻ thống thiết chuyện gì. Hiểu ý, bà Kiêu hỏi vọng ra: “Phu nhân ngài sanh khó phải không?”, cọp gật đầu đáp lại rồi quỳ xuống ra dấu muốn cõng bà Kiêu đi. Bà Kiêu vội vã xách giỏ đồ nghề rồi leo lên lưng cọp. Ông ba mươi đưa bà đến cái hang nơi có con cọp cái đang kêu rống thảm thiết vì bị đẻ ngược. Bà Kiêu nhanh nhẹn “ra tay” đỡ đẻ cho cọp cái, chỉ ít phút cho “ra đời” chú cọp con khỏe mạnh.
Xong việc, “ông cọp” đưa bà trở lại nhà. Từ đó, sáng nào trước nhà bà Kiêu cũng có xác một con heo rừng, cheo, thỏ, sóc của chúa sơn lâm mang đến tận nhà bà để đền ơn. Cũng từ sự tích trên mà nhân dân xưng tụng bà Kiêu gọi là “bà Mụ Cọp” hay “bà Mụ Trời”. Bà sống thọ được 60 tuổi, đến giờ hạ huyệt thì bỗng đâu có một đàn cọp đến rống lên ba tiếng tiễn đưa, rồi mới bỏ đi. Sau khi bà Kiêu qua đời, dân làng tiếc thương bà, lập một ngôi miếu nhỏ bằng tranh tre vách lá thờ bà ngay tại mảnh đất lúc sinh thời bà ở và suy tôn bà là nữ thần của làng.
Hàng năm, nhân dân Bến Gỗ tổ chức cúng giỗ bà vào ngày 10, 11, 12 tháng 2 (âm lịch) với các nghi thức cúng tế, văn tế mang đầy màu sắc tâm linh tín ngưỡng dân gian Nam Bộ còn lưu truyền.
BÀ MU TRỜI Ở RACH BẦN, QUẬN CÁI NƯỚC, CÀ MÀU
Câu chuyện về “bà mụ trời” đỡ đẻ cho cọp được nhiều sách, báo, tài liệu đề cập. Nội dung câu chuyện về “bà mụ trời” xảy ra ở “Rạch Bần, quận Cái Nước” được nhiều tài liệu dẫn lại theo cách gọi địa danh ngày trước, đó là chuyện kể về một bà mụ có tài đỡ đẻ nổi tiếng trong vùng, một hôm bị con cọp bắt đi vào rừng, bà sợ quá ngất đi, đến khi tỉnh dậy thì thấy đang ở trong một cái hang cọp, có con cọp cái đang trở dạ, bằng kinh nghiệm đỡ đẻ của mình, bà biết đây là ca sinh khó, bà ngay lập tức đến giúp đỡ con cọp cái, sau khi “mẹ tròn, con vuông” thì bà cũng mệt quá thiếp đi, lúc tỉnh dậy thì thấy mình đã được cõng về nhà. Khi đó bà mới biết con cọp đực đã tìm đến nhờ bà đỡ đẻ cho cọp cái. Dân gian còn đồn đại rằng từ đó về sau, con cọp đực thỉnh thoảng lại bắt heo rừng đến đặt trước cửa nhà để trả ơn cho bà.
Nghề mụ vườn (đỡ đẻ theo kinh nghiệm dân gian) ngày trước rất phổ biến, nhất là trong điều kiện y học chưa phát triển, hầu như vùng nào cũng có những bà mụ vườn – một số địa phương đã hình thành địa danh “rạch bà mụ”, “kinh bà mụ”, “xóm bà mụ”… nhưng chuyện đỡ đẻ cho cọp là chuyện hết sức đặc biệt, vì vậy dân gian gọi là “mụ trời” hàm ý do trời sai xuống (thiên mụ) để giúp đỡ con người, đồng thời cũng thể hiện ước vọng chinh phục thiên nhiên, chinh phục những thế lực đáng sợ nhất trong tự nhiên (như loài cọp). Có lẽ vì vậy, câu chuyện về “bà mụ trời” với nhiều dị bản khác nhau đã được lưu truyền khắp nơi, trong tỉnh Cà Mau và cả những địa phương khác như: Long An, Tiền Giang, Đồng Nai…
BÀ MỤ TRỜI XÃ TÂN LỘC, HUYỆN THỜI BÌNH, CÀ MÀU
– Đền Bà Đệ
“bà mụ trời” ở ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình. Theo các cụ cao niên trong vùng này, thì “bà mụ trời” tên thật là Trần Thị Đệ, sống vào khoảng giữa thế kỷ 19, là vợ ông Huỳnh Văn Tưởng. Bà Đệ là một mụ vườn nổi tiếng trong vùng và thường xuyên được nhân dân địa phương và dân làng các vùng lân cận đến rước đi đỡ đẻ, đặc biệt là những ca đẻ khó.
Ông Huỳnh Văn Liêm (sinh năm 1949) là cháu sơ (đời thứ 5) của ông Huỳnh Văn Tưởng và bà Trần Thị Đệ kể lại, lúc còn nhỏ ông thường nghe kể về chuyện đỡ đẻ cho cọp của bà sơ. Ngày trước dân địa phương thường cất nhà sàn bằng cây nhum, cây kè (loài cây có nhiều ở địa phương) để chống ngập nước và chống thú dữ, vì các gia đình trong vùng hay bị cọp đến quấy phá và bắt gia súc. Một hôm bà Trần Thị Đệ sau khi đi đỡ đẻ về nhà thì nghe tiếng cọp hộc ngoài hè, bà liền cầm đuốc tới xem thì bị con cọp lớn lao tới chụp bắt bà tha vào rừng, hàng xóm kéo nhau đi tìm, tưởng bà đã chết nên chuẩn bị đám tang.
Đến ngày hôm sau người ta thấy bà trở về nhà, hỏi ra mới biết con cọp tha bà vào rừng để đỡ đẻ cho cọp cái. Chưa hết bất ngờ thì sáng hôm sau nữa lại thấy ai đem con heo trắng khoảng 80kg đến chỗ gốc cây xoài trước sân, người nhà thấy vậy đi hỏi thăm khắp xóm thì cách đó khoảng 2km có một gia đình vừa bị cọp vào bắt mất heo, sau khi trả heo về cho chủ, dân làng bèn lập một ngôi miếu nhỏ để thờ, cầu mong cọp đừng đến quấy phá dân làng. Ngày nay, ngôi miếu này vẫn còn ở địa phương, bên trong có đắp nổi hình cọp trắng ở tư thế đứng nhìn ra, phía trước có đắp nổi hình đôi hạc đứng chầu và đôi câu đối: “Sơn tộc quần hùng giai thinh lịnh; Quân hầu thọ mệnh đái tư quyền”.
Câu chuyện về bà Trần Thị Đệ đỡ đẻ cho cọp, cũng như tiếng tăm, đức độ của bà đã lan truyền trong dân gian, khu vực ngã ba sông nơi gia tộc bà sinh sống đã trở thành địa danh Ngã ba Bà Đệ, là nơi tiếp giáp giữa sông Bạch Ngưu ở đoạn chảy qua xã Tân Lộc và kinh Giồng Kè chảy ra Tắc Thủ. Ngày trước chỗ ngã ba này có dòng nước xoáy rất nguy hiểm, xuồng ghe đi qua đây thường gặp nạn nên dân thương hồ có lệ cúng vái cẩn thận khi đi ngang qua khu vực này.
Bên bờ sông còn có một ngôi đình cổ kính là Đình thần Tân Lộc, được Vua Tự Đức sắc phong vào năm Nhâm Tý -1852 (Tự Đức ngũ niên), dân địa phương quen gọi là “Đình Bà Đệ”. Vào các ngày 16 và 17 tháng 2 âm lịch hàng năm, tại Đình Bà Đệ có tổ chức lễ hội Kỳ Yên, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, bá tánh an cư lạc nghiệp. Trong lễ hội Kỳ Yên có nghi thức rước sắc thần rất trang nghiêm. Các vị hương chức, hội tề (12 vị) thực hiện các nghi thức cúng bái để thỉnh sắc từ nơi lưu giữ đến Đình và tổ chức khán sắc (mở sắc ra xem) cho quan khách, nhân dân địa phương cùng xem và lên đèn thắp hương thành kính. Sau các nghi thức lễ là trò chơi dân gian được đông đảo người dân địa phương tham gia hưởng ứng.
Ngày nay, khu mộ của bà Trần Thị Đệ và gia tộc họ Huỳnh vẫn được con cháu chăm nom thường xuyên. Khu mộ nằm bên bờ sông gần Ngã ba Bà Đệ (thuộc ấp 2, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) như chứng minh cho một câu chuyện ly kỳ nhưng có thật từ buổi đầu khai phá vùng đất mới.
BÀ MỤ CỊP, VĨNH TRẠCH ĐÔNG, BẠC LIÊU
Ở ấp Biển Tây B thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) có cây xoài cổ thụ còn gọi là “cụ xoài” tồn tại cho đến nay đã ngót nghét 345 tuổi, hiện được xem là cây xoài có tuổi thọ lớn nhất ở Nam Bộ. Cây xoài có chiều cao 15m, thân cây lớn 5 người ôm mới xuể, tán tỏa bóng mát rộng đến 300m2.
Xung quanh “cụ xoài” có không ít chuyện ly kỳ liên quan đến việc thờ cúng ông cọp (cách nói dân dã của người Nam bộ khi nói về loài hổ). Trong bảng thông tin về cây xoài này cũng có nhắc đến chuyện cuối thế kỷ XVII, nơi đây khi còn rừng rậm, cỏ dại mọc hoang sơ, có một con cọp 3 chân được người dân tôn thờ như thần cọp.
Một cụ già sống lâu năm ở ấp Biển Tây B cho biết nơi đây vốn từng là rừng rú hoang vu, có nghe ông bà xưa kể lại những sự tích về con cọp 3 chân thường xuyên xuất hiện ở gốc cây xoài và tỏ vẻ hiền lành, không hại người. Thấy vậy, với mong cầu được bình an, người dân trong làng đã cúng heo sống ở gốc xoài để khi đến đây thì cọp sẽ tha đi ăn.
Thực ra, có giai thoại xưa về con cọp ở Bạc Liêu như thế này. Đó là cọp vợ chuyển dạ nên cọp chồng (khi ấy vẫn còn 4 chân) vào trong xóm tìm các bà mụ vườn (người đỡ đẻ cho sản phụ) cõng vào rừng để giúp vợ “khai hoa nở nhụy”. Khi “mẹ tròn con vuông”, cọp lại đều đặn tha thú rừng thảy trước nhà bà mụ để trả ơn.
Thấy con cọp sống có nghĩa nên các bô lão trong làng chọn ngày lễ cầu an là ngày 28 tháng 7 âm lịch để chọn làm ngày cúng hàng năm cho cọp nêu trên một con heo sống ở gần gốc cây xoài trên để cầu sự bình yên, tai qua nạn khỏi.
Trong khi đó, một gã thợ săn qua theo dõi biết con cọp nhiều lần tha thú rừng cho bà mụ bèn âm mưu đặt bẫy bắt cọp. Cọp dính bẫy, đành tự cắn đứt chân mình thoát thân, nên chỉ còn 3 chân.
Biết con cọp mất một chân do mắc bẫy, nên hàng năm người dân cúng cho cọp một con heo đã mổ sẵn với quan niệm con cọp chỉ còn 3 chân nên khó khăn bắt con heo còn sống để ăn thịt.
Sau này không còn thấy con cọp 3 chân xuất hiện. Cho rằng cọp đã chết, dân làng cảm thương loài vật có nghĩa đã cất miếu thờ phượng. Và đến nay, ngày 28 tháng 7 âm lịch hàng năm người dân nơi đây không cúng nguyên con heo mà cúng một đầu heo luộc chín.
Việc cúng lễ vật cho thần cọp trở thành tín ngưỡng dân gian của người dân ở xã Vĩnh Trạch Đông với nghi thức trang trọng, được tổ chức hàng năm ở gần gốc cây “cụ xoài”.
Nói thêm về mặt tâm linh, theo các cụ già ở đây, thường với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đều có chư vị thần linh ngự ở đó, với “cụ xoài” có lẽ cũng vậy, đó là nơi ngự của thần cọp.
—o—o—o—
Bà Mụ Cọp hay Bà Mụ Trời là các câu chuyện xuất hiện khắp đất nước ta, nhiều nơi còn có đền thờ cọp, mộ cọp hoặc đền thờ và mộ ba mụ liên quan. Cọp là chúa sơn lâm, chính vì thế bà mụ cọp, là biểu tượng cho sự đồng điệu giữa núi rừng và con người.
Chia sẻ:
Scroll to Top