BÀ ĐANH LÀ AI ?

Loading

VẮNG NHƯ CHÙA BÀ ĐANH
Bà Đanh được biết đến qua câu
Vắng như chùa Bà Đanh
Còn duyên kẻ đợi người chờ
Hết duyên vắng ngắt như chùa Bà Đanh
Chúng ta thử điểm qua một số ngôi chùa Bà Đanh, mà phân bổ khá đều ở tất cả các phương Đông – Tây – Nam – Bắc của Thăng Long tứ xứ xưa
CHÙA BÀ ĐANH HÀ NAM (XỨ SƠN NAM)
Chùa Bà Đanh nổi tiếng nhất cả nước là ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa còn có tên là Bảo Sơn Tự.
Chùa Bà Đanh quay mặt hướng Nam ra mạn sông Đáy, ba mặt chùa đều là sông. Chùa ở xã Ngọc Sơn lấy theo tên núi Ngọc. Xã Ngọc Sơn trước thuộc tổng Thụy Lôi huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam.
Liên quan đến câu “Vắng như chùa Bà Đanh”, người ta giải thích rằng trước đây bình thường chùa rất vắng khách vì nằm ở vùng cây cối um tùm, vắng người qua lại. Chùa có ba mặt sông, lên chùa bằng đường sông thì không tiện, mà đến chùa bằng đường bộ thì phải đi qua rừng. Mỗi khi dân làng có việc phải lên chùa vào buổi tối lại phải đốt đuốc và gõ chiêng gõ trống để xua đuổi thú dữ. Đặc biệt rừng quanh chùa có rất nhiều hổ. Như vậy chùa vắng vì ở nơi heo hút, vắng vẻ, và đến đó mà không cẩn thận là mất mạng như chơi. Bà Đanh cũng rất nghiêm, đã có những trường hợp người dân có thái độ bất kính không phù hợp khi đến chùa khi về đã gặp tai vạ, nên người ta cũng … ngại đến chùa.
Lễ hội chùa Bà Đanh thường được diễn ra trong ba ngày, có năm lấy ngày mồng 9-10-11 tháng 2 âm lịch, có năm lấy ngày 20-21-22 tháng 2, có năm là ngày 15-16-17 tháng 2 âm lịch.
Ở Hà Nam còn có một ngôi chùa Bà Đanh nữa, tên chữ là Kim Quy Tự, ở thôn Điệp Sơn, xã Yên Nam, huyện Duy Tiên. Chùa quay mặt ra sông Châu Giang. Núi Điệp Sơn nằm cạnh sông Châu, tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình thơ mộng. Nơi đây cũng được cho rằng là nơi vua Lê Đại Hành thời Tiền Lê đã từng cày tịch điền lần đầu tiên vào năm Đinh Hợi (987), cùng với Đọi Sơn cách đó khoảng 1 km, tuy nhiên đến nay không tìm thấy dấu tích.
CHÙA BÀ ĐANH HẢI PHÒNG (XỨ HẢI ĐÔNG)
Chùa Bà Đanh (chùa Trà Phương tên chữ là Thiên Phúc Tự), ở thôn Trà Phương, xã Thuỵ Hương, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng.
Ngôi chùa này được khởi dựng từ thời nhà Lý, nhưng lịch sử gắn với nhà Mạc. Theo truyền ngôn địa phương, thuở hàn vi, Mạc Đăng Dung trong một lần bị truy sát đã trốn trong chùa Bà Đanh mà thoát nạn; sau này dựng nghiệp, để nhớ ơn cũ, Mạc Đăng Dung xuống chiếu trùng tu, mở rộng chùa và đổi tên thành Thiên Phúc tự.
Theo văn bia “Tu tạo Bà Đanh tự” (khắc năm 1562) tại chùa, người đứng chủ hưng công lại chùa Bà Đanh là Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, cùng với 25 thân vương, công chúa, quận công và dân làng Trà Phương đóng góp xây dựng lại chùa tại vị trí ngày nay.
Nhà Lê trung hưng, chùa Trà Phương cùng nhiều công trình xây dựng dưới triều đại nhà Mạc trên đất Dương Kinh bị phá hủy nặng nề. Sang thời Nguyễn, chùa Trà Phương được trùng tu lại, do vậy ngôi chùa hiện nay mang đậm phong cách nghệ thuật thời nhà Nguyễn.
Trong chùa cũng lưu giữ nhiều hiện vật mang phong cách nghệ thuật nhà Mạc như tượng vua Mạc Đăng Dung, tượng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Đây là hai bảo vật quốc gia của thời Mạc cùng với thanh đại đao của vua Mạc Đăng Đung.
Ở Hải Phòng, còn một chùa Bà Đanh nữa là chùa Bà Đanh, ở thôn Việt Khê, xã Tân Dân, huyện An Lão.
CHÙA BÀ BẮC NINH (XỨ KINH BẮC)
Chùa Bà Đanh ở Vĩnh Phục, Phú Lâm, Tiên Du, Bắc Ninh. Đây là ngôi chùa khá vắng vẻ ít người biết đến.
CHÙA BÀ ĐANH HÀ NỘI (TÂY THĂNG LONG)
Chùa Bà Đanh, chùa Châu Lâm (chùa Bà Đanh) trong ngõ 199 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa được xây dựng cùng với viện Châu Lâm vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ở làng Thụy Chương. Chùa ban đầu dành cho người Chăm, đi theo Lê Thánh Tông về Thăng Long sau khi vua Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành.
Ở nội thành Hà Nội có bốn chùa Bà, là chùa Bà Đanh (quận Tây Hồ), chùa Bà Ngô (quận Đống Đa), chùa Bà Nành (quận Đống Đa), chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm), chùa Bà Già (quận Tây Hồ) đều được khởi dựng hoặc có tích liên quan đến vua Lê Thánh Tông. Ở ngoại thành, có chùa bà Tấm (huyện Gia Lâm) thờ Nguyên Phi Ỷ Lan.
Chùa Bà Đanh đúng như tên gọi của nó là chùa vắng nhất trong các ngôi chùa Bà ở nội thành Hà Nội.
Bên sông Đáy còn có chùa Đanh Xuyên, ở xã Hoà Nam, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây cũ, nay vẫn thuộc Hà Nội.
—o—
ĐANH NGHĨA LÀ GÌ ?
– Đanh (danh từ) : đinh
Như kèo không đanh.
Gái không chồng như phản gỗ long danh
– Đóng đanh (động từ) : đóng đinh
– Đanh (tính từ về hình) : khô, cứng, nhưng không giòn vỡ nứt gẫy mà rất chắc và cứng thành khối thống nhất, cau đanh hạt, cói đanh cây, tấm gỗ đen …
– – – Rắn đanh
– – – Cứng đanh
– – – Dai đanh
– Đanh (tính từ về âm) : âm sắc, gọn, vang và không ngân vọng, gây cảm giác rắn chắc, có thể chói tai, ví dụ tiếng búa rất đanh, giọng nói đanh, tiếng nổ đanh
– Đanh (cả âm và hình) : cứng rắn, lạnh lùng, dữ dội, ví dụ mặt đanh lại, câu văn đanh thép
– – – Đanh thép
– – – Đanh lại
– – – Đanh đá
Đanh đá cá cày : Cái chốt ở cái cày thường làm bằng gỗ tốt, bền chắc, đanh cứng
—o—
BÀ ĐANH LÀ AI ?
Ở trung tâm chùa Bà Đanh ở Kim Bảng, Hà Nam có bức tượng Bà Đanh hay bà Chúa Đanh, ngồi trên ngai đen, thay vì ngôi trên toà sen.
Sự tích về bức tượng : Nhiều cụ già ở Ngọc Sơn kể lại rằng: Khi thấy vùng Bắc Ninh vì thờ Tứ pháp mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc, mùa màng bội thu, dân làng vùng Ngọc Sơn bèn họp nhau lên xứ Bắc để xin chân nhang về thờ bởi ở vùng Ngọc Sơn trước đây luôn gặp mưa to, gió lớn, việc sản xuất gặp nhiều khó khăn, mùa màng thất bát gây ra cảnh đói kém triền miên. Nhưng chưa kịp đi thì xảy ra một câu chuyện lạ với dân làng: Có một cụ già cao tuổi trong làng nằm mộng thấy một người con gái trẻ trung, xinh đẹp, đoan trang, phúc hậu, vầng trán và đôi mắt thông minh hiện ra nói rằng: Ta được thần cho về đây để chăm nom và chỉ bảo dân làng làm ăn. Thấy vậy, dân làng bèn lập chùa thờ bà. Các bô lão đã chọn khu rừng đầu làng làm nơi dựng chùa. Sau khi chùa được dựng lên thì có sét đánh làm gẫy một cây lớn, trên núi Ngọc Sơn, có thể dùng để tạc tượng. Vừa đúng lúc đó có người thợ đến nói rằng ông ta được báo mộng đến chùa để làm tượng. Qua kể lại thì thấy người báo mộng vẫn là người con gái đã báo mộng để xây chùa. Lạ nữa là sau khi bức tượng được đẽo xong thì ở sông Đáy vớt được cái ngai đen, đặt bức tượng lên thì vừa khít.
Bức tượng bà Chúa Đanh ở chùa Bà Đanh và lễ hội Thánh bà Đanh ở đây cho chúng ta trả lời được phần nào câu hỏi Bà Đanh là ai. Bà Đanh là
– vừa là Chúa,
– vừa là Phật,
– vừa là Thánh Pháp Phong : Pháp danh của Chúa bà Đanh là Đức Đại Thánh Pháp Phong Tôn Phật.
Pháp Phong có liên quan đến Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) của Phật Tổ Man Nương. Người ở chùa nói rằng chùa thờ Pháp Vũ. Bộ Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện thường được dịch là Mây (Vân), Mưa (Vũ), Sấm (Lôi), Chớp (Điện), tuy nhiên Pháp là nguyên tắc, nguyên lý vận lý của Vân, Vũ, Lôi, Điện trong khi Mây, Mưa, Sấm, Chớp là các hiện tượng cụ thể. Ngoài ra Vũ không phải là mưa, Vũ cũng không hẳn là Phong. Vũ là gió xoáy có tính hoả kim, còn Phong là gió đi ngang có tính thuỷ mộc.
Vậy thì hãy hiểu một cách rất đơn giản rằng bà Đanh chính là … bà Đanh, bởi vì đâu chỉ có một chùa bà Đanh của Hà Nam.
—o—o—o—
BÀ ĐANH CÓ PHẢI LÀ BÀ BANH ?
Vua Lê Thánh Tông (1442-1497), trong tập thơ “Hồng Đức quốc âm thi tập”, có bài thơ “Tượng Bà Banh”
Chốn long cung cảnh giới này,
Uẩy, ai đứng đấy lõa lồ thay!
Miệng cười hơn hớn hoa in nhụy.
Má đỏ hồng hồng tóc vén mây.
Ấy rắp phất cờ trêu ghẹo tiểu,
Hay toan bốc gạo thử thung thầy.
Chẳng lên bảo điện ngồi thong thả,
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây?
Bài này vịnh pho tượng ở chùa Chùa Bà Đanh (chùa Châu Lâm) ở phố Thuỵ Khê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Bức tượng phồn thực này được cho là tượng thần Po Yan Dari của người Chăm, có tên tiếng Việt là Đĩ Dàng, Lỗ Lường. Vị nữ thần này được tạc bằng đá, mang dáng hình rất phồn thực, hai chân dạng ra. Vị nữ thần này chuyên ban phúc cho những người đến cầu cúng, nhất là những người đến cầu tự khi người này cầm gậy bằng đá thọc vào hạ bộ của thần như biểu tượng của sự giao phối. Tên Bà Banh là cách gọi dân gian đặt cho ngôi chùa bởi sự phô phang hay phong phanh đó nhưng sau do từ Banh thô tục nên gọi chệch đi thành Bà Đanh (chùa Bà Đanh Hà Nội).
Vị trí ban đầu của chùa Bà Đanh thực chất không phải ở 199B Thụy Khuê như ngày nay. Sách Tây Hồ chí có chép: “Viện ở bờ phía Đông Nam hồ. Nhìn ra sông Tô. Xây dựng từ đời Hồng Đức nhà Lê (Lê Thánh Tông) để cho dòng dõi Lâm ấp (Chiêm Thành)”. Vị trí của chùa Bà Đanh trước kia được xây dựng ở góc phía Tây của trường Chu Văn An hiện nay. Chùa được gọi là thiền viện Châu Lâm. Vì chùa xây dựng theo quy mô, và phục vụ tín ngưỡng của người Chăm, nên khi xây xong, chỉ có người Chăm đến lễ bái. Khi không còn người Chăm đến lễ bái nữa, thì ngôi chùa trở nên hoang phế, vì vậy mà có câu ” Vắng như chùa bà đanh”
Trong các giai thoại về Trạng Quỳnh tức Nguyễn Quỳnh (1677-1748), người từng dạy học tại phủ Phụng Thiên ở thành Thăng Long thời Lê, cũng có một giai thoại gắn với pho tượng đó: Quỳnh nghe nói ở gần nơi Quỳnh dạy học có một pho tượng đá rất thiêng, hỏi học trò thì biết đó là tượng một người đàn bà trần truồng, hai tay trỏ xuống chỗ ấy, bên cạnh có chiếc chày đá, gọi là tượng Bà Banh. Ai đi qua trông thấy, muốn yên lành không được cười nhạo mà phải lặng lẽ kính cẩn cầm chiếc chày đâm vào chỗ ấy một cái, nếu không về nhà không méo mồm cũng vẹo cổ. Một hôm, Quỳnh đến nơi đó quẳng chày đá đi, cầm bút viết 8 câu thơ vào bụng tượng:
Khen ai đẽo đá tạc nên thầy!
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây?
Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt.
Dưới chân đứng chéo một đôi giày,
Ấy đã phất cờ trêu ghẹo tiểu,
Hay là bốc gạo thử thanh thầy?
Có ngứa gần đây nhiều gốc dứa,
Phô phang chi ở đám quân này.
Thơ viết chưa ráo mực, tượng đá bỗng vã mồ hôi, từ đó mất thiêng. Có thể hiểu rằng tượng Bà Banh mất thiêng và đền Bà Banh bi đổi tên thành chùa Bà Đanh, mà vắng người đến cầu cúng. Cũng có thể hiểu rằng Nho Giáo, Phật Giáo đã đầy lùi tín ngưỡng phồn thực dân gian của người Chăm Pa và của cả người Việt.
Thần Po Yan Dari của người Chăm về mặt hình thể thì rất là “phô phang” nhưng bà được cho là nữ thần bệnh tật và chết chóc.
—o—o—
BÀ LA SÁT
Trong dân gian có một nhân vật nổi tiếng đanh đá và nghiêm khắc là bà La Sát.
Khi nào lửa bén mái tranh
Tư tờ vô bộ tên anh đứng đầu
– Anh về rạch gió lên mây
Theo ông Đại Thánh, theo thầy Đường Tăng
– Em về làm bạn với tiên
Cùng bà La Sát bắt liền không tha
Bà Đanh là Phật Mẫu đứng ở chùa, còn Bà Là Sát là Thần Tướng.
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh thu xếp họ hàng đón dâu
Ông sấm ông sét đi đầu
Thiên Lôi, La Sát đứng hầu hai bên
Cầu vồng, mống cái bày lên
Hai họ ăn uống, có tiên ngồi kề
Trăng vàng sao bạc bốn bề
Kỳ lân, sư tử đưa về tận nơi
Sắm xe sắm ngựa nàng chơi
Ngựa thời bằng gió, xe thời bằng mây
Nàng thời má đỏ hây hây
Ước gì anh được đón ngay nàng về
Trong bài ca dao trên có 4 vị thần
– Ông Sấm
– Ông Sét
– Thiên Lôi
– La Sát
La Sát thường được cho là vị thần đối xứng với Thiên Lôi.
Ghép hai bài ca dao trên thì thấy có
– Ông La Sát và Bà La Sát
– Ông Thiên Lôi và Bà Pháp Lôi.
– Ông Sấm, Sét, Thiên Lôi, La Sát và bà Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) hay Mây, Mưa, Sấm, Chớp.
—o—
PHÁP LÔI PHẬT
Đối xứng với ông Thiên Lôi là bà Pháp Lôi.
Chùa Phi Tướng, ở làng Thanh Tương, tên nôm là làng Tướng, xã Thanh Khương, Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, thờ Pháp Lôi thuộc bộ chùa của Tứ Pháp Man Nương thờ Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện.
Trong số các sắc phong cho chùa, sắc phong có niên đại cổ nhất là “Cảnh Hưng tứ niên tam nguyệt nhị thập thất nhật” (tức 27/3/1743) có nội dung ca ngợi công lao to lớn với dân với nước và sự linh thiêng của Đại Thánh Pháp Lôi Phật như sau: “Sắc Đại Thánh Pháp Lôi Phật, khí hun núi Bắc, uy chấn trời Nam, mênh mang ở trên, vận thần cơ giúp đỡ nhân dân, nối tiếp yên ổn, rực rỡ tiếng tăm, đức sáng tốt đẹp, mãi phù vận nước dài lâu, công lao to lớn hiển ứng linh thiêng. Hợp cử bao phong phụng sự Đại nguyên soái tổng quốc chính thượng sư Minh vương ban sắc chỉ chuẩn ứng phong cho thần là Đại Thánh mậu đức phong công, tuấn liệt Pháp Lôi Phật. Vậy ban sắc!”.
Tên chữ của chùa Phi Tướng là Phi Tướng đại thiền tự, người dân địa phương gọi tắt là chùa Tướng. Từ “Phi Tướng” nghĩa là “không có hình tướng”, xuất phát từ việc chùa thờ vị Pháp Lôi là vị Phật chủ quản về sấm. “Lôi” chỉ có âm thanh, không có hình dạng nên chùa mới mang tên là Phi Tướng.
Làng Thanh Tương, xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh còn có tên nôm là làng Tướng. Đây là vùng đất quê hương của là nghệ thuật hát ca trù, hay còn gọi là hát cô đầu, hát nhà trò.
Tương truyền, Thanh Tương nằm ở ngay cửa Bắc thành Luy Lâu bên bờ sông Đuống xưa. Dưới thời đô hộ của nhà Hán, người làng đã có nghề ca hát phục vụ quan lại cai trị đóng ở trong thành. Khi nghĩa quân của Hai Bà Trưng kéo về đánh chiếm thành Luy Lâu, ca nương Biểu Phật Nương người Thanh Tương đã làm nội ứng mở cổng thành cho quân Hai Bà kéo vào công chiếm, phá thành. Biểu Phật Nương trở thành nữ tướng tuỳ tùng của Hai Bà. Sau khi khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, dân Thanh Tương đã lập đền thờ tưởng nhớ nữ tướng Biểu Phật Nương và làng Thanh Tương còn được biết đến với tên gọi làng Tướng từ đó.
—o—o—o—
MẪU HOÁ SINH
Nếu xét theo đặc trưng lưỡng nghi của tính nữ, tại sao không thể có
– một bà Banh rất thân thể liên quan đến Mây Mưa và một bà Đanh liên quan đến Sấm Sét
– một nữ thần Po Yan Dari của người Chăm, với hình hài phồn thực nhưng phụ trách cả chiến tranh và bệnh tật.
– một nữ thần chiến tranh mà cũng là nữ thần tình yêu
Trong Đạo Ba có Mẫu Hoá và Mẫu Sinh là một căp lưỡng nghi
– Mẫu Sinh là Bà Thị đi với ông Công và ông Táo, trong bộ ba Đầu Nhau
– Mẫu Hoá là Bà Đanh đi với Thần Tài và Thổ Địa
Cùng nhau cho trọn đạo ba
Thà là lìa thác, chẳng thà lìa sinh
—o—
Làm người giữ trọn đạo ba
Sau dầu có thác cũng là thơm danh
—o—
Ghi lời hẹn ước ba sinh
Theo nhau trong trọn nghĩa tình phu thê
—o—
Chẳng qua duyên nợ ba sinh
Mơ màng ngó xuống cõi trần làm chi
—o—
Chim quyên hút mật bông quỳ
Ba sanh còn đợi, huống gì ba năm
—o—
Dẫu rằng đá nát vàng phai
Ba sinh phải giữ lấy lời ba sinh
—o—
Nhớ lời nguyện ước ba sinh
Xa xôi ai có biết tình chăng ai?
Bà Sinh chuyên về sinh nở, sinh đẻ, sinh sản, sinh dưỡng. Bà Đanh chuyên về chuyển hoá, bệnh, tiêu, sát, tèo, tử
Bà Sinh là đầu ra, Bà Đanh chuyên về đầu vào, gồm âm hộ.
Bà Sinh chuyên về sinh dưỡng con cái, bà Đanh chuyên vê cân bằng nghiệp quả giữa con và mẹ.
Bà Sinh là cho ra và cho đi, tạo ra duyên nghiệp, Bà Đanh là cho vào và nhận trả lại, cân bằng duyên nghiệp và nợ nần.
Bà Đanh chính là bà mẹ xuất hiện ở phần kết thúc của câu chuyện Tấm Cám, để cân bằng cho nhân lại giữa Cám người từ trước đến lúc đó chỉ nhân từ xứ sở bằng cách chuyển trả lại về cho xứ sở.
Bà Đanh giữ cổng chuyển hoá về xứ sở. Muốn sinh sôi và muốn nhận thêm về thì phải khấn bà sinh, nhưng muốn báo đáp và cân bằng nghiệp quả và trả nghĩa với cha mẹ thì phải khấn bà Đanh. Ai muốn xin thêm mới đi xin xỏ, còn người nào muốn trả nợ thì chứ họ tự làm luôn chứ còn xin xỏ làm chi nữa. Cho nên mới có câu “Vắng như chùa Bà Đanh”.
Sinh sôi là thứ nhìn thấy còn chuyển hoá thì không nhìn thấy được nên bà Đanh còn được gọi bà Phi tướng, bà Vô diện, bà Đen, bà Điên hay bà Đinh.
Chia sẻ:
Scroll to Top