BỘ ĐỒ ĐI DỰ LỄ HỘI CỦA TẤM
Hài của cô Tấm là chi tiết xuất hiện trong tất cả các phiên bản cổ tích Tấm Cám trên toàn thế giới trong đó có phiên bản nổi tiếng Lọ Lem với chiếc giày thuỷ tinh rơi trên thềm hoàng cung khi Lọ Lem chạy trốn trước nửa đêm.
Bộ hài của cô Tấm nằm trong 4 bộ đồ lấy lên từ 4 chiếc lọ chôn xương cá bống, giống như giày thuỷ tinh của Lọ Lem được tạo ra nhờ bụi tiên và đũa phép của các bà tiên.
Truyện Tấm Cám đoạn đào chiếc bốn chiếc lọ lên kể rằng
“Tấm lại nức nở khóc. Bụt xuất hiện hỏi:
– Con làm sao còn khóc nữa?
– Vì con không có quần áo đẹp để đi xem hội.
– Con hãy đào những cái lọ xương bống đã chôn ngày trước lên thì sẽ có đủ mọi thứ cho con trẩy hội
Tấm vâng lời, đi đào các lọ lên. Đào lọ thứ nhất lấy ra được một bộ áo mớ ba, một cái xống lụa, một cái yếm lụa điều và một cái khăn nhiễu. Đào lọ thứ hai lấy được một đôi giày thêu, đi vừa như in. Lọ thứ ba đào lên thì thấy một con ngựa bé tí, nhưng vừa đặt con ngựa xuống đất bỗng chốc nó hí vang lên và biến thành ngựa thật. Đào đến lọ cuối cùng thì lấy ra được một bộ yên cương xinh xắn.
Tấm mừng quá vội tắm rửa rồi thắng bộ vào, đoạn cưỡi ngựa mà đi.”
Lọ thứ nhất chứa bộ tư trang đi cùng thân thể
– Áo mớ ba để che thân trên, ứng với khí
– Xống lụa để che thân dưới, ứng với đất
– Yếm lụa điều để che ngực, ứng với nước
– Khăn nhiễu để che cổ hoặc đầu, ứng với lửa
Lọ thứ ba và lọ thứ tư chứa bộ hành hành trang là con ngựa và yên cương, mà thành một đôi với nhau
– Con ngựa có cấu trúc là bốn chân trụ đất (thổ kim) và vận hành phi như bay trên mặt đất (khí mộc)
– Yên cương có cấu trúc da đất (thổ mộc) và vận hành chân không chạm đất (khí kim)
Lọ thứ hai chứa một đôi hài vừa in chân Tấm. Hài có hình thuyền và cũng là hình chân cô Tấm.
Chiếc ở lại với Tấm là bộ tư trang, chiếc rơi vào tay hoàng tử là bộ hành trang
—o—o—o—
THUYỀN & CHÂN
Dân gian có hai câu đố về thuyền mà được ví với bàn chân phụ nữ.
Linh đinh hai chiếc thuyền sang
Một chiếc chở năm chàng, hai chiếc chở mười chàng mà vẫn linh đinh
Là gì ?
Là hai bàn chân phụ nữ, mỗi bàn chân có 5 ngón chân là 5 chàng lái thuyền
—o–-
Song song hai chiếc thuyền tình
Đầu rồng đuôi phượng đóng đinh hai hàng
Một chiếc em chở năm chàng
Hai chiếc em chở mười chàng ra đi
Trách người quân tử lỗi nghì
Ăn trên ngồi trốc chẳng nghĩ gì đến em
Là cái gì ?
Là hai bàn chân phụ nữ, mỗi bàn chân có 5 ngón chân là 5 chàng lái thuyền
—o—o—o—
VÌ SAO HÀI CÔ TẤM TỰ RƠI ?
Truyện Tấm Cám kể rằng :
“Tấm mừng quá vội tắm rửa rồi thắng bộ vào, đoạn cưỡi ngựa mà đi. Ngựa phóng một chốc đã đến kinh đô. Nhưng khi phóng qua một chỗ lội, Tấm đánh rơi một chiếc giày xuống nước không kịp nhặt. Khi ngựa dừng lại ở đám hội, Tấm lấy khăn gói chiếc giày còn lại rồi chen vào biển người.
Giữa lúc ấy thì đoàn xa giá cũng vừa tiến đến chỗ lội. Hai con voi ngự dẫn đầu đoàn đến đây tự nhiên cắm ngà xuống đất kêu rống lên không chịu đi. Vua sai quân lính xuống nước thử tìm xem; họ nhặt ngay được chiếc giày thêu của Tấm đánh rơi lúc nãy. Vua ngắm nghía chiếc giày không chán mắt, bụng bảo dạ:
– Chà, một chiếc giày thật xinh! Người đi giày này hẳn phải là trang tuyệt sắc
Lập tức vua hạ lệnh cho rao mời tất cả đám đàn bà con gái đi xem hội đến ướm thử, hễ ai đi vừa chiếc giày thì vua sẽ lấy làm vợ.
Đám hội lại càng náo nhiệt vì các bà, các cô chen nhau đến chỗ thử giày. Cô nào cô ấy lần lượt kéo vào ngôi lầu giữa bãi cỏ rộng để ướm thử một tý cầu may. Nhưng chả có một chân nào đi vừa cả. Mẹ con Cám cũng trong số đó. Khi Cám và dì ghẻ bước ra khỏi lầu thì gặp Tấm. Cám mách mẹ:
– Mẹ ơi, ai như chị Tấm cũng đi thử giày đấy!
Mụ dì ghẻ của Tấm bĩu môi:
– Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre!
Nhưng khi Tấm đặt chân vào giày thì vừa như in. Nàng mở khăn lấy chiếc thứ hai đi vào. Hai chiếc giày giống nhau như đúc. Bọn lính hầu hò reo vui mừng. Lập tức vua sai đoàn thị nữ rước nàng vào cung. Tấm bước lên kiệu trước con mắt ngạc nhiên và hằn học của mẹ con Cám.”
Hai chiếc hài của Tấm vừa có thể vận hành cùng nhau, vừa có thể vận hành độc lập
– Hài chiếc ở dưới chân khi đi thành bộ, lúc này hài là thuyền đưa chân Tấm lướt đi trên sóng nước.
– Hài chiếc ở trên tay khi tách nhau ra là để kết nối hai bến bờ, một bến bờ là Tấm và một bến bờ là hoàng tử .
Hài có cấu trúc đất nước và vận hành khí nước lửa.
– Hài chân nam, vận hành là chiếc hài bị rơi. Hài này in hình bóng chân Tấm và chạy theo bóng hình hoàng tử, là người chèo lái đất nước
– Hài chân chiêu, cấu trúc là chiếc hài ở lại với Tấm. Hài giúp chân trụ xuống đất nước, hài in bóng hình đất nước, mà hoàng tử đứng đầu
Thuyền là biểu tượng của phụ nữ, hài hình thuyền dành cho đôi chân người phụ nữ. Lái là biểu tượng của người đàn ông làm chèo lái gia đình. Đôi hài của Tâm ứng với câu :
Thuyền theo lái, gái theo chồng.
Thuyền là biểu tượng của người phụ nữ, bến bờ là người đàn ông trụ cột gia đình. Đôi hài của Tâm ứng với câu :
Em là thuyền, còn anh là bến.
Hoàng tử với Tấm, vừa là người lái với thuyền, vừa là bến với bờ.
Chiếc hài bình thường đưa chân chúng ta đến nơi cần đến, còn chiếc hài của cô Tấm tự biết nó cần phải đi theo ai và nơi nào nó cần dừng lại. Đó là nơi có bến bờ cuộc đời, đó là trong vòng tay của người yêu. Khi đến bến bờ mà ở đó chiếc hài biết nó sẽ gặp hoàng tử, chiếc hài tự rơi xuống, đợi hoàng tử đến nhặt.
—o—o—o—
THUYỀN & LÁI
Thuyền theo lái, gái theo chồng
—o—
Đây cũng muốn chờ, ngặt bóng trăng lờ, thêm cơ diệu vợi,
Thuyền lái đây sẵn sàng, e chờ đợi luống công
—o—
Một thuyền một lái chẳng xong
Một chĩnh hai gáo còn nong tay vào
Em xót thương anh phất ngọn cờ đào
Còn thò tay bẻ mận em dạ nào dám ưng
—o—o—o—
THUYỀN & BẾN
Bấy lâu thuyền bến xa khơi
Như dao cắt ruột, như vôi đổ lòng
—o—
Ấy ai dắt mối tơ mành
Cho thuyền quen bến cho anh quen nàng
—o—
Bến hiền thuyền đậu
Bến dữ thuyền lui
Ngọn nước chảy ngược, thời ai bỏ sào xuôi
Làm sao ta với bạn còn tới lui dài ngày
—o—
Thuyền em bến dưới ngược lên
Thuyền anh ở mạn sông trên mới về
Đôi bên cửa máng song kề
Bên đấy có chật thì về bên đây
—o—
Một thuyền một bến một dây
Ngọt bùi ta hưởng đắng cay chịu cùng
—o—
Đã lòng hẹn bến hẹn thuyền
Chờ anh hàng muối cho duyên mặn mà
Vì chưng bướm bướm hoa hoa
Gặp anh hàng trứng hóa ra đổi lòng
—o—
Thuyền ai đỗ bến đợi chờ
Tình đi nghĩa ở, bao giờ quên nhau
Chẳng nên tình trước nghĩa sau
Bến này dãi bóng trăng thâu đợi thuyền
Đôi ta như cặp chim quyên
Dầu khô dầu héo cũng chuyền cũng bay
Khát thì uống nước bọng cây
Đói ăn bông cỏ, thiếp đây vẫn chờ
—o—o—o—