BƯỚM & HOA
Có những tình duyên vợ chồng như hoa với bướm, bướm bay quanh hoa, bướm thụ phấn cho hoa.
Em như hoa nở trên cành
Anh như con bướm lượn vành khát khao
Tình em như mướp nở hoa
Tình anh như bướm bay qua trên cành
Anh xa em như bướm xa hoa
Như Thúy Kiều xa Kim Trọng, Bá Nha xa Tử Kỳ
Anh say em như bướm say hoa
Như Lưu Linh say rượu Bá Nha say cầm
Trong các quan hệ bướm hoa mô tả ở trên, đàn ông là bướm và phụ nữ là hoa. Phần lớn các bài ca dao, tục ngữ khác mà bên dưới là một số ví dụ, đàn ông không được chỉ rõ là bướm hay hoa, nhưng vì hoa rất ít khi là nam, nên bướm thường là nam.
Không buông giọng bướm lời hoa
Cớ sao lại bắt lòng ta cảm mình
Hoa tàn bướm hãy còn xinh
Chợ tan mặc chợ, quán đình còn đông
Mồ cha con bướm khôn ngoan
Hoa thơm bướm đậu, hoa tàn bướm bay
Lăng xăng bướm lượn vòng hoa
Đôi ta mới gặp mẹ già chưa hay
Hoa thơm ong bướm đang mê
Thương chưa phỉ dạ, mình về bỏ tôi
Bạn về giữ trọn niềm hoa
Đừng cho ong bướm vô ra nhộn nhàng
Vườn xuân hoa nở đầy giàn
Ngăn con bướm lại kẻo tàn nhị hoa
Bướm bay bướm cũng bạc đầu
Thấy hoa thiên lí cúi đầu làm tôi
Cây chanh lại nở hoa chanh
Ðể con bướm trắng bay quanh cả ngày
Kìa như cỏ nội hoa ngàn
Mặc tình ong bướm chàng màng một bên
Vườn có chủ giữ gìn cây cỏ chạ
Hoa có rào ngăn đón bướm ong vô
Bướm giỡn bông, bướm không phỉ dạ
Trách ai làm cây ngả, bướm bay
Bông cúc ngã ngang, con bướm vàng nhận nhụy,
Thấy miệng em cười hữu ý, anh thương.
Bông còn thơm con bướm còn đậu, còn theo
Bông tàn nhụy rữa, con bướm đậu cheo leo một mình.
Nhắn người ở tận chốn xa
Gió trăng là bạn, bướm hoa là tình
Bao giờ duyên ta bén với duyên mình
Cầm bằng câu đối dán đình ngày xuân
Một ngày cũng nghĩa bướm hoa
Dầu tình, dầu nghĩa, dầu xa cũng tình
Bẻ bông mà cắm độc bình
Nẫu xa mặc nẫu, đôi đứa mình đừng xa
Đã lòng hẹn bến hẹn thuyền
Chờ anh hàng muối cho duyên mặn mà
Vì chưng bướm bướm hoa hoa
Gặp anh hàng trứng hóa ra đổi lòng
Ai làm cho bướm lìa hoa
Cho chim xanh nỡ bay qua vườn hồng
Ai đi muôn dặm non sông
Để ai chất chứa sầu đong vơi đầy?
Bướm bay hoài, không đậu vườn hoa
Hay là anh thấy mẹ cha em nghèo
Dang tay với chẳng tới kèo
Bổn phận em nghèo lấy chẳng đặng anh
Bướm xa hoa, bướm khô hoa tẻ
Liễu xa đào, liễu ngẩn đào ngây
Đôi ta tình nặng nghĩa dày
Dù xa nhau đi nữa, cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa
Lặc lìa biển trải thảm xanh
Lô nhô sóng bạc trổ cành hoa tươi
Vườn hoa bướm lượn thảnh thơi
Gió đưa buồm trắng ra khơi chập chờn
Đêm năm canh, anh ngủ có ba
Còn hai canh nữa, anh ra trông trời
Trông trời mau rạng đông ra
Để cho bướm chộ mặt hoa bướm chào
Bướm giỡn bông, bướm không phỉ dạ
Trách ai làm cây ngả, bướm bay
Thiếp trao lông nhím cho chàng
Chàng trao cho thợ bịt vàng đơm bông
Đơm bông rồi lại đơm hoa
Đơm con bướm bạc xinh đà quá xinh
Gặp đây gắn bó một lời
Gối loan trót để đôi nơi võ vàng
Người như loan phượng đồng sàng
Bây giờ rút mối tơ vương cho đành
Người như hoa nở trên cành
Em như con bướm liệng vành xem hoa
Chơi cho trứng chọi đá tan,
Trăm hồ nghìn hải phá tàn rừng xanh.
Người như huê nở trên cành,
Em như con bướm lượn vành trên hoa.
Bây giờ anh lấy người ta,
Như dao cắt ruột em ra làm mười.
Chẳng hát em nể anh đây
Hát ra xấu tiếng em đây thẹn thùng
Đều hát là đều hát chung
Xin anh đừng có quản
Trước là nể chúng nể bạn
Sau nể anh em nhà
Em với anh như bướm gặp hoa
Ước gì bướm được gần hoa
Ước gì mình sánh với ta hỡi mình
Ước gì tính sánh với tình
Ước gì nhánh bích cành quỳnh thành đôi
Ước gì lan huệ đâm chồi
Ước gì quân tử sánh người thuyền quyên
Ước gì nguyện được như nguyền
Ước gì chỉ thắm xe duyên tơ đào
===
BƯỚM & SÂU
Có những nợ vợ chồng như sâu và cây, sâu ăn cây để sống, cây tự thanh lọc nhờ sâu và phát triển năng lực tự vệ trước sâu.
Sâu chỉ ăn một số loại cây rất xác định, ở một số vị trí nhất định và cây chỉ có một loại sâu nhất định. Nghĩa là quan hệ này là quan hệ rất xác định.
Rau nào sâu nấy
Sâu muống thì đen, sâu giềng thì trắng
Rau nào sâu nấy, mía sâu từng đốt
Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi
Tui thấy vui tui tới tui chơi
Ai ve các chị mà làm hơi quá chừng
Uổng tiền mua giống mía sâu
Để dành đi cưới con dâu mà nhờ
Tiếc tiền mua lóng mía sâu
Tiếc bạc đi cưới con dâu ăn hàng
Tiếc cây nứa tốt có sâu
Tiếc người lịch sự trên đầu có tang
Tang chồng thì bỏ tang đi
Tang cha tang mẹ ta thì tang chung
– Tang cha tang mẹ trên đầu
Lẽ nào em dám bán sầu mua vui
Người muốn bảo vệ cây thì tìm cách diệt sâu, bằng cách tìm bắt sâu và dùng thiên địch của sâu là chim, là gà
Vạch lá tìm sâu
Bọ nẹt đã có dẻ cùi
Người muốn ăn rau thì phải nhặt sâu ra khỏi rau, không thì hỏng cả bữa ăn
Con sâu làm rầu nồi canh
Quan hệ của con sâu và cái cây vừa là quan hệ cộng sinh dựa vào nhau và hỗ trợ lẫn nhau, vừa là quan hệ ký sinh, ăn bám bởi vì
– Hoa vẫn là cây, cây vẫn là hoa
– Sâu vẫn là bướm, bướm vẫn là sâu
Lắm bướm thì đẻ nhiều sâu
Tàn phá hoa màu, làm hại nhà nông
Nàng về ngâm nhựa xương rồng
Gánh ra đem tưới cho bông cho cà
Sâu non cho chí sâu già
Hòng chi sống sót mà ra phá màu
Dù sâu cũng là bướm và hoa cũng là cây, giai đoạn quan hệ cây – sâu vẫn khác giai đoạn quan hệ bướm – hoa.
Đêm qua dồn dập mưa mau
Gió rung cành ngọc cho đau lá vàng
Trách chàng phụ ngãi tham vàng
Ngô đồng nỡ để phượng hoàng ngẩn ngơ
Biết nhau từ bấy đến giờ
Đã có bướm đậu thì chừa sâu ra
Ngoài ra
– một số loài cây không có hoa
– một số loài sâu không bao giờ chuyển thành bướm
===
BÀ CÂY ÔNG SÂU
Bài ca dao nổi tiếng nói về quan hệ bà cây ông sâu, trong đó ông chồng dựa dẫm ăn bám vào vợ là bài “Bồng bồng cõng chồng đi chơi”.
Một số người cho bài này y hệt như phân tích bài Bà Rằng Bà Rí, dân ca của dân tộc Mường ở Phú Thọ là nói về tục tảo hôn. Phân tích như vậy không quá sai, nhưng thiếu trầm trọng. Bài ca dao này có chiều sâu hơn, nói về một trong các dạng quan hệ nam nữ căn bản, chứ không chỉ đơn thuần mô tả tình trạng tảo hôn.
Bồng bồng cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng
Chị em ơi, cho tôi mượn cái gàu sòng
Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên
Bống bông cõng chồng đi chơi,
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng.
Chị em ơi! Cho tôi mượn cái gàu sòng,
Để tôi tát nước múc chồng tôi lên.
Cái bống cõng chồng đi chơi,
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng.
Hỡi ông cụ lão kia ơi,
Cho tôi mượn cái gầu sòng,
Để tôi tát nước cho chồng tôi lên.
Bồng bồng cõng chồng đi chơi,
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng.
Hỡi ông cụ lão kia ơi,
Cho tôi mượn cái gầu sòng,
Để tôi tát nước cho chồng tôi lên.
Cái bống cõng chồng đi chơi,
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng.
Cho tôi mượn cái gầu sòng,
Để tôi tát nước cho chồng tôi lên.
Bài này có nhiều khảo dị khác nhau ở các điểm sau
– “Bồng bồng” hoặc “Cái bống” cõng chồng đi chơi
– “Chị em ơi”, hoặc “Hỡi ông lão ơi”, hoặc không biết gọi ai “cho mượn cái gầu sòng”
Phụ nữ là cõng chồng là phụ nữ Mộc Thổ hay bà Cây. Đàn ông được vợ cõng là đàn ông Kim Khí hay ông Sâu mà về mặt vật chất thì dễ ăn bám vợ mà về mặt tinh thần lại rất thích chơi và dễ rớt ra khỏi quan hệ vợ chồng khi chạy theo các quan các quan hệ trăng hoa hay chạy theo các thú chơi bời, do tính khí cá nhân được nuông chiều và không có sự gắn kết gia đình.
Cảm xúc là nước và con sâu là loài sinh vật tính thuỷ. Thuỷ quá nhiều không còn cân bằng với hoả để giữ chất khí, mà cũng không còn phân tách với hoả để có tính kim. Cho nên người đàn ông này mới rơi xuống chỗ lội, trong những giai đoạn mà gia đình gặp khó khăn hay biến động.
===
BÀ RẰNG BÀ RÍ hay BÀ CÂY BÀ HOA
Bà Rằng bà Rí là bài dân ca của người Mường ở Xuân Sơn, Phú Thọ, mô tả quan hệ vợ chồng dạng con sâu – cái cây. Bài dân ca mượn lời của người đàn bà cái cây, mô tả người đàn ông là sâu ăn bám, lười làm, ngủ ngáy, vợ phải cõng, phải bồng, phải bế (một số trường hợp đàn ông sẽ làm cây và phụ nữ làm sâu).
Bà Rằng bà Rí …
Ới rằng bà đi …
Ới đi là đâu …
Bà đi khắp chốn …
Nối dây tơ hồng …
Cái duyên ông chồng …
Làm khổ cái đời tôi …
Ấy bà Rí ơi …
Bà Rằng, bà Rí ơi…
Chồng gì mà chồng bé…
Bé tẹo tèo teo…
Chân đi thì cong queo…
Lúc đi phải cõng…
Lúc khóc phải bồng…
Cái duyên ông chồng…
Làm khổ cái đời tôi…
Ây bà Rí ơi…
Bà Rằng, bà Rí ơi…
Chồng gì mà chồng ngáy…
Ngáy ò ó o…
Đêm thì nằm co…
Làm ăn lười biếng…
Chẳng lo học hành…
Cái duyên ông chồng…
Làm khổ cái đời tôi…
Ấy bà Rí ơi…
Bà Rằng, bà Rí ơi…
Một bài dân ca khác cũng về Bà Rằng Bà Rí.
Bà Rằng bà Rí, ới rằng bà đi có chơi xuân
Bà Rằng bà chẳng có chơi xoan
Chứ bà thì ra bà ra bãi cát
Chứ bà thì chầu có ông giời
Chứ Rí tôi…
Bà Dằng bà Dí, ới rằng bà đi, có chơi xuân
Bà Dằng bà chẳng có chơi xoan
Chứ bà thì ra bà ra bãi cát,
Chứ bà thì chầu có ông giời
Chứ Dí tôi …
Bà Dằng bà chẳng có chầu giời
Chứ bà thì vào có rừng xanh
Chứ bà Dí tôi bà Dằng bà chẳng,
Có xanh rừng xanh, chứ bà chơi.
Có võng đào, chứ bà Dí tôi…
Mùa xuân là mùa trăm hoa đua nở và lúc này người đàn bà đã thành cây nở hoa và con sâu cũng hoá thành hoá bướm, không bám riết vào cái cây mà bay lượn khắp nơi và giúp hoa thụ phấn.
===
Bà Rằng Bà Rí không chỉ có ở vùng dân tộc Mường ở Miền Bắc mà còn có ở miền Nam.
Cơm Nai Rịa, cá Rị Rang
Bài này có hai lớp nghĩa.
– Cơm Nai Rịa, cá Rị Rang Những thức ngon ở Đồng Nai, Bà Rịa, Phan Rí, Phan Rang.
– Con sâu, cái bướm là cái Rị cái Rang và cái cây, bông hoa giờ là cơm Nai Rịa