BA CON GIÁP THAM SÂN SI
===
Năm 2014, tôi có một khoá tu thiền ở Myanmar. Ở đây tôi được nghe một loạt các từ mà các thiền sinh Việt rất thích dùng, như sát na, mo ha, do sa, so ha …. Tôi không hiểu họ nói cái gì, bởi vì đó là tiếng Phạn.
Cuối năm 2013, tôi mới nghỉ làm để chuyên tâm vào hành thiền. Tôi chỉ tập trung vào thực hành qua việc tự thiền, thiền với học sinh, dẫn thiền, dạy thiền, nên bộ từ chuyên môn duy nhất tôi nắm được là về thiền. Tôi hiểu một số từ chuyên về thiền như vipassana, thiền động, thiền quán, thiền định hay các cấp thiền quán như thiền quán tâm, quán thân, quán pháp … vì
– tôi được nghe các bạn học sinh đã trải qua các khoá thiền nguyên thuỷ nói cho biết về các loại thiền ấy
– tôi có các trải nghiệm thiền và tôi tự hiểu ra.
Ở thiền viện, chẳng ai nói nhanh, làm nhanh, đi nhanh cả. Ai cũng đi chậm rãi, thậm chí còn vừa nhìn chằm chằm xuống chân. Họ bảo kiểu đó là đi “kinh hành”.
Có một lần tôi chạy trong sân của thiền viện. Những người thấy tôi chạy liên tiếp bảo tôi là mo ha, do sa, so ha …. Tôi đoán là họ đang chê bai tôi chuyện gì đó, nhưng vì không hiểu và cũng không muốn tương tác, nên tôi cứ chạy tiếp. Có một người chặn tôi lại, tôi bảo người ấy là tôi có đi “kinh hành” đâu, mặc dù lúc đó tôi cũng không hiểu “kinh hành” là cái gì và tôi đi tiếp.
Về phòng, tôi hỏi mấy tiếng xì xồ ấy là cái gì vậy, thì được bảo rằng mấy người đó chê tôi là “tham, sân, si”. Lúc đó tôi thắc mắc mấy điều
– Sao họ không bảo tôi đi chậm lại mà cứ xì xồ mấy từ tiếng Phạn ấy ?
– Sao họ không dùng tham, sân, si bằng tiếng Việt cho đơn giản vì toàn là người Việt với nhau ?
– Chạy liên quan gì đến tham, sân, si ? Người khiên cưỡng thiền, khiên cưỡng kinh hành, khiên cưỡng dùng tiếng Phạn có chắc không tham sân si không ?
Hôm nay là ngày 19/9 Âm lịch, ngày mẹ Quán Âm xuất gia, nên tôi được nhắc lại câu chuyện mà tôi đã quên khuấy này.
Tam độc (tiếng Phạn: triviṣa), trong Phật giáo, nói về ba trạng thái tinh thần có hại
– si, vô minh (tiếng Phạn: Moha)
– tham lam (tiếng Phạn: Lobha)
– sân hận (tiếng Phạn: Dosa)
Tam độc trong trung tâm của bánh xe luân hồi được đại diện dưới hình tướng của 3 con giáp là Dậu, Tỵ và Hợi, mà lần lượt cắn đuôi nhau.
– Con gà mổ đuôi con lợn, vì tưởng đuôi lợn là giun. Con gà như vậy là con gà quáng gà và con gà tham ăn.
– Con lợn cắn đuôi con rắn, thì đích thị là “ngu như lợn” vì rắn mà quay lại cắn lợn, thì lợn sẽ chết. Con lợn làm thế vì nó tham lam và mù quáng.
– Rắn là con vật săn mồi và có nọc độc duy nhất trong bộ ba này. Con rắn có nhiều sân hận và nó đang cắn đuôi con gà
– Rồi con gà sẽ tiếp tục đi cắn đuôi con lợn, con lợn lại tiếp tục cắn đuôi con rắn, và chuỗi tham sân si này cứ tiếp diễn.
Tham Sân Si cũng có thể vận hành như sau
– Con gà vì sân hận quặp móng vuốt vào con rắn
– Con rắn cắn con lợn vì tham, dù con lợn quá to nó không thể ăn hết
– Con lợn cắn con gà vì ngu si, cứ tưởng gà ăn được
– Rồi con gà lại đi đi quặp con rắn
Ba con này đều có cả tham, sân và si
– Lợn đại diện cho sự ngu si. Lớn ít hận thù nhất, dù nó cũng tham. Si là si mê và ngu si. Si trong tiếng Phạn là moha, chúng ta cứ tạm đọc là mù hả, nghĩa là vô minh.
– Rắn đại diện cho sự ganh tỵ, sự tỵ hiềm, sự ty nạnh … mà nói chung dẫn đến sân hận. Rắn cũng tham. Sân tiếng Phạn là dosa, và chúng ta cứ tạm đọc là đồ sân.
– Gà đại diện cho sự tham lam, gà không chỉ tham ăn uống như rắn và lợn, mà còn tham cả danh tiếng, hình thức, hai thứ mà rắn lợn không quan tâm. Gà đánh rắn hầu như không phải vì ganh tỵ hay sân hận, mà để tự vệ. Tự vệ cũng là tham, tham sống sợ chết. Gà cũng có trạng thái mù quáng đặc trưng mà chúng ta gọi là quáng gà. Trong tình trạng quáng gà, lòng tham sẽ càng trở nên mù quáng. Tham tiếng Phạn là lobha.
Để ba con này cứ vận hành với nhau mãi, không dừng được thì chúng phải ở trạng thái tam độc
– Ba con này con này phải kiểm soát con kia nhau, khiến cho chúng không thoát ra được vòng lặp dù xuôi hay dù ngược này
– Có và chỉ có 3 con vật này, không được có thêm con chuột, con mèo, con chó, con hổ …
Tam độc là độc đoán, độc đáo, độc hành, độc đạo, độc địa, độc áo, cô độc, đơn độc.
Tam độc, hay chu kỳ tối thiểu chỉ có 3 cá thể kiểu này rất khó xảy ra trong thực tế. Con lợn mà cắn phải đuôi con rắn sẽ bị rắn cắn lai ngay hoặc lợn chưa kịp cắn thì rắn đã chuồn rồi, lợn ngu được thế này là vì con rắn rất ngu đã cắn đuôi con gà và con gà rất ngu đã mổ đuôi con lớn. Đó là những điều trùng hợp kiểu rất hiếm khi xảy ra
Cho dù chúng ta có rất tham, rất si hay rất sân hoặc chúng ta vừa tham vừa si vừa sân, thì việc sống thường trực trong ba và chỉ ba trạng thái ấy là điều gần như không thể xảy ra trong thực tế.
Cuộc sống luôn diễn ra “đa” hơn là “độc”. Đa dạng, đa đoan, đa phương, đa cấp … chính là một nguyên tắc của luân hồi để vòng lặp xảy ra nhưng con người vẫn có cơ hội hoàn thiện và trưởng thành, trong vòng lặp đó.
Câu hỏi là vì sao lợn cắn đuôi rắn, rắn cắn đuôi gà và gà cắn đuôi lợn thì là lại trở thành vòng lặp trung tâm của Bánh xe luân hồi ? Ba là một vòng tròn có số lượng cá thể tối thiểu. Một cá thể không thể tạo ra tương tác vòng lặp, hai là quan hệ cặp đôi, bà là khởi đầu quan hệ chuỗi vòng lặp kiểu này. Ba là trạng thái rất đặc biệt vì nó vừa là “tam độc” vừa là “tam đa”.