BÁNH DẦY LÀNG MUI

Loading

Làng Mui là tên nôm của thôn An Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Làng Mui có nghề truyền thống làm bánh dầy, bán lẻ không nhiều như Quán Gánh, nhưng bán buôn rất nhiều. Cùng trên trục đường quốc lộ 1, Quán Gánh nằm ở phía Bắc ven bờ sông Tô Lịch, làng Mui nằm ở xa hơn về phía Nam. Bánh dầy làng Mui được đem bánh giầy đi bán khắp nơi, mà không mang thương hiệu của làng. Bánh dầy Quán Gánh ngược lại là một thương hiệu nổi tiếng, nhiều người đi qua đường Quán Gánh dừng lại để mua bánh.
Bánh dày làng Mui có lịch sử lâu đời, ít nhất từ thời Hai Bà Trưng. Câu chuyện người dân làng Mui làm bánh dày gắn liền với vị phò mã Hùng Nguyên tướng quân, chồng của bà Trưng nhị – thành hoàng bản thổ làng Mui. Sau khi khởi nghĩa Hai Bà Trưng thắng lợi, Hùng Nguyên tướng quân đã lập bản doanh tại làng Mui. Tương truyền năm 43 khi Mã Viện kéo quân sang xâm lược nước ta, Hùng Nguyên tướng quân đã cùng 80 trai làng đứng lên khởi nghĩa. Trong buổi tối trước ngày ra trận, dân làng đã làm bánh dày cho tướng quân và 80 chàng trai người con của làng mang theo lên đường. 72 chàng trai cùng vị phò mã đã hi sinh. Tên tuổi của họ được người dân làng Mui thờ phụng trang nghiêm, tôn kính. Bánh dày cũng từ đó mà trở thành một phần của làng Mui, không phải chỉ là một món ăn, mà còn là cả một lịch sử.
Trong hệ thống đình đền thờ các vị tướng đời Hai Bà Trưng, đình làng Mui là di tích rất quý, bởi vì đây là một di tích cực kỳ hiếm hoi liên quan đến chồng của Trưng Nhị.
Trong bộ bánh chưng bánh dầy thì bánh chưng, mang yếu tố đất liên quan đến Trưng Trắc; còn bánh dày, mang yếu tố nước liên quan Trưng Nhị. Vì Trưng Trắc đứng yếu tố đất nên bà hiện ra trong vai trò bảo vệ đất còn Trưng Nhị đứng yếu tố nước nên bà giữ vai trò duy trì dòng máu Lạc Hồng. Đất thì hiện mà nước thì ẩn, thân thì hiện mà máu thì ẩn nên chúng ta biết rất ít về Trưng Nhị.
Đình làng Mui còn thờ ba vị trung đẳng thần, là tướng thời Hùng Vương thứ 18. Đó là thần Nguyễn Tuấn, thần Trần Khánh và thần Ngô Ngọ Lang. Hai ông Nguyễn Tuấn và Trần Khánh là người làng An Duyên kết thân từ nhỏ. Hai ông được vua Hùng Vương thứ 18 trọng dụng, đánh thắng giặc ở châu Hoan. Trong thời gian này, hai ông kết thân với Ngô Ngọ Lang, là dũng tướng tiên phong. Thắng giặc, ba ông rẽ sang ba lối đi riêng. Sau này theo di nguyện của ông Nguyễn Tuấn, dân làng An Duyên lập miếu thờ ba ông ở làng. Vua Hùng phong tướng phúc thần, làm thành hoàng làng để nhân dân thờ phụng.
Làng Mui còn có ngôi chùa làng nổi tiếng, là quán đạo Lão cổ. Theo truyền thuyết, chùa Mui có từ lâu đời, khởi nguyên từ ông Trần Khánh giúp vua Hùng thứ 18 đánh giặc. Dẹp xong giặc, vì mến cảnh yêu người, ông đã từ chối tiền tài, danh vọng, ở lại đây lập ngôi chùa, dựng tượng Tam thánh để thờ cúng và dạy bảo dân.
Vốn là ngôi quán nên nghệ thuật điêu khắc tượng ở chùa Mui cũng khác với các vùng xung quanh. Chùa có 3 pho Tam thanh (Thái thanh, Thượng thanh và Ngọc thanh). Cả ba pho này đều được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng, ở vị trí cao nhất tại Thượng điện. Lớp thứ hai là Thái thượng Lão quân, lớp thứ ba là Ngọc Hoàng, lớp thứ tư là Thích Ca. Đặc biệt ở đây có hố sâu dưới bệ tượng, nhân dân gọi là huyệt Đan sa, đó là lò luyện đan của các đạo sĩ. Sách cổ ghi rằng, luyện đan có nhiều bí truyền, nguyên liệu là đá đan sa màu đỏ, đem nung đan sa lên sẽ được thuỷ ngân lỏng màu trắng bạc. Cứ thế nung đi nung lại chín lần sẽ được đan sa cứng trở lại, chuyển dạng mỗi lần gọi là chuyển đan, uống cửu chuyển đan sẽ bất tử. Huyệt đan sa ở chùa Mui hiện nay là dấu tích lò luyện đan của Hưng Thánh quán xưa kia.
Bên cạnh hệ thống tượng Phật được nhân dân tạc vào thế kỷ XIX như tượng Thích Ca, Thánh tăng, Hộ pháp… tượng cổ của quán ngày xưa còn có pho Đông Nhạc, đây là pho tượng lớn hiếm thấy trong vùng này, tượng tạo dáng như Hộ pháp, xung quanh có nhiều thú sơn lâm và thuỷ tộc…
Làng Mui có ba người họ Doãn đỗ đạt vào thời Lê
– Doãn Hoành Tuấn, người làng An Duyên, quan nhà Lê sơ, triều Lê Thánh Tông, đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân năm 1478, Thượng thư bộ Lễ, đi sứ nhà Minh năm 1480 mang thư trả lời nhà Minh của vua Lê về việc Đại Việt chinh phạt Ai Lao và tranh chấp biên giới Đại Việt-Đại Minh năm 1479.
– Doãn Mậu Khôi, đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân năm 1502, người làng An Duyên, Thượng thư bộ Lễ, tới thời Lê Uy Mục được cử đi sứ nhà Minh 1507.
– Doãn Mậu Đàm hay còn gọi là Doãn Đàm (1557-?), quê gốc An Duyên, sau chuyển cư tới thôn Cự Phú xã Tam Đa huyện Phù Cừ tỉnh Hưng Yên, đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân năm 1586.
Di tích của làng Mui
– Đình làng
– Chùa làng ở bên cạnh đình
– Miếu ông Hậu, ở gần đình và chùa
– Đền Thượng thờ Hùng Nguyên Tướng Quân
– Miếu Giếng
– Miếu ngoài bãi (ở cánh đồng 
—o—o—
Video
– Độc đáo kiến trúc chùa Mui | Hà Nội đẹp và chưa đẹp
– Đất thiêng Làng Mui – Hồn xưa lưu giữ | Về chốn linh thiêng
– Nghìn năm bánh dày làng Mui | Làng nghề Việt
– Lễ Rước Chạp làng Mui (Thôn An Duyên – Tô Hiệu – TT – TP Hà Nội 02/12 Quý Mão (12/01 /2024
– Chùa Mui – Những dấu ấn giao thoa
Bài báo
– Chùa Mui (huyện Thường Tín)
Chia sẻ:
Scroll to Top