KẺ CHỢ
—o—o—o—
Sinh ra ở phố Hàng Dầu
Bạc tóc ta lại về chơi Hàng Buồm
Chân Hàng Giầy, đầu Hàng Mây
Tóc gương Hàng Lược, cương thường Hàng Ngang
Ba sáu phố, tưởng mình ta
Nào ngờ hồn nước sáu tư mảnh đời
Phách này lạc ở Hàng Da
Vía kia đứng ở Hàng Gà đợi ai
Kim Hàng Bạc, Mộc Hàng Than
Hàng Mã lấp lánh, Hàng Đào chảy trôi
Mặn Hàng Muối, ngọt Hàng Đường
Hàng Khoai cục mịch, Hàng Bông bồng bềnh
Mua bán là vận hành luồng
Cửa nơi cho nhận âm dương trong ngoài
Cửa duyên, cửa phận, cửa tình
Cửa hàng, cửa hoá, cửa mình, cửa quan
Kẻ Chợ cửa nằm nơi nao
Cửa Ô Quan Chưởng hay là Cầu Đông
Trại Hàng Cá cửa Lý Ngư
Chợ Gạo cửa tướng giữ thành Long Biên
Cầm cân bán rồi lại mua
Trầu cau, gạo muối, lụa vòng, đèn hương
Đền Bạch Mã, quỳ dâng mâm
Năm cũ trả lễ, năm sau mở luồng
Tết Tây có nhớ Tết Ta
Cuối đông có nhớ khoai hà nướng than
Cuộc đời tựa giấc chiêm bao
Cho ta đi dạo ba mươi sáu hàng
—o—o—
Lớp thiền tháng Chạp năm Giáp Thìn 2024, bài thiền đi một vòng sông Tô Lịch theo cả không gian và thời gian, bắt đầu từ Kẻ Chợ
– Ba sáu phố phường : là một mật mã của Kẻ Chợ
– Hồn nước sáu tư mảnh đời : 64(8×8) là số lượng quẻ cơ bản của bát quái nước cũng là số lượng mảnh của một người
– Trại Hàng Cá : Phố Hàng Cá xưa là trại Hàng Cá, có đình Hàng Cá thờ Lý Tiến, vị thành hoàng làm tướng phụ giúp cho Thánh Gióng đánh giặc Ân thời vua Hùng Vương thứ VI.
– Cửa Lý Ngư : Bóng trăng là cửa của Lý Ngư, được mô tả trong bức tranh Hàng Trống có tên Lý Ngư Vọng Nguyệt và đề tài này cũng được khắc hoa ở cửa đền Ngọc Sơn. Lý Tiến ở trại Hàng Cá cũng chính là Lý Ngư.
– Chợ Gạo cửa tướng giữ thành Long Biên : Phạm Tu là tướng giữ cửa chợ Gạo thành Long Biên, thời Lý Nam Đế. Ông sinh ở Thanh Liệt, bên bờ sông Tô Lịch, và hy sinh ở Chợ Gạo, cửa sông Tô Lịch
– Đền Bạch Mã : Đền Bạch Mã của Trấn Đông Thăng Long nằm ở khu 36 phố phường
– Tết Tây có nhớ Tết Ta : Sông Tô Lịch liên quan đến dòng chảy của cả không gian và thời gian, lịch âm dương và lịch sử
– Cuối đông có nhớ khoai hà nướng than : Kẻ chợ, khu vực đông đúc nhất của Thăng Long nằm ở phía Đông của Thăng Long và về thời gian là mùa Đông