Tuy Tấm Cám là tên hai bộ phận hạt thóc, nhưng các chi tiết của câu truyện Tấm Cám liên quan đến cây lúa đều rất ẩn.
Chi tiết rõ nét nhất liên quan đến cây lúa chính là câu Tấm gọi cá Bống cho ăn cơm
Bống bống, bang bang
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta,
Chớ ăn cơm hẩm, cháo hoa nhà người.
Bống bống : Bống là rốn. Rốn với người Việt quan trong, như trái tim với người phương Tây. “Em là trái tim của anh”, “anh trong trái tim em”, “khắc ghi tình yêu của chúng ta trong trái tim” … là cách nói của người phương Tây. Cha mẹ Việt gọi con yêu của mình Bống Bồng Bông, nghĩa là con là cái rốn của bố mẹ.
Cái bống là cái bống bang
Mẹ bống yêu bống, bống càng làm thơ
Ngày sau bống đỗ ông đồ
Đi võng lá sắn, đi dù lá khoai
—o—
Bồng bồng con nín con ơi
Dưới sông cá lội, trên trời chim bay
Ước gì mẹ có mười tay
Một tay bắt cá, tay này bẫy chim
Một tay chuốt chỉ luồn kim
Một tay làm ruộng, tay tìm hái rau
Một tay ôm ấp con đau
Một tay vay gạo, tay cầu cúng ma
Một tay khung cửi guồng xa
Một tay lo bếp nước, lo cửa nhà nắng mưa
Một tay đi củi muối dưa
Còn tay van lạy, bẩm thưa, đỡ đòn
Tay nào để giữ lấy con
Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay
Bồng bồng con ngủ cho say
Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời.
—o—
Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
Bang Bang : Bang là xứ sở. Phương Tây nói là “trung tâm của vũ trụ”, “trái tim của vũ trụ”, còn người Việt có câu “Cái rốn của vũ trụ”. Rốn của vũ trụ của mỗi cá nhân chính là “bống bang”. Cái Bống mà chuyển thành cái Bống Bang là có thể tung hoành ngang dọc xứ sở.
Cái bống là cái bống bang
Ăn cơm bằng sàng, bốc muối bằng vung
Mẹ giận mẹ vứt xuống sông
Bơi ra cửa biển lấy chồng lái buôn
Khát nước thì uống nước nguồn
Lạc đường thì bảo lái buôn đưa về
Bống Bống, Bang Bang : Sau khi sinh, trường sinh học tế bào của nhau và rốn tạo ra một không thời gian đặc biệt được kiết giới lại gọi là “Nơi chôn nhau cắt rốn”. Lời gọi “Bống Bống Bang Bang” giống như lời gọi nơi chôn nhau cắt rốn, lời gọi đất nước, lời gọi xứ sở. Cám là thân, Tấm là ối. Khi Tấm gọi Bống Bống, Bang Bang nghĩa là Tấm gọi rốn, nhau trong bộ thân, rốn, ối, nhau của mình. Bộ này kết hợp tạo ra một cây lúa trọn vẹn, với rễ cây lúa là nhau Bang, thân cây lúa là rốn Bống, còn Tấm là hạt gạo, Cám là vỏ cám.
Cơm vàng cơm bạc : Cơm vàng cơm bạc là cơm có tính kim, tính khô, tính cô đặc, tính quý báu. Ví dụ về các dạng cơm mà khi chín hạt gạo còn nguyên hình, tách rời từng hạt rõ ràng ra khỏi nhau. Cơm nếp, cơm lam, xôi cũng là một dạng cơm vàng cơm bạc.
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta : Cơm nhà ta là com do ta tự làm, tự ăn. Đây là kiểu ăn của cây. Cây là loài tự dưỡng, cây tự lấy các chất hoá học từ nước, khí, lửa trong đất và trả lại lá rụng (lá rụng về cội), cành khô, quả mục cho đất. Cây và đất cùng nhau tạo nên hệ “nhà ta” : cây là ta, đất là nhà ta.
Lời gọi của Tấm nghĩa là chúng ta là người một nhà, tự lao động và tự nuôi sống lẫn nhau. Bụt dặn Tấm là mỗi bữa sẽ san sẻ phần cơm của mình ra cho Bống ăn, và bữa cơm của Tấm là do Tấm tự lao động mà có được.
Chớ ăn hẩm, cháo hoa nhà người : Cơm hẩm là cơm nhão, cơm ướt, cơm quá nhiều nước. Cháo hoa là cháo nấu nhỡ, hột gạo không tan ra như cám, mà nở bung như bông hoa bưởi. Cháo hoa và cơm hẩm là một loại đồ ăn liền, ăn nhanh, dành cho người ốm sống dựa vào sự chăm sóc của người khác và người ốm cần nhận chất dinh dưỡng vào nhanh nhất, đơn giản mà không mất sức nấu nướng, nhai, nuốt và tiêu hoá.
Cám sống bằng bản năng thân thể của thú ăn thịt, đỉa ăn bám, chỉ muốn có ngay đồ ăn người khác nấu, có ngay thành quả người khác làm, có ngay chồng của người khác yêu. Cơm của Cám do đó là đồ ăn nhanh, đồ ăn bám, đồ ăn lấy của mẹ cha và của chị Tấm.
Trong bài đồng dao “Gánh gánh gồng gồng”, cơm nếp hay cơm vàng, cơm bạc là cơm nấu để trả ơn cho những người nuôi dưỡng mình.
Gánh gánh gồng gồng
Gánh sông gánh núi
Gánh củi gánh cành
Ta chạy cho nhanh
Về xây nhà bếp
Nấu nồi cơm nếp
Chia ra năm phần
Một phần cho mẹ
Một phần cho cha
Một phần cho bà
Một phần cho chị
Một phần cho anh
Gánh gánh gồng gồng
Gánh gánh gồng gồng
Cơm nếp được chia ra năm phần những người chúng ta phải gồng gánh nghĩa vụ trả nợ, cũng là gồng gán cân bằng duyên nghiệp. Đó là
– Mẹ : Công sinh thành, chăm sóc và nuôi dưỡng
– Cha : Công nuôi dưỡng, bảo vệ và dạy dỗ
– Bà : Gồm cả bà nội và bà ngoại
– Chị : Nếu có chị, thì chị cũng góp phần chăm sóc nuôi dưỡng chúng ta, chia sẻ một phần trách nhiệm của mẹ
– Anh : Nếu có anh, thì anh cũng chia sẻ một phần trách nhiệm của cha
Tấm đưa cơm vàng cơm bạc cho Bống Bang vì Bống Bang là chị của Tấm Cám, có công lao động chăm sóc, nuôi dưỡng Tấm Cám. Trong bốn chị em, Bang là chị cả, Bống là chị hai, Tấm là con thứ ba và Cám là con út theo đúng luồng vận hành máu trong thai : Máu đi từ nhau Bang sang rốn Bống qua ối bao điều của Tấm rồi vào thân Cám.
Trong lúc Cám còn đang ăn bám kiểu đỉa theo bản năng thú, thì Tấm đã bắt đầu quá trình tự lao động nuôi dưỡng cơ thể và bắt đầu quá trình trả nợ công sức dưỡng nuôi của các chị và cha mẹ với mình.