XỨ SỞ & NGUỒN GỐC CỦA MỖI CON NGƯỜI

Loading

Hầu như bất kỳ cái cây nào chúng ta thấy xung quanh chúng ta, đặc biệt cây cảnh trong nhà, trong vườn cây, ngoài cánh đồng, ngoài đường phố, trong khu đô thị, … đều là cây mất gốc. Cây cảnh bao gồm cây công trình nhìn có vẻ to lớn hay và các cây thế dáng xù xì phô bày gốc rễ lâu năm bản chất vẫn chỉ là cây mất gốc. Cây ăn quả, cây lương thực, cây công nghiệp … đều là cây mất gốc. Những cây ấy được trồng trong bầu, rồi bứng ra, di chuyển đến nơi cần trồng rồi cho vào chậu, vào ruộng, vào vườn, vào đường phố…. Cây chỉ có gốc nếu chúng thực sự tự lớn lên từ hạt mầm tự nhiên trong môi trường tự nhiên, như rừng.
Những cái cây tự nhiên mất rất nhiều thời gian để nảy mầm, phát triển gốc rễ, rồi mới lên cành, đâm chồi đâm lá, còn cây trồng thì tập trung phát triển lá cành, nên nhìn bề ngoài lớn nhanh hơn cây tự nhiên và đương nhiên đem lại hiệu quả kinh tế lớn hơn cây tự nhiên. Cây mất gốc thì cái gen của chúng cũng bị pha trộn và thoái hoá. Cái cây mất gốc thì bề ngoài có khi xanh tốt đẹp đẽ nhưng gốc rễ èo uột, phát triển phơi phới trong thời gian ngắn rồi suy, không ra hoa kết quả rồi tự lăn dùng ra chết.
Con người như lá trên cây, cây dòng họ, cây dòng máu, cây sự sống. Có bao giờ mỗi người đặt câu hỏi, hoa trái của cái cây của mình là gì và lúc chết đi mình sẽ về đâu ?
Dân gian có câu “Lá rụng về cội”, nhưng cây phải có gốc thì lá mới có cội mà rụng về. Ừ thì chúng ta đều sẽ về lại nguồn cội của mình, nhưng nguồn cội ấy là cái gì ?
Muốn không mất gốc, thì mỗi con người khi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất nào thì phải biết hai nguồn gốc
– Nguồn gốc của xứ sở, nơi mình sinh ra và lớn lên về địa lý và lịch sử.
– Nguồn gốc của dòng máu của mình, mà là sự kết hợp của dòng máu bố và dòng máu mẹ
1. Nguồn gốc xứ sở
Nguồn gốc của mảnh đất gắn với văn minh bản địa và người dân tộc bản xứ của chính vùng đất ấy.
Người Việt mất gốc hễ đụng đến ngày lễ tết nào, đến thần thánh nào, đến sự tích nào, đến tên gọi nào, đến vùng đất nào, lập tức bảo là nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người phương Nam thì đọc lịch sử phương Bắc, vì xuyên suốt lịch sử thì phương Bắc luôn đánh phương Nam, rồi áp đặt chữ viết, tiếng nói, văn hoá, phong tục, lịch sử và lý lẽ của phương Bắc lên phương Nam.
Thời nay, chúng ta có thói quen lấy thông tin từ sách vở và thông tin mạng, mà sai và loạn rất nhiều. Mục đích của giáo dục đại trà và mạng internet là để có một nhận thức chung chung đại trà.
Lịch sử địa lý chúng ta học là lịch sử của người Kinh, đất nước Việt, viết dưới sự ảnh hưởng của Trung Quốc qua hàng ngàn năm chiền tranh, mà phản ảnh vô cùng sai lệch lịch sử, địa lý của các dân tộc bản xứ trên đất nước Việt Nam.
Mảnh đất của ai, nguồn gốc của ai, người ấy phải tự đi, tự tìm thì sẽ tự hiểu, chứ không thể ngồi đó mà chờ đợi ai mang lịch sử địa lý đích thực đến cho mình được.
2. Nguồn gốc dòng máu
Nguồn gốc dòng máu không đồng nghĩa với dòng họ vì dòng họ chỉ là dòng máu của bố, mà chẳng có ai trên đời này chỉ do bố sinh ra. Việc lấy họ mẹ và việc thay tên đổi họ là chuyện cực kỳ bình thường trong lịch sử bất kỳ dòng họ nào.
Càng có tư tưởng cục bộ chia rẽ và trên mây gió sách vở về dòng máu sẽ càng làm chúng ta mất gốc. Đừng nghĩ rằng mình là người Việt, dòng máu của mình chẳng liên quan gì đến người Chăm, người Ê đê, người Tày, người Nùng…. Sống trên cùng mảnh đất thì pha trộn dòng máu là chắc chắn. Đừng tin vào sách vở nói rằng người Chăm đến từ Ấn Độ, đến từ Indonesia, … người Ê đê đến từ phía Tây, … hãy đến tận nơi hỏi chính người dân tộc xem họ nói gì về nguồn gốc của họ, họ sẽ nói rằng họ là anh em và lịch sử của họ, dù bị đồng hoá, bị o ép, bị phủ nhận vẫn còn đầy bằng chứng sống động.
Dòng máu của dòng họ nào, cuối cùng cũng chung thuộc về trăm họ và có chung một cái gốc. Người Việt có sự tích Âu Cơ Lạc Long Quân đẻ ra bọc trăm trứng, trăm dân tộc là đồng bào. Người Chăm, người các dân tộc đều có các sự tích dạng như đẻ đất đẻ nước và đều nói về dòng máu chung, tổ tiên chung. Ừ thì trong lịch sử, vương triều này đánh đổ vương triều kia, dòng họ này đánh nhau với dòng họ khác, nhưng các dòng họ cũng như các nhánh, các cành của cùng một cây sự sống mà thôi.
Thời nay, đình đền miếu .. được tu bổ xây dựng mới siêu hoành tráng, người vào lễ bái nườm nượp; lăng mộ cũng được xây dựng kiên cố, nhưng câu hỏi là lăng mộ ấy là xương cốt ai, dòng máu nào, đình đền miếu ấy gốc gác thờ các vị nào, vì sao lại thế, thì chẳng ai quan tâm. Các đền được tu bổ và xây mới bị di dời, bị phá hỏng tích gốc và bổ sung bừa bãi các ban thờ mới rất nhiều.
Mình đặt tâm vào đâu, thờ cúng cái gì, tự tâm mình phải hiểu và phải giữ lấy.
===
Lấy ví dụ tôi có họ Nguyễn, họ mẹ là Phạm, sinh ra và lớn lên ở Vùng Tàu, vậy nguồn gốc của tôi là gì ?
– Nguồn gốc xứ sở : Cái tên Bà Rịa – Vũng Tàu đến từ đâu ? Vũng Tàu nghĩa là gì và Bà Rịa là ai ? Lịch sử hành chính của Bà Rịa – Vũng Tàu gồm những vùng đất nào và tại sao lại thế ? Thời hiện tai, thời chiến tranh chống Mỹ, thời chiến tranh chống Pháp, thời Nguyễn, thời Chân Lạp, thời Phù Nam, thời Khơ Me, thời Chămpa, thời Việt Thường thì mảnh đất này như thế nào, có di tích gì, có huyền sử gì ? Phải lên danh sách và sơ đồ chi tiết về di tích và danh thắng của Bà Rịa Vũng Tàu, theo cả chính sử và huyền sử, nào còn, nào mất, cái nào tôi có thể đi và nhất định phải đi. Nếu vợ chồng tôi, cha mẹ tôi và con cái tôi sinh ra và lớn lên ở những mảnh đất khác nhau, thì mỗi mảnh đất đều chứa một nguồn gốc nào đó về tôi.
– Nguồn gốc dòng máu : Họ Nguyễn có lịch sử thế nào ? Chúa Nguyễn là ai, lăng mộ ở đâu ? Vua Nguyễn là ai, lăng mộ ở đâu ? Lịch sử dòng họ Nguyễn thế nào ? Danh nhân, nhân vật lịch sử họ Nguyễn ở Bà Rịa – Vũng Tàu là ai, ở đâu, như thế nào ? Gia phả dòng họ Nguyễn, chi họ của tôi cho đến tôi như thế nào ? Mộ phần và nhà thờ họ của chi họ, của dòng họ tôi ở những đâu ?
Chia sẻ:
Scroll to Top