Ngày xửa ngày xưa có người tên là Nguyến Lế.
Thực ra người này họ Nguyễn, nhưng dòng họ Nguyễn của ông đến đời ông bị suy rất nặng, thành ra không có năng lực vận hành được chữ Nguyễn, mà chỉ sống theo chữ Nguyến, mà là một trạng thái tự nguyền và chết cứng như bị nghiến.
Thực ra người này tên Lễ, nhưng vì không có năng lực cảm nhận và năng lực ứng xử phù hợp với hoàn cảnh xã hội như chữ Lễ, mà chỉ là một cái tôi bên lề, tự mãn, hoang tưởng, lệch lạc với vận hành chung của công đồng, xã hội và thời cuộc, nên chữ Lễ suy thành chữ Lế.
Có một vị đạo sỹ biết trước nghiêp quả của ông và dòng họ của ông đến gặp, để bảo gia đình đặt tên ông là Nguyễn Lễ, mà cuối cùng bị suy thành Nguyến Lế như trên đã nói.
Nguyến Lế ngay từ nhỏ đã rất ham học, thuộc lòng rất nhiều sách vở và rất thích dùng điển tích. Người này mạnh về biểu đạt, lời nói và câu chữ lúc nào tuôn ra ào ào. Người này chỉ cần nhìn thấy những sự vật, hiện tượng bên ngoài như một bông hoa và một tia nắng mặt trời, thì lập tức có thể tuôn ra hàng tràng văn chương lâm ly về cả cánh đồng hoa và cả một bầu trời đầy nắng. Trong lòng ruột người này có cái gì, thì bộc lộ ra, phơi bày ra cho bằng sạch, còn nếu trong lòng rỗng tuếch chẳng có gì, mà chỉ cần nghe phong thanh được ý tưởng của ai, lập tức nhập tâm vào rồi biểu đạt ra hoa mỹ hùng hồn như lòng ruột của mình.
Người nông cạn và sách vở thì rất nể phục người này, vây xung quanh xin học. Người sâu sắc và thâm trầm đều biết rõ rằng người này chỉ là cái thùng rỗng kêu to, thực chất vô dụng, chẳng làm hại được ai, mà sớm muộn cũng sẽ làm hại chính mình, nên cũng mặc kệ người này.
Thời trẻ, ngay lần đầu đi thi người này đỗ một vị trí trung bình, cho nên người này rất tự mãn, làm ngay bài thơ vịnh bản thân mình, ví mình như là các đại thi hào nổi danh lịch sử. Tuy nhiên đất nước bị ngoại xâm, thiên hạ loạn lạc, các phe phái đánh nhau, loại người nói lắm, toàn bạn chuyện văn vẻ và sách vở trở nên thừa.
Trong cảnh ngoại xâm, gia đình người này rơi vào loạn lạc, nên người này buộc phải đi trốn. Ông người này vì được vị đạo sỹ dặn dò trước nên bảo cháu “Tiên học lễ, hậu học văn”, khuyên cháu bỏ văn mà lên rừng núi, về thôn quê, tu thân, sống đời ẩn dật. Người cháu nghe chẳng hiểu gì, cho rằng thời thế đang xấu, ông mình ấu trĩ tầm thường, còn mình là nhân tài, sớm muộn cũng toả sáng thôi.
Trên đường đi trốn, người này tìm được một viên tướng đang ẩn nấp, tụ tập và rèn luyện binh sỹ để khởi nghĩa lâu dài. Người này liền xin đi theo. Viên tướng này là người có ý chí của bậc quân chủ, nhiều mưu kế thâm sâu. Bề ngoài là tướng, nhưng bên trong cũng là đạo sỹ, viên tướng này thích lui lại quan sát và sắp đặt mọi việc theo ý mình, và tránh tự mình ra mặt, tự mình ra tay.
Viên tướng này thường tạo điều kiện để những người xung quanh mình bộc lộ hết bản chất con người họ, rồi đứng sau xô đẩy và sắp xếp, để từng người vào vị trí dành cho họ trên bàn cờ của mình. Ông cho rằng chủ giỏi thì không cần đụng chân tay quá nhiều, cũng không cần binh lính dưới quyền phải xuất sắc hay toàn diện, mà chỉ cần họ được sử dụng đúng cách và không được sử dụng cũng đúng cách, nghĩa là họ cần xuất hiên, vận hành, cũng như ra khỏi bàn cờ một cách hợp lý mà thôi.
Viên tướng sử dụng Nguyến Lế như là một người phát ngôn cho mình. Thông điệp nào ông muốn đưa ra cho toàn quân sỹ, ông khéo léo để lộ cho Nguyễn Lế biết, Nguyễn Lễ lập tức viết ra các bài hịch, lời kêu gọi vô cùng lâm ly, thống thiết, bằng cả máu huyết và hơi thở của mình, rồi đưa cho chủ tướng xem.
Khi chủ tướng muốn sửa văn của Nguyễn Lế, thì ông đều làm rất gián tiếp, rất khéo léo, cho nên lời hịch viết ra nói lên được ý chí của cả chủ tướng mà cũng như tâm huyết của toàn quân, toàn dân tự nói lên, cho nên các áng văn này có sức mạnh kêu gọi và đoàn kết rất lớn.
Những chỗ vì kiến thức sử địa còn kém, Nguyễn Lễ hiểu sai, viết sai, vị tướng đều khéo léo và kiên nhẫn sửa bỏ nhiều lần nhưng ông không bao giờ thể hiện ra. Đôi khi, vị chủ tướng này cũng cố tình để lại những lỗi sai, để thử trình độ những người xung quanh và để cho những người huênh hoang, tự mãn, có xu hướng coi thường chủ tướng tự tin bộc lộ bản thân mình.
Nguyến Lế cho rằng chủ tướng chỉ là tay võ biền, cần đến mình là người có học vấn như núi Thái Sơn bên cạnh, rằng văn của mình thâm sâu đến mức mà chủ tướng nghe rồi phải cả sửa chiến lược và sửa ý tưởng của mình đi, nhờ thế mới dành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người này không có ý thức rằng mình chỉ là cái tay viết hộ, cái mồm nói hộ cho người khác, mà ngộ nhận rằng mình là mưu sỹ đứng đầu các quan, nhân tài đứng đầu thiên hạ.
Thế là, người ấy cứ như con công suốt ngày xoè đuôi khen mình đẹp hay như con gà ngày ngày gáy sáng mà ngỡ rằng vì mình sai khiến được mặt trời mọc. Trạng thái này là Lế, con chết đờ trong trạng thái Lế là Nguyến Lế.
Sự việc kéo dài suốt nhiều năm cho đến khi vị chủ tướng thống nhất được giang sơn và lên làm vua. Lúc đấy thì sự ảo tưởng của Nguyến Lễ đã lên tận mây xanh. Nguyễn Lễ cho rằng mình là sao sáng, là người đại diện cho đất nước, dân tộc và cho cả vua, vua phải nhờ mình nói, nhờ mình kêu gọi qua các bài cáo, bài hịch thì mới có được quân sỹ, được nhân dân.
Không ngờ đến lúc ban chức tước và phong thưởng, thì Nguyến Lế chỉ được vua một chức dưới trung bình, cơ bản là một quan văn, vẫn giúp vua thảo các văn bản, không có thực quyền gì. Khi người này mở trường dạy học, học trò theo học rất đông, tuy học trò chẳng ai đỗ đạt gì, nhưng cái hư danh vẫn vang khắp cả nước.
Dù làm quan nhưng người này không có thực tế nào về quan trường, dù ở nhà dạy học nhưng đến già người này cũng không có thực tế nào về đời sống của nhân dân, cứ lửng lơ trong sách vở và ảo tưởng rằng mình là nho sỹ đắc đạo, không màng chuyện đời, sắp thành tiên đến nơi.
Nguyễn Lế dù vô tư, không mưu mô, không hại ai cả, nhưng vẫn bị một số người, từ vua đến quan, từ trung thần đến gian thần, ghét thậm tệ. Ông nhiều lần vượt mặt vua và cậy công thần làm nhục những vị quan khác. Ông không có nổi một quan hệ xã hội đích thực nào, do quá ngạo mạn, quá tự mãn, về văn chương của mình, mà thực chất toàn đi từ ý tưởng của người khác và được người khác sửa cho.
Thời đó công thần là vấn nạn lớn của triều đình. Nếu không cho công thần quyền lợi đủ thì sẽ xảy ra loạn lạc cát cứ, mà cho công thần quyền lợi đầy đủ, thì chắc chắn cũng sẽ xảy ra loạn sứ quân. Nhiều người thắc mắc là trong khi bao nhiêu công thần có công to chỉ hơi ngạo mạn đã bị quy vào tội chết, còn Nguyễn Lễ là kẻ hữu danh, vô thực, hớ hênh như vậy sao vua cứ để cho sống yên ổn bao nhiêu năm trời. Vô hình chung, Nguyễn Lế trở thành một đối tượng để toàn triều đình nhìn vào, như một tấm gương, một thước đo về phản ứng của nhà vua với tầng lớp công thần.
Cuối cùng điều gì đến đã đến. Trong một lần quá ngạo mạn, hớ hênh, can dự thô thiển vào chuyện riêng tư của người khác và các quan hệ triều đình, mà ông hoàn toàn chẳng hiểu, Nguyễn Lế bị vu oan và bị khép vào tội chết.
Sự việc được triều đỉnh cố tình đẩy lên vô cùng ầm ỹ, mục đích là để thị phạm cho tất cả các công thần khác tự biết điểm dừng của mình, trước khi quá muộn. Mặc dù ai cũng biết vụ án của ông hoàn toàn là dựng chuyện từ không thành có, nhưng Nguyễn Lế đáng ra phải bị khép vào tội chết cả chục lần trước đó rồi. Ông là con số 0, mượn hơi người khác biến 0 thành có, cho nên giờ về lại số 0 cũng chẳng có gì quá đáng. Kết quả tất cả đồng loạt án binh bất động quan sát sự việc xảy ra với ông, để tìm hướng ứng xử phù hợp cho mình. Triều đình cũng giơ cao đánh khẽ, làm ngơ nhiều chuyện, sao cho vụ án của ông đủ sức mạnh răn đe mà gia đình ông vẫn còn nhiều đường sống.
Khi ông bị giam trong ngục chờ hành quyết, một vị đạo sỹ đã từng bị ông sỉ nhục, đã đến gặp và nói rằng người ấy biết rằng “Ông oan mà không oan, bây giờ sắp chết ông đã biết mình sai ở đâu chưa ?”.
Là người sống ảo suốt cuộc đời mình, ông khăng khăng cho rằng mình đã sống cả cuộc đời mẫu mực. Là người không biết mình biết người, ông cho rằng mọi việc ông làm đều đúng đắn và cao thượng, chỉ có người khác sai và hèn hạ, nhưng ông sẽ tha thứ cho họ. Vị đạo sỹ thấy Nguyến Lê sắp chết mà vẫn tuôn một tràng sáo rỗng, ngán ngẩm rút lui. Trước khi đi, vị đạo sỹ nói rằng chỉ cần Nguyến Lế biết mình sai, thì vị đạo sỹ nguyện sẽ làm thày, dạy dỗ và hỗ trợ cho ông trong các đời sau, bởi vì hai người dù sao cũng có duyên hơn là nợ.
Trước lúc bị xử tử, ông hùng hồn đọc một bài thơ dài, mà ông đã chuẩn bị sẵn, sự việc này khiến cho những người có chút thương xót cho sự ngô nghê của ông cũng quá ngao ngán.
Tuy nhiên, giây phút đầu lìa khỏi cổ, ông bỗng nhớ lại lời dăn của ông ngoại “Tiên học lễ, hậu học văn”, nếu không gặp sẽ gặp đại hoạ. Khi câu này vang lên, ông bỗng có cảm giác mơ hồ rằng mình đã làm cái gì đó sai sai. Giây phút đó, ông bỗng buông hết mọi câu chữ văn vẻ, ông rơi lệ. Với giọt lệ, ông chuyển hoá được chữ Lế thành chữ Lệ. Ông nguyện được hiểu chữ lễ và nguyện sửa mình bằng chữ lễ trong các lần đầu thai tiếp theo. Với lời nguyện này, ông chuyển hoá được chữ Nguyến thành chữ Nguyện.
Vị đạo sỹ như lời hứa bay đến đón linh hồn ông đi.
Cuối cùng ông đã có được cuộc đời thành công, chuyển hoá được nghiệp quả tiệt diệt cho cả chi họ Nguyễn Lễ của mình. Dòng họ của ông dần dần khôi phục được năng lượng gốc, và con cháu sau này thờ ông như một trong các vị tổ họ.
===
Ghi chú : Buổi cá nhân ngày 6/2/2024.
Khi xem về nghiệp qủa dòng họ này, tôi nhận thấy rất nhiều người cũng đang bị suy về chữ “văn” và chữ “lễ” như vậy. Thích tư vấn, và được tư vấn, thích đọc sách và nói sách, thích học đạo và giảng đạo, thích khoa học và tôn giáo, thích thăng lên và giác ngộ, … nhưng không có một thực tế xã hội tương ứng nào với những thứ sách vở này. Lâu dần, bị lạm, tự thấy mình cao cả, thấu hiểu, thanh khiết, chê bai truyền thống và chán nản và thất vọng về hiện trạng xã hội, mà cho rằng quá thấp và quá suy so với những gì mình đang có. Đây là một tình trạng mù và điếc như Nguyến Lế mà rất khó thoát ra, chỉ càng ngày càng nặng. Cho đến chết, nếu những người này không chuyển hoá được như Nguyễn Lễ thì coi như cả cuộc đời bao nhiêu kiến thức sách vở chỉ là còn một sự vẽ vời ảo tưởng.