TIÊU – BÉ NHỎ MÀ SÂU CAY

Loading

Ca dao tục ngữ có nhiều bài về vị tiêu và sự so sánh, phối hợp vị tiêu theo âm dương, đến mức có cảm giác rằng món ăn mà không có tiêu là món ăn không tiêu, trong bếp không có sẵn tiêu là chưa biết nấu ăn, tình duyên vợ chồng mà chưa có tiêu thì thiếu vị, đời người mà chưa có tiêu là chưa trải đủ sự đời.
VỊ TIÊU – CAY ĐẮNG
– Bé nhưng mà bé hạt tiêu
Bé cay bé đắng bé xiêu lòng người
– Hạt tiêu nó bé nó cay
Đồng tiền nó bé nó hay cửa quyền
CÁ BỐNG KHO TIÊU
– Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ con cá bống sông Trà kho tiêu
– Đi đâu cũng nhớ Thu Xà
Nhớ mùi cá bống mặn mà hương tiêu.
– Cá bống kho tiêu
Cá thiều nấu ngọt
Cá, đặc biệt cá bống có vị tanh ngọt, thân nhỏ, mềm và dễ nát, mang tính âm thuỷ, còn tiêu có vị cay đắng, thân nhỏ, cứng đanh chắc, tính tập trung, tính hoả, tính định, tính dương. Hai vị ấy âm dương đi với nhau rất hợp.
– Kho tiêu cá bống thêm giòn
Trã đất sợ bể, nồi đồng sợ kêu
Tay bưng cá bống kho tiêu
Bao nhiêu cay đó, bấy nhiêu ân tình
– Cá trê nướng, nước mắm gừng
Canh rau tập tàng, cá bống kho tiêu
Cơm khuya, cơm sáng, cơm chiều
Cơm bao nhiêu hạt, bấy nhiêu nồng nàn
Cá bống tượng trưng cho người phụ nữ, còn tiêu như người đàn ông. Vợ mà như cá bống, chồng như tiêu thì rất hợp với nhau, cuộc sống sẽ có hương vị nồng nàn và ân tình
CANH CÁ THÊM TIÊU
– Ví dầu cá lóc nấu canh
Bỏ tiêu cho ngọt, bỏ hành cho thơm
Cá lóc cũng như cá bống, khá âm thuỷ, nấu canh cần có thêm dương của gia vị tiêu và hành.
TÔM KHO TIÊU
– Anh về làm rể dưới Đăng
Ăn cơm bát bịt, tôm rằn kho tiêu
TIÊU & THỊT GÀ
– Khoan khoan mổ ruột con gà
Bí đao xắt nhỏ, tiêu cà bỏ vô
Gà là thức ăn khá cân bằng âm dương, tức nhiên gà trống dương hơn và gà mái thì âm hơn. Bí cơ bản là âm, cà và tiêu thì đều là dương.
TIÊU HÀNH & CANH BÍ
– Chiều chiều con quạ lợp nhà
Con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh
Chèo bẻo bẻ bí nấu canh
Chìa vôi đi chợ mua hành mua tiêu
Hành và tiêu là hai gia vị dương, rất hợp với các thức ăn âm như cá và thịt lợn, và các món canh âm như bầu bí.
TIÊU – VỊ DƯƠNG
– Chồng em là lái buôn tiêu
Ði lên đi xuống Trà Nhiêu, Kim Bồng
Tiêu là vị dương, được ví với người chồng, người đàn ông xông pha, đi ra khỏi nhà, đi đường trường, đối xứng với người phụ nữ, tính âm, ở nhà.
TIÊU & QUẾ
– Ai về nhớ quế Trà My
Nhớ tiêu Tiên Phước, nhớ mì Hội An.
Quế là một gia vị cay từ vỏ cây. Quế là vị cay tính âm, nên có Quế Nương, Quế Hoa, trong khi tiêu là vị cây tính dương.
CÀ CUỐNG & TIÊU
– Có nam có nữ thời mới nên xuân
Có nên thì nói rằng nên
Chẳng nên sao để đấy quên đây đừng
Làm chi cho dạ ngập ngừng
Đã có cà cuống thì đừng hạt tiêu
Cà cuống là một vị cay, mà đối kháng với tiêu. Vị tiêu cực kỳ dứt khoát, mang tính cá nhân và tạo ra các quan hệ riêng tư hai người dành cho nhau. Vị cà cuống thì đưa đẩy, không dứt khoát.
Nếu một món ăn đã hợp với cà cuống sẽ không hợp với tiêu. Một cô gái đã kết đôi với anh cà cuống thì nghĩa là cô gái ấy sẽ không hợp với anh hạt tiêu. Một cô gái đã đưa đẩy trong chuyên tình cảm với một anh khác, thì không thể kết hợp với một anh như tri kỷ cặp đôi kiểu hạt tiêu với riêng cô được.
TIÊU – VỊ CAY ĐĂNG
– Bà già đeo bị hạt tiêu
Sống bao nhiêu tuổi nhiều điều đắng cay
Tiêu là một vị cay, tính dương, mộc đắng, liên quan đến sự chiêm nghiệm cá nhân. Phụ nữ có tuổi, có nhiều chiêm nghiệm, vị đủ âm dương hơn là chỉ thuần âm như lúc trẻ, nhưng nhiều cay đắng quá, thì lại không còn ngọt ngào, âm nhu như lúc ban đầu.
VỊ TIÊU & MÙI HÀNH

– Tay bưng dĩa muối, chén tương
Tương chua muối chát, nhớ thương nghĩa chàng
Bạn có gặp nhà ngói, nhà sàn
Nhớ hồi áo rách lang thang chưa tề
Bạn có gặp nơi hàng lụa phủ phê
Nhớ hồi áo rách xưa tê không mình
Ăn tiêu nhớ tới mùi hành
Bạn có ăn nem gà, chả vịt, cũng nhớ rau canh thuở nào

Bài ca dao này đưa ra hàng loạt đối xứng âm dương như tình nghĩa của chàng và em

  • “Đĩa muối vị chát, đối xứng với chén tương vị chua” và cả cụm này lại đối xứng với “nghĩa chàng” mà chắc chắn là ngọt bùi chứ không chua chát
  • “Nhà ngói nhà sàn” đối xứng với “áo rách lang thang”
  • “Găp nơi hàng lụa phủ phê” đối xứng với “áo rách xưa tê không mình”
  • “Ăn vị tiêu” đối xứng với “nhớ mùi hành” : Tiêu là một vị cay, hành cũng là vị cây. Nhưng tiêu là vị cay mộc quả có tính hoả thổ trời, còn hành là vị cay lá, cay củ, có tính hoả khí đất. Như vậy tiêu đối xứng với hành, như trời đối xứng với đất.
  • “Ăn nem gà, chả vịt” đối xứng với “nhớ rau canh thủa nào”
TIÊU & CANH
– Nàng dâu khôn lanh, nấu canh cho ngọt
Canh sôi hớt bọt, thêm ớt rắc tiêu
Mẹ chồng cay đắng đủ điều
Mẹ ghét cứ ghét, chồng chiều cũng vui
Mẹ chồng là phụ nữ già, trải nghiệm nhiều, có vị cay đắng, nàng dâu là phụ nữ trẻ, còn nhiều vị ngọt, vị nước, chưa trải nghiệm, chưa pha nhiều vị đắng cay.
CÁ & TIÊU ỚT, HÀNH
– Đàn bà góa như cá nấu canh
Đã có bỏ hành, còn thêm tiêu ớt
Hành, tiêu, ớt là ba vị cay tính dương, kết hợp với một vị âm của canh cá. Đàn bà như cá sống trong nước, đàn bá goá có nhiều trải nghiệm cay đắng trong đời, như cá đã chế biến thành canh, và đã có sẵn vị cay rồi, không phải con cá thuần âm thuỷ không có gia vị như khi còn trẻ.
THỊT CÁ & TIÊU, ỚT, HÀNH
– Bậu chê ta, bậu lấy ông câu
Bậu ăn cá bống chặt đầu kho tiêu
Kho tiêu, kho ớt, kho hành
Kho ba lạng thịt để dành mà ăn
Cá bống bé xíu chặt đầu chả còn bao nhiêu, lại đem kho với ba loại gia vị cay như tiêu, ớt, hành. Bậu là cá bống, cuộc hôn nhân của bậu với ông câu cá, là cuộc sống của con cá bị câu, bị lừa ra khỏi nước, sau đó bị chặt đầu, bị kho với tiêu, ớt và hành. Chắc chắn cuộc đời ấy sẽ tan nát và đắng cay. Bậu là cá bống, mà nay mất nồi cá bông kho, phải thay bằng ba lạng thịt, một con vật cũng âm nhưng trên cạn. Cá bống mất đầu rồi, kho quá nhiều vị cay, còn thịt có mỗi ba lạng thì để dành ăn được bao nhiêu bữa. Chả mấy chốc mà Bậu tàn đời.
TIÊU & TỎI
– Ăn tiêu nhớ tỏi bùi ngùi
Ngồi bên đám hẹ nhớ mùi rau răm
Hỡi người quân tử trăm năm
Quay tơ có nhớ mối tằm hay không?
Tỏi cũng là một gia vị cay của củ, như là hành, trong khí ớt và tiêu là gia vị cay của quả. Hẹ là một gia vị dạng rau, như răm. Các vị đi đôi với nhau và đẩy đưa sang nhau, bổ sung cho nhau, và gợi nhớ đến nhau.
Mối tơ tằm là mối vải, mối dệt, mối tình, như là của người con gái và tri kỷ quân tử trăm năm. Bài này nói về nỗi nhớ của những người tương hợp kết nối song hành với nhau, khác với kiểu bống và tiêu, là quan hệ vợ chồng thái cực âm và thái cực dương.
TRỒNG TIÊU
– Nhổ bìm nhổ lộn dây tiêu
Trách ai ở bạc bỏ liều vợ con
Bìm là cây dây leo bò ngang dưới đất, tượng trưng cho sự dính mắc, kết nối và tiếp đất. Tiêu cũng là cây leo nhưng leo dựng đứng, tượng trưng cho chủ nghĩa cá nhân, sự dứt khoát, liều lĩnh và buông bỏ các dính mắc, ràng buộc của các mối quan hệ cơ bản.
– Trồng trầu trồng lộn dây tiêu
Con theo hát bội, mẹ liều con hư
Cây trầu cũng tượng trưng cho quan hệ gia đình, vợ chồng, anh em, như trong sự tích Trầu Cau. Bỏ trầu sang tiêu, con cái bỏ gia đình, mà mẹ cũng sinh liều lĩnh.
– Mẹ già cuốc đất trồng tiêu
Con đi lang xạo, mẹ liều con hư
Câu này cũng tương tự câu trên.
Như vậy cây tiêu đại diện cho chủ nghĩa cá nhân, phá bỏ ràng buộc quan hệ gia đình. Người trong nhà trồng tiêu, đất nhà trồng tiêu tương đương với việc phát triển chủ nghĩa cá nhân trong ngôi nhà và gia đình gia đình không cần sự gắn kết, nên đừng trồng tiêu làm cây phong thuỷ nhé, bởi vì gia đình sẽ tiêu vong, thành các cá nhân rời rạc.
– Em có chồng về xứ Bạc Liêu
Để anh ở lại như tiêu nát nghiền
Bạc Liêu cũng giống như bạc và liều trong các câu trên. Anh ở lại một mình, không có em như tiêu nát nghiền là anh ở lại cô đơn, vụn vỡ.
CÂY TIÊU – LỤC
– Tháng giêng trồng trúc
Tháng lục trồng tiêu
Câu này không hề đơn giản là tháng nào trồng cây đó.
Trúc là cây đơn độc, đứng riêng, hợp với tháng giêng như bài
Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh
Tiêu đủ lục vị của sáu nguyên tố cơ bản kim – mộc- thuỷ – hoả – thổ – khí, mà muốn đủ lục vị như vậy thì phải có tính kim hoả, tính cá thể của từng nguyên tố và sự phân tách từng nguyên tố, cho nên sinh ra vị cay đắng của hoả mộc kim. Trúc xinh, một mình mang tính nữ, còn tiêu bé nhưng mà không xinh, vì tiêu có tính tập trung của nam.
CHỐT HẠT TIÊU
– Thả đỉa ba ba
Chớ bắt đàn bà
Phải tội đàn ông
Cơm trắng như bông
Gạo tiền như nước
Đổ mắm đổ muối
Đổ chốt hạt tiêu
Đổ niêu cứt gà
Đổ phải nhà nào
Nhà nấy phải chịu
Nếu bạn thấy đã hiểu vị hạt tiêu, đứng riêng và kết hợp, đặc biệt đã hiểu về lục vị tiêu thì hãy đoán xem chốt hạt tiêu nói trong bài ca dao này là gì nhé.
===
Chúng ta hãy cùng mang tiêu vào bếp và vào đời bạn nhé.
Chia sẻ:
Scroll to Top