TIÊN SƠN & TIÊN HỘI, TIÊN TÍCH

Loading

TIÊN SƠN
Núi là nơi tụ linh khí trời đất. Tiên đại diện cho vận hành linh khí trời đất do đó được gắn với núi. Các sự tích và địa danh về tiên ở khắp nơi trên đất nước ta hầu hết được gắn với núi, đặc biệt là các núi mang tên Tiên như Núi Tiên, Non Tiên hay Tiên Sơn
Núi, nơi tiên hội được gọi là Tiên Sơn. Núi Tiên Sơn thường có tích Tiên ông đánh cờ, đàm đạo và dạy phép. Trên núi Tiên Sơn có các nàng Tiên sa. Tiên Sơn thường có Động Tiên nằm trong núi nơi tiên nữ đến tắm trong hồ Tiên, cửa Động Tiên có suối Tiên chảy ra khỏi núi và trên núi có giếng Tiên. Trên núi Tiên Sơn có Am Tiên, Chùa Tiên, Quán Tiên, dành cho người tu tiên.
Dưới đây xin kể một số vùng núi tiên cảnh bồng lai ở ba miền Bắc Trung Nam của nước ta
Hương Sơn – Tiên Sơn : Vùng nằm 2 bên ngã ba sông Đáy – sông Châu Giang, nay là ngã ba giữa huyện Mỹ Đức (thuộc Hà Nội), huyện Ứng Hoà (thuộc Hà Nội) và huyện Kim Bảng (thuộc Hà Nam) này có rất nhiều địa danh và sự tích về tiên.
– Tiên Sơn : Một phần xã Tiên Sơn đã gộp vào trong xã Hương Sơn thuộc Mỹ Đức, Hà Nội và phần còn lại chính là vùng Bát Cảnh Sơn của Kim Bảng, Hà Nam. Địa danh Tiên Sơn không còn, nhưng đây vẫn là nơi đặt trụ sở của công ty xi măng Tiên Sơn
– Núi Non Tiên soi mình xuống sông Đáy và sông Châu Giang. Núi Non Tiên có chùa Non Tiên Hạ ở chân núi và chùa Non Tiên Thượng ở đỉnh núi. Chùa Non Tiên thờ cha mẹ của Đức Thánh Cả và núi là nơi hoá của Đức Thánh Cả. Đền Đức Thánh Cả Hữu Vĩnh là đền thiêng nổi tiếng cả vùng. Nằm đúng chính giữa nga ba này, đền Đức Thánh Cả bị rơi vào tranh chấp, vì ai cũng muốn đền thiêng thuộc về địa phận của mình hoặc đường đến đền thiêng phải đi qua xã mình, huyện mình.
– Chùa Tiên Ông ở chân núi Tượng Lĩnh và Đền Tiên Ông nằm ở sườn núi Tượng Lĩnh thờ Mãn Nguyệt Tiên Ông, người có rất nhiều phép tiên, nổi tiếng khắp vùng Bát Cảnh Sơn.
– Quỷ Cốc Tiên Sinh và Khổng Minh Không, hai vị biết phép tiên được cho là tu ở chùa Vân Mộng, một trong 8 cảnh sơn của Bát Cảnh Sơn. Chùa Tam Giáo một trong 8 cảnh sơn khác ngụ ý rằng đây hội tụ Nho Giáo, Phật Giáo và Lão Giáo.
– Làng Tiên Mai nằm ở khúc quanh sông Đáy uốn theo Tiên Sơn
– Chùa Tiên thuộc quần thể Chùa Hương
– Động Tiên thuộc quần thể Hương Sơn
Tiên Sơn, Việt Yên, Bắc Giang :
– Xã Tiên Sơn nằm bên sông Cầu.
– Núi Tiên ở Tiên Sơn chính là Bổ Đà sơn hay còn gọi là núi Phượng Hoàng. Đó là một dãy núi lớn tiếp nối nhau bao hai thôn Tiên Lát Thượng và Tiên Lát Hạ, xã Tiên Sơn. Trên núi có
– – – Chùa Bổ Đà, hay chùa Tam giáo (Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo)
– – – Chùa Cao thờ ông Bổ
– – – Ao Miếu : Tại khu Ao Miếu của thôn Hạ Lát nổi lên các khối đá lớn nằm xen kẽ lên nhau giữa một ao nhỏ gọi là Thạch Long. Người ta truyền rằng, mẹ đá nơi này sinh ra Thạch Linh Thần Tướng. Khi ấy, giặc Man nổi dậy làm nhiễu biên thuỳ, Thạch Linh Tướng Quân xin vua đi đánh giặc. Sau khi thắng trận, Thạch Tướng trở về đỉnh Phượng Hoàng ở dãy Bổ Đà và hoá tại đây. Dân chúng nhớ ơn mà lập nơi thờ phụng, dâng hương.
Dãy núi Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
– Truyền thuyết : Tương truyền núi Hồng Lĩnh có tất cả 99 đỉnh được ông Đùng xếp mà thành. Thủa hồng hoang khai thiên lập địa, vùng đất Hà Tĩnh và Nghệ An bây giờ núi non mọc ngổn ngang, ngăn cách vùng này với cùng kia. Khi ấy có hai người khổng lồ được dân gian gọi bằng cái tên thân thuộc là ông Đùng và bà Đùng, nhiều lần đã giúp đỡ nhân dân trong vùng. Một ngày nọ, ông Đùng tới gặp bà Đùng ngỏ ý kết duyên cùng. Bà Đùng thấy núi non vùng này ngổn ngang, nhân dân không có chỗ trông lúa liền thách ông Đùng rằng: ”Trước khi gà gáy ngày mai, nếu ông Đùng xếp được 100 ngọn núi thì bà sẽ đồng ý làm vợ”. Nghe xong ông Đùng một mình cặm cụi kéo núi khắp vùng xếp lại đến quên cả ăn quên cả nghỉ. Đến mờ sáng hôm sau, khi đã xếp được 99 ngọn thì đúng lúc bà Đùng tỉnh giấc, thấy ông Đùng đang cặm cụi xếp núi nên đùa vui bằng việc giả tiếng gà gáy. Ông Đùng đang kéo một ngọn núi về cho tròn 100 ngọn, đến bên bờ bắc sông Lam nghe thấy “gà” gáy tưởng thật, nên đứng dậy phủi tay mà đi. Cuối cùng thì bà Đùng cũng chấp nhận đấng phu quân, nhưng do bà Đùng giả tiếng gáy sớm mà dãy núi Hồng Lĩnh chỉ có 99 ngọn núi, còn một ngọn núi đã bị bỏ quên ở bờ bắc sông Lam được người dân gọi là núi Quyết.
– Núi Tiên An là một trong 99 đỉnh của dãy Ngàn Hống : Chùa Chân Tiên có từ đời Trần tọa lạc trên núi Tiên An, thuộc địa phận xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà. Tương truyền, tiên nữ xin phép Mẫu Cửu Trùng xuống hạ giới đã chọn đỉnh Tiên An làm nơi dừng chân. Một số tiên nữ chọn vãng cảnh, xuống hồ nước tắm, rủ nhau lên tảng đá quanh hồ đánh cờ. Một số khác say sưa với cảnh sắc tuyệt đẹp nên không chịu rời đi. Tuy nhiên, có một nàng tiên mải đuổi theo con bướm vàng 6 cánh mà vô tình giẫm phải lông nhím. Vì vậy, chân nàng bị đau nên đã cưỡi ngựa về trời. Trước khi đi, các cô tiên khác đã dùng nước suối Ngọc để rửa chân cho nàng và vết chân đã in hằn từ đó. (Sự tích ở đây y hệt như sự tích ở núi Chân Tiên, Bà Rịa Vũng Tàu)
– Núi Tiên gắn với một dị bản trong truyền thuyết ông Đùng. Theo bản này, ông Đùng gánh núi từ khắp nơi về đắp lên núi Hồng Lĩnh với 99 ngọn trong đó ngọn cuối cùng bị đứt gánh, một đầu rơi xuống thành núi Ngọc (Ngọc Sơn, phường Đức Thuận), một đầu thành núi Tiên bây giờ.
– Suối Tiên chảy ra hồ Thiên Tượng
– Vùng Tiên Sơn là vùng núi lấy Núi Tiên làm trung tâm. Vùng Tiên Sơn có cả đền, chùa và miếu mang tên Tiên
– – – Miếu Tiên : Tương truyền nơi đây xưa kia vốn là chốn thanh bình, tĩnh lặng, những lúc trăng thanh gió mát các già Tiên giáng trần để cùng thưởng trà, đánh cờ và đàm đạo. Tương truyền, trong một lần đang đánh cờ, vô tình người đời nhìn thấy, biết lộ nên các tiên ông vội bay về trời, để lại bàn cờ đá và không còn quay lại nữa. Cũng có truyền thuyết kể rằng, có người con trai lên núi Tiên hái thuốc về chữa bệnh cho cha, nhân gặp và xem Tiên đánh cờ, mới chỉ xem một ván, khi trở về thì cha đã mất và đã mãn tang. Có lẽ nhờ truyền thuyết trên mà nhân dân ở đây đã dựng nên Miếu Tiên để thờ phụng.
– – – Đền Tiên
– – – Chùa Tiên Sơn
– – – Rú Tiên : Di tích Tiên Sơn còn gắn với một thiên truyền thuyết ông Khổng Lồ – ông Đùng, vì có công gây dựng làng rèn Trung Lương nên dân làng đã dựng đền, đúc tượng thờ tại Rú Tiên. Trong bài văn tế còn ghi “Cửu khố hắc đồng, bán nang vị mãn” (chín kho đồng đen chưa đầy nửa đãy) và câu đối: “ Y bát hà niên lưu thạch tích/ Oanh thư chung cố thuyết đồng nang” (nghĩa là: áo, bát nhà sư còn in trên đá/Lời truyền xưa còn nhắc chuyện đãy đồng”). Ngoài thờ ông Tổ nghề rèn, nơi đây còn thờ Tổ nghê dệt, Tổ nghề may, Tổ nghề mộc, Tổ nghề đan lát và Tổ nghề kim loại.
Động Tiên Sơn, ở núi Hàm Rồng, làng Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá, tinh Thanh Hoá
– Truyền thuyết mà người Đông Sơn truyền từ đời này sang đời khác rằng: Động Tiên là nơi một nàng Tiên kiều diễm bị giam giữ bởi mẹo lừa của vợ chồng nhà Vồm khổng lồ. Chẳng là ngày trước vào một năm nọ trời xứ Thanh hạn hán nặng nề, ông Vồm người xã Thiệu Khánh đã lên trời để cầu xin Ngọc Hoàng ban mưa nhưng đã bị Ngài từ chối nên ông rất bực tức bỏ về. Vào một ngày nọ, ông nhìn thấy một Nàng Tiên áo trắng và có đôi cánh trắng, gọi là Bạch Y Tiên Nương, đẹp nhất Tiên cung. Nàng được Vua cha cho phép xuống trần gian du ngoạn, được biết tại Động Tiên Sơn có một “Hồ nước Tiên” mát trong xanh nên nàng đã quyết định tắm ở đây. Vợ chồng nhà Vồm đã dấu bộ Cánh của nàng đi và lấp của hang lại. Quá bực tức về điều đó, Ngọc Hoàng đã sai các vị cận thần của mình xuống nhân gian để cứu công chúa như thần Mèo, thần Voi, thần Đại Bàng,… Nhưng tất cả các vị thần đều bị vợ chồng ông Vồm đánh bại nên không vị thần nào dám quay về trời nữa và đành nằm lại quanh núi Hàm Rồng, tạo nên các ngọn núi như núi Voi, núi Mèo, núi Chiềng (đại bàng bị bắn nên bay Chiềng cánh)… Tổng cộng có 99 ngọn núi đứng liền nhau và 1 ngọn núi đứng riêng.
– Các di tích và tên gọi liên quan đến truyền thuyết trên
– – – Vào động Tiên Sơn, có thể thấy nàng Tiên đang đứng khỏa thân một chân duỗi, một chân co, một tay vắt qua eo và một tay che ngực.
– – – Núi Cánh Tiên ngay phía trước Động Tiên Sơn liên quan đến đôi cánh của nàng Tiên bị lấy mất
– – – Từ làng Dương Xá, Thiệu Dương là hệ thống 99 ngọn núi uốn khúc, nhấp nhô dọc theo bờ sông Mã đến cầu Hàm Rồng nhô cao rồi lại chúc xuống bờ sông. Tới đây, một phần núi đá có hình đầu Rồng, có hang động như miệng Rộng đang há, cho nên gọi là núi Hàm Rồng. Đối diện bên bờ Bắc là một hòn núi đá không cao lắm đứng một mình, đân bản địa còn gọi là núi Nít, sau này còn có tên là núi Ngọc.
Chín chín ngọn núi bên Đông
Còn ngọn núi Nít bên sông chưa về.
Chín chín ngọn núi đề huề
Còn ngọn núi Nít chưa về bên Đông.
– – – Chùa Vồm, thực chất là một ngôi đền rất linh thiêng thuộc xã Thiệu Khánh, Thiệu Hóa, Thanh Hóa.
Núi Chân Tiên, ấp An Lộc, xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu :
– Thuở xa xưa khi đất trời còn giao hòa với nhau, nơi đây núi non cao đẹp, cây xanh bóng mát, cảnh hạ giới mà chẳng khác gì chốn bồng lai. Từ trên trời cao sau khi xin phép Mẫu Cửu Trùng Thiên xuống thăm thú chốn hạ giới, các vị tiên đã chọn núi đá này làm nơi dừng chân. Các Tiên Ông dắt các Tiên Đồng, Tiên Cô xuống núi này vui đùa. Các Tiên Ông ngồi trên tảng đá đàm đạo và đánh cờ, các Tiên Cô thì chạy nhảy tung tăng vui đùa, nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác. Một số Tiên nữ khác vì say mê hoa thơm cỏ lạ, cảnh vật hiền hòa nên chẳng chịu rời. Rồi có một nàng tiên, trong một lần đuổi theo con bướm vàng sáu cánh đã vô tình dẫm phải lông của một con nhím. Chân bị đau, nàng không thể đi được nên phải dùng ngựa để về trời. Trước khi về, các nàng tiên khác đã dùng nước Giếng Ngọc (Giếng Tiên) ở dưới chân núi để rửa chân cho nàng và chẳng may gót ngọc in dấu trên mặt đá. Cũng chính vì thế nên người ta gọi núi này là núi Chân Tiên hay Tiên Cước.
– Di tích liên quan đến truyền thuyết trên
– – – Giếng Tiên
– – – Trên vẫn còn in hai dấu chân, một dấu chân lớn gọi là dấu chân Tiên Ông, dấu chân nhỏ gọi là dấu chân Tiên Cô.
– – – Dấu vết Bàn Cờ Tiên trên đá nơi các Tiên Ông đánh cờ cũng vẫn còn cho đến ngày nay.
– – – Miếu Bà Cửu Thiên Huyền Nữ, Chùa Linh Sơn Cổ Tích, miếu Ông Hổ, Tháp Sư Cô…
Ngoài ra còn có
– Động Tiên Sơn, Phong Nha, Quảng Bình
– Động Tiên Sơn (tên gọi khác là động Đán Đón, Pờ Ngài Tủng, động Đá Trắng, động Bình Lư) thuộc địa phận xã Bình Lư, huyện Tam Đường.
– Tiên Sơn : tên huyện cũ của Bắc Ninh gồm Từ Sơn và Tiên Du có rất nhiều tích Tiên trong đó nổi tiếng là Từ Thức gặp Tiên
– Tiên Sơn, Tiên Đồng, Hiệp Hoà, Bắc Giang : tên thôn và xã cũ của huyện Hiệp Hoà, nằm bên sông Cầu. Ở đây còn nhà thờ mang tên cũ Tiên Sơn.
– Tiên Sơn, Tiên Phước, Quảng Nam : Tiên Sơn là xã miền núi trung du nằm về phía Bắc của huyện Tiên phước, huyện mà gần như xã nào cũng mang tên Tiên. Xã Tiên Sơn đã bị đổi tên rất nhiều lần.
—o—o—o—
TIÊN HỘI
Tiên nữ được gắn với hồ trong núi, hồ trên núi và suối chảy ra khỏi núi. Cho nên trên khắp nước ta có rất nhiều địa danh
– Suối Tiên hoặc suối Tiên Sa
– Hồ Tiên hoặc hồ Tiên Sa
Những nơi có quần tiên hội của các tiên nữ gọi là Tiên hội. Tiên hội thường là nơi hội tụ nhiều dòng chảy, đi từ núi ra hoặc chảy vòng quanh núi.
Làng Tiên Hội, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội
– Đây là một làng cổ, từng được truyền thuyết nhắc đến gắn với việc xây thành xây thành Cổ Loa nơi các nàng tiên vào ban đêm từ trên trời bay xuống, tụ họp lại thành đàn để gánh đất giúp An Dương Vương. Song cứ đến nửa đêm, yêu quái lại hóa thành gà trắng cất tiếng gáy báo sáng. Các nàng tiên tưởng trời sáng thật vội bay lên trời, đoạn thành do các nàng tiên xây đắp lại bị phá nên thành xây mãi chẳng xong. Về sau, An Dương Vương nhờ thần Kim Quy diệt gà trắng nên công việc của các nàng tiên mới không bị bỏ dở như trước. Nơi các nàng tiên họp lại để đi gánh đất gọi là Quần Tiên hay Tiên Hội, chính là gốc của làng bây giờ.
– Có thuyết cho rằng, những cư dân đã được huy động để đắp thành Cổ Loa, sau khi thành xây xong vẫn ở lại lập thành làng Tiên Hội. Vì thế, đến nay, dân làng vẫn có tục không nuôi gà trắng.
– Năm 1960, đã phát hiện Di chỉ khảo cổ học Tiên Hội với trên 50 hiện vật, gồm vỏ trấu hình tròn, mảnh chõ xôi, hạt trám, tượng đầu bò, xương trâu, xương lợn, lưỡi câu bằng đồng mũi tên đồng, mảnh gốm có dấu đồ đan… Niên đại của di chỉ cách ngày nay trên dưới 3000 năm, chứng tỏ thời đó, người Tiên Hội đã cư trú đông đúc, sống bằng nghề trồng lúa, chăn nuôi, săn bắt và săn bắt, làm gốm.
– Tiên Hội đầu thế kỷ XIX là một xã độc lập thuộc tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ 1831 là tỉnh Bác Ninh). Địa danh Hội Phụ vẫn liên quan đến tụ hội, phụ nữ (tiên nữ) và phụ trợ.
Xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên :
– Đại Từ là huyện nằm ở sườn Đông của dãy núi Tam Đảo và phí Bắc của hồ núi Cốc. Hầu hết tất cả những con suối của Tam Đảo đều chảy về Đại Từ, rồi mới đổ về sông Công và hồ núi Cốc. Xã Tiên Hội nằm ở trung tâm huyện Đại Từ, một nơi tụ rất nhiều sông và suối.
– Vùng Tam Đảo – Núi Cốc có truyền thuyết về sông Công núi Cốc : Ngày xưa dưới chân Tam Đảo có một chàng trai nghèo sống bằng nghề kiếm củi, lầm lũi quanh năm suốt tháng mà chẳng đủ ăn, nên dân làng gọi tên chàng là Cốc. Vì nghèo, chẳng có cô gái nào dám lấy chàng. Lúc buồn, chàng chỉ có cây sáo làm bạn tâm tình. Thủa ấy ở vùng Sông Đáy, Sông Gâm có một Quan Lang giàu có, người đến làm thuê đông nườm nượp, ai cũng hy vọng được làm rể nhà Quan Lang. Cô con gái độc nhất của Quan Lang xinh đẹp, hát hay và múa dẻo nổi tiếng. Người ta quen gọi nàng là nàng Công. Đã mấy lần cha nàng tổ chức kén rể, nhưng rồi nàng vẫn “phòng không cô quạnh”. Ai muốn làm rể Quan lang, phải làm công cho nhà Quan Lang 3 năm. Mãn hạn thì được gặp mặt nàng Công. Nếu nàng ưng ai thì Quan Lang cho cưới ngay, nhưng nàng Công chưa biết ưng ai. Vào một năm hạn hán mất mùa, chàng Cốc lần tìm đến nhà Quan Lang làm thuê. Thấy chàng hiền lành, thật thà Quan Lang giao cho chàng việc chăn đàn trâu trong rừng. Những lúc cô đơn, chàng chỉ biết gửi lòng mình vào cây sáo trúc. Tiếng sáo làm nàng Công xúc động tìm đến với chàng, khi biết chuyện, Quan lang vô cùng tức giận. Hắn lập âm mưu giết chàng Cốc, sai chàng đến Lũng Phia lấy ngà voi, sừng tê giác, gạc nai về làm lễ vật đám cưới. Lũng Phia là khu rừng rậm rạp có nhiều thú dữ ăn thịt người. Xong được sự giúp đỡ của các loài thú rừng, chàng đã hoàn thành các điều kiện của Quan Lang đặt ra, hơn thế nữa chàng được Tiên ông ban cho chiếc lược và dặn “Nếu gặp nguy hiểm cứ bẻ răng lược bỏ lại phía sau”. Chàng Cốc trở về chòi canh trâu nhờ tiếng sáo nhắn gửi đến nàng Công lời hò hẹn. Nghe tiếng sáo quen, nàng nhảy lên lưng con ngựa hồng của cha phi vào rừng. Không thấy con gái, lại thấy mất ngựa hồng, Quan lang hò hét người ngựa đuổi bắt. Nàng Công và chàng Cốc cùng ngồi trên lưng ngựa hồng phóng vun vút như tên bay. Mỗi khi quân của Quan lang tới gần, chàng Cốc lại bẻ một răng lược ném lại phía sau. Chiếc răng lược vụt hiện thành một dãy núi ngăn bước tiến của chúng. Đêm khuya đến một vùng đất bằng, hai người xuống ngựa đốt lửa và nghỉ ngơi lấy sức. Răng lược đã hết, quân của Quan Lang đuổi tới cùng, nàng Công than khóc cùng chàng Cốc và bảo chàng hãy một mình phi ngựa chốn về quê chờ ngày gặp lại. Hai người đớn đau chia tay, Chàng Cốc lên ngựa và ném lại chiếc sống lược còn lại. Mặt đất bỗng chốc nứt ra một vệt nứt dài và sâu. Vừa lúc đó Quan lang tới bắt nàng Công về. Từ đó, hai người thương nhớ và chờ đợi nhau mà chẳng có cách nào tìm gặp nhau. Không thấy nàng Công tới, nhớ thương, tuyệt vọng chàng Cốc héo hon mà chết. Trời đất cảm thương hóa chàng thành một quả núi sừng sừng giữa trời. Thương nhớ chàng Cốc, nàng Công khóc ngày khóc đêm. Cho đến một ngày kia cả tấm thân nàng cũng hóa thành nước mắt. Nước mắt yêu thương chung thuỷ qua bao năm tháng thấm sâu vào đất, chảy thành dòng theo vết nứt tìm về núi Cốc.
– Di tích liên quan đền truyền thuyết
– – – Núi Cốc là hoá thân của chàng Cốc
– – – Nước mắt nàng Công chảy thành dòng sông Công
– – – Vùng đất hai người đốt lửa sưởi đêm ấy sau này có tên là Yên Lãng để ghi kỷ niệm một đêm yên lành hạnh phúc của đôi trai gái.
– – – Còn đống than đượm lửa tình yêu son sắt ấy được đắp vùi giữ gìn, rồi trở thành mỏ than Núi Hồng bây giờ.
– – – Dòng sông Công về vùng đất Tân Cương là quê hương Cốc, tạo nên hương vị chè ngọt thơm nổi tiếng mà chỉ vùng này có được.
– – – Các dãy núi của huyện Đại Từ là các chiếc răng lược của Tiên ông cho và được chàng Cốc bẻ ra ngăn cản sự truy đuổi của Quan lang
– – – Vết nứt tạo ra bởi sống của chiếc lược tiên chính là khe nứt đáy của sông Công
– Có thể nói rằng toàn bộ địa hình sông núi của huyện Đại Từ đều được tạo ra từ lược tiên.
– Thôn Tiên Hội, xã An Tiến, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng nằm giữa một bên núi một bên là sông Lạch Tray
– Tiên Hội, Lương Sơn, Hoà Bình & đường Tiên Hội như một dòng chảy lớn chạy xuyên vùng núi tỉnh Hoà Bình ra đường Hồ Chí Minh
—o—o—o—
TIÊN TÍCH
Vùng suối, sông, hồ, đầm có tiên nữ tụ hội bền vững và lưu vết rõ ràng vì âm dương hòa hợp gọi là Tiên Tích, trong khi đó Tiên Hội có thể chỉ là nơi tiên quần hội để làm việc gì đó rồi lại tản đi hoặc ở lại nhưng chuyển hóa trạng thái tiên khi công việc kết thúc.
– Chùa Tiên Tích, đường Lê Duẩn, Cửa Nam, Hoàn Kiếm :
– – – Về niên đại khởi dựng và tên gọi của ngôi chùa, có truyền thuyết cho rằng vào đời nhà Lý, một hoàng tử đi chơi bị lạc đường, được tiên đưa về cung, nên nhà vua sai dựng chùa để tạ ơn.
– – – Truyền thuyết khác lại kể, vào đầu đời Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786), nhân vua đi chơi ở hồ Kim Âu, thấy có nàng tiên hiện ra gần hồ, ông bèn cho xây một ngôi chùa ở nơi tiên hiện, gọi là chùa Tiên Tích (vết tích người tiên).
– – – Kính Phủ – Nguyễn Án đã ghi chép tỉ mỉ về ngôi chùa này trong Tang thương ngẫu lục: “Chùa Tiên Tích nằm ở phía nam kinh thành, đời chúa Trịnh có cho sửa chữa lại. Người ở kinh thành khuân tre, gỗ, vác xẻng cuốc, bôn tẩu ở đường sá mấy năm công việc mới xong. Chùa rộng lớn, nóc chồng cửa kép. San bày tám miếng đá vuông, cao chừng hai thước, trên bày những chậu lan, gió thổi hay hay, thơm đưa phưng phức. Chùa đằng sau dựa vào đường cái, đằng trước trông xuống một con ngòi nước trong. Cây tháp ở phía hữu cao chín tầng, bốn góc đeo chuông, trang sức bằng những nét vàng xanh rực rỡ. Từ đằng phía tây đi về phía nam vào đến chùa, đường đi quanh co đều lát đá cả. Con ngòi cừ ngoằn nghèo chảy qua một cái hồ. Hồ sâu mà rộng, nước rất trong, mùa hè hoa sen nở nhiều, mùi hương bay ra xa mấy dặm. Men bờ hồ vào đến bờ cừ, chỗ cây chỗ đá chen lẫn nhau. Phía trước chùa về phía tả, chỗ nước cừ chảy thông ra hồ có bắc cái cầu, dưới cầu, ghe thuyền đi lại được. Trên cầu dựng thành mái nhà, khắc vẩy rồng lên những tấm ván. Bên cạnh cầu mấy chục bước, phía nam cừ và phía bắc hồ, dựng một cái ly cung để làm chỗ vua chúa ngự chơi, trồng sáu, bảy cây muỗm, cây trắc và cây thông, cành lá chi chít đến nỗi ánh mặt trời không lọt xuống được. Dưới đất bày trâu đá, hươu đá mỗi thứ một con châu đầu vào nhau, chế tạo rất tinh tế và hoạt động”.
– – – Chùa Tiên Tích nằm đúng ở vị trí sông nước, hồ đầm ở cửa Nam thành Thăng Long xưa, mà tên là cửa Đại Hưng. Như vậy, rất nhiều tích về Giáng Tiên, nàng tiên thường biển mất ở cửa Đại Hưng của Thăng Long trong sự tích Bích Câu Đạo Quán, chùa Bà Ngô và chùa Bà Nành ở quận Đống Đa, Hà Nội đều liên quan đến chùa Tiên Tích này.
—o—o—o—
Chia sẻ:
Scroll to Top