VINH
VINH – DANH TỪ
– Thân vinh
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
—o—
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
Ai ơi phải quý nghề mình mới nên
Hoặc buôn bán, hoặc thợ thuyền
Nghề gì cũng sẽ làm nên sang giàu
—o—
Rắp toan cưỡi ngựa ra về,
Chàng đề câu đối thiếp đề câu thơ,
Mải vui ngồi chốn đám cờ,
Tưởng nhân duyên ấy bao giờ cho quên.
Chàng về giữ việc bút nghiên,
Đừng ham nhan sắc mà quên học hành.
Một mai kiếm được khoa danh,
Trước là rạng nghiệp sau mình vinh thân.
– Cầu vinh
– Phồn vinh
– Hư vinh
Phu quý phụ vinh;
– Vinh – Nhục
Nước có khi trong khi đục
—o—
Người có khi nhục khi vinh
—o—
Thà thác vinh hơn sống nhục.
—o—
Chết vinh còn hơn sống nhục
—o—
Người có lúc vinh lúc nhục,
Nước có lúc đục lúc trong
—o—
Ai biết nước sông Lam răng là trong, là đục
Thì mới biết sống cuộc đời răng là nhục, là vinh.
Thuyền em lên thác xuống ghềnh
Nước non là nghĩa, là tình ai ơi.
—o—
Nước giữa dòng khi trong, khi đục
Người ở đời khi nhục khi vinh
Anh thấy em ít nói hiền lành
Anh mừng thầm trong bụng, muốn chung tình với em
—o—
Khuyển, ưng hai gã Khải, Hoan
Theo Tây hại nước giàu sang riêng mình
Công lênh với nước mới vinh
Công lênh với giặc người khinh đời đời
VINH – TÍNH CHẤT
– Vinh dự
– Vinh quang, quang vinh
Ngó vô Linh Đổng mây mờ
Nhớ Mai Nguyên soái dựng cờ đánh Tây
Hầm Hô cữ nước còn đầy
Còn gương phấn dũng, còn ngày vinh quang.
– Vinh hạnh
– Vinh huệ, Vinh hoa
Vinh hoa phú quý
—o—
Xấu như ma vinh hoa cũng đẹp
—o—
Bấy lâu cách trở sơn khê
Tưởng anh đã đặng vinh huê với đời
—o—
Cuộc đời để mặc ai lo
Vinh hoa thế sự phó cho mặc đời
—o—
Một năm là mấy tháng xuân
Một đời phỏng được mấy lần vinh hoa?
Chẳng ăn, chẳng mặc, chẳng chơi
Bo bo giữ lấy của trời làm chi?
Bảy mươi chống gậy ra đi
Than thân rằng thuở đương thì chẳng chơi.
Bảy mươi chống gậy ra ngồi
Xuân ơi, xuân có tái hồi được chăng?
—o—
Quê anh ở phủ bên nhà
Nhà anh phú quý vinh hoa nhất miền
Bấy nay đi kén bạn hiền
Bây giờ mới gặp thuyền quyên má hồng
Hỡi cô tát nước gàu sòng
Hỏi rằng cô đã có chồng hay chưa?
Không chồng làm cuộc mây mưa
Ruộng khô mạ héo bao giờ cho tươi
Âm dương vẫn sẵn tính trời
Cùng nhau ta tát gàu giai cho đầy
—o—
Hạch triều Hàm Nghi
Thi đời Đồng Khánh
Bái mạnh toàn quyền
Bà đầm ngồi trửa
Ông lớn ngồi bên
Các ông lạy xuống trông lên
Vinh hoa, áo mũ, nhục quên mất rồi
—o—
Sư đi chùa mốc sân rêu
Mõ khuya ai gõ, chuông chiều ai khua?
Vinh hoa là cái trò đùa
Đã tu không trót, lại mua trò cười
—o—
Dám khuyên khách ở trên đời
Ước cho no đủ mọi mùi ăn chơi
Ước gì gặp tiên trên trời
Như chàng Lưu Nguyễn lên chơi động đào
Ước gì làm được quan cao
Giã ghe ngựa cưỡi võng đào nghênh ngang
Ước gì lắm bạc nhiều vàng
Như chàng Vương Khải thế gian ai tài
Ước gì gặp hội rồng mây
Đăng khoa chiếm bảng ngày rày vinh hoa
Ước gì trăm tám tuổi già
Sống như Bành Tổ mới là sống lâu
Ước gì lắm rể nhiều dâu
Lắm con nhiều cháu bề sau thọ tràng
Ước gì được cả trăm đàng
Như lan như huệ cùng chung một đoàn
Ước gì như quạt như gương
Phan Trần sánh lại mà thương nhau cùng
Ước cho có thủy có chung
Ước cho no đủ chữ đồng mà thôi
Thế là anh đã ước rồi
Thì nàng ước lại cho tôi bằng lòng
– Vinh diệu
– Vinh hiển, hiển vinh
Anh thác rồi được chữ hiển vinh
Bỏ em ở lại linh đinh một mình
—o—
Dù ai giàu có hiển vinh
Cũng khó lấy được gái trinh Láng làng
—0—
Cây xanh thời lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con
Mừng cây rồi lại mừng cành
Cây đức lắm chồi, người đức lắm con
Ba vuông sánh với bảy tròn
Ðời cha vinh hiển đời con sang giàu
—o—
Xin chàng kinh sử học hành
Để em cày cấy cửi canh kịp người
Mai sau xiêm áo thảnh thơi
Ơn trời lộc nước đời đời hiển vinh
—o—
Mừng cây rồi lại mừng cành
Cây đức lắm chồi người đức lắm con
Ba vuông sánh với bảy tròn
Đời cha vinh hiển đời con sang giàu
—o—
Anh bứng cây trúc anh trồng cây trắc
Chẳng may chỗ đất xấu, trúc mục trắc tàn
Anh ở sao cho đá nọ thành vàng
Trước hiển vinh cha mẹ, sau đến nàng mới ưng
—o—
Ớ cô Hai ơi, sao cô không nói không rằng
Lòng tui thương tưởng cô bằng hay không?
Hay là cô chưa muốn có chồng
Nói cho tui biết đợi trông làm gì
Trách lòng cho con gái nữ nhi
Đời chừ lựa chọn làm chi cho nhiều
Buổi xưa kia vinh hiển còn biêu
Trai hoàng nam đi cưới con gái ông tiều trên non
Hay là cô bụng dạ lòng son
Nói cho tui biết chiều lòng ông mai
Hễ mà cô nói đừng sai
Trầu mâm, rượu hũ, tui cậy ông mai tới nhà
—o—
Anh thương em
Thương quấn, thương quýt
Bồng ra gốc mít, bồng xích gốc xoài
Bồng ra ngoài đám sậy, bồng bậy vô mui
Bồng lủi sau lái, bồng ngoái trước mũi
Để em nằm xuống đây
Kể từ em đau ban cua lưỡi trắng
Tiếc công anh đỡ đứng bồng ngồi
Bây giờ em vinh hiển, em bắt anh bán nồi làm chi.
VINH – VẬN HÀNH
– Vinh quy
Vinh quy bái tổ
—o—
Vinh quy bái tổ sau rổ bèo đầy
—o—
Túi vóc mà thêu chỉ hồng
Têm trầu cánh phượng cho chồng đi thi
Một mai chồng đỗ, vinh quy
Võng anh đi trước, em thì võng sau
Tàn quạt, hương án theo hầu
Vinh quy bái tổ, giết trâu ăn mừng
—o—
Anh nay đương lúc còn trai
Anh đi học tập ở nơi kinh kì
Chiếu vua mới mở khoa thi
Anh sắm nghiên bút vào thi đỗ liền
Khoa trước thời đỗ giải nguyên
Khoa sau tiến sĩ đỗ liền hai khoa
Vinh quy bái tổ về nhà
Ăn mừng khai hạ có ba bốn ngày
—o—
Cái bống mặc xống ngang chân
Lấy chồng kẻ chợ cho gần, xem voi
Trèo lên trái núi mà coi
Thấy ông quản tượng cưỡi voi đánh cồng
Túi vóc mà thêu chỉ hồng
Têm trầu cánh phượng cho chồng đi thi
Một mai chồng đỗ, vinh quy
Võng anh đi trước, em thì võng sau
Tàn quạt, hương án theo hầu
Vinh quy bái tổ, giết trâu ăn mừng
—0—
Canh một dọn cửa dọn nhà
Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm
Canh tư bước sang canh năm
Chiềng anh dậy học còn nằm làm chi
Một mai chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi bia đề tên anh
Bõ công cha mẹ sắm sanh
Tiền lưng gạo bị cho anh về trường
Nghi vệ đóng hai bên đường
Ngựa anh đi trước võng nàng theo sau
Kẻ chiêng người trống đua nhau
Tiếng khoan tiếng nhịp tiếng mau rộn ràng
Rước vinh quy về nhà bái tổ
Ngả trâu bò làm lễ tế thần
Để cho bảy huyện nhân dân
No say được đội hoàng ân từ rày
—o—
Mừng nay nho sĩ có tài
Bút nghiên dóng dả, giữ mài nghiệp nho
Rõ ràng nên đấng học trò
Công danh hai chữ trời cho rõ ràng
Một mai chiếm được bảng vàng
Ấy là phú quý giàu sang quế hòe
Bước đường tiến đến cống nghè
Vinh quy bái tổ, ngựa xe tưng bừng
Bốn phương nức tiếng vang lừng
Ngao du bể thánh, vẫy vùng rừng nho
Quyền cao chức trọng trời cho
Bõ công học tập, bốn mùa chúc minh
—o—
– Vinh danh
VINH – ĐỊA DANH
– Thành phố Vinh
Chi ngon bằng gỏi cá nhồng
Chi vui bằng được tin chồng vinh quy
– Trà Vinh
Cá Trà Vinh xanh kì đỏ dạ
Gái xứ này không lang chạ đâu anh
—o—
Trà Vinh có bún nước lèo
Có chùa Ông Mẹt, ao đào Bà Om
Có đình thờ vía Quan Công
Ðền thần Hiếu Tử thờ Trần Trung Tiên.
– An Vinh : An Vinh Một làng nay thuộc xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Làng từ xưa đã nổi tiếng là đất võ, đặc biệt có nhiều phụ nữ có tài võ nghệ. An Thái Tên một làng nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng nằm ven bờ sông Côn, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km về hướng tây bắc, nổi tiếng là một trong những nôi võ của Bình Định. Tại đây vào ngày rằm tháng 7 hằng năm có tổ chức lễ hội đổ giàn.
Trai An Thái, gái An Vinh
—o—
Bên kia sông, quê anh An Thái
Bên này sông, em gái An Vinh
Thương nhau chung dạ chung tình
Cầu cha mẹ ưng thuận cho hai đứa mình lấy nhau
—o—
Ai bảo thương mà anh không nói
Để bây giờ trách lỗi cho nhau,
Hai nhà có cách xa đâu
An Vinh, An Thái còn câu hẹn hò
Dòng sông chung một con đò
Sao anh tiếc của, chẳng đưa đồ hỏi xin?
– Bao Vinh
– Phú Vinh
– Vinh Ba : Một thôn nay thuộc xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, có nghề truyền thống là đan lát. Hiện nay thôn Vinh Ba đã phát triển thành một làng nghề thủ công mĩ nghệ của tỉnh.
Vinh Ba đan cót đan gàu
Phú Diễn chằm nón, xóm Bầu vớt rong
Phú Thuận dệt vải bắn bông
Phú Nhiêu, Thạnh Phú, Đồng Lâm chai đèn
– Vinh Thạnh : Tuy Phước Tên một huyện lị của tỉnh Bình Định, ngày xưa là thôn Vinh Thạnh. Tuy Phước nổi tiếng với đặc sản là nem chợ Huyện, đồng thời là quê hương của danh nhân văn hóa, nhà soạn tuồng hát bội Đào Tấn và nhà thơ Xuân Diệu.
Ai về Vinh Thạnh quê em
Ăn nem chợ Huyện, xem đêm hát tuồng
VINH – SÔNG
– Sông Vinh (ngã ba sông Vinh cũ nay là đền Đồng Bằng, ở Quỳnh Phụ, Thái Bình)
VĨNH
VĨNH – SÔNG
– Sông Vĩnh Điện
Dù xa vạn dặm cũng xa
Dù gần Vĩnh Điện La Qua cũng gần
—o—
Rằng xa, cửa ngõ cũng xa
Rằng gần, Vĩnh Điện La Qua cũng gần
—o—
Thấy anh hay chữ, em đây hỏi thử đôi lời
Đường từ Châu Đốc, Hà Tiên
Kinh nào chạy thẳng nối liền hai nơi?
Đất nào lắm dốc nhiều đồi?
Đèn nào cao nhất tiếng đời đều nghe?
Sông nào tấp nập thuyền bè?
Hồ nào với biển cập kè bên nhau?
Trai nào nổi tiếng anh hào?
Anh mà đáp đặng, má đào em trao
– Nghe em hỏi tức, anh đây nói phứt cho rồi
Đường từ Châu Đốc, Hà Tiên
Có kênh Vĩnh Tế nối liền hai nơi
Đất Nam Vang lắm dốc nhiều đồi
Đèn cao Châu Đốc mọi người đều nghe
Sông Cửu Long tấp nập thuyền bè
Biển Hồ hai chữ cập kè bên nhau
Trai Việt Nam nổi tiếng anh hào
Anh đà đáp đặng, vậy má đào em trao đây!
—o—
Xa nhau cách mấy con trăng
Đêm nằm lơ lửng, uống ăn không thường
Không biết ai tôi nhắn với người thương
Nhắn anh dầu phụng Quán Rường mới ra
Nhắn bạn hàng Phong Thử, Hà Nha
Nhắn người Vĩnh Điện, La Qua xưa rày
Nhắn người quen biết xưa nay
Nhắn ông đi cuốc đi cày cũng không
Chợ chiều tôi nhắn chị hàng bông
Nhắn cô gánh nước, nhắn ông đưa đò
Nhắn người chuyển miệng giùm cho
Nhắn người cắt cỏ, giữ bò giữ trâu
Nhắn ông đi úp sông sâu
Nhắn ông bủa lưới giăng câu dọc gành
Nhắn người đốn củi rừng xanh
Nhắn cô bán cá, nhắn anh bán trầu
Nhắn người ở dưới Câu Lâu
Nhắn cô bán vải ở cầu Bình Long …
– Gặp anh hùng xin hỏi anh hùng
Cầu chi đi mười hai tháng phân cho cùng thiếp nghe?
– Kim Liên, Thủy Tú, Vĩnh Điện cho chí Câu Lâu
Quảng Nam ta có mấy cái cầu dài thay!
Chỉ đi chưa tới nửa ngày
Lẽ mô có lẽ đi rày một năm?
Bạn hỏi ta, nghĩ lại cũng nhằm
Cầu chi đi mười hai tháng? Có cầu Giáp Năm đó bạn tề!
—o—
Tiếng đồn mì Quảng Phú Chiêm
Cao lầu Phố Hội, mắm nêm Cẩm Hà
Tam Kỳ có món cơm gà
Nam Ô nước mắm đậm đà thơm ngon
Đại Lộc nhiều trái bòn bon
Khoai lang Trà Đóa, Quế Sơn nếp mường
Cẩm Sa có giống lúa vàng
Gạo ngon thơm phức, trăng tròn mùa thu
Bàn Lãnh có gốc mù u
Cá trôi mùa lũ, sông Thu chảy về
Vĩnh Điện chả lụa khỏi chê
Xu xoa Khúc Lũy, thịt bê Chợ Cầu
Quán Rường , Chợ Được Câu Lâu
Bánh tráng cá hấp ở đâu ngon bằng? …
VĨNH – KÊNH
– Kênh Vĩnh Tế : Một con kênh đào nằm song song với đường biên giới Việt Nam-Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay. Kênh được vua Gia Long cho bắt đầu đào với tháng 9 âm lịch năm 1819 đến tháng 5 âm lịch năm 1824 mới xong, qua hai lần tạm ngừng rồi tiếp tục đào. Đại Nam nhất thống chí chép: Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân mua bán đều được tiện lợi vô cùng.
Người đi có nhớ quê mình
Nhớ kinh Vĩnh Tế, nhớ tình người xưa
—o—
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ kinh Vĩnh Tế, vía Bà núi Sam
—o—
Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên
Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu
—o—
Nước kênh Vĩnh Tế lờ đờ,
Nhớ ông Bảo Hộ dựng cờ chiêu an
VĨNH – ĐỊA DANH
– Vĩnh Thọ : Niên hiệu của nước ta từ năm 1658 đến năm 1662 dưới triều vua Lê Thần Tông.
Các quan dâng biểu lên ngôi
Chúc vua Vĩnh Thọ muôn đời thịnh yên
– Tỉnh Vĩnh Phú
– Tỉnh Vĩnh Phúc : huyện Vĩnh Tường, thành phố Vĩnh Yên
– Huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hoá)
– – – Vĩnh Mỗ, Vĩnh Đoài : Cũng gọi là Vĩnh Mỗ, một làng nằm ở phía Tây thị trấn Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Làng có truyền thống làm nghề mộc, có nhiều thợ giỏi và lành nghề, đặc biệt có kĩ thuật dát giường và đóng giường tre rất đẹp.
Hàng tre Vĩnh Mỗ
Hàng gỗ Bích Chu
– Vĩnh Tuy
– Vĩnh Hưng
– Đền Hữu Vĩnh ở ngã ba Châu Giang, sông Đáy
– Huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng)
– Vĩnh Trường : Vĩnh Trường Địa danh xưa là một xã thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Chổi Vĩnh Trường,
Bánh cuốn Kênh,
Tương Tức Mặc,
Rau muống Thượng Lỗi
– Vĩnh Thạnh : Địa danh nay là một huyện nằm ở phía Tây tỉnh Bình Định. Trước đây có thời Vĩnh Thạnh được sáp nhập vào huyện Tây Sơn, nhưng được tái lập vào năm 1982.
Ai về ăn ổi Định Quang
Ăn ớt Vĩnh Thạnh, ăn măng Truông Dài
– Vĩnh Hy,
– Huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu
– Tỉnh Vĩnh Long : thành phố Vĩnh Long và chợ Vĩnh
Vĩnh Long đất lịch người xinh
Ruộng vườn tươi tốt dân tình hiền lương
—o—
Vĩnh Long cảnh đẹp người xinh
Quyện lòng du khách gợi tình nước non
—o—
Nước yên quân mạnh dân giàu
Khắp trong tám cõi cúi đầu làm tôi
—o—
Đèn nào cao bằng đèn Cầu Lộ
Con gái nào ngộ bằng gái Vĩnh Long
Sao em lớn tuổi ở vậy chưa chồng
Anh đây muốn làm phò mã nhưng ngại lòng quá đi.
—o—
Vĩnh Long có cặp rồng vàng
Nhất Bùi Hữu Nghĩa, nhì Phan Tuấn Thần
—o—
Chợ Sài Gòn còn đương buôn bán
Chợ Vĩnh Long lập quán cầu hiền
Gặp Ông Tơ, lột nón xá liền
Biểu chỉ giùm chỗ khác, chỗ có chồng rồi sao ổng lại xe
—o—
Cá về chợ Vĩnh hết mong
Em về Đồng Tháp bỏ chồng cho ai
—o—
Bình Lương gió lộng về chiều
Bến đò Tân Tạo có nhiều khách sang.
Đò dọc rồi lại đò ngang,
Đò qua chợ Vĩnh, đò sang An Bình
– Vĩnh Mỹ : Tên một làng nay là xã Vĩnh Mỹ A thuộc huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.
Anh đi ghe từ Vĩnh Long đi Vĩnh Mỹ
Xuống tàu thủy đi tuốt Vĩnh Bình
Trước thì thăm viếng gia đình
Sau nhờ mai mối cho hai mình kết duyên
– Vĩnh Bình : Địa danh nay thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.
– Huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An) nằm ở vùng sâu của Đồng Tháp Mười, giáp Campuchia, hàng năm chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt.
Vĩnh Hưng sưu thuế nặng nề
Bồng con dẫn vợ tôi về quê tôi
– Vĩnh Mốc
– Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang)
VĨNH – NHÂN VẬT
– Vĩnh Tộ, Vĩnh thọ : Lê Thần Tông Tên húy là Lê Duy Kỳ, vị vua thứ 6 của nhà Lê trung hưng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông là một vị vua “thông minh, học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, đáng khen là bậc vua giỏi.” Ông ở ngôi vua hai lần, lần thứ nhất qua các niên hiệu Vĩnh Tộ, Đức Long, Dương Hòa, lần thứ hai là Khánh Đức, Vạn Đức, Vĩnh Thọ và Vạn Khánh.
Đời vua Vĩnh Tộ lên ngôi
Cơm trắng đầy nồi, trẻ chẳng ăn cho
Từ ngày Cảnh Trị lên ngôi
Khoai chửa mọc chồi đã nhổ lên ăn
VỊNH
VINH – DANH TỪ
– Vịnh (biển)
—o—
Ghe lui khỏi vịnh, em thọ bịnh đau liền
Không tin anh hỏi xóm giềng mà coi!
—o—
Lụy chan chan đưa chàng xuống vịnh
Trở lộn về thọ bịnh tương tư
—o—
Lụy xang xang đưa nàng xuống vịnh
Anh trở lộn về nhuốm bịnh tương tư
—0—
Sóng bên doi bỏ vòi qua vịnh,
Anh với nàng trời định đã lâu
—0—
Lui cui lút cút xúc con cá sặc mồi
Lên doi xuống vịnh, lần hồi theo anh
—0—
Bảy lanh để Bảy đưa đò
Lên doi xuống vịnh giọng hò con Bảy lanh
—o—
Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú
Xứ Rạch Giá vượn hú chim kêu
Quản chi nắng sớm mưa chiều
Lên doi xuống vịnh cũng chèo thăm em
VỊNH – VẬN HÀNH
– Vịnh thơ
VỊNH – ĐỊA DANH
– Sông Vịnh : Sông Vịnh Cũng gọi là sông Cửa Khẩu, tên một đoạn sông nhỏ ở Hà Tĩnh do sông Kinh từ phía Bắc, sông Trí từ phía Tây và sông Quyền từ phía Nam tạo thành. Sông dài khoảng 10 km, nay thuộc địa phận xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh.
Mấy lâu nay đứng đó em trông
Em ham gì sao mọc bên đông mà mơ màng?
– Thôi thôi thiếp giã ơn chàng
Cá lui về sông Vịnh để chim ngược ngàn kiếm đôi
—o—
Thôi thôi từ giã bạn vàng
Cá lui về sông Vịnh, chim ngược ngàn kiếm đôi
Thôi thôi đã thế thì thôi
Chín mươi chín khe Hồng Lĩnh thiếu chi nơi quế trồng
– Vịnh Hàn : Đà Nẵng Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ “Đà Nẵng” là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là “vùng nước rộng lớn” hay “sông lớn”, “cửa sông cái” vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.
Hải Vân bát ngát ngàn trùng
Hòn Hành ở đó là trong vịnh Hàn
Xưa nay qua đó còn truyền
Lối đi Lô Giản thẳng miền ra khơi