HUYỀN
HUYỀN
– Huyền bí,
– Huyền ảo
– Huyền diệu
– Huyền vi
– Huyền thưởng
– Huyền cơ
– Huyền môn : Đạo giáo, Thuật giả kim, Các thuật chữa lành, Chiêm Tinh, Tử Vi … nói chung là lĩnh vực của huyền môn
– Huyền sử : tất cả những sự tích về nguồn gốc của các dân tộc như sự tích Âu Cơ – Lạc Long Quân, và các vua Hùng, và các thần tích nói chung được gọi là huyền sử
– Huyền thoại,
– Huyền tích
– Huyền viễn : huyền diệu nhưng xa xôi, không thiết thực
– Hão huyền
—o—o—o—
HUYỀN : Treo, lơ lửng
– Huyền án : án treo
—o—o—o—
HUYỀN : Sắc
– Màu/mùi huyền : tím đen
– – – Nhác trông cái yếm cũng xinh
Khen ai khéo dệt ra hình hoa mai
Khen người khâu yếm cũng tài
Cổ thêu con nhạn có hai đường viền
Cổ thì em ngả màu hiên
Thắt lưng mùi huyền, dải yếm cũng xinh
Khen ai khâu yếm cho mình
Đường lên đường xuống ra hình lưng ong
Yếm này em ngả màu hồng
Yếm này nhuộm mất mấy công hỡi nàng?
Khi xưa lụa hãy còn vàng
Khen ai khéo nhuộm cho nàng, nàng ơi!
– Răng (đen) nhánh hạt huyền
– – – Nhớ hàng tre thẳng đọt măng
Nhớ cô con gái hàm răng đen huyền
– – – Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đeo bùa
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
Bảy thương nết ở khôn ngoan
Tám thương ăn nói dịu dàng thêm xinh
Chín thương em ở một mình
Mười thương con mắt có tình với ai.
– Mắt huyền, mắt đen huyền
– – – Đồng ruộng xanh
Gò má em đỏ
Cặp mắt đen huyền
Cái miệng hay cười chúm chím lúm đồng tiền
Có phải thương anh, em ừ một tiếng anh chết liền cũng vui
– Nhung huyền, huyền đề
– – – Dù ai buôn bán trăm nghề
Chẳng bằng nuôi chó huyền đề bốn chân
– – – Chó khôn tứ túc huyền đề
Tai thì hơi cúp, đuôi thì cong cong
Giống nào mõm nhọn, đít vồng
Ăn càn cắn bậy, ấy không ra gì
– Huyền đai
Nhất đẳng huyền đai không bằng dao phay chém lén
—o—o—o—
HUYỀN : Dấu trong bộ sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, bằng
—o—o—o—
HUYỀN : Dáng cây thế đổ xuống bên dưới mép chậu
—o—o—o—
HUYỀN : Cạnh đối diện với góc vuông của tam giác vuông
—o—o—o—
HUYỀN : Đàn
– Tiếng huyền : tiếng đàn
– Huyền cầm : đàn
– Độc huyền, Nhi huyền, Tam huyền : Đàn 1, 2, 3 dây
– – – Đêm khuya anh khẩy cái tam huyền
Huyền kêu mấy bực dạ phiền bấy nhiêu.
– – – Độc huyền nhỏ tiếng kêu thanh
Cưới em về làm vợ, dựng phòng sanh chỗ nào
– – – Kẻ cò người hén độc huyền
Nói thơ Sáu Trọng kiếm tiền cho xong
—o—o—o—
HUYỀN : Trăng khuyết
– Huyền nguyệt : trăng tháng 9 trong bộ tên các tháng lấy theo trăng
– – – Tháng 8 : Quả nguyệt – trăng tròn nhất năm
– – – Tháng 9 : Huyền nguyệt – trăng chín chắn, huyền bí nhất năm
– Huyền : trăng khuyết, hay phần trăng đen huyền, không nhìn thấy nhiều hơn trắng
– – – Thượng huyền : Mồng 7 mồng 8 là thượng huyền
– – – Hạ huyền : Ngày 22, 23 là hạ huyền.
Mồng một lưỡi trai
Mồng hai lá lúa
Mồng ba câu liêm
Mồng bốn lưỡi liềm
Mồng năm liềm giật
Mồng sáu thật trăng
Mười rằm trăng náu
Mười sáu trăng treo
Mười bảy sảy giường chiếu
Mười tám rám trấu
Mười chín đụn dịn
Hăm mươi giấc tốt
Hăm mốt nửa đêm
Hăm hai hạ huyền
Hăm ba gà gáy
Hăm bốn ở đâu
Hăm nhăm ở đấy
Hăm sáu đã vậy
Hăm bẩy làm sao
Hăm tám thế nào
Hăm chín thế ấy
Ba mươi chẳng thấy
Mặt mày trăng đâu
—o—o—o—
HUYỀN (cơ thể học)
– huyền chưng, huyền ly, huyền trung : Huyệt
– huyền ẩm : tràn dịch màng phổi
– huyền ung : nhọt hàm trên
—o—o—o—
HUYỀN
– Huyền Vũ : Trong tứ linh Thanh Long – Bạch Hổ – Huyền Vũ – Chu Tước, Huyền Vũ là linh vật thiêng liêng có tượng là hình con rắn quấn quanh con rùa, có màu đen (huyền). Huyền Vũ đại diện cho yếu tố Thuỷ, hướng Bắc. Đền Huyền Thiên Trấn Vũ là đền Trấn phương Bắc của Thăng Long.
—o—o—o—
HUYỀN :
– Huyền Vũ/Huyền Võ : tên 7 chòm sao phương Bắc
– – – Đẩu Mộc Giải (Đẩu): Con giải trãi, loài giống bò, hay húc.
– – – Ngưu Kim Ngưu (Ngưu): Con trâu/bò.
– – – Nữ Thổ Bức (Nữ): Con dơi.
– – – Hư Nhật Thử (Hư): Con chuột.
– – – Nguy Nguyệt Yến (Nguy): Chim én.
– – – Thất Hỏa Trư (Thất): Con lợn.
– – – Bích Thủy Du (Bích): Con rái cá.
—o—o—o—
HUYỀN :
– Cửu huyền thất tổ : Thất tổ, hay 7 đời tổ thì khá rõ ràng nhưng Cửu huyền, thì vẫn còn là điều huyền bí
– Cửu huyền trăm họ
– Huyền tôn : Chút
—o—o—o—
HUYỀN : Nhân vật huyền sử
– Huyền Vi Tử (Quỷ Cốc Tiên Sinh)
– Huyền Thiên : Thần Huyền Thiên gắn với số 9 và có 9 nơi thờ thần Huyền Thiên ở Hà Nội
– – – Đền Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội : lễ hội kỷ niêm ngày sinh Thánh là ngày 3/3 âm lịch hàng năm
– – – Đền Trấn Vũ, Thạch Bàn, quận Gia Lâm, Hà Nội : đây là nơi có bức tượng đồng đen to nhất của ngài, to hơn tượng ở đền Quán Thánh. Lễ hội vào ngày 3 tháng 3 âm lịch là ngày sinh của Ngài, lễ hội ngày 9 tháng 9 âm lịch là ngày hóa của Ngài.
– – – Đình Đông Thành, số 9 Hàng Vải : Huyền Thiên Chân Quang Đế, lễ hội ngày 9/9 âm lịch
– – – Chùa Quán Huyền Thiên, Hàng Khoai : Lễ hội vào ngày 3/3 và 9/9 âm lịch hàng năm.
– – – Đền Sái, Huyền Thiên đạo quán hay Chân linh quán thuộc thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh : Lễ hội rước vua giả vào ngày 11/1 hằng năm
– – – Đền núi Sưa : Huyền Thiên Hắc Đế, Lễ hội Núi Sưa là hội của 3 làng cổ (Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Xuân Biểu) đều thờ chung một thần Hoàng làng là Đức Huyền Thiên Hắc Đế, vào ngày sinh của ông 19/1 âm lịch
– – – Đình làng Ngọc Hà, làng Hữu Tiệp, làng Xuân Biểu : Huyền Thiên Hắc Đế, lễ hội ngày 19/1, chung với làng Hữu Tiệp, hai làng rước bài vị của thần đến núi Sưa để tế chung
– Cửu Thiên Huyền Nữ
– Huyền Vi Tử, Quỷ Cốc Tử, Quỷ Cốc tiên sinh, Vương Thiền lão tổ, ông được xem là ông tổ của Tung Hoành gia. Ông là thày của Bàng Quyên, Tôn Tẫn, Tô Tần, Trương Nghi. Ông cũng là thày của Chúa Bói, Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ trong Tam vị Chúa Mường.
– Tả Ao, Thánh Phong Thuỷ, tên thât là Vũ Đức Huyền hoặc Nguyễn Đức Huyền.
– Huyền Trân Công Chúa (sinh năm 1287, mất ngày 9 tháng 1 năm 1340), Hòa thân công chúa, là con gái của Trần Nhân Tông, em gái của Trần Anh Tông, vợ thứ 3 của vua Chế Mân. Năm 1306, Huyền Trân công chúa được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy Châu Ô, châu Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên Huế đến phía bắc Quảng Trị ngày nay). Sau khi vua Chế Mân chết, Huyền Trân công chúa hồi hương trở về Đại Việt mang theo nhiều của cải được vua Chế Mân ban phát trước đó và cả người hầu Chăm về cùng. Bà xuất gia ở núi Trâu Sơn (Bắc Ninh). Công chúa thọ Bồ Tất Giới và được ban pháp danh Hương Tràng. Cuối năm Tân Hợi 1311, Hương Tràng cùng một thị nữ trước đây, bấy giờ đã quy y đến làng Hổ Sơn, huyện Thiên Bản (Nam Định), lập am dưới chân núi Hổ để tu hành. Sau đó, am tranh trở thành điện Phật, tức chùa Hổ Sơn hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự.
– – – Đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế. Bà được phong là “Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần”. Lễ hội vào ngày bà mất 9/1 âm lịch
—o—o—o—
HUYỀN : Địa Danh
– Núi Huyền hay núi Huyền Đinh ở Bắc Giang được gắn với sông Lục Đầu thành cặp sông Lục núi Huyền
—o—o—o—o—o—o—o—
HUYỄN
HUYỄN (hành động)
– Huyễn : khoe khoang, phô bày ảo, không đúng sự thật, đặc biệt về những điều huyền bí, thuộc về huyền thuật, huyền môn, huyền cơ
– Huyễn : tin mù quáng vào những điều huyễn của kẻ ra cố tình tạo ra
HUYỄN (tính chất)
– Chuyện huyễn, đồn huyễn, nói huyễn
HUYỄN (trạng thái) là một trạng thái hoang tưởng hoặc ảo tưởng
– Huyễn hoặc : tự huyễn hoặc
– Huyễn diệu >< huyền diệu
– Huyễn ảo >< huyền ảo
– Huyễn tưởng >< viễn tưởng
– Huyễn tượng >< linh tượng
—o—o—o—o—o—o—o—
HUYÊN
HUYÊN (mẹ)
– Huyên đường : Mẹ hay nơi mẹ ở, phòng của mẹ
– Thung huyên : Cha mẹ
Nhà còn một cụm thung huyên
Phải lo bảo dưỡng cho tuyền thảo ngay
—o—
- Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
- Chăn huyên đường
ấp ủ năm canh
- Con nay tuổi trẻ đầu xanh
- Lớn lên con phải đua tranh với đời
- Đã sinh ra kiếp làm người
- Gom tài góp sức cùng đời đua chen
- —o—
Tiên rằng: Thương cội thung huyên
Tuổi cao tác lớn chịu phiền lao đao
Trông con như hạn trông dào
Mình này trôi nổi phương nào biết đâu (Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu)
- HUYÊN (SINH VẬT)
– Huyên là một giống cỏ, tục gọi là cây hiên hay kim châm.
HUYÊN (tính từ)
– Huyên hoa : ba hoa, nói linh tinh
– – – Thương thay, hỡi các chú ơi
Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:
Quý Tỵ giữa ngày mồng năm,
Giờ Dần chính nguyệt ầm ầm huyên hoa
Một chi đánh ở Đống Đa
Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần
Phép voi bại trận tiên phong
Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề
Đao binh tử trận đầy khe
Dọc đường gài gác nằm kề năn năn
Chú sang cứu viện nước Nam
Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay
Chú thì thắt cổ trên cây
Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà
Chú thì thác xuống Diêm La
Chú nào còn sống về nhà đại minh …
– huyên thiên : lẫn lộn, lộn xộn
– – – Sông Tiền cá lội huyên thiên
Lòng anh muốn bắt con cá lội riêng một mình
– huyên thuyên
– – – Tiếng đồn các lái Đồng Nai
Tháng giêng cưa ván, tháng hai đóng thuyền
Tháng ba củi lửa huyên thuyên
Tháng tư dọn thuyền quay lại lộn ra
– – – Đời bây giờ võ nghệ huyên thuyên
Không ai gióng được ngón quyền cho thông
HUYỆN
HUYỆN : đia giới hành chính
– – – Tỉnh dài, huyện rộng, xã to
Nẫu lo việc nẫu, mình lo việc mình
– – – Một tiếng gà gáy sáu huyện cùng nghe
– – – Ví dầu đèn tỏ hơn trăng
Trăng soi chín huyện, đèn chong một nhà
– – – Phù Mỹ, Phù Cát cho chí Bình Khê
Xem trong ba huyện, anh mê mình nàng
– – – Bà huyện chết thì khách đầy nhà
Ông huyện chết thì cỏ gà đầy sân.
– – – Nghe rằng quan huyện gọi hầu
Mua chanh mua khế, gội đầu cho thơm
– – – Thầy làng không sang cũng trọng
Quan huyện thì không lọng cũng xe
– – – Kể chuyện ông huyện về quê
Có hai hòn ngọc kéo lê dọc đàng
Bà huyện cứ tưởng hòn vàng
Đánh trống đánh phách cả làng ra khênh
– – – Trống trên lầu vội đổ
Chuông ngoài huyện hồi quân
Nhìn em nước mắt rưng rưng
Phải chi hồi đó ai đừng biết ai
– – – Ông giẳng ông giăng
Ông giằng búi tóc
Ông khóc ông cười
Mười ông một cỗ
Đánh nhau lỗ đầu
Đi cầu hàng huyện
Đi kiện hàng phủ
Một lũ ông già
Mười ba ông điếc
– – – Ông giẳng ông giăng
Ông giằng búi tóc,
Ông khóc ông cười,
Mười ông một cỗ,
Đánh nhau lỗ đầu,
Đi cầu nhà huyện,
Đi kiện nhà quan,
Đi bàn nhà phủ,
Một lũ ông già,
Mười ba ông điếc,
Con hiệc hai chân,
Đưa giăng về giời.
—o—
Giàu ba mươi sáu phố phường
Chẳng bằng ông huyện ở làng Kiều Mai
—o—
– – – Đình huyện Tống,
Trống huyện Nga,
Nhà huyện Hậu
—o—
– – – Thuốc ngon chợ Huyện
Giấy quyến Sa Huỳnh,
Nẫu xa thì mặc nẫu, đôi đứa mình không xa.
—o—
– – – Huyện Thanh Trì kia làng Thịnh Liệt
Đồn cá rô Đầm Sét là ngon
Bấy lâu cạn nước trơ bùn
Biết rằng hương vị có còn như xưa
—o—
– – – Huyện Tống Sơn có chàng Từ Thức,
Rắp mon men lên cõi thiên đường.
Rủ nhau lên núi lên nương,
Tìm thời chẳng thấy những thương cùng sầu.
– – – Ai về qua huyện Đông Anh
Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương
Cổ Loa thành ốc khác thường
Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây
HUYỆN :
– Cả huyện, một huyện : rất nhiều
HUYỆN : Địa danh
– Miệt Hai Huyện : miệt Chợ Thủ hay miệt Ông Chưởng (“miệt” là phương ngữ Nam Bộ chỉ vùng, miền). Đây là địa danh chỉ vùng cù lao Ông Chưởng, nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, cái tên Hai Huyện bắt nguồn từ tên huyện Tân Bình và huyện Phước Long, hai đơn vị hành chính đầu tiên được chúa Nguyễn thiết lập ở miền Nam, tương ứng với Sài Gòn và Biên Hòa ngày nay. Khi quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh tiến quân vào đánh Campuchia, người dân và binh sĩ từ hai huyện này đã theo chân ông đến An Giang lập nghiệp. Miệt Chợ Thủ xưa nay là khu vực trù phú, văn minh ở miền Tây. Tại đây có nghề vẽ tranh kiếng thủ công và nghề mộc khá nổi tiếng.
– – – Trai Hai Huyện, gái miệt Vườn
– Ngõ Huyện, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
– – – Bán mít chợ Đông
Bán hồng chợ Tây
Bán mây chợ Huyện
Bán quyến chợ Đào
– – – Xuy xoa xuy xuýt
Bán quýt chợ Đông
Bán hồng chợ Tây
Bán mây chợ Huyện
Bán xuyến chợ Đoài
Ai vào mà mua
– Chợ Huyện : ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, có nem là đặc sản rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định.
– – – Rượu ngon Trường Thuế mê li
Gặp nem Chợ Huyện bỏ đi sao đành
– – – Muốn ăn đi xuống
Muốn uống đi lên
Dạo khắp bốn bên
Chợ Thành, chợ Giã
Chợ Dinh bán chả
Chợ Huyện bán nem
– – – Ai về chợ Huyện ăn nem
Ghé qua Hưng Thạnh mà xem tháp Chàm