HÀNG DẦU & HÀNG HÀNH Ở HỒ GƯƠM
Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Dầu. Đầu phố Hàng Dầu là Sở Điện và vườn hoa có đền bà Kiệu, nằm ở trước mặt đền Ngọc Sơn. Ngày bé, rất hay bị mất điện, mỗi khi mất điện, trẻ con mấy khu phố xung quanh, chạy ra vườn hoa đền Bà Kiệu hô lớn “Sở điện là sở điên nặng”.
Phố Hàng Dầu là phố cổ, còn phố Đinh Tiên Hoàng là do Pháp xây. Con phố mới này đã cắt đôi cái đền Bà Kiệu ra thành hai nửa nằm hai bên đường. Pháp cũng phá tan tành chùa Liên Trì (chùa Báo Ân) gồm 180 gian và 36 nóc để xây dựng Bưu điện Bờ Hồ. Dấu tích của chùa chỉ còn là cái tháp Hòa Phong, nằm bên bờ hồ Gươm.
Cái vườn hoa đền Bà Kiệu thời xưa chưa có tượng đài “Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh”. Người dân gọi nó là sân to, vì nó như cái sân đình cho người dân “làng Bờ Hồ” sinh hoạt. Thỉnh thoảng người ta đặt một cái ti vi rất to ở đó chiếu phim hay chiếu đá bóng cho dân xem.
Dầu và Điện rất là giống nhau, đều là nhiên liệu đốt. Có ít hoặc tắc nghẽn vận hành thì không sống được, mà có nhiều quá không quản lý được và dễ bị bốc hoả, thậm chí cháy thành than.
Có nhiều điện thì thông minh nhưng cũng dễ điên vì chập và cháy mạch điện. Có nhiều dầu thì giàu có vì tiền cũng là một dạng nhiên liệu, nhưng nhiều tiền quá thì cũng điên, cũng cháy, vì phải làm việc nhiều quá, vì tiêu xài nhiều quá, hoặc phải giữ tiền căng thẳng quá. Nhiều quá hay ít quá đều là mất cân bằng, đều cần phải quản lý.
Phố Hàng Dầu nay thuộc phường Hàng Bạc, xưa là phường Minh Hương, một cái tên cổ đã mất đi. “Hương” liên quan đến tinh dầu như là dầu tràm, dầu nhài… và cả tinh huyết mà tạo nên hương hoả. “Minh” liên quan đến quang dầu và dầu hoả, dầu lửa, dầu đốt và sự minh triết của tâm trí mà liên quan rất lớn đến điện của hệ thần kinh và nước của não thất.
Dầu cũng quý như gạo nên có câu
Đấu hàng xáo, gáo hàng dầu
Đấu hàng xáo : Đấu là đồ để đong thóc, đong gạo, gọi là đấu thóc, đấu gạo. Đấu giống như cái bát, cái cốc, không có cán hay quai. Nghề đong thóc về xay giã thành gạo rồi đem bán để kiếm lãi gọi là nghề hàng xáo. “Hàng xáo” còn để chỉ chung những người buôn bán nhỏ, ít vốn, phải xoay xở lấy công làm lãi, mua mau, bán vội lấy chút lãi. Nghĩa là hàng xáo là hàng cần ít vốn nên tính vận hành, tính quay vòng vốn phải rất cao.
Gáo hàng dầu : Gáo là đồ để múc nước. Gáo thường làm bằng sọ dừa hoặc vỏ trái mù u, cũng có nơi làm bằng vỏ bầu sấy khô. Gáo thường có cán dài. Hồi xưa đong dầu bằng gáo.
Đèn dầu có liên quan đến nấu cơm và ăn cơm. Có rất nhiều bài ca dao nói về việc này, nhưng nổi tiếng nhất là bài
Lên chùa bẻ một cành sen
Ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng
Ba cô có hẹn cùng chăng?
Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm
Cầu cho trong ấm ngoài êm.
Hàng Dầu xưa có chợ phiên được mô tả trong bài ca dao
Chợ Hàng Dầu một tháng sáu phiên
Gặp cô hàng xén kết duyên vừa rồi
Cái gánh hàng đây những quế cùng hồi
Có mẹt bồ kết, có nồi phèn chua
Bó hương thơm xếp để bên bồ
Trần bì, cam thảo, sài hồ, hoàng liên
Hàng em đáng giá bao nhiêu tiền?
Để ta xếp vốn ta liền buôn chung
Buôn chung, ta lại bán chung
Được bao nhiêu lãi, ta cùng chia nhau.
Bài cao dao này không mô tả cô hàng xén bình thường mà cô hàng xén Kim Mộc. Cô hàng xén mộc là cô Hàng Dầu và cô hàng xén kim là cô Minh Hương
– Cô Hàng Dầu mang tính mộc vì cô bán đồ thảo mộc có tinh dầu. Mộc là thảo mộc, là bồ kết, là kết duyên, là xếp vốn buôn chung.
– Cô Minh Hương mang tính kim vì mọi đồ của cô bán đều có hương và chữ xén có tính kim. Kim là hàng xén đi cùng thảo mộc, phèn chua đi cùng bồ kết, chia lãi đi cùng xếp vốn buôn chung.
Đền Ngọc Sơn với kiến trúc như chúng ta thấy hiện nay được xây chính vào thời chúa Trịnh. Đền xưa thực chất có hai khu và hai cửa,
– Khu Đông Nam là đền Ngọc Sơn hiện nay với cửa chính đi ra Hàng Dầu
– Khu Tây Nam ở Hàng Hành, mà di tích còn sót lại là một ngôi đền nhỏ nằm ở phố Hàng Hành.
Cuối thời Lê Trung Hưng, lầu phủ của chúa Trịnh ở Thăng Long bị phá hết, chỉ còn đền Ngọc Sơn, công trình gần như quan trọng nhất xây dựng vào thời ấy còn giữ được. Đắc Nguyệt Lâu cùng Cầu Thê Húc của đền Ngọc Sơn bắc trên hồ Gươm đã trở thành biểu tượng của Hà Nội.
Cả thời thơ ấu, ngày nào tôi cũng đi bộ đi học qua trước cửa đền Ngọc Sơn. Khi lớn lên, tôi vẫn muốn thăm lại đền Ngọc Sơn, vì tôi cảm thấy mỗi chi tiết trong khu đền đều vô cùng bí ẩn và sâu sắc. Ở khu di tích của đền Ngọc Sơn xưa nằm ở ngõ Hàng Hành, khi khấn trước ban thờ của nhà đền, tôi bất ngờ nhận ra khu vực này thờ ông Hàng Hành, ông Hành Khiển, ông thần Điện, ông thần Tài.
Lại nói về đền bà Kiệu, đền Bà Kiệu là đền cổ, có tên chữ là Huyền Chân Từ. Theo bia “Trùng tu Huyền Chân Từ bi ký” dựng vào năm Tự Đức 19 thì đền Huyền Chân, nguyên thuộc đất làng Tả Vọng, huyện Thọ Xương và được xây dựng từ đời Lê Trung hưng, thờ ba vị nữ thần là Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ Quỳnh Hoa và Đệ tam Ngọc nữ Quế Hoa.
Theo Vũ Tộc phả ký và Thần phả tại đền Bà Kiệu, cái tên đền bà Kiệu liên quan đến Thái phi Vũ Thị Ngọc Nguyên. Bà là vương phi của chúa Trịnh Cương, sinh mẫu của hai vị chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh và được dân gian gọi là Bà chúa Me. Vì khu vực quanh hồ Gươm trước kia có rất nhiều công trình của chúa Trịnh, bà chúa, người thường xuyên đau ốm, vẫn đi kiệu qua đền mà không bao giờ ghé vào. Một hôm bà nằm mộng, thấy mẫu Liễu Hạnh khiển trách, và khi tỉnh dạy bà đến lễ ở đền. Từ đó, bà thường xuyên đến đền bằng kiệu, khi đến đền thì xuống kiệu tự tay bưng, dâng lễ. Đang một người có sức khoẻ không tốt, lại luôn bận việc triều chính, sức khoẻ thể chất và tinh thần của bà dần trở nên tốt hơn. Bà có nguyện vọng sau khi thác, được ký hậu vào đền để được thị cận Tiên chúa, nghĩa là trở thành hậu thần của đền. Sau khi Bà mất, người dân gọi đền Huyền Chân là đền Bà Kiệu, ý nói ngôi đền của người phụ nữ ngồi trên kiệu.
Khi tôi còn bé, ngôi đền Bà Kiệu luôn đóng cửa im ỉm và tôi cứ đinh ninh rằng đền Bà Kiệu chắc chắn là thờ bà Kiệu rồi. Sau này, tôi mới biết đền được xây dựng từ thời Lê, bởi chính người con trai trong lần giáng hoá thứ hai của Mẫu Liễu Hạnh, tên Trần Nhâm, để thờ mẹ mình. Đền Mẫu được xây bởi con của Mẫu chắc chắn là ngôi đền linh thiêng bậc nhất.
Trong đền bà Kiệu có một bức tranh cổ hoạ mẫu Liễu Hạnh vi hành trên võng kiệu. Nếu đứng trước bức tranh này, có thể bạn cũng có cảm giác như tôi rằng bà Kiệu hay bà ngồi kiệu võng chính là mẫu Liễu Hạnh vi hành. Cá nhân tôi đã nhìn thấy hình ảnh này trong lúc dẫn thiền. Đó chính là hình ảnh Hằng Nga trong cung trăng, mà cũng là hình ảnh nàng tiên Kiều, nàng Nguyệt Nga ở trên cầu kiều. Cho nên bức tranh này cho tôi cảm giác vô cùng khó tả.
Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy
Hồ Gươm – phố cổ Hà Nội với tôi là nơi “chôn nhau cắt rốn” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, vì tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Có một lần, tôi cứ ngồi mãi trên ghế đã cạnh hồ Gươm trước cửa đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu, băn khoăn vì cảm thấy còn có một mặt xích gì đó mà tôi chưa nhận ra ở quần thể di tích này. Rồi tôi nhận ra đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu đối xứng âm dương với nhau : đền Ngọc Sơn thờ đức thánh Trần và đền Bà Kiệu thờ Mẫu. Thời khắc đó, tôi nhận ra dường như tôi đã tìm lại được một phần nào đó nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, tôi đã trả được một phần nào đó món nợ của tôi với nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình.
Nhưng một câu hỏi vẫn cứ ám ảnh trong tôi rằng bà Kiệu có liên quan gì đến cô hàng xén bán chợ phiên ở phố Hàng Dầu hay bà Dầu không ?
—o—o—o—
ÔNG DẦU & BÀ DẦU Ở HỒ TÂY
Ông Dầu và bà Dầu xuất hiện trong đời Lý Nhân Tông, trong sự kiện ông Dầu và bà Dầu gieo mình xuống ngã ba sông Thiên Phù và sông Tô Lịch (khu vực chợ Bưởi ngày nay) để chữa bệnh đau mắt cho vua.
Tương truyền, vua Lý Nhân Tông bị đau mắt và các quan thái y giỏi nhất dùng bao nhiêu thuốc hay, chước lạ cũng không chữa cho vua khỏi bệnh. Sự kiện này được ghi trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn mục Linh tích:
“Lúc ấy vua nhà Lý bị đau mắt, thuốc chữa không khỏi, nghe nói ở núi Vân Mộng huyện Kim Bảng (nay thuộc Hà Nam) có Quỷ Cốc tiên sinh, là người sở trường về nghề bói Dịch, bèn sai người đến bói. Tiên sinh nói:
– Trong quẻ này hình như có tượng vua chúa, vì bệ hạ định kinh đô, xếp đặt lại vị trí kinh thành, nên nước vỡ vào phương Kiền (phương Kiền trong khoa địa lý ứng với phương Tây Bắc), làm cho sức soi sáng của con mắt bị thương tổn; nếu biết trấn yểm, sẽ có thể giữ được yên lành.
Lúc ấy nước sông Tô Lịch chảy xoáy ở đoạn giao với sông Thiên Phù, sắp phá vỡ góc thành Thăng Long, phòng bị khó thể cứu được. Nhà vua bèn sai xá nhân tắm gội trai khiết, đến ngã ba sông, cầu đảo thần thổ địa, thần hà bá và tiên cung. Xá nhân đêm nằm mộng thấy thần nhân hình dung rất kỳ dị, nghi vệ rất trang nghiêm, bảo rằng:
– Sáng sớm ngày nào đó, hễ thấy người nào đến bến sông này trước nhất, thì nên theo ý muốn của người ta mà tiếp đãi một cách đầy đủ, rồi quẳng người ấy xuống sông và phong cho làm thần, lập miếu thờ tự, mới có thể trấn áp được.
Xá nhân tỉnh dậy, về triều tâu bày, nhà vua rất lấy làm than thở nghi ngờ, liền sai xá nhân theo nhật kỳ đi đón. Ngày hôm ấy, trời vừa mới sáng, quả nhiên thấy vợ chồng Vũ Phục gánh dầu từ hương Minh Bạo đi đến. Xá nhân đón mời lưu lại, rồi phi ngựa về Kinh tâu bày, nhà vua có ý thương xót, ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
– Nên theo lời nói của thần, đem tình thật hiểu bảo người ta, không nên ức hiếp.
Bèn sai người đem việc ấy nói cho vợ chồng Vũ Phục biết và yên ủy rằng:
– Từ trước đến nay, ai mà không chết, nhưng chết đi cần để danh tiếng lại đời sau. Ngày trước vua Vũ Vương có bệnh, Chu Công lập đàn cầu khấn xin được chết thay, đời sau khen Chu Công là người trung. Ông bà không nên quyến luyến sống nơi ngõ hẻm hang cùng, mà nên cố sức làm bậc tôn thần sau khi đã mất, phù hộ thánh quân giữ vững ngôi báu, ngàn năm hương khói phụng thờ, để tiếng thơm trung nghĩa đến mãi đời sau. Như thế chẳng cũng đẹp đẽ lắm sao?
Vũ Phục khảng khái nhận lời. Sứ giả hỏi:
– Bình nhật ông bà thích thứ gì hơn cả?
Vũ Phục nói:
– Đồ gà mái, nấu cơm nếp.
Sứ giả liền sửa soạn và bảo nên ăn no. Khi ăn xong, Vũ Phục ngửa mặt lên trời khấn rằng:
– Vợ chồng già này bỏ mình theo nước, trời cao có thấu xin chứng giám cho.
Liền đó, tự gieo mình xuống nước. Lúc ấy là ngày 30 tháng 11. Từ đấy dòng sông phẳng lặng, nước lớn rút dần, bệnh tình nhà vua cũng được khỏi hẳn”.
Ông Vũ Phục có tên tự là Phúc Thiện, người hương Minh Bạo, lộ Quốc Oai (thuộc Hà Nội nay). Hai vợ chồng làm nghề bán dầu nên về sau nhân gian gọi vợ chồng ông bà là Ông Dầu, bà Dầu.
Vua Lý Nhân Tông sau khi thoát khỏi họa bị nước sông xói vào mắt, tri ân công lao hi sinh của vợ chồng Vũ Phục đã lệnh cho lập miếu thờ và sắc phong là Chiêu ứng phù vận đại vương và Thuận Chính Phương Dung công chúa, lễ nghi phẩm trật rất là trọng thể.
Đền thờ hai ông bà Dầu là đền Chiêu Ứng, nằm ở phường An Thái, huyện Vĩnh Thuận thời Nguyễn, nay là đình An Thái ở số 596 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Đình nằm đối điện với chợ Bưởi, nơi ngày xưa là hợp lưu hai dòng Tô Lịch, Thiên Phù”.
Làng Yên Thái nơi có đình An Thái nổi tiếng với nghề làm giấy và nhịp chày Yên Thái giã giấy, mà đã đi vào câu ca dao
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
Mắt vua là long nhãn. Ở gần chợ Bưởi trên đường Thuỵ Khê cũng có đền Long Tỉnh và giếng Mắt Rồng (nay giếng đã bị lấp, chỉ còn di tích nắp giếng nằm ở vỉa hè cạnh đền). Đền Long Tỉnh nằm bên sông Tô Lịch xưa.
Người em trai của ông Dầu khi nghe tin anh mất thì ở xa chạy đến thắp hương cho anh, vấp phải cái cây và chết. Dân làng Bái Ân lập miếu thờ nơi ông vấp ngã, gọi là miếu Quán Cây. Ở vai trò thần Quán Cây, ông đứng xứ sở Tản Viên. Ông còn là thành hoàng làng Bái Ân và được thờ ở đình làng Bái Ân. Ở vai trò thành hoàng làng ông đứng xứ sở Ngọc Hoàng. Đình Bái Ân và miếu Quán Cây nằm bên bờ sông Thiên Phù xưa.
Sau này, gia đình tôi lại chuyển nhà từ khu vực Hồ Gươm sang khu vực Hồ Tây. Khi đi thăm quần thể di tích và dấu tích sông cổ liên quan đến sự tích ông Dầu bà Dầu ở làng Yên Thái và làng Bái Ân, tôi nhận ra thành hoàng làng Bái Ân vẫn là ông Hành. Ông Hành đứng chính ở sông Thiên Phù, còn ông Dầu và bà Dầu đứng chính ở sông Tô Lịch.
Như vậy, ông Hành đứng sông Thiên Phù, giữ hai xứ sở Ngọc Hoàng và Tản Viên. Ông Dầu giữ hai xứ sở còn lại trong bộ bốn xứ sở là Long Vương và Diêm Vương.
Vậy ông Hành và ông bà Dầu luôn đi cùng với nhau dù ở hồ Gươm hay ở hồ Tây. Sự kiện chữa đau mắt cho vua Lý Nhân Tông, chính là sự kiện ba ông bà gặp nhau, trong năng lượng đất nước.
– Ông Hành là thần tài
– Ông Dầu là thổ địa
– Bà Dầu là mẫu Thăng Long (thờ ở đền mẫu Thăng Long cũng trên phố Thuy Khê)
Trong sự tích ông Dầu, bà Dầu, ba ông bà cùng chết trong đất và nước vào ngày 30 tháng Một (tháng 11 âm lịch), chứ không phải trong lửa như trong ngày 23 tháng Chạp lễ cúng ông Công ông Táo.
Trên sông Tô Lịch, bộ Đầu nhau chính là sự tích Thánh Láng. Bạ ba Sinh là ông bà Đầu nhau, cha mẹ của Thánh Láng
– Đại Điên là ông Công
– Từ Vinh là ông Táo
– Bạch Liên Hoa là bà Thị
Sự tích anh em ông Dầu bà Dầu và ông Hành cùng nhảy xuống sông Tô Lịch chết là bộ Ba Tử trong Đạo Ba, đối xứng với ba Ba Sinh của ông bà Đầu Nhau.
– Bà Dầu, mẫu Thăng Long đối xứng với bà Thị
– Ông Hành, Thần Tài của Thăng Long đối xứng với ông Táo
– Ông Dầu, Thổ Địa của Thăng Long đối xứng với ông Công
Ca dao, tục ngữ gọi ông Hành là ông Hành Khiển. Ông là Thần Tài, đối xứng với Thổ Công, và bộ Thần Tài – Thổ Địa lại đối xứng tiếp với bộ Táo Quân, nên có bài
Một rằng mình quyết lấy ta
Ta về bán cửa bán nhà mà đi
Ta về bán núi Ba Vì
Bán chùa Hương Tích, Phật đi làu làu
Ta về bán hết ngựa trâu
Bán hột thầu dầu, bán trứng gà ung
Bán ba mươi sáu Thổ công
Bán ông Hành khiển, vợ chồng Táo quân
Bán từ giờ Ngọ giờ Dần
Giờ Tí giờ Sửu giờ Thân giờ Mùi
Ta về bán cả que cời
Bán tro đun bếp bán trăm khêu đèn
Ta về bán trống bán kèn
Có gì bán hết, lấy tiền cưới em
—o—o—o—
BÀ DẦU & BÀ HÀNH TRONG CUỘC ĐỜI CỦA VUA LÊ LỢI
Cái tên Hồ Gươm gắn với sự tích Lê Lợi trả gươm cho thần Kim Quy. Có cả bà Hàng Hành và bà Hàng Dầu cùng xuất hiện và được thờ trong cuộc đời của Lê Lợi.
Núi Lam Sơn – nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nay còn được gọi với cái tên khác là núi Dầu. Truyền thuyết kể rằng: Khi Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa, ông đã tìm ngọn núi ở gần vùng đất Lam Sơn, cho quân đêm đêm đốt đèn trên núi để chiêu quân. Đèn thắp đêm này qua đêm khác để cho nghĩa sĩ bốn phương biết hướng tìm về Lam Sơn tụ nghĩa.
Dầu thắp đèn cần dùng rất nhiều nên phải có người thường xuyên tiếp tế. Do quân Minh bao vây, chặn các ngả đường nên việc tiếp tế dầu thắp, quân lương gặp nhiều khó khăn, hao tổn không biết bao xương máu. Tương truyền, quân Minh gặp bất kì một người đàn ông nào ngược núi đều nghi là người của nghĩa quân và đem sát hại, giết nhầm hơn bỏ sót.
Trong hoàn cảnh đó, có một người đàn bà ở dưới xuôi liều mình lên núi đem dầu bán cho trại chủ Lam Sơn. Không ai biết tên bà là gì, chỉ biết bà bán dầu nên quen gọi là bà Dầu. Để giữ bí mật, Lê Lợi cho quân chỉ mua dầu của người đàn bà ấy.
Bà hàng dầu ngày ngày gánh dầu cùng nhu yếu phẩm lên tiếp tế cho nghĩa quân, quân Minh dò biết được nên đã đón đường bắt được bà. Chúng dùng đủ cực hình tra khảo nhưng bà không tiết lộ bí mật, cuối cùng chúng đã giết bà.
Lê Lợi biết tin cảm động về lòng yêu nước của bà hàng dầu, nhớ ơn bà, vị chủ tướng sai nghĩa quân đem thi hài của bà về núi Lam Sơn để an táng, đặt tên cho ngọn núi ấy là núi Dầu.
Hiện núi Dầu cách khu di tích Lam Kinh 2km, trên núi có một miếu nhỏ thờ bà chúa Dầu. Với người dân xứ Thanh, miếu bà Dầu tương tự như đền bà chúa Kho, được người dân đến xin tài lộc, ngân khố.
Bà Hàng Dầu còn được gọi bà Chúa Dầu. Vậy bà Hành là ai ?
Hiếm có vị vua nào mà trong cuộc đời bôn ba đã gặp và đã được không biết bao nhiêu bóng hồng hy sinh và giúp đỡ như vua Lê Lợi. Bà Hành có thể là vị Mẫu ẩn sau tất cả những người phụ nữ này, bởi vì sự xuất hiện của họ giúp sự nghiệp cứu nước của Lê Lợi được tiếp tục vận hành hanh thông. Vậy chúng ta hãy cùng kể tên một vài người trong số đó.
Hồ Ly Phu Nhân :
Khi còn lẩn trốn quân Minh ở Lam Sơn, Lê Lơi bị truy đuổi gắt gao, bỗng lúc đó ông thấy một cô gái mặc váy trắng chết trôi trên sông, ông chôn cất cô gái tử tế và lẩn trốn tiếp. Đến khi suýt bị quân Minh tìm ra, có một con cáo trắng chạy từ đâu ra làm quân Minh đổi hướng. Lê Thái Tổ cho rằng đó là cô gái đã cứu mình, về sau ông phong cô gái làm thần hộ quốc và cho làm một bức tượng hình một cô gái có nửa thân là cáo chín đuôi, đấy gọi là Hồ ly phu nhân.
Cuối thế kỷ 18, nhà thơ Phạm Đình Hổ có thuật lại trong Vũ trung tùy bút của ông về bức tượng: “Những buổi chầu trong điện không bị ngăn cấm người ngoài vào xem. Ta khi nhỏ thường hay vào sân rồng, thấy bên võ ban có đặt pho tượng Hộ quốc phu nhân. Tượng ấy đầu người thân hồ ly, dáng rất đẹp, hình dung một thiếu nữ búi tóc, cài trâm.”
Có lần bại trận, trong lúc bị giặc Minh truy đuổi, Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ) đã tìm thấy và ẩn nấp trong hốc của cây thị cổ. Nghi ngờ vua Lê Lợi ẩn nấp phía trong, giặc liên tiếp dùng giáo xỉa vào cây khiến ông bị thương phải nén đau xé áo băng bó. Đàn chó săn của giặc mang theo cũng liên tục sủa, cắn vào vị trí Lê Lợi nấp trong hốc cây. Lúc này, bất ngờ từ trong hốc cây thị có con cáo trắng chạy ra đánh lạc hướng giặc và đàn chó săn, nhờ vậy mà Lê Lợi thoát nạn. Từ đó thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn nhớ ơn đến đất và con người nơi đây.
Cây thị mà Lê Lợi trốn được cho là nằm ở thôn Kim Sơn, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cây có tuổi đời trên 700 năm, chiều cao 45-50m, cành lá sum sê, chu vi đoạn gốc tiếp giáp với mặt đất khoảng 12m, gốc cây rỗng, có thể chứa được 4-5 người được cho rằng là nơi vua Lê Lợi trốn ngày xưa.
Bà Phạm Thị Ngọc Trần :
Phạm Thị Ngọc Trần (1386 – 24 tháng 3, 1425), còn gọi là là Cung Từ hoàng thái hậu hay Phạm Hiền phi, là vợ Lê Lợi, sau là vua Lê Thái Tổ, sinh mẫu của hoàng tử Lê Nguyên Long, sau trở thành vua Lê Thái Tông.
Năm Ất Tỵ (1425), Lê Lợi vây thành Nghệ An, khi đến thành Triều Khẩu ở Hưng Nguyên, có đền thờ thần Phổ Hộ, ông nằm mộng thấy một vị thần đến xin một người thiếp và hứa sẽ phù hộ cho Cao Hoàng đập tan quân nhà Minh. Cao Hoàng bèn đem chuyện này ra nói với các bà phi của mình, nói rằng: “Có ai chịu làm vợ thần không? Sau này khi ta lấy được nước sẽ lập con người ấy làm thiên tử”. Ai cũng đắn đo, duy chỉ có bà khẳng khái quỳ xuống nói rằng: “Nếu minh công giữ lời hứa, thì thiếp nguyện xả thân. Ngày sau làm nên nghiệp lớn chớ phụ con của thiếp”.
Lê Lợi khen ngợi và thương xót, nói với bề tôi, hẹn ngày dâng tế lễ. Lúc đó, Nguyên Long chỉ vừa 3 tuổi, bà đưa cho người hầu cận nuôi nấng và đi theo dàn tế lễ, bà gieo mình chết, đó là ngày 24 tháng 3. Khi Cao Hoàng bình định được quân Minh, ông nói với quần thần: “Bà ấy đáng làm chúa cả trăm vị thần của nước ta, không ai dám trái”. bèn sau đó sai người ở động Nhân Trầm là Lê Cối rước quan tài về táng ở Thanh Hóa. Đi đến xã Thịnh Mỹ thì trời tối, chưa kịp qua sông bèn ngủ trọ ở chợ. Đến đêm mối đùn lên quanh quan tài một đống rất cao, biến thành nấm mồ. Sứ giả thấy lạ, trở về tâu Cao Hoàng, ông bèn nói: “Đó là vị thần đã làm theo lời hẹn”, nói rồi sai bảo cứ để quan tài ở đó, xây dựng điện Hiến Nhân để thờ, đồng thời lập miếu, đặt thần chủ ở Lam Kinh để cúng tế.
Bấy giờ, Cao Hoàng lại lập con trưởng là Quận vương Lê Tư Tề, con của Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ làm giám quốc, lo triều chính mà quên mất Lê Nguyên Long. Một hôm giữa trưa, Cao Hoàng nằm ngủ chợt mộng thấy Hoàng hậu oán trách rằng: “Đức hoàng phụ công của thiếp; từ hồi mới khởi binh dẹp loạn, đã đem thiếp cho vị thần. Nay được thiên hạ rồi mà ơn thánh chẳng được hưởng”, rồi tan biến. Cao Hoàng hoảng hồn tỉnh dậy, lòng bồi hồi cảm xúc, bèn lập Nguyên Long làm con đích trưởng, cho nối ngôi.
Năm 1433, Cao Hoàng băng hà, Lê Nguyên Long nối ngôi, tức Thái Tông hoàng đế. Lê Thái Tông truy phong mẹ làm Cung Từ Quốc thái mẫu, cho thờ phụng ở Thái Miếu, ở Lam Kinh.
Phạm Thị Ngọc Trần người làng Quần Lai, huyện Lôi Dương (huyện Thọ Xuân ngày nay), Thanh Hoá. Ở làng Quần Lai (xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có một ngôi đền đơn sơ thờ “Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần” được dựng lại vào năm 2008 dựa trên nền đền cũ. Trước mặt đền không xa là Sông Chu.