NGÀY ÂM LỊCH

Loading

CÁC NGÀY TRONG THÁNG TRĂNG

MỒNG TRĂNG

Mồng một lưỡi trâu
Mồng hai lưỡi gà
Mồng ba lưỡi liềm
Mồng bốn câu liêm
Mồng năm liềm giật
Mồng sáu phạt cỏ
Mồng bảy tỏ trăng
Mười rằm trăng náu
Mười sáu trăng treo
Mười bảy trải giường chiếu
Mười tám giương cạm
Mười chín bịn rịn
Hai mươi giấc tốt
Hai mốt nửa đêm

—o—

Mồng một lưỡi trai
Mồng hai lá lúa
Mồng ba câu liêm
Mồng bốn lưỡi liềm
Mồng năm liềm giật
Mồng sáu thật trăng
Mười rằm trăng náu
Mười sáu trăng treo
Mười bảy sảy giường chiếu
Mười tám rám trấu
Mười chín đụn dịn
Hăm mươi giấc tốt
Hăm mốt nửa đêm
Hăm hai hạ huyền
Hăm ba gà gáy
Hăm bốn ở đâu
Hăm nhăm ở đấy
Hăm sáu đã vậy
Hăm bẩy làm sao
Hăm tám thế nào
Hăm chín thế ấy
Ba mươi chẳng thấy
Mặt mày trăng đâu

—o—

Mồng một cho tới mồng năm
Giăng còn thơ ấu, tối tăm biết gì
Mồng sáu, mồng bảy trở đi
Đến ngày mồng tám giăng thì lên cao
Mồng chín giăng ánh vườn đào
Mồng mười giăng mọc đã cao hơn đầu
Mười một sáng cả vườn dâu
Mười hai giăng ở địa cầu trung thiên
Mười ba giăng gió giữ duyên
Đến ngày mười bốn giăng lên giữa trời
Gặp giăng em hỏi em chơi
Liệu giăng sáng cả trần đời được chăng?
Đến rằm giăng đã lên cao
Tới ngày mười sáu giăng treo tỏ tường
Mười bảy giăng sẩy chiếu giường
Mười tám dọn dẹp cương thường anh đi
Mười chín em định em ngồi
Hai mươi giấc tết, em thì ra trông
Kể từ hăm mốt nửa đêm
Giăng già thì cũng có phen bạc đầu
Cuối tháng giăng xuống biển sâu
Ba mươi mồng một ai cầu được giăng

—o—

MÙNG 9, MÙNG 10

Mùng chín vía trời, mùng mười vía đất

—o—

MÙNG MỘT, HÔM RẰM

Trai mồng một, gái hôm rằm
Nuôi thì nuôi vậy trong lòng vẫn căm

—o—

MỒNG MỘT, BA MƯƠI

Khi nào trâu đực sinh con
Gà trống đẻ trứng, trăng tròn ba mươi
Khi nào tháng chạp ăn rươi
Tháng giêng gặt lúa em thời lấy anh.

—o—

Trăng kia chớ ỷ mình cao
Ba mươi, mồng một thấy nào mặt trăng

—o—

Có trăng thì phụ lòng đèn
Ba mươi, mồng một đi tìm lấy trăng

—o—

Trăng kia chớ ỷ mình tròn
Ba mươi mùng một trăng luồn dưới mây

—o—

Ba mươi được ăn, mồng một tìm đến

—o—

Sáng trăng vằng vặc
Vác cặc đi chơi
Gặp con vịt trời
Giương cung định bắn
Gặp cô yếm thắm
Đội gạo lên chùa
Giơ tay bóp vú
Khoan khoan tay chú
Đổ thúng gạo tôi
Hôm nay ba mươi
Ngày mai mồng một
Để tôi đội gạo
Lên chùa cúng Bụt
Bụt ngoảnh mặt đi
Đức Thích Ca mở miệng cười khì,
“Của tam bảo, để làm gì chẳng bóp.”

—o—

MÙNG MƯỜI, BA MƯƠI

VÈ NÓI NGƯỢC

Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè nói ngược
Ngựa đua dưới nước
Tàu chạy trên bờ
Trên núi đặt lờ
Dưới sông bửa củi
Gà cồ hay ủi
Heo nái hay bươi
Nước kém mùng mười
Ba mươi nước lớn

MƯỜI BỐN, RẰM

Hôm nay mười bốn, mai rằm
Chín tháng cũng đợi, mười năm cũng chờ
Trăm năm quyết đợi, quyết chờ
Dẫu mà tóc bạc như tơ cũng đành

—o—

Nay mười tư, mai lại mười rằm
Ai muốn ăn oản thì năng lên chủa
Lên chùa thấy tiểu mười ba,
Thấy sư mười bốn, vãi già mười lăm,
Mong sao một tháng đôi rằm,
Trước là lễ phật, sau thăm vãi già.

—o—

RẰM

Qua giêng hết năm
Qua rằm hết tháng

—o—

Trăng kia còn có đêm rằm,
Thấu chăng kiếp thợ tối tăm một đời

—o—

Trăng tròn chỉ có đêm rằm
Tình ta tháng tháng, năm năm vẫn tròn

—o—

Anh chê thao, mặc lụa tơ tằm
Anh xa em sao không lựa tháng không rằm mà xa.

—o—

Trên chùa có tiểu mười ba,
Sư ông mười bốn, vãi già mười lăm,
Muốn cho một tháng đôi rằm,
Trước là lễ phật, sau thăm vãi già.

—o—

RẰM LÁ ĐA MẶT NGUYỆT

Em là con gái nhà giàu
Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao
Cưới em trăm tấm gấm đào
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời
Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi
Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng
Sắm xe tứ mã đem sang
Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu
Ba trăm nón Nghệ đội đầu
Một người một cái quạt Tàu thật xinh
Anh về sắm nhiễu Nghi Ðình
May chăn cho rộng ta mình đắp chung
Cưới em chín chĩnh mật ong
Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò
Cưới em tám vạn trâu bò
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm
Lá đa mặt nguyệt hôm rằm
Răng nanh thằng Cuội, râu hàm Thiên Lôi
Gan ruồi mỡ muỗi cho tươi
Xin chàng chín chục con dơi góa chồng
Thách thế mới thỏa trong lòng
Chàng mà lo được thiếp cùng theo chân

—o—

RẰM LÁ ĐA MẶT NGUYỆT

Em là con gái làng Keo
Em ra thách cưới, thách cheo với chàng
Xin chàng chín chiếc tàu sang
Mỗi tàu hai chiếc xà lan đi kèm
Tàu thì gạo trắng, gân bò
Tàu thì rượu nếp với vò rượu tăm
Lá đa hái giữa đêm rằm
Răng nanh thằng Cuội, râu cằm Thiên Lôi
Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi
Lại thêm chín chục con dơi góa chồng.

—o—

 

RẰM, MƯỜI SÁU

Trăng rằm mười sáu trăng treo
Anh đóng giường lèo cưới vợ Nha Trang

—o—

Trăng rằm mười sáu trăng lu
Mấy người đi cấy con cu to đùng

—o—

Trăng rằm mười sáu trăng thanh
Thiên hạ ngủ hết còn anh với nàng
Kề vai hỏi thử bạn vàng
Cha mẹ không gả, còn nàng tính sao ?

—o—
Trăng rằm mười sáu trăng nghiêng
Thương em chúm chím cười duyên một mình
—o—
Trăng rằm mười sáu trăng treo
Anh về sửa soạn mua heo nạp tài
—o—

Trăng rằm, mười sáu trăng lu
Trông anh như thể vọng phu trông chồng

—o—

Trăng rằm, mười sáu trăng treo
Vợ cưới chưa chắc, vợ theo chắc gì.

—o—

CÁ VƯỢT VŨ MÔN – Mùng 4 (7), Mùng 8

Mồng bốn cá đi ăn thề
Mồng tám cá về cá vượt vũ môn

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/doi-tuan-thang-tam-ca-an-the-839005.ldo

hay

Mồng bảy cá đi ăn thề
Mồng tám cá về cá vượt vũ môn

https://nhandan.vn/vuot-thac-vu-mon-post632650.html

—o—

TẾT NGUYÊN ĐÁN 

NGÀY CÚNG ÔNG CÔNG ÔNG TÁO 23/12

Hạ lợi bước qua
Chánh ngày hăm ba
Lễ đưa ông Táo
Hai là lễ đáo
Tảo mộ ông bà
Cổ tích bày ra
Truyền cho con cháu
Từ ngày hăm sáu
Dĩ chí ba mươi
Cá thịt tốt tươi
Ông bà tiếp rước
Phải dùng cây trước
Lấy nó làm nêu
Thiên hạ cũng đều
Lo chưng đồ đạc
Sơ tam chánh ngoạt
Canh giữ thường lai
Quần rộng áo dài
Ăn chơi ba bữa
Bịt khăn sắm sửa
Làm tuổi mẹ cha
Đèn đốt vậy mà
Tứ cung tứ bái
Trai thời giữ đạo
Gái phải dằn lòng
Xuân nhật ngày đêm
Đèn chong hương đốt
Chơi bời mùng Một
Chí những mùng Hai
Liên gia trong ngoài
Ăn mừng năm mới.
Chữ An, chữ Thới
Dán trước hàng ba
Phú quý vinh hoa
Dán vô trước cửa
Tài lợi lộc phước
Dán trước hàng nhì
Vạn trực duy tân
Dán vô cửa giữa
Dán thời phải lựa
Cột cái định tường mà dán
Trên trang ông Táo
Đề chữ “Hiển Linh”
Lấy câu “Thái Bình”
Dán ngoài cửa ngõ
Quần điều áo đỏ
Quần rộng vãng lai
Chánh ngoạt sơ khai
Tháng Giêng duy thỉ
Canh ba giờ tí
Thức dậy làm gà
Lễ vật bày ra:
Nhang, đèn, trà, nước
Tiên sư giáng trước
Ứng biện vô dò
Rượu rót liên do
Kim ngân tiếp đốt
Giờ này thiệt tốt
Thạnh lợi chủ gia
Giờ đặng kế ba,
Làm ăn phú quý
—o—

BA MƯƠI TẾT

—o—

Ba mươi chưa phải là tết

—o—

Cu kêu ba tiếng cu kêu
Ba mươi tháng chạp dựng nêu trước nhà

—o—

Thừa con gả cho hàng tờ
Đến ba mươi tết phất phơ ngoài đường

—o—

Có hay không mùa đông mới biết
Giàu hay nghèo ba mươi tết mới hay

—o—

Khôn ngoan đến cửa quan mới biết
Giàu có ba mươi tết mới hay

—o—

Nhớ xưa trả nợ ba đời
Chiều ba mươi Tết mẹ ngồi nhìn con
Gánh cực mà đổ lên non
Còng lưng mà chạy cực còn chạy theo
Chừ đây hết cực hết nghèo
Vui theo ra ruộng nhàn theo về nhà

—o—

Ba mươi tết, tết lại ba mươi
Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách
Một tay cầm cái dù rách
Một tay xách cái chăn bông
Em đứng bờ sông
Em trông sang bên nước người
– Hỡi chú chiệc ơi là chú chiệc ơi!
Một tay em cầm quan tiền
Một tay em xách thằng bù nhìn em ném xuống sông
Quan tiền nặng thì quan tiền chìm
Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi
Ối ai ơi! Của nặng hơn người!

—o—

Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông
Số cô có vợ có chồng
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai

—o—

NGÀY 30 TẾT

Ba mươi anh không đi tết
Rạng ngày mồng Một, anh không đi đến lạy bàn thờ
Hiếu trung mô nữa mà biểu em chờ uổng công
– Hôm Ba mươi anh mắc lo việc họ
Sáng mồng Một anh bận việc làng
Ông bà bên anh cũng bỏ huống chi bên nàng, nàng ơi!

—o—

Ba mươi súc miệng ăn chay
Sáng ngày mồng một dựng cây trúc đài
Lâm râm khấn vái Phật Trời
Biết đâu có nắng mà phơi quần hồng
Ai ơi, hãy hoãn lấy chồng
Để cho trai gái dốc lòng đi tu
Chùa này chẳng có Bụt ru
Mà đem chuông khánh treo chùa Hồ Sen
Thấy cô yếm đỏ răng đen
Nam mô Di Phật lại quên mất chùa
Ai mua tiu cảnh thì mua
Thanh la, não bạt, thầy chùa bán cho
Hộ Pháp thì một quan ba
Long Thần chín rưỡi, Thích Ca ba tiền
Còn hai mụ Thiện hai bên
Ai mua bán nốt lấy tiền nộp cheo
Lệ làng thiếu thốn bao nhiêu
Đẵn cây tre cộc cắm nêu sân chùa

—o—

MỒNG MỘT, MỒNG HAI, MỒNG BA TẾT

Mồng một thì ở nhà cha
Mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy

—o—

MỒNG BA TẾT

Phú bói giò gà

Đầu năm ra mắt mồng ba
Cúng ông Hành Khiển cùng là Hành Binh
Bói giò phải bói cho tinh
Xem tường màu sắc chân hình rủi may
Đôi giò cần để thẳng ngay
Nhuận hồng vàng ánh năm nay chắc giàu
No rồi chụm móng khít khao
Đỡ cái chặt chẽ cũng giàu cũng sang
Đỏ mà gân máu nổi loang
Là điềm hao của tan hoang cửa nhà
Trắng xanh bền bệt thây ma
Ấy điềm tang chế ông bà cháu con
Da gà tươi mượt vàng son
Đi thi chắc đậu đi buôn chắc lời
Khe chân gà hở tơi bời
Tiền vô nhiều cũng phủi rồi tay không
Ba ngón đội lên một chồng
Tốt thì có tốt, phải phòng người trên
Nhờ người giúp đỡ mới nên
Tự mình tự chủ không bền được đâu
Cũng ba ngón chân chụm đầu
Một hàng ngang mặt, thúng đâu đựng tiền
Ngón cái mà cong nghiêng nghiêng
Đâm vô khe hở, lụy phiền đến nơi
Quan phi khẩu thiệt tơi bời
Tai bay vạ gió kêu trời sao đang
Bốn chân cong quẹo loạn hàng
Cả năm bươn chải biết đàng nào yên
No rồi như nở cười duyên
Da hường tươm mỡ của tiền đầy kho
Da chân xam xám màu tro
Gân xương khô héo có lo cũng nghèo
Đôi giò cái trễ cái treo
Bên ngay bên quẹo nằm queo một mình
Da vàng mỡ đọng lung linh
Làm chơi được thiệt, mặc tình vui chơi
Bốn ngón đều ngay lên trời
Nồi gọ xẹp lép thì thôi còn gì !
Gặp năm tuổi xấu thêm nguy
Ốm đau tang chế, quan phi tụng đình
Ngón chân rời rạc thân hình
Thiếu người giúp đỡ, thiếu tình hữu giao
Gặp cơn sóng gió ba đào
Một tay lèo lái, ai nào giúp ta!
Chân gà cấm hở, quẹo ra
Da gà tươi nhuận mới là bình an
Cúng gà ra mắt nghiêm trang
Làm gà kỹ lưỡng, luộc càng thêm tinh
Có thành chắc có thần linh
Cầu ông Hành Khiển Hành Binh hộ trì
Cho mình gặp hội khả vi
Mỗi chu niên trọn, chu kỳ bình an
Mùng ba Tết tới bước sang
Lại cúng ra mắt huy hoàng như xưa.

—o—

MÔNG BA, MỒNG BỐN TẾT

Mồng ba ăn rốn
Mồng bốn ngồi trơ

—o—

MỒNG BỐN THÁNG GIÊNG (4/1), MỒNG BỐN THÁNG HAI (4/2)

– Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng giêng
Trông hoài không thấy bạn hiền vãng lai
Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng hai
Tiết xuân con én đưa thoi đã rồi
Tháng ba, tháng tư ta không thấy bạn thời thôi
Chim kêu thỏ thẻ trước nơi sân hòe
Tháng năm, tháng sáu ta chẳng thấy nhắn nhe
Chim kêu nhỏ nhẻ, mùa hè sang thu
Chim kêu, vượn hú, cu gù
Cây khô lá rụng, mịt mù tang thương
Tháng bảy, tháng tám, tháng chín mưa trường
Đến khi ta nhắn gửi, hết lời ta lại qua
Tháng mười, tháng mười một, nước chảy mưa sa
Đương khi tiết lạnh bạn với ta xa vời
Còn mình tháng chạp bạn ơi
Niên tàn nguyệt tận, bạn phải tính cho rồi mưu chi?
Về nhà ngửa bàn tay tính lại đính đi
Tháng thời mười hai tháng, mùa y bốn mùa
Chuỗi sầu ai khéo thêu thùa
Đớn đau dạ ngọc, xót chua gan vàng!
– Bớ em ơi, một năm mười hai tháng, một tháng ba mươi ngày
Mắc lo canh cửi, hết ngày tháng giêng
Tháng hai khoai sắn liên thiên
Ta cam tâm nhớ bạn, còn phiền về tháng ba
Tháng ba anh mắc dọn dẹp việc nhà
Lo gặt lo hái nên không qua thăm nường
Tháng tư mắc lo việc lí hương
Mắc lo tạ tế, chay trường, công ngân
Tháng năm anh lo việc trăm phần
Lo sạ, lo cấy, gánh phân, đi cày
Tháng sáu anh nghĩ đã thậm gay
Mắc lo dựng xe đạp nước, không ngày nào ở không
Tháng bảy thiên não địa nùng
Ngày cơ tháng thiết, anh sợ em bậu có chồng chứ phải chơi!
Tháng tám ngó bộ thảnh thơi
Cha mẹ nhà trói buộc không cho anh đi, anh phiền
Tháng chín nước chảy khỏa biên
Mưa to gió lớn, anh sợ chiếc thuyền không bơi
Tháng mười chân rảnh tay rời
Đêm nằm nhớ bạn, ngày thời trông mong
Tháng mười một hết ngõ hết đường
Anh đau liệt giường, ới hỡi thuyền quyên!
Tháng chạp ngày tổ ngày tiên
Mắc lo dẫy mả tổ tiên cho rồi
Một năm mười hai tháng, em bậu ơi
Mong có ngày rảnh, để em bậu ngồi trách qua!

—o—

CHỢ TẾT

CHƠ TRỘI 26/12

Bỏ con, bỏ cháu chớ bỏ hai mươi sáu chợ Trôi

—o—

CHỢ YÊN 26/12

Bỏ con bỏ cháu
Không ai bỏ hai mươi sáu chợ Yên

—o—

LẠI ĐÀ 3/1

Làm thân con gái Lại Đà,
Sáng mồng ba Tết đã sà xuống ao

—o—

CHỢ Ó – 5/1

Mồng năm chợ Ó
Quan họ dồn về
Hội vui lắm lắm
Chưa kịp đi tắm
Chưa kịp gội đầu
Trầu chửa kịp têm
Cau chưa kịp bổ
Miếng lành, miếng sổ
Miếng lại quên vôi
Người có yêu tôi
Thì người cầm lấy
Các anh đứng đấy
Thầy mẹ đứng đâu?
Mời lại xơi trầu
Mừng cho dâu mới
Mặt trời đã tối
Đám hội đã tàn
Ai có hồng nhan
Mang ra chơi hội
Dưới sông múa rối
Trên bãi trồng vừng
Một đấu, một thưng
Bằng nhau như tiện
Như tiện như tề
Kẻo thế gian chê
Chồng cao vợ thấp!

—o—

MỒNG SÁU TẾT – CHỢ DƯNG

Bỏ con bỏ cháu, không bỏ mồng sáu chợ Dưng

—o—

MỒNG TÁM TẾT – CHỢ VIỀNG

Bỏ tổ bỏ tiên
Không ai bỏ chợ Viềng mồng tám

—o—

1-8/1

Mồng một chơi cửa, chơi nhà
Mồng hai chơi xóm, mồng ba chơi đình
Mồng bốn chơi chợ Quả Linh
Mồng năm chợ Trình, mùng sáu non Côi
Qua ngày mồng bảy nghỉ ngơi
Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng
Chợ Viềng năm có một phiên
Cái nón em đội cũng tiền anh mua

—o—

LỄ HỘI TẾT

GIỖ THOẠI NGỌC HẦU 4/1

Ai về thăm lại Trà Ôn
Tháng giêng mùng bốn giỗ ông Ngọc Hầu

—o—

LỄ HỘI LÝ SƠN 4-7/1

Mồng bốn có hội đua ghe
Rối đến mồng bảy bắt phe dội bòng

https://vietnamtourism.gov.vn/post/34682

“Lý Sơn có lệ cổ truyền
Hằng năm Tết đến đua thuyền vui Xuân”

—o—

LỄ HỘI BỒ ĐỀ 6/1 & LỄ HỘI ĐỐNG CAO 7/1

Mồng sáu đi hội Bồ Đề,
Mồng bảy trở về đi hội Đống Cao.

—o—

LỄ HỘI LIỄU ĐỘI 5, 10, 15/1

Phủ Bà mở hội hôm rằm
Còn như hội vật mồng năm mồng mười

https://baohanam.com.vn/van-hoa/mach-nguon-van-hoa-lieu-doi-92138.html

https://baohanam.com.vn/que-huong-nui-doi-song-chau/net-doc-dao-cua-hoi-vat-lieu-doi-7430.html

—o—

LỄ HỘI VÙNG QUÁN LA 7-10/1

Mồng bảy rước hội Quán La
Mồng mười hội Gạ kéo qua làng Sù

—o—

LỄ HỘI LÀNG TRIỀU KHÚC

Mỗi năm vào dịp xuân sang
Em về Triều Khúc xem làng hội xuân

—o—

LỄ HỘI 18/1

Dù ai đi ở nơi đâu
Tháng Giêng mười tám bảo nhau mà về

—o—
Dù ai lâu đã xa quê
Nhớ lấy mà về mười tám tháng Giêng

—o—
Dù ai bốc thuốc nơi đâu
Tháng Giêng mười tám rủ nhau mà về.

Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày lễ hội thì về quê hương.

—o—

GIỖ THÁNH SÓC SƠN

Tháng Giêng giỗ Thánh Sóc Sơn
Tháng Ba giỗ Tổ Hùng Vương nhớ về.

—o—

Dạo chơi non nước Vệ Linh
Phong cảnh hữu tình để nhớ cho ai
Ngàn tây có dải núi Dài
Có con sông Khốn chảy ngoài nẻo đông
Văn Lang sạch bóng giặc Ân
Nơi đây Thánh Gióng dừng chân gội đầu
Cổ xưa truyền lại có câu
Vùng quê lấy Sọ làm đầu vẻ vang
Nước trong, trong mát như gương
Cổ giếng ghi tích lưu truyền mai sau
Hằng năm rưới nước gội đầu
Dâng lên Thánh Gióng bấy lâu tôn thờ.

—o—

GIỖ TỔ TRƯNG VƯƠNG

Dù ai hải đảo, sơn khê
Tháng Giêng ngày hội nhớ về Đồng Nhân.

—o—

Dù ai buôn bán trên đường
Nhớ ngày giỗ tổ Trưng Vương thì về

TRÂN ĐỐNG ĐA – 5 &6/1 TẾT ẤT DẬU 1789

THIÊN TRIỀU VĂN 

Thương thay, hỡi các chú ơi
Ăn uống đã rồi thầy kể một văn:
Quý Tỵ giữa ngày mồng năm,
Giờ Dần chính nguyệt ầm ầm huyên hoa
Một chi đánh ở Đống Đa
Cầu Duệ kéo đến tốt xa muôn phần
Phép voi bại trận tiên phong
Cầu nhương sụt cả xuống sông Bồ Đề
Đao binh tử trận đầy khe
Dọc đường gài gác nằm kề năn năn
Chú sang cứu viện nước Nam
Chẳng may gặp phải suối vàng thương thay
Chú thì thắt cổ trên cây
Chú thì tự vẫn ở nay trong nhà
Chú thì thác xuống Diêm La
Chú nào còn sống về nhà đại minh
Ai ai là chẳng đeo tình
Di Đà tiếp dẫn chúng sinh cô hồn
Chú nào có vợ có con
Có cha có mẹ hãy còn giỗ chung
Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông
Nam Kinh, Quảng Bắc có lòng sang đây
Trời làm một trận gió lay,
Sống làm tướng mãnh, thác rày thần linh
Phù hộ tín chủ bình an
Cửa nhà phú túc vững bền cao xây
Mạo chiên nón khách móng giầy,
Đuôi sam hảo tố chú rày cần lo
Chú thiêng nao đấy phụng thờ
Kính quan tôn sứ để nhờ hậu lai
Nhớ xưa chú vác lăng bài
Cung đao tay nỏ, đầu cài nón chiên
Tay vòng bạc, cổ đeo tiền
Cờ mao một ngọn xông tên chiến trường
Điền Châu Thái thú đảm đương
Liều mình tử trận chiến trường nên công
Trận vây ở trong Năm Đồng
Rạng ngày mồng sáu cờ dong lai hàng
Còn ông Tổng Đốc ban sang
Quyết liều một trận chiến trường ba quân
Muốn cho được chữ ái ân
Tuyền quyền vai gánh trung cần đế vương
Vua sai bộ sứ tiếp sang
Quan tài phong kín đón đường kéo ra
Con con cháu cháu hằng hà
Mừng lấy được xác Điền Châu đem về
Tướng tài can đảm cũng ghê
Làm đền phụng sự tức thì Đống Đa
Các chú thác xuống Diêm La
Bắc Nam đôi ngả trẻ già cùng thương
Cơm dày áo nặng nhà vương
Bõ công gối đất nằm sương bao đành
Thác ở chiến trận nên danh
Về thời vua giết chẳng lành được đâu
Chú thì thác ở đầu cầu
Chú thì tự vẫn đâm đầu xuống ao
Ai ai trông thấy thương sao
Lập đàn chẩn tế mà kêu cô hồn
Gọi là mảnh áo thoi vàng
Ít nhiều làm của ăn đường sính thiên
Khuông phù tín chủ bình an
Gái trai già trẻ thiên niên thọ trường.

—o—

TẾT NGUYÊN TIÊU 15/1

Chém tre đan nón ba tầm
Để cho chị đội qua rằm tháng giêng
Tình nhân ghé nón đi qua
Đôi hàng nước mắt nhỏ ra ròng ròng
Thà rằng chẳng biết cho xong.

—o—

Cái nón ba tầm, cái nón ba tầm
Quai thao mỏ vịt, bịt bạc là nón ba tầm
Anh cho em đội qua rằm tháng giêng

—o—

Cả năm một rằm tháng Bảy
Cả thảy một rằm tháng Giêng

—o—

LỄ HỘI LÀNG MỌC 11-12/2

Làng Mọc mở hội tháng Hai
Rước hôm mười một, mười hai rõ ràng
Nhất vui mở hội năm làng
Để cho thiên hạ phố phường vào xem.

Nào là hương án, long đình
Phường bồng, phường trống rập rình theo sau…
Tàn vàng quạt vả sánh bầy
Đuôi nheo phấp phới, cờ bay hằng hà.

Tháng Hai, có hội 5 làng vùng Mọc, các làng đó bây giờ thuộc phường Nhân Chính và phường Trung Văn, quận Thanh Xuân

—o—

HỘI NHẬT TẢO THÁNG 2

Bao giờ cho đến tháng Hai
Nhật Tảo mở hội cho trai ra đình

Hội chùa Hàm Long – 10, 11, 15/2

Ba năm mở hội một lần
Tiếng đồn nô nức xa gần đến xem
Hai phố chôn hai dãy đèn
Làm hai cái cổng dưới trên phố Hàm
Làm thêm cái cổng tam quan
Làm nhà tám mái bắc ngang sân chùa
Trong chùa tinh tượng mới tô
Làm nhà tám mái bày đồ hàng ngôi
Dân ta mở hội mồng mười
Mười một rước nước thỉnh kinh lên chùa
Rước nước trên sông Bồ Đề
Thỉnh kinh chùa Đá rước về chùa Mơ

HỘI CHÙA TÂY 6/3

Ấy ngày mồng sáu tháng ba
Ăn cơm với cà, đi hội chùa Tây

—o—

Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy
Vui thì vui vậy, chẳng tày Giã La
Ấy ngày mồng sáu tháng ba
Ăn cơm với cà đi hội chùa Tây

—o—

HỘI LÁNG & HỘI THÀY 7/3

Nhớ ngày mồng bảy tháng ba
Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy

—o—

Nhất vui là hội chùa Thầy
Vui thì vui vậy chẳng tày chùa Mơ

—o—
Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy

—o—
Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy
Vui thì vui vậy chẳng tày Giã La

—o—
Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy
Vui thì vui vậy không tày Chài bơi.

—o—

GIỖ ANH 8/3

Bữa rày mồng tám tháng ba
Chính thức húy nhật, thật là giỗ anh
Bát cơm, đĩa cá, lưng canh
Nắm rau, hạt muối, xin anh hãy về
Vợ này là vợ chính thê
Phải đời chồng trước thì về ngửi hương
Giỗ này hết khó, hết thương
Hết trông, hết đợi, đoạn trường khúc nôi
Hết buồn rồi lại sang vui
Tiết phu tiết phụ như tôi mấy người?
Nhất tuần mời, nhị tuần mời
Ba năm nay tôi không chửa, sướng đời anh chưa?
Bây giờ tôi được, anh thua
Cho tôi sinh năm đẻ bảy, tôi mua cho ngàn vàng
Vợ chồng đồng tịch, đồng sàng
Đồng sinh đồng tử, giỗ chàng hôm nay
Tại nam quy nam! Tại tây quy tây!
Anh đừng về nữa, nỏ có chi đây mà về!

—o—

GIỖ TỔ 10/3

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm.

—o—

Đu tiên mới dựng năm nay
Cô nào hay hát kỳ này hát lên
Tháng ba nô nức hội đền
Nhớ ngày giỗ Tổ bốn nghìn năm nay
Dạo xem phong cảnh trời mây
, Ðà, Tam Ðảo cũng quay đầu về
Khắp nơi con cháu ba kỳ
Kẻ đi cầu phúc, người đi cầu tài
Sở cầu như ý ai ơi
Xin rằng nhớ lấy mồng mười tháng ba

—o—

HỘI BƠI ĐĂM 9-11/3

Làng Đăm có hội bơi thuyền
Có lò đánh vật lưu truyền từ lâu.

Làng cổ nay thuộc xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng Đăm nổi tiếng nghề trồng rau dưa. Lễ hội đua thuyền truyền thống trong các dịp hội làng vào tháng ba âm lịch cũng là một nét văn hóa đặc sắc của làng.

Hội bơi Đăm diễn ra từ mùng 9-11/3 âm lịch, gắn liền với di tích miếu Tây Đam, đình Đăm và đình Trung Tựu.

BÃO GIÁP THÌN 16/3

Năm Thìn mười sáu tháng ba
Gặp một trận bão cửa nhà tan hoang

—o—

LỄ HỘI THẬP TAM TRẠI 23/3

Nhớ ngày hăm ba tháng ba
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Kinh quán, cựu quán đề huề
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây

—o—

HỘI KHÁM 7/4

Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu
Mồng chín đâu đâu trở về hội Gióng

—o—

Râm râm hội Khám, u ám hội Dâu, vỡ đầu hội Gióng.

HỘI DÂU 8/4

Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu
Mồng chín đâu đâu trở về hội Gióng

—o—

Râm râm hội Khám, u ám hội Dâu, vỡ đầu hội Gióng.

HỘI GIÓNG 9/4

Ai ơi mồng chín tháng tư
Không đi hội Gióng cũng hư mất đời

—o—

Tục truyền mồng tám tháng Tư
Không xem hội Gióng cũng hư mất đời

—o—

Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu,
mồng chín đâu đâu cũng về hội Gióng.

—o—

Râm râm hội Khám, u ám hội Dâu, vỡ đầu hội Gióng.

Mùng tám tháng tư

Muốn ăn lúa tháng mười,
Trông trăng mùng tám tháng tư.

TẾT ĐOAN NGỌ (5/5)

Len lét như rắn mùng năm

—o—

Ai lên Trung Phước, Đèo Le
Làm ơn cho gởi nắm chè mùng năm

—o—

Chưa ăn bánh tết Đoan Dương
Áo bông chẳng dám khinh thường cởi ra

—o—

Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè
Tháng tư đong đậu nấu chè
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng năm
Tháng sáu buôn nhãn bán trâm
Tháng bảy ngày rằm, xá tội vong nhân
Tháng tám chơi đèn kéo quân
Trở về tháng chín chung chân buôn hồng
Tháng mười buôn thóc, bán bông
Tháng một tháng chạp nên công hoàn thành.

—o—

VU LAN 15/7

Cúng bái quanh năm không bằng rằm tháng Bảy

—o—

Cả năm một rằm tháng Bảy
Cả thảy một rằm tháng Giêng

—o—

Vu Lan tháng bảy ngày rằm
Lòng con hiếu thảo ghi lòng chớ quên

—o—

LỄ HỘI CHỌI TRÂU ĐỒ SƠN 10/8

Dù ai buôn đâu bán đâu
Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mồng mười tháng tám trở về chọi trâu

—o—

TRUNG THU 15/8

Không tiền mặt ủ mày chau
Có tiền cái mặt như rằm trung thu

—o—

Xin anh nghĩ lại kẻo nhầm
Lòng em vằng vặc như rằm giăng thu
Giăng trung thu còn có khi mờ
Lòng em vằng vặc bao giờ cho phai

—o—

Chợ Bưởi ngày chín, ngày tư
Riêng một tháng tám lại dư phiên rằm
Ai ơi nhớ lấy kẻo nhầm
Đi mua hoa quả chơi rằm trung thu.

—o—

Dù ai buôn đâu bán đâu
Mười lăm tháng tám phường trâu sẽ về

Theo Địa chí Vĩnh Phúc (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2012): Chợ Giang xưa là chợ trâu, phiên chính vào ngày rằm hàng tháng, đông nhất vào rằm tháng tám.

—o—

Phụ mẫu sanh em ra
Nước da em trắng, cặp chân mày ngay ngắn
Khéo nắn cái bánh nó tròn
Cha mẹ anh sanh anh ra
Sắm cho anh một cái nĩa vàng
Chờ cái bánh trung thu em đem tới
Thì cái nĩa vàng anh đâm vô

—o—

Lẳng lặng mà nghe
Tôi nói cái vè
Vè các thứ bánh
Mấy tay phong tình huê nguyệt
Thì sẵn có bánh trung thu
Mấy ông thầy tu
Bánh sen thơm ngát
Ai mà hảo ngọt
Thì có bánh cam
Những kẻ nhát gan
Này là bánh tét
Còn như bánh ếch
Để mấy ông câu
Hủ lậu từ lâu
Thì ưa bánh tổ
Mấy tay hảo võ
Bánh thuẫn sẵn sàng
Các thứ bánh bàn
Kính như chấp bút
Ai năng thống phúc
Nên đụng bánh gừng
Còn bánh ếch trần
Cu li chia lấy
Kẻ nào trồng rẫy
Thì sẵn bánh khoai
Mấy gã uống say
Bánh men rất quý
Này bánh bao chỉ
Để các thợ may
Má phấn bông tai
Thì ưa bánh dứa
Những người thổi lửa
Thì có bánh phồng
Bánh kẹp bánh còng
Để cho đạo tặc
Còn bánh quai vạc
Đạo chích muốn ăn
Ai thích thoát giang
Thì ăn bánh lọt
Trôi nước rất ngọt
Để các thuyền chài
Dầm mưa hoài hoài
Thì ăn bánh ướt
Bất toại vô chước
Thì ăn bánh bò
Những kẻ hay lo
Ăn bánh tai yến
Ai ham trồng kiểng
Có bánh bông lan
Còn như bánh tráng
Để hạng trai tơ
Mấy ả giang hồ
Bánh bèo sẵn đó
Ai mà mặt rỗ
Thì bánh chôm chôm
Tay xách nách ôm
Bánh bao khá ních
Mấy tay hàng thịt
Da lợn để dành
Còn trã bánh canh
Để ba chú lính
Chủ nhân Lục tỉnh
Thì có bánh in
Đầu bếp mấy tên
Phải ăn bánh rế
Này là bánh nghệ
Cho chị nằm nơi
Kẻ dệt lụa tơ
Bánh tằm sẵn để
Còn như bánh quế
Mấy đấng y sanh
Tọc mạch rành rành
Thì ăn bánh hỏi
Hễ là thầy bói
Thì ăn bánh quy
Mấy ổ bánh mì
Cho nhà nho nhã
Quảng Đông mấy gã
Ăn bánh cà na
Béo thịt thẳng da
Thì ăn bánh ú
Rộng đường mấy chú
Như để sẵn đây
Phật giáo mấy thầy
Xin ăn bánh cúng
Phận tôi lúng túng
Trái đất tôi giành
Ai có lanh chanh
Tôi cho bánh khọt

 

 

 

 

 

TẾT TRÙNG CỬU 9/9

Mồng chín tháng chín có mưa
Thì con sắm sửa cày bừa làm ăn
Mồng chín tháng chín không mưa
Thì con bán cả cày bừa đi buôn.

—o—

RẰM THÁNG CHÍN 15/9

Muốn ăn cơm chăm
Ném mạ rằm tháng chín
Lúa cấy tháng chạp
Đạp gốc mà gặt

—o—

RẰM THÁNG MƯỜI 15/10

Đúc bầu, đúc bí
Bí cội, bí ngọn
Leo cây leo cối
Leo tới leo lui
Đến rằm tháng mười
Các anh các ả
Treo cả mi lên
Chặt tay chặt chân
Trái mô già thì rụng

—o—

NGÀY RƯƠI (20/9, 5/10, 30/12 )

Tháng chín đôi mươi
Tháng mười mùng năm

—o—

Dù ai buôn bán trăm nghề
Ba mươi tháng chạp nhớ về vớt rươi

—o—

CHỢ PHIÊN

CHỢ BƯỞI – MÙNG 4, MÙNG 9, RẰM TRUNG THU

Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
Rủ nhau đi chợ nên duyên đèo bòng
Ngày tư, ngày chín em mong
Buồng cau, con lợn bận lòng anh lo.

—o—

CHỢ GIANG (CHỢ TRÂU) – RẰM

Dù ai buôn đâu bán đâu
Mười lăm tháng tám phường trâu sẽ về

Theo Địa chí Vĩnh Phúc (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2012): Chợ Giang xưa là chợ trâu, phiên chính vào ngày rằm hàng tháng, đông nhất vào rằm tháng tám.

—o—

CHỢ NGỌC HÀ RẰM

Ngày rằm đi chợ mua hoa
Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua

—o—

CHỢ YÊN QUANG RẰM

Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua

—o—

Hỡi cô đội nón ba tầm
Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yên Hoa anh đợi hoa nàng mới mua

—o—

Trên đê Cố Ngự, nhớ chữ đồng tâm
Hỡi cô đội nón ba tầm
Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yêu hoa, anh đợi hoa nàng mới mua

—o—

 

 

 

 

 

Chia sẻ:
Scroll to Top