MẪU LIỄU HẠNH & QUẢNG CUNG CÔNG CHÚA
Đền thờ mẫu Liễu Hạnh trong lần giáng hoá đầu tiên được gọi phủ Quảng Cung. Trước khi đầu thai, bà Công Chúa con của Cha Trời. Vậy bà chính là hoá thân của Quảng Cung Công Chúa. Chúng ta hãy cùng so sánh sự tích Quảng Cung Công Chúa với sự tích của Mẫu Liễu Hạnh trong lần giáng hoá đầu tiên, để thấy rõ ràng hai người này là một người.
Căn cứ vào Tiên Phả Dịch Lục, Quảng Cung Linh Từ Phả Ký, Quảng Cung Linh Từ Bi Ký và Cát Thiên Tam Thế Thực Lục hiện đang lưu giữ ở địa phương do Ban quản lý Di tích – danh thắng của tỉnh Nam Định sưu tầm và một số tài liệu trong Hội đồng khoa học lịch sử Nam Định thẩm định, thân thế và sự tích Mẫu Liễu Hạnh trong lần giáng hoá đầu tiên như sau
– Vào đầu thời nhà Hậu Lê, tại thôn Quảng Nạp, xã Vi Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam, có ông Phạm Huyền Viên, người xã La Ngạn kết duyên cùng bà Đoàn Thị Hằng, người ấp Nhuế Duệ, cũng xã Vi Nhuế (nay là thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).
– Hai ông bà là những người hiền lành, tu nhân tích đức nhưng hiềm một nỗi đã ngoài 40 mà chưa có con. Một đêm rằm tháng hai, ông bà được thần báo mộng là Ông Trời sẽ cho con gái thứ hai là Công chúa Hồng Liên đầu thai làm con, từ đó bà có thai. Trước khi sinh, vào đêm ngày 6 tháng 3 năm Quý Sửu 1433, trời quang mây vàng như có ánh hào quang. Ông Huyền Viên ngồi đợi tin mừng, bỗng như có một nàng tiên từ trong đám mây bước xuống thềm nhà, và bà sinh một bé gái. Vì vậy ông đặt tên con là Phạm Tiên Nga.
– Phạm Tiên Nga càng lớn càng xinh đẹp, mọi việc nữ công gia chánh đều thành thạo, đảm đang. Đến năm 15 tuổi đã có nhiều người đến dạm hỏi nhưng nàng đều khước từ vì nàng còn phải ở nhà chăm sóc cha mẹ già yếu, canh cửi quán xuyến công việc gia đình.
– Ngày 10 tháng 10 năm Nhâm Ngọ (1462), cha của nàng qua đời. Hai năm sau mẹ của nàng cũng về nơi tiên cảnh. Phạm Tiên Nga đã làm lễ an táng cha mẹ ở phía đông nam phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn La Ngạn, ở đây có đền thờ cha và mẹ của Phạm Tiên Nga).
– Sau ba năm để tang cha mẹ, lo mồ yên mả đẹp, Phạm Tiên Nga bắt đầu chu du khắp nơi làm việc thiện (lúc này Tiên Nga vừa tròn 35 tuổi).
– Bà đã ủng hộ tiền của và công sức giúp dân đắp đê ngăn nước Đại Hà từ bên kia phía núi Tiên Sơn (nay là núi Gôi) đến Tịch Nhi (nay chính là đường đê Ba Sát, nối Quốc lộ 10 chạy dọc xã đến ngã ba Vọng. Đây cũng chính là con đường nối di tích Phủ Dầy với Phủ Quảng Cung).
– Cùng với việc đắp đê, bà còn cho làm 15 cây cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu, khai khẩn đất ven sông, giúp tiền bạc cho người nghèo, chữa bệnh cho người ốm, sửa đền chùa, cấp lương bổng cho các vị hương sư, khuyên họ cố sức dạy dỗ con em nhà nghèo được học hành.
– Năm 36 tuổi, bà đến bờ Sông Đồi dựng một ngôi chùa trên mảnh vườn nhỏ, đặt tên là Chùa Kim Thoa. Bên trên thờ đức Nam Hải Quan Thế Âm Bồ Tát, bên dưới thờ cha và mẹ.
– Sau đó hai năm, bà tới tu sửa chùa Sơn Trường, Ý Yên, Nam Định, chùa Long Sơn, Duy Tiên, Hà Nam chùa Thiện Thành ở Đồn Xá, Bình Lục, Hà Nam. Tại chùa Đồn Xá, bà còn chiêu dân phiêu tán, lập ra làng xã, dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.
– Tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1472), bà trở lại chùa Kim Thoa, và tháng 9 năm ấy bà trở về quê cũ cùng các anh chị con ông bác tu sửa đền thờ Tổ họ Phạm khang trang bề thế (nay còn đền thờ ở phía nam xóm Đình thôn La Ngạn). Sau đó bà lại đi chu du ở trong hạt, khuyên răn bà con dân làng những điều phải trái.
– Rồi trong đêm ngày 2 tháng 3 năm Quý Tỵ, thời Hồng Đức (1473), trời nổi cơn giông, gió cuốn, mây bay, bà đã hóa thần về trời. Năm đó bà vừa tròn 40 tuổi.
– Ngay sau khi bà mất, nhân dân xã La Ngạn, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng đã lập đền thờ trên nền nhà cũ, gọi là Phủ Đại La Tiên Từ. Đồng thời quê mẹ của bà là xã Vĩ Nhuế cũng lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của bà, gọi là Phủ Quảng Cung.
Một tích khác trong gian dân thì nói rằng, bà phạm lỗi đánh vỡ chén ngọc của nhà Trời nên bà xuống hạ giới đầu thai, đời đầu tiên lấy tên là Phạm Tiên Nga.
– Tiên là bởi vì bà là Tiên trên Trời, con của cha Trời.
– Chén Ngọc là biểu tượng về phạm vi xứ sở của Ngọc Hoàng, ví dụ như phạm vi của Thái dương hệ. Làm vỡ chén ngọc là phá vỡ phạm vi xứ sở của Ngọc Hoàng. Điều này ứng với chữ Phạm trong tên bà.
– Trong tên bà có chữ Nga, trong tên cha bà có chữ Huyền, trong tên mẹ bà có chữ Hằng, là ba từ dùng để chỉ trăng. Cha của bà sống ở thôn Quảng Nạp, với chữ Quảng nghĩa là trường âm của mặt trăng.
– Phạm vi của Mặt trăng Thái âm và Mặt trời Thái dương hay Ngọc Hoàng là đối cực với nhau, nghĩa là có người này thì không có người kia, nói cách khác Thái âm Mặt trăng một cách tự nhiên sẽ luôn phá chén ngọc của Thái dương Mặt trời .
– Bà Phạm Tiên Nga mất ngày mùng 3 tháng 3 năm năm 1733 thời vua Lê Thánh Tông, vị vua duy nhất của nước ta với miếu hiệu có cả chữ Quang và chữ Quảng (Sùng Thiên Quảng Vận Cao Minh Quang Chính Chí Đức Đại Công Thánh Văn Thần Vũ Đạt Hiếu Thuần Hoàng đế).
– Thời của Lê Thánh Tông, ngoài cửa Tây của Hoàng Thành được gọi là cửa Quảng Phúc từ thời Lý, ở cửa Nam Lê Thánh Tông cho xây Quảng Văn đình. Ngoài ra thời Lê Thánh Tông, Thăng Long được gọi là phủ Trung Đô rồi phủ Phụng Thiên được chia thành 2 huyện là Quảng Đức và Vĩnh Xương. Quảng Đức nằm về Đông Bắc của Thăng Long. Có thể nói Thăng Long lúc này chính là xứ Quảng. Vua Lê Thánh Tông là người đánh Chiêm Thành, sát nhập xứ Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi) vào Đại Việt. Có thể nói, Đại Việt lúc đó chính là Quảng Đại Việt.
Đạo Mẫu gốc là một đạo rất cổ, có từ trước cả thời Âu Cơ – Lạc Long Quân. Nhưng Đạo Mẫu với hình thức mà chúng ta biết đến như hiện nay hình thành rõ nét nhất từ thời Lê Thánh Tông, với các sự tích và đền phủ liên quan đến Mẫu Liễu Hạnh. Một số người cho rằng Mẫu Liễu Hạnh là Tiên Hương, là mẫu Thượng Thiên, là mẫu Đệ Nhất nghĩa là đứng thứ nhất, nhưng sự tích về phủ Quảng Cung cho thấy rất rõ gốc của bà là Quảng Cung Công Chúa – Mẫu Địa, mà Mẫu Địa lại có gốc là Mẫu Địa Tiên. Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên nghĩa là lần chuyển hoá đầu tiên của mẫu Địa Tiên.
Mẫu Tổ đứng trên cùng trong sơ đồ đạo Mẫu chính là Mẫu Địa Tiên. Vì bản chất của Mẫu Địa Tiên là lưỡng nghi, nên phần Mẫu Địa giữ vận hành được ẩn đi, để Tam Toà Thánh Mẫu giữ cấu trúc hiện ra.
Phải nói thêm rằng, tên nôm của phủ Quảng Cung là phủ Nấp, tên nôm của phủ Dầy là phủ Tránh, bởi vì bản chất gốc của tính nữ luôn là âm, là ẩn, chứ không phải mấy thứ hình thức hào nhoáng mà thờ cúng hiện nay trưng ra. Phủ Quảng Cung, phủ gốc đầu tiên của chuỗi đền phủ liên quan đến Mẫu Liễu Hạnh luôn là phủ vắng nhất, đúng như tên của nó, còn phủ Dầy được đặt lại tên là phủ Chính, chắc nghe như vậy quan trọng hơn.
Từ xứ Ngũ Quảng trở vào nam, mẫu Địa Tiên được biết đến như mẫu Xứ sở hay gọi theo cách của người Việt là bà Đen, theo cách của người Chăm là Po Nagar hay Thiên Y A Na. Mẫu Địa Tiên – Bà Đen được thờ ở khắp miền Trung và miền Nam, theo sự chuyển hoá của bà tại từng vùng đất, như bà Đen ở núi Bà Đen, bà Rá ở núi bà Rá, bà Chúa Xứ núi Sam ở An Giang và bà Rịa ở Bà Rịa Vũng Tàu.
GIA ĐÌNH CỦA QUẢNG CUNG CÔNG CHÚA
Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh không nói rõ khi còn ở trên trời, mẹ của bà là ai, mà chỉ nói bà được hoặc bị cha Trời gửi xuống trần gian đầu thai. Sự tích về Mẫu Địa cũng vậy, chỉ nói bà đi từ trên Trời xuống mà không nói rõ ràng về việc lúc còn trên Trời thì bà là ai và bà làm gì. Tuy nhiên sự tích thần Hậu Thổ đã nói rõ về xuất thân của Quảng Cung Công Chúa.

Rất lâu trước kia, trên đại địa rộng lớn, Mẹ Hậu Thổ sinh ra một cặp song sinh – một nam nhi và một nữ nhi, gọi là “Song Diêm Ma La Vương”. Diêm La, người con trai, nổi tiếng với tinh thần điềm đạm và lòng đức hạnh. Ngược lại, Muội Diêm Ma, người em gái, được biết đến với tính cách nổi loạn và bất trị, sự nổi đan khét tiếng của nàng khiến cả quỷ thần cũng phải kinh sợ

Trong quá trình vận động không ngừng của lịch sử hưng vong, Diêm La đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, từ cuộc chiến tranh giành vị trí trong cõi âm, đến việc đồng sáng lập nên Thập Điện Diêm La cùng các vị minh vương khác, và cuối cùng là sự giác ngộ trong Phật Pháp. Chàng quyết định xuống tóc đi tu, hóa thân thành Địa Tạng Vương Bồ Tát, với lời thề sẽ bảo hộ chúng sinh đến khi địa ngục không còn một hồn ma.

Muội Diêm Ma, kế thừa những bí thuật cổ xưa từ quyền năng vu tổ của Mẹ Hậu Thổ, nàng đã nối ngôi trở thành Địa Mẫu, quản lý nữ giới. Nàng đã sử dụng bóng của mình để tạo ra các quỷ sai và đặc biệt là Hắc Long – quái thú hình rồng mạnh mẽ, biểu tượng cho sức mạnh và bí ẩn của vu thuật, liên kết với những vị quân vương tham vọng và những nghi thức cấm kỵ.

Muội Diêm Ma sau khi tái sinh ở Việt Nam đã mang theo kiến thức vu thuật của mình, đóng góp quan trọng vào tín ngưỡng hầu bóng, nơi bà được tôn vinh dưới danh hiệu “Địa Tiên Thánh Mẫu”, hay “Quảng Cung công chúa”.