Từ khi quan tâm đến đình làng, tôi đã đi một loạt đình một cách có hệ thống tại nơi tôi ở và nơi tôi đến. Hình hài quê hương đất nước dần dần hiện rõ theo từng bước chân đi.
Nhớ đến câu thơ ngày bé đã đọc “Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”, tôi chợt thấy buồn cười về những con người mất gốc như chúng ta, khi cho rằng có thể hiểu quê hương qua sách vở. Quê hương là mảnh đất nơi chộn nhau cắt rốn, là nơi ngôi nhà của ta ở đó, và nơi thân xác ta tan rã lại trở về. Quê hương là trang sách trên làn da của mẹ Trái đất mà các dòng chữ trên đó là cuộc đời của chúng ta.
Thành hoàng làng là vị thần bảo vệ mảnh từng mảnh đất quê hương. Thành hoàng hiện thân cho tinh thần bảo vệ không gian, bảo vệ lãnh thổ. Sự gắn bó của mỗi người dân với ngôi làng chính nền tảng cho tình yêu và sự bảo vệ quê hương đất nước.
Hệ thống đình vừa giản dị vừa phức tạp và kỳ diệu trên khắp đất nước Việt Nam, mà các đời vua và các đời dân cùng nhau bảo vệ và gìn giữ chính là hiện thân cho tinh thần dân tộc gắn liền với tinh thần quốc gia.
Vua nhất thời, dân vạn đại, các triều đại lần lượt thay thế nhau, các vị thần giữ các làng quê vẫn đứng đó cùng với người dân. Một nghìn năm Bắc thuộc, các cuộc chiến tranh, các cuộc lật đổ, và chủ nghĩa thực dân, để lại dấu vết trong khắp đất nước, nhưng chừng nào người dân còn gắn bó với làng quê, còn hướng về thành hoàng làng, thì đất nước vẫn còn, dân tộc vẫn trường sinh.
Nếu dân làng không còn hướng về thành hoàng làng, không còn tập hợp ở đình làng, thì sự bảo vệ không gian của ngôi làng sẽ bị suy. Làng có thể bị đe doạ bởi trộm cướp, làng có thể bị mất đất, mộ và nhà dân có thể bị xâm hại, đền miếu và các điểm thờ cúng của làng của dân có thể bị chiếm, bị thao túng, chuyển thành điểm mê tín tà thuật …
Làng là ngôi nhà chung, là thân thể chung của người dân, khi đình làng bi xâm hại, đời sống của người dân không thể không bị tổn thương, như là hê miễn dich bị suy yếu thì cơ thể sẽ đe doạ bởi virus, vi trùng và các tai nạn thân thể lớn nhỏ vậy.
Với tôi, thành hoàng làng là hiện thân của linh hồn của từng làng quê. Linh hồn đất làng, mà thành hoàng làng là đại diện cổ xưa như lich sử Trái đất. Đình làng này có thể xây vào thời Lý, đình làng kia có thể cải tạo vào thời Trần, nhưng đó chỉ là thời điểm mà thành hoàng làng, vị thần luôn ẩn trong đất làng hiện hữu với người dân. Có những ngôi làng mà đình đã bị phá hay không có đình, nhưng vị thần đất thì luôn ở đó cùng mọi sinh vật trên đất làng, với người dân làng và với thăng trầm của lịch sử của đất nước và dân tộc.
Thành hoàng làng chính là ông vua của mô đất của mẹ Trái đất, đối xứng của hai ông vua không gian khác là
– Vua của các quốc gia
– Ngọc Hoàng Thượng Đế, vua của trật tự không gian hợp nhất.
Khi đến một mảnh đất bất kỳ, nếu được tôi sẽ chọn đình để vào đầu tiên. Vị trí đình cho tôi một cách nhìn đầu tiên về cấu trúc đất của ngôi làng. Qua cổng làng rồi vào đình làng giống như là đi vào cổng nhà rồi vào gặp được chủ nhà vậy. Đến một ngôi làng mà không biết thành hoàng làng giống như đến nhà hoang, đến nhà vô chủ, đến nhà mà không gặp ai. Nếu thành hoàng làng là một vị thần, một vị thánh tôi đã từng gặp ở đình đền nơi khác, tôi sẽ có cảm giác tôi không phải là người xa lạ, đất làng không còn đất khách quê người. Còn nếu thành hoàng làng là vị thần, vị thánh mà tôi chưa từng biết, thì càng cần đến đình làng, đọc tích về thành hoàng làng, để xin phép thành hoàng làng được thăm làng.
Tích về thành hoàng làng cho tôi thấy được nhiều đặc điểm tự nhiên và lịch sử xã hội cổ xưa của ngôi làng. Rất nhiều tích làng liên quan đến lịch sử liến tạo những vùng đất rộng lớn trải dài qua nhiều tỉnh thành phố và đôi khi là lịch sử kiến tạo của cả Trái đất. Có lần tôi đến một đình làng ở ngã 3 sông, trình bày mãi tôi mới được một bác trông đình dở một tờ giấy viết để đọc tích về thành hoàng làng do bác chép tay dịch từ bản gốc. Nghe tích làng, tôi có cảm giác như đây là câu chuyện về kiến tạo của con sông chảy qua làng. Mẹ của thành hoàng làng được thờ ở đền Mẫu, trong tích nói quê mẹ của thành hoàng làng là một tỉnh bên kia sông Hồng. Ở đình làng tôi xin được hiểu về tích làng, tôi rơi vào khung cảnh kiến tạo thửa xa xưa của mẹ nước và cha núi.
Tên của thành hoàng làng thường rất dài và phức tạp, thể hiện quyền năng và chức năng của Thành hoàng làng. Thành hoàng là chủ nhân của làng, tên của thành hoàng là mật trú bảo vệ ngôi làng, nên có lúc tên thành hoàng làng được giữ bí mật, chỉ có vi chủ tế biết và đọc ra trong ngày lễ của thành hoàng làng mà thôi.
Nhưng cũng có những vị thành hoàng làng thực sự vô danh, không tên không tích, như thành hoàng làng nơi tôi sống. Người dân làng tôi chỉ biết đình thờ 3 vị thành hoàng làng mà không có bất kỳ manh mối nào về họ. Một trong những nguyên nhân của sự vô tên và vô tích của đình làng tôi chính là vì sự vĩ đại ngoài sức tưởng tượng của những vị thành hoàng làng tôi, mà bất kỳ cái tên nào dù ngắn hay dài cũng không thể diễn tả nổi, vì đất làng tôi là một bản thổ gốc của Trái đất từ thủa khai thiên lập địa. Tên của 3 vị thành hoàng tôi hoà vào nhau chính là một tần số gốc của Trái đất, mà chỉ có những con người có tình yêu với gia đình, với Trái đất mới nghe được.
Vì tôi thường đi thăm đình làng vào ngày thường khi tôi có thời gian rảnh, không trùng vào dịp lễ hội. Thế là, tôi thường hỏi ông từ về cách rước lễ của hội làng và thả bước chân mình theo. Cách vận hành đặc trưng của ngôi làng có thể được cảm nhận khi hoà bước chân mình vào dòng chảy của lễ hội. Không có một tour du lịch nào vòng quanh làng nào có thể ý nghĩa bằng việc đi theo một buổi rước lễ của hội làng. Tham gia vào lễ hội làng là được chìm vào cảm xúc của thành hoàng làng và cảm xúc của người dân với mảnh đất làng. Nhưng đi dạo theo tuyến đường rước lễ vào một ngày bình thường, đôi khi cảm giác như được song hành một mình với thành hoàng làng, và hoà hơi thở của mình vào hơi thở của đất.
Đường biên làng là giới hạn thân thể của làng, đình làng là trái tim của làng, mà hơi ấm và hào quang của nó bao trùm không chỉ toàn bộ mảnh đất mà toàn bộ sinh vât của làng trong đó có người dân làng.
Đình làng là ngôi nhà đẹp nhất, ngôi nhà quan trọng của làng, một chuẩn mực về nhà ở mà người hiện đại khi những ngôi xây nhà đắt tiền không làm được.
Những làng nào giữ đước cấu trúc tổng thể “cây đa, giếng nước, sân đình của đình làng thì bằng cách nào đó họ cũng giữ được mach nguồn dòng họ và hơi ấm gia đình.
– Trước đình với mảnh sân rộng đủ đủ cho dân làng bao gồm những người làm ăn xa có thể tập hợp về đó trong vòng tay của thành hoàng làng, sau mỗi buổi làm việc và trong dịp lễ hội. Ở sân làng, trẻ con chơi, người già đánh cờ, thanh niên tụ tập, chim thú cũng thích ghé qua ….
– Trước đình làng thường có mạch nước, hoặc là ao làng, hoặc là giếng làng, hoặc là sông chảy qua làng. Đó là mạch nguồn dưỡng nuôi cả làng. Thành hoàng làng là cha, nước nguồn là mẹ.
– Cây ở đình làng thường là những cây cổ và đẹp nhất. Cây là một phần không thể tách rời khỏi đình làng.
Tất cả những cái cây quan trọng của làng thật ra đều nằm trên mạch huyệt của làng, và góp phần mở rộng và bảo vệ chu vi năng lương hay hào quang của đình làng. Những cái cây ấy là những người dân làng đặc biệt, là ông từ trông đình đặc biêt, có quan văn quan võ đặc biệt giúp việc cho thành hoàng làng. Những cái cây đấy đôi khi chính là hoá thân của thành hoàng làng. Có lần tôi đến thăm một ngôi đình làng nằm trong phố cổ, nên bi thu hẹp. Đình đóng cửa nên tôi đứng ngoài bái vọng, và tôi gặp được thành hoàng làng, hiện thân trong cây đa rất to ở ngoài đường, ngay cạnh chỗ tôi đứng. Bác thành hoàng làng, bác đa bảo tôi rằng bác thích ở ngoài này hơn. Chắc là ngày xưa ngôi nhà của bác rông lắm, may mà bây giờ bác vẫn còn bầu trời và con đường để hít thở không khí tự nhiên.
Đình làng là ngôi nhà mà thành hoàng làng làm việc. Làng nào có nghè thì nghè sẽ là nhà riêng của thành hoàng làng, làng nào chỉ có đình thì phòng riêng của thành hoàng làng là hâu cung. Nói chung hâu cung đặt đằng sau gian chính. Hậu cung đình làng vừa đăt phía sau vừa đặt trên cao gợi ý về chất khí của thành hoàng làng. Tiền tế là phòng đón khách. Còn nếu chúng ta muốn gặp gỡ trình bày công việc gì với thành hoàng làng thì chúng ta nên đứng ở gian giữa. Đó là phòng làm việc của thành hoàng. Phương đình cũng là nơi làm việc và phòng khách nhưng dành cho các vị khách đặc biệt, trong thế giới của các vị thần, mà thường là tinh thần thiên nhiên. Phương đình của đình làng giống như ban thờ trời, ban thờ thiên của một ngôi nhà.
Không phải thành hoàng làng nào cũng có mộ ở làng. Mộ thành hoàng làng có lúc ở một khu vực riêng, có lúc nằm trong quần thể đình, có lúc nằm luôn trong hậu cung. Những vị thành hoàng làng có thể là nhiên thần, thiên thần, người trời … mà khi hoá không để lại xác và mộ. Những thành hoàng làng có mộ đều là nhân thần, đều đã từng là dân làng, như chúng ta. Gặp thành hoàng làng ở mộ là trải nghiêm rất đặc biệt, mang tính cá nhân, mang tính con người. Thăm mô thành hoàng làng cũng là thăm mộ cụ tổ, thăm mộ một người thân vô cùng xúc động.
Một ngôi làng đích thực luôn có nghĩa trang, dành cho dân làng. Sinh tử là một vòng tròn khép sinh của môt hệ sinh thái. Một ngôi làng đích thực chính là một hệ mô của cơ thể sống, một hệ sinh thái.
Chúng ta thường nghe nói rằng đình làng xây theo chữ này chữ khác, nhưng đó chỉ là hình tướng bên ngoài. Hình gốc của mọi ngôi nhà đình làng là chữ Công, trong bộ ông bà đầu nhau gồm ông Công, ông Táo, bà Thị. Chữ Công này cũng là chữ công trong từ công việc, công quyền, công trạng, công đức, công tác, công cộng, công công … Thành hoàng làng là môt vị nằm trong hệ thống công quyền của hệ thống quản trị và tự quản trị của các vị thần Trái đất. Thành hoàng làng thường xuyên là người có công trạng và được vua ban sắc phong. Tiền chúng ta đóng góp để xây dựng đình làng goi là tiền công đức.
Đình làng là nơi dân làng họp bàn công việc chung và ra các quyết định chung liên quan đến sinh hoạt xã hội của người dân. Đình làng là nơi dân làng thông qua hương ước là, là quy định và cam kết chung của người dân làng liên quan đến ma chay, cưới hỏi và các nghĩa vụ liên quan đến bảo vệ đất đai của làng cũng như sinh hoạt của người dân.
Có câu “nhà có nóc”, đình làng chính là nóc nhà của ngôi làng, cho nên “qua đình ngả nón trông đình”. Hành động này giống như đứa con có hiếu vào nhà bỏ mũ chào bố mẹ, giống như vị khách có kính lễ, bỏ mũ trước khi vào nhà gặp chủ nhà, nóc của ngôi nhà.
Quan hệ của bản mệnh gồm ông Công với ông Táo và bà Thị của mỗi mảnh đất làng khác nhau, dẫn đến những kiêng kỵ rất khác nhau giữa các ngôi làng, trong đó có kiêng kỵ về việc có cho hay không cho phụ nữ vào đình làng, đặc biệt vào hâu cung. Mẹ và vợ của thành hoàng có thể được thờ chung với thành hoàng làng ở trong đình hoặc được thờ riêng ở đền Mẫu và thường ở nơi gần nước, còn đình làng lại giống như một nơi chứa ngọn lửa trung tâm của làng. Cho nên một số nơi để giữ lửa cho đình làng, phụ nữ không nên vào hậu cung. Tuy hiếm, nhưng vẫn có thành hoàng làng là nữ, có nhiều đình mà vợ và mẹ của thành hoàng làng đều thờ trong hâu cung, “ông từ” của đình là nữ. Sự khác biệt giữa làng này và làng khác là một vấn đề phong thuỷ hơn là hủ tục kỳ thị phụ nữ. Phong thuỷ là cái gốc của phong tục và cả hai đều có thể thay đổi, như bất kỳ cái gì của cuộc sống.
Mảnh đất cũng thần thành và con người đều vân hành qua sinh và tử. Ngày sinh, ngày mất của thành hoàng làng đều là ngày lễ lớn của cả ngôi làng. Nó nhắc nhở dân làng về vòng xoay sự sống, về cuộc đời từ lúc sinh ra và hoá của thành hoàng làng, mà gắn với cuộc đời có sinh và tử của mô đất làng.
Cuộc đời của thành hoàng làng về bản chất cũng không quá khác biệt với cuộc đời mỗi người dân làng. Câu chuyện về sự sinh và hóa, vừa kỳ diệu vừa rất đơn giản của thành hoàng làng chính là sự hướng dẫn của thành hoàng với dân làng về cách mà họ cần sống như thế nào với mảnh đất làng như với chính thân thể của chính mình.
Không có cái chết, chỉ có sự chuyển hoá vĩnh viễn. Khi một người dân vô cùng gắn bó với làng chết đi, thân thể họ tan về đất làng, và tinh thần của họ sẽ găp được thành hoàng làng và tiên tổ.