CON CÒ MÀ ĐI ĂN ĐÊM

Loading

CON CÒ MÀ ĐI ĂN ĐÊM
—–o—–o—–o—–
CON CÒ LÀ AI ?
Nhiều người Việt Nam biết bài ca dao sau về con cò
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
Vì hình tượng con cò gắn với đồng lúa, nên ngày bé tôi được giải thích rằng con cò là người nông dân vì miếng cơm manh áo mà phải khổ sở đi kiếm ăn đêm, rồi bị bắt và chết trong nồi canh măng nhưng vẫn quyết giữ tấm lòng son.
Tôi thắc mắc rằng tấm lòng son của con cò thì con cò tự đi mà biết, tự đi mà giữ, sao con cò phải vẽ vời nhờ hạng người ăn thịt mình giữ tấm lòng son cho mình. Con cò này nhàn rỗi và hâm dở đến mức mà đến chết vẫn còn bày vẽ muốn trở thành món canh măng xịn, hay con cò này chỉ là nông dân giả hiệu, nông dân hoang tưởng ?
Lớn lên, đọc lại bài ca dao con cò đi ăn đêm tôi vẫn chả hiểu gì cả, cho nên tôi thử sưu tầm thêm các bài ca dao tục ngữ về con cò, mà siêu siêu siêu nhiều và thấy rằng
– Con cò là hình tượng người khí thuỷ, một người phụ nữ kiểu Thuý Kiều hoặc Kiều Nguyệt Nga và một người đàn ông kiểu Kim Trọng hoặc Lục Vân Tiên
– Con bống là hình tượng người thổ thuỷ, chủ yếu là phụ nữ như là cô Tấm
Như với con bống, ca dao, tục ngữ mô tả chi tiết cuộc đời của con cò từ nhỏ đến lớn : ngày bé có mẹ chăm, ngày bé đã thích làm thơ, yêu đương mê trai, được anh này chăm lại bay bổng theo đời sống cá nhân, dại trai rồi đi làm vợ bé, lấy chồng, lấy vợ, chăm vợ, chăm chồng, tiễn chồng đi xa, có con, nuôi con, chăm chỉ kiếm sống, có bạn bè đông, có họ hàng, có làng xóm, già rồi chết đi.
Con cò sống hướng ngoại, rất mạnh về quan hệ cặp đôi mà không chỉ là đôi vợi chồng. Con cò sống rất bay bổng, trong cảm xúc và lý trí. Con cò cởi mở, thích đi lại, thích lắng nghe, thích học hỏi, thích giao tiếp. Con cò đọc sách, con cò nghe kinh. Con cò bay từ chỗ này sang chỗ khác. Con cò có đông bạn, có vài kẻ thù. Con cò cũng rất thực tế, chăm chỉ làm ăn.
– Cái cò là cái cò con
Cái cò là cái cò con
Mẹ nó yêu nó, nó còn làm thơ
Cái cò là cái cò con
Mẹ đi xúc tép, để con ở nhà
– Cái cò giã giò biết bay
Giã giò con cò biết bay
Xương sông, lá lốt làm chay cho cò
– Con cò bay lả bay la : là con cò trưởng thành hơn nhiều so với lúc mới giã giò biết bay, nó mở rộng được không gian sống và quan hệ sống, và ổn định cân bằng được chính nó trong các trạng thái này
Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa tổ bay ra cánh đồng
– Cái cò đọc sách trên cây là con cò đực, vì nó có râu
Con cò đọc sách trên cây
Thấy đàn chim kếu kéo bầy sang thăm
Cò ta vểnh vuốt râu cằm
Kể bao nhiêu chuyện cà rằm cà ri
– Cái cò ngỏng mỏ mà nghe nói chung là con cò cái
Tới đây không hát thì hò
Không phải con cò ngỏng mỏ nghe kinh
– Công anh bắt tép nuôi cò để cò về làm vợ anh
Công anh bắt tép nuôi cò
Cò ăn cò lớn, cò dò lên cây
– Con cò trắng bệch như vôi : Con cò trắng là con cò ngây thơ, trong sáng, đơn thuần, còn con cò trắng bệch là con cò trẻ người non dạ, đặc biệt khi sa đà trong quan hệ nam nữ tay ba phức tạp, thường vì ham thích mới lạ, hơn là vì tình yêu hay trách nhiệm sâu sắc
Con cò trắng bệch như vôi
Đừng nông nổi nữa, đừng lời nguyệt hoa
Cái cò trắng bạch như vôi
Có lấy làm lẽ chú tôi thì về
– Cò bỏ cò bay : Còn cò là người đàn ông chạy làng, không có sự gắn bó tình cảm, không muốn chịu trách nhiệm về quan hệ nam nữ, vợ chồng, con cái, gia đình
Em bắt lươn, lươn bò vô cỏ
Em bắt cò, cò bỏ cò bay
Quen biết nhau chưa được mấy trăm ngày
Duyên xa nợ cách, đắng cay trong lòng
– Bắt cá mà gả cho cò : Con cò là người đàn ông, phụ nữ là con cá
Bắt cá mà gả cho cò,
Nửa đêm con vạc đưa đò rước dâu.
Cưới về buổi sáng hôm sau,
Mẹ cá buồn rầu ngồi gục nỉ non
Thấy cò đang rỉa thịt con
“Cò ơi, cò hỡi… bất nhơn thế này!”
– Con cò gánh gạo đưa chồng
Con cò lặn lội bờ ao
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
– Con cò đi đón cơn mưa
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh.
—–o—–o—–o—–
CÁI CHẾT CỦA CON CÒ
Sau một cuộc đời với bao nhiêu sắc thái, con cò nào đến cuối đời cũng phải chết
Cái cò chết tối hôm qua,
Có hai bát gạo với ba đồng tiền,
Một đồng thuê trống, thuê kèn,
Một đồng mua mỡ đốt đèn thờ vong
Một đồng mua mớ rau rong,
Đem về thái nhỏ, cúng vong con cò.
Con cò chỉ có hai kiểu chết :
– Chết rục trên cây, là cái chết về thân thể của con cò, trong cái tổ của nó, trên cái cây của nó, giữa gia đình và bầy đàn của nó
Con cò chết rũ trên cây
Cò con mở lịch xem ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri ríu rít bò ra ăn phần
Chào mào thì đánh trống quân
Chim chích cởi trần vác mõ đi rao
– Mắc dò trong nước là cái chết về tinh thần, vì chim mà chết chân trong nước không bay lên được, thì còn gọi gì là chim
Con cò mắc dò mà chết
Con quạ mua nếp làm chay
Con cu đánh trống ba ngày
Chào mào đội mũ làm thầy đọc văn
Xóm làng chạy đến lăng xăng
Mua ba thước vải buộc khăn cho cò
Ngày bé, thày cô bảo “con cò đi ăn đêm” bị chết khi nó ngã lộn cổ từ trên cây xuống nước, và bị người bắt làm món cò xáo măng
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Con cò không đi đêm để kiếm ăn, vạc mới là con đi ăn đêm
Làm thân con vạc mà chẳng biết lo
Bán đồng cho cò phải đi ăn đêm
Con người ngã lộn cổ thì trên cành cây xuống thì có thể chết, chứ con cò bay liệng suốt ngày trên trời và đậu cả buổi trên ngọn tre thì chết kiểu này sao được. Con người ngã xuống ao thì có thể chết, chứ con cò suốt ngày mò tôm bắt cá ở ao sao có thể chết dưới ao được.
Ngoài ra, món thịt cò chả nổi danh gì, mà người ta phải lặn lội ban đêm, lúc chả có con cò nào, chỉ có con vạc, để rình bắt con cò.
—–o—–o—–o—–
ĐI ĐÊM LÀ GÌ ?
Có thể nói nếu cô Tấm là con bống, thì cô Kiều là con cò. Nguyễn Du tả Kiều đi đêm để gặp Kim Trọng
Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Ca dao, tục ngữ nói gì về đi đêm ?
Áo gấm đi đêm
Đi đêm có ngày gặp ma
Có trộm mới đi ăn đêm
Ai người tử tế ra đường nửa khuya
Lửa gần rơm không cháy cũng tròm trèm
Mèo không ăn vụng đi đêm làm gì
Đi đêm thì sợ đường lầy
Đi giữa ban ngày sợ mẹ cùng cha
Em có thương anh thì mở quách cửa ra
Để anh bước tới vườn hoa anh ngồi
Chờ cho lửa tắt bếp vùi
Rồi anh mới nói vài lời vân vi
Thương em anh phải đi đêm
Quân canh nó đánh đã mềm như dưa
Con sóc mày trèo cành nho
Anh kia không vợ hay mò đi đêm
Trăng lên khuất bóng cây dừa
Làm thân con gái phải chừa đi đêm
Trời mưa lộp bộp lá dừa
Bợp anh ba bợp cho anh chừa đi đêm
Trong các câu chuyên đi đêm của đàn ông, đàn ông luôn ngã xuống đất mềm, vì đất mềm là biểu tượng của thân thể phụ nữ.
Vì tình anh phải đi đêm
Vấp năm bảy cái, đất vẫn êm hơn giường
Thương em nên mới đi đêm
Té xuống bờ ruộng đất mềm hổng đau
May đất mềm nên mới hổng đau
Phải mà đất cứng ắt xa nhau phen này
– Thương em, anh phải đi đêm
Anh té xuống ruộng, đất mềm không đau.
– Đất mềm nên mới không đau,
Cớ chi đất cứng, xa nhau lâu rồi!
Con cò đi ăn đêm có thể vì nó là con gái và nó mê trai như những người phụ nữ đi đêm khác
Nực cười cái sự con cò
Đương đêm trở dậy đi mò con trai
Nực cười cái sự con trai
Đương đêm trở dậy mà nhai con cò
Đáng tiếc con cò trai đi đêm không thân thể đất mềm của em yêu, và con cò gái đi đêm cũng không gặp con trai anh yêu, mà con cò “đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”, đúng như câu nói “đi đêm có ngày gặp ma”, “gặp tai nạn”, “gặp sự cố” ban đêm.
Nước măng là nước vặt lông măng, với lông măng là lớp lông mịn bên dưới lớp lông vũ. Có câu “mày để tao biết mày làm việc đó, tao vặt lông mày”. Vặt đến lông măng là vặt để làm thịt, vặt để bắt phải chịu tội và phải đền tội đến cùng.
Nước măng là nước rửa oan tình cho cò, vì ca dao có câu
Ác ăn dưa bắt cò chịu tội
Rửa oan tình cò lội nước măng
Con cò xin ông già cho nó được “xáo nước măng” nghĩa là cho nó được vặt lông để rửa oan tình, vì nó chỉ là cò con, yêu đương nông nổi.
Các bài ca dao về đi đêm có lẽ nên dành cho người lớn trải nghiệm và thấu hiểu vào ban đêm, không nên đem đến lớp, cho tập thể học sinh cò con phân tích theo suy diễn mẫu nào đó của thày cô giáo.
Chia sẻ:
Scroll to Top