Ai đi chợ và nấu cơm ? Câu hỏi tưởng đơn giản mà muôn vạn câu trả lời và muôn vạn hoàn cảnh gia đình. Có những câu chuyện rất buồn.
Bố mẹ đi chợ nấu cơm, con ở chung với bố mẹ, về nhà ăn cơm với bố mẹ và rửa bát, cho đến lúc con thuê nhà ở riêng bên ngoài và bắt đầu ăn uống linh tinh. Tự đi chợ một mình, mua một bữa rau cũng thừa, nấu bữa cơm một mình không muốn ăn. Muốn nấu cơm cho hai đứa sống cùng thì thì một đứa chả thiết, nó đi ăn hàng suốt ngày, một đứa luôn đi làm về muộn. Mang tiếng nấu cơm ăn chung nhưng mình nấu hết và mình ăn một mình, nó về sau, ăn sau và rửa bát. Rồi nhiều hôm nó đi ăn với bạn cũng chả báo cho mình, trong khi mình mà đi ăn với bạn thì lại phải báo cho nó hoặc phải xử lý thực phẩm đã mua. Chán nản muốn về sống với bố mẹ.
Bố mẹ đi chợ nấu cơm, con lập gia đình, nhưng vẫn sống cùng nhà với bố mẹ và ăn chung với bố mẹ. Nhịp sinh hoạt của hai vợ chồng khác với bố mẹ, bữa cơm rất khó phối hợp, nên hai vợ chồng muốn tách ra thuê nhà ở riêng. Khi ra ở riêng, chồng con thường xuyên về muộn, con cũng không kỷ luật trong việc về nhà đúng giờ. Có nhiều hôm, con nấu cơm xong cuối cùng ăn một mình. Chán quá con và chồng chuyển sang đi ăn hàng. Thấy chẳng ổn, một thời gian lại quay về tự nấu ăn với nhau, rồi khi nào chán và mệt lại đi ăn hàng. Có hai đứa thôi mà cũng ăn thành hai bữa hoặc đợi nhau thì cơm cạnh nguội lạnh cả. May mà bọn con vẫn còn yêu thương nhau, chứ nếu mà bọn con cãi nhau là con chỉ muốn bỏ về sống với bố mẹ như cũ.
Bố mẹ đi chợ nấu cơm, con ra ở riêng nhưng rồi vẫn về ăn chung với bố mẹ, bởi vì hai vợ chồng đi làm về thử tự đi chợ và nấu nướng một thời gian thì quá tải, con của con thích ăn cơm với ông bà hơn, thế là con lại về ăn cơm với bố mẹ như xưa. May mắn là nhà bố mẹ ở gần, còn nhờ vả được.
Bố mẹ đi chợ nấu cơm, con ra ở riêng và cố gắng nấu ăn riêng, vất vả nhiều năm để ổn định gia đỉnh riêng, lúc này con mới hiểu được những bữa cơm gia đình ngày xưa cùng bố mẹ ngon và quý thế nào. Giờ đi chợ và nấu cơm cũng không ổn định do nhiều việc quá, cháu bé còn nhỏ vẫn còn bú mẹ, làm cho con không thể đủ sức nấu nướng đi chợ nữa. Đến bữa cơm lúc thì con phải trông con nhỏ không ăn được cùng chồng và con lớn, lúc thì chồng bận rộn bảo mấy mẹ con ăn trước.
Bố mẹ đi chợ nấu cơm, con không hợp với bố mẹ nên con muốn thoát khỏi bữa cơm gia đình, cái duy nhất gắn bó con với bố mẹ. Con lấy chồng, bọn con có nhà riêng to đẹp. Con xây cho bố mẹ phòng riêng để nếu bố mẹ có đến thăm thì vợ chồng con và bố mẹ cũng không phải vướng bận gì nhau. Khi con có thai, con mệt rũ. Con không muốn thuê người làm vì con ghét cảm giác chung đụng. Khi con ốm quá một mình trong căn nhà mênh mông, bố mẹ đành sang ở cùng để đi chợ nấu cơm và chăm con. Có tuần dưới quê có giỗ, bố mẹ như được giải phóng kéo nhau về rồi ở quê cả tuần chẳng muốn lên, nhưng rồi lo cho cháu sắp sinh bố mẹ lại cố gắng lên với con. Ngày chưa lấy chồng, chưa mang thai, con nghĩ con là một thế giới riêng độc lập với bố mẹ mà bố mẹ đừng hòng xâm phạm vào thế giới của con. Ngày lấy chồng ra ở riêng con nghĩ con sẽ thoát ra vĩnh viễn khỏi cái bóng bố mẹ phủ lên con. Giờ nằm bẹp một chỗ ở nhà, nhìn bố mẹ ríu rít bên nhau con mới hiểu rằng tình yêu của bố mẹ với nhau là thế giới riêng mà con không vào được, chồng con cũng là thế giới riêng mà con không vào được và con con trong bụng con nhưng nó cũng là thế giới riêng mà con chả hiểu gì về nó. Bữa cơm gia đình con là thế giới chung nhưng mà không do con xây dựng được mà phải nương tựa vào bố mẹ. Con không yêu bố mẹ nhưng hoá ra con rất cần bố mẹ và bố mẹ yêu con nhưng bố mẹ không cần con.
Và một câu chuyện buồn rất dài mà không chỉ của riêng ai.
Bố mẹ đi chợ nấu cơm nhiều năm, con lấy chồng nhưng vẫn ở nhà bố mẹ. Gia đình nhỏ của con làm bữa cơm của bố mẹ rối loạn. Khi con con còn nhỏ, thì con muốn chăm con, nên mẹ phải chuẩn bị đồ cho con ăn riêng. Khi con lớn hơn một chút, chồng con thường xuyên đi làm về muộn, lúc thì bận việc, lúc thì nhậu với bạn, có lúc chồng con về, giữa bữa cơm con và chồng chửi nhau. Đến khi các con của con lớn, con xếp lịch học thêm cho bọn trẻ con vào gia đình nấu nướng và ăn tối, bởi vì con nghĩ lúc đó là tiện nhất. Bữa cơm gia đình lúc này tan nát lắm rồi.
Bố mẹ muốn cả nhà ăn trước rồi để phần cơm cho những người về muộn, nhưng mà bây giờ hơn một người về muộn và nhiều ngày trong tuần có người về muộn. Nếu con ăn cơm với bố mẹ thì không ăn cơm được với chồng con, mà muốn ăn cơm với chồng con thì cơm canh nguội hết. Vì mỗi ngày mỗi người về nhà và ăn cơm một giờ, cho nên dù cố gắng đợi nhau, gia đình nhỏ của con vẫn không có được bữa cơm gia đình.
Sau đó con và mẹ mâu thuẫn về việc đi chợ. Bố mẹ rút khỏi việc đi chợ. Con bận rộn nên đi chợ cho cả tuần. Con thấy thoải mái hơn vì mình làm chủ hết việc gia đình, nhưng mẹ không quen nấu ăn theo thực phẩm con mua chất sẵn trong tủ như thế. Mỗi lần mẹ tự mua thì đều mâu thuẫn với con cho nên mẹ không mua nữa, mà chỉ nấu theo thực phẩm con đã mua sẵn. Mẹ chỉ dùng đi dùng lại một số thực phẩm quen thuộc, bỏ mặc những thứ đắt tiền hoặc đồ đông lạnh. Con bực mình vì thực phẩm mua sẵn mà mẹ không nấu, nên mẹ rút nốt ra khỏi việc nấu ăn.
Con lại chủ động nốt cả việc đi chợ và nấu ăn cho cả gia đình, bố mẹ chỉ việc ăn. Con thì hơi quá tải khi phải chủ động làm hết mọi thứ, nhưng thoải mái hơn là phải phối hợp đi chợ, nấu nướng và ăn uống với bố mẹ.
Rảnh rỗi hơn nhưng sức khoẻ của bố và mẹ theo nhau suy giảm. Con nghĩ con sống rất ổn, bố mẹ già rồi sức khoẻ yếu là bình thường thôi.
Vào thiền thì thấy con không phải là người giữ nhịp ăn uống của gia đình, mà từ bé đến khi lấy chồng, con vẫn dựa vào nhịp của bố mẹ và càng ngày con càng phá nhịp của bố mẹ, thay vì có thể học theo bố mẹ mà làm chủ được gia đình.
Đến khi bố mẹ chuyển giao toàn bộ đi chợ, nấu cơm và bữa ăn cho con, thì vật chất, về tần suất, ngày nào bữa cơm gia đình cũng đầy đủ, nhưng giá trị gia đình thực sự mà bố mẹ gìn giữ thì con hoàn toàn không gánh vác được.
Đáng nhẽ bố mẹ phải tách ra nấu ăn riêng, để bố mẹ không sập theo con, và để con biết rằng con chưa bao giờ có bữa ăn gia đỉnh riêng đích thực như bố mẹ đã có bao nhiêu bữa cơm gia đình cho con, nhưng bố mẹ lại luôn cho rằng cả gia đình phải có nhau nên bố mẹ cố bao bọc con hoặc cho con bao bọc mình.
Cảm giác bố mẹ không sống được lâu nữa, khi bây giờ bố mẹ chả còn gì làm trong gia đình, trong khi ảo tưởng của con về việc mình làm chủ cuộc sống, mình làm được tất cả lại quá lớn. Con không nhận ra con không có năng lực bao bọc gia đình một cách tự nhiên như bố và mẹ đã từng làm.
Bây giờ muốn cứu sức khoẻ bố mẹ, muốn bố mẹ tham gia lại vào việc đi chợ nấu cơm, thì bố mẹ từ chối, bố mẹ muốn con muốn làm gì với đời con và gia đình con thì con làm, bố mẹ già rồi muốn sống nốt những ngày cuối đời đơn giản với nhau như thế này thôi.
Bố mẹ chẳng cần con cứu bố mẹ, vì bố mẹ luôn có nhau và có gia đình của hai người, chỉ có con có chồng, có con, có hàng núi công việc nội trợ và việc cơ quan, nhưng cái cốt lõi của gia đình là tình yêu và bữa cơm hai vợ chồng hoá ra con chưa từng có được như bố mẹ đã có.
Anh ấy ở rể vì bố mẹ hơn là vì con. Anh ấy cãi nhau nhiều với con nhưng vì bố mẹ mà anh ấy nhịn. Nếu anh ấy không ở rể chắc gia đình con đã nát tan lâu rồi, nhưng cũng có thể nếu như vậy thì con đã không ảo tưởng về bản thân và gia đình riêng của mình lâu đến như vậy.