CAO BIỀN
Cao Biền là người đa năng, phức tạp, đóng nhiều vai
– Làm vua, làm vương cai trị một xứ : Cao Vương, Bột Hải quận vương
– Làm thái thú :
– Làm thái uý : Kiểm giáo Thái úy
– Làm quốc công : Yên quốc công
– Làm tướng, quan võ : Chư đạo Hành doanh binh mã Đô thống,
– Làm văn sỹ, nho sinh : Thiên Lý, Lạc Điêu thị ngự
– Làm quan văn
– Làm đạo sỹ, làm thày địa lý, làm kẻ yểm bùa
– Làm tiết độ sứ
Ông là người Trung Quốc mà cũng là giặc Trung Quốc, làm người Việt Nam, được thờ như thần ở VIệt Nam mà cũng được coi là giặc ở Việt Nam
Ông được biết đến bởi cả dân thường và quan lại.
Cuộc đời sự nghiệp, sống chết của ông đều có màu sắc huyền bí, hư hư, thực thực
—o—o—o—
CAO BIỀN LÀ AI ?
Cao Biền là một nhân vật cụ thể có thực.
Cao Biền là một viên tướng của nhà Đường (Trung Hoa), giữ chức Tiết độ sứ, cai quản Giao Châu (tên gọi của nước ta khi ấy) từ năm 866 đến năm 875. Theo Cựu Đường thư, Cao Biền liệt truyện thì Cao Biền thuộc dòng dõi thế gia, từ bé đã giỏi văn chương, lại có tài võ nghệ. Trong văn hóa Việt Nam có nhiều huyền thoại về nhân vật này như Cao Biền giỏi địa lí, thuật số, thường cưỡi diều bay đi yểm những chỗ có long mạch, hay chuyện Cao Biền rải đậu thành binh…
Có rất nhiều thuyết về cái chết của Cao Biền.
Thuyết Cao Biền bị giết chết : Trong khi đó, Lã Dụng Chi đã ban một sắc lệnh nhân danh Cao Biền để lệnh cho Lư châu[chú 28] thứ sử Dương Hành Mật đem binh đến tăng viện cho mình. Dương Hành Mật tập hợp binh lính Lư châu và Hòa châu và tiến về Dương châu. Liên quân Dương Hành Mật và Lã Dụng Chi sau đó hợp binh với một vài đội quân khác, bao gồm quân của Trương Thần Kiếm. Mặc dù không thể nhanh chóng chiếm được Dương châu, Dương Hành Mật đã đánh bại các cuộc tiến công của Tần Ngạn và Tất Sư Đạc, Tần Ngạn và Tất Sư Đạc bắt đầu tin rằng Cao Biền dùng ma thuật để chống lại họ. Một yêu ni là Vương Phụng Tiên (王奉仙) báo với Tần Ngạn rằng một đại nhân cần phải chết để chấm dứt cực tai của Dương châu, do đó Tần Ngạn đã quyết tâm giết chết Cao Biền. Ngày 24 tháng 9, Tần Ngạn phái tướng Lưu Khuông Thì (劉匡時) đi giết chết Cao Biền, cùng các thân thích là nam giới. Thi thể của họ đều bị ném xuống một hố duy nhất. Sau khi Dương Hành Mật chiếm được Dương châu vào cuối năm đó, ông ta bổ nhiệm tụng tôn của Cao Biền là Cao Dũ (高愈) là Phó sứ, sai đó cải táng Cao Biền và thân tộc. Tuy nhiên, trước khi Cao Biền được cải táng, Cao Dũ đã qua đời, sau đó, thuộc hạ cũ của Cao Biền là Quảng Sư Kiền (鄺師虔) đã thu táng Cao Biền.
Theo sách vở Trung Quốc, Cao Biền vừa có võ vừa có thuật, và vì thế đã thắng nhiều trận, nhưng cuối cùng bị sai giết chết bởi một tay võ biền, được sai bởi một kẻ cho rằng mình đang bị Cao Biền dùng thuật hại ngầm. Nghĩa là Cao Biền trong tay 2 kẻ chỉ dùng võ và một kẻ chỉ đoán mưu, nhưng lại kết hợp được với nhau, không như Cao Biền có cả hai, nên tự gây mâu thuẫn với cả hai giới và chết trong tay cả hai giới.
Thuyết khác, Cao Biền chết vì tuổi già sức yếu
Cao Biền chết tại đầm Môn
Trên sơn dưới thủy, trời chôn Cao Biền
Đầm Môn là Tên một thôn nay thuộc xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Theo truyền thuyết địa phương, Cao Biền cưỡi diều giấy đi yểm long mạch nước Nam, đến Phú Yên thì bị dân chúng bắn rơi xuống đất. Y định lội bộ về nước, nhưng tuổi cao sức yếu, chết tại đây.
Bước lên đèo Cả
Thấy mả ông Cao Biền
Có đôi chim hạc đang chuyền nhành mai.
Đèo Cả Một cái đèo thuộc dãy núi Đại Lãnh, ngăn giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Đèo có nhiều vòng cua nguy hiểm, một bên là tảng đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm. Trước kia, khu vực này là một nơi sản xuất trầm hương và kỳ nam nổi tiếng. Nay vẫn còn nhiều cây quý mọc tại đây như cẩm, thị, sao, chò, dầu, kiền kiền, và đát. Đèo Cả cùng với Vũng Rô tạo thành một bức tranh sơn thuỷ hữu tình, là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng cả nước.
Tuy đều thuộc Phú Yên nhưng đèo Cả, đầm Môn là hai vị trí khác nhau.
– Đầm Môn : Đầm là một dạng biền, là vị trí trũng nhưng môn lại là là cung lồi,
– Đèo Cả : Đèo Cả là đèo lớn, của núi cao, nhưng đèo là chỗ trũng xuống giữa các đỉnh núi liên tiếp, nhưng đèo lớn thì thường là vực sâu. Cho nên Đèo cả có thể là chỗ rất thấp giữa các núi rất cao
Vì môn ngược với đèo, đầm ngược với núi, nên Cao Biền đã chết ở Đàm Môn thì không chết được ở đèo Cả, hoặc là Cao Biền không chết ở hai chỗ này.
—o—o—o—
CAO BIỀN : KỲ TÀI hay TAY MƠ
Lấy chồng ghiền bằng ông tiên nho nhỏ
Trông vào ngọn đèn sáng tỏ hơn sao
Tay cầm tăm như Triệu Tử múa đao
Thân vắt vẻo như Khổng Minh xem sách
Tay luyện sái như Cao Biền luyện thạch
Hơn thở ra như Gia Cát cầu phong
Hết thuốc chạy rong như Tào Tháo bại trận Xích Bích!
Cao Biền là pháp sư cao tay, nhiều kỳ tài nhưng lại được biết đến nhiều nhất với một thất bại hết sức vớ vẩn gọi là “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”
Con nhạn xanh chắp cánh bay chuyền
Chồng em lẩy bẩy như Cao Biền dậy non
Sớm có chồng sao em muộn có con
Hẩm duyên xấu số em còn đứng không
Cao Biền có phép thuật “tản đậu thành binh.” Khi cần quân lính, Cao Biền chỉ gieo đậu vào đất, ủ kín một thời gian, đọc thần chú rồi mở ra, mỗi hạt đậu hóa thành một người lính. Có lần Cao Biền đọc thiếu thần chú, lúc mở ra những hạt đậu cũng thành binh nhưng còn non, chưa đủ sức nên đi lẩy bẩy.
Một truyền thuyết khác lại kể rằng: khi sang nước Nam để yểm bùa và triệt hạ long mạch, Cao Biền có nuôi 100 âm binh. Đến nước Nam, Cao Biền ở trọ nhà một bà hàng nước và nhờ bà mỗi ngày thắp một nén hương, gọi dậy một âm binh. 100 ngày thắp đủ 100 nén hương sẽ gọi dậy được 100 âm binh. Bà lão nước Nam đã phá âm mưu của Cao Biền, giả vờ quên, thắp cả 100 nén hương trong một ngày. Kết quả là 100 âm binh của Cao Biền đã dậy đủ nhưng mà dậy non, thiếu ngày nên chẳng hiệu quả gì.
—o—o—o—
CAO BIỀN BÊN TRONG MỖI CHÚNG TA
Cao Biền mặt khác là một cái tên đại diện cho một trạng thái bật tắt năng lượng lưỡng nghi bên trong một con người và bật tắt các mối quan hệ, gây ra mâu thuẫn bên trong và bên ngoài, thiếu trạng thái đồng
Trạng thái mâu thuẫn và bật tắt này thể hiện trong tên Cao Biền
– Biền là bãi lầy ở ven sông, khi thuỷ triều lên thì ngập nước. Biền là vị trí trũng, nước dưới thấp, gần đất. Cao lại có nghĩa ngược lại, thường mô tả cấu trúc lồi lên, dựng lên, gần trời.
– Biền cũng có nghĩa là bằng phẳng, bình thường. Như vậy đã Biền thì không thể Cao, đã Cao thì không thể Biền, còn nếu muốn vừa Cao vừa Biền thì hoặc là bất tắt có cái này hoặc có cái kia, hoặc triệt tiêu cả hai.
Cao Biền Nhuệ tức là mũi Cao Biền vì dòng sông Hồng ở khúc này uốn lượn gấp khúc thành mũi, bên bồi bên lở thành các bãi sông rộng (các châu). Đây cũng là khu vực có sự tích về Cao Biền đã đóng quân ở đây như ở làng Mỹ Ả (Đông Mỹ, Thanh Trì) và làng Kim Lan (Gia Lâm) nằm 2 bên bờ sông đều thờ Cao Biền. Đặc biệt ở Kim Lan người ta đã phát hiện ra di chỉ bãi Hàm Rồng với rất nhiều đồ gốm, tiền cổ (tiền Khai Nguyên thông bảo, Đại Hưng bình bảo và Thiên Phúc trấn bảo). Trong các di vật còn tìm thấy cả gạch Giang Tây quân, là loại gạch xây thành Đại La dưới thời Cao Biền. Mũi đất là vùng đất nhô ra, nổi lên, trong khi biền là vùng đất lõm vào, trũng xuống. Cao Biền Nhuệ là vùng đất rất đặc biệt vừa lồi vừa lõm, vừa thò vừa thụt như thế ở sông Hồng.
“Biền biệt” không luôn có nghĩa xa nhau ngàn dặm cho nên không gặp được nhau, mà có thể hai người ở ngay gần nhau, thậm chí ở cùng nhau, nhưng một người ở thì người kia đi, thế là chẳng gặp nhau bao giờ
“Võ biền” là có võ mà không có văn, còn “văn biền” có văn không có võ được gọi là “chỉ có võ mồm”, không có võ tay chân
Cao Biền chính là nghich lý mà nghịch lý nghĩa là Cao Biền. Cuộc đời của Cao Biền là cuộc đời nghịch lý. Người Việt có câu nói về nghịch lý là “trứng đòi khôn hơn vịt”, và nghich lý này liên quan đến “trứng sinh ra vịt, hay vịt sinh ra trứng”
Bài cao dao sau mô tả trạng thái mâu thuẫn, phân ly, bật tắt, có hai thứ nhưng không đồng thời, không đồng hành, có cái này thì mất cái kia, nghịch lý, không có đồng gọi là Cao Biền này
Cao Biền ơi hỡi Cao Biền
Biền cao chi lắm cho phiền lòng ta
Bức tường giăng cách ly xa,
Chàng nam thiếp bắc kêu la thấu trời
Tại sao lại có trạng thái này ? Vì trong Công Nguyên, trạng thái đồng mà cực kỳ mạnh trước đó, trong thời kỳ Hùng Vương đã bị suy.
Cái suy này là suy chung cho tất cả chúng ta, chứ chẳng phải chỉ cho mỗi Cao Biền hay ai đó có năng lượng dạng Cao Biền. Cao Biền thường được cho là nhân vật kỳ lạ, kỳ tài, kỳ quái, độc ác, lúc thế này lúc thế khác, nhưng trên đời này làm gì có ai lúc nào cũng nhất quán trước sau như một, làm cái gì đã thành công là thành công suốt, mà hầu hết chúng ta sẽ giống Cao Biền hơn chúng ta tưởng nhiều.
—o—o—o—
CAO BIỀN & THÀNH ĐẠI LA
– CAO BIỀN XÂY THÀNH ĐẠI LA
La Thành, khu vực huyện Long Biên
– Thành ban đầu do Trương Bá Nghi cho đắp từ năm Đại Lịch thứ 2 đời Đường Đại Tông (767),
– Năm Trinh Nguyên thứ 7 đời Đường Đức Tông (791), Triệu Xương đắp thêm.
– Đến năm Nguyên Hòa thứ 3 đời Đường Hiến Tông (808), Trương Chu lại sửa đắp lại.
– Năm Trường Khánh thứ 4 đời Đường Mục Tông (824), Lý Nguyên Hỷ dời phủ trị vào huyện Long Đỗ, Tô Lịch, đắp một cái thành nhỏ, gọi là La Thành, nhưng không thành công.
– Cao Biền (tri vì từ năm sau 866 đến năm 875) đã cho đắp lại to lớn hơn.
Trước Đai La, thành của Giao Châu là Tống Bình (thời Mai Hắc Đế và Phùng Hưng)
Theo sử cũ thì do Cao Biền cho đắp có
– chu vi 1.982,5 trượng (≈6,6 km);
– thành cao 2,6 trượng (≈8,67 m),
– chân thành rộng 2,5 trượng (≈8,33 m),
– nữ tường bốn mặt cao 5,5 thước (≈1,83 m),
– với 55 lầu vọng địch, 6 nơi úng môn, 3 hào nước, 34 đường đi.
Ông còn cho đắp đê vòng quanh ngoài thành
– dài 2.125,8 trượng (≈7,09 km),
– đê cao 1,5 trượng (≈5,00 m),
– chân đê rộng 2 trượng (≈6,66 m)
– làm hơn 400.000 gian nhà.
– CAO BIỀN & LONG ĐỖ
Hai cuốn sách cổ Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh tập đã ghi chép lại sự tích về thần Long Độ (Long Đỗ), trong đó nhắc đến đoạn với Cao Biền như sau:
Khi xưa, Cao Biền đời nhà Đường được cử sang cai trị Giao Châu, cho đắp thành Đại La. Một hôm, Biền đang vẩn vơ dạo ngoài cửa đông thành, bỗng thấy mưa to gió lớn, rồi một đám mây ngũ sắc bốc lên từ mặt đất, tụ lại ở trên không, tia sáng bốc lên chói mắt, khí trời trở nên lạnh lẽo. Giữa đám mây, thấy hiện ra một người “đầu đội mão xích hoa, thân mặc áo tử hà, xiêm là, giày đỏ, bay lượn ở trong mây mù, hương lạ thơm lừng, đàn sáo hợp tấu, lững lờ uyển chuyển, lúc thấp lúc cao, lâu ước độ hai khắc rồi bỗng nhiên tan mất”. Cao Biền kinh dị, cho là yêu quái. Đêm hôm ấy, Biền mộng thấy người gặp lúc ban ngày, đến bảo rằng: “Ta là Long Độ vương khí quân, thấy ông mở rộng kinh thành thì đến xem chơi, chớ có ngờ”. Biền tỉnh dậy than: “Ta không biết làm chính trị nên quỷ thần vượt mặt ta, sự này là điềm lành hay điểm gở?”. Có người khuyên Cao Biền dựng đền, đắp tượng thờ rồi lấy một nghìn cân sắt, đồng làm bùa trấn yểm, Biền làm y như vậy. Bỗng một trận cuồng phong nổi lên quật đổi cây to, tung đất, làm tất cả đồng sắt trấn yếm đều biến thành tro bụi. Biền than thở: “Ta phải về Bắc thôi”, sau quả nhiên như thế.
Ông là người sắc phong cho thần Long Đỗ làm Thành hoàng của Thành Đại La.
Lại có một sự tích khác hẳn vẫn về Long Đỗ và Cao Biền
Người ta truyền rằng, sau khi đã yên vị chức Tiết độ sứ ở An Nam, Cao Biền bèn cưỡi chim thần đi khắp nước Việt để xem hết các phúc địa. Hễ thấy chỗ đất nào có “long mạch” (chỗ đất tốt khi táng mồ mả ông bà vào đó thì con cháu sau này phát đế vương) thì dùng tà phép trấn yểm hết để người Việt mãi mãi không vùng lên được. Nào là chuyện vãi hạt đậu thành binh lính, nào là việc trồng cây, đào hào để phá long mạch.
Trong sách Việt Điện U Linh có một giai thoại kể rằng: Khi Cao Biền đang cho đắp thành Đại La thì thấy trời đất tối đen lại, một vị thần ngồi trên lưng rồng vàng lượn quanh thành mới đắp một vòng. Y rất là run sợ, vội đem vàng và đồng đúc thành một tượng theo hình dáng vị thần trong mơ rồi dùng bùa để trấn yểm. Đêm đó, Cao Biền nằm mơ thấy vị thần ấy nói rằng: Ta là thần Long Đỗ, tinh anh của khí thiêng sông núi nơi đây việc gì mà phải trấn yểm. Sáng hôm sau, Cao Biền sai người đi xem lại những chỗ đã trấn yểm thì thấy đồng sắt đều tan nát cả. Sau đó, Cao Biền sợ hãi lập đền Long Đỗ thờ thần ở trong thành.
Dân gian lại có một sự tích khác nữa vẫn về Long Đỗ và Cao Biền, lần này thần Long Đỗ khinh Cao Biền ra mặt vì cái trò trấn yểm tép riu của Cao Biền.
– CAO BIỀN & LÝ THÁI TỔ
Đến đời Lý Thái Tổ, khi vua dời đô về Đại La và đổi tên thành Thăng Long (1010), muốn mở rộng phủ thành nhưng đắp thành xong đều bị lở, bèn cử người tới cầu thần. Đêm đó, vua nằm mộng thấy thần đến chúc mừng rồi dặn nhà vua cứ theo dấu vó ngựa đắp. Có con ngựa trắng từ đền đi ra, đi theo hướng Tây, vòng về hướng Đông, trở về điểm xuất phát rồi biến vào đền. Nhà vua y lời thần, bèn cho đắp thành xây lũy theo vết chân ngựa để lại, xây đến đâu chắc đến đấy. Lý Thái Tổ sai tạc một con ngựa trắng để thờ và ban sắc phong cho thần làm Quốc đô Định bang Thành hoàng đại vương, tức Thành hoàng của cả thành Thăng Long. Ngôi đền này vì thế cũng được gọi là đền Bạch Mã.
Vì sự tích Cao Biên và Long Đỗ quá nổi tiếng, nên Cao Biền được cho là người cưỡi ngựa trắng trong Đền Bạch Mã, bên cạnh thần Long Đỗ, chính là Cao Biên, nhưng thực ra đó là thần Bạch Mã.
Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ có nhắc đến Cao Vương, là vị vua trị vì ở Thăng Long/Đại La trước Lý Thái Tổ với ý khen ngợi, trong khi chê vua Đinh và vua Lê. Như vậy, Cao Vương không được Lý Thái Tổ coi là thái thú Trung Quốc cử Việt Nam mà chính la vua Việt.
“Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh 5 lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương 3 lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà 2 nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.
Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương, ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”
—o—o—o—
CAO BIỀN & SỰ TÍCH LIỄU NGHỊ TRUYỀN THƯ (MẪU ĐỆ TAM)
– LIỄU NGHỊ TRUYỀN THƯ Ở CHÙA ÔNG SỘP, THANH MIỆN
Chùa Ông Sộp ở xã Tân Trào, Thanh Miện, Hải Dương, xưa là xã Ngọc Lạp, là nơi thờ đức thánh Liễu Nghị. Thần tích ở đây kể:
“Ngài là sao Liễu giáng sinh. Đức thánh phụ là Liễu Phong, đức thánh mẫu là Hán Thị Miên. Ngày học ông Hàn Tỉnh tiên sinh. Ngài có phép phù thủy, lúc bấy giờ ngài chưa đỗ, ngài đi chu du sơn thủy, gặp một người thiếu nữ kêu khóc ở trong rừng, vừa khóc vừa lậy nói rằng:
Thiếp là con gái vua Động Đình, bị giáng làm người dương thế, lấy Hồ Nghi người Kinh Diên, có vợ bé là Thị Chi. Thị Chi dụng tình làm thư giả nói với chồng là Hồ Nghi rằng thiếp có ngoại tình cho nên người chồng đem đày ở trong rừng này, bắt nuôi dê bao giờ dê đực đẻ mới được về. Thiếp xin viết 1 bức thư nhờ lang quân đem xuống Động Đình, cứ đi đến bên sông Hoàng Giang thấy có cây quất, lang quân đánh vào cây quất 3 tiếng tự nhiên ứng hiện.
Ngài đến bến sông Hoàng Giang cầm thư đánh vào cây quất, quả nhiên thấy đền đài lầu các, đền gọi là đền Hư Linh Đài, chỗ ăn, chỗ ở lạ khác dương trần, thấy vua Động Đình ngồi chỉnh tọa, tay cầm ngọc khuyên. Bấy giờ ngài dâng thư vào. Vua Động Đình xem thư sai Xích Lân Đại tướng đến chỗ sơn lâm đón con gái về, rồi mở tiệc yến. Vua Động Đình cho kết làm vợ chồng nhưng ngài không nghe, từ chối xin để sau này sẽ hay. Vua Động Đình tặng kim ngân châu ngọc cũng không lấy. Bấy giờ vua Động Đình sai Xích Lân Đại tướng tiễn ngài về dương trần. Lúc bấy giờ con gái vua Động Đình tiễn ngài ra ngoài Bích Vân cung, có cần lấy tay ngài đọc bài thơ lưu luyến.
Thiếp nay thoát khỏi kiếp chăn dê
Nhờ ơn sâu nặng báo Thủy Tề
Đức lớn biết bao giờ đền đáp
Nguyện đem tấm thân theo chàng về.
Ngài lại đọc một bài thơ rằng:
Bích Vân lời ấy xin nàng nhớ
Mãi với non cao cùng biển xanh
Một dải âm dương chia tách ngả
Chín trời mây nước mộng ba canh.
Thơ rồi đức bà về long cung, đức ông về dương thế.
Rồi đến đời vua Cao Tôn nhà Đường, ngài thi đỗ, làm quan Khu cơ mật viện. Đến niên hiệu Hàm Thông thứ 6, vua Đường Cao Tôn sai ông Cao Biền sang Nam Việt làm đô hộ đánh giặc Nam Chiếu. Ông Cao Biền thấy đức Liễu Nghị, ngài có anh tài kiêm tinh phù thủy pháp môn, tâu vua Đường cho Ngài làm Phó đô hộ Tướng sĩ. Vua Đường y cho. Ông Cao Biền cùng đức Liễu Nghị tiến binh sang Nam Việt bình được giặc Nam Chiếu lập đô ở Đại La thành.
Bấy giờ đức Liễu Nghị ra chơi bên sông Nhị Hà, thấy một người thiếu nữ nhan sắc rất đẹp, hình dung giống con gái vua Động Đình, tự xưng là Lư Thị lại nói rằng:
Thiếp là con gái vua Động Đình, trước bị nhục bởi Hồ Nghi nhờ có lang quân cứu cho. Nay thiếp tâu nhờ với vương phụ để tìm lang quân, sang đến nước Nam Việt này, xin hầu làm khuê phòng.
Đức Liễu Nghị mừng đón về thành. Thời bấy giờ Hải Dương, đạo Hồng Châu bị thủy nạn mất mùa. Ông Cao Biền bảo đức Liễu Nghị đi cứu. Đức Liễu Nghị ngài cùng đức thánh bà đến Hải Dương, Hồng Châu lập đàn trị thủy. Đức Liễu Nghị lập đàn ở xã Ngọc Lạp. Đức Thánh bà là Thủy tinh Công chúa, con gái vua Động Đình, lập đàn ở xã Nhữ Xá, viết thư xuống thủy cung, tự nhiên nước cạn.
Bấy giờ phụ lão xã Nhữ Xá, xã Ngọc Lạp đêm nằm mộng thấy đức thành hoàng của hai làng ấy báo rằng: có 2 vị chủ quan về, dân phải bái hạ. Bấy giờ dân đều tỉnh mộng làm lễ xin làm thần tử đức Liễu Nghị và đức Thủy Tiên.
Sau đức Thánh bà bảo đức Thánh ông rằng thiếp cùng lang quân thủy hỏa tương khắc tử tức khó thành, xin biệt cư. Đức Thánh bà ra tu ở chùa Nhữ Xá, đức Thánh ông tu ở chùa Ngọc Lạp. Cứ lệ 3 năm đức bà mang cho đức ông bộ mũ áo, hội ở chùa Nhữ Xá rồi có một ngày ông bà cùng ra chơi sông Nhị Hà, tự nhiên trời đất tối tăm, 2 ông bà cùng về Động Đình, thủy quốc vân hương. Chùa Ngọc Lạp phụng sự vị hiệu là Thủy phủ Đại đức long cung Liễu Nghị tôn thần. Chùa Nhữ Xá phụng sự vị Động Đình quân nữ Thủy tinh Công chúa”.
Liễu Nghị là một sĩ tử thi trượt, trên đường về gặp một thiếu phụ chăn dê xinh đẹp nhưng dáng vẻ tiều tụy. Người ấy nói rằng mình là con gái của Long vương ở hồ Động Đình, vốn lấy con trai thứ của Kinh Xuyên, nhưng bị bạc đãi, bắt đi chăn dê, nên muốn nhờ Liễu Nghị chuyển thư đến cho cha để báo tình cảnh của mình. Liễu Nghị đem thư xuống Long cung. Em trai Động Đình là Tiền Đường giận quá nên giết con trai của Kinh Xuyên, cứu cháu về, rồi định gả cho Liễu Nghị. Nghị từ chối, xin về, được Long vương ban cho nhiều vàng bạc châu báu. Rốt cuộc Liễu Nghị đến Quảng Lăng lấy vợ, nhưng hễ lần nào thành hôn xong vợ cũng chết. Con gái Long vương thấy vậy bèn nhớ lại việc tao ngộ xưa, muốn báo đáp bèn hóa làm người con gái xinh đẹp mà kết hôn với Liễu Nghị. Sau hai vợ chồng đều thành tiên.
Tại làng Vạn Chài Nghĩa Sơn bên dòng sông Lam thuộc xã Hưng Long huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An nay còn ngôi đền thờ Liễu Nghị Đại vương và Động Đình Thủy Tinh Công chúa.
Theo Tục thờ thần và thần tích Nghệ An của Ninh Viết Giao cho biết: Tên thần là Liễu Nghị, ngài đậu tiến sĩ. Khi vinh quy đi qua núi Bạt Sơn, ngài gặp công chúa Thủy Tinh. Thủy Tinh là con gái đầu của Long Vương ở hồ Động Đình đã kết duyên với Kính Xuyên. Kính Xuyên lấy thêm vợ hai Thảo Mai. Nàng Thảo Mai đem lòng ghen ghét đặt điều nói xấu vợ cả. Thủy Tinh bị Kính Xuyên hắt hủi, rồi lưu đày đến đất Bạt Sơn. Gặp Liễu Nghị nàng trao cho chàng một bức thư nhờ đưa đến Thủy phủ. Liễu Nghị nói từ hồ Động Đình đi Thủy phủ không có thuyền qua sông. Tức thì nàng đưa cho Liễu Nghị một chiếc kim thoa và dặn đi đến bến có cây Ngô đồng thì gõ ba tiếng, sẽ có đôi rắn to nổi lên mặt nước đưa chàng về Thủy phủ. Sau khi đọc bức thư biết hết sự tình, Long Vương liền sai Thái tử Xích Lân đến Bạt Sơn rước Thủy Tinh về Long cung và cho phép nàng được kết duyên cùng Liễu Nghị.
—o—o—o—
CAO BIỀN & VỢ
Cao Biền tuyệt đối không phải là nhân vật hư cấu khi cả ông và vợ ông đều được phong thần và được thờ ở nhiều nơi, với tích rõ ràng.
Bà tổ nghề dệt của làng lụa Vạn Phúc nổi tiếng ở Hà Đông, Hà Nội, Ả Lã Nàng Đê chính là vợ của Cao Biền. Mộ bà nằm bên bờ sông Nhuệ.
Ở trên có nói về việc ở sông Hồng có một nơi tên là Cao Biền Nhuệ, bởi vì “Nhuệ” và “Cao Biền” đúng là hai trạng thái đối xứng liên quan đến nhau, nhưng nhuệ có tính đồng lưỡng nghi trong Cao Biền có tính bật tắt lưỡng nghi). Dệt lụa là nghề có tính nhuệ, tính mộc. Ả Lã Nàng Đê chính là người có tính nhuệ, tính mộc đó, trong khi Cao Biền lại có tính Kim.
Ở Đình Nam Trì, có thờ Cao Biền cùng hai vị phu nhân họ Lã, là người Nam Trì.
Như vậy ở cả hai nơi, thì Cao Biền đều được cho là đã lấy vợ Việt, mang họ Lã.
—o—o—o—
CAO BIỀN – TÊN GIẶC PHÁP SƯ PHƯƠNG BẮC HAY VƯƠNG ĐƯỢC PHONG THẦN PHƯƠNG NAM ?
Cao Biền được thờ ở nhiều nơi, với thần tích và công lao rõ ràng. Vì tai tiếng quá lớn, nên một số nơi không dám thờ Cao Biền nữa hoặc thờ giấu thờ diếm, nhưng số điểm thờ Cao Biền vẫn còn rất nhiều.
Ví dụ, thần tích ở làng Nam Trì
“Theo sách sử ghi chép và dịch lại, năm 31 tuổi Cao Biền đã làm Tướng Quốc nhà Đường và được Đường vương sai làm quan đô hộ nước Nam ta. Cao Vương húy Biền từ khi phụng mệnh Đường vương đến nước Nam làm đô hộ bèn xây dựng thành Đại La (sau đổi gọi là Thăng Long, từ triều Lý bắt đầu đổi như thế) hiệu gọi là phủ Tĩnh Hải.
Cao Vương từ khi đến ở đất nước Nam nhàn du thiên hạ, xem khắp núi sông thấy nơi nào có đất tốt đều lập hành cung làm nơi dừng chân tổ chức yến ẩm (sau những nơi này đều lập đền thờ phụng ngài). Lúc đó ở đất Nam Trực có giặc Nam Chiếu (tức quân Ai Lao) hơn trăm vạn hùng binh gây loạn.
Lúc ấy Cao Vương cất binh thảo phạt, một ngày đi qua đền thờ hai ngài (Lang Công, Bảo Công) ở trang Nam Trì, huyện Thiên Thi, phủ Khoái Châu, xứ Sơn Nam thấy nhân dân và địa thế của đền thờ huy hoàng có nhiều cuộc đất quý (nơi nhân dân ở đều bằng phẳng vả lại có chân long tú khí, voi ngựa ẩn trong, rồng mây gặp gỡ, sao ra khỏi núi “Phượng Hoàng hàm thư” ở giữa cõi đất (Thư: là đất Bảo Tàng vậy) hai bên lớp lớp chầu về đền thờ).
Cao Vương biết đất ở đây ắt có thần linh bèn dừng chân ở đền thờ hai ngài trú ở đó một đêm. Lúc đó (ngày mồng 10 tháng 3), nhân dân (tức các giáp ở khu bốn trang Nam Tri) đều làm lễ bái mừng.
Đêm đó, Cao Vương nằm trong đền bèn khấn thầm rằng: “Nay ta dẫn binh thảo phạt giặc Nam Chiếu, thần có anh linh xin giúp đỡ nước nhà, thảo phạt quân giặc thành công ắt có phong tặng mĩ tự, nguyện sau này vua tôi cùng miếu thờ cùng chiếu há chẳng tốt đẹp lắm thay!”.
Vương khấn thầm xong đến nửa đêm ngài thiếp đi tựa mơ thấy hai ngài đường đường đầu đội mũ Bách Tinh rực rỡ, long bào ngọc giáp huy hoàng.
Một người cưỡi ngựa trắng cao hơn bảy thước, tay cầm Kim đao, một người cưỡi hổ vàng tay cầm Phủ việt. Cao Vương hỏi rằng: “Là danh tướng ở đâu đến?”.
Một ngài nói rằng: “Thần vốn là Trung thiên Bảo quốc”; một ngài nói rằng: “Thần vốn là Trung lang Tế thế đều là tướng lĩnh đại thần của nhà Triệu. Nay thấy ngài đi dẹp giặc chúng thần dám xin theo ngài đi chinh phạt ngầm phù giúp hai bên của ngài, chỉ xin ngài làm đúng như lời giao ước”.
Nói xong, Biền Công bỗng nhiên tỉnh lại biết đó là mộng báo bèn cho mời phụ lão và nhân dân (tức trang Nam Trì) đến nói rằng: “Nay ta phụng mệnh vua Đường sai đến nước Nam làm quan đô hộ, nay giặc Nam Chiếu dấy binh ta dẫn quân thảo phạt dẫn binh đi qua đất của nhân dân xem xét thế đất cũng có quý địa, đền thờ lập ở đúng huyệt “Phượng Hoàng hàm thư” (tức đền thờ hai ngài và quán công đồng, nơi đất tốt ắt nhân dân giàu có và nhiều người làm công hầu” (sau thành đất cấm).
Xong việc, Vương bèn cất quân đến thẳng nơi quân giặc đóng để thảo phạt, khi Vương cầm quân luôn thấy quân tướng của Bảo Công và Lang Công đi theo phù giúp ở hai bên mắt luôn thấy họ.
Đến nơi giặc đóng thì đánh một trận lớn trời đất bỗng tối sầm, sấm chớp dữ dội quân giặc thua chạy kẻ bị chém không đếm xuể. Một trận bình được giặc Vương bèn đưa quân về Ngọc Khê cung ngày hôm đó (ngày mồng 10 tháng 7), nhân dân làm lễ bái tạ, Vương bèn làm lễ bái tạ hai ngài tại công đồng quán.
Xong việc, Vương bèn bảo nhân dân rằng: “Quán cộng đồng này lấy làm đường chính, ở đền này ta cùng hai ngài tổ chức tiệc mừng, ta là người mở đầu muôn thuở không thay đổi. Ta từ khi phụng mệnh xuống đất Nam làm đô hộ vì có giặc Nam Chiếu nổi lên thành đại loạn, nhân dân lầm than do đó phải đích thân di dẹp yên chúng.
Duy chỉ đến đây xem xét thế đất và dân tình có nhiều điềm lành chung đúc thấy đất lập đền thờ biết có thần linh bèn vào trú binh một đêm.
Quả nhiên thấy hai vị xin theo giúp nước, xin làm tướng phù giúp hai bên có giao ước phối hưởng cùng chiếu tình cảm như huynh đệ, dẫu âm dương hai đường nhưng cùng chung một khí, tuy Nam – Bắc phân kỳ cũng là từ một trời mà ra. Nay ta kết làm vua tôi, huynh đệ cùng hưởng hương hỏa ngàn năm để tỏ rõ tiếng thơm muôn thuở chẳng mất của nước Nam”.
Nhân dân (tức khu hai Nam Trì) vâng mệnh, Vương bèn ban cho nhân dân vàng bạc để sau này sửa sang đền miếu và xây thêm các cung vọng và nơi tế tự để thờ riêng ngài ở đó (đền đó ở khu hai của Nam Trì và khu hai của Bảo Tàng và Đới Khê, Nam Trì và Bảo Tàng thờ hai vị, Đới Khê thờ Quốc vương Thiên tử).
Nói xong, Vương trở về đô phủ lại phá núi mở cảng biển để thông thương các nước. Từ đó thiên hạ thanh bình nhân dân no đủ giàu có đều đội ơn của Vương lớn tựa trời đất. Sau vua Đường lại triệu Vương về sai đi nhậm chức Thái thú ở nước Bình Châu, trải được mười năm đến ngày mồng 10 tháng 8 năm Quý Tị ngài hóa ở đất ấy.
Nước Nam đội ơn của Vương đều lập đền thờ phụng ngài đều tuân theo chữ ở tước hiệu là: Đô hộ mà thờ ngài (lúc ấy trang Nam Trì thờ hiệu ấy). Sau nhà Tống phong làm: Quốc vương Thiên tử Đại vương; thứ hai là: Trung thiên Bảo quốc Đại vương; thứ ba là Trung lang Tế thế Đại vương (lúc đó khu ba trang Nam Trì cùng thờ phụng ở đền chính là hội đồng quán, được thờ ở giữa và hai ngài hai bên ba khu cùng tế sau mới tách riêng).”
Tại sao Cao Biền bị coi là giặc phương Bắc sang đô hộ nước ta và chuyên đi trấn yểm nước Nam ? Trong nhóm “giặc phương Bắc”, mà thực ra là anh hùng và thần linh nước Việt này không chỉ có Cao Biền mà thực ra còn có
– Triệu Đà, vua Nam Việt,
– Lữ Gia, tướng Nam Việt mà cũng xưng vương
– Sĩ Nhiếp
– Hậu Lý Nam Đế tuy không xuất thân từ phương Bắc, nhưng bị chê bai vì dùng thủ đoạn như Triệu Đà và đầu hàng phương Bắc
Điều này xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc đơn sơ, hẹp hòi, không phân biệt người Việt theo dòng máu, mà phân biệt theo vùng miền, quốc gia. Cơ bản những người này, tuy là theo chủ nghĩa dân tộc nhưng lại không phân biệt được sự khác biệt giữa quốc gia và dân tộc. Những người có kiểu tư duy này, sau đó cũng lại chửi Gia Long và ca ngợi Quang Trung. Họ cũng mắc căn bệnh Cao Biền, cho rằng
– có cái này thì không thể có cái kia, ví dụ họ cho rằng những người sinh ra lớn lên và đến Việt Nam từ Trung Quốc thì không thể là người Việt, và với họ người đến từ phương Bắc thì nhất định là quân giặc còn người ở phương Nam thì nhất định là quân ta,
– là anh hùng và là vua thì nhất định là phải thế này, không được như thế kia…., nếu không thì không phải là anh hùng, không xứng đáng làm vua
Một điểm nữa là những người chửi hay sợ Cao Biền đa phần chẳng biết Cao Biền là ai. Họ cũng không phân biệt các thời kỳ khác hẳn nhau trong cái gọi là “Một nghìn năm Bắc thuộc”. Cao Biền sống ở đời Đường mà Nhà Đường là một dạng liên bang và nước Việt lúc đó giống như xứ tự trì và thái thú hay tiết độ sứ là vua xứ tự trị đó, chính vì thế, thời đó lãnh thổ Trung Quốc rộng hơn hẳn các thời khác, vì nó có là liên bang đa quốc, chứ không phải không phải quốc gia quân chủ tập quyền phong kiến tập trung. Nói chung đây vẫn là một khía cạnh khác của căn bệnh Cao Biền.